Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/1/2023

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Đào Hồng Lan thăm, tặng quà bệnh nhân ung thư dịp Xuân Quỹ Mão; Số ca sốt xuất huyết Hà Nội đã giảm mạnh, nhưng không nên chủ quan; Hà Nội: Phấn đấu 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc; TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 xuyên Tết…

 

Số ca sốt xuất huyết Hà Nội đã giảm mạnh, nhưng không nên chủ quan

Thời tiết lạnh sâu nên những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội giảm mạnh; tuy nhiên, người dân vẫn cần cảnh giác khi có các triệu chứng của sốt xuất huyết.
Số ca mắc mới giảm sâu

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần trước (từ ngày 30/12/2022 đến ngày 6/1/2023), trên địa bàn Thành phố ghi nhận 92 ca mắc sốt xuất huyết, giảm tới 74,8% so với tuần trước đó. Các ca mắc được ghi nhận tại 14/30 quận, huyện, thị xã. Trong tuần qua, Hà Nội cũng không ghi nhận thêm ổ dịch sốt xuất huyết mới.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã có 19.670 ca mắc sốt xuất huyết (số ca mắc tăng gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2021). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 567/579 xã, phường, thị trấn.

Theo đó, tuýp virus Dengue lưu hành tại Hà Nội đã xác định được là các tuýp: DENV1 và DENV2, DENV4.

Như vậy, những tuần gần đây, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đã giảm mạnh. Nếu giai đoạn cao điểm tháng 11 và đầu tháng 12/2022, trung bình mỗi tuần Hà Nội ghi nhận từ 1.300- 1.400 ca sốt xuất huyết/tuần thì hiện đã ghi nhận dưới 100 ca/tuần.

Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong thời gian tới vẫn sẽ còn tiếp tục ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết tại các quận, huyện, thị xã. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; vẫn phải chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Để hạn chế số ca mắc mới, Hà Nội cũng kêu gọi người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

Trong thời gian tới, Hà Nội cũng tiếp tục duy trì các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết theo phân cấp tại từng tuyến. Trong đó, thực hiện việc giám sát ca bệnh tại các cơ sở y tế hàng ngày; lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm đạt yêu cầu về kỹ thuật, đáp ứng chẩn đoán sớm ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới, CDC Hà Nội cho rằng, thành phố cần tiếp tục chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Bên cạnh đó, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại các khu vực ổ dịch một cách triệt để, bảo đảm các chỉ số côn trùng dưới ngưỡng (BI<20) mới được coi là đạt và được phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, bảo đảm tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, duy trì công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Tại Kế hoạch phòng, chống dịch ngành Y tế năm 2023 của Sở Y tế Hà Nội mới ban hành, Sở Y tế Hà Nội đánh giá, bên cạnh dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện đã được kiểm soát. Để kiểm soát các dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết, Hà Nội cần tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống giám sát dịch bệnh trong thời gian tới; tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh tại các tuyến; trang bị phương tiện phục vụ hoạt động giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, điều tra, khoanh vùng và xử lý kịp thời dịch bệnh, không để dịch lan rộng.

Đặc biệt, mạng lưới y tế cơ sở, y tế tư nhân, y tế cơ quan, trường học, mạng lưới cộng tác viên y tế - dân số cũng có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh, để tổ chức xử lý dịch triệt để và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, nhằm phát hiện sớm, áp dụng kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp ngay từ ban đầu, hạn chế tối đa dịch phát tán ra cộng đồng.

Người dân chưa thể lơ là

Theo các chuyên gia, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Để hạn chế số ca mắc mới, người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

Đặc biệt, các bác sĩ cũng khuyến cáo, sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do các virus khác, có thể khiến nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà; thậm chí, có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng... Vừa qua tại các cơ sở y tế đã ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết nguy kịch vì đến bệnh viện muộn khi đã biến chứng rất nặng.

Theo BS. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, thông thường, sốt xuất huyết có thể tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, có khoảng 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng như: Chảy máu, thoát huyết tương gây sốc nặng… nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau người kèm các dấu hiệu như: Phát ban, nổi hạch, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... thì nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo: Với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt cao cần được hạ sốt, giảm đau nhưng nên tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, ibuprofen vì thuốc có thể gây chảy máu; không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như: đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử, cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như: Nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt.

Tuy nhiên người bệnh cần theo dõi, nếu có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng như: Tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết… đây là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện ngay để điều trị kịp thời. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bộ trưởng Đào Hồng Lan thăm, tặng quà bệnh nhân ung thư dịp Xuân Quỹ Mão

Nhân dịp Xuân Quý Mão sắp đến, sáng ngày 12/1, Bộ trưởng BYT Đào Hồng Lan đã đến thăm, tặng quà và động viên các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại BV Ung bướu Hà Nội (Chi tiết xem báo Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Hà Nội: Phấn đấu 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 353/KH-UBND về phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế giai đoạn 2022-2025, với chỉ tiêu 26,4 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y/10.000 dân và 8,4 dược sĩ đại học/10.000 dân; 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc.
Trong đó, 95% trạm y tế có bác sĩ cơ hữu tại trạm; phấn đấu 41% viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập có trình độ đại học và sau đại học; 100% cán bộ trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo quy định. Thành phố cũng phấn đấu bố trí đủ số lượng và cơ cấu nhân lực cho các cơ sở y tế hiện có trên địa bàn.

Để đạt mục tiêu trên, thành phố tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Phát triển giường bệnh cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; bảo đảm đến năm 2025 dự kiến tăng thêm tối thiểu 4.704 giường bệnh. Khi tuyển dụng đủ nhân lực theo quy định với số giường bệnh trên, sẽ có thêm 5.610 người, trong đó có 1.555 bác sĩ; 2.595 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y; 338 dược sĩ và 1.122 cán bộ khác.

Hà Nội xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức, lao động hợp đồng hàng năm, bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu nhân lực cho các cơ sở y tế hiện có trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố phối hợp với các trường đại học, cao đẳng khối ngành sức khỏe thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đăng ký dự tuyển vào làm việc tại đơn vị trực thuộc Sở Y tế sau khi tốt nghiệp; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ được cử đi học đại học, sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và chuyên khoa lao, tâm thần, truyền nhiễm, giải phẫu bệnh, pháp y.

Thành phố tăng cường quản lý, hướng dẫn cơ sở hành nghề y, dược tư nhân nâng cao chất lượng hoạt động, phối hợp với hệ thống y tế công lập thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; động viên cán bộ y tế mới nghỉ hưu còn đủ sức khỏe tiếp tục đăng ký hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập.

Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội không ngừng được nâng cao. Trong đó, hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế của thành phố, cấp huyện, xã được đầu tư nâng cấp. Thành phố có 41 bệnh viện trực thuộc; Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 579 trạm y tế xã, phường thuộc 30 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã...

Tuy nhiên, hệ thống y tế của thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, tỷ lệ y, bác sĩ của thành phố trên số dân còn thấp, trong đó có trạm y tế cấp xã, có nơi trên 60.000 dân chỉ có tối đa 10 cán bộ y tế, số lượng đó chỉ phụ trách hiệu quả khoảng 13.000 - 15.000 dân.

Tình trạng thiếu bác sĩ xảy ra ở tuyến xã và huyện. Trang thiết bị của hệ thống y tế thiếu thốn, nhiều nơi xuống cấp. Trong đó, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện và chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến thành phố chưa giải quyết hiệu quả. Mặt khác, chế độ đãi ngộ, thu nhập của lực lượng y tế nói chung, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở còn thấp… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 xuyên Tết

Trước tình hình biến chủng XBB xâm nhập và có nguy cơ gia tăng sau Tết, ngành Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng dịch COVID-19 và kêu gọi người dân tiêm vaccine.
Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, kết quả giải trình tự gen của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford và Viện Pasteur thành phố xác định, trên địa bàn đã xuất hiện biến thể XBB của chủng Omicron. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, biến thể XBB là một loại biến thể phụ do sự bắt chéo của 2 biến thể cũ. Do sự lai tạo này nên protein gai (hay còn gọi là protein S - loại protein mà virus này sử dụng để phá hủy các tế bào) của nó có hiện tượng lẩn tránh miễn dịch. Những người có miễn dịch cũ sẽ không được bảo vệ đầy đủ như trước. Tuy nhiên, do thay đổi protein gai nên sự xâm nhập tế bào của virus lại kém hơn, do đó sự lây lan ít hơn.

Trước lo ngại về sự xâm nhập của biến thể phụ XBB.1.5 – biến thể phụ đang khiến số ca mắc COVID-19 bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, với sự giao thương, đi lại như hiện nay thì biến thể này có thể sẽ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới. Về mức độ nguy hiểm, chuyên gia này nhìn nhận, biến thể phụ XBB.1.5 có sự thay đổi so với XBB thông thường bởi nó có đột biến ở vị trí F468P nên protein S của nó dễ xâm nhập vào tế bào, vì thế đặc tính của XBB.1.5 có mức lây lan cao hơn so với XBB thông thường.

Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng bởi sự xuất hiện của các biến thể của chủng Omicron khó vượt qua được hàng rào bảo vệ vật lý như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và rửa tay thường xuyên. Do đó, để phòng ngừa, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh đã được ngành Y tế khuyến cáo. Đặc biệt, người dân nên tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. "Vaccine sẽ tạo ra kháng thể giúp chúng ta chống lại sự xâm nhập của virus vào tế bào. Ngoài ra, vaccine tạo nên trí nhớ miễn dịch, có thể chúng ta vẫn bị nhiễm nhưng giảm bệnh nặng, giảm nguy cơ nhập viện và nguy cơ tử vong", Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nhận định.

Để ứng phó với nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát sau Tết Nguyên đán, ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 38 của Chính phủ. Trong đó, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường giám sát ở các cửa khẩu với các vùng quốc gia, lãnh thổ đang có dịch COVID-19; tăng cường truyền thông ở các cửa khẩu để hành khách tuân thủ quy định phòng, chống dịch của Việt Nam. Còn trong cộng đồng, tất cả hệ thống giám sát dịch vẫn được duy trì gồm giám sát các ca bệnh hô hấp, hệ thống giám sát biến chủng mới… để có phương án ứng phó kịp thời khi có dấu hiệu cảnh báo dịch.

TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 từ ngày 6/1 đến hết ngày 2/2/2023, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Nhiều điểm tiêm trên khắp địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng như các bệnh viện sẽ được triển khai xuyên Tết Nguyên đán. Danh sách các điểm tiêm được cập nhật mỗi ngày tại Hcdc.vn/diemtiemvx trên website HCDC - hcdc.vn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

Bắt 2 phó Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức

Mở rộng điều tra vụ án 'Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam thêm hai Phó giám đốc của bệnh viện này.
Cụ thể, hai bà Nguyễn Lan Anh và Nguyễn Thị Ngọc (đều là Phó Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam thêm một số người khác cũng là quản lý, nhân viên của bệnh viện TP Thủ Đức.

Đây là tiến trình điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức, Công ty TNHH TM DV SX Nguyễn Tâm và các đơn vị liên quan mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang thụ lý.

Trước đó, đầu tháng 11/2021 Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Quân (50 tuổi, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) và Nguyễn Văn Lợi (37 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TMDV SX Nguyễn Tâm) cũng về tội danh trên.

Cơ quan điều tra xác định, một số lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện TP Thủ Đức mà ông Quân là Giám đốc, là người cầm đầu, đã thông đồng, cấu kết cùng Lợi thực hiện hành vi trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Trong tiến trình điều tra, vài ngày sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Bùi Trung Kiên và Lê Thanh An (đều là cựu cán bộ của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an) về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản".

Cùng bị khởi tố tội trên, có 4 người liên quan gồm:

Bà Bùi Thị Hồng Giang (luật sư, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bùi Gia và cộng sự).

Trần Văn Long (Tổng giám đốc Công ty CP truyền thông Du lịch Việt).

Hà Duy Tuấn (Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty CP đầu tư Long Thịnh).

Nguyễn Ngọc Triệu (nguyên ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã hoàn tục và thôi tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam).

Nhóm 6 người này bị điều tra vì nhận tiền chạy án cho ông Quân, trước khi vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được Bộ Công an khởi tố để điều tra.

Giữa tháng 9/2022 TAND Hà Nội đã tuyên án đối với 6 bị cáo. Trong đó, Bùi Trung Kiên bị 9 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 5 bị cáo còn lại bị cáo buộc tội “Môi giới hối lộ”, bị tuyên phạt mức án từ 3 – 9 năm tù. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh bùng phát

Nhằm ứng phó với dịch bệnh có nguy cơ bùng phát vào dịp Tết, các trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của đất nước đã sẵn sàng các kịch bản để không bị động.

TPHCM: Kịch bản ứng phó khi dịch bất ngờ tăng vọt

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn tiến phức tạp với sự xuất hiện các biến thể mới của Omicron. Vì vậy, phương án diễn tập ứng phó với COVID-19 được Sở Y tế triển khai nhằm thực hiện chủ trương của Ban chỉ đạo phòng chống dịch về việc sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và chủ động ứng phó với biến thể mới.

Cụ thể, tình huống diễn tập sẽ triển khai các phương án khẩn cấp khi đang trong thời gian nghỉ Tết thì TPHCM xác định có một biến thể phụ mới của Omicron qua giải mã trình tự gen. Cũng trong thời gian này, số ca COVID-19 ở các bệnh viện tăng cao gấp 3 đến 4 lần so với giai đoạn trước Tết và hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng, số ca nặng cần thở ô xy gia tăng. Ngoài ra, dịch bệnh gia tăng khiến khoa COVID-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới sử dụng hết 50 giường trong tổng số 70 giường hồi sức, các khoa và đơn vị điều trị COVID-19 của hệ thống bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn thành phố cũng đã sử dụng gần 50% công suất giường bệnh nhưng chưa có trường hợp nào tử vong.

Trước tình hình trên, tổ công tác đặc biệt về điều phối người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch báo cáo Sở Y tế về diễn biến theo chiều hướng xấu của dịch bệnh. Ban Giám đốc Sở Y tế lập tức triệu tập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế thành phố. Sở Y tế đã báo cáo và được Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố đồng ý phương án kích hoạt lại Bệnh viện Dã chiến số 13 với quy mô 100 giường để thu dung và điều trị các trường hợp COVID-19 nặng cần hồi sức tích cực.

Trong tình huống diễn tập, Sở Y tế sẽ tùy theo diễn tiến của tình hình dịch bệnh và chủ động điều chỉnh quy mô của Bệnh viện Dã chiến số 13 nhằm đảm bảo luôn sẵn sàng tiếp nhận và xử trí hiệu quả người bệnh nặng, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do COVID-19.

Hà Nội: Tăng cường chống dịch

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, CDC Hà Nội đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố; đồng thời, phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát và giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài…, nhằm phát hiện sớm ca bệnh, từ đó đánh giá về tình hình dịch để triển khai các biện pháp ứng phó.

Liên quan đến phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, Sở Y tế vừa có công văn gửi CDC Hà Nội; các bệnh viện trong và ngoài công lập; Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã. Theo đó, trước tình hình các bệnh truyền nhiễm đang có xu hướng gia tăng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh (COVID-19, bạch hầu, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ...); giám sát phát hiện sớm ca bệnh, xử lí kịp thời ổ dịch, giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch y tế quốc tế, kiểm soát hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch, vùng có ổ dịch cũ.

Chủ động hoàn thiện các phương án phòng chống dịch, chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện cho công tác phòng chống dịch, sẵn sàng bao vây, khống chế ổ dịch tại cộng đồng. Chỉ đạo chuyên môn các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trong công tác phòng chống dịch và tiêm chủng mở rộng. Các bệnh viện trong và ngoài công lập trực thuộc Sở Y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ ân cần, chu đáo phục vụ bệnh nhân. Tăng cường rà soát, xây dựng các phương án phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc điều trị, làm tốt công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. (Tiền phong, trang 6).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang