Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/2/2023

  • |
T5g.org.vn - Ngành y tế TPHCM khuyến cáo người dân cảnh giác với virus Marburg; Mua thuốc qua mạng tiền mất tật mang; Tăng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở; Bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm vượt khó sau đại dịch, phát triển chuyên khoa mới…

 

Ngành y tế TPHCM khuyến cáo người dân cảnh giác với virus Marburg

Căn bệnh do virus Marburg chưa xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng chống căn bệnh này.
Liên quan thông tin bùng phát do virus Marburg tại các quốc gia thuộc Trung Phi, ngày 16-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện bệnh chưa xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng chống căn bệnh này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 13-2, tại Guinea Xích Đạo (một quốc gia nằm ở bờ biển phía Tây của Trung Phi) đã xác nhận đợt bùng phát bệnh đầu tiên do virus Marburg gây ra, sau cái chết của ít nhất 9 người ở tỉnh Kie Ntem phía Tây đất nước này. Trước đó, cơ quan y tế địa phương tại Guinea Xích Đạo đã cảnh báo về các trường hợp bệnh không xác định với các triệu chứng sốt và xuất huyết vào ngày 7-2.

Cơ quan y tế của nước này đã gửi mẫu đến phòng thí nghiệm của Viện Pasteur ở Senegal với sự hỗ trợ của WHO để xác định nguyên nhân gây bệnh. Trong số 8 mẫu xét nghiệm tại Viện Pasteur xác định 1 mẫu dương tính với virus.

Hiện, Guinea Xích Đạo đã có 9 trường hợp tử vong và 16 trường hợp nghi ngờ với các triệu chứng bao gồm sốt, mệt mỏi, nôn ra máu và tiêu chảy đã được báo cáo.

Bệnh do virus Marburg là một bệnh có độc lực cao, gây sốt xuất huyết, với tỷ lệ tử vong lên tới 88%. Đây là virus cùng họ với virus Ebola, truyền sang người từ dơi và lây lan giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người, bề mặt và vật liệu bị nhiễm mầm bệnh.

Nhiều bệnh nhân có thể có các triệu chứng xuất huyết nghiêm trọng trong vòng 7 ngày. Các triệu chứng do virus Marburg gây ra bắt đầu đột ngột với sốt cao, nhức đầu dữ dội và khó chịu. Hiện chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh do virus Marburg. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Mua thuốc qua mạng tiền mất tật mang

Thuốc chữa tiểu đường, chữa xương khớp, thậm chí thuốc chữa ung thư cũng được bán tràn lan trên mạng với lời cam kết khỏi bệnh sau vài liệu trình.
Với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", không ít người dân tin vào lời quảng cáo để rồi "tiền mất tật mang.

Những loại thuốc được bán tràn lan trên mạng với danh xưng thần y chữa dứt điểm "bách bệnh", nhiều người bệnh đã trở thành nạn nhân của những loại thuốc không rõ nguồn gốc này. Không chỉ chi hàng triệu đồng mua thuốc mà còn phải nhập viện vì ngộ độc và những biến chứng khôn lường đến sức khỏe.

Chi tiền triệu mua thuốc rồi... nhập viện

Mới đây, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nam 63 tuổi (ở Thanh Trì, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng sau khi sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc mua giá 10 triệu đồng. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, nghe quảng cáo từ người quen có thuốc chữa đái tháo đường "rất tốt", là thuốc nam dạng viên, bán 20 gói với giá 10 triệu đồng.

Sau khi mua và sử dụng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, nôn mửa, người nhà đưa đến Trung tâm chống độc cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc. Điều đáng nói qua xét nghiệm thuốc bệnh nhân sử dụng đã tìm thấy thành phần phenformin. Đây là thành phần từng được sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường, nhưng vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970.

Một trường hợp khác cũng nhập viện do thủng dạ dày sau thời gian dài chữa bệnh bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân là nam, 70 tuổi, tiền sử đau viêm khớp nhiều năm. Ông dùng thuốc nam tại nhà suốt ba tháng, sau đó đau bụng dữ dội được chuyển tới Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng nhiễm trùng toàn thân, đau bụng, các bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng dạ dày. Các bác sĩ đã hồi sức và phẫu thuật khâu lại lỗ thủng, lau rửa sạch ổ bụng và sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng.

Trước đó, Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận bé trai 16 tuổi được chẩn đoán mắc chứng thận hư, thế nhưng thay vì điều trị theo phác đồ của bác sĩ, gia đình tự chuyển sang dùng thuốc nam, thuốc bắc. Hậu quả cháu nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy thận nặng. Dù đã có rất nhiều cảnh báo, nhiều bệnh nhân vẫn tin vào những lời quảng cáo trên mạng xã hội và mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ để rồi "tiền mất tật mang".

Cẩn trọng với thuốc "ba không"

Ông Trần Văn Bản, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho hay hiện nay có rất nhiều quảng cáo mang tính lừa đảo, lợi dụng lòng tin của người dân với thuốc nam, thuốc bắc nhưng thực chất thuốc có chứa tân dược, thậm chí thành phần độc hại. Những sản phẩm này thường không có nhãn hiệu, không ghi rõ thành phần, không có tên nhà sản xuất. Tất cả chỉ dựa vào truyền tai, truyền miệng và thổi phồng công dụng để bán thuốc.

"Hiện nay các bệnh mãn tính như đái tháo đường, một số bệnh về xương khớp không thể chữa khỏi mà phải uống thuốc điều trị thường xuyên. Nếu người bệnh dùng thuốc thấy có chuyển biến, đó là đỡ một thời gian chứ không phải là khỏi bệnh và không nên tự dừng thuốc đã được bác sĩ chỉ định.

Thuốc đông y sử dụng cho người bệnh, loại được bào chế thành phẩm phải có đầy đủ công thức, cách bào chế, công dụng, chỉ định và cách sử dụng, rõ cơ sở sản xuất, người chịu trách nhiệm về sản phẩm. Vì vậy khi lựa chọn điều trị bệnh bằng phương pháp nào, người bệnh cũng cần nắm rõ, tìm hiểu các thông tin trên để tránh mua phải những hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe", ông Bản khuyến cáo.

Người bệnh phải tỉnh táo

Bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho rằng vấn nạn bán thuốc qua mạng ngày càng báo động. "Chúng tôi thường xuyên điều trị cho bệnh nhân biến chứng do sử dụng thuốc mua trên mạng không rõ nguồn gốc. Mặc dù rất nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, gout... đã được y văn khẳng định không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể theo dõi, hạn chế phát triển và giúp người dân giảm biến chứng của bệnh. Thế nhưng với mong muốn được khỏi bệnh nhanh, nhiều bệnh nhân đã tìm đến những loại thuốc không rõ nguồn gốc, khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng", bác sĩ Tiến cho hay.
Theo bác sĩ Tiến, việc kết hợp Đông - Tây y khá phổ biến. Nhưng kết hợp điều trị ra sao cần có sự tham vấn của bác sĩ và các lương y đã được đào tạo, cấp phép. Để hạn chế việc sử dụng thuốc bừa bãi cũng như các "thầy dỏm" bán thuốc tràn lan, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước và chính người bệnh. Người bệnh cần tỉnh táo khi lựa chọn bất kỳ phương pháp điều trị bệnh nào, không nên tin vào những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo để đánh đổi sức khỏe của mình. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Tăng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Cụ thể, bổ sung khoản 7 vào Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP như sau: Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1-1-2022 đến hết ngày 31-12-2023:

Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

Trong thời gian áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở quy định tại khoản 7 này thì không áp dụng quy định tại điểm c khoản 2 và quy định đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng tại khoản 4 Điều 3.

Các cơ sở y tế công lập căn cứ quy định tại Nghị định này xác định nhu cầu kinh phí thực hiện năm 2022 và năm 2023; nguồn kinh phí thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ. Trường hợp đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện, cơ sở y tế công lập gửi cơ quan chủ quản, đơn vị dự toán cấp I báo cáo nhu cầu kinh phí và dự kiến sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định, trong đó nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ để rà soát, thẩm định, gửi cơ quan tài chính cùng cấp chậm nhất trước ngày 31-3-2023 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo quy định.

Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí theo phân cấp quản lý ngân sách để thực hiện.

Việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Kể từ ngày 1-1-2024 trở đi, mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở thực hiện theo quy định khoản 1 đến khoản 6 Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

* Trước đó, tại Thông báo số 21/TB-VPCP ngày 7-2-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Nội vụ khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Tài chính, Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các quy định hiện hành về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở trong lực lượng vũ trang; trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất về việc điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở trong lực lượng vũ trang bảo đảm theo đúng Kết luận số 25-KL/TW ngày 30-12-2021 của Bộ Chính trị và quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn và khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-2-2023.

Theo điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2011/NĐ-CP, mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm kiểm dịch y tế biên giới.

Theo khoản 4, Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này. (Hà Nội mới, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).


Bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm vượt khó sau đại dịch, phát triển chuyên khoa mới

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 15/2 đã cho ra mắt 2 khoa mới là Khoa Ngoại Gan Mật - Tiêu hóa và Ung bướu và Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Thần kinh và Cột sống.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Xuất phát từ tình hình chống dịch COVID-19 trong hơn 2 năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy với những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là những bệnh dịch nguy hiểm thì bệnh viện cần có sự phát triển đồng bộ hơn nữa các chuyên khoa. Chính vì thế việc thành lập các chuyên khoa này là yêu cầu cấp thiết đặt ra để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người bệnh, nâng cao chất lượng sống cho họ".

Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, là đơn vị đầu ngành truyền nhiễm, trong đại dịch, bệnh viện có nhiệm vụ duy trì lực lượng chống dịch đủ mạnh (từ 700 - 1000 người) để bất cứ lúc nào cũng có thể huy động, đáp ứng tình huống chống dịch.

Khi hết đại dịch, người dân trở về trạng thái bình thường thì bệnh viện có sự tổ chức, sắp xếp để tận dụng được năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 5-8 triệu người mắc viêm gan B mạn tính và gần 1 triệu người mắc viêm gan C. Viêm gan B, C mạn không được kiểm soát tốt sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan sau 15-20 năm.

Người bị xơ gan nếu đã sang giai đoạn mất bù chỉ sống thêm trung bình từ 1-3 năm và khi ung thư gan đã di căn thì tuổi thọ của người bệnh kéo dài thêm thường không quá 1 năm. Trong những năm tháng đó sức khỏe sẽ suy giảm do bệnh tật, cộng thêm với chi phí điều trị rất cao nên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ rất thấp.

Theo BS. Cấp, tăng cường nhận thức xã hội để hạn chế đường lây truyền; Tiêm phòng viêm gan B; Ngăn ngừa lây truyền Mẹ - Con với những sản phụ bị viêm gan mạn; Điều trị kháng virus là bốn trụ cột trong việc kiểm soát bệnh viêm gan nhằm giảm tỷ lệ mắc, ngăn ngừa các hậu quả xơ gan, ung thư gan của bệnh viêm gan virus B, C.

Bệnh viện cũng đã từng bước xác lập chiến lược, xây dựng đội ngũ để từng bước chiến thắng bệnh viêm gan B, C trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể:

Trung tâm Phòng chống dịch chịu trách nhiệm về tiêm chủng, cùng các Phòng khám Viêm gan giúp điều trị kháng virus, kiểm soát bệnh viêm gan ngoài cộng đồng;
Khoa Viêm gan chịu trách nhiệm điều trị những bệnh nhân viêm gan nặng, xơ gan;
Khoa Cấp cứu; khoa Hồi sức đảm nhiệm hồi sức gan cho các bệnh nhân mắc bệnh gan trầm trọng;
Khoa Sản ngoài việc là địa chỉ tin cậy cho những bà mẹ thông thường đến sinh nở, còn là nơi đảm bảo sinh nở an toàn cho những sản phụ có bệnh truyền nhiễm, bất kể là COVID-19, viêm gan B, C hay các bệnh truyền nhiễm khác.

Việc thành lập khoa Ngoại Gan Mật - Tiêu hóa và Ung bướu để phát hiện sớm, thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật điều trị ung thư gan và các biến chứng của xơ gan, tiến tới ghép thay gan là mảnh ghép hoàn chỉnh của mặt trận phòng chống viêm gan.

Bên cạnh đó, với định hướng phát triển TP. Hà Nội về 2 bên sông Hồng, cụm Đông Anh - Mê Linh - Sóc Sơn tương lai sẽ phát triển thành thành phố Bắc sông Hồng với diện tích hơn 600km2 và quy mô dân số có thể tới vài triệu dân. Trong khi các bệnh viện trung ương hầu hết nằm ở nội thành, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đảm nhận vai trò bệnh viện trung ương duy nhất phía bắc sông Hồng của Hà Nội. Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Thần kinh và Cột sống, khoa Ngoại Tổng hợp, Tiết niệu và Nam học sẽ là bước phát triển về Ngoại khoa của bệnh viện nhằm đảm nhận vai trò chăm sóc sức khỏe nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang