Chỉ tiêu của Bộ Y tế đưa ra là đến cuối năm 2016 phấn đấu 100% số tỉnh, thành phố trong cả nước có bệnh viện vệ tinh. Đến nay, mới có 36 tỉnh, thành phố có bệnh viện vệ tinh, còn gần 30 tỉnh, thành phố nữa vẫn chưa có. Để đạt được chỉ tiêu trên đang là một thách thức cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt để thực hiện.
Mục đích xây dựng các bệnh viện vệ tinh, chuyên khoa vệ tinh ở các bệnh viện tuyến dưới là để giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hạn chế những tai biến… Theo PGS,TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 1-7-2015, cả nước có 15 bệnh viện hạt nhân và 53 bệnh viện vệ tinh tại 36 tỉnh, thành phố. Như vậy, còn đến gần 30 tỉnh, thành phố chưa có bệnh viện vệ tinh, nhất là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang… Đây cũng là những địa phương có số lượng bệnh nhân đổ dồn lên TP Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh rất lớn. Vì thế, tình trạng quá tải vẫn còn tiếp diễn ở các bệnh viện tuyến trung ương, nhất là các bệnh viện tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh.
PGS,TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, sở dĩ các bệnh viện ở các tỉnh, thành phố chưa thể tham gia bệnh viện vệ tinh là vì chính quyền địa phương chưa duyệt cấp hoặc chưa cấp kinh phí để thực hiện. Một số bệnh viện lại không đủ năng lực, trang thiết bị để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Đây là lý do chính khiến các bệnh viện tuyến trên không thể làm bệnh viện hạt nhân cho các bệnh viện vệ tinh.
Hiện nay, có khá nhiều bệnh viện tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh chưa tham gia vào đề án bệnh viện vệ tinh với tư cách là bệnh viện hạt nhân, như: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Mắt , Bệnh viện Đại học Y dược… Giải thích về điều này, bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, cái khó hiện nay để bệnh viện có thể tham gia vào mạng lưới bệnh viện vệ tinh là do chính quyền nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm, nhiệt tình với việc làm này. “Nếu UBND tỉnh Khánh Hòa hay UBND tỉnh Lâm Đồng quyết tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thì Bệnh viện Nhân dân 115 đã thực hiện chuyển giao gói kỹ thuật phẫu thuật tim mạch bằng kỹ thuật đặt stent…”, bác sĩ Báu cho biết thêm.
Trong khi đó, các bệnh viện có bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh ở các bệnh viện tuyến dưới thì lại than thở gặp khó khăn về nhân lực. Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cho hay, bệnh viện cùng lúc phải gánh nhiều chương trình đào tạo, chuyển giao cho nhiều bệnh viện, nguồn nhân lực đang gặp khó khăn.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên nhân khiến nhiều địa phương chưa quan tâm, nhiệt tình với việc phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh là do các đồng chí lãnh đạo ở những địa phương này chưa rõ bệnh viện vệ tinh là gì, tác dụng của bệnh viện này như thế nào. Khi được giải thích rõ về bệnh viện vệ tinh, những lợi ích từ bệnh viện vệ tinh mang lại, nhiều đồng chí lãnh đạo ở địa phương cho biết sẽ sẵn sàng đầu tư xây dựng bệnh viện vệ tinh cho các bệnh viện tuyến trên. Do vậy, cần phải tăng cường truyền thông về vấn đề này để có thể mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Những địa phương nào chưa có bệnh viện vệ tinh thì sẽ mở mới các bệnh viện vệ tinh, chuyên khoa vệ tinh; những địa phương nào đã có bệnh viện vệ tinh thì mở thêm.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý, các bệnh viện hạt nhân muốn chọn bệnh viện nào làm bệnh viện vệ tinh cho mình cần phải khảo sát một cách kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trang thiết bị…
Để mở rộng bệnh viện vệ tinh, các chuyên khoa vệ tinh, trước mắt, Bộ Y tế đề xuất năm bệnh viện tham gia bệnh viện hạt nhân và bốn tỉnh hình thành bệnh viện vệ tinh.
PGS,TS Lương Ngọc Khuê cho biết thêm, ngoài việc bổ sung thêm các bệnh viện tuyến cuối có trình độ kỹ thuật cao, đủ năng lực làm bệnh viện hạt nhân, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất của đơn vị đào tạo thực hành của bệnh viện hạt nhân để thực hiện tốt việc đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. “Bộ Y tế cũng mong muốn UBND các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách, huy động vốn để thực hiện đầu tư phát triển bệnh viện phù hợp quy hoạch mạng lưới y tế địa phương nhằm đạt mục tiêu giảm tình trạng quá tải bệnh viện. Các địa phương cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh trên địa bàn” - PGS,TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh. (Nhân dân Chuyên trang TP.HCM)
Tổ chức tiêm vắc-xin bạch hầu tại khu vực có dịch ở Quảng Nam
Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại thôn 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), ngày 16-7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công điện đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam triển khai ngay việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng. Tập trung các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị cho người bệnh nhằm hạn chế thấp nhất số người mắc và chết.
Sở phối hợp Viện Pa-xtơ Nha Trang thực hiện ngay việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm vét vắc-xin phòng bệnh, bảo đảm tất cả các trẻ được tiêm đủ các mũi cơ bản và nhắc lại, nhất là tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời tăng cường tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng, chống để người dân tự giác và chủ động phòng tránh... (Nhân dân trang 8)
Liên tiếp xảy ra 6 cái chết cùng một triệu chứng đau họng, sưng hạch cổ... và hàng chục người đồng loạt phát bệnh ở 2 làng đồng bào Bh’noong dưới chân đỉnh Ngọc Linh (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) trong 2 tháng qua khiến người dân hoang mang tột độ. Nhà nhà giết gà, mổ lợn, đâm trâu cúng linh đình, chộn rộn chuyện dời làng...
Cơ quan chức năng bước đầu xác định nguyên nhân gây ra cái chết của 1/6 nạn nhân do vi khuẩn bạch hầu. Nhưng đằng sau dịch bệnh là những hủ tục lạc hậu, mê tín và nạn ô nhiễm môi trường…
Chết hàng loạt bất thường
Chuyện bắt đầu từ ngày 7.7. Chủ tịch xã Phước Lộc - ông Nguyễn Đức Toàn, kể: “Hôm đó, dân làng chạy đến UBND xã xin tiền mai táng cho nạn nhân Hồ Thị Nảy (26 tuổi). Khi được hỏi, dân bảo chết do đau họng, phát bệnh 2 ngày chết ngay. Bốn ngày sau, 11.7, thêm trường hợp nữa cũng đau họng, chết, là cháu Hồ Thị Viên (17 tuổi). Dân làng tụ tập trắng đêm ở nhà nạn nhân, bắt đầu hoang mang lo sợ, sáng hôm sau vội vã chôn cất cháu Viên. Cả làng chưa kịp định thần thì ngay hôm sau (12.7) cháu Hồ Văn Quý, 16 tuổi cùng thôn 8B lăn đùng ra chết, cũng với triệu chứng đau họng, bục mủ trong cổ.
Thấy bất thường, chính quyền tức tốc cử người vào làng tìm hiểu. Mới hay, trước đó, từ ngày 5 - 30.5, ít nhất 3 người khác đã lần lượt chết tức tưởi khi phát bệnh đau họng tương tự. Đó là bà Hồ Thị Hai (chết ngày 12.5), ông Hồ Văn Xưa (chết ngày 18.5) và cháu Hồ Thi Mị (chết 30.5)... Bấy giờ, đến lượt chính quyền địa phương hốt hoảng, kêu cứu ngành y tế huyện, tỉnh. Cả chủ tịch, bí thư Huyện ủy, giám đốc Sở Y tế tức tốc vào tận nơi kiểm tra, khám xét. Kết quả 13 người có biểu hiện ốm đau, phát bệnh “đau họng” dạng nặng lập tức được đưa ra trung tâm y tế xã để cách ly, điều trị. 7 bệnh nhân nặng được chuyển lên tuyến huyện. Nhưng việc “bắt” được dân ra trạm xá để chữa bệnh cũng đoạn trường.
Bà con ở đây xưa nay chỉ tin vào Giàng, họ trị bệnh bằng cách cúng tế. Khi đau ốm nặng khoảng 10 ngày không tự khỏi là giết gà, mổ lợn, đâm trâu... Tùy điều kiện từng nhà mà làm mâm cúng cầu xin Giàng tha bệnh. Nếu chết nhiều người hoặc hàng loạt người bị nạn là họ bỏ làng đi nơi khác. Hôm tôi cùng bí thư và công an xã xuống làng vận động bà con đến trạm y tế, gặp ngay sự phản ứng dữ dội. Nhà Hồ Văn Thiên hôm đó đông đúc người dân đến quỳ gối cầu nguyện. Do có con là Hồ Thị Đẩy (16 tuổi) phát bệnh, sốt li bì mấy ngày, thấy xung quanh nhiều người đã chết, Thiên hoảng quá, bàn với vợ, đi mua con trâu 20 triệu đồng về để đâm, tế Giàng. Mâm cúng đó mất trên 25 triệu. Khi cán bộ y tế và chính quyền đến khuyên nhủ, yêu cầu đưa cháu Đẩy đi viện, Thiên chạy xuống bếp rút con dao nhọn, dọa: “Nếu cán bộ bắt con Đẩy ra khỏi nhà, tôi sẽ đâm nó chết ngay trước mặt cán bộ”. Đoàn công cán đành rút lui sau khi phát thuốc, sữa cho gia đình tự chăm sóc con bé. Hôm đó, xã cũng đã “cưỡng chế”, đưa 8 bệnh nhân đến trạm y tế để khám, chữa trị, rồi chuyển về Trung tâm y tế huyện”.
Ông Huỳnh Tấn Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh, làm chết người hàng loạt tại Phước Lộc trong mấy ngày qua. Kết quả 7 mẫu xét nghiệm trên 13 bệnh nhân nặng của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, chỉ 1 trường hợp dương tính với virus gây bệnh bạch hầu, 2 nạn nhân tử vong lại âm tính. Tuy vậy, Sở Y tế Quảng Nam đã kết luận có xuất hiện một ổ dịch bệnh bạch hầu tại 2 thôn 8A và 8B, xã Phước Lộc. Ngoài việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng, phát thuốc phòng bệnh cho 100% số dân địa phương, ngành y tế cũng đã lập trạm dã chiến, cắt cử 7 y - bác sĩ tại chỗ để theo dõi diễn biến dịch, kịp thời xử lý mọi tình huống xảy ra.
Quá nhiều hủ tục lạc hậu
Khi chúng tôi đến làng, cũng là lúc cơn mưa ập xối xả. Đất đỏ loang lổ, trầy trụa. Hồ Văn Véo - một dân làng, giải thích đây là nền đất mới, làng vừa dời về cuối năm 2014. Trước đó, 2 thôn 8A và 8B ở cách vài cây số, nhưng làng gặp họa nên tứ tán, Nhà nước mới đầu tư hạ tầng, vận động dân về đây.
Số là, năm 2013, ở thôn 8B bỗng nhiên có 4 đứa trẻ lần lượt lăn đùng ra chết khi mới bị sốt vài ngày. Những cái chết bất thường, đồng loạt đã khiến người dân truy xét nguyên nhân. Họ “phát hiện” làng bị một lời nguyền độc từ bà Hồ Thị Liên ở làng kề bên. Chuyện là bà Liên, thôn 8A có một bụi mía gần thôn 8B, liên tục bị trẻ con làng này bẻ trộm. Nhiều lần bà Liên la lối, chửi rủa nhưng không bố mẹ đứa trẻ nào chịu nhận lỗi. Giận quá, bà Liên về mua 1 con gà trắng, cúng ngải rồi đem máu rải khắp các nhà ở thôn 8B để... trù ẻo. Trưởng thôn báo chính quyền, nhưng bà Liên chối.
Không ngờ, sau đấy ở thôn 8B 4 đứa trẻ bỗng dưng lần lượt chết khi chỉ nóng, sốt vài ngày. Người ta cho rằng bà Liên đã có lời nguyền độc đối với bọn trẻ của làng. Quá sợ, họ quá bỏ làng đi hết vào núi. 100% trẻ con bỏ học. Các hộ ở tứ tán, nóc này nơi ngọn đồi, nóc kia nơi góc núi cách biệt nhau. Lần đó, UBND huyện Phước Sơn đã vào vận động nhưng làng không chịu về. Đích thân Bí thư và Chủ tịch huyện đến từng nhà kêu gọi, nhưng người dân một mực đòi huyện phải yêu cầu bà Liên cúng một con heo đen, giải lời nguyền độc họ mới dám về. UBND huyện đành phải mua heo đen, nhưng lại không thuyết phục được bà Liên cúng giải nguyền. Thế bí, huyện đầu tư 600 triệu san ủi một khu đất mới, hỗ trợ 1,6 triệu đồng mỗi hộ, đưa được 224 người dân của 42 hộ về làng mới vào cuối năm 2014. Định cư chưa được bao lâu, thì tai họa mới lại ập đến, khiến người dân lo sợ, nghi ngờ lời nguyền cũ chưa xóa được.
Hai thôn 8A và 8B bây giờ cũng liền kề nhau, không bờ giậu, hàng rào. Nhà nhà san sát như phố. Ở nơi mới, nhà dân được lợp tôn, vách ván, nhưng nền đất sét đỏ quạch, nắng bụi, mưa bùn. Cả làng không một bóng cây, ngày nắng như nung, ngày mưa thì trần lưng hứng nước. Dù đã chuẩn bị sẵn khẩu trang, nhưng vào bất cứ nhà nào chúng tôi cũng không thở nổi vì mùi hôi hám. Nhà Hồ Văn Vói ngồi bệt dưới nền đất, bên bếp tro đầy bụi bẩn để ăn bữa trưa. Vợ Vói chừng dưới 40 tuổi mải miết vá đồ. Bọn trẻ, đứa bò dưới nền, đứa cõng em ngoài sân, đứa trèo lên cột nhà... mũi xanh thò lò, nhem nhuốc mày mặt, thỉnh thoảng chạy lại bốc cơm bỏ miệng. Bữa trưa của một gia đình có đến 10 đứa trẻ chỉ có nồi măng rừng luộc. Hai con trai đầu Hồ Văn Trường, Hồ Văn Báu chừng 19, đôi mươi đều bị triệu chứng đau họng, ho ra máu, nhưng nhà đông con, không có tiền để Vói mua heo, gà cúng Giàng. Họ đang hoang mang lo sợ cái chết sẽ sớm đến. Nhưng rất may, nhờ chăm sóc y tế kịp thời, cả Trường và Báu giờ đã có thể giúp cha xẻ gỗ.
Nhà Hồ Văn Tí còn thê thảm hơn: 7 nhân khẩu chen nhau trong căn nhà vách nứa chừng 10 mét vuông. Con đầu Hồ Văn Quý 16 tuổi vừa chết hôm 12.7, nhưng không có lấy một bát hương. Vợ Tí chuẩn bị sinh đứa thứ 6, trông ốm yếu đến thảm hại. Kế đó, nhà Hồ Văn Viên, Hồ Văn Giáo... cũng đều có 5, 7 con thơ dại. Và hình như bất cứ nhà Hồ Văn nào trong làng này cũng đông con. Con số 100% hộ đói nghèo mà chính quyền xã công bố không nói hết được sự lạc hậu, nhếch nhác nơi này. Nơi đây còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, quanh năm giết súc vật để cúng tế thần, Giàng. Thiếu nữ chửa hoang, lập tức bị đuổi ra khỏi làng, một mình vượt cạn giữa rừng. Hết “cữ”, cúng heo đen mới được về làng. Người chết không được khiêng ngang làng, người đi đưa tang bị cấm uống chung con nước với làng, phải vào rừng, ở chòi canh rẫy, 15 ngày sau mới được về...
Ông Nguyễn Chí Trung (66 tuổi) - người cấp tiến duy nhất ở đây, là người Kinh. Ông Trung theo cơn lốc vàng đến đây, rồi trú lại 24 năm. Ông nói: Khắp các con suối, ngọn đồi, nơi đâu cũng mỏ vàng. Có gần 20 điểm khai thác. Sông suối đục ngầu quanh năm. Đặc biệt, người khai thác đánh hóa chất, thải thẳng ra môi trường. Vì vậy, không loại trừ khả năng môi trường bị nhiễm độc. Năm 1997, tại hầm vàng ở bãi Muối, đã có 4 thợ mỏ đồng loạt chết với triệu chứng đau họng, bục mủ, sưng hạch... giống như trường hợp của những dân làng bị bệnh hiện nay. Tôi rất mong chờ những cái chết lạ từ trước đến nay ở Phước Lộc được làm sáng tỏ để tránh thảm họa tương tự như bây giờ.
Việt Nam chưa loại trừ được bệnh bạch hầu
Liên quan đến 6 ca “bệnh lạ” tử vong tại xã Phước Lộc, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, 7 mẫu bệnh phẩm đã được gửi tới Viện Paster Nha Trang. Kết quả ban đầu, 1 mẫu dương tính với bệnh bạch hầu. Hiện cơ quan y tế vẫn tiếp tục phân tích, làm các xét nghiệm để truy tìm nguyên nhân gây bệnh. Theo PGS-TS Phu, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bất cứ trường hợp nào chưa có miễn dịch - chưa tiếp xúc với mầm bệnh, chưa tiêm phòng đủ hoặc đã tiêm nhưng không sinh miễn dịch đều dễ mắc bạch hầu. Đây là bệnh nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao. Hiệnnay, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch do chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. (Lao động trang 7)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 9 – “Mê tín chết người nơi ổ dịch”; Báo Gia đình & Xã hội trang 3 – “Không có bệnh lạ gây chết người ở Quảng Nam”
Mang âm nhạc đến bệnh viện tới huyện đảo Lý Sơn
Chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện số 119, 120 diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (Quảng Nam) vào ngày 17/7 và sân khấu ngoài trời nhà trưng bày Hoàng Sa Bắc Hải - huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào ngày 18/7. Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẽ diễn ra một đêm Gala âm nhạc đặc biệt với tên gọi Biển đảo yêu thương.
Góp mặt trong hành trình ý nghĩa này là các ca sỹ, nghệ sỹ: Nghệ sỹ hài Trà My, Vượng Râu, ca sỹ Minh Chuyên (Quán quân Sao mai điểm hẹn 2010), Việt Tú, Tuấn Khang GMC, Tố Nga, MC Nhung Tây, ảo thuật gia Duy Nguyễn, Quỳnh Hương, Hướng Dương Band và sự tham gia rất nhiều các ca sỹ, nhạc sỹ tại Quảng Nam và huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi... (Tiên phong trang 7)
Cách ly khu vực có ổ dịch bạch hầu
Toàn bộ khu vực ổ dịch bạch hầu tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, đã được cách ly, hạn chế người ra vào. Ngành y tế sẽ tiêm văc xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ người dân xã.
Hai thôn 8 A, 8 B sáng nay được cách ly, hạn chế người ra vào vùng dịch. Cơ quan chức năng cũng tiến hành phun hóa chất khử trung để tiêu diệt mầm bệnh tại các hộ gia đình và khu vực môi trường xung quanh. Cục Y tế dự phòng đã lập kế hoạch tiêm văcxin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ người dân xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Cụ thể, trẻ dưới 12 tháng tuổi tiêm văcxin Quivaxem (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib); trẻ 1-6 tuổi tiêm văcxin DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván); người từ 7 tuổi trở lên tiêm văcxin Td (phòng uốn ván, bạch hầu).
Theo đại diện Cục Y tế Dự phòng, từ ngày 30/6 đến ngày 15/7, địa phương này ghi nhận 13 trường hợp sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó, viêm họng ở độ tuổi 1-45 tuổi, trong đó 3 ca tử vong, 10 người còn lại sức khỏe đã ổn định. Các ca bệnh tập trung tại 2 thôn 8A và 8 B, hầu hết đều có quan hệ gần gũi gia đình hoặc thường xuyên có tiếp xúc gần.
Kết quả xét nghiệm đợt đầu tiên cho thấy có một bệnh nhân dương tính với bạch hầu. Trong số 3 người tử vong, một không lấy được mẫu xét nghiệm, 2 người còn lại âm tính với bạch hầu. Bộ Y tế khẳng định đây là một ổ dịch bạch hầu. Những trường hợp có các biểu hiện bệnh tương tự như bạch hầu tại khu vực này đều được xử lý như những ca bệnh bạch hầu.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết; hiện bệnh chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch do chưa tiêm văcxin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết địa phương trên cả nước. Vì thế, nhiều người lớn ở thành phố và nông thôn đã có miễn dịch, nên bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng.
“Ổ dịch lần này xảy ra ở khu vực hẻo lảnh nhất của huyện miền núi Phước Sơn, chưa có điện, đường giao thông đi lại khó khăn, gần như bị cô lập. Nhiều người lớn chưa tiếp xúc với mầm bệnh lại không được tiêm phòng nên hoàn toàn có thể mắc bệnh. Hiện bệnh không lưu hành phổ biến, nên các thuốc giải độc bạch hầu không có. Tuy nhiên thuốc kháng sinh vẫn còn có hiệu lực”, tiến sĩ Phu nói.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bất cứ trường hợp nào chưa có miễn dịch, chưa tiếp xúc với mầm bệnh, chưa tiêm phòng đủ hoặc đã tiêm nhưng không sinh miễn dịch dều dễ mắc bạch hầu. Đây là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, tiến sĩ Phu khuyến cáo.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Để phòng bệnh, cần lưu ý:
- Đưa trẻ đi tiêm văcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. (Hà Nội mới, Tiên phong trang 9)
Cùng chủ để Báo Công an Nhân dân trang 4 - “Quảng Nam đã kiểm soát được dịch bệnh bạch hầu”; Báo Nông thôn Ngày nay trang 2- “Khẩn trương tiêm vaccine bạch hầu”; Báo Sức khỏe & Đời sống – “Bạch hầu: bệnh cũ, họa mới”.
Huy động nguồn lực tư nhân vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
Hội thảo “Huy động sự tham gia và đầu tư của khối tư nhân trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV” đã được tổ chức vào ngày 16/7 tại TP.HCM, thu hút nhiều đại biểu tới tham dự từ các cơ quan của chính phủ ở cấp Trung ương và địa phương hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV, các tổ chức phát triển, các nhà máy và doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV.
Bà Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết, gần 80% nguồn ngân sách hoạt động cho hoạt động phòng chống HIV tại Việt Nam hiện do các nhà tài trợ quốc tế cung cấp. Tuy nhiên, các nguồn lực này đang rút dần khỏi Việt Nam, vì vậy tìm nguồn lực thay thế để duy trì cung cấp hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV là hết sức cấp thiết, đặc biệt khi dịch HIV/AIDS đã xuất hiện tại tất cả các tỉnh, thành phố, gần 99% quận huyện và hơn 80% xã phường của Việt Nam. Trong đó, khối Y tế tư nhân luôn đóng vai trò quan trọng trong mọi giai đoạn, Luật phòng chống HIV/AIDS và các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã có các quy định đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh cùng tham gia vào công tác phòng chống HIV/AIDS.
Cũng theo bà Hương, sau hơn 20 năm công cuộc phòng chống HIV/AIDS đã đạt được thành công trong việc nâng cao kiến thức của người dân về HIV/AIDS. Việc chủ động tiếp cận dịch vụ đang trở nên dần phổ biến trong cộng đồng, người dân đã biết tự tìm đến với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS khi nhận thấy mình có nguy cơ lây nhiễm HIV. Khu vực tư nhân với đặc điểm linh hoạt, quy mô đa dạng, đáp ứng nhanh với nhu cầu thị trường sẽ là kênh cung cấp dịch vụ và các vật phẩm phòng, chống HIV/AIDS như bao cao su, bơm kim tiêm, … một cách hiệu quả.
Tuy nhiên lâu nay, cũng tồn tại một quan điểm rằng, hoạt động phòng chống HIV/AIDS là lĩnh vực do Nhà nước đảm nhiệm, hay các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS hiện nay đều miễn phí. Trên thực tế, các văn bản, hướng dẫn và quy định liên quan tới triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS không giới hạn hình thức của đơn vị cung cấp dịch vụ. Ví dụ như hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV, các hoạt động dự phòng lây nhiễm như cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm. Do vậy, việc tổ chức vận động, tăng cường thông tin về các Thông tư, quy định và hướng dẫn thực hiện liên quan tới dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là hết sức quan trọng giúp khối kinh tế tư nhân hiểu rõ thủ tục, quy trình triển khai và khuyến khích khối này tham gia vào chương trình.
Ở Tuyến Trung ương, việc rà soát lại các văn bản và quy định hiện hành, đưa ra các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về quy trình đăng ký, triển khai cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS sẽ tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích khối tư nhân tham gia vào chương trình. Các chính sách hiện tại cần phải điều chỉnh để đảm bảo thực sự khuyến khích và thu hút sự quan tâm của khu vực tư nhân. Tất cả nhằm mục tiêu hàng đầu là ngăn ngừa dịch AIDS lây lan trong cộng đồng và đảm bảo tính hoạt động bền vững của hoạt động phòng chống HIV/AIDS. (Công an Nhân dân trang 4)
Gần 100 công nhân nhập viện sau bữa ăn tăng ca
Theo các công nhân, tối 15/7, họ ăn suất cơm tăng ca tại công ty với các món thịt heo xào cải chua, đậu hũ chiên, dưa leo… Một giờ sau, nhiều người có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Gần 100 người lần lượt được đưa lên taxi, xe máy chở đến cấp cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức và Bệnh viện Quân đoàn 4.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng kíp trực cấp cứu Bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết, các công nhân có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Bệnh viện quận Thủ Đức đã huy động lực lượng để truyền dịch cho 40 công nhân.
'Đến nửa đêm, 5 công nhân nhẹ được xuất viện, 35 bệnh nhân còn lại được chia vào nằm ở nhiều khoa để theo dõi', bác sĩ Bình cho biết.Trung tâm y tế dự phòng quận Thủ Đức và các cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, thu giữ mẫu thức ăn ở công ty để làm rõ nguyên nhân gây ngộ độc. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)
Tái tạo thành công gương mặt mất má, mũi do bom
Đang nấu cơm sau nhà, một phụ nữ bị bom nổ trước sân làm bất tỉnh, khuôn mặt biến dạng và bay mất lỗ mũi. Các bác sĩ chạy đua thời gian để cứu cô.
Nữ bệnh nhân có tên Nguyễn Thị Châu Phú (27 tuổi, ngụ Tiền Giang) bị bom nổ gây tổn thương khá nặng nề, đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu kịp thời.
Trước đó, ngày 30-5, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khuôn mặt biến dạng, mất nguyên 1 bên má và lỗ mũi, lộ xương hàm ra ngoài.
Ngay lập tức, ê kíp phẫu thuật gồm 4 chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, Tạo hình Thẩm mỹ, Vi phẫu thuật tạo hình, Gây mê Hồi sức khẩn cấp bắt tay vào cuộc tái tạo khuôn mặt cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài 12 tiếng đồng hồ gồm các bước lấy xương sườn, vạc da tạo lỗ mũi mới.
Sau 1 tháng rưỡi, sức khỏe bệnh nhân hồi phục, riêng lỗ mũi mới đã định hình, đang nong dần ra để trả lại chức năng thở, ngửi cho bệnh nhân.
Theo PGS-BS Lê Hành, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là một ca điển hình và rất may mắn, nếu lệch sau 1 cm nữa là mất xương hàm.
Còn BS Trần Văn Dương, Khoa Vi phẫu thuật tạo hình bệnh viện, cho biết đây là ca tổn thương rất phức tạp, phải trăn trở rất nhiều tìm cách cứu khuôn mặt cho người phụ nữ trẻ. Các vạc da được lấy từ cẳng tay quay và trên trán. Bệnh nhân thay vì phải trải qua 3 đến 4 lần phẫu thuật nhưng các bác sĩ cố gắng hoàn thành trong 1 cuộc. 'Ngoài trả lại chức năng thở, ngửi, điều hạnh phúc nhất chúng tôi trải lại khuôn mặt, gắn lỗ mũi mới cho bệnh nhân giúp chị trở lại hòa nhập cuộc sốngbình thường' - bác sĩ Dương nói.
Chị Phú cho biết người bạn của chồng mình làm nghề rà sắt thép phế liệu ve chai. Trong lúc ghé nhà chơi người này mang luôn trái bom vừa kiếm được rồi đục ở ngoài sân nhà mình. Trái bom bất ngờ phát nổ người bạn tử vong, riêng chị đang nấu cơm sau nhà bị mảnh bom văng trúng bất tỉnh tại chỗ. May mắn lúc đó chồng chị ẵm con ra đường chơi nên không bị thương tích. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)