Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế không cấp phép nhập que thử ung thư; Đẩy mạnh truyền thông về BHYT; Nhập khẩu hàng chục nghìn liều vắc xin "5 trong 1": Như “muối bỏ bể”!

Bộ Y tế không cấp phép nhập que thử ung thư

Như Báo An ninh Thủ đô đã phản ánh, thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin bán que thử phát hiện ung thư với giá rất rẻ. Trước thông tin được dư luận quan tâm này, đại diện Bộ Y tế khẳng định, chưa hề cấp phép cho bất kỳ sản phẩm que thử phát hiện ung thư nào tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế - Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, Bộ Y tế mới chỉ cấp phép cho 1 đơn vị nhập khẩu 2 sản phẩm phát hiện nhanh một số chất có thể có trong máu khi bị ung thư nhưng không phải là que thử phát hiện bệnh ung thư. Đây là que thử mang tính chất định tính, giúp phát hiện các chất trong máu có thể là dấu hiệu nhận biết ung thư chứ không gọi là que thử phát hiện ung thư.

Cụ thể, 2 sản phẩm được cấp phép là Bioline AFP (phát hiện định tính AFP trong huyết tương hoặc huyết thanh người) và SD Bioline CEA (phát hiện định tính CEA trong huyết tương hoặc huyết thanh người), đều là sản phẩm của Hàn Quốc. 

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, khi phát hiện những chất này trong máu, vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định người đó mắc bệnh ung thư mà phải cần tiến hành các xét nghiệm sinh thiết cũng như kết quả chẩn đoán từ hình ảnh để xác định. Các phương pháp này phải được tiến hành tại bệnh viện hoặc các trung tâm y tế có các thiết bị hiện đại chứ người dân không nên tự ý mua về sử dụng tại nhà. 

Về việc trên mạng xã hội đang rao bán nhiều sản phẩm que thử ung thư, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế rà soát lại. Nếu phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm vì như thế là quảng cáo sản phẩm không đúng quy định, không đăng ký với cơ quan chức năng. 

Cũng liên quan đến thông tin này, GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định, việc que thử nhanh có thể phát hiện ung thư chính xác là chuyện hoang đường. Muốn xác định một người có mắc ung thư hay không cần trải qua rất nhiều xét nghiệm vì ung thư là một trong những loại bệnh rất phức tạp. 

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nếu được chẩn đoán sớm thì việc điều trị ung thư sẽ đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều. Mỗi loại ung thư có cách kiểm tra, sàng lọc khác nhau. Chẳng hạn, đối với ung thư vòm họng, cần lấy tế bào tại các vết loét trong miệng để xét nghiệm, ung thư dạ dày thì phải nội soi... 

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, hiện nay, hầu hết các kỹ thuật hiện đại trên thế giới về chẩn đoán, điều trị ung thư đều đã được áp dụng tại Việt Nam. Song người dân cần chủ động phòng bệnh trước bằng cách bỏ thuốc lá, ăn uống an toàn, kết hợp tập luyện, tiêm phòng bệnh và xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm…An ninh thủ đô (trang 6)

Đẩy mạnh truyền thông về BHYT

Tại Hội thảo Hoạt động truyền thông trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT), ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, bệnh viện là nơi thể hiện đầy đủ và rõ ràng nhất những chính sách, quy định pháp luật về quyền lợi BHYT khi người có thẻ BHYT sử dụng các dịch vụ y tế. 

Vì vậy, cần phải nâng cao vai trò quan trọng của cơ sở khám chữa bệnh trong công tác truyền thông về BHYT để giúp người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi và thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ và giao tiếp; cùng đó phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh BHYT trong bệnh viện; triển khai lồng ghép mô hình truyền thông BHYT trong hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện… An ninh thủ đô (trang 6)

Nhập khẩu hàng chục nghìn liều vắc xin "5 trong 1": Như “muối bỏ bể”!

Như Báo Hànộimới đưa tin, hiện đã có 15.000 liều vắc xin "5 trong 1" Pentaxim được đưa về Việt Nam. Đó là sự bổ sung kịp thời bởi trước đó, do lo ngại vắc xin Quinvaxem của Chương trình tiêm chủng mở rộng không an toàn nên người dân đổ xô đưa con đi tiêm vắc xin dịch vụ. Trong suốt 2 năm qua, vắc xin dịch vụ "5 trong 1" và "6 trong 1" luôn là mặt hàng hiếm. Giờ đây, khi "đã có hàng", việc cung ứng vắc xin sẽ được thực hiện như thế nào?

Không nâng giá vắc xin
Thông tin về một lượng vắc xin dịch vụ "5 trong 1" được đưa về nước ta khiến nhiều bà mẹ sốt sắng gọi điện hoặc trực chờ đăng ký trên các trang web của các điểm tiêm chủng. Tuy nhiên, trên thực tế, các điểm tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tình trạng "cháy" vắc xin dịch vụ "5 trong 1" và "6 trong 1".
Giống như nhiều phụ huynh khác, chị Nguyễn Thu Thủy (ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) đã đăng ký tiêm vắc xin "5 trong 1" cho con tại các điểm dịch vụ trên địa bàn thành phố suốt cả năm qua mà vẫn chưa đến lượt. Theo chị Thủy, nếu tới đây vẫn không có vắc xin dịch vụ thì sẽ đưa con sang Singapore để tiêm, vì không thể trì hoãn mãi việc tiêm phòng. "Qua mạng internet, tôi thấy nói về việc có thể mua vắc xin "xách tay" với giá 20-30 triệu đồng/mũi rồi mời bác sĩ về tiêm. Tuy thế, vì lo rằng chất lượng của những loại vắc xin này không bảo đảm nên tôi không dám cho con tiêm", chị Thủy cho biết.

Nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ "5 trong 1" là rất lớn. Vấn đề là khả năng đáp ứng nhu cầu thế nào? Đề cập đến việc phân phối vắc xin dịch vụ, bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Công ty Hồng Thúy, nhà cung cấp độc quyền vắc xin "5 trong 1" dịch vụ ở khu vực phía Bắc cho biết, vào ngày 14-12, công ty đã nhận được 15.000 liều vắc xin này. Ngoài 15.000 liều cho khu vực phía Bắc còn có khoảng 25.000 liều vắc xin "5 trong 1" được chuyển về khu vực phía Nam. Hiện nay, vắc xin đã được chuyển đi kiểm định theo quy định trước khi đưa ra thị trường. Việc phân bổ vắc xin sẽ được thực hiện theo quy định, nhưng vì số lượng vắc xin nhập về lần này khá ít, nhiều khả năng chỉ đủ tiêm trong vòng một tháng nên sẽ được tập trung cho các điểm tiêm chủng lớn. Đơn cử như tại Hà Nội, vắc xin sẽ được phân bổ về Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Việt - Pháp, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội và một số phòng khám có phòng tiêm chủng theo quy định của Nhà nước. Còn tại các địa phương khác, công ty chỉ phân bổ với số lượng hạn chế, khoảng 50-100 hộp tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. 
Trước khả năng nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều người tỏ ý lo ngại bởi trong bối cảnh vắc xin dịch vụ khan hiếm thì giá vắc xin "5 trong 1" nhập về lần này sẽ bị đẩy lên cao. Về vấn đề này, bà Đặng Hồng Thúy khẳng định sẽ không có chuyện nâng giá vắc xin. Hiện nay, một số công ty và cá nhân đang chào bán vắc xin với giá cao nhưng không liên quan tới Công ty Hồng Thúy. Giá bán vắc xin "5 trong 1" đã được điều chỉnh từ tháng 6-2014, vẫn là 629.200 đồng/mũi. Mỗi trẻ tiêm 3 mũi để ngừa 5 bệnh (gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib). Công ty Hồng Thúy không "mua đi bán lại", nhất là không bán vắc xin tới các quận để tránh tình trạng "tiêm dạo". 

Sẽ tiếp tục khan hiếm
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, từ nay đến năm 2016 Việt Nam sẽ khó nhập vắc xin dịch vụ "5 trong 1" và "6 trong 1" của Pháp, Bỉ. Nguyên nhân là do các hãng chỉ sản xuất vắc xin theo đơn đặt hàng lớn từ cách đây 2-3 năm, vì vậy, không có thừa vắc xin để bán cho Việt Nam. 
Cũng liên quan đến vấn đề vắc xin được rao bán trôi nổi trên thị trường trong thời gian qua, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: Bộ Y tế cấm việc buôn bán vắc xin ngoài thị trường, do vậy, người dân không nên tự mua, tự tiêm vắc xin "xách tay". Vẫn theo ông Trần Đắc Phu, vắc xin không bảo đảm chất lượng, không được bảo quản đúng quy trình thì rất dễ xảy ra phản ứng sau tiêm. Ngoài ra, nếu người tiêm không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu nên khi xảy ra phản ứng thì rất nguy hiểm.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, đến chiều ngày 16-12 Trung tâm chưa nhận được thông báo về việc phân bổ vắc xin dịch vụ "5 trong 1". Hiện, tại các điểm tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hai loại vắc xin dịch vụ "5 trong 1" và "6 trong 1" đã hết. Tình hình khan hiếm hai loại vắc xin dịch vụ này có thể kéo dài đến hết năm 2016. Hà nội mới (trang 1)

Phụ huynh không nên chờ đợi vắc xin dịch vụ

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, khẳng định đến chiều 16.12 trung tâm chưa nhận được thông báo về việc phân bổ vắc xin dịch vụ “5 trong 1” từ nhà cung cấp.

Hai loại vắc xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1” đã hết từ lâu và dự báo kéo dài đến hết năm 2016. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên chờ đợi vắc xin dịch vụ, mà nên cho con đi tiêm vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đúng độ tuổi, thời gian để phòng bệnh cho trẻ.

Liên quan đến thông tin Công ty cổ phần vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn (tại số 461 Cộng Hòa, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM - không phải Công ty cổ phần Appollo như thông tin ban đầu đã đưa) treo bảng nhận đăng ký tiêm vắc xin 5 trong 1, hôm qua Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu ngưng ngay việc nhận tiền đặt cọc tiêm vắc xin cho nhiều người và phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận. Thanh niên (trang 5)

“Cơn khát” vaccine 5 trong 1: 2 chỉ vàng cho mỗi mũi tiêm

Tổ chức cả 1 chuyến xuất ngoại với chi phí hàng chục triệu đồng; bỏ ra số tiền đắt gấp 10 lần so với giá gốc, thậm chí cả những rủi ro của việc... tiêm chui, đó là cách nhiều bậc phụ huynh đang chấp nhận để có được 1 mũi tiêm dịch vụ 5 trong 1 cho con.

27 triệu đồng cho 3 mũi tiêm

Chạy ngược chạy xuôi cả tháng trời hết bệnh viện này đến trung tâm khác để đặt tiêm vaccine 5 trong 1 dịch vụ cho cậu con trai 3 tháng tuổi nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu, chị N.T.P (Chí Linh, Hải Dương) quyết định đặt trọn gói thuốc và dịch vụ tiêm từ 1 người mà chị được giới thiệu là nhân viên của một trung tâm tiêm chủng. Theo chị P, gói tiêm này bao gồm 3 mũi tiêm 5 trong 1, công tiêm tại nhà với tổng số tiền là 21 triệu đồng, và bắt buộc phải trả đủ tiền ngay khi tiêm mũi đầu tiên. Hỏi về nguồn gốc của thuốc, chị P nói không biết cụ thể nhưng chắc chắc là “thuốc dịch vụ xịn”.

Chọn 1 hướng đi an toàn hơn, vợ chồng anh N.A.T (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bỏ công sức tìm hiểu, kết nối để làm các thủ tục đưa cô con gái đầu lòng sang một bệnh viện ở Singapore để tiêm mũi 1 và mũi 2 vaccine 5 trong 1. Anh T cho biết, thủ tục đăng ký không quá khó khăn nhưng chi phí thì khá nặng. Trung bình tiền khám và tiền vaccine tại bệnh viện anh đăng ký tiêm cho con gái là khoảng 250 đô Singapore (tương đương gần 4 triệu đồng). Nhưng tiền vé máy bay đi lại, ăn ở cho cả 2 vợ chồng và con mất khoảng… 30 triệu đồng cho 2 lần đi tiêm. “Chi phí đắt quá nên vợ chồng mình dự định chỉ tiêm hết mũi 2 cho con, để cơ bản có kháng thể cho con đã rồi tùy điều kiện mới tính tiếp” - anh T chia sẻ.

Câu chuyện lùng mua vaccine như anh T, chị P không phải là hiếm. Trên rất nhiều diễn đàn dành cho các ông bố, bà mẹ hiện nay như webtretho, lamchame, otofun… nhan nhản các thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của các ông bố, bà mẹ đã và đang dự định đưa con sang Singapore, Thái Lan, Myanmar… tiêm vaccine. Các thông tin về bệnh viện, giá cả, sinh hoạt… đều được cung cấp đầy đủ.

Đó là với các gia đình có chút khá giả về kinh tế. Còn phương pháp phổ biến với các bậc phụ huynh mong muốn có vaccine dịch vụ 5 trong 1 cho con hiện nay là “đánh bài lỳ” với bệnh viện và các trung tâm tiêm chủng. Chị N.P.G (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Năm ngoái, gia đình chị phải chấp nhận mua thẻ tiêm chủng của một bệnh viện lớn trị giá 15 triệu đồng với mong muốn được đảm bảo số thuốc tiêm 5 trong 1 cho con, nhưng để tiêm đủ 3 mũi cho con, lúc nào vợ chồng chị cũng trong tư thế “sẵn sàng khẩu chiến” với người quản lý thuốc. “Cứ lúc nào được người quen trong bệnh viện “xì” thông tin có thuốc, vợ chồng mình lại lên tận nơi để nói chuyện với quản lý. Lúc đầu họ nói không có thuốc, sau thì bảo thuốc để dành cho các bé sinh tại bệnh viện… Thú thực, vợ chồng mình phải “to tiếng” mới giành được suất tiêm cho con” - chị G chia sẻ.

Miễn dịch sẽ giảm nếu không tiêm đủ mũi

Theo PGS - TS Trần Đắc Phu, “cơ hội vàng” để tiêm vaccine 5 trong 1 đạt tỷ lệ miễn dịch cao nhất là khi trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần. “Đây là khoảng thời gian  trẻ rất dễ mắc các bệnh nói trên, khi mắc thì nguy cơ biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng rất lớn. Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng, đây là “thời gian vàng” để vaccine phát huy miễn dịch cao nhất, lên đến 80-90%. Nếu trẻ không tiêm đủ mũi, khả năng miễn dịch càng giảm, thậm chí về 0” – TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.

TS Phu cũng khuyến cáo, nếu liều vaccine 5 trong 1 nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần phải tiêm sớm ngay, không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Đương nhiên về độ miễn dịch cũng sẽ không cao như tiêm đủ mũi, đủ thời gian. Và nếu trẻ nào đã tiêm vaccine dịch vụ 5 trong 1 nhưng sau đó không có để tiêm thì cũng có thể chuyển sang tiêm vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quinvaxem mà không lo ngại khả năng miễn dịch giảm.

Tư vấn về một hướng mở mới cho việc tiêm vaccine 5 trong 1 ở giai đoạn khan thuốc, PGS-TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, phụ huynh có thể lựa chọn các mũi tiêm 3 trong 1 hoặc mũi lẻ để tiêm cho trẻ. Trên thị trường hiện có vaccine 3 trong 1 (DPT phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) do Việt Nam sản xuất cũng đã được đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả cao. Tiêm 3 mũi ở lúc 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Ngoài ra các vaccine dịch vụ khác đều có mũi lẻ. “Phụ huynh có nhu cầu tiêm cho con nên đến các trung tâm y tế, cơ sở tiêm chủng để được tư vấn đầy đủ. Tuyệt đối không được bỏ tiêm chủng, khiến con gặp nhiều nguy hiểm” – PGS Dương nhấn mạnh. Nông thôn ngày nay (trang 5)

Không giấy phép vẫn công khai bán vaccine ở TPHCM: Sở Y tế thanh tra toàn diện công ty

Theo kết quả kiểm tra, công ty trên được Sở KH&ĐT TP.HCM cấp phép hoạt động vào tháng 7-2015 với nhiều ngành nghề, trong đó có lĩnh vực bán lẻ thuốc, trang thiết bị mỹ phẩm nhưng đến nay lĩnh vực này vẫn chưa được Sở Y tế TP cấp phép. Bên cạnh đó, giữa Công ty Sài Gòn với Công ty Dược phẩm DTH (Hà Nội) có hợp đồng DTH cung ứng 230 liều vaccine “5 trong 1” cho Công ty Sài Gòn. Chiếu theo các quy định, hợp đồng này không có giá trị pháp lý bởi Công ty Sài Gòn không có chức năng. Sở Y tế TP.HCM sẽ có văn bản gửi Sở Y tế TP Hà Nội để cùng xem xét xử lý.

Kết quả thanh tra cũng ghi nhận trong sổ sách ghi chép của Công ty Sài Gòn có 30 người đã đăng ký sẽ tiêm vaccine. Giá mỗi liều là 2 triệu đồng, công ty đã thu tiền đặt cọc của 27 người là 13,5 triệu đồng. Khi đoàn thanh tra đến họ nói đã trả tiền cho hai người. Công ty cam kết sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền cho khách hàng. Thanh tra Sở Y tế cho biết sẽ tiến hành xác lập hành vi vi phạm kinh doanh vaccine không phép của Công ty Sài Gòn.

Công ty này cũng thừa nhận cho đến nay chưa có hợp tác với bất kỳ cơ sở y tế nào tại TP để tiến hành tiêm vaccine cho những người đăng ký. Chưa có một người nào trong danh sách được tiêm vaccine. Bên cạnh đó, tất cả BV, trung tâm như đã nêu đều phủ nhận có liên quan. Lao động (trang 1)

Thanh tra việc kinh doanh que phát hiện sớm ung thư

Ngày 16/12, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) đã có công văn 9907/BYT-TB-CT gửi các sở y tế về việc thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh, sử dụng, quảng cáo các sản phẩm phát hiện nhanh các chất chỉ điểm một số loại ung thư. 

Qua rà soát, xem xét dữ liệu hồ sơ đăng ký sinh phẩm chẩn đoán in-vitro lưu tại Bộ Y tế cho thấy hiện nay Bộ chỉ cấp phép cho 2 sản phẩm thanh thử để phát hiện định tính các chất chỉ điểm đối với một số loại ung thư là Bioline AFP (phát hiện định tính AFP trong huyết tương hoặc huyết thanh người), số đăng ký SPCD-TTB-0144-15 và SD Bioline CFA (phát hiện định tính CFA trong huyết tương hoặc huyết thanh người), số đăng ký SPCD-TTB-0145-15 do Hàn Quốc sản xuất, Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh đăng ký. Công văn của Bộ Y tế nêu rõ, các sản phẩm này chỉ dùng để phát hiện định tính các chất chỉ điểm đối với một số loại ung thư. Để chẩn đoán ung thư người bệnh phải đến cơ sở y tế để các bác sỹ chuyên khoa thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch, huyết học, hình ảnh, tế bào học và mô bệnh học. Tiền phong (trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang