Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/1/2016

  • |
T5g.org.vn - Khó bắt “ma” trên thị trường dược phẩm; Thay van tim không cần mổ lồng ngực; Tiềm ẩn nguy cơ ở bếp ăn bán trú trường học…

Khó bắt “ma” trên thị trường dược phẩm

Đầu năm 2016,  vụ phát hiện hơn 500.000 đơn vị thuốc các loại hết date được tẩy, xóa, sửa date để bán cho người bệnh ở Hà Nội khiến dư luận hết sức lo lắng về chất lượng thuốc tại các nhà thuốc. Tuy nhiên, không phải đến khi việc này được phát hiện, người ta mới biết mà trên thực tế, tình trạng thuốc tẩy date quay vòng, thuốc sai về hàm lượng, thuốc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc... đã tồn tại từ lâu trên thị trường dược phẩm.

Liên tiếp các vi phạm nghiêm trọng

Trong số hơn 500.000 đơn vị thuốc hết date vừa bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện có đủ mọi loại từ kháng sinh, thuốc thần kinh, đển cả thuốc cai nghiện... Và không thể ngờ được rằng thủ đoạn “tân trang” các loại thuốc này lại hết sức đơn giản. Thuốc đóng trong hộp giấy sẽ được tẩy, xóa rồi in date mới hoặc sửa date; thuốc dạng viên nén đóng bao phim in date bằng dấu chìm được cắt góc khiến người mua không thể biết còn hạn hay không...

Đến thời điểm này người dân chưa thể quên vụ việc thu hồi thuốc gây xôn xao dư luận tháng 9-2015, đó là 6 loại thuốc của Công ty Sanofi - Aventis Việt Nam đã bị rút đăng ký và tạm dừng lưu hành. Đáng chú ý, các loại thuốc của Sanofi bị rút số đăng ký lưu hành tại Việt Nam đều là thuốc có uy tín trên thị trường, được nhiều người sử dụng. Trong đó, Telfast là thuốc thường được chỉ định cho những trường hợp viêm mũi dị ứng, mề đay. Telfast là thuốc ngoại (Pháp) nhưng có giá hợp lý nên các bác sỹ thường ưu tiên kê thuốc này cho bệnh nhân, đến khi nghe tin thuốc này bị tạm ngưng lưu hành có rất nhiều bác sĩ đã rất bất ngờ.

Tháng 4-2015, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế đã phát hiện 2 công ty là Austin Pharma Specialties Company có địa chỉ tại Hồng Kông (Trung Quốc) và CSPC Innovation Pharmaceutical Company có địa chỉ tại Trung Quốc kinh doanh nguyên liệu Omeprazol, Pantoprazol (dùng để bào chế thuốc chữa các bệnh đường tiêu hóa) không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài việc phạt 2 công ty này mức phạt hành chính ở mức cao nhất là 160 triệu đồng thì cơ quan chức năng cũng đã ra quyết định rút toàn bộ số đăng ký thuốc do 2 công ty này đứng tên ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Kẽ hở kiểm nghiệm thuốc

Thực tế kiểm tra cho thấy, thuốc đang lưu hành trên thị trường “đột nhiên” bị cơ quan chức năng ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi có đủ loại, từ kháng sinh, kháng viêm đến trị tiểu đường, lao, dạ dày, viêm khớp... Thống kê mới nhất của Cục Quản lý Dược cho thấy, tỉ lệ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đang có xu hướng giảm. Năm 2013, có 186/39.482 mẫu thuốc được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng, tương đương 3,34%. Con số này giảm xuống 2,71% trong năm 2014 và 2,3% năm 2015. Ghi nhận của Cục Quản lý Dược cũng chỉ ra, trong 3 năm trở lại đây, số thuốc kém chất lượng phải thu hồi cũng giảm.

Cụ thể, năm 2013 có 62 loại phải thu hồi (50 loại nhập khẩu, 12 loại thuốc nội); năm 2014 giảm xuống còn 41 loại (30-11); năm 2015 có 40 loại (27-13). Theo số liệu thống kê thì có vẻ không đáng lo nhưng các chuyên gia trong ngành Dược lại cho rằng, tỉ lệ thuốc kém chất lượng và thuốc giả phát hiện được ngày càng giảm chưa chắc đã là điều đáng mừng. Bởi, với năng lực kiểm soát còn rất hạn chế, nhất là trong khâu kiểm nghiệm chất lượng thuốc thì những gì cơ quan chức năng phát hiện được mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Cục Quản lý Dược cho biết, hệ thống kiểm nghiệm thuốc hiện có 3 Viện Trung ương; 62 trung tâm thuộc tỉnh, thành phố và 3 đơn vị độc lập. Song chính Cục Quản lý Dược cũng thừa nhận, hệ thống kiểm nghiệm thuốc được đầu tư dàn trải, năng lực kiểm nghiệm thuốc còn hạn chế. Nhận định tương tự, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Hiện nay, Việt Nam gần như chỉ cấp số đăng ký cấp phép trên hồ sơ và không thể kiểm soát 100% chất lượng của thuốc đưa ra thị trường”.

Cũng rất lo lắng trước thực trạng này, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc kiểm nghiệm trước khi cho phép lưu hành là công đoạn rất quan trọng để đảm bảo thuốc đến tay người dân an toàn và đầy đủ hiệu quả khi sử dụng. Do đó, nếu chỉ áp dụng khâu này với một số loại thuốc là không ổn.

Bác sĩ Nguyễn Thu Anh cảnh báo: “Nếu không siết chặt sẽ ra tạo kẽ  hở cho các công ty nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thuốc lách luật và sẽ cho lưu hành tràn lan các loại thuốc không đảm bảo chất lượng”. Bác sĩ Nguyễn Thu Anh đề nghị, phải quy định kiểm nghiệm dược đối với tất cả các loại thuốc nhập khẩu và sản xuất trong nước trước khi được lưu hành. Không thể để tình trạng các doanh nghiệp muốn nhập khẩu thuốc vào Việt Nam bao nhiêu cũng được mà không cần biết chất lượng có đảm bảo hay không.

“Chưa ai bị phạt vì có đến kiểm tra đâu”

Khó “bắt tận tay, day tận trán” những “bóng ma” trên thị trường dược phẩm đã đành, ngay cả việc xử lý các vụ việc đã phát hiện được cũng là điều khiến dư luận băn khoăn, lo lắng, trong đó, gây bức xúc nhất là việc thu hồi thuốc kém chất lượng còn mang tính hình thức. Về nguyên tắc, khi thuốc sắp hết date, các cửa hàng thuốc phải thông báo trước nhiều tháng cho doanh nghiệp cung cấp. Nếu quá thời hạn quy định mà nhà cung cấp không tới lấy, cửa hàng có quyền tiêu hủy. Tuy nhiên, nhà cung cấp luôn muốn kéo dài thời gian tiêu thụ các loại thuốc để giảm chi phí thu hồi và tiêu hủy.

Các nhà thuốc cũng thừa nhận, thông tin yêu cầu thu hồi thuốc kém chất lượng từ cơ quan quản lý cũng chỉ để... biết bởi thuốc đã bán cho người tiêu dùng rồi thì biết tìm họ ở đâu để thu hồi (!?). Chủ một hiệu thuốc trên đường Giải Phóng (Hà Nội) cho biết: “Không có nhà thuốc nào lưu địa chỉ hoặc số điện thoại của khách hàng. Do đó, khi có yêu cầu phải thu hồi thuốc kém chất lượng, dù nhà thuốc có muốn cũng không biết tìm khách hàng ở đâu để thông báo.

Thêm vào đó, việc thu hồi thuốc phải do nhà phân phối thực hiện chứ nhà thuốc lấy quyền gì mà thu hồi... Có những loại thuốc đã có yêu cầu thu hồi nhưng đôi khi nhân viên nhà thuốc chưa kịp cập nhật nên vẫn tiếp tục bán ra. Tôi cũng chưa thấy ai bị phạt vì có ai đến kiểm tra đâu. Ngay cả doanh nghiệp cung cấp cũng “câu giờ”, chẳng vội vã gì với thuốc phải thu hồi bởi càng làm nhanh thì họ càng thiệt.

Các chuyên gia trong ngành Dược cho rằng, để trị bệnh hình thức trong khâu thu hồi thuốc kém chất lượng, quá trình này bắt buộc phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước có thầm quyền. Cùng đó, cần quy định rõ thời gian thực hiện thu hồi thuốc, tránh việc kéo dài thời gian, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh tẩu tán thuốc. Phải có chế tài thật nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với hành vi chậm thực hiện hoặc cố tình không thu hồi thuốc kém chất lượng của nhà cung cấp.

Đặc biệt, để hạn chế tổn thất về chi phí, sức khỏe của người dân, cần bổ sung quy định về trách nhiệm công bố công khai việc thu hồi thuốc kém chất lượng cũng như lệnh cấm lưu hành trên thị trường đối với doanh nghiệp phân phối, nhà thuốc. Bác sĩ Nguyễn Thu Anh đề nghị: “Bộ Y tế phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể tiếp cận thông tin thu hồi thuốc nhanh hơn, góp phần hạn chế tối đa tác hại nguy hiểm của thuốc kém chất lượng”.( An ninh thủ đô trang 5)

Thay van tim không cần mổ lồng ngực

Ngày 16-1, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết Trung tâm Tim mạch của bệnh viện vừa thực hiện thành công hai ca thay van tim bằng kỹ thuật mới TAVI.

Theo Bệnh viện Đại học Y dược TP, ông T.S.C. (81 tuổi, TP.HCM) nhập viện vì khó thở, thường xuyên bị nặng ngực do hẹp van tim nặng dẫn đến suy tim độ III. Ngoài ra ông C. còn bị tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy thận.

Còn bà bà L.T.K. (78 tuổi, Gia Lai) nhập viện trong tình trạng hẹp khít van tim do vôi hóa, van tim của bà chỉ có hai mảnh (bình thường ba mảnh) đã ba năm nay.

Sau khi được các bác sĩ thay van tim qua ống thông, sức khỏe của cả hai bệnh nhân đã hồi phục tốt, mọi dấu hiệu hoạt động của tim qua siêu âm, điện tim đều trở về mức bình thường.

Theo Bệnh viện Đại học Y dược TP, TAVI có lợi cho những người bệnh van tim lớn tuổi, bị nhiều bệnh lý khác (phổi, thận, gan) đi kèm, không chịu đựng được cuộc mổ lớn theo phương pháp thông thường.

Với phương pháp này, bác sĩ chỉ cần đưa dụng cụ (trong ống thông) vào cơ thể bệnh nhân qua một mạch máu lớn từ đùi đến chỗ van tim bị hẹp, đến đây van nhân tạo sẽ bung ra với hình dạng cũ và hoạt động như một van tim bình thường.(  Tuổi trẻ trang 6)

Tiềm ẩn nguy cơ ở bếp ăn bán trú trường học

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mới đây qua kiểm tra bất ngờ tại 42 bếp ăn tập thể trong trường học ở 30 quận huyện, có 10% có sai sót.

Những sai sót liên quan đến nguồn gốc thực phẩm chưa rõ ràng, cơ sở vật chất bếp ăn chưa đảm bảo.

Rạng sáng 14-1 vừa qua, các cơ quan hữu quan đã phát hiện Công ty cổ phần rau củ Trung Thành (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) đang giao rau không rõ nguồn gốc cho 7 trường học tại quận Tây Hồ. Thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc lô hàng.

Ông Lê Hồng Vũ, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, thừa nhận sự việc xảy ra cũng bộc lộ kẽ hở trong việc kiểm soát nguồn thực phẩm đưa vào bếp ăn trường học, vì nếu chỉ căn cứ trên giấy tờ thì công ty nào cũng đầy đủ.

Kẽ hở được nhắc đến ở quận Tây Hồ cũng là điểm chung bộc lộ ở nhiều bếp ăn bán trú khác trên địa bàn Hà Nội. Theo số liệu của đoàn kiểm tra liên ngành cuối năm ngoái, hầu hết các trường được kiểm tra đều có đủ thiết bị bảo quản, sơ chế thực phẩm, các trường đều ký hợp đồng với các cơ sở có tư cách pháp nhân cung cấp thực phẩm, sử dụng nước đóng bình cho trẻ uống trong thời gian ở trường...

Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ tiềm ẩn mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể là vẫn còn gần 12% số trường giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đã hết hạn đang làm thủ tục xin cấp lại, gần 12% các trường nhân viên chưa có phiếu khám sức khỏe theo quy định, giấy tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm đã hết hạn...

