TPHCM: 19-6 thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 quy mô lớn
Chiều 17-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TPHCM cùng đại diện Viện Pasteur TPHCM đã kiểm tra nơi bảo quản lô vaccine vừa được Chính phủ quyết định phân bổ cho TPHCM.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, lô vaccine này do hãng AstraZeneca (Anh) sản xuất, được Chính phủ Nhật viện trợ cho Việt Nam và vừa được chuyển từ Hà Nội vào TPHCM sáng nay 17-6.
Được sự phân phối của Chính phủ và Ban Chỉ đạo tiêm chủng Covid-19 Quốc gia, trong đợt này Việt Nam nhập về 966.3000 liều vaccine cho toàn quốc, trong đó 836.000 liều vaccine được vận chuyển cho TPHCM (chiếm 86%). Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia đã ưu tiên vaccine cho TPHCM để cùng chính quyền nhân dân TP đảm bảo được công tác tiêm chủng, an toàn trong sản xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, quy trình một lô vaccine khi chuyển về Việt Nam sẽ tiến hành kiểm định tại Viện Kiểm nghiệm vaccine tại Hà Nội với thời gian 48 giờ. Sau khi nhận chứng nhận kiểm định đạt chất lượng thì lô vaccine này mới được sử dụng.
“Chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động tổ chức, vận chuyển lưu trữ của Viện Pasteur TPHCM. Đơn vị đã đảm bảo được chất lượng khi nhập vào kho cũng như đảm bảo chất lượng khi đưa đến nơi sử dụng để tiêm cho các đối tượng trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại TPHCM”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã họp với Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM, Sở Y tế TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM và Viện Pasteur TPHCM xây dựng kế hoạch chi tiết để khi mà lô vaccine này đảm bảo chất lượng được đưa ra sử dụng thì lô vaccine này sẽ có một chiến dịch tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng này dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 5-7 ngày với số lượng vaccine là 786.000 liều cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 còn lại 50.000 liều cho lực lượng bộ đội ,công an TPHCM.
Hiện Bộ phận Thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TPHCM đã xây dựng xong hoàn tất kịch bản.
“Chúng tôi sẽ hoàn thiện lại kịch bản báo cáo với lãnh đạo Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM và Ban Chỉ đạo TPHCM để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng triển khai ở các điểm tiêm chủng. Dự kiến có 1.000 điểm tiêm chủng trên địa bàn TPHCM. Dự kiến, trong 2 ngày hoàn tất kiểm định vaccine và sáng thứ bảy (19-6) sẽ bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm chủng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn để thực hiện chiến dịch tiêm chủng này, không chỉ huy động lực lượng y tế trên địa bàn TPHCM, còn huy động cả lực lượng tuyến Trung ương bộ ngành trên địa bàn TPHCM và một số bệnh viện quân đội, bệnh viện lực lượng công an và viện y học dự phòng quân đội sẽ tham gia vào chiến dịch này. Với nguyên tắc và tinh thần tiêm chủng nhanh trong chiến dịch nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những người tham gia tiêm chủng.
"Vaccine được tiêm trong đợt này của AstraZeneca thời hạn sử dụng còn tương đối dài, đảm bảo an toàn cho chiến dịch tiêm chủng đợt này của TPHCM. Bộ Y tế có bộ phận điều phối có trách nhiệm điều phối lượng vaccine theo đề xuất của chính phủ và theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Quốc gia", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin và kỳ vọng trong đợt tới những tỉnh đang rất khó khăn trong đợt dịch này như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Tiền Giang…sẽ tiếp nhận được vaccine để đảm bảo ưu tiên đối với cả lực lượng sản xuất là công nhân, đảm bảo an toàn sản xuất. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
TPHCM cần có kịch bản cách ly F1 tại nhà
Chiều 17-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và lãnh đạo TPHCM để thảo luận và triển khai các phương án phòng chống dịch của thành phố trong thời gian tới. Chủ trì tại điểm cầu TPHCM có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, tình hình dịch bệnh tại thành phố hiện đang diễn biến tương đối phức tạp. Cụ thể, 7 đơn vị trong khu công nghiệp xuất hiện ca dương tính; một vài địa phương có F1 và F0 tại UBND cấp phường và cấp quận. Trước tình hình trên, thành phố đã tiến hành cách ly F0, F1 tại khu cách ly tập trung, cách ly F2 tại nơi làm việc, ngưng toàn bộ việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, tạm ngưng xử lý một số nhiệm vụ không cấp bách để tập trung phòng chống dịch.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, TPHCM là trung tâm kinh tế rất lớn, đã trải qua một số đợt dịch phức tạp. Vì vậy, chính quyền và người dân đã có những thực tiễn trải nghiệm trong quá trình chống dịch. Đối với thành phố có số dân trên 10 triệu, lãnh đạo TPHCM cần quyết định các vấn đề giãn cách, cách ly trên tinh thần cố gắng khoanh vùng hẹp. Trường hợp buộc phải khoanh vùng rộng thì phải xét nghiệm thần tốc, xác định ngay khu vực khẩn. Cùng với đó, phải có những chỉ đạo nghiêm, cụ thể trong việc giãn cách, tránh tình trạng tụ tập đông người. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giãn cách. Tất cả các bệnh viện trên địa bàn không được để bệnh nhân tập trung đến khám quá đông. Ngoài ra, thành phố cần có kịch bản cách ly F1 tại nhà dưới sự giám sát của lực lượng chức năng. Đề phòng trường hợp dịch Covid-19 lan rộng trong khu công nghiệp, cần triển khai mô hình tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại các khu công nghiệp, khu dân cư như đã thí điểm ở Bắc Giang trước đó.
* Ngày 17-6, Sở Y tế TPHCM có quyết định bổ nhiệm bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, làm Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi.
Sau 5 ngày hoạt động, bệnh viện đã tiếp nhận 305 bệnh nhân mắc Covid-19. Đến nay, TPHCM có mạng lưới 9 bệnh viện điều trị Covid-19 với quy mô khoảng 3.500 giường. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Không được chủ quan cả khi phần lớn dân số đã tiêm phòng
TS Takeshi Kasai khuyến nghị các quốc gia cần tiếp tục thắt chặt các biện pháp quản lý dịch bệnh, không được chủ quan nới lỏng quản lý, kể cả khi phần lớn dân số đã tiêm phòng. Ngày 17-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp trực tuyến với TS Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tại cuộc họp, hai bên trao đổi về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, thực trạng nguồn cung vaccine, các kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch và nhu cầu tiếp cận vaccine trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của WHO trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19, đồng thời cảm ơn WHO và Văn phòng WHO tại Việt Nam đã hỗ trợ tích cực Việt Nam trong thời gian qua kể từ khi đại dịch bùng phát.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm và nỗ lực đẩy nhanh triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng, qua đó giúp sớm nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội và đảm bảo sức khỏe, an sinh xã hội cho người dân.
Phó Thủ tướng đề nghị WHO thúc đẩy chuyển giao sớm vaccine trong chương trình COVAX cho Việt Nam, tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine khu vực, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung nhằm hỗ trợ các nước trong khu vực tiếp cận kịp thời nguồn vaccine.
TS Takeshi Kasai cho rằng, Việt Nam đã và đang là điển hình về ứng phó Covid-19 tại khu vực; đánh giá cao cách tiếp cận đúng đắn và hiệu quả của Việt Nam đối với vaccine thể hiện qua hai phương thức.
Một là tiếp cận 5K + vaccine, coi vaccine là công cụ quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh nhưng không thể dựa hoàn toàn vào vaccine mà cần kết hợp chặt chẽ với các biện pháp phòng chống dịch khác.
Hai là sự đầu tư đều đặn cho phòng chống dịch, đặc biệt là việc thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) trong việc tìm kiếm, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine.
TS Takeshi Kasai khuyến nghị các quốc gia cần tiếp tục thắt chặt các biện pháp quản lý dịch bệnh, không được chủ quan nới lỏng quản lý, kể cả khi phần lớn dân số đã tiêm phòng.
TS Takeshi Kasai cam kết tiếp tục hỗ trợ, sát cánh cùng Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh; thúc đẩy chuyển giao sớm nhất nguồn vaccine trong cơ chế COVAX cho Việt Nam.
TS Takeshi Kasai cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD cho cơ chế COVAX, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với các nỗ lực chung; đồng thời cảm ơn Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị thành công bệnh nhân mắc Covid-19 là chuyên gia của WHO. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca hiệu quả với biến thể Delta
Chiều 17-6, Bộ Y tế cho biết, Hãng dược phẩm AstraZeneca đã phát đi thông cáo báo chí về hiệu lực của vaccine Covid-19 của hãng này trong việc chống lại biến thể Delta (Ấn Độ). Theo đó, công bố từ Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE), vaccine Covid-19 của AstraZeneca đạt hiệu quả bảo vệ cao đối với biến thể Delta. Dữ liệu thực tế từ PHE chứng minh, liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca có hiệu quả 92% trong việc giảm số ca nhập viện do biến thể Delta v à cho thấy không có trường hợp tử vong trong số những người được tiêm.
Cùng với đó, vaccine cũng đạt được hiệu quả cao đối với biến thể Alpha (B.1.1.7, còn được biết đến là biến thể Kent), giúp giảm 86% số ca nhập viện và không có trường hợp tử vong nào được báo cáo. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Hà Nội: Phân luồng riêng, xét nghiệm ngẫu nhiên người bay từ TP.HCM ra để phòng Covid-19
Ngày 16/6, Hà Nội đã lấy 97 mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên các trường hợp bay ra sân bay Nội Bài từ TP Hồ Chí Minh và các mẫu này đều cho kết quả âm tính. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu liên tục trong vòng 1 tuần đến 10 ngày tại sân bay với số lượng khoảng 1.000 mẫu. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trước tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh đang diễn ra phức tạp và các ca bệnh dương tính ngày càng tăng, trong đó có TP Hồ Chí Minh, tại sân bay Nội Bài, Sở Y tế Hà Nội đã và đang thực hiện phân luồng riêng đối với những người đi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên.
Trong đó, ngày 16/6, các lực lượng chức năng đã lấy 97 mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên và các mẫu này đều cho kết quả âm tính. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu liên tục trong vòng 1 tuần đến 10 ngày tại sân bay với số lượng khoảng 1.000 mẫu.
Việc lẫy mẫu xét nghiệm sàng lọc nhanh, ngẫu nhiên sẽ giúp Hà Nội định hướng được công tác phòng dịch đối với những người, nhóm người đi từ các tỉnh có nguy cơ về Hà Nội. Đồng thời, chủ động phát hiện sớm ca bệnh dương tính và kịp thời có phương án xử trí tích cực, hiệu quả trong công tác phòng dịch.
Ngoài việc xét nghiệm tại sân bay, thành phố cũng sẽ tổ chức xét nghiệm ở các khu, cụm công nghiệp.
Giám đốc Sở Y tế khẳng định: "Hà Nội đang có những biện pháp ứng phó kịp thời trong phòng, chống dịch Covid-19 với các biện pháp rất chủ động. Chiến lược định hướng của Hà Nội trong phòng, chống dịch thời gian tới là chủ động phát hiện, ngăn chặn, điều tra, truy vết kịp thời và tiêm phòng vaccine". (An ninh Thủ đô, trang 1).
5 bệnh viện lớn ở Hà Nội được phân bổ thêm 74.000 liều vắc xin Covid -19
Ngày 17-6, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ đợt 5 vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho 38 đơn vị trên cả nước. Trong đó, TP HCM được nhiều nhất, ngoài ra có các bệnh viện Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…
Tại quyết định số 2971/QĐ-BYT của Bộ Y tế, ở đợt phân bổ lần thứ 5 này, có 38 đơn vị được phân bổ vaccine Covid-19 gồm Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) một số tỉnh, thành phố; các Viện, Bệnh viện, Trường Cao đẳng; các Tổng Công ty; công ty; Trung tâm pháp y các vùng miền... và lực lượng công an tại TP HCM, Cục Quân Y - Bộ Quốc phòng.
Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM được phân bổ nhiều nhất với 786.000 liều. Viện Pasteur TP HCM cũng được phân bổ 7.000 liều.
Trong số các bệnh viện, Bệnh viện Bạch Mai được phân bổ nhiều nhất với 33.000 liều; Bệnh viện Nhi Trung ương 25.000 liều; Bệnh viện E là 18.000 liều; Bệnh viện Hữu nghị 5.000 liều; Bệnh viện Việt Đức 3.000 liều...
Ngoài ra, dự án tiêm chủng quốc gia được phân bổ 3.000 liều; Cục Quân Y Bộ Quốc phòng được phân bổ 35.000 liều; Lực lượng công an tại TP HCM (bảo quản tại kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM) là 20.000 liều...
Bộ Y tế nêu rõ, trường hợp các đơn vị không sử dụng hết vaccine thì Sở Y tế địa phương điều phối số vaccine để tiêm cho các đối tượng ưu tiên khác trên địa bàn theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ. (An ninh Thủ đô, trang 6, Thanh niên, trang 1, Tiền phong, trang 5).
Cần tiêm bao phủ từ 70% dân số
Sau hơn 3 tháng (từ ngày 8.3) triển khai tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam đến nay, hơn 1,7 triệu liều vắc xin đã được tiêm. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu có 150 triệu liều vắc xin để tiêm đủ 2 mũi cho người dân (từ 18 tuổi) để đảm bảo miễn dịch chủ động trong cộng đồng. Yêu cầu hoàn thành tiêm đợt 3 trước ngày 18.6
Về tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết với vắc xin Covid-19, cho đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành 2 đợt tiêm chủng, sử dụng an toàn, hiệu quả và kịp thời trong số vắc xin đã được cung ứng. Với vắc xin được phân bổ đợt 3, các tỉnh cũng đang thực hiện tiêm theo kế hoạch và đã tiêm chủng được khoảng 30% số đã được nhận. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và BYT về việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tất cả các địa phương cần hoàn thành tiêm chủng đợt 3 sớm, trước ngày 18.6.
PGS Hồng giải thích: “Việc tiêm vắc xin bao phủ 70% dân số của cả nước phụ thuộc vào tiến độ cung ứng vắc xin và năng lực của hệ thống tiêm chủng. Trong trường hợp nguồn cung vắc xin dồi dào đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam thì Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế, bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế trên toàn quốc, các hệ thống y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng với quy mô quốc gia. Như vậy, thời gian đạt được mục tiêu sẽ rút ngắn xuống so với chỉ triển khai trong hệ thống Tiêm chủng mở rộng.
14 - 20% có phản ứng sau tiêm
Cập nhật về các phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19, sau hơn 3 tháng triển khai tiêm trên cả nước, PGS Hồng cho biết: “Vắc xin Covid-19 cũng như bất kỳ một loại vắc xin nào khác, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định, bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh; và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời”.
Đến sáng 17.6, hệ thống y tế đã tiêm gần 1,8 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nhóm ưu tiên và công nhân khu công nghiệp, trong đó, 72.325 người đã được tiêm đủ 2 mũi. Trong số người đã tiêm, khoảng 14 - 20% có phản ứng sau tiêm, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin đã xảy ra, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Liên quan đến chỉ định tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...), PGS Hồng cho hay đây là nhóm người có nguy cơ nhiễm cao, mắc Covid-19 nặng nên là đối tượng nguy cơ cần được tiêm vắc xin, tuy nhiên chỉ tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số đường huyết, mạch, huyết áp ở giới hạn bình thường. Người có bệnh lý mạn tính không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid -19 hiện nay ở Việt Nam nhưng cần được tư vấn đầy đủ. (Thanh niên, trang 2).
Thêm 503 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước
Theo BYT, ngày 17.6, Việt Nam ghi nhận 515 ca mắc Covid -19 mới. Trong đó, 12 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Hà Nội 4 ca, Tây Ninh 3 ca, Quảng Nam 2 ca, Khánh Hòa, Kiên Giang và Hòa Bình mỗi tỉnh có 1 ca; 503 ca do lây nhiễm trong nước ghi nhận tại Bắc Giang 327 ca, TP.HCM 137 ca, Tiền Giang 13 ca, Bắc Ninh 12 ca, Bình Dương 7 ca, Hà Tĩnh 4 ca, Lạng Sơn 2 ca và Nghệ An 1 ca.
495/503 ca phát hiện trong khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa, 8 ca đang được điều tra dịch tễ. Ngày 17.6, thêm 63 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Trong đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam (từ ngày 27.4) đến nay, có 8.913 ca mắc Covid-19 mới, trong đó, 1.879 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
* Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ vắc xin đợt 5
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ đợt 5 gồm 966.320 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Theo quyết định này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM được tiếp nhận nhiều nhất với 786.000 liều và 37 đơn vị, địa phương, lực lượng quân đội, công an được phân bổ 178.280 liều. Trong đó, Cục Quân y Bộ Quốc phòng (kho 706, Q.10, TP.HCM) được phân bổ 30.000 liều; lực lượng công an tại TP.HCM 20.000 liều; Viện Pasteur TP.HCM 7.000 liều. Các bệnh viện: Bạch Mai 33.000 liều; Nhi T.Ư 25.000 liều; E 18.000 liều; Trường ĐH Y Hà Nội 21.000 liều. Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được phân bổ 2.040 liều.
Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã nhận được cam kết cung ứng vắc xin từ COVAX 38,9 triệu liều, AstraZeneca 30 triệu liều (nhập khẩu thông qua Công ty VNVC); Pfizer 31 triệu liều, Moderna 5 triệu liều. Chính phủ Nhật Bản trao tặng 1 triệu liều (đã về Việt Nam tối 16.6). Ngày 20.6, dự kiến tiếp nhận 500.000 liều do Chính phủ Trung Quốc trao tặng. (Thanh niên, trang 3, Tuổi trẻ, trang 3).