Bất cập trong cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo
Cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, cận nghèo là việc làm rất thiết thực và ý nghĩa. Nhờ có thẻ BHYT mà hàng triệu người bệnh có hoàn cảnh khó khăn được chữa trị kịp thời, gia đình bớt đi gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp người nghèo, cận nghèo phải chịu thiệt thòi do còn một số bất cập trong việc cấp thẻ BHYT.
Bị mắc bệnh suy thận đã gần 10 năm, tháng nào anh Bùi Văn Chức, xã Quy Mông (huyện Trấn Yên, Yên Bái) cũng phải đến Bệnh viện đa khoa thành phố Yên Bái để chạy thận nhân tạo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tấm thẻ BHYT được cấp miễn phí thật sự là chiếc “phao cứu sinh” đối với anh. Anh Chức tâm sự: “Thẻ BHYT rất quan trọng đối với tôi. Nếu không có nó, tôi không thể chữa bệnh được, vì bệnh của tôi điều trị quá tốn kém mà gia đình lại nghèo”.
Không chỉ riêng anh Chức, mà hầu hết người bệnh phải nằm viện điều trị trong thời gian dài đều thấy được “tầm quan trọng” của tấm thẻ BHYT. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Yên Bái được cấp BHYT là 100%. Đối với hộ cận nghèo, ngoài 70% mức đóng BHYT được Nhà nước hỗ trợ, thì dự án NORRED (dự án hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới) hỗ trợ 20%, tổ chức phi chính phủ EU hỗ trợ 10% còn lại.
Hầu hết các tỉnh miền núi như Yên Bái còn nhiều khó khăn. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao. Những lúc ốm đau, bệnh nặng, bà con gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám, chữa bệnh, nhất là khi không có thẻ BHYT. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, hộ cận nghèo cũng được hỗ trợ 100% mua thẻ BHYT. Dù đã được Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, thì 30% còn lại vẫn cao so với thu nhập của hộ cận nghèo. Đến nay, nhiều hộ cận nghèo vẫn chưa thể tham gia BHYT.
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp mấy tháng đầu năm, nhiều bệnh nhân nghèo lại gặp khó khăn vì phải tự chi trả viện phí do bị chậm cấp thẻ BHYT. Theo phản ánh của bạn đọc, tính đến tháng 4-2017, nhiều hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Đác Nông vẫn chưa được cấp thẻ BHYT. Trong khi bệnh viện chỉ thanh toán bảo hiểm cho bệnh nhân có thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng. Phải tự thanh toán toàn bộ chi phí thuốc men, tiền viện phí... thật sự là gánh nặng quá lớn đối với người nghèo, nhất là khi bệnh nặng, phải điều trị dài ngày.
Hằng năm, việc cấp thẻ BHYT cho trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tiến hành dựa trên danh sách xác lập từ các cuộc họp bình xét tại thôn, xóm. Danh sách này lại phụ thuộc vào kết quả rà soát của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và được UBND các cấp phê duyệt. Theo quy định thì việc rà soát hộ nghèo và cận nghèo phải kết thúc trong tháng 11 hằng năm, nhưng thực tế thường chậm hơn nhiều. Năm 2016, 2017, rất nhiều địa phương đến cuối tháng ba mới có danh sách hộ cận nghèo để làm cơ sở cấp thẻ BHYT mới, trong khi thẻ BHYT cũ đã hết hạn từ ngày 31 tháng 12 của năm trước. Cho đến khi thẻ BHYT đến tay người dân thì chỉ còn giá trị dưới chín tháng. Thậm chí có trường hợp, khi nhận được tấm thẻ BHYT thì đã gần hết hạn sử dụng.
Việc chậm cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo kéo theo nhiều thiệt thòi cho người thụ hưởng do thời gian sử dụng bị rút ngắn. Nhất là khi bị ốm đau phải nằm viện điều trị mà thẻ BHYT cũ đã hết hạn, thẻ BHYT mới thì chưa được cấp, người bệnh phải tự thanh toán toàn bộ tiền thuốc men, viện phí. Việc này không chỉ xảy ra một lần mà cứ bị lặp đi lặp lại hằng năm vì năm nào danh sách cũng phải phê duyệt lại. Không chỉ chậm cấp thẻ BHYT, nhiều địa phương còn xảy ra tình trạng cấp trùng thẻ, in sai thông tin, có khi nhầm cả tên, tuổi, giới tính, khiến người sử dụng gặp nhiều phiền toái.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, phê duyệt danh sách hộ cận nghèo hằng năm ở từng địa phương. Danh sách phê duyệt hộ cận nghèo có thể giữ ổn định cho vài năm để không phải năm nào cũng phê duyệt lại hoặc danh sách phê duyệt cho năm nay được sử dụng để cấp thẻ BHYT cho năm sau. Cơ quan bảo hiểm xã hội nên điều chỉnh quy định hiện hành là thẻ BHYT có giá trị đến ngày 31-12 bằng quy định thẻ có giá trị sử dụng đủ 12 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh để tránh thiệt thòi cho người thụ hưởng. Chính quyền các địa phương cũng nên chủ động, tích cực tạo nguồn hỗ trợ 30% mức đóng còn lại để người cận nghèo được cấp thẻ BHYT. (Nhân dân, trang 4)
Nuốt kẽm vào bụng, ruột non bị thủng 5 lỗ
Ngày 16.6, TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nam tên N. (27 tuổi, TP.HCM) vì nuốt cọng kẽm hình chữ X vào ruột non và ruột bị đâm thủng 5 lỗ.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau quặn bụng, các bác sĩ nghĩ bệnh nhân bị viêm ruột. Tuy nhiên, kết quả siêu âm, chụp X-quang cho thấy có dị vật hình chữ X trong ruột non. Các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu lấy ra dị vật hình chữ X - đó là hai cọng kẽm, mỗi cọng dài 5 cm và được buộc lại bằng dây thun, đồng thời khâu 5 lỗ thủng ruột non do bị cọng kẽm đâm.
Các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu lấy ra dị vật hình chữ X - đó là hai cọng kẽm, mỗi cọng dài 5 cm và được buộc lại bằng dây thun
Điều đặc biệt là cách đây 2 năm Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đã cấp cứu bệnh nhân trên và phẫu thuật lấy dị vật vì tự nuốt. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân có tiền sử tâm thần kinh.
Bác sĩ cũng khuyến cáo người nhà cần quan tâm đến người có tâm thần không bình thường trong gia đình, nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc do bản thân họ gây ra. Với trường hợp trên, nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử ruột, nhiễm trùng, nhiễm độc đe doạ tính mạng người bệnh. (Thanh niên, trang 2)
Bắt tay phát triển du lịch y tế tại TP.HCM
Ngày 16.6, Sở Y tế và Sở Du lịch TP.HCM phối hợp tổ chức tọa đàm “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch y tế (DLYT) tại TP.HCM” và ký kết liên tịch công tác phối hợp phát triển sản phẩm DLYT tại TP.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, thế mạnh của VN là kỹ thuật y tế phát triển, tay nghề bác sĩ cao, nhiều kinh nghiệm và giá thành thì thấp. Đặc biệt, VN nổi tiếng trong việc chữa hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật châm cứu y học cổ truyền phương Đông... nên việc đẩy mạnh DLYT là xu thế tất yếu.
Tuy vậy, thời gian qua DLYT còn mang tính tự phát, chưa có sự kết hợp giữa các bộ phận cung ứng dịch vụ: doanh nghiệp lữ hành, các bệnh viện, phòng khám... Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và y tế; sự vào cuộc của các doanh nghiệp làm du dịch, chú trọng thu hút người dân trong nước. Đặc biệt là nâng cao chất lượng DLYT và hành lang pháp lý điều trị bệnh cho người nước ngoài. (Thanh niên, trang 5)
Nhiều trẻ viêm não bị di chứng nặng do điều trị muộn
Thời gian gần đây các bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não, viêm não, viêm não Nhật Bản. Đáng chú ý có những trẻ đưa đến khá muộn vì biểu hiện ban đầu của bệnh này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt cao khác.
Bệnh diễn biến nhanh và nặng
Bệnh nhân H.T.T (3 tuổi, Bắc Ninh) đang điều trị ngày thứ 13 tại khoa những vẫn li bì. Hiện các bác sĩ chưa xác định được căn nguyên gây viêm não dù nghĩ nhiều đến viêm não Nhật Bản. Bác sĩ cũng chưa thể đánh giá được khả năng hồi phục bởi bệnh nhân đang trong giai đoạn cấp của bệnh, biểu hiện rất nặng nề. Cùng với đó, bệnh nhi này đang có dấu hiệu liệt. Trước đó, bé T. được gia đình đưa đến viện đã ở ngày thứ 3 sau sốt, đã có dấu hiệu li bì, tri giác bị liệt.
Một trường hợp khác là bệnh nhân L.T.H. (Hưng Yên) nhập viện ngày 2/6. Sau gần nửa tháng điều trị, sức khoẻ bé có dấu hiệu tốt lên. Người nhà bệnh nhi cho biết, bệnh của trẻ diễn biến khá nhanh, sốt cao, không co giật, người gồng cứng. Trẻ được đưa đến bệnh viện địa phương nhưng bệnh nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng li bì, hôn mê. Hiện nay bệnh nhi đã nhận biết nhưng chưa nói, không ngồi, không nhấc được cổ.
Trong những ngày qua, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận rải rác các ca viêm màng não, có bé bị viêm màng não mủ rất nặng.
Phát hiện sớm hạn chế di chứng nặng nề
TS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) khuyến cáo, viêm não do virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, trong đó có virus viêm não Nhật Bản. Các căn nguyên gây viêm não là virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, virus đường ruột (như EV71 gây tay chân miệng). Bệnh xuất hiện quanh năm và mùa dịch vào các tháng hè, đỉnh điểm là tháng 6-8. Trẻ thường sốt cao, đau đầu, nôn, ngủ li bì, mệt lả…
Bệnh có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp. Trẻ dưới 15 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Nếu phát hiện sớm chữa kịp thời thì hiệu quả điều trị bệnh cao hơn. Ngược lại bệnh sẽ dẫn đến nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập…
Do đó các chuyên gia khuyến cáo, trong mùa dịch viêm não các gia đình cũng cần chú ý đến những bé sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn mà việc dùng thuốc hạ sốt không mang nhiều hiệu quả giảm sốt, giảm đau; triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện sớm nhất để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho bé. Việc điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ di chứng để lại cho não bộ là vĩnh viễn, suốt đời.
So với các thể viêm não khác, bệnh nhi viêm não Nhật Bản rất nguy kịch, nặng nề, nguy cơ để lại di chứng thần kinh. Do diễn tiến của bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng thường phức tạp và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên việc bệnh nhân đến viện khi đã có biến chứng vẫn thường xảy ra.
Để dự phòng bệnh viêm não, bác sĩ Lâm khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin phòng viêm não mô cầu, viêm não Nhật Bản đầy đủ. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần cho trẻ ngủ màn để tránh muỗi truyền bệnh. (Tiền phong, trang 10)
Suất ăn siêu rẻ dễ gây ngộ độc thực phẩm
Qua khảo sát của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, 70% vụ ngộ độc tập thể tại các khu công nghiệp (KCN) là do suất ăn sẵn, với giá trị chỉ khoảng 11.000-12.000 đồng/suất.
Từ đầu hè đến nay, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các KCN gia tăng ở một số địa phương, điển hình như vụ 44 công nhân Công ty TNHH điện tử BSE (KCN Nam Cấm, Nghi Lộc, Nghệ An) hay vụ 38 công nhân tại một công ty ở KCN Giao Long (Châu Thành, Bến Tre) phải nhập viện sau bữa ăn trưa… Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục ATTP đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ.
- Từ đầu mùa hè đến nay, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể có xu hướng gia tăng, nhất là ở các KCN, nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục ATTP: Vào mùa hè, trời oi nóng, cơ thể con người dễ mệt mỏi, sức đề kháng giảm trong khi thức ăn dễ bị ôi thiu, biến chất, là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật phát triển. Do vậy, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm, thức ăn là có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó, điều kiện vệ sinh trong các khu chế biến thức ăn, nhất là bếp ăn tập thể thường không đảm bảo, ý thức chấp hành yêu cầu về ATTP của người chế biến nhiều khi còn kém.
Đặc biệt, một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến ATTP tại các bữa ăn tập thể ở các KCN, khu chế xuất là giá trị của các suất ăn. Có tới 70% vụ ngộ độc là do suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến, giá trị một bữa ăn ca của công nhân tại nhiều nhà máy chỉ khoảng 11.000-12.000 đồng/suất. Với giá trị suất ăn như vậy, rất khó để có được các nguyên liệu thực phẩm tươi ngon, bảo đảm vệ sinh, an toàn.
Ngoài ra, ý thức về đảm bảo ATTP của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng cũng còn hạn chế. Nhiều người vẫn có thói quen hoặc chấp nhận sử dụng thức ăn đường phố, thực phẩm chín ở những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống không đảm bảo ATTP. Hệ quả là vừa qua xảy ra khá nhiều vụ ngộ độc thực phẩm từ những quán, quầy thức ăn đường phố, có vụ hàng chục người phải cấp cứu.
- Trước thực trạng đó, Cục ATTP đã có những biện pháp gì?
- Từ đầu mùa hè, chúng tôi đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác bảo đảm ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm với nhiều giải pháp đồng bộ. Cục ATTP cũng đã đề nghị các địa phương xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Cục ATTP đang thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm đôn đốc, giám sát việc thực hiện tại các địa phương.
Cục ATTP cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn và xây dựng các mô hình kiểm soát ATTP tại các bếp ăn tập thể, trong đó có việc đề cao vai trò của công đoàn và đại diện của người lao động. Cục ATTP đã lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm ATTP hay nguy cơ mất ATTP (qua số máy 04.32321556 hoặc 0911811556). Khi nhận được phản ánh, Cục sẽ báo nhanh cho các đơn vị phụ trách kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm vi phạm. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh vi phạm ATTP về địa chỉ email: tiepnhantinvipham@vfa.gov.vn.
- Cục ATTP có khuyến cáo gì tới người dân để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè?
- Bộ Y tế đã hướng dẫn địa phương về việc xử lý và điều tra để xác định nguyên nhân khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Cục ATTP cũng đã tổ chức diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc tại các địa phương và doanh nghiệp có bếp ăn tập thể. Khi có ngộ độc thực phẩm, việc đầu tiên là phải tập trung vận chuyển, cấp cứu người bệnh.
Phải yêu cầu ngừng sử dụng các thực phẩm liên quan đến bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc, cơ sở cung cấp hoặc chế biến thức ăn phải tạm dừng hoạt động. Trong quá trình xử lý vụ ngộ độc thưc phẩm, cần chú trọng đến việc vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất thải của người bị ngộ độc để phòng tránh lây lan và ô nhiễm ra môi trường xung quanh…
Cùng đó, chúng tôi yêu cầu người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm. Các cơ quan chức năng phải tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ở những cửa hàng cố định. Cần đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm, chú ý vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi. (An ninh Thủ đô, trang 1)