10-12% các trường chưa xuất trình được hóa đơn nguồn gốc thực phẩm rau, thịt các loại, 7% cơ sở chưa xuất trình giấy kiểm dịch thú y, thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia cầm. Đối với thực phẩm đóng gói sẵn, còn hơn 20% bếp ăn trong nhà trường ở Hà Nội chưa lưu hồ sơ công bố sản phẩm của nhà cung cấp, phiếu kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, gần 24% các trường chưa xuất trình được phiếu kiểm nghiệm định kỳ nước nguồn.

Chị Trần Thị Thu Huyền ở khu đô thị Pháp Vân, Hà Nội, có con 5 tuổi đang học trường mầm non công lập trong khu vực, cho biết mấy ngày nay rất lo lắng khi nghe thông tin thực phẩm không rõ nguồn gốc tuồn vào bếp ăn trường học. “Có vài lần tôi xuống bếp của trường con tôi để xem họ làm ra sao, thấy cũng sạch sẽ nhưng làm sao kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm ấy”- chị Huyền than.

Ngoại trừ kiểm nghiệm của thành phố Hà Nội, một kết quả kiểm tra gần đây của cơ quan kiểm nghiệm thuộc Bộ Y tế đối với thực phẩm trong nhà trường ở Hà Nội đã cho những kết quả đáng ngại.

Có đến trên 20% số mẫu thực phẩm được kiểm tra đột xuất tại 3 trường học ở Hà Nội nhiễm vi sinh. Tuy nhiên các trường hầu như không cho phép đoàn kiểm tra đột xuất, đoàn đến cổng trường rồi nhưng trường cũng không cho vào mà yêu cầu kiểm tra có báo trước.

“Khi kiểm tra có báo trước thì kết quả an toàn hơn nhiều, nhưng chúng tôi không tin tưởng kết quả kiểm tra đó mà cho rằng kiểm tra đột xuất kết quả chính xác hơn. Năm ngoái UBND thành phố Hà Nội cũng rất muốn kiểm tra thực trạng bếp ăn trường học, họ đã dành kinh phí cho kiểm nghiệm nhưng vì các trường không cho đoàn vào kiểm tra nên kinh phí vẫn còn thừa”- đại diện cơ quan kiểm nghiệm này cho biết.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 1.400 trường học có bếp ăn tập thể, với 1,4 triệu suất ăn/ngày, trong đó có gần 1.100 trường tự nấu ăn, trên 320 trường ký hợp đồng với cơ sở dịch vụ ăn uống có giấy đăng ký kinh doanh.(  Tuổi trẻ trang 6)

Khánh thành trung tâm ung bướu hiện đại bậc nhất Việt Nam

Ngày 16/1, Bệnh viện T.Ư Huế đưa vào sử dụng tòa nhà Trung tâm Ung bướu Huế cao 7 tầng và hoàn tất nâng cấp hệ thống trang thiết bị y tế cho trung tâm này.

Trung tâm gồm các khu chức năng: khám bệnh, thăm dò chẩn đoán, phẫu trị, xạ trị, hóa trị liệu, y học hạt nhân, khu chăm sóc và giảm nhẹ triệu chứng. Riêng hệ thống trang thiết bị y tế được nâng cấp có tổng trị giá 17 triệu Euro từ nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Áo (trong đó 35% viện trợ không hoàn lại). Công trình có tổng đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, quy mô 300 giường bệnh, hoạt động điều trị theo tiêu chuẩn khép kín, đồng bộ và hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Tại lễ khánh thành Trung tâm Ung bướu Huế, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đồng ý cho Bệnh viện T.Ư Huế đầu tư xây dựng thêm Trung tâm Sản phụ khoa quy mô 300 giường bệnh, tổng đầu tư 300 tỷ đồng.( Tiền phong trang 2)

Mong manh phận đời tan máu bẩm sinh

Thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, hàng nghìn em nhỏ mắc những căn bệnh quái ác về máu sớm phải gắn liền với kim tiêm, dây truyền thuốc và những lần tiếp máu để duy trì sự sống. Nhiều em phải trải qua khoảng thời gian chờ máu dài đằng đẵng, trong khi cơn đau không ngừng hành hạ...

Giường bệnh là nhà

Chúng tôi trở lại khu điều trị của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư vào một sáng mùa đông lạnh giá. Dọc theo những hành lang gạch men dài hun hút là những căn phòng nêm chặt bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh nhi còn rất nhỏ tuổi. Tiếng cười, tiếng khóc, rồi sự hiếu động của những đứa trẻ mặc quần áo bệnh nhân đầu trọc lốc vì truyền hóa chất, tay gắn kim tiêm to tướng, dây truyền thuốc... khiến lòng chúng tôi nôn nao.

Bắt chuyến xe từ Cao Bằng về Hà Nội từ đêm hôm trước, anh Lương Văn Dũng người dân tộc Tày đưa con gái đầu lòng Lương Thị Hoàng Hà hơn 4 tuổi nhập viện từ sáng sớm. Từ khi phát hiện con gái mắc bệnh tan máu bẩm sinh hồi tháng 5/2015 đến nay, hai bố con anh Dũng đã quen với những chuyến xe đêm đường dài. Thời gian đầu, bố con anh Dũng định kỳ mỗi tháng một lần và nay là hai tháng một lần xuống Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư để truyền máu và thuốc, mỗi lần khoảng 4 ngày. Khi vợ mang thai đứa con thứ hai, anh Dũng càng lo lắng hơn. “Theo các bác sỹ tư vấn, thời gian tới, vợ mình sẽ xuống Viện để chọc ối kiểm tra xem cháu thứ hai có nguy cơ mắc bệnh tan máu hay không”, anh Dũng nói.

Trong phòng bệnh, Phạm Ngọc Hảo, 12 tuổi, khá khôi ngô, ra dáng đàn anh khi vừa ngồi nói chuyện vừa trông chừng những bệnh nhân nhỏ tuổi hơn để các mẹ đi mua cơm. Hảo quê Tam Dương, Vĩnh Phúc, bị bệnh tan máu bẩm sinh thuộc thể nặng, gần như phải sống tại bệnh viện từ lúc còn bế ngửa. Gần 12 năm qua, mẹ Hảo là chị Phùng Thị Lê đã mang con chạy chữa khắp nơi. Gương mặt chị Lê nhợt nhạt, đôi mắt trũng sâu. Chị vẫn nhớ ngày vợ chồng sinh được thằng cu kháu khỉnh đã hạnh phúc thế nào, vậy mà niềm vui ngắn chẳng tày gang.

Chị kể: “Hụt hẫng, cứ nghĩ đến lại thấy sợ. Con khóc, mẹ khóc”. Nước mắt chảy đẫm hai bên gò má, chị nghẹn ngào: “Bác sỹ bảo sinh mạng nó gắn liền với việc truyền máu, cũng như cái xe máy, muốn chạy phải đổ xăng”. Đều đặn mỗi tháng, hai mẹ con xuống Viện điều trị gần chục ngày. Những lần đến kỳ mà chưa xuống Viện truyền thuốc, truyền máu, Hảo lại sốt cao; mũi, mồm tứa máu.

Cũng từ ngày phát hiện Hảo mắc bệnh, mỗi đận cuối năm, vợ chồng chị Lê thay vì sửa soạn Tết lại lo lắng mau mau đưa con xuống Viện truyền máu, truyền thuốc; cầu cho bệnh viện có đủ máu. “Cận Tết phải đưa cháu xuống một lần nữa. Không được truyền máu đúng đợt, cháu lại sốt cao, đau nhức. Nhiều năm khi nhà người ta quây quần đón giao thừa, hai mẹ con còn đang trên đường từ Viện về nhà, tủi thân lắm”, chị Lê nghẹn ngào. Chị cho hay, từng có năm cận Tết, bệnh viện thiếu máu, phải chờ 2-3 ngày. Nhìn con xanh như tàu lá, lòng chị quặn đau.

Ngồi trên đống lửa

Chị Nguyễn Thị Thỏa (SN 1986, dân tộc Tày) quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang, có hai con đều mắc bệnh tan máu bẩm sinh thể nặng. Ngày nhận kết quả xét nghiệm của bọn trẻ, cả gia đình đều bất ngờ, suy sụp. Chị Thỏa kể: “Cháu gái đầu sinh năm 2009, bình thường xanh xao, kém ăn, gia đình cũng nghĩ cháu thiếu máu bình thường. Năm 2011, cháu thứ hai ra đời, da cũng cứ xanh nhợt, quấy khóc. Đưa cả chị lẫn em đi viện khám thì biết cả hai mắc bệnh tan máu bẩm sinh”.

Để có tiền đến kỳ đưa hai con đi viện, vợ chồng chị Thỏa chắt bóp chi tiêu, cật lực làm ruộng, chăn nuôi, làm thêm rồi vay mượn đủ đường, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Chị Thỏa cho hay, cả năm, vợ chồng cố gắng lắm cũng chỉ kiếm được chục triệu đồng, còn mỗi lần đưa con xuống viện, chi phí đi lại, ăn ở mất tầm 3-4 triệu. Nhiều đợt túng chưa xoay được tiền, đứa nào yếu hơn thì xuống viện trước. “Đợt rồi bí quá, nhà phải bán con trâu là tài sản lớn nhất để đưa bọn trẻ xuống viện. Giờ đang lo lấy đâu ra tiền vì sát Tết còn một lần xuống viện truyền máu nữa”, chị Thỏa nói. Ngoài ra, đứa con thứ hai là Nguyễn Duy Phòng hiện giờ nách, gan sưng to, phải cắt lá nách. “Chi phí ca cắt nách cho cháu dù được bảo hiểm nhưng vẫn phải tốn gần chục triệu đồng. Vợ chồng chưa biết xoay xở thế nào”. Chị Thỏa tâm sự, xoay tiền cho con xuống viện điều trị cực khổ mấy cũng không bằng những ngày mỏi mòn chờ có máu truyền cho con. “Những lúc đó như ngồi trên đống lửa, chỉ cầu mong những người khỏe mạnh hảo tâm hiến máu để con có máu...”.

Truyền máu suốt đời

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thuộc Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, cho biết, Trung tâm hiện có gần 1.700 bệnh nhân điều trị định kỳ, trong đó có khoảng một nửa là bệnh nhi dưới 15 tuổi. Cả nước có khoảng 20.000 người mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Bệnh tan máu bẩm sinh chưa có thuốc chữa, cách duy nhất để duy trì sự sống là truyền máu. Thạc sỹ Hà cho biết, bệnh tan máu bẩm sinh do sự kết hợp giữa gene tan máu bẩm sinh có trong bố hoặc mẹ, hoặc cả 2 người. Khi hai người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh sinh con, sẽ có 4 khả năng xảy ra, trong đó tỷ lệ con không mắc bệnh là khá thấp. Gene tan máu bẩm sinh có trong những người khỏe mạnh, thậm chí hiến được máu. Tỷ lệ người mang gene này chiếm khoảng 10% dân số. Đây là tỷ lệ rất cao. Cách phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh tốt nhất là từ các bạn trẻ bằng cách xét nghiệm sàng lọc tổng phân tích tế bào máu.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, cho biết, bệnh nhân tan máu bẩm sinh thuộc nhóm “tiêu thụ” máu đặc biệt, trung bình họ cần 2-4 đơn vị máu/tháng; có những bệnh nhân đã phải truyền hơn 1.000 đơn vị máu. Những nhóm bệnh về máu khác cũng có nhu cầu truyền máu thường xuyên gồm có ung thư máu, xuất huyết giảm tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, rối loạn đông máu di truyền (hemophilia)…

Trung bình một ngày, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư có khoảng 1.000 bệnh nhân bệnh máu điều trị thường xuyên. GS.TS Trí nhấn mạnh: “Nếu không đảm bảo nguồn máu cho bệnh nhân, về lâu dài đều dẫn đến nguy cơ tử vong”.( Tiền phong trang 4)

Hôm nay, 8 tỉnh, thành phố triển khai Chủ nhật Đỏ

Hôm nay (17/1) là cao trào trong chuỗi hoạt động hiến máu với 8 địa phương đồng loạt tổ chức Chủ nhật Đỏ, gồm: Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Cần Thơ, Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Trong đó, ngày hội lớn nhất của Chủ nhật Đỏ lần thứ 8 diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội lúc 7h30 phút, dự kiến có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ, ban, ngành, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia,  thành phố Hà Nội, các đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp và đông đảo học sinh, sinh viên.

Chủ nhật Đỏ tại Đại học Bách khoa Hà Nội thực sự là ngày hội lớn với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sỹ như Tùng Dương, Xuân Bắc, Lê Cát Trọng Lý, Ngọc Khuê, Nguyễn Đức Cường, Dương Hoàng Yến, Vũ Hà Anh, Huy Quyết, Sơn Hải… Nhiều hoa hậu, người đẹp, cầu thủ cũng tham gia sự kiện này. Ca sỹ Tùng Dương cho biết sẽ hiến máu và hát tại Chủ nhật Đỏ; nghệ sỹ Xuân Bắc sẽ làm tiểu phẩm về hiến máu. Đại học Đại Nam cho hay sẽ có hàng trăm sinh viên của trường này tham gia Chủ nhật Đỏ để hiến máu và nhảy flashmob…

Tính tới chiều 16/1, đã có 7 địa phương triển khai Chủ nhật Đỏ, gồm TPHCM, Hà Nam, Nam Định, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Cần Thơ, Thái Nguyên. Không khí tại các điểm hiến máu diễn ra hết sức sôi nổi, thể hiện tinh thần tình nguyện, đoàn kết, tương thân tương ái của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Các tình nguyện viên tham gia hiến máu đến từ nhiều thành phần, lứa tuổi.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Chủ nhật Đỏ, cho biết, Chủ nhật Đỏ lần thứ 8 là một chuỗi ngày hội của tình nhân ái với hơn 40 điểm tiếp nhận máu tại 22 tỉnh, thành phố, được tổ chức suốt trong tháng 1/2016, hy vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết tình trạng thiếu trầm trọng máu cấp cứu và chữa bệnh trong dịp Tết cổ truyền. Chủ nhật Đỏ đã thực sự lớn mạnh và trở thành một thành tố đáng kể trong phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta. “Ra đời trong một buổi sáng mùa đông sắp chuyển xuân năm 2009, trước thực trạng nhu cầu tiếp máu trong dịp Tết gia tăng do người bệnh cần truyền máu, người bị tai nạn giao thông cần cấp cứu tăng cao mà nguồn hiến máu lại quá hiếm, Chủ nhật Đỏ đã đi từ con số gần 100 đơn vị máu lần đầu ấy đến gần 18.000 đơn vị máu tiếp nhận được trong lần thứ 7 - 2015 và năm nay hướng tới mục tiêu 18-20 nghìn đơn vị máu”, nhà báo Lê Xuân Sơn nói.(  Tiền phong trang 4)

Cả nước có gần 100 hồ sơ đăng ký mang thai hộ

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học "Đánh giá bước đầu thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Kết quả, những khó khăn và thuận lợi" do Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia tổ chức ngày 16-1, tại Hà Nội.

Theo Bộ Y tế, sau một năm triển khai kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đến nay, cả nước đã thu nhận được gần 100 hồ sơ. Cụ thể, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia đã duyệt 60 hồ sơ, Trung tâm Hiếm muộn - Bệnh viện Từ Dũ đã tiếp nhận và thông qua 30 hồ sơ từ các cặp vợ chồng hiếm muộn và đủ điều kiện mang thai hộ.

Dự kiến, trong tháng 1-2016, những đứa trẻ đầu tiên sẽ chào đời bằng kỹ thuật này. Tuy nhiên, sau một năm triển khai nghị định về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhiều bất cập đã xảy ra trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn, luật chỉ cho phép các cặp vợ chồng hiếm muộn chưa có con chung mới được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ và bởi vậy, trong thực tế, nhiều cặp vợ chồng có con chung nhưng bị tàn tật trong quá trình sinh nở trước thì lại không được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Bên cạnh đó, để được phép thực hiện phương pháp mang thai hộ, các cặp vợ chồng phải hoàn tất bộ hồ sơ gồm quá nhiều giấy tờ, thủ tục chứng nhận…( Hà Nội mới trang 7)

Xây dựng Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 xứng đáng hạng đặc biệt quốc gia

Sáng 16-1, tại Hà Nội, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Bộ Quốc phòng) tổ chức tổng kết Phong trào thi đua quyết thắng (TĐQT) năm 2015. Hội nghị thống nhất đánh giá: Năm 2015, công tác thi đua khen thưởng và phong trào TĐQT được Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện cùng cấp ủy, chỉ huy các đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai toàn diện, đồng bộ, gắn thực hiện nhiệm vụ chính trị với phong trào thu đua, các cuộc vận động và hoạt động của các tổ chức quần chúng…( Nhân dân trang 5)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang