Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/10/2015

  • |
T5g.org.vn - Nhập viện sau khi ăn bánh mỳ; Bác sĩ không cười sẽ … đói?; Rút công bố 3 biệt dược gốc

Nhập viện sau khi ăn bánh mỳ

Liên tiếp trong 3 ngày từ 14 đến 16/10, Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới và Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới tiếp nhận 130 bệnh nhân có triệu chúng đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và co giật sau khi ăn bánh mỳ tại cơ sở sản xuất bánh mỳ Vương Tiến Thành tại 63 Trần Hưng Đạo, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ngày 14/10, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Bình đã lấy mẫu thực phẩm sử dụng tại tiệm bánh mì cũng như các mẫu thực phẩm lưu trong những ngày gần đây để phân tích. Đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh của cơ sở sản xuất bánh mỳ Vương Tiến Thành.

Được biết cơ sở sản xuất bánh mỳ Vương Tiến Thành có 5 điểm bán ở Đồng Hới, sau khi xảy ra vụ việc, phóng viên Tiền Phong đã đến các điểm bán trên để tìm hiểu nhưng tất cả đều đóng cửa.( Tiền phong trang 2)

 

Chống quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết: “Đẩy” ca nhẹ về tuyến dưới

“Muốn giảm tỷ lệ tử vong đối với các dịch bệnh lưu hành ở địa phương trước hết cần nâng cao chất lượng y tế ở tuyến cơ sở và không để quá tải ở tuyến trên”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói tại Hội nghị Tăng cường công tác chống dịch sốt xuất huyết (SXH) do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM chiều 16/10.

Quá tải vì bệnh nhẹ cũng vượt tuyến

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 46.000 trường hợp mắc SXH tại 54 tỉnh, thành phố làm 30 người tử vong tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam và miền Trung.

Theo ông Phu, năm 2015 số ca mắc SXH có xu hướng gia tăng so với năm 2014. “Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị hiệu quả trong khi tình hình đô thị hóa gia tăng, điều kiện vệ sinh môi trường kém, tăng chủng loại và số lượng phế thải, tập quán con người cũng thay đổi như trồng hoa kiểng, chậu cảnh trong nhà, vốn là nơi nương náu của lăng quăng nên dịch có cơ hội bùng phát. Hiện tượng Elnino, diễn biến thời tiết bất thường cũng khiến cho muỗi sinh sôi và gây bệnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tất cả trường hợp tử vong do SXH đều được chẩn đoán ở mức độ nặng, thường gặp ở lứa tuổi dưới 15, chiếm gần 77%. Tỷ lệ nhập viện muộn vẫn còn cao, chiếm khoảng 40%. Các bệnh nhân thường được điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện, xã, phòng khám tư nhân trước khi được chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, các ca đều trong tình trạng hôn mê và xuất huyết nặng nên xảy ra tình trạng tử vong ở tuyến tỉnh và T.Ư.

Bộ trưởng Tiến cho rằng, 80% các ca vừa nhập viện vì bệnh đều nhẹ. Do đó, người nhà không nên đưa người bệnh đến các cơ sở bệnh viện tuyến T.Ư để tránh tình trạng quá tải và tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Hiện nay đã có phác đồ điều trị SXH và các bệnh viện tuyến cơ sở đã được tiếp cận phác đồ này. “Vấn đề lây nhiễm chéo thật sự rất đáng lo ngại. Do đó, để giảm tỷ lệ tử vong SXH, chúng ta cần nâng cao chất lượng y tế cơ sở để giảm tải cho các bệnh viện tuyến T.Ư” - bà Tiến nói và chỉ đạo ngành y tế tăng cường tập huấn và cập nhật phác đồ điều trị bệnh thường xuyên cho các  bệnh viện tuyến cơ sở, những phòng khám, bệnh viện tư nhân.

Dân lơ là, chính quyền chưa quan tâm

Tại lễ phát động Chiến dịch mẫu diệt lăng quăng phòng SXH diễn ra sáng 16/10, tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện vẫn còn một số nơi ý thức của người dân còn chưa tốt trong việc tự bảo vệ sức khỏe của mình đối với dịch bệnh SXH. Đặc biệt ở ĐBSCL, người dân có thói quen chứa nước vào lu để trong bếp nhưng không có nắp đậy và không áp dụng các biện pháp phòng chống SXH. Chính vì vậy dù hàng năm ngành y tế đã thực hiện nhiều chiến dịch phun hóa chất diệt lăng quăng nhưng vẫn xuất hiện các ca mắc SXH. “Việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ có tác dụng diệt đàn muỗi trưởng thành trong thời gian ngắn, hiệu quả lâu dài là phải thường xuyên diệt lăng quăng và loại bỏ điều kiện để muỗi truyền bệnh SXH không sinh sản và phát triển được”- bà Tiến yêu cầu, đồng thời khuyến cáo người dân thường xuyên làm sạch dụng cụ chứa nước trong như bể nước, chum vại... đặc biệt các vật phế thải xung quang nhà có khả năng chứa nước mưa như vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ, mảnh gáo dừa, lốp xe, hốc cây bẹ lá…

Mặc dù việc phòng ngừa này là không khó, theo bà Tiến, công tác này trong thời gian qua tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đẩy mạnh, nhiều người dân còn lơ là, chủ quan, nhiều cấp chính quyền còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo. Bộ Y tế tổ chức chiến dịch mẫu diệt lăng quăng tại Bình Dương này với mô hình điển hình về chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH với sự tham gia của chính quyền, ban ngành đoàn thể và cộng đồng để quảng bá, tham mưu cho chính quyền các cấp khác triển khai rộng rãi.( Tiền phong trang 10, An ninh thủ đô trang 4)

 

Bác sĩ không cười sẽ … đói?

Báo NTNN số ra ngày 16.10 đưa ý kiến của đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, “tăng viện phí theo giá thị trường sẽ thay đổi quan điểm ban ơn của nhân viên y tế cũng như thái độ nhờ vả của người bệnh. Kết cấu giá dịch vụ y tế phải có cả chi phí nụ cười, lời nói ngọt”... Nên hiểu điều đó như thế nào?

“Tăng tiền mà tăng chất lượng cũng đáng”

Chị Minh Nguyệt (Tây Hồ, Hà Nội) vừa đi khám thai tại một bệnh viện (BV) tư quận Tây Hồ – nơi chị đăng ký khám bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu. Chị Nguyệt cho biết, BV tư nên giá cả nhiều dịch vụ chênh gấp 2-3 lần so với BV công. Chị chỉ được BHYT chi trả một phần theo giá “nhà nước”. “Tuy nhiên, “đắt xắt ra miếng” vì tôi vào viện đã có người đón tiếp, đưa tôi tới từng khoa phòng, cũng không phải chờ đợi lâu. Làm mẹ lần đầu nên tôi có vô vàn câu hỏi thắc mắc nhưng bác sĩ vẫn kiên nhẫn giải thích với thái độ nhã nhặn, vui vẻ. Trước đây, tôi đăng ký BHYT ở BV công nhưng chờ đợi lâu, bác sĩ cũng trả lời chỏng lỏn. Tôi nghĩ tiền đắt cũng đã bao gồm “nụ cười” trong thái độ phục vụ của họ. Nếu viện phí tăng mà người dân được  hưởng sự phục vụ chu đáo, an tâm như vậy thì thấy cũng đáng” - chị Nguyệt cho biết.

Theo ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), khi viện phí cộng thêm tiền lương thì Nhà nước sẽ không trả tiền cho nhân viên y tế như hiện nay nữa. BV sẽ tự thu tự chi. Giá thị trường thì BV cũng phải cạnh tranh thị trường. Nếu chất lượng khám chữa bệnh không tốt, thái độ phục vụ xấu thì không có bệnh nhân, bác sĩ  sẽ “đói” mà BV cũng có nguy cơ phải đóng cửa.

Bác sĩ phải thay đổi thái độ

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Hường – Phó Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội) nhận định, hiện nay, ngân sách nhà nước trả lương cho bác sĩ và theo đầu giường bệnh mà Nhà nước phân bổ. Nghĩa là dù BV ít bệnh nhân thì vẫn nhận lương, vẫn có tiền giường, tuy không giàu nhưng cũng không đến mức đói. Nhưng hiện nay, nếu BV không nâng cao chất lượng, không thu hút được bệnh nhân thì các bác sĩ sẽ thất nghiệp.

Theo bà Hường, một trong những phần quan trọng của nâng cao chất lượng chính là thái độ phục vụ. Nhân viên y tế ở mỗi vị trí phải biết cách đối xử với bệnh nhân cho phù hợp: Biết cười nhẹ nhàng khi đón tiếp; ân cần, quan tâm khi đối diện với sự đau đớn, mệt mỏi của bệnh nhân… “Trong BV có nhiều tình huống đau đớn, khổ sở mà nụ cười của bác sĩ lúc đó lại phản cảm. Dù thế nào, bác sĩ chỉ cần giúp bệnh nhân và người nhà cảm thấy sự cảm thông, nhiệt tình, quan tâm chu đáo là đủ” – bà Hường phân tích.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong xu hướng tăng viện phí, việc thay đổi, chấn chỉnh tác phong, thái độ đối với người bệnh, làm hài lòng người bệnh chính là sự tồn tại phát triển của đơn vị. Nếu cán bộ y tế nào không tự giác thay đổi, chỉ làm qua loa, chiếu lệ, không thực chất, không bền thì sẽ ảnh hưởng đến BV, dẫn tới hệ quả là mất khách hàng (người bênh), mất thu nhập, mất việc...( Nông thôn ngày nay trang 3)

 

Rút công bố 3 biệt dược gốc

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu rút 3 thuốc biệt dược gốc của Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam ra khỏi Danh mục thuốc biệt dược gốc đã được Bộ Y tế công bố.

 

Theo quyêt định của Bộ Y tế, lý do của việc rút công bố này là vì tiêu chuẩn chất lượng thuốc được công bố không thống nhất với tiêu chuẩn thuốc biệt dược gốc của nhà sáng chế. 3 loại thuốc gồm: thuốc No-spa, số đăng ký VD- 12043- 10, hàm lượng 40mg; Telfast BD, số đăng ký: VD- 19727-13 hàm lượng 60mg; Telfast HD, số đăng ký: VD- 19728-13, hàm lượng 180mg.( Nông thôn ngày nay trang 5)

 

Ngừng cung cấp 2 thuốc có hàm lượng lạ

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản thông báo tạm ngừng cung cấp và sử dụng 2 loại thuốc Piracetam, SongTaiSi. Đây là 2 loại thuốc nằm trong danh sách thuốc có hàm lượng lạ, dạng bào chế, dạng phối hợp ít có cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạm thời chưa thanh toán bảo hiểm y tế nhằm kiểm soát chặt chẽ chi phí thuốc…( Nông thôn ngày nay trang 5)

 

Bộ Y tế họp khẩn giảm quá tải ở bệnh viện nhi

ừ đây đến cuối năm 2015, tình hình dịch bệnh còn nhiều nguy cơ gia tăng, đặc biệt là sốt xuất huyết.

Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong khu vực còn phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm; diễn biến thời tiết thất thường, phức tạp; tốc độ đô thị hóa tăng ở các tỉnh phía Nam dẫn đến phát sinh nhiều ổ lăng quăng của muỗi tại các công trường xây dựng, khu vực nhà trọ, lán trại; người dân và chính quyền còn chủ quan...

PGS.TS Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - nhận định như trên tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm đường hô hấp do Bộ Y tế tổ chức chiều 16-10. Theo ông Phu, từ đầu năm 2015 đến nay cả nước có gần 47.000 ca mắc sốt huyết với 30 ca tử vong, đa số tập trung ở các tỉnh miền Nam, miền Trung.

Số mắc bệnh và tử vong do sốt xuất huyết đều tăng hơn cùng kỳ năm 2014. TP.HCM là địa phương có số ca mắc cao nhất nước (11.413 ca) nhưng Khánh Hòa lại “dẫn đầu” tỉ lệ người mắc trên 100.000 dân (hơn 233 ca bệnh/100.000 dân).

Riêng bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay có gần 36.800 ca mắc (5 ca tử vong), giảm mạnh số mắc so với cùng kỳ 2014 (58.811 ca). Một số bệnh dịch khác như sốt rét, bệnh dại, viêm não, sởi tuy giảm nhiều nhưng vẫn có 76 ca tử vong vì các bệnh này.

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói đây là cuộc họp khẩn bàn biện pháp giảm mắc, giảm tử vong và giảm quá tải cho ba bệnh viện nhi ở TP.HCM và Hà Nội. Bà Kim Tiến đề nghị các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết.( Tuổi trẻ trang 8)

 

Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm cấp xã, phường

Hôm qua, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận và phường tại Hà Nội và TP.HCM…(Thanh niên trang 2)

 

Hơn 50 công nhân bị ngộ độc thực phẩm

Ngày 16.10, Trung tâm y tế H.Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết đã tiếp nhận hơn 50 ca ngộ độc thực phẩm đến từ Công ty TNHH MTV Wondo Vina (Hàn Quốc) với các triệu chứng nôn ói, đau bụng, chóng mặt…

Theo các công nhân đang nằm điều trị tại Trung tâm y tế huyện Chợ Gạo, trưa 15-10 họ ăn cơm với trứng chiên (có thịt bằm), canh đu đủ, bắp cải luộc và cá.

Đến khoảng 18g chiều cùng ngày, các công nhân tăng ca thì được ăn thêm bún riêu, sau đó một số công nhân có dấu hiệu đau bụng, nông ói.( Thanh niên trang 2)

 

Mang âm nhạc đến bệnh viện

Chiều ngày 16/10, tân quán quân Vietnam Idol 2015 Đức Phúc đã mang âm nhạc đến bệnh viện K, cơ sở 3 tại số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.

Đồng hành cùng Đức Phúc là các gương mặt nghệ sĩ: Bùi Thu Huyền, Thái Thùy Linh, Quốc Huy, Thu Thủy - Minh Thế, liền anh liền chị quan họ Tô Minh Cường - Trang Nhung, MC Hoàng Nam, ảo thuật gia Duy Nguyễn, các em nhỏ tới từ CLB Taca Emca…( An ninh thủ đô trang 8)

 

Ngành Y tế đạt nhiều thành quả từ ứng dụng năng lượng nguyên tử

Ngày 16/10, Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn 2006 - 2015 thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hòa bình đến năm 2020. Trong 10 năm thực hiện chiến lược, nhiều kết quả quan trọng đã được ghi nhận…( Hà Nội mới trang 5)

 

Khám sàng lọc miễn phí ung thứ vú cho 12.000 phụ nữ

Sáng 16-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng đã phát động chiến dịch "Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40".

Theo Bộ Y tế, ở Việt Nam mỗi năm ước tính có khoảng 11.000 ca ung thư vú mới và hơn 4.500 người tử vong vì căn bệnh này. Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh tới hơn 80%, ở giai đoạn 2, tỷ lệ này sẽ là hơn 60%. Tuy nhiên, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi thấp và đến giai đoạn 4 thì thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn. Vì vậy, việc sàng lọc phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng. Trong chiến dịch tầm soát ung thư vú, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư sẽ phối hợp với hệ thống các bệnh viện có chuyên khoa ung thư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh triển khai khám sàng lọc miễn phí ung thư vú cho 12.000 phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Để đăng ký tầm soát miễn phí, phụ nữ từ 40 tuổi trở lên có thể đăng ký tại website của chương trình www.tam soatungthuvu.vn hoặc gọi điện đến hotline 0913936658 (tại Hà Nội); 08.39112011 (tại TP Hồ Chí Minh).( Hà Nội mới trang 5)

 

Nhiều trẻ nhỏ bị bỏng do “ bình siêu tốc”

Mỗi ngày, Khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận nhiều trẻ bị bỏng nước sôi, trong đó có số lượng không nhỏ trẻ bị bỏng liên quan tới “bình siêu tốc”.

Con số bệnh nhân nhập viện trong tình huống này đang có dấu hiệu tăng mạnh. Đặc biệt, bệnh viện vừa mới tiếp nhận bệnh nhân là trẻ vừa chập chững biết đi bị bỏng nửa người vì tự xả vòi nước nóng.

Lúc11h ngày 16/10, Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đông người nhà bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân kèm theo một hoặc 2 người chăm sóc. Chị Nguyễn Thị T, ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) ẵm cháu Nguyễn Q.A 9 tháng tuổi, hai chân băng kín bông băng. Khuôn mặt người mẹ đầy lo lắng. Đã qua 5 ngày điều trị, bệnh tình của cháu Q.A đã tiến triển tốt, nhưng gia đình vẫn như còn nguyên cảm giác “choáng” khi sự việc xảy ra với bé Q.A.

Chị T kể lại: Khoảng 13h, ngày 12/10, trong lúc chị đi lấy bình sữa, cháu Q.A lồm ngồm bò tới gần chiếc bình đun nước siêu tốc. Chiếc bình đổ ập xuống. Cháu Q.A khóc ré lên. “Lúc ấy, tôi chỉ còn biết cách gọi hàng xóm, đưa cháu vào viện cấp cứu mà thôi”. Cúi xuống nhìn con, nước mắt ngân ngấn, giọng chị nghẹn ngào: “Cháu còn đau rát lắm…”.

Trò chuyện với các bác sĩ đang tận tình chăm sóc cháu Q.A ở đây, chúng tôi được biết, cháu nhập viện vào lúc 14h30 ngày 12/10 trong tình trạng bỏng rát hai chân, diện tích 20% cơ thể. Do bỏng nặng nên lúc đầu nhập viện, các bác sĩ phải tích cực điều trị, tiêm thuốc giảm đau, chống nhiễm khuẩn…

Giường bệnh bên cạnh, bé Linh Giang ở quận Long Biên, Hà Nội cũng bị bỏng hai cánh tay quấn bông trắng muốt, bàn chân phải cũng bị bó lại. “Thủ phạm” gây bỏng cho bé cũng là “bình siêu tốc”.

Chiều qua, trong lúc chờ nước sôi để tắm cho con, chị tranh thủ giặt mấy bộ quần áo. Bé Giang đứng trong xe tập đi loanh quanh thế nào lại với phải chiếc ấm đang đun nước trên bệ bếp. Bình nước đổ xuống, rơi vào hai cánh tay bé. May mà có chiếc xe tập đi che bớt phần cơ thể nên nó chỉ gây bỏng thêm ở bàn chân phải. Nghe tiếng thét của bé, chị chạy ra, hiểu ngay nguồn cơn tai họa và nhắc bé đặt vào cả chậu nước lạnh. Rồi chị quấn bé vào chiếc khăn, ôm con đến viện.

Một trường hợp khác, bé Nguyễn Thế Bảo 11 tháng cũng ở quận Long Biên, Hà Nội nhập viện ngày 12/10 vì bị bỏng 15% diện tích cơ thể ở mặt, ngực, tay. Hồ sơ bệnh án của bé ghi rõ rằng bé nghịch vòi nước nóng, bị nước xối vào người. Để con tự nghịch nước một mình trong nhà tắm – đây là tình huống có thể xảy ra với bất cứ đứa trẻ nào khi nhà tắm có bình nước nóng.

Trao đổi với PV Báo CAND, bác sĩ Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, những trường hợp trên chỉ là điển hình trong số 20 trường hợp trẻ đang phải tích cực điều trị tại Khoa do đã sờ, quờ vào các thiết bị - vật dụng chứa nước nóng. Các trường hợp này nhẹ thì bị bỏng tay, bỏng chân… còn nặng thì bỏng cả cơ thể.

Cũng theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, từ năm 2014, Khoa tiếp nhận và điều trị cho gần 1.000 trường hợp trẻ bị tai nạn bỏng chiếm khoảng 50% tổng số ca bỏng nhập viện.

Điều đáng lưu ý là có nhiều trường hợp do các gia đình thiếu nhận thức, khi thấy con em mình bị bỏng đã tìm tới các “lang băm”, “lang vườn” để đắp thuốc nam cứu chữa.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, không thể phủ nhận tác dụng của các bài thuốc y học dân tộc, thế nhưng việc người bệnh tự tìm đến các “lang băm”, “lang vườn” để chữa bệnh theo các phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng thì thật đáng lo ngại, nhất là đối với trẻ nhỏ - lứa tuổi mà tế bào da còn mỏng. Điển hình như trường hợp của cháu Nguyễn Thùy D, ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đang phải nằm điều trị tại Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội là một ví dụ.

Chị Nguyễn Thị L đang chăm sóc D tại bệnh viện kể lại, trưa 1/10, khi thấy cháu D con chị bị bỏng hai tay do quờ vào bình đun nước nóng siêu tốc, gia đình chị đã tìm đến nhà lang vườn tên Đ, ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để điều trị. Tại đây, Đ đã đắp thuốc nam lên hai cánh tay của cháu D. Mấy ngày sau, vết bỏng không những không khỏi, cháu D còn bị sốt, bỏ ăn.

Lo lắng trước bệnh tình của cháu D, ngày 6/10, gia đình chị L đã đưa cháu D đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội thăm khám. Lúc này, gia đình chị hoảng hồn khi được các bác sĩ cho biết, cháu bị nhiễm trùng vết bỏng. Rất may sau đó, dưới sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ, vết bỏng của cháu D được chữa trị. Và chỉ còn ít ngày nữa, cháu D sẽ được xuất viện.

Tai nạn bỏng ở trẻ thật khôn lường. Vậy làm gì để những trường hợp tai nạn tương tự được ngăn chặn, theo bác sĩ Nguyễn Thống, trước hết các bậc phụ huynh cần theo dõi và kèm sát trẻ nhỏ đang tuổi bò, chập chững đi. Không để trẻ nằm, chơi ở khu vực có để thiết bị đựng, đun nước nóng. Đồng thời, kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm, thiết bị sinh hoạt có chứa nước nóng; nhắc nhở trẻ về các cách phòng ngừa tai nạn bỏng.( Công an nhân dân trang 7)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang