Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/5/2016

  • |
T5g.org.vn - Truy tìm hóa chất tẩm vào nội tạng động vật; Ngăn chặn tình trạng ngộ độc thực phẩm; Thầy thuốc trẻ vì sức khỏe cộng đồng…

Ngăn chặn tình trạng ngộ độc thực phẩm

Thời gian gần đây, số vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tập thể tại TP Hồ Chí Minh, trong đó có các trường học và các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) đang tăng lên, đặt ra nhiều thách thức trong việc giám sát chặt chẽ chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Vấn đề đặt ra là bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và nghiêm khắc xử phạt các trường hợp vi phạm, phải kết nối cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch với bếp ăn tập thể.

Gia tăng các vụ ngộ độc

Theo Chi cục ATVSTP thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2012 đến nay, tại thành phố đã xảy ra 25 vụ NĐTP với khoảng 1.750 người. Đáng lưu ý, các vụ NĐTP có xu hướng tăng lên từ năm 2013 đến nay. Thống kê cho thấy, năm 2013 thành phố xảy ra ba vụ, năm 2014 là năm vụ, năm 2015 là sáu vụ và riêng bốn tháng đầu năm 2016 là năm vụ.

Đáng lo ngại là số vụ NĐTP tại những địa điểm tổ chức suất ăn cho nhiều người như trường học, KCX - KCN cũng tăng lên. Riêng tại khu vực trường học, thành phố có hơn 2.820 trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, cao đẳng, trung cấp có dịch vụ ăn uống, trong đó 1.620 trường có bếp ăn tập thể, hơn 880 trường có căng-tin và gần 320 trường ký hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng NĐTP tại trường học đang gây lo lắng cho xã hội.

Đối với các KCX - KCN, Trưởng Phòng Quản lý NĐTP (Chi cục ATVSTP thành phố Hồ Chí Minh) Dương Phát Chiếu cho biết, khu vực này có 71 bếp ăn tập thể do doanh nghiệp (DN) tự tổ chức nấu, 67 bếp ăn tập thể do DN thuê đơn vị bên ngoài vào nấu và ba cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Năm 2014, không có vụ NĐTP nào xảy ra trong khu vực này, đến năm 2015, có một vụ và bốn tháng đầu năm 2016 cũng đã xảy ra một vụ NĐTP.

Theo Chi cục ATVSTP thành phố, toàn thành phố có khoảng hơn bốn triệu người lao động dùng suất ăn dưới các hình thức: bếp ăn tập thể, suất ăn sẵn… và 500 nghìn học sinh, sinh viên sử dụng suất ăn hằng ngày. Có thể thấy, nhu cầu dùng suất ăn sẵn là rất lớn, đặt ra thách thức cho các cơ quan quản lý trong việc giám sát chất lượng, bảo đảm ATVSTP.

Bảo đảm nguồn nguyên liệu an toàn

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, qua theo dõi có đến 52% số vụ NĐTP liên quan các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Các vụ ngộ độc thường xảy ra vào các tháng 3, 4 và tháng 6, 7 hằng năm. Đây là thời điểm nhiệt độ bình quân của tháng cao hơn hẳn nhiệt độ của năm, hoặc thời điểm giao mùa nắng - mưa tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển.

Thực tế, để có những suất ăn giá thấp (từ 10.000 đến 13.000 đồng/suất), một số cơ sở nấu ăn phải lựa chọn nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, chất lượng kém, không an toàn, dễ dẫn đến NĐTP. Bên cạnh đó, việc sử dụng chất cấm, kháng sinh không được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chất kích thích tăng trưởng trong một số loại rau, củ, quả hay chất thúc đẩy nhanh quá trình chín của trái cây trong thời gian gần đây cũng góp phần làm tăng nguy cơ NĐTP.

Thống kê từ năm 2012 đến nay cho thấy, có 52% số vụ do yếu tố vi sinh gây ra. Phó trưởng Phòng Thanh tra thực phẩm (Chi cục ATVSTP thành phố Hồ Chí Minh) Liêu Ngọc Lợi cho biết, riêng năm 2015, đơn vị đã thanh tra 525 bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và phát hiện 90 cơ sở vi phạm. Các vi phạm chủ yếu là điều kiện trang, thiết bị, dụng cụ chiếm gần 21% số lỗi vi phạm; vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình bảo quản thực phẩm chiếm hơn 19%.

Đại diện Chi cục ATVSTP thành phố cho biết, để hạn chế tình trạng NĐTP, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, các cơ sở để xảy ra NĐTP; đồng thời khuyến cáo các trường học có số lượng từ 1.000 học sinh trở lên tự tổ chức bếp ăn tập thể tại trường.

Hiện nay, các đơn vị chức năng tại TP Hồ Chí Minh đã tìm biện pháp đưa thực phẩm sạch cho các bếp ăn tập thể. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tổ chức hội nghị giới thiệu các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn cho các trường bán trú. Một trong những biện pháp quan trọng hiện nay là mở rộng việc kết nối các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đến các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. (*Nhân dân (trang TP.HCM))

10 năm 204 ca ghép tế bào gốc

Sau 10 năm thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên, đến nay Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật này và thực hiện được hơn 200 ca ghép tế bào gốc thành công.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi lễ tổng kết 10 năm hoạt động ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương ngày 16-5.

Theo TS Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tháng 11-2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương đã được thực hiện thành công. Đến tháng 8-2008, Viện Huyết học bắt đầu ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên và cho đến nay rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc.

Một thành tựu khác đáng ghi nhận là việc thành lập ngân hàng gốc máu dây rốn cộng đồng. Tháng 12-2014, ca ghép đồng loại không cùng huyết thống đầu tiên sử dụng mẫu máu dây rốn cộng đồng đã được thực hiện thành công. Đến nay viện đã thực hiện được 10 ca ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn của ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. (*Tiền phong (trang 2))

Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 5: “Thực hiện thành công 204 ca ghép tế bào gốc”

Thầy thuốc trẻ vì sức khỏe cộng đồng

Tại xã Tân Hương (huyện Yên Bình, Yên Bái), Hội LHTN Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Yên Bái vừa phối hợp tổ chức khai mạc Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2016.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực tiếp tục cụ thể hóa các nội dung và thực hiện phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của tổ chức Hội LHTN Việt Nam với các hoạt động vì an sinh xã hội, cổ vũ tinh thần sống đẹp vì cộng đồng của các tầng lớp thanh niên, đồng thời tăng cường đoàn kết, tập hợp lực lượng thầy thuốc trẻ trong các hoạt động tại cộng đồng.

Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2016 được tổ chức làm điểm cấp tỉnh tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình và đồng loạt tổ chức ngày hội tại các địa phương trong tỉnh. Theo kế hoạch, các bác sỹ trẻ, tình nguyện viên sẽ tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh. Tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, tặng quà cho nữ công nhân ở các khu công nghiệp. Tổ chức tập huấn các phương pháp sơ, cấp cứu cơ bản cho giáo viên và tư vấn dinh dưỡng cho cha mẹ học sinh tại các trường mầm non, tiểu học, phòng chống tác hại thuốc lá tại cộng đồng. Các bác sỹ trẻ cũng truyền thông các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè, tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho thanh thiếu nhi. Tổ chức ngày hội rửa tay với xà phòng và phòng chống dịch bệnh cho trẻ em.

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Yên Bái, Hội được thành lập từ đầu năm 2011, với nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới cơ sở như: hiến máu tình nguyện và khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào tại các khu vực còn khó khăn trên địa bàn tỉnh cũng như tại các huyện, thị xã, nơi mà điều kiện trang thiết bị của các cơ sở y tế còn nhiều hạn chế…

Hội Thầy thuốc trẻ Yên Bái đã bước đầu khẳng định vai trò xung kích của đội ngũ các y, bác sỹ trẻ trong việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, hoạt động Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng được tổ chức hàng năm không những mang đến cho bà con nhân dân nghèo vùng sâu, vùng xa một chỗ dựa tinh thần vững chắc mà còn tăng cường tình đoàn kết của thanh niên, tiếp tục khẳng định vai trò của tổ chức Hội đối với thanh niên và xã hội, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân. (*Tiền phong (trang 7))

Trao 228 lít sữa tươi cho bệnh nhân chạy thận và trẻ em khó khăn

Chiều 11-5, Đại diện Quỹ Trái tim Nhân ái, Báo Hànộimới phối hợp với Công ty FrieslandCampina Việt Nam, UBND phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng đã trao 228 lít sữa tươi Cô gái Hà Lan (Dutch Lady) cho 133 bệnh nhân chạy thận đang trọ ở xóm chạy thận, tổ 2A, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng và các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở Trường Mầm non phường Đồng Tâm.

Ông Nguyễn Văn Khải, 66 tuổi, quê ở xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh trở thành bệnh nhân chạy thận của Bệnh viện Bạch Mai và gắn bó với xóm chạy thận này hơn 3 năm nay. Do điều kiện gia đình khó khăn, ông một mình khăn gói ở trọ với các bệnh nhân cùng cảnh. Ông Khải cho biết: “Chúng tôi ở đây thiếu thốn trăm bề, sự sống duy trì dựa vào thuốc men mà không còn khả năng lao động. Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm chia sẻ của các nhà hảo tâm đã giúp đỡ”. ( *Hà Nội mới (trang 6))

Ra quân đội hình “Tiếp sức người bệnh”

Sáng 16/5, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10, TPHCM), Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên Thành phố tổ chức ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” giai đoạn 4, triển khai tại 3 bệnh viện là Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ.

Trong giai đoạn 4 – năm 2016 này, chương trình “Tiếp sức người bệnh” được triển khai thực hiện tại 3 bệnh viện, gồm: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ.

Thực hiện chương trình, các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân và người nhà được tiếp cận nhanh các dịch vụ y tế, giảm thời gian chờ khám, giảm tải công việc của điều dưỡng viên và nhân viên hành chính tại các bệnh viện.

Tại các bệnh viện, các bạn tình nguyện viên túc trực tại các phòng, khoa của bệnh viện, chỉ dẫn, hướng dẫn thủ tục, quy trình khám, đồng thời tư vấn tâm lý cho bệnh nhân và người nhà.

Dịp này, Thành Đoàn trao tặng một số phần quà cho các bệnh nhi đang được điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, chia sẻ: Bệnh viện nhiều lúc trong tình trạng quá tải, nên rất cần sự giúp đỡ, xung kích, năng nổ của các bạn tình nguyện viên.

Các bạn đã giúp đỡ, giúp giải quyết sự bỡ ngỡ ban đầu của người bệnh, đồng thời giúp giải tỏa tâm lý, qua đó giúp bệnh nhân điều trị có kết quả tốt hơn.

“Chính những hành động đẹp đó phần nào giúp cho bệnh tật của bệnh nhân giảm đi một nửa. Người bệnh khi trở về sẽ còn nhớ mãi nụ cười của các bạn”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, nói.

Triển khai từ tháng 12/2013 dưới sự chỉ đạo của Ban thường vụ Thành Đoàn và Ban giám đốc Sở y tế TPHCM, chương trình “Tiếp sức người bệnh” đã đến với các bệnh viện: Chợ Rẫy, Ung bướu, Truyền máu huyết học, Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Quận 2, và nay thực hiện thêm đối với 3 bệnh viện mới là Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ.

Từ đó đến nay, chương trình đã thu hút hơn 96 nghìn lượt tình nguyện viên tham gia, thực hiện hỗ trợ 980 nghìn lượt bệnh nhân và thân nhân người bệnh tại các bệnh viện. (*Tiền phong, Sài Gòn giải phóng (trang 3))

"Thần dược" của nhiều bệnh hiểm nghèo

Nhiều người bị bệnh hiểm nghèo, thời gian sống tưởng chỉ còn tính bằng ngày, nhưng số phận may mắn đã cho họ gặp được những người thầy thuốc tận tâm ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (HH-TM TW), để rồi, họ được ghép tế bào gốc và không chỉ được trả về với cuộc sống, mà còn lập gia đình, sinh con, tìm được hạnh phúc của đời. 

“Cải tử hoàn sinh”

Ghép tế bào gốc đã được coi là bước đột phá lớn trong y học nước nhà và trở thành một trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật của Việt Nam năm 2012. Sau 10 năm, Viện HH-TM TW đã làm nên một kỳ tích với 200 ca ghép tế bào gốc thành công.

Cuộc họp mặt trong dịp tổng kết 10 năm ghép tế bào gốc ở Viện HH-TM TW chiều 16-5 là một cuộc hội ngộ nhiều xúc cảm. Có người được ghép đã 8 năm, có người vừa mới được ghép vài tháng, nhưng đều khỏe mạnh với niềm lạc quan tràn đầy. Tất cả các bệnh nhân được ghép tế bào gốc thành công đều có chung niềm xúc động khi đã được “đổi đời” ở những thời khắc tưởng không còn tin rằng sẽ qua khỏi.

Bệnh nhân Trần Thế Thành (Hà Nội), bệnh nhân được ghép tế bào gốc năm 2007, nay hoàn toàn khỏe mạnh, chia sẻ trong niềm xúc động:

"Khi đó, tôi nằm bất động ở nhà, nửa tỉnh nửa mơ và khi đó không ai tin tôi có thể qua khỏi. Khi được điều trị ở Viện, tôi từng hỏi có khi nào tôi ngồi dậy được không và c bác sĩ bảo tùy thuộc vào tinh thần của tôi, vì nhiều bệnh nhân chỉ điều trị đến lần thứ 4 là đã đi lại được. Quả thật, đến lần điều trị thứ 4 thì tôi đã đi ra khỏi phòng bệnh".

Nếu nhìn vẻ ngoài khỏe mạnh của anh Vũ Quốc Kỳ (Ninh Bình), không ai nghĩ rằng, 6 năm trước, khi ở tuổi 17, anh đã tưởng chừng không qua khỏi bàn tay tử thần.

Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, anh bị chẩn đóan ung thư bạch cầu. Nhưng đến Viện HH-TM TW, anh được các bác sĩ chẩn đoán bị suy tủy xương. Trong vòng gần một năm, anh liên tiếp phải truyền tới hơn 50 đơn vị máu, mỗi tháng 2 lần có mặt ở Viện.

Thế rồi, anh may mắn được ghép tế bào gốc. Chỉ sau gần 1 năm, anh đã không còn phải dùng thuốc, sức khỏe ổn định hoàn toàn, anh đã đi làm trở lại. Không chỉ thế, năm 2015, anh đã cưới vợ và khi anh lên dự cuộc họp mặt của Viện HH-TM TW, con gái anh đã vừa được 2 tháng tuổi. Khỏi nói hết niềm vui và niềm hạnh phúc của ông bố trẻ.

“Thần dược” của nhiều bệnh hiểm nghèo

Cột mốc 200 ca ghép sau 10 năm đánh dấu thành công quan trọng của Viện HH-TM TW trong lĩnh vực ghép tế bào gốc, khi chứng minh rằng, với nhiều loại bệnh ác tính thì ghép tế bào gốc là phương pháp duy nhất có thể điều trị khỏi, trong khi các phương pháp khác thì không, hoặc ghép tế bào gốc hỗ trợ tích cực trong điều trị ung thư.

Sau 10 năm tiến hành ghép, đối với ghép tự thân và đồng loài tỷ lệ bệnh nhân còn sống đến thời điểm 5-2016 tương ứng là 70% và 63,3%. Đặc biệt trong nhóm ghép đồng loài các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh máu lành tính hiệu quả ghép khá cao đạt 89,6% -GS TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện HH-TM TW chia sẻ.

Nhiều người đã ghép tế bào gốc được 5-8 năm đã đến dự cuộc gặp mặt hôm nay như anh Vũ Quốc Kỳ, bà Trần Thị Liên, chị Hoàng Diệu Thuần (Nghệ An) những con người may mắn có mặt tại cuộc gặp mặt 200 bệnh nhân được ghép tế bào gốc thành công ở Viện HH-TM TW trong 10 năm qua, đã cho thấy, ghép tế bào gốc thực sự là một “thần dược” và các thầy thuốc như GS. TS Nguyễn Anh Trí, như TS. Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện HH-TM TW thực sự đã sinh ra họ lần thứ hai. (*Công an Nhân dân (trang 7)

Bệnh viện quận đầu tiên điều trị ung thư gan qua đường động mạch

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết sáng 15-5, bệnh viện đã điều trị thành công một bệnh nhân được chẩn đoán u gan bằng phương pháp TACE (Transarteal Chemoembolization).

Đó là bệnh nhân Đ.V.Đ, 58 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, nhập viện tại khoa Ngoại tổng quát - ung bướu với chẩn đoán khối u gan ác tính ở hạ phân thùy VII trên nền bệnh nhân xơ gan có suy tế bào gan.

Sau khi các bác sĩ hội chẩn, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp “Nút hóa chất động mạch TACE: cắt mạch máu nuôi dưỡng khối u, bơm thuốc diệt ung thư nhằm ngăn cản sự phát triển của khối u”.

Sau thực hiện TACE, tình trạng bệnh nhân ổn định và dự kiến xuất viện trong 2 ngày tới.

Theo BS Nguyễn Minh Quân, ung thư gan có thể điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một phần gan, đốt gan bằng sóng cao tần, điều trị bằng thuốc và phương pháp nút hóa chất động mạch TACE. Hiện tại Bệnh viện quận Thủ Đức đã thực hiện được tất cả các phương pháp trên cho người bệnh.

Phương pháp nút hóa chất động mạch TACE (transarterial chemoembolization) là một trong các biện pháp điều trị ung thư gan qua đường động mạch TAE (transarterial embolization) với nguyên lý cơ bản là chấm dứt nguồn cấp máu từ động mạch tới khối u đồng thời đưa hóa chất diệt ung thư vào khối u.

Nút mạch bằng hóa chất được chứng minh đem lại hiệu quả cao trong điều trị ung thư gan nguyên phát không có chỉ định phẫu thuật.

Bệnh viện Q.Thủ Đức là bệnh viện đầu tiên trong các bệnh viện quận huyện trong cả nước thực hiện phương pháp điều trị này. (*Tuổi trẻ (trang 2))

Nam giới bị tăng huyết áp nhiều hơn phụ nữ

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo giới thiệu dự án y tế cộng đồng “Tăng huyết áp - Sống khỏe ngay từ ngày đầu tiên”, do Hội Tim mạch Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu dược phẩm Servier Việt Nam tổ chức sáng 16-5.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, nếu như cách đây 8 năm, cứ 4 người trưởng thành ở Việt Nam có 1 người bị tăng huyết áp thì hiện nay, số lượng người mắc chứng bệnh này đã tăng lên chóng mặt. Khả năng mắc bệnh tăng huyết áp ở nam giới cao hơn nữ giới với tỷ lệ tương ứng là 56,4% và 42,6%.

Đáng chú ý, tỷ lệ những người bị tăng huyết áp nhưng chưa được phát hiện rất cao, chiếm tới 39,1%, trong khi tỷ lệ người bị tăng huyết áp được điều trị đạt được huyết áp mục tiêu mới chỉ đạt 31,3%. (*An ninh Thủ đô (trang 8))

Đã có 10 ca được ghép tế bào gốc

Ngày 16-5, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, hiện nay, bình quân mỗi năm viện thực hiện khoảng 50 ca ghép tế bào gốc để cứu sống các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. 

Từ khi triển khai thành công kỹ thuật này, sau 10 năm, đã có 204 ca được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc (gồm 111 trường hợp ghép tự thân và 93 trường hợp ghép đồng loại). Tỷ lệ sống luôn ở mức cao, đối với các ca ghép tự thân (chiếm 70%) và đồng loại (chiếm 63,3%). Đặc biệt, hiện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng đã tiến hành 10 ca ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng.

TS Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, ghép tế bào gốc đang thực sự trở thành một cuộc cách mạng trong điều trị các bệnh máu và nhiều bệnh lý khác. (*An ninh Thủ đô (trang 8))

Truy tìm hóa chất tẩm vào nội tạng động vật

Căn cứ loại bột trắng thu giữ được, nhiều chuyên gia nhận định đây là một dạng hóa chất có tác dụng tích nước nhằm tăng trọng lượng.

Cơ quan chức năng Đà Nẵng đang khẩn trương xác định loại hóa chất đựng trong bao bì ghi chữ Trung Quốc tẩm vào thực phẩm có tác hại như thế nào đối với sức khỏe người dùng.

Chế biến nội tạng bẩn xuất đi Trung Quốc

Trước đó, như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 13-5, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Đà Nẵng (PC49) phối hợp với cơ quan thú y bắt quả tang cơ sở chế biến nội tạng động vật không rõ nguồn gốc do ông Nguyễn Quế Huy (ngụ xã Hòa Tiến, Hòa Vang) làm chủ.

Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ 350 kg nội tạng tươi, 5.600 kg đã qua chế biến đang cất giữ tại kho lạnh. Ông Huy thừa nhận toàn bộ nội tạng động vật nói trên thu mua từ một lò mổ trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) với giá khoảng 3.000 đồng/kg. Sau khi chế biến, gom đủ 5.000 kg thì bốc lên xe, vận chuyển ra miền Bắc để xuất đi Trung Quốc với giá từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg. Ban đầu ông Huy khai là sản phẩm được dùng để bán cho cá ăn. Nhưng sau đó phải thừa nhận là sử dụng làm nguồn thực phẩm. Trung bình mỗi ngày cơ sở này chế biến khoảng 350 kg nội tạng.

Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ nhiều nhóm người Trung Quốc sang các tỉnh miền Trung để thu mua, chế biến nội tạng không rõ nguồn gốc, sau đó chuyển về Trung Quốc tiêu thụ. Cuối năm 2012, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP Đà Nẵng) phát hiện chín người Trung Quốc đang thu gom 500 kg lòng heo tại một cơ sở kinh doanh nội tạng động vật. Ngoài ra, nhóm này cũng đã kịp thu mua, chế biến một lượng lớn nội tạng khác. Trong quá trình chế biến, nhóm này cũng sử dụng một số hóa chất (mang từ Trung Quốc sang) nhằm khử trắng, khử mùi và bảo quản nội tạng. Theo một cán bộ điều tra, mặc dù các chủ hàng khai là xuất sang Trung Quốc nhưng thực tế đường đi của số nội tạng bẩn này rất khó lường. Có trường hợp chế biến xong xuất đi nhưng cũng có khi lại quay về bàn ăn của người dân.

Hóa chất tích nước?

Ông Lê Văn Chánh, phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Chăn nuôi và thú y Đà Nẵng) cho hay tại cơ sở của ông Huy còn phát hiện một bao bột màu trắng có chữ Trung Quốc (không có chữ tiếng Việt), trọng lượng 40 kg. Bao này được sử dụng gần hết, chỉ còn sót lại khoảng 3,5 kg. Hóa chất này mịn như cát. “Ban đầu chúng tôi tưởng đó là hóa chất dùng để tẩy trắng nội tạng nhưng không phải. Đó là chất làm trương nở thực phẩm nhằm tăng trọng lượng. Loại hóa chất này tôi chưa gặp bao giờ” - ông Chánh nói. Chủ cơ sở cũng thừa nhận đó là chất dùng để tăng trọng lượng sản phẩm nhằm kiếm lời. Trong quá trình chế biến nội tạng, cơ sở này bỏ thêm một hàm lượng chất bột trắng vào. Khi vớt ra, ngâm nước thì nội tạng sẽ tăng thêm trọng lượng từ 20% đến 30%. Nguồn gốc của bao hóa chất này là do phía thu mua (ở Thái Bình) cung cấp - ông Huy khai.

PC49 đã yêu cầu nhân viên C. (làm thuê tại cơ sở) tiến hành thực nghiệm. Khi cân 1,4 kg nội tạng nấu không bỏ hóa chất và 1,4 kg bỏ hóa chất. Kết quả, nồi có hóa chất thu về 1,6 kg, nồi còn lại giảm xuống chỉ còn 1 kg. Theo lý giải ban đầu của cơ quan chức năng thì bột hóa chất đã làm trương nở nội tạng khiến trọng lượng tăng lên. “Lực lượng chức năng đang gửi mẫu hóa chất nói trên đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 để kiểm tra xem đó là chất gì. Trên cơ sở phân tích các hóa chất có trong loại bột trắng này mới biết được tác hại của nó đối với sức khỏe người dùng. Khoảng bốn ngày nữa sẽ có kết quả”- Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng PC49, cho biết. PC49 cũng đã gửi mẫu bao bì có ghi chữ Trung Quốc đến Phòng Xuất nhập cảnh (Công an TP Đà Nẵng) để phiên dịch ra tiếng Việt xem nội dung trên bao bì này ghi gì.

Theo một chuyên gia về thực phẩm thì căn cứ vào những dấu hiệu nhận biết như trên, có khả năng hóa chất này chứa thành phần chủ yếu là muối. “Muối giúp tích nước để tăng trọng lượng. Còn muốn biết rõ từng chất cụ thể thì phải xét nghiệm mới chính xác” - vị này nói. (*Pháp luật TPHCM (trang 13))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang