Phân biệt các loại bệnh tiểu đường và mức độ nguy hiểm
Dựa vào các triệu chứng người ta có thể phân biệt được 3 loại bệnh tiểu đường, chính là tuýp1, tuýp 2 và tuýp 3.
Tiểu đường tuýp 1
Đây là bệnh tự miễn dịch mà tuyến tụy không sản xuất insulin. Có khoảng 15% người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, phần lớn các trường hợp được chẩn đoán là trẻ em và người trưởng thành. Do các tế bào tuyến tụy bị phá hủy không sản xuất được insulin, người bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 sẽ phải chung sống với bệnh suốt đời.
Trong tiểu đường tuýp 1, các tế bào tuyến tụy sản xuất insulin bị phá hủy, người bệnh phải tiêm insulin trong suốt thời gian sống chung với bệnh. Đặc biệt, loại bệnh tiểu đường này không thể phòng ngừa được, các biện pháp tập thể dục và chú ý chế độ ăn uống sẽ giúp hạn chế các biến động đường huyết và ngăn ngừa biến chứng xuất hiện. Các biến chứng thường gặp là tăng đường huyết do nhiễm toan Ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Những biến chứng tổn thương vi mạch thường xuất hiện sau vài năm bị bệnh.
Bệnh tiểu đường tuýp 2
Không giống như tiểu đường tuýp 1, người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 vẫn sản xuất ra insulin nhưng các tế bào không tiếp nhận insulin. Đây là dạng thường gặp nhất bởi số người mắc phải chiếm đến 95% từ 30 tuổi trở lên. Bệnh rất ít có triệu chứng và thường phát hiện bởi các biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim hoặc vô tình phát hiện khi đi xét nghiệm. Bệnh tiểu đường tuýp 2 đôi khi được coi là căn bệnh lối sống bởi vì nó thường có nguy cơ do ít vận động, thừa cân và không tập thể dục.
Tiểu đường tuýp 2 thường được phát hiện ở những người thừa cân, còn gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin hay tiểu đường ở người trưởng thành. Loại này chiếm khoảng 90% tất cả các trường hợp của bệnh tiểu đường. Ða số bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, tế bào cơ thể vẫn còn nhạy cảm với insulin (đặc biệt là tế bào mỡ và tế bào cơ).
Bệnh thường khởi phát từ từ, ít có nhiễm toan ceton, tổn thương vi mạch thường xuất hiện sớm, nồng độ insulin máu tăng hoặc bình thường. Các biến chứng mạn tính thường gặp ở tiểu đường tuýp 2 như bệnh lý tim mạch, mờ mắt, suy thận, hoại tử chân tay. Tiểu đường tuýp 2 ngày càng gia tăng do ít vận động, béo phì, stress trong công việc và cuộc sống.
Tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là tiểu đường tuýp 3 xuất hiện trong thời gian mang thai, thường gặp ở 3 tháng giữa thai kỳ. Khác với bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, bệnh tiểu đường tuýp 3 sẽ biến mất sau khi em bé được sinh ra hoặc có khả năng mắc lần thứ hai trong lần mang thai kế tiếp và có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 sau này trong đời. Phụ nữ mang thai ở tuổi cao có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn.
Phân biệt mắc tiểu đường bằng cách nào?
Dấu hiệu cảnh báo tiểu đường tuýp 1 là tăng khát và đi tiểu, đói liên tục, giảm cân, mờ mắt và cực kỳ mệt mỏi. Trong khi đó những người bị tiểu đường tuýp 2 thường cảm thấy mệt mỏi hoặc bị bệnh, đi tiểu thường xuyên (đặc biệt là vào ban đêm), khát bất thường, giảm cân, mờ thị lực, nhiễm trùng thường xuyên và thường chậm lành.
Đối tượng chủ yếu của tiểu đường tuýp 1 là trẻ em/thiếu niên, còn ở tuýp 2 là người lớn, người cao tuổi và tuýp 3 là phụ nữ mang thai. Đáng sợ nhất của bệnh tiểu đường là biến chứng của bệnh, tại bất cứ thời điểm nào, khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc có dấu hiệu dị cảm đầu chi, tê bì chân tay, đau đầu, khát nước, đói liên tục, ăn nhiều mà vẫn gầy... đây đều là các dấu hiệu, đúng hơn là biến chứng sớm nhất của bệnh tiểu đường. Vì vậy, người bệnh cần đến bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ xét nghiệm chẩn đoán bằng kỹ thuật, đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Với tiểu đường tuýp 1 việc phát hiện và điều trị sớm sẽ hạn chế được các biến chứng hơn so với tiểu đường tuýp 2 - khi phát hiện thường đã có biến chứng do tiến triển âm thầm của bệnh. Để hạn chế nguy cơ biến chứng và kéo dài tuổi thọ, cần tuân thủ chế độ ăn uống và tập luyện đều đặn, bên cạnh đó là dùng thuốc để đạt được mục tiêu cốt yếu nhất là kiểm soát đường huyết ổn định. (An ninh Thủ đô, trang 15)
Phụ huynh được tự nguyện đăng ký tham gia Chương trình sữa học đường
Chiều 14-9, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chủ trì cuộc họp báo thông tin về việc triển khai Đề án "Chương trình sữa học đường cải tiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018-2020".
Theo Đề án đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, thời gian triển khai Chương trình sữa học đường tại Hà Nội bắt đầu từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020 với mục tiêu có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa theo Chương trình sữa học đường; 100% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng...
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến khẳng định: Việc triển khai Chương trình sữa học đường trên địa bàn Hà Nội là hoàn toàn tự nguyện. Phụ huynh có thể đăng ký cho con tham gia Chương trình ở bất kỳ thời điểm nào hoặc cũng có thể tạm dừng tham gia khi không có nhu cầu. Hiện tại, các nhà trường đang tổ chức tuyên truyền để phụ huynh hiểu chính xác, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của Chương trình sữa học đường và tổ chức cho phụ huynh đăng ký tham gia. Sữa dùng trong Chương trình sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng, có đường hoặc không đường và có quy cách đóng gói khác so với sữa thông thường. Mức giá 1 hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/hộp có dung lượng 180ml và không tăng giá trong suốt thời gian triển khai Chương trình sữa học đường. Để thực hiện Chương trình này, ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Như vậy, mỗi phụ huynh đóng góp không quá 3.400 đồng/hộp sữa.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện Dinh Dưỡng, Bộ Y tế) thông tin thêm: Ngoài việc bảo đảm dinh dưỡng theo quy định, sữa trong Chương trình sữa học đường là loại sữa chuyên biệt, được tăng cường các loại vitamin, khoáng chất và các chất cần thiết khác nhằm nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học. Để bảo đảm chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo triển khai Chương trình sữa học đường sẽ thành lập một bộ phận định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu sữa ngẫu nhiên để kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng lưu ý, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sữa, các nhà trường cần quan tâm đến khâu vận chuyển và lưu trữ, nếu phát hiện sản phẩm móp méo thì không cho học sinh sử dụng.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không công bố cụ thể tên đơn vị cung ứng sữa để phụ huynh biết và quyết định đăng ký cho con tham gia Chương trình sữa học đường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến cho biết: Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan đang triển khai bán hồ sơ mời thầu. Đã có 7 đơn vị đăng ký tham gia. Sau khi hoàn thành khâu này, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố cụ thể tên của đơn vị trúng thầu. Tuy nhiên, dù là đơn vị nào trúng thầu thì cũng phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế về chất lượng sữa và đủ năng lực để đáp ứng cung ứng cho số lượng lớn trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học Hà Nội tham gia Chương trình sữa học đường. (Hà Nội mới, trang 1)
Cẩn thận với bánh Trung thu kém chất lượng
Trước Tết Trung thu gần một tháng, trên thị trường đã tràn ngập các loại bánh trung thu với nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, bên cạnh các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng, có không ít các loại bánh trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... được bày bán.
Vài năm gần đây, ngoài việc lựa chọn bánh Trung thu của những thương hiệu có uy tín, chất lượng, người tiêu dùng còn tìm đến sản phẩm homemade (tự làm tại nhà) được bày bán trên các “cửa hàng” online. Bánh do các cá nhân tự làm có ưu điểm là tiện lợi, người mua có thể yêu cầu về mầu sắc, kích cỡ và nhân bánh. Chỉ cần gõ tìm kiếm trên Google cụm từ “bánh trung thu tự làm” sẽ nhận được hàng nghìn kết quả, cho thấy được mức độ quan tâm lớn của người tiêu dùng với mặt hàng này.
Những trang bán hàng trên mạng đăng tải khá nhiều hình ảnh về sản phẩm bánh mẫu với nhiều kiểu dáng, mầu sắc bắt mắt, ghi rõ giá thành và số điện thoại liên hệ. Không chỉ có vậy, quy trình sản xuất bánh đều được đăng lên với mục đích tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Chưa dừng lại, các trang mạng xã hội này còn đăng tải những phản hồi của người mua về sản phẩm. Gọi điện đến số máy 01669.xxx.xxx được chia sẻ trên trang “Bánh trung thu homemade”, người bán hàng tên Hải Yến cho biết: Bánh từ 125 đến 150 g, nhân tùy loại, có giá dao động từ 40 đến 50 nghìn đồng, sử dụng trong vòng từ 5 đến 7 ngày. Khách có nhu cầu đặt bánh hình thù, nhân riêng giá cả sẽ tăng lên... Với những dòng quảng cáo hút khách trên trang mạng, người mua cũng chỉ mua bằng niềm tin với người bán. Bởi vì hiện nay, bên cạnh những người buôn bán có tâm, vẫn còn một số người chạy theo lợi nhuận, mua nguyên liệu rẻ tiền, không rõ xuất xứ, chất lượng, thậm chí có nguy cơ cao nhiễm các vi sinh vật gây bệnh về sản xuất.
Ngày 6-9, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng TP Cần Thơ đã niêm phong gần 4.000 chiếc bánh Trung thu không có hóa đơn, chứng từ tại điểm kinh doanh bánh Trung thu ở số 149/2E, khu vực Yên Bình, phường Lê Bình, quận Cái Răng (TP Cần Thơ). Còn tại Hà Nội, qua nhiều ngày mật phục, Đội Quản lý thị trường số 24, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ lô hàng chứa số lượng lớn bánh Trung thu nhập lậu với mức giá siêu rẻ tại một cửa hàng buôn bán nông sản ở xã La Phù, huyện Hoài Đức. Lô hàng vi phạm bị Đội Quản lý thị trường số 24 thu giữ tương đương hơn 10 nghìn sản phẩm gồm các loại bánh như bánh trứng, bánh nướng, bánh dẻo. Tất cả đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở đã khai nhận với cơ quan chức năng, số hàng này được thu mua giá của mỗi chiếc bánh nhập về chỉ từ hai đến 3 nghìn đồng. Toàn bộ số hàng trên mới nhập về đêm được bọc trong các bao tải, nhãn mác tên nước ngoài, không có thời hạn sử dụng. Chủ cơ sở cũng khai nhận đây là chuyến hàng thứ ba trong vòng nửa tháng trở lại đây.
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế, các sản phẩm bánh kẹo, nhất là bánh Trung thu tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên nhân là do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận rất cao, cho nên vào dịp Tết Trung thu năm nào cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này. Bên cạnh các cơ sở bảo đảm được quy định sản xuất an toàn thì vẫn còn một số cơ sở nhỏ, thủ công sử dụng các loại phẩm mầu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không bảo đảm trong khi nhân viên không được khám sức khỏe, các công đoạn sản xuất không bảo đảm vệ sinh. Cùng với đó, nguyên liệu làm nhân bánh Trung thu thường có trứng, thịt, hoa quả, xúc xích, lạp xường... là những thứ dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển. Mặt khác, tình trạng sản xuất bánh Trung thu giả về nhãn mác, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, kiểu dáng công nghiệp vẫn ngang nhiên tồn tại...
Để trẻ em nói riêng và người dân nói chung, đón Tết Trung thu ý nghĩa, an toàn vui vẻ, cùng với việc thực hiện nghiêm giải pháp của cơ quan chức năng và ngành y tế, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo để các cơ sở sản xuất bánh Trung thu nhỏ, lẻ nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác bảo đảm vệ sinh trong sản xuất, chế biến các loại bánh. Bên cạnh đó, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế; kiểm tra kỹ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng của sản phẩm. Tuyệt đối không mua, không sử dụng bánh Trung thu không nhãn mác. Đối với các loại bánh gia truyền cũng cần mua tại các địa chỉ uy tín, khi mua yêu cầu người bán cung cấp các loại giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. (Nhân dân, trang 5)
Điều tra nguyên nhân hai người chết nghi ngộ độc thực phẩm
Chiều 16-9, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân hai người chết, môt người nguy kịch nghi ngộ độc thực phẩm. Vào rạng sáng cùng ngày , Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận ba người bệnh trong một gia đình, với dấu hiệu mệt, sốc nghi ngộ độc thực phẩm. Sau đó, hai trong số ba người bệnh chết, được xác định là vợ và con trai của người bệnh Đặng Ngọc Vạn (29 tuổi). Người bệnh Đặng Ngọc Vạn được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng để cấp cứu. Hiện, các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đang lọc máu, làm các xét nghiệm
và hội chẩn để tìm mọi cách duy trì sự sống cho người bệnh. Theo thông tin ban đầu, gia đình người bệnh đi du lịch Đà Nẵng cùng một công ty tại TP Hồ Chí Minh. Tối 15-9, gia đình tách đoàn, đến rạng sáng 16-9, cả ba người có biểu hiện mệt, sốc. (Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Nghi ngộ độc thức ăn: 2 du khách tử vong, 1 nguy kịch”; Báo Công an Nhân dân: “2 mẹ con tử vong sau khi ăn sáng”; Báo Lao động, trang 3: “2 du khách tử vong, 1 người nguy kịch ở Đà Nẵng có triệu chứng ngộ độc”
Vụ tai nạn giao thông ở Lai Châu: Chuyển nạn nhân bị thương nặng về Bệnh viện Việt Đức
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Lai Châu xảy ra vào sáng 15-9, tối cùng ngày, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã cử một kíp bác sĩ, chuyên gia lên hỗ trợ Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cứu chữa cho các nạn nhân.
Theo các bác sĩ, ba nạn nhân bị thương nặng trong vụ tai nạn đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, trong đó hai người đang nguy kịch là: Bệnh nhân Trần Bình, 35 tuổi, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội bị chấn thương sọ não, não đang tụ máu; bệnh nhân Trần Tú Hường, 28 tuổi, ở thành phố Lai Châu bị đa chấn thương.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cũng đã huy động máy móc, nhân lực để cứu chữa người bị thương trong điều kiện tốt nhất. Hiện hai bệnh nhân bị chấn thương nặng đã được mổ cấp cứu ban đầu, nhưng còn nhiều phần phức tạp phải nhờ đến các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức hỗ trợ.
Ngay trong đêm qua, khi lên đến nơi, các bác sĩ của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, gồm các chuyên gia hàng đầu về sọ não, gây mê đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu và trực tiếp thăm khám, chẩn đoán tình hình sức khỏe các bệnh nhân. Đầu giờ sáng nay, sau khi hội chẩn hình ảnh, các bác sĩ của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đã quyết định phẫu thuật sọ não và xương gãy cho các nạn nhân.
Cuối giờ sáng nay, sau khi thăm khám, hội chẩn và chẩn đoán hình ảnh; kíp bác sĩ của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức nhận thấy điều kiện phương tiện và nhân lực điều trị tại bệnh viện địa phương không bảo đảm, cộng với tình trạng của nạn nhân Trần Bình không có tiến triển; theo nguyện vọng của gia đình, nạn nhân Bình đã được các bác sĩ chuyển về Bệnh viện hữu nghị Việt Đức để tiếp tục cứu chữa.
Ê kíp bác sĩ của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức sẽ tiếp tục ở lại Lai Châu để hỗ trợ cứu chữa cho hai người bị thương trong vụ tai nạn. (Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 6: “Vụ tai nạn ô tô thảm khốc ở Lai Châu: Bệnh viện Việt Đức cử chuyên gia lên cứu nạn nhân”
Thu hồi lô thuốc tiêm Koreamin không đạt chất lượng
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc tiêm Koreamin (SĐK: VN - 14104 - 11; lô SX: 160378; NSX: 19.9.2016; HD: 18.9.2019). .
Thuốc do Công ty Yuyu INC., Korea sản xuất, Công ty CP dược phẩm Vĩnh Phúc nhập khẩu, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu hoạt chất và không tiến hành lấy mẫu bổ sung thuốc để kiểm tra chất lượng.
Cục Quản lý dược yêu cầu Công ty CP dược phẩm Vĩnh Phúc gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc trên; thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng và gửi báo cáo về Cục Quản lý dược trong thời hạn 18 ngày, kể từ ngày ký công văn (13.9).
Cục này cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, giám sát việc thu hồi thuốc tiêm nêu trên. (Thanh niên, trang 3)
Hai lần giết người rồi đổ bệnh tâm thần: Nhiều bất thường cần được làm rõ?
19 tuổi, Nguyễn Xuân Lộc (trú thôn 3, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) là chủ mưu vụ sát hại anh Nguyễn văn Kha, người chỉ tình cờ gặp trong một quán ăn ven đường.
Năm năm sau, Lộc lái ôtô rồi nổ súng bắt chết người. Tội đã rõ nhưng cả hai lần phạm tội, Lộc đều thoát án nhờ bệnh án tâm thần. Trong khi phía cơ quan điều tra tỉnh Đắk Lắk giữ quan điểm căn cứ vào bệnh án tâm thần để tuyên án thì TAND Cấp cao tại Đà Nẵng lại nhận định, quá trình nổ súng bắn chết người, Lộc rất tỉnh táo, ngay cả khi khai báo về diễn biến hành vi phạm tội của mình, điều mà người tâm thần không thể có!
5 năm giết 2 người vẫn thoát tội
Bà Nguyễn Thị Lan (trú phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuộc) - mẹ của anh Nguyễn Văn Kha - kể, tối 20.1.2016, Nguyễn Xuân Lộc điều khiển ôtô chở nhóm bạn, cùng Trần Kiêm Hoàng (đi xe môtô) đến ăn tối tại một quán phở tại TP. Buôn Ma Thuột. “Lúc này, Kha cùng Nguyễn An Tuấn ngồi trong quán trước đó đuổi đánh nhau chạy quanh xe ôtô của Lộc. “Lộc và Kha thời điểm này có cãi nhau rồi xô xát” - bà Lan kể.
Lộc lấy một khẩu súng K59 mang theo bắn chỉ thiên một phát và trong lúc “giằng co”, súng đã nổ và đạn trúng người anh Kha. Hoàng lấy súng của Lộc bắn chỉ thiên rồi lao tới dùng chân đá vào mặt nạn nhân. Anh Kha sau đó chết tại bệnh viện. Sau khi gây án, ngày 21.1.2016, Lộc đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đầu thú, đồng thời giao nộp khẩu súng K59 với 6 viên đạn. Riêng Hoàng bỏ trốn, đến ngày 27.1.2016 thì bị bắt giữ tại TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Toàn bộ sự việc bà Lan kể trên đều được xác nhận tại cơ quan cảnh sát điều tra và qua cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Lắk.
Với tội “giết người”, ngày 3.8.2017, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử và tuyên phạt Trần Kiêm Hoàng 18 năm tù. Riêng Nguyễn Xuân Lộc có hồ sơ ghi nhận có tiền sử bị tâm thần, thể hiện tại Bản kết luận giám định pháp y tâm thần của Trung ương phân viện phía Nam TP. Biên Hòa; Trung tâm pháp y Tâm thần khu vực Tây Nguyên, nên chưa đủ năng lực để làm việc với cơ quan pháp luật. Tòa đồng ý cho Lộc được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, khi nào sức khỏe ổn định sẽ xử lý sau.
Trước đó, vào ngày 6.10.2011, Lộc là chủ mưu của một vụ án mạng khiến 1 người chết nhưng nhờ có bệnh án tâm thần được chứng nhận sau thời điểm gây án khoảng 4 tháng nên thoát tội. Cụ thể, Lộc là người chủ mưu của vụ án mạng vào ngày 6.10.2011. Đến ngày 4.1.2012, Lộc có Giấy chứng nhận pháp y tâm thần số 09/PYTT-PVPN do Viện giám định Pháp y tâm thần của TƯ phân viện phía Nam thực hiện. Từ lý do này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Jút đình chỉ điều tra bị can đối với Lộc.
Như vậy là chưa đầy 5 năm, Lộc liên tục gây án sát hại 2 người. Theo lẽ thường, luật pháp xử lý nghiêm đối với một người bình thường nhưng ở đây, Lộc thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần?
Bệnh án tâm thần - kim bài miễn tử?
Trong đơn trình bày gửi TAND tỉnh Đắk Lắk, bà Nguyễn Thị Lan, mẹ của nạn nhân Kha, có cung cấp các hồ sơ chứng minh Lộc không bị tâm thần. Bà Lan cung cấp biên bản lời khai (bút lục số 97), Lộc khai: “Nay tôi làm việc với cơ quan điều tra, bản thân tôi hoàn toàn tỉnh táo”; “Tôi lùi lại và lấy từ trong túi da đeo trước ngực khẩu súng K59 mà tôi đem theo trước đó. Tôi lấy súng ra, lên đạn, tôi chĩa súng lên trời bắn 1 phát”…
Tương tự, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng phân tích: Trong quá trình xô xát, nổ súng khiến anh Kha tử vong và nghiên cứu các bản tự khai, biên bản lấy lời khai của Nguyễn Xuân Lộc thể hiện Lộc rất tỉnh táo khi khai báo về diễn biến hành vi phạm tội của mình; sau khi phạm tội đến cơ quan công an đầu thú.
“Thế nhưng VKSND tỉnh Đắk Lắk Quyết định Tạm đình chỉ đồng thời áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Lộc là chưa có căn cứ thuyết phục, giải quyết vụ án không triệt để” - trích bản kháng nghị của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Chưa hết, việc cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk không khởi tố Lộc và Hoàng về hành vi “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” là bỏ lọt tội phạm. Do đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ra tuyên hủy bản án mà TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên trước đó.
Tại phiên xét xử vào ngày 7.9 vừa qua, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên Trần Kiêm Hoàng 20 năm tù về tội Giết người và Sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Riêng đối với Nguyễn Xuân Lộc có tiền sử bị tâm thần nên tòa đồng ý áp dụng biện pháp chữa bệnh và sẽ xử lý sau. (Lao động, trang 7)
Dự tiệc cưới, hàng chục người nhập viện
Sáng 16.9, ông Hồ Trọng Ninh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gio Linh, cho biết, đơn vị đang phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Quảng Trị) cùng các ngành liên quan làm rõ vụ việc nhiều người sau khi dự tiệc cưới phải nhập viện.
Trước đó, vào trưa 15.9, nhiều người dự một tiệc cưới của gia đình bà Nguyễn Thị Tân (trú đội 1, thôn Kinh Môn, Trung Sơn, Gio Linh). Đến 15h cùng ngày, nhiều người có biểu hiện đau bụng đã nhập viện tại Bệnh viện huyện Gio Linh.
Ông Ninh cho biết, đến nay đã có 25 người nhập viện (trong đó có một số bà mẹ đang mang thai), điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Gio Linh với các biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn.
Theo các bệnh nhân, tiệc cưới khoảng 700 suất với nhiều món như mực, tôm, bê thui, cháo... Sau khi dự tiệc cưới, nhiều người bị đau bụng phải nhập viện hoặc tự điều trị ở nhà.
Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng đã lấy mẫu thực phẩm của tiệc cưới và tiến hành công tác điều tra.
Được biết, nhà hàng Huân Hưng, có địa chỉ tại thôn Kinh Môn (Trung Sơn, Gio Linh), là đơn vị đảm nhiệm làm cỗ cưới tại bữa tiệc cưới trên. (Nông thôn ngày nay, trang 3)
Kết hợp quân dân y trong khám, chữa bệnh
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 118/2018/NĐ-CP quy định về công tác kết hợp quân dân y, trong đó quy định cụ thể về kết hợp quân dân y trong phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế.
Cụ thể, nội dung kết hợp trong khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế gồm: Tổ chức thu dung, khám bệnh, điều trị cho nhân dân và lực lượng vũ trang tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, đào tạo liên tục về chuyên môn kỹ thuật liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; nghiên cứu về bệnh học và các phương pháp điều trị bệnh; nghiên cứu phát triển các kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức triển khai các chương trình y tế tại địa phương. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân y ngoài nhiệm vụ bảo đảm quân y theo quy định, có trách nhiệm tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dân y ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, có trách nhiệm tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn. Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng xác định hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân dân y. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)
Phát động Chiến dịch nhắn tin hỗ trợ bệnh nhân ung thư
GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc bệnh viện K phát động toàn thể hơn 1.300 cán bộ y tế bệnh viện nhắn tin ủng hộ chung tay chia sẻ với người bệnh ung thư. Chiến dịch nhằm tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân ung thư và động viên, khích lệ tinh thần chiến thắng bệnh tật cho những số phận không may mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.
Mỗi tin nhắn với cú pháp UT gửi đến 1406 sẽ là một thông điệp yêu thương gửi đến người bệnh và có thêm 15.000 đồng được chuyển tới các chương trình hỗ trợ bệnh nhân, bệnh nhi ung thư nghèo. Chiến dịch phát động từ ngày 10/09 đến hết ngày 08/11/2018.
Mỗi sự chia sẻ quý giá đó sẽ tiếp thêm sức mạnh để bệnh nhân, bệnh nhi có cơ hội sống và những thông điệp yêu thương đó sẽ là một diễn đàn nhân ái, nơi những trái tim nhân hậu luôn mở rộng lòng chia sẻ và đồng cảm với người bệnh, cho một ngày mai tươi sáng hơn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)