Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/07/2016

  • |
T5g.org.vn - Đại học Y tế công cộng có trụ sở mới chuẩn quốc tế; 33 dịch vụ sự nghiệp công về y tế - dân số sử dụng ngân sách nhà nước…

Đại học Y tế công cộng có trụ sở mới chuẩn quốc tế

Trụ sở mới của Trường Đại học Y tế công cộng nằm trên khu đất 8,8 ha thuộc quận Bắc Từ Liêm với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 100.000m2, đáp ứng quy mô đào tạo 6.000 sinh viên, đã được khánh thành sáng nay 16.7. Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến dự Lễ khánh thành và trồng cây lưu niệm tại trường.

Thực hiện chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi nội đô, là một trong 26 trường đại học, cao đẳng nằm trong địa bàn thành phố, Trường Đại học y tế công cộng với 70.000- 80.000 sinh viên đã xây trụ sở mới tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Giai đoạn 1 của dự án đã xây dựng trên diện tích khoảng 5,7 ha, tổng diện tích sàn xây dựng 40.000m2, đáp ứng quy mô đào tại khoảng 4.000 sinh viên. Giai đoạn I của dự án, các hạng mục công trình đáp ứng yêu cầu đào tạo độc lập của trường với các hạng mục công trình là Nhà Hiệu bộ, 2 tòa nhà giảng đường, 1 tòa nhà Labo - thực hành và các hạng mục công trình phụ trợ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu kết nối tốt với khu vực.

Qua một năm triển khai xây dựng (7.2015-7.2016) dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới Trường Đại học y tế công cộng đã hoàn thành tiến độ theo đúng kế hoạch. Đây là dự án di dời trường đại học đầu tiên của ngành y tế tại Hà Nội theo hình thức BT đạt hiệu suất cao.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã biểu dương nhà đầu tư và đơn vị liên quan, qua một năm triển khai xây dựng, dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới Trường đại học Y tế công cộng hoàn thành tiến độ đúng kế hoạch. Trong quá trình triển khai luôn bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý đầu tư xây dựng, bảo đảm tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Bộ trưởng cho biết, đây là dự án di dời trường đại học đầu tiên của ngành y tế tại Hà Nội theo hình thức BT đạt hiệu suất cao, đúng thời hạn.

Bộ trưởng Kim Tiến cho biết, hiện nay Bộ Y tế đang khuyến khích các mô hình xã hội hóa nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế, nhất là cơ sở khám chữa bệnh, qua đó, giảm tối đa đầu tư công. Bộ trưởng yêu cầu Trường đại học Y tế công cộng vận hành hiệu quả công trình nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Với cơ sở vật chất xây dựng mới, Trường Đại học Y tế công cộng hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. (Lao động, Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

33 dịch vụ sự nghiệp công về y tế - dân số sử dụng ngân sách nhà nước

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1387/QĐ-TTg ban hành danh mục 33 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực y tế - dân số. 

Trong đó, có 9 dịch vụ y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, 8 dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, 2 dịch vụ kiểm nghiệm, kiểm định, 2 dịch vụ giám định, 6 dịch vụ do nhà nước bảo đảm theo các chương trình mục tiêu và 6 dịch vụ y tế khác.

Sáu dịch vụ y tế khác gồm:

Dịch vụ truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và bệnh chưa rõ nguyên nhân; phòng, chống bệnh nghề nghiệp; phòng, chống tai nạn thương tích; nâng cao sức khỏe; dinh dưỡng cộng đồng; an toàn thực phẩm và các yếu tố có hại đến sức khỏe và môi trường sống; sức khỏe trường học và phòng, chống bệnh tật học đường.

Các dịch vụ truyền thông, giáo dục, tư vấn nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giảm tỷ lệ người chưa thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn.

Các dịch vụ về chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực cho tuyến dưới.

Dịch vụ phục vụ sinh hoạt của người đang bị áp dụng các biện pháp cách ly y tế nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của Chính phủ.

Dịch vụ điều chế máu và các chế phẩm máu trong khi chưa được tính đủ chi phí.

Các dịch vụ phục vụ việc điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa ngân hàng mô và cơ sở y tế.

Quyết định nêu rõ, căn cứ tình hình thực tế thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực y tế - dân số, Bộ trưởng Bộ Y tế kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ phù hợp./. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

Bộ trưởng Bộ Y tế: Hỗ trợ tối đa để hai bé sơ sinh dính liền được phẫu thuật sớm

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ngay sau khi nhận được thông tin về việc hai bé trai sơ sinh ở Vị Xuyên- Hà Giang dính liền với nhau từ ngực đến bụng, chung dây rốn, có trọng lượng 4900g. Hiện hai cháu đã được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tuy nhiên gia đình các cháu vô cùng khó khăn.

Theo đó, ngày 14/7, qua trang Fanpage cá nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được thông tin về hai bé trai sơ sinh ở Vị Xuyên- Hà Giang dính liền với nhau từ ngực đến bụng, chung dây rốn, có trọng lượng 4900g. Hiện hai cháu đã được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tuy nhiên, gia đình sản phụ Phàn Thị Thẩy là người dân tộc Dao ở Hà Giang có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Văn phòng Bộ Y tế gửi công văn số 5480/BYT-VPB1 đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Báo Sức khỏe & Đời sống  về việc hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho cặp song sinh dính liền tại huyện Vị Xuyên, Hà Giang.

Theo đó, tại công văn này, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, Văn phòng Bộ đề nghị Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa để hai cháu được sớm phẫu thuật tách rời, ổn định sức khỏe. Báo Sức khỏe và Đời sống đăng báo để kêu gọi các tổ chức từ thiện xã hội ủng hộ, hỗ trợ kinh phí ăn ở cho gia đình bệnh nhân trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

Trước đó, liên quan đến trường hợp của hai cháu bé song sinh dính liền này, BSCKI Nguyễn Ngọc Chung, Phó giám đốc BVĐK huyện Vị Xuyên, Hà Giang cho biết, rạng sáng ngày 13/7 kíp bác sĩ trực của BVĐK Vị Xuyên tiếp nhận sản phụ Phàn Thị Thẩy, 20 tuổi ở thôn Tân Bình xã Ngọc Minh huyện Vị Xuyên vào viện được chẩn đoán mang thai lần 2,thai đôi 9 tháng, chuyển dạ 2 ngôi đầu, tử cung mở 7cm, ối vỡ sớm và đã có dấu hiệu suy thai, vì vậy sản phụ được chỉ định mổ cấp cứu. Trong khi mổ các bác sĩ phát hiện 2 bé trai dính liền với nhau từ ngực đến bụng, chung dây rốn, 2 thai có trọng lượng 4900gr... Sau mổ 2 cháu đang được chăm sóc tại khoa Nhi - Bệnh viện Vị Xuyên. Qua thăm khám sơ bộ, các bộ phận tim phổi thận của hai cháu vẫn tách rời. Tuy nhiên, để đánh giá ngoài chính xác hơn về vị trí dính liền từ ngực đến bụng có bị dính liền các bộ phận khác không cần phải kiểm tra kỹ bằng kỹ thuật cao. Bởi vậy, hai cháu sẽ phải chuyển xuống bệnh viện ở Hà Nội.

Tuy nhiên theo BS Chung, gia đình hai cháu bé là người dân tộc Dao, hoàn cảnh gia đình sản phụ Phàn Thị Thẩy hết sức khó khăn, khi xuống viện huyện đã không có tiền để chăm con nếu xuống Hà Nội điều trị, mặc dù hai cháu được miễn hoàn toàn viện phí, tuy nhiên bố mẹ cháu không đủ tiền chi phí cho người chăm nuôi tại đó. Trước hoàn cảnh gia đình như vậy, phía BVĐK Vị Xuyên đã sử dụng quỹ hộ trợ bệnh nhân nghèo và cán bộ nhân viên bệnh viện cũng tham gia quyên góp ủng hộ gia đình, song số tiền cũng rất ít ỏi.

 

Để vận động quyên góp nhiều hơn nữa từ phía cộng đồng, các bác sĩ của BVĐK huyện Vị Xuyên đã ra chợ để kêu gọi sự ủng hộ của người dân, có bác sĩ còn lên Facebook kêu gọi giúp gia đình hai cháu. Được biết cuối giờ chiều ngày 14/7, hai cháu đã được các bác sĩ BVĐK Vị Xuyên cùng gia đình đưa đến Bệnh viện  Hữu nghị Việt Đức.

Cũng liên quan đến ca phẫu thuật hai cháu bé song sinh dính liền này và cán bộ nhân viên BVĐK Vị Xuyên cùng tham gia quyên góp ủng hộ gia đình, kêu gọi ủng hộ gia đình cháu bé, chiều ngày 15/7, ThS Nguyễn Đình Anh- Vụ trưởng Vụ Truyền thông & Thi đua khen thưởng Bộ Y tế cho phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống biết thông tin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho BSCKI Nguyễn Ngọc Chung, Phó giám đốc BVĐK huyện Vị Xuyên, Hà Giang đã có thành tích xuất sắc trong việc mổ cấp cứu kịp thời và vận động quyên góp ủng hộ ca bệnh nhi song sinh dính bụng.

Theo Bộ Y tế, đây là một nghĩa cử cao đẹp, cứu người của bác sỹ Chung, của tập thể BVĐK huyện vị xuyên cần được học tập và nhân rộng, nhất là trong khi cả ngành y tế đang phát động phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của các bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Bộ Y tế sẽ xem xét và tiếp tục khen thưởng cho các cá nhân, tập thể nghĩa cử cao đẹp này. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế tổ chức sáng nayHội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình (BSGĐ )giai đoạn 2016-2020 diễn ra tại 56  điểm cầu trên cả nước. Tại điểm cầu trung ương có sự tham dự của hơn 150 đại biểu

Bác sĩ gia đình có quyền chuyển tuyến khi cần thiết

Báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế tại hội thảo cho biết, đến cuối năm 2015, đã thành lập được 240 phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại 6 tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu là gắn với hoạt động của bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập hoặc trạm y tế xã, phường. Trong đó có 234 phòng khám BSGĐ công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%), đã thực hiện thanh toán BHYT do các cơ sở KCB này đang được tham gia cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Mặc dù mới thành lập, các phòng khám BSGĐ đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám BSGĐ theo mô hình của Bộ Y tế quy định, thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân và gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám BSGĐ người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình

Thông tin tại hội thảo cũng cho biết một số phòng khám BSGĐ có hoạt động hiệu quả thời gian qua như: Phòng khám đa khoa tư nhân Thành Công, phòng khám BSGĐ tại Bệnh viện Quận 2 TP Hồ Chí Minh… đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến.

“Mô hình BSGĐ trước mắt được tích hợp vào hoạt động của các trạm y tế xã phường là hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ đầu, liên tục, gần dân nhất, chăm sóc toàn bộ các thành viên trong gia đình theo nhóm dân cư. Điều đó không có nghĩa là BSGĐ chỉ đến tận nhà dân khám chữa bệnh mà chỉ là một trong những hoạt động khi bệnh nhân già yếu hoặc không đi lại được. BSGĐ có quyền chuyển tuyến khi cần thiết”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Các địa phương cần quan tâm phát triển bác sĩ gia đình

Tại Hội nghị, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo và đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở nói chung và phát triển BSGĐ nói riêng theo định hướng, kế hoạch của Bộ Y tế. Chủ tịch UBND 8 tỉnh, thành phố là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế phát huy kết quả bước đầu, triển khai quyết liệt mô hình phòng khám BSGĐ tại địa phương, lựa chọn một số đơn vị (trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám BSGĐ tư nhân) để xây dựng mô hình phòng khám BSGĐ hoàn chỉnh, làm điển hình nhân rộng tại địa phương và cả nước.

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với các Sở, Ngành liên quan để khảo sát, đánh giá thực trạng y tế cơ sở, nhu cầu chăm sóc ban đầu của nhân dân địa phương, xây dựng kế hoạch cụ thể và lộ trình, thời gian cụ thể triển khai nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ tại địa phương… Các Sở Y tế và các đơn vị phải quán triệt sâu sắc đến cán bộ y tế để có nhận thức, hiểu biết đúng về vai trò, hiệm vụ và ý nghĩa của việc phát triển BSGĐ ở nức ta sẽ góp phần nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Về phía các trường đại học chuyên ngành y, Bộ Y tế yêu cầu có trách nhiệm chủ động thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo, nghiên cứu khoa học về Y học gia đình. Trong năm 2016 phải đào tạo được nhiều bác sĩ đa khoa học về y học gia đình theo chương trình ba tháng.

Tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phòng khám BSGĐ là một mô hình hay trên thế giới nhưng việc triển khai thực hiện ở nước ta còn vướng mắc và chưa thông suốt, tiến độ thực hiện còn chậm và chưa tạo được chuyển biến vì nơi làm tốt nhất thì số trường hợp khám bệnh tại trạm y tế cũng chỉ tăng khoảng 15%.

Vấn đề cần làm hiện nay theo Phó Thủ tướng là tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu (bao gồm cả phòng bệnh, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe theo đúng quy định của pháp luật) cho trạm y tế cơ sở. Đồng thời có mức độ phân biệt rõ ràng giữa các trạm y tế ở nông thôn, đặc biệt là miền núi với trạm y tế ở thành phố. Hiện nay, ở nhiều nơi, trạm y tế xây dựng khang trang nhưng không có bệnh nhân đến khám, còn ở miền núi không có trạm y tế.

“Bây giờ còn nơi nào chưa có trạm y tế thì cần phải xây dựng, đừng cứng nhắc rằng cứ mỗi xã một trạm, có những nơi ở miền núi 1 xã cần có nhiều trạm. Vấn đề cần nhết hiện nay là đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh

 

Giai đoạn 2016-2020, ngành y tế sẽ nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ lộ trình để bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phòng khám BSGĐ trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiện toàn, thành lập các mô hình phòng khám BSGĐ: Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa nhà nước. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

Bệnh viện Tim Hà Nội có 15 bệnh viện vệ tinh

Bắt đầu từ ngày 17-7, Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội sẽ có 15 BV vệ tinh, thay cho 6 BV vệ tinh như trước, nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh tim mạch. Như vậy, BV Tim Hà Nội là một trong 22 đơn vị hạt nhân thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho các BV vệ tinh trên cả nước. BV Tim Hà Nội là BV chuyên khoa hạng I, trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Trong thời gian qua, với phương thức cầm tay chỉ việc, BV đã chuyển giao thành công các kỹ thuật tim mạch cho nhiều BV đa khoa tỉnh ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Trong đó, 6 BV đã triển khai can thiệp tim mạch với hệ thống máy hiện đại. Bệnh nhân ở nhiều tỉnh miền núi đã được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên, giảm chi phí và rủi ro nếu phải chuyển tuyến.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Đề án BV vệ tinh thực hiện hiêu quả sẽ góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của các BV vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại BV vệ tinh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ BV vệ tinh lên BV hạt nhân, tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ BV hạt nhân về BV vệ tinh.

Từ đó, giảm quá tải tại BV hạt nhân ở tuyến trung ương, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị BV Tim Hà Nội khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt dự án BV vệ tinh giai đoạn 2016-2020 trình UBND TP Hà Nội phê duyệt, đồng thời, đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn các BV hạt nhân xây dựng Đề án cụ thể của đơn vị theo Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 của Bộ Y tế.

Hiện cả nước có 22 BV hạt nhân và 98 BV vệ tinh, trong đó có 9 BV hạt nhân và 45 BV vệ tinh về tim mạch.  (Công an nhân dân (trang 1).

Ngày hội hiến máu tình nguyện tỉnh Cao Bằng

Ngày 17-7, Ban tổ chức chương trình Hành trình đỏ phối hợp Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Cao Bằng tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện với chủ đề “Nghĩa tình non nước Cao Bằng”. Nhiều sự kiện diễn ra trong dịp này: dâng hương Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó; thăm Khu di tích lịch sử Kim Đồng; tuyên truyền lưu động về hiến máu tình nguyện và bệnh tan máu bẩm sinh; tổ chức đêm Ga-la vinh danh người hiến máu tiêu biểu… Kết thúc ngày hội, Ban tổ chức tiếp nhận được 451 đơn vị máu. Ban tổ chức cũng đã đến thăm và tặng 40 suất quà cho những người bệnh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị tan máu bẩm sinh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. (Nhân dân (trang 5).

Hà Nội: Hơn 160 tỷ đồng sàng lọc trước sinh và sơ sinh

Nhằm nâng cao chất lượng dân số, thành phố Hà Nội đã giao ngành y tế đẩy mạnh triển khai sàng lọc trước sinh và sơ sinh, phấn đấu cuối năm 2020 trên địa bàn có ít nhất 80% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, 85% trẻ sơ sinh được sàng lọc phát hiện sớm dị tật và 50% trẻ sơ sinh được sàng lọc tim bẩm sinh. Việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh giúp phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp trẻ sinh ra bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Để đạt được mục tiêu đó, thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án tầm soát, phát hiện sớm một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 với tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng, được triển khai thực hiện ở 30 quận, huyện, thị xã, 584 xã, phường, thị trấn.

Đề án này sẽ tập trung sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp sớm các tật, bệnh và rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giảm thiểu số trẻ sinh ra mắc một số khuyết tật, bệnh bẩm sinh, khiếm thính; mắc bệnh chuyển hóa, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, phòng tránh những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực.

Ngành Y tế tăng cường tuyên truyền, vận động đối tượng, nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cho các cặp vợ chồng, cán bộ và nhân dân trong toàn thành phố. Cụ thể 100% cán bộ dân số - y tế tham gia đề án có kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; đảm bảo ít nhất 95% các bà mẹ có thai được tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh.

Cùng với đó là mở rộng mạng lưới, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật thực hiện đề án. 100% cán bộ quản lý đề án có kiến thức, kỹ năng quản lý các hoạt động; 100% cán bộ y tế - dân số chuyên môn tại các cơ sở thực hiện đề án được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; 95% cán bộ y tế tuyến xã được đào tạo tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân.

Đảm bảo cung cấp, cung ứng trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm và vật tư tiêu hao phục vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh và sàng lọc tim bẩm sinh. Đầu tư trang thiết bị cho một số đơn vị đủ điều kiện thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh như máy đo độ bão hòa oxy qua da cho bệnh viện các huyện, máy đo khiếm thính, máy siêu âm màu Doppler cho một số trung tâm dân số. Tổ chức sàng lọc khiếm thính cho trẻ từ 0-60 tháng tuổi, sàng lọc Thalassemia cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ở các huyện còn khó khăn.

Ngoài ra duy trì, mở rộng danh mục kỹ thuật và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tăng cường chất lượng dịch vụ y tế chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cùng với nâng cao năng lực cho cán bộ của Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Với chức năng chỉ đạo tuyến, Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ thực hiện đào tạo chuyển giao kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ y tế tuyến cơ sở nhằm mở rộng, nâng cao hiệu quả của đề án.  (Gia đình & xã hội (trang 6)

Cứu sống một bệnh nhân người Lào ngộ độc lá ngón

Tin từ BVĐK Mộc Châu, Sơn La cho biết, các bác sĩ của BV vừa cấp cứu kịp thời trường hợp một bệnh nhân người Lào 16 tuổi nhập viện do tự tử bằng lá ngón.

Tin từ BVĐK Mộc Châu, Sơn La cho biết, các bác sĩ của BV vừa cấp cứu kịp thời trường hợp một bệnh nhân người Lào 16 tuổi nhập viện do tự tử bằng lá ngón. Theo lời kể của cô gái được phiên dịch, do mâu thuẫn gia đình, trong lúc tức giận đã đi hái lá ngón về ăn để kết thúc cuộc đời. Sau khi ăn, cô gái được người bạn phát hiện và đưa đến Bệnh viện đa khoa Mộc Châu. BS. Phạm Thị Hường - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, sau khi tiếp nhận, cô đã được điều trị tích cực và thải độc, hiện nay sức khỏe đã ổn định. Cũng theo BS. Hường, trước đó, tại khoa này cũng đã tiếp nhận và cấp cứu cho 6 trường hợp người bệnh bị ngộ độc do ăn bọ xít đen. Khi nhập viện, các bệnh nhân này đã có dấu hiệu tổn thương các cơ quan thần kinh, tim mạch, gan mật, hô hấp… Hiện trong số các bệnh nhân này có người đã ổn định và đã được xuất viện. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang