Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/4/2016

  • |
T5g.org.vn - Nữ sinh Lê Thị Hà Vi bị đòi viện phí; Sảy thai liên tiếp liệu có thể có con?; Bịt kẽ hở rò rỉ chất cấm Salbutamol: Vẫn đang chờ luật…

Nữ sinh Lê Thị Hà Vi bị đòi viện phí

Ngày 16-3, phản ứng trước những thông tin về việc gia đình nữ sinh bị cưa chân Lê Thị Hà Vi (học sinh lớp 10, ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) phải nộp 23 triệu đồng tiền viện phí trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM nhưng Sở Y tế Đắk Lắk từ chối chi trả mà chỉ hỗ trợ một phần đóng viện phí cho quá trình điều trị, TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk yêu cầu khẩn trương làm rõ vấn đề này và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 25-4.

Đồng thời, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dù đang đi công tác nước ngoài cũng đã gọi điện trực tiếp cho giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk đề nghị làm rõ những thông tin này.

Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng khẳng định, trong suốt quá trình bệnh nhân Lê Thị Hà Vi điều trị, Bộ Y tế đã liên tiếp có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk miễn các chi phí khám chữa bệnh và phí lắp chân giả cho bệnh nhân Lê Thị Hà Vi. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã đến thăm và hứa ngoài miễn phí toàn bộ các chi phí điều trị, lắp chân giả, nếu em Vi có nguyện vọng thì ngành y tế sẽ tạo điều kiện để Vi theo học tại một cơ sở y khoa phù hợp và tạo điều kiện về việc làm sau này.

Trước đó gia đình nữ sinh Lê Thị Hà Vi nhận được thông báo từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM yêu cầu đóng 23 triệu đồng viện phí cho cả 2 đợt điều trị. Trong khi đến thời điểm này, gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía Sở Y tế Đắk Lắk cũng như Bệnh viện Cư Kuin.

Lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng, số tiền 23 triệu đồng mà gia đình em Vi phải đóng là khoản chi phí mà gia đình nữ bệnh nhân này nằm phòng dịch vụ trong quá trình điều trị nên không liên quan tới việc miễn viện phí. (Sài Gòn (trang 7).

Sảy thai liên tiếp liệu có thể có con?

Sảy thai là một cú sốc tinh thần lớn đối với người phụ nữ khi họ đang rất háo hức mong chờ được làm mẹ. Đặc biệt, đối với những phụ nữ bị sảy thai liên tiếp thì không chỉ đau lòng vì mất con mà nhiều người còn tuyệt vọng vì hy vọng có con là rất mong manh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc lo lắng thái quá đôi khi lại chính là nguyên nhân gây cản trở việc có một thai kỳ khỏe mạnh. Theo nghiên cứu được tiến hành từ tháng 3-2013 đến năm 2015 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trên 800 bệnh nhân bị sảy thai liên tiếp, nhóm bác sỹ thuộc khoa Khám bệnh đã chỉ ra rằng nguy cơ sảy thai liên tiếp chiếm tỷ lệ khoảng 1% đối với phụ nữ mang thai, tỷ lệ này tăng lên cho mỗi lần mang thai khi người phụ nữ có tiền sử sảy thai, thai lưu trước đó.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây sảy thai liên tiếp như bất thường về nhiễm sắc thể, do nội tiết, các bất thường, dị dạng tử cung, tiếp xúc với các hóa chất hoặc tác nhân bên ngoài trong quá trình mang thai, bệnh lý của người mang thai (huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh lý nội tiết), hội chứng anti-phospholipid (chiếm tới 10-15% các trường hợp sảy thai liên tiếp và trong các nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì tỷ lệ này lên đến 30% các ca bệnh).

Trong đó, nguyên nhân nhiều nhất là do bất thường nhiễm sắc thể, có thể xuất phát từ bố hoặc từ mẹ hoặc xuất phát trong quá trình tạo sinh quả trứng, tinh trùng hoặc trong quá trình trứng, tinh trùng gặp nhau. 

Do đó khám và chẩn đoán nguyên nhân ở các cặp vợ chồng bị sảy thai liên tiếp rất quan trọng để làm giảm nguy cơ bị sảy thai tái phát. Một tin vui cho các cặp vợ chồng bị sảy thai liên tiếp là sau khi được khám đánh giá và chẩn đoán đầy đủ, khả năng sinh con bình thường là 71%. Trong một nghiên cứu trên những cặp vợ chồng bị sảy thai đến 6 lần, 50% trường hợp có khả năng sinh con bình thường sau khi được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Một điều may mắn nữa là phần lớn các nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp đều có thể được chẩn đoán được bằng các xét nghiệm như: nhiễm sắc thể đồ, chức năng tuyến giáp, siêu âm đánh giá tử cung, đánh giá trữ lượng buồng trứng, đánh giá nội tiết, tầm soát tiểu đường, tìm các kháng thể tự miễn trong bệnh lupus, anticardiolipin, đánh giá tình trạng đông máu…

Sau khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, các cặp vợ chồng sẽ được điều trị theo đúng nguyên nhân. Hướng dẫn chế độ ăn phù hợp, thay đổi lối sống để chuẩn bị cho lần có thai tiếp theo.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, không phải trường hợp sảy thai liên tiếp nào cũng tìm được nguyên nhân, vì vậy không thể đưa ra phương pháp chữa trị. Thống kê chung của y văn thế giới và các nghiên cứu cho thấy, số trường hợp sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân có thể lên đến 50%. Với những trường hợp này, lời khuyên của các chuyên gia là bạn cần ổn định tâm lý, không ngừng nuôi hy vọng và giữ một tinh thần lạc quan, tin rằng bạn vẫn có khả năng có một thai kỳ khỏe mạnh. 

Đối với các cặp vợ chồng, nên đi khám sức khỏe trước khi lập gia đình và ngay cả khi chưa có thai. Nếu có dấu hiệu mang thai, bạn cũng cần được bác sĩ theo dõi, hỗ trợ sớm và chỉ định những thuốc cần thiết. Nên có con trước tuổi 35 để hạn chế những bất thường trong nhiễm sắc thể phôi thai. 

Theo các bác sĩ, với những người sảy thai nhiều lần, nên tránh lao động nặng, cho uống thuốc giữ thai loại progesterone, thuốc giảm co và khâu vòng cổ tử cung để phòng sảy thai. Bên cạnh đó, phải hạn chế thuốc lá và rượu. Nếu công việc liên quan đến những chất độc hại, bạn phải đảm bảo điều kiện bảo hộ lao động tốt nhất. Tránh tiếp xúc trực tiếp với chất độc. Sau mỗi lần sảy thai, nên dành thời gian nghỉ ngơi (ít nhất là 6 tháng) để cơ quan sinh sản hồi phục rồi mới nên có thai. (An ninh Thủ đô (trang 8).

 

Bịt kẽ hở rò rỉ chất cấm Salbutamol: Vẫn đang chờ luật

Một số doanh nghiệp bị phát hiện bán trái phép chất cấm salbutamol ra thị trường nhưng cơ quan chức năng khẳng định chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự. Bất cập này sẽ chấm dứt kể từ ngày 1-7- 2016 khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực.

Có vi phạm trong việc bán Salbutamol

Liệt kê ra hàng loạt quy trình, thủ tục và quy định pháp luật phức tạp để cấp phép nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, trong đó có salbutamol, đại diện Ban chỉ đạo 389 (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) Bộ Y tế cho biết, việc xem xét đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu trong đó có salbutamol được thực hiện theo quy trình thao tác chuẩn QT.KD.02.03 của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.     

Đại diện Bộ Y tế thông tin, hiện nay, có tới 150 công ty có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu và 153 công ty sản xuất có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc được nhập khẩu nguyên liệu nói chung, trong đó có salbutamol. Theo dõi thực tế cho thấy, trong 2 năm (2014-2015), chỉ có 20 công ty đề nghị cấp phép nhập khẩu salbutamol. Số lượng nhập khẩu trong năm 2014 là 3.876kg, năm 2015 là 5.215kg.

Là cơ quan được Bộ Y tế giao nhiệm vụ “gác cửa” ở lĩnh vực này, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, sau khi nhận được thông tin về việc salbutamol dùng làm thuốc có khả năng bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, cuối tháng 11-2015, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu các cơ quan liên quan tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol. Cùng với đó, Cục Quản lý Dược đã triển khai công tác hậu kiểm các cơ sở từng nhập khẩu salbutamol.

Trong tháng 12-2015, Cục Quản lý Dược đã phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an kiểm tra tại 6 cơ sở. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện có vi phạm trong việc bán nguyên liệu salbutamol cho các cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định. Theo thẩm quyền, Cục Quản lý Dược đã xử lý các doanh nghiệp vi phạm với chế tài cao nhất theo quy định của pháp luật. 

Cụ thể, Cục Quản lý Dược đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc và đăng ký thuốc; đề nghị Sở Y tế địa phương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các đơn vị vi phạm; chuyển 3 trường hợp là Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông; Công ty CP dược Minh Hải và Công ty TNHH Hóa dược Minh Anh sang Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an để điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.

Ăn vào chết ngay mới xử lý hình sự?

Đáng tiếc, theo ông Lê Thành Công, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế, sau khi xem xét tài liệu, hồ sơ và điều tra, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã có các công văn gửi Cục Quản lý Dược thông báo chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự về hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2009 và đề nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế xử lý hành chính theo thẩm quyền đối với Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông và Công ty CP Dược Minh Hải.

Riêng với Công ty TNHH Hóa dược Minh Anh, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra và chưa có kết luận. Ngoài ra, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cũng khẳng định, chưa có cơ sở, tài liệu chứng minh số lượng salbutamol do các công ty trên bán không đúng quy định ra thị trường được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi.

Không hề bất ngờ trước thông tin này, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, chưa đủ cơ sở để khởi tố hình sự bởi theo quy định hiện hành, yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm về an toàn thực phẩm.

Mức độ nghiêm trọng được thể hiện ở chỗ gây thiệt hại tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng - tức là người sử dụng thực phẩm bẩn có thể tử vong ngay lập tức sau khi ăn và cơ quan chức năng phải chứng minh được là do ăn thực phẩm đó mới có cơ sở để xử lý hình sự. Thế nhưng, các loại hóa chất như salbutamol tồn dư trong thực phẩm bẩn đều gây ảnh hưởng về lâu dài, gây ra những loại bệnh tật nguy hiểm chứ không phát tác, gây chết người ngay nên rất khó xử lý hình sự.

Chờ đợi ngày 1-7-2016

Bất cập nói trên sẽ được giải quyết kể từ ngày 1-7-2016, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực. Theo đó, những đối tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm sẽ bị nghiêm trị mà không cần chờ đợi hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Cụ thể, các điểm a, b khoản 1, Điều 317 (tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm) tại Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm - thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Đồng tình với quy định mới trên, ông Phạm Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi đang mong chờ tới ngày 1-7-2016. Khi chế tài mới tại Bộ luật Hình sự có hiệu lực, tính răn đe sẽ tăng lên rất cao và chắc chắn tình trạng vi phạm sẽ giảm mạnh. Phạt tiền nhiều doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi chưa chắc đã sợ nhưng phạt tù thì sẽ khác rất nhiều...”. 

Thừa nhận nguy cơ có thật khi các nguyên liệu làm thuốc như salbutamol có thể bị sử dụng sai mục đích và gây hậu quả nghiêm trọng ở các ngành khác, đại diện Bộ Y tế cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Dược (sửa đổi), Bộ Y tế đã đề nghị đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (như salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào khái niệm “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” và đưa vào quy định về cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đúng mục đích hoặc cung cấp không đúng đối tượng mà cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nội dung này đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ thứ 11 vào ngày 6-4-2016. Như vậy, thêm một kẽ hở nữa có thể làm rò rỉ chất cấm ra thị trường đã bị bịt lại.

Trong thời gian chờ Luật Dược (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, Bộ Y tế khẳng định đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng không đúng mục đích nguyên liệu làm thuốc. Cục Quản lý Dược cũng cam kết nhanh chóng sửa lại hệ thống quy định kiểm soát việc xét duyệt cho nhập salbutamol; đồng thời đôn đốc các Sở Y tế siết chặt kiểm tra đối với kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc nói chung, các nguyên liệu làm thuốc bị cấm sử dụng trong các ngành khác nói riêng.

Phối hợp với cơ quan công an để quản lý

Bộ Y tế cho biết, để quản lý salbutamol trong thời gian tới cũng như các hóa chất cấm trong ngành Nông nghiệp nói chung, thời gian tới, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an sẽ ký quy chế phối hợp. Cùng đó, Cục Quản lý Dược sẽ tăng cường hậu kiểm đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình về số lượng đề xuất, mục đích sản xuất, mục đích bán cho các đơn vị khác kèm theo danh sách các đơn vị dự kiến mua, đồng thời có cam kết bán hàng đúng đối tượng… 

Salbutamol (hay còn gọi là chất tạo nạc) là loại nguyên liệu thường bị dùng trái phép trong chăn nuôi tại Việt Nam. Đây là thuốc để điều trị bệnh hen suyễn với liều lượng rất nhỏ và cần sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ. Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đã cấm sử dụng salbutamol trong thực phẩm từ nhiều năm nay. Sau một thời gian tích lũy chất này trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. (An ninh Thủ đô (trang 8):

Có thể chung sống với bệnh rối loạn chảy máu di truyền

Bệnh rối loạn chảy máu di truyền (Hemophilia) là căn bệnh khá nguy hiểm, do người bệnh bị thiếu yếu tố đông máu sẽ gây chảy máu tái phát nhiều lần, bị tàn tật, thậm chí tử vong sớm. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể sống và làm việc như những người khỏe mạnh, hạn chế thấp nhất những biến chứng không đáng có do căn bệnh này gây nên.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Rối loạn đông máu Việt Nam cho biết: Ở người bình thường, khi mạch máu bị tổn thương làm máu chảy ra ngoài, thì cơ thể hình thành cục máu đông để ngăn chặn sự chảy máu. Máu đông được là nhờ các thành phần trong máu gọi là yếu tố đông máu. Nếu thiếu, hoặc giảm nồng độ một trong số các yếu tố đông máu, thì có thể gây chảy máu kéo dài. Có rất nhiều yếu tố đông máu, trong đó có hai yếu tố đông máu quan trọng có tên là yếu tố VIII và yếu tố IX. Hemophilia là một trong số các rối loạn chảy máu di truyền hay gặp nhất do thiếu hụt hay do giảm, hoặc bất thường yếu tố VIII (đối với Hemophilia A) hoặc yếu tố IX (đối với Hemophilia B). Bệnh di truyền theo nhiễm sắc thể giới và truyền từ ông ngoại sang cháu trai; người mắc bệnh có nguy cơ bị chảy máu suốt đời, cho nên bệnh được chia thành ba mức độ, tùy theo tỷ lệ yếu tố đông máu bị thiếu hụt trong cơ thể. Cụ thể, yếu tố VIII còn từ 5% đến 40% được coi là mức độ nhẹ; còn từ 1% đến 5% là mức độ trung bình; dưới 1% là mức độ nặng. Đặc điểm nổi bật của bệnh là sự chảy máu ở khắp các vị trí cơ thể, điển hình nhất là chảy máu tại các cơ, khớp. Chảy máu tái phát nhiều lần, gây đau đớn và dẫn tới tàn tật, thậm chí có thể tử vong. Phần lớn người bệnh Hemophilia là nam giới.

Việc chẩn đoán và điều trị rối loạn chảy máu hiện nay có những khác biệt rất lớn giữa các vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số ít người bệnh được chẩn đoán từ khi còn rất trẻ và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế suốt đời, trong khi phần lớn người bệnh không được chăm sóc, điều trị thường xuyên. Điều này dẫn tới những hệ quả không mong muốn đối với người bệnh như suy nhược, đau đớn, những biến chứng và tổn thương vĩnh viễn, hoặc nặng hơn là tử vong. Ngày Hemophilia thế giới (17-4) năm 2016 được Liên đoàn Hemophilia thế giới lấy chủ đề “Điều trị cho tất cả - Tầm nhìn của tất cả”. Thông qua chủ đề này, để tập trung vào việc nâng cao nhận thức nhằm giải quyết thách thức lớn, đó là sự hạn chế trong việc tiếp cận với chẩn đoán và chăm sóc của người bệnh.

Giám đốc Trung tâm Hemophilia (Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư), BS Nguyễn Thị Mai cho biết: Tại Việt Nam, hiện có gần 6.000 người mắc bệnh hemophilia, trong đó mới có hơn 2.300 người đang được quản lý và điều trị. Cả nước có khoảng 30 nghìn người mang gien bệnh Hemophilia, nhưng mới có 40% số người bệnh được xét nghiệm… Mặc dù đã có sự quan tâm của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội và các ban, ngành, nhưng việc chăm sóc Hemophilia tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chi phí điều trị cao; việc quan tâm đầu tư phát triển các cơ sở còn chưa đồng đều, một số chính sách còn chưa phù hợp. Vì vậy, vẫn còn phần lớn người bệnh chưa được chẩn đoán. Người bệnh chưa được điều trị đầy đủ dẫn đến tỷ lệ tàn tật cao, chất lượng sống thấp, trong khi đó hiểu biết của người bệnh và cộng đồng còn hạn chế dẫn tới người bệnh đến các cơ sở y tế muộn. Một số chính sách về bảo hiểm y tế chưa thật sự phù hợp, vì Hemophilia là một bệnh lý có chi phí điều trị vào loại cao nhất, trong đó chi phí cho yếu tố đông máu chiếm hơn 90%. Cho nên, nếu áp dụng trần bảo hiểm giống như các bệnh khác thì không đủ kinh phí điều trị cơ bản cho người bệnh, làm cho việc sử dụng yếu tố đông máu ở các bệnh viện hạn chế rất nhiều. Ngoài ra, hiện nay ở nước ta, yếu tố đông máu mới chỉ có ở các bệnh viện lớn, mà người bệnh lại sống rải rác ở khắp nơi, họ phải di chuyển một quãng đường dài mới được bổ sung yếu tố đông máu dẫn tới việc điều trị chậm trễ, hậu quả là đau đớn kéo dài, tăng chi phí, tăng nguy cơ biến chứng.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhất là việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho người bệnh, theo GS, TS Nguyễn Anh Trí, Bộ Y tế sớm lồng ghép chăm sóc Hemophilia vào hệ thống chăm sóc y tế, dựa trên cơ sở các trung tâm truyền máu hiện có. Thực hiện phân cấp điều trị bằng hình thức trung tâm điều trị tuyến T.Ư điều trị những trường hợp chảy máu nặng, phức tạp, cần chăm sóc toàn diện; còn ở tuyến tỉnh điều trị những trường hợp chảy máu trung bình; chảy máu nhẹ điều trị tại nhà. Đồng thời, tăng cường giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của đội ngũ nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng về căn bệnh này; xây dựng chương trình Hemophilia quốc gia, cũng như tăng cường chế phẩm máu cả về số lượng, chất lượng và chủng loại…(Nhân dân (trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang