Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp; Muỗi gây SXH có thể “khỏe lên” nếu phun thuốc không đúng; Hà Nội tổ chức 6 đoàn kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết; ​Các bệnh viện Công an nỗ lực ứng phó với dịch sốt xuất huyết; ​Lo ngăn chặn sốt xuất huyết xâm nhập trường học; ...

 

Sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp

Tại Hà Nội, một tuần thêm 3.578 bệnh nhân, cao nhất từ đầu vụ dịch. Tại TPHCM, nhiều phường còn lơ là, phòng chống dịch.

Trong một tuần qua (từ 6-13/8) Hà Nội ghi nhận thêm 3.578 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) mới. Đây cũng là tuần có số ca mắc SXH cao nhất từ đầu năm đến nay, cho thấy dịch SXH vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ngày 16/8, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hiện đã có 21 tỉnh hỗ trợ Hà Nội máy phun hoá chất diệt muỗi dập dịch SXH.  Theo ông Cảm, với số máy phun cỡ lớn này về cơ bản có thể giúp Hà Nội diệt được lượng muỗi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu các tỉnh thành khác hỗ trợ thêm máy phun Hà Nội sẽ tiếp nhận để dập dịch nhanh chóng hơn. Trong ngày 16/8, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tiếp tục triển khai phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn 21 quận, huyện. Việc phun thuốc diệt muỗi sẽ diễn ra từ nay đến hết tháng 8 tại các ổ dịch trọng điểm và 100% các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám, trường học, chợ, khu lán trọ công trình.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200. Ngoài hỗ trợ máy phun, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái còn đưa cả bác sĩ và cán bộ kỹ thuật tăng cường cho Thủ đô chống dịch.

Sở Y tế Hà Nội cũng mới có cuộc họp bàn với các chuyên gia của Bộ Y tế về các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh SXH. Bộ Y tế yêu cầu y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải, hạn chế thấp nhất tử vong, tăng cường tập huấn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, các trạm y tế trên địa bàn thành phố, chú trọng điều trị ngoại trú.

Bác sĩ Nguyễn Đình Đính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống sản phụ L.T.H (29 tuổi, ở huyện Ba Vì) bị SXH. Trước đó, sản phụ được cấp cứu trong tình trạng mang thai 37 tuần, chuyển dạ, giảm tiểu cầu và SXH. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật gấp, bảo đảm an toàn cho cả hai mẹ con. Còn tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân 26 tuổi (ở quận Đống Đa) mang thai 4 tuần và bị sảy thai do SXH. 

TPHCM: Không được chủ quan

“Trung ương, thành phố chỉ đạo việc gì, quận đều triển khai rốt ráo đến từng tổ dân phố, tới bây giờ không còn cái gì để chỉ đạo nữa nhưng dịch bệnh vẫn tăng”, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Đỗ Đình Thiện phát biểu tại buổi làm việc của UBND TPHCM với 24 quận, huyện về phòng chống dịch bệnh diễn ra chiều 16/8.

Đến thời điểm này, quận Bình Tân đã có 1.870 ca mắc bệnh SXH, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016 và là địa phương có số ca mắc bệnh cao nhất TPHCM. Ông Thiện cho biết toàn quận có 10.800 điểm có nguy cơ bùng phát dịch, trong đó đáng lưu ý là các công trình thi công dở dang và nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, dịch SXH cả nước tăng 34% (các tỉnh phía Nam tăng 30,4%) so với cùng kỳ. Riêng tại TPHCM số ca cộng dồn đến tuần 32 là 12.291 ca, tăng gần 27% so cùng kỳ, trong đó có 4 ca tử vong. Có 18/24 quận huyện có số ca nhập viện tăng mạnh so với cùng kỳ như quận 12 (tăng 133%), Cần Giờ (125%), Hóc Môn (83%), Bình Tân (64%).          

BS Nguyễn Trí Dũng cảnh báo qua kiểm tra, có nhiều địa phương còn lơ là với việc phòng chống SXH. “Trong tháng này, qua kiểm tra, phường 10 (quận 6) xử lý sót ca trong ổ dịch, thời gian theo dõi ổ dịch thiếu, không tái kiểm tra đối với những điểm nguy cơ có lăng quăng. Phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) khoanh vùng ổ dịch không đúng, sót ca dẫn đến ổ dịch lan rộng. Còn tại phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức) không sử dụng hệ thống viễn thám địa lý khoanh vùng ổ dịch dẫn đến sót 3 ổ dịch”, ông Dũng lưu ý.

“Các quận, huyện không được chủ quan. Không được so sánh số ca với dân số dẫn đến chủ quan. Môi trường rất mong manh, cao điểm SXH còn kéo dài. Dứt khoát không để dịch bùng phát. Chểnh mảng để dịch bùng phát thì tính mạng của 13 triệu dân bị đe dọa, hậu quả khó lường. Dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế. Du lịch đang là nguồn thu khá lớn, nếu có dịch, du khách sẽ hạn chế đến. Đặc biệt, hội nghị cấp cao APEC sắp diễn ra tại TPHCM”, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh (Tiền phong, trang 6).

 

​Muỗi gây SXH có thể “khỏe lên” nếu phun thuốc không đúng

Tính đến sáng 16/8, đã có 21 quận/huyện của Hà Nội đồng loạt ra quân phun thuốc để trừ muỗi. Tuy nhiên, có một khuyến cáo đưa ra với người dân tự phun thuốc là “nếu phun không đúng, dễ khiến muỗi gây SXH khỏe lên”.

Những kiến thức cần biết khi phun thuốc

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200.

Trong ngày 16/8, mặc dù trời có mưa nhưng ngành Y tế vẫn tiếp tục triển khai phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn 21 quận, huyện. Việc phun thuốc diệt muỗi diễn ra từ nay đến hết tháng 8 tại các ổ dịch trọng điểm và 100% các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám, trường học, chợ, khu lán trọ công trình.

Quá lo lắng trước diễn biến của dịch sốt xuất huyết, rất nhiều người dân Hà Nội đã quyết định tự phun thuốc diệt muỗi để phòng tránh dịch. Anh Nguyễn Xuân Sỹ ở phường Thượng Thanh (quận Long Biên) cho biết: “Tôi đã thuê người phun thuốc diệt muỗi trong nhà với giá 7.000 đồng/m2, mất chưa đến 400.000 đồng nhưng yên tâm”. Trước việc người dân tự ý phun thuốc diệt muỗi.

Trung tâm Y tế dự phòng, có thông cáo, nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình, thậm chí không rõ hóa chất sẽ không tiêu diệt được muỗi mà còn có thể tăng nguy cơ muỗi nhờn thuốc, kháng thuốc, thậm chí là "khỏe lên" sau khi phun thuốc. Nếu chỉ phun thuốc diệt muỗi ở phạm vi một gia đình trong khi hàng xóm không phun thuốc thì tác dụng sẽ rất ít. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi phun xịt thuốc, muỗi từ bên ngoài lại bay vào nhà.

Trung tâm này khuyến cáo, nếu người dân có nhu cầu phun thuốc thì nên đến trạm y tế địa phương hoặc liên lạc đến đường dây nóng của Sở Y tế để được tư vấn đầy đủ nhất. Hiện Bộ Y tế đang cho lưu hành 3 loại hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết gồm Deltamethrine, Permethrine và Malathion. Ba loại thuốc này cho kết quả nghiên cứu, thử hiệu lực, khả năng kháng muỗi rất tốt.

Thuốc phòng SXH không độc hại

Chị Nguyễn Hoàng Phương ở Linh Đàm (quận Hoàng Mai) tỏ vẻ lo lắng cho biết: “Hôm trước, trường con gái phun thuốc diệt muỗi mà không thông báo trước với phụ huynh học sinh. Không biết thuốc có ảnh hưởng tới con người không mà sau khi nhà trường tổ chức phun thuốc, con gái có dấu hiệu mẩn ngứa, mặt đỏ. Không chỉ mỗi con gái mình mà rất nhiều phụ huynh cũng phản ánh có sự việc trên. Rất may chỉ một ngày sau, không còn vết đỏ, con gái đã tự khỏi hẳn”.

Tại Trường THCS Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội), nhiều phụ huynh học sinh cũng tỏ vẻ lo lắng về việc học sinh bị cay mắt, mẩn ngứa... sau khi nhà trường phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết. Trước đó, vào ngày thứ Sáu (11/8), Trường THCS Quang Trung đã tổ chức phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết. Thời điểm phun sau khi học sinh nghỉ học. Một ngày sau nhà trường đã cử nhiều lao công mở cửa các lớp học, lau bàn ghế, vệ sinh... Ban Giám hiệu trường THCS Quang Trung xác nhận: "Có 10 em bị dị ứng, mẩn ngứa và có dấu hiệu cay mắt. Các học sinh bị dị ứng tập trung ở hai lớp 9A4 và 7G. Các học sinh đã trở lại đi học bình thường”.

Về việc, thuốc phòng chống sốt xuất huyết ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em? Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho rằng việc dị ứng sau khi phun thuốc diệt muỗi là có thể xảy ra với những trẻ có cơ địa dị ứng và quá mẫn cảm. Do vậy, nếu trẻ bị dị ứng với hóa chất phun chống muỗi thì các thầy cô giáo cần phối hợp với y tế nhà trường để chăm sóc trẻ, nếu trẻ có dấu hiệu nặng hơn cần đưa đến các trung tâm y tế.

Hóa chất phun thuốc được Bộ Y tế cấp phép, đảm bảo an toàn, thời gian cách ly tối thiểu chỉ từ 1 đến 2 giờ đồng hồ, do vậy các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về tình trạng này, bởi nếu không tiến hành phun thuốc diệt muỗi nếu trẻ không may mắc phải sốt xuất huyết thì tình trạng còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần (Gia đình & Xã hội, trang 1).

 

​Hà Nội tổ chức 6 đoàn kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết

Ngày 16-8, UBND TP Hà Nội có Công văn hỏa tốc số 3995/UBND-KGVX về việc kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các quận/huyện/thị xã. Cụ thể, Hà Nội đã thành lập 6 đoàn kiểm tra và triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các quận/huyện/thị xã từ ngày 17-8. Mỗi đoàn sẽ tiến hành kiểm tra tại 5 quận/huyện và một số khu vực dân cư có dịch bệnh...

Từ ngày 17-8, các đoàn kiểm tra sẽ bắt đầu kiểm tra tại 12 quận/huyện trọng điểm về sốt xuất huyết, gồm: Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Xuân, Thanh Oai, Thường Tín và Hoàn Kiếm.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện 584 xã/phường/thị trấn đã thành lập hơn 26 nghìn đội xung kích diệt bọ gậy. Các đội xung kích phụ trách gần 1,8 triệu hộ gia đình. Từ ngày 12-8 đến nay, các đội xung kích đã trực tiếp đến gần 600 nghìn hộ gia đình, kiểm tra gần 1,3 triệu dụng cụ chứa nước, phát hiện hơn 190 nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy. Tất cả các dụng cụ chứa nước nhỏ có bọ gậy đã được xử lý bằng cách lật úp; các đội xung kích đã thả gần 40 nghìn con cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, bể cây cảnh, hòn non bộ.

Ngoài ra, Hà Nội đang tiến hành phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng toàn thành phố từ nay đến hết tháng 8.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đây là chiến dịch lớn, huy động nhiều lực lượng của Thủ đô tham gia, trong đó có cả quân đội, dân phòng. Tuy nhiên, việc phun thuốc diệt muỗi sẽ không thể giúp dập dịch hoàn toàn nếu vẫn tồn tại các ổ bọ gậy trong các hộ gia đình.

Các ổ bọ gậy này sẽ phát triển thành muỗi truyền bệnh và tiếp tục gây dịch trong cộng đồng. Do vậy, ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, điều quan trọng nhất trong phòng chống dịch sốt xuất huyết là người dân phải chủ động diệt bọ gậy bằng cách lật úp hoặc che đậy kín các dụng cụ chứa nước trong gia đình.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 16.000 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Riêng trong tuần qua, toàn thành phố phát hiện thêm gần 3.600 ca mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ trước đến nay. Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là khi sinh viên nhập học, về ở các khu nhà trọ có nhiều dụng cụ chứa nước không được đậy nắp (Hà Nội mới, trang 1).

 

​Các bệnh viện Công an nỗ lực ứng phó với dịch sốt xuất huyết

Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết (SXH) tăng mạnh, khiến các bệnh viện (BV) ở nội thành Hà Nội đều quá tải, 2 BV lớn của Bộ Công an nằm trên địa bàn Hà Nội là BV 19-8 và BV Y học cổ truyền (YTCT) cũng đang gồng mình “chia lửa” với các BV dân y.

Ở Khoa Truyền nhiễm của BV 19-8, số bệnh nhân SXH tới khám và điều trị tăng đột biến từ tháng 6 đến nay. Trung bình mỗi ngày có trên 100 bệnh nhân SXH khám và nhập viện. Riêng tại Khoa cấp cứu của BV, chỉ trong 3 ngày vừa qua đã có gần 400 người mắc SXH đến khám, chưa kể số bệnh nhân khám tại các khoa khác. Hiện đang có khoảng 200 bệnh nhân SXH đang được điều trị tại BV. Nhìn chung, các bệnh nhân đều ổn định, không có ca nặng ngoài tầm kiểm soát. 

Để tránh quá tải, giảm lây chéo, BV 19-8 đã tổ chức phân loại, thu dung và điều trị bệnh nhân theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, do số người bệnh quá đông, BV đã phải kê thêm giường, nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm ghép 2-3 người/giường. Hiện, Khoa Truyền nhiễm không còn diện tích để kê thêm giường bệnh, nên khoảng 40 bệnh nhân SXH được chuyển sang điều trị tại Khoa Lao và bệnh phổi.

Cùng với số bệnh nhân đang nằm nội trú, hàng ngày vẫn có cả trăm người đến khám, tỉ lệ nhập viện cũng nhiều, nên hiện nay, các nhân viên của Khoa Truyền nhiễm đang bị quá tải công việc.

Theo lãnh đạo BV 19-8, số bệnh nhân SXH ở đây chủ yếu là người dân khu vực xung quanh, chỉ khoảng 30% là CBCS Công an, đều thuộc các đơn vị tập trung, các đơn vị của Công an TP Hà Nội và học viên một số trường Công an tại Hà Nội, còn lại là một số ca bệnh tại các đơn vị khác.

Trước diễn biến dịch SXH ngày càng phức tạp, BV 19-8 đã chủ động thành lập Ban phòng chống dịch bệnh để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH tại đơn vị, huy động đoàn thanh niên BV phát quang bụi rậm và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các khoa phòng, đồng thời, huy động cán bộ trực tăng ca tại Khoa truyền nhiễm nhằm đáp ứng trước yêu cầu khám, chữa bệnh đang tăng cao.

BV YHCT Bộ Công an cũng đang rất đông bệnh nhân SXH. Tính đến ngày 15-8, đã có 1.527 lượt bệnh nhân SXH được khám tại BV, cùng với gần 400 bệnh nhân SXH phải điều trị nội trú. Mỗi ngày có từ 90-100 lượt bệnh nhân SXH đến khám và điều trị, trong đó bệnh nhân được tư vấn, cấp thuốc điều trị ngoại trú khoảng 50 lượt người. 

Theo Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến -Giám đốc BV YHCT Bộ Công an, để ứng phó với dịch bệnh, BV đã nhanh chóng triển khai ngay đồng thời nhiều việc: Thành lập BCĐ phòng chống dịch do Phó Giám đốc BV làm Trưởng ban, cùng với 2 Tổ phòng chống dịch là Tổ Chuyên môn và Tổ Hậu cần đảm bảo. BV còn mời BS.CKII. Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó Giám đốc BV bệnh Nhiệt đới Trung ương đến tập huấn, cập nhật thông tin về triệu chứng, chẩn đoán, tiên lượng bệnh, phác đồ điều trị, biện pháp phòng ngừa biến chứng với bệnh nhân SXH.

Bám sát phác đồ điều trị của Bộ Y tế, Hội đồng khoa học của BV YHCT Bộ Công an đã xây dựng một phác đồ điều trị kết hợp giữa YHCT và y học hiện đại, để áp dụng trong điều trị SXH rất hiệu quả. Đặc biệt, BV đang tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng một số bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc nâng cao sức đề kháng cho bệnh nhân SXH, đồng thời, sản xuất và cung ứng chế phẩm “Nhang sát khuẩn không khí” từ các vị thuốc YHCT để xông tại các khu vực trong BV.

Để tránh quá tải, đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh, suốt những ngày qua, BV YHCT đã tổ chức tốt việc khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân ngay tại Khoa Khám bệnh. Theo đó, chỉ định điều trị nội trú với các trường hợp cần thiết, đồng thời tư vấn, cấp thuốc và hẹn tái khám đối với các trường hợp chưa phải điều trị nội trú theo khuyến cáo của Bộ Y tế. BV còn bố trí thêm khu xét nghiệm lấy bệnh phẩm riêng cho bệnh nhân SXH, bố trí khu điều trị cách ly cho bệnh nhân bị SXH, đồng thời, tăng thêm 50 giường bệnh tại Trung tâm xã hội hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân SXH.  BV còn tăng cường hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng cho các khoa lâm sàng được phân công điều trị trực tiếp bệnh nhân SXH, để đảm bảo công tác tiếp đón và điều trị bệnh nhân thuận lợi, hiệu quả.

Tại các khoa lâm sàng và Khoa Xét nghiệm, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV còn bố trí cán bộ trực tăng cường phòng chống dịch để đáp ứng yêu cầu do bệnh nhân SXH ngày càng tăng. BV cũng đã hoàn tất phương án dự phòng, chuẩn bị đầy đủ lều bạt, xe cứu thương, thuốc và vật tư y tế, sẵn sàng trước các tình huống xẩy ra. Các Khoa, phòng đều chủ động tổ chức phun thuốc diệt muỗi và các biện pháp tiêu trùng khử độc, vệ sinh môi trường, để phòng dịch.

Đại tá Nguyễn Văn Lộc –Phó Cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an) cho biết, cùng với 2 BV của Bộ Công an đang tăng cường ứng phó với dịch SXH, Cục Y tế cũng đã chỉ đạo y tế trong toàn lực lượng CAND triển khai các hoạt động chuyên môn phòng chống SXH, đồng thời,  thành lập đoàn kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân SXH tại BV 19-8 và BV YHCT để nắm bắt các khó khăn và đề xuất một số biện pháp, phương án đáp ứng trước tình hình dịch bệnh đang tăng và có thể còn tiếp tục gia tăng; tiếp tục hỗ trợ thuốc, hóa chất phòng chống dịch bệnh SXH cho các BV.

Cục Y tế cũng đã cấp hỗ trợ thuốc, hóa chất và trang thiết bị phòng chống dịch bệnh cho Công an một số đơn vị, địa phương, đặc biệt là các đơn vị ăn ở tập trung để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH. Từ đầu năm đến nay đã có 82 lượt đơn vị được cấp với tổng trị giá hơn 4,3 tỷ đồng. “Cục Y tế cũng sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương trong phòng, chống dịch SXH và tổ chức các đoàn công tác hướng dẫn phòng, chống dịch SXH khi có các ổ dịch tại Công an các đơn vị, địa phương vượt quá khả năng điều trị của y tế cơ sở, cần chuyển tuyến trên hạn chế biến chứng và tử vong”- Đại tá Nguyễn Văn Lộc cho biết (Công an nhân dân, trang 3; An ninh thủ đô, trang 6).

 

​Quyết liệt phòng, chống sốt xuất huyết

Mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhưng số lượng người mắc sốt xuất huyết (SXH) vẫn tiếp tục tăng cao tại nhiều địa phương. Thực tế này đang đòi hỏi ngành y tế, các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, khi đỉnh dịch SXH được dự báo còn ở phía trước.

Diệt muỗi, bọ gậy để ngăn chặn SXH

Nguyên nhân làm cho số người mắc SXH tăng cao được chỉ rõ do dịch năm nay xuất hiện sớm, nhất là tại một số tỉnh khu vực phía bắc; diễn biến bất thường của thời tiết: mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước kèm theo lượng mưa tăng cao. Tốc độ đô thị hóa nhanh; môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý triệt để, dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy (loăng quăng)... Ý thức phòng bệnh của người dân và một số, cấp, ngành chưa cao, còn tư tưởng cho rằng công tác phòng, chống dịch bệnh SXH là "chuyện riêng" của ngành y tế.

Kết quả kiểm tra, khảo sát trên địa bàn Hà Nội cho thấy, khi các cơ quan chức năng tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, dù được vận động, thông báo trước nhưng vẫn còn 10% số hộ gia đình đi vắng cả ngày; 7% số hộ không đồng ý cho phun hóa chất và 5% đi vắng khi nhân viên y tế phun hóa chất. Ðáng lo ngại, hầu hết người dân đều có kiến thức về bệnh, nhưng hành vi tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH lại rất kém. Chính vì vậy, việc phun hóa chất diệt muỗi mà ngành y tế đang triển khai tại nhiều địa phương chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn. Không ít địa phương hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào việc phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch, các khu vực có nguy cơ cao, mà chưa chú trọng đến việc huy động cộng đồng tham gia diệt bọ gậy. Việc kiểm soát người mang mầm bệnh SXH từ địa phương này sang địa phương khác cũng hết sức khó khăn.

Theo Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Ðắc Phu, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi để giảm số người mắc bệnh, khống chế dịch SXH lây lan và bùng phát tại các địa phương. Cần huy động người dân tham gia tích cực hơn nữa trong việc diệt bọ gậy tại cộng đồng. Bên cạnh việc tuyên truyền các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện, hoặc không hợp tác trong phòng, chống SXH theo quy định của pháp luật. Diệt bọ gậy không chỉ thực hiện tại các hộ gia đình, khu dân cư, mà cần tập trung tại các công trường xây dựng, trường học, nơi công cộng bằng việc loại bỏ các vật dụng chứa nước như: lu, thùng phuy, rác thải sinh hoạt như hộp nhựa đựng thức ăn, nước uống... Ngành y tế các địa phương thực hiện việc lập danh sách, in bảng kiểm các dụng cụ chứa nước có thể là nơi muỗi đẻ trứng, nở bọ gậy để người dân biết; đồng thời giúp cán bộ trong quá trình kiểm tra, giám sát tiến hành rà soát tránh bỏ sót các ổ bọ gậy; thành lập đội diệt bọ gậy phòng chống SXH tại các xã, phường, thôn, tổ dân phố.

Hiện ở 61 tỉnh, thành phố đã có người mắc SXH. Ngoài Hà Nội, nhiều địa phương khác có số người mắc nhiều như TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, An Giang, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Phước... Kết quả giám sát véc-tơ của cơ quan chức năng cho thấy nhiều địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ cao, vì vậy ngành y tế cần tăng cường công tác giám sát, thực hiện điều tra dịch sớm, tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Tiến hành thí điểm biện pháp mới trong phòng, chống SXH như phun tồn lưu và phun mù nóng; khôi phục hoạt động của mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH...

Phân luồng điều trị người bệnh

Số lượng người mắc SXH liên tục tăng gây quá tải cho các cơ sở điều trị. Bộ Y tế và các bệnh viện phải triển khai nhiều giải pháp, từ tập trung nhân lực; kê thêm giường bệnh; bổ sung trang thiết bị, thuốc… đến phân tuyến trong thu dung, tiếp đón để điều trị kịp thời người bệnh. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư khám cho khoảng 1.000 lượt người bị SXH, trong đó khoảng 10% số người bệnh phải nhập viện điều trị nội trú, còn lại điều trị tại khu điều trị ban ngày hoặc tư vấn, hướng dẫn điều trị theo dõi tại nhà. Ðáng chú ý, hơn 80% số người bệnh điều trị nội trú sống ở các quận, huyện của Hà Nội như: Ðống Ða, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng... Còn các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội như: Thanh Nhàn, Ðống Ða, Hà Ðông, Xanh-pôn… mỗi ngày cũng có hàng trăm người bệnh SXH đến khám, nhập viện điều trị.

Chính vì vậy, ngoài biện pháp quyết liệt dập dịch ở cộng đồng, các bệnh viện cần nghiên cứu sắp xếp lại khâu khám sàng lọc bệnh và thu dung, bố trí buồng bệnh liên hoàn, hợp lý, tăng cường giáo dục kiến thức cho người dân, giúp người dân hiểu đúng về bệnh SXH, tránh hoang mang, lo lắng không đáng có. Vì người bệnh quá đông, trong khi khoa cấp cứu không được nằm ghép nên công tác chẩn đoán bệnh, phân loại, giải quyết hồ sơ, chuyển khoa, chuyển tuyến cần thực hiện liên tục. Hiện các bệnh viện cũng tổ chức đường dây nóng, luân phiên cử bác sĩ vừa trực cấp cứu, vừa trả lời điện thoại tư vấn chuyên môn cho người bệnh SXH… Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến trung ương, nhất là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tăng cường sàng lọc bệnh, mở rộng đơn vị điều trị ban ngày, kê thêm giường bệnh; xem xét chuyển những người bệnh không mắc SXH về điều trị tại cơ sở 2 (tại Kim Chung, Ðông Anh, Hà Nội); đồng thời tăng cường chỉ đạo chuyên môn cho các bệnh viện; chỉ đạo các bệnh viện vệ tinh theo dõi sát người bệnh trên nền một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường… để hạn chế thấp nhất số người chết.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực điều trị, khâu đột phá giảm tải cho bệnh viện là ở khu vực phòng khám. Vì vậy cần bố trí nhân sự ở phòng khám là các bác sĩ có kinh nghiệm và bản lĩnh để sàng lọc bệnh một cách chính xác. Xây dựng chi tiết bảng hướng dẫn đánh giá lâm sàng với các dấu hiệu quan trọng để bác sĩ quyết định có cho người bệnh nhập viện hay không. Theo thống kê của ngành y tế, tỷ lệ biến chứng nặng của bệnh SXH không cao, cho nên phần lớn người bệnh có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, đối với người bệnh điều trị tại nhà, cần được theo dõi và dặn dò kỹ, từ việc uống nhiều nước, chế độ dinh dưỡng, hạ sốt… khi có dấu hiệu bất thường cần được nhập viện, tái khám hằng ngày cho đến hết ngày thứ bảy hoặc hết sốt hơn 48 giờ.

Các bệnh viện nên thành lập tổ tham vấn, tập hợp những thầy thuốc có trình độ và kinh nghiệm điều trị SXH tham gia trực tham vấn, sẵn sàng hội chẩn, góp ý cho kíp trực xử trí những trường hợp SXH nặng. Các bệnh viện tuyến trên thiết lập đường dây nóng giúp tuyến dưới xử trí những ca khó. SXH là bệnh, ai cũng có thể mắc, nhưng có tính chu kỳ, nghĩa là có ngày bắt đầu và ngày kết thúc (nếu không có biến chứng sẽ tự khỏi trong vòng bảy ngày) nên người dân cần cảnh giác, nhưng bình tĩnh, hợp tác với thầy thuốc theo dõi và chăm sóc người bệnh. Hiểu đúng diễn biến của bệnh và tuân thủ thực hiện theo hướng dẫn của thầy thuốc thì bệnh SXH sẽ được điều trị thành công (Nhân dân, trang 5).

 

​Hà Nội nỗ lực dập dịch

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Số ca mắc bệnh, ổ dịch chưa có dấu hiệu giảm. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế và các cấp chính quyền, việc nhanh chóng dập dịch SXH phụ thuộc nhiều vào chính ý thức của mỗi người dân.

Cả thành phố vào cuộc

Ðến nay, tất cả 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã thành lập các Ðội xung kích diệt bọ gậy phòng chống SXH. Tổng cộng có 25.620 đội với 62.362 người tham gia, phụ trách gần 1,8 triệu hộ dân. Sau khi được tập huấn về chuyên môn kỹ thuật, các đội xung kích đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền và trực tiếp diệt loăng quăng tại hộ gia đình. Cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cấp cơ sở cùng với ngành y tế đã vào cuộc tích cực, bất kể đêm, ngày, nhất là ở các địa bàn trọng điểm.

Tại quận Ðống Ða, một trong địa bàn có người mắc SXH đông nhất thành phố, công tác chống dịch được thực hiện quyết liệt, khẩn trương. Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ðống Ða Trịnh Thanh Thủy cho biết, trong các ngày vừa qua, quận tích cực triển khai lực lượng tuyên truyền cho người dân về vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, cũng như tiến hành phun hóa chất trên diện rộng nhằm ngăn chặn dịch lan rộng. Toàn quận thành lập 250 tổ triển khai vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để phòng chống dịch. Quận Hoàng Mai với địa hình trũng thấp, có nhiều công trình xây dựng, hơn 1.000 khu đất trống, gần 28 nghìn phòng trọ cho thuê… bệnh SXH có điều kiện bùng phát. Khoảng một tháng gần đây, trên địa bàn quận ghi nhận từ 30 đến 40 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay lên khoảng 2.600 trường hợp. Ðể dập dịch, quận thực hiện nhiều giải pháp như tập huấn, phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh SXH, thành lập gần 1.800 tổ xung kích diệt bọ gậy, loăng quăng; tổ chức phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, triển khai các tổ phun thuốc tại gia đình… Chủ tịch UBND phường Ðịnh Công Nguyễn Thăng Long cho biết: UBND phường giao nhiệm vụ cho cán bộ môi trường kiểm tra địa bàn, lên danh sách các điểm đen phát sinh rác thải, các điểm chôn rác tồn đọng để có kế hoạch tổ chức ra quân xử lý dứt điểm.

Quận Long Biên thành lập 388 Ðội xung kích diệt bọ gậy và 45 Tổ giám sát phòng, chống SXH tại 14 phường với 1.675 người tham gia. Phó Chánh Văn phòng UBND quận Bùi Dương cho biết: Từ đầu năm đến nay, Long Biên có 97 người mắc SXH. Dù số lượng người nhiễm là không lớn, nhưng quận quyết tâm hạn chế ở mức thấp nhất. Hằng ngày, UBND tất cả các phường đều có trách nhiệm báo cáo tình hình trước 16 giờ 30 phút chiều để quận sớm có hướng xử lý các tình huống đặt ra.

Khu vực ngoài đê sông Hồng, phường Phúc Xá (quận Ba Ðình) tập trung đông dân cư, trong đó có nhiều nhà trọ cho người lao động thuê, nhiều ki-ốt, nhà kho chứa hàng hóa… cũng là địa bàn dễ phát sinh bệnh SXH. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Nguyễn Thị Lan Hương, trên địa bàn phường đến nay có 30 người mắc SXH, đã kiểm soát được ba ổ dịch. Phường tăng cường công tác phòng chống dịch, thành lập Ðội xung kích diệt bọ gậy và Tổ giám sát phòng, chống, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, lập hai tổ kiểm tra về công tác này tại các địa bàn dân cư. Sáng thứ bảy hằng tuần đều huy động toàn bộ lực lượng tổng vệ sinh môi trường, xử lý triệt để phế liệu, phế thải, dụng cụ chứa nước..., không cho muỗi truyền bệnh có nơi sinh sản. Ngoài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, phường còn in và phát tờ rơi về các biện pháp phòng, chống dịch tới từng hộ gia đình.

Nhiều hộ dân có các biện pháp triệt để phòng, chống dịch bệnh. Ông Ðỗ Xuân Hòa, nhà ở đường Kiều Mai, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia đình, nhất là các cháu nhỏ, tôi chủ động mua bốn khối cát đen lấp bể non bộ vốn là điểm nhấn trong khuôn viên ngôi nhà. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên dọn dẹp vệ sinh trong nhà, ngoài vườn, tránh những nơi nước đọng và diệt muỗi, bọ gậy.

Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh

Mặc dù dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị của thành phố đang dồn sức chống dịch, nhưng không ít người vẫn còn tâm lý chủ quan, chưa thật sự ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh. Ðến thăm khu nhà trọ phía sau chợ Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Ðình, Hà Nội), chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm người lao động chen chúc trong các dãy nhà trọ cấp bốn chật chội, tạm bợ ngay sát mương nước thải đen xì. Sau đêm bốc dỡ hàng vất vả, hầu hết nam giới trong khu trọ nằm ngủ không mắc màn. Anh Trần Ðức Long, quê ở Sơn La, khách trọ ở đây bao biện: Phòng trọ có mấy mét vuông, nhiều đồ đạc sinh hoạt, giờ lại giăng thêm cái màn thấy nó cứ lùng bùng, bất tiện. Thỉnh thoảng bị muỗi đốt cũng không thấy gì nghiêm trọng lắm.

Trong khi đó, điều kiện vệ sinh môi trường ở một số khu dân cư chưa được xử lý triệt để, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Ngay ở trung tâm quận Ðống Ða, hồ Văn Chương nổi danh về tình trạng ô nhiễm. Nước hồ đen đặc, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tại đây có một khu chợ cóc, nước thải, rác thải của hộ kinh doanh xả bừa bãi quanh hồ, khiến người dân quanh khu vực lo ngại về nguồn lây bệnh có thể phát sinh. Ngõ 192 phố Lê Trọng Tấn nối từ phố Lê Trọng Tấn sang đến phố Ðịnh Công Hạ (quận Hoàng Mai), có mật độ dân cư đông, nhiều ngách, hẻm nhỏ, mặt đường xuống cấp. Trong ngõ còn có nhiều khu đất trống, nhiều nhà không có người ở, chỉ là nơi làm kho hàng hóa, nơi chứa phế liệu. Ðáng chú ý là con mương thoát nước ở cạnh số nhà 327 với dòng nước ô nhiễm và rất nhiều rác thải là môi trường phát sinh nhiều muỗi. Ai cũng bày tỏ bức xúc về môi trường sống và lo ngại khi thấy có nhiều ca bệnh SXH xuất hiện trong khu vực. Bà Nguyễn Thị Ðức, người dân sống ở số nhà 327, ngõ 192 cho biết: Tôi rất chủ động diệt muỗi trong nhà nhưng sống ngay cạnh con mương nước thải tù đọng này thì cách nào cũng không lại được. Vì vậy, chúng tôi rất lo lắng, mong chính quyền phường Ðịnh Công tổ chức nhiều chiến dịch phun trừ muỗi đại trà và có biện pháp cải thiện môi trường ở đây. Bà Nguyễn Thị Chi, ở số 16, ngõ 203 đường Hồng Hà, khu vực nằm sát chợ Long Biên cũng cho biết: "Ngõ 203 có mấy chục hộ sinh sống, nhưng có năm hộ có người mắc SXH do môi trường chung quanh chợ ô nhiễm, nhất là các khu nhà trọ, người lao động thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung nên xuất hiện nhiều muỗi".

Theo TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, dù cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh SXH cần sự tham gia tích cực hơn nữa của cả cộng đồng. Bởi không thể làm thay việc của mỗi người dân trong gia đình. Những việc làm rất đơn giản như thay nước thường xuyên trong bình hoa, lật úp các vật dụng chứa nước như vỏ chai, vỏ dừa, lốp xe, thả cá vào các bể chứa nước lớn... để không có nơi cho muỗi trú ẩn và sinh sản sẽ không phát sinh dịch SXH. Nếu để dịch bệnh tiếp tục hoành hành, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của người dân và cả cộng đồng (Nhân dân, trang 5).

 

​Lo ngăn chặn sốt xuất huyết xâm nhập trường học

Lo gia tăng số ca bị nhiễm sốt xuất huyết sau khi học sinh tựu trường, toàn ngành giáo dục Thủ đô phải ra sức phòng chống dịch.

Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, các trường học của Hà Nội đang chủ động phối hợp với ngành y tế tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Do thời tiết mưa ẩm kéo dài, các trường học đều lo lắng trước khả năng hình thành ổ dịch mới khi năm học mới chính thức bắt đầu trong tháng 9 tới.

Lo nhất là khối mầm non 

 Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết, toàn bộ các trường học trên địa bàn quận này đang kết hợp chặt chẽ với trung tâm y tế dự phòng để tiến hành phun thuốc muỗi trong trường học. “Các trường đều đã được yêu cầu tổng vệ sinh, rà soát mọi khu vực để xóa các ổ bọ gậy, lăng quăng. Việc phun thuốc muỗi sẽ do cơ quan y tế địa phương phối hợp tiến hành phun nhiều lần tại từng trường.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về cách phòng chống sốt xuất huyết đang được các nhà trường tích cực thực hiện. Tuy nhiên, đáng lo nhất vẫn là khối mầm non vì lứa tuổi trẻ đến trường còn quá nhỏ, sức đề kháng kém, lại chưa biết cách tự bảo vệ” - ông Lê Hồng Vũ chia sẻ. Để khắc phục tình trạng này, các trường mầm non được ưu tiên hàng đầu trong việc dọn vệ sinh, phun thuốc định kỳ, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh trong thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh.

Ở bậc tiểu học, việc phòng chống dịch cũng được Ban giám hiệu các trường đặc biệt quan tâm. “Là trường nằm trong khu vực bùng phát mạnh dịch sốt xuất huyết nên nhà trường đã chủ động cập nhật liên tục những biện pháp phòng chống. Để chuẩn bị cho dịp khai giảng, trường đã tổng vệ sinh trong và ngoài lớp học, dọn sạch, không để các điểm tập trung rác thải, làm sạch những nơi đọng nước, ẩm thấp trong khuôn viên của trường cũng nhưng những khu vực xung quanh nhà trường theo đúng hướng dẫn của ngành y tế” - bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên, Đống Đa cho biết. 

UBND quận Đống Đa đã phát tờ rơi đến các cơ quan, trường học để tuyên truyền về cách phòng chống sốt xuất huyết. “Quận đã có kế hoạch phun thuốc các khu vực trọng điểm. Tuy nhiên, nhà trường đã chủ động dùng nguồn kinh phí của mình để tiến hành phun thuốc chống muỗi trong trường ngay trong đợt dịch này” - Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên cho biết.

Không thể chủ quan 

Mặc dù đã tích cực tổng vệ sinh trường học nhưng trước điều kiện thời tiết Hà Nội liên tục mưa mấy ngày qua, các trường khá lo ngại. Ông Lê Hồng Vũ cho biết, có những trường cơ sở vật chất đã cũ, mưa ẩm sẽ kéo theo tình trạng ngập úng, ẩm ướt. Đây sẽ là điều kiện  để bọ gậy, lăng quăng sinh sôi. Các trường không thể chủ quan dù đã dọn vệ sinh, phun thuốc muỗi. Còn Bà Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết, các trường đều được yêu cầu cập nhật thông tin liên tục qua đường dây nóng về trung tâm y tế quận. Qua đó, nếu phát hiện trường hợp học sinh bị sốt xuất huyết thì sẽ được hướng dẫn cách xử lý kịp thời, tránh phát sinh ổ dịch trong trường học.

Bên cạnh đó, các trường cũng cần chú ý tới việc phun thuốc muỗi tránh ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Hiện nay, học sinh THCS và THPT đã chính thức vào năm học. Việc phun thuốc muỗi cần bố trí vào thời điểm học sinh được nghỉ.

Được biết, vừa qua, trường THCS Quang Trung, Đống Đa đã phải gửi thông báo tới toàn thể các phụ huynh về sự việc ngày 14-8 có một số học sinh bị phản ứng thuốc muỗi gây mẩn ngứa. Trường THCS Quang Trung phun thuốc muỗi từ 15h thứ sáu ngày 11-8 và đến 14-8, khi học sinh đi học buổi đầu tiên thì có một số cháu xuất hiện triệu chứng trên. Nhà trường đã hướng dẫn bố mẹ tra thuốc mắt cho các con, nếu ngứa thì chườm đá, trong trường hợp nổi mề đay thì cho uống thuốc dị ứng… (An ninh Thủ đô, trang 1).

 

Vi phạm phòng chống sốt xuất huyết: đề xuất nhiều, xử phạt ít

Chiều 16-8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đã có buổi làm việc với Sở Y tế và UBND 24 quận, huyện về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM.

Tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc trung tâm y tế dự phòng TP cho biết từ đầu năm đến nay, các quận, huyện trên địa bàn TP đề xuất 306 trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống sốt xuất huyết nhưng chỉ xử phạt được 103 trường hợp.

Có những quận, huyện đề xuất xử phạt hàng chục trường hợp nhưng không phạt được trường hợp nào. Trong 24 quận, huyện, hiện mới chỉ có 12 quận huyện đã tiến hành xử phạt.

Ông Dũng so sánh một người dân không đội mũ bảo hiểm, chỉ ảnh hưởng đến bản thân người đó đã bị xử phạt, trong khi một người không thực hiện theo hướng dẫn xử lý ổ lăng quăng, ảnh hưởng đến nhiều người, tại sao lại không bị xử phạt?

Có quận, huyện nghĩ rằng đã xử phạt được một vài điểm là được, nhưng theo ông Dũng, các quận huyện cần phải xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm về phòng chống sốt xuất huyết để ngăn chặn dịch bệnh.

Ngoài ra, ông Dũng cũng đề nghị các Đảng viên cần làm gương cho người dân trong việc diệt lăng quăng.

Bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng thừa nhận các đoàn kiểm tra liên ngành huyện, xã, thị trấn chỉ mới kiểm tra, nhắc nhở, việc xử phạt còn ít. Theo bà Nhung, những hộ dân đã được phổ biến mà không hợp tác thì đề nghị cần lập biên bản và xử phạt.

Theo báo cáo của Sở Y tế, số ca bệnh đến ngày 10-8 trên địa bàn TP là 12.217 ca, tăng 27% so với cùng kì năm 2016. Ghi nhận 18/24 quận, huyện có số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng so với cùng kì năm 2016. Trong đó, quận 12 tăng 133%, Cần Giờ tăng 125%, Hóc Môn tăng 83% và Bình Tân tăng 64%.

Các yếu tố thuận lợi cho sự lây lan sốt xuất huyết là khí hậu nhiệt đới, dân cư đông đúc làm tăng sự tiếp xúc muỗi với người, người lành với người bệnh, tình trạng trữ nước, vệ sinh môi trường, xử lí rác thải kém tạo điều kiện cho muỗi phát triển.

Qua giám sát ở phường, xã, cho thấy còn một số vấn đề tồn tại như điều tra, xử lý ổ dịch còn sót ca bệnh, do đó phạm vi xử lí chưa phủ hết ổ dịch, người dân tham gia diệt lăng quăng còn hạn chế...

Ngoài ra, giải pháp ngành y tế đưa ra còn chung chung, giải pháp phù hợp với thực tiễn còn hạn chế không tham mưu được cho chính quyền những hành động cụ thể. Chính quyền còn e dè trong triển khai xử phạt đối với hành vi để phát sinh lăng quăng.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu nhận định tình hình dịch bệnh tăng ở một số quận huyện do yếu tố khách quan là đang vào mùa mưa, và phát sinh lăng quăng ở một số dự án còn tồn đọng. Bên cạnh đó, còn có yếu tố chủ quan.

Bà phê phán những trường hợp, đơn vị chưa thực hiện nghiêm việc phòng chống sốt xuất huyết. Trong thành phố vẫn còn hàng loạt bãi rác đang tồn tại ở các địa bàn, có thể đây sẽ là những ổ dịch sốt xuất huyết.

Bà Thu nhấn mạnh số ca mắc sốt xuất huyết ở TP.HCM tăng thấp hơn so với Hà Nội. Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết ở TP.HCM vẫn tăng cao hơn so với cùng kì năm trước. Bà Thu chỉ đạo các quận, huyện không được chủ quan.

Trong cuộc họp, Phó Chủ tịch TP cũng nghiêm túc phê bình Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị không làm tốt trách nhiệm của mình trong phòng chống dịch bệnh, còn để nhiều bãi rác ô nhiễm, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và ngay tại cuộc họp này cũng không cử người tham dự.

“Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra dịch bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh, lan rộng, không khống chế được dịch trong địa bàn” - bà Thu nhấn mạnh (Tuổi trẻ trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang