Cả nước trở thành vùng xanh COVID-19, đã đến lúc kết thúc dịch?
Số ca mắc COVID-19 liên tục giảm sâu, hiện cả nước gần như trở thành vùng xanh COVID-19. Thế nhưng các chuyên gia cho rằng dịch bệnh COVID-19 sẽ chưa biến mất, có thể tiếp tục diễn biến phức tạp nếu có biến chủng mới hoặc trở thành bệnh lưu hành như cúm mùa. Cả nước gần như là vùng xanh COVID-19
Thống kê cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế cho biết, hiện cơ bản gần như cả nước đã là vùng xanh. Cụ thể, trong số trên 10.604 xã phường toàn quốc đánh giá cấp độ dịch thì đã có đến 9.636 xã, phường (tương đương 90,9%) là vùng xanh, 830 xã, phường là vùng vàng (tương đương 7,9%); số xã vùng cam, đỏ hiện chỉ chiếm 1,2%, tương đương 138 xã phường. Con số này có sự điều chỉnh nhỏ so với trước đó 1 tuần. Hiện toàn quốc có 50 tỉnh thành có 100% xã phường thuộc vùng xanh (nguy cơ dịch thấp).
Bộ Y tế cho biết, số ca mắc COVID-19 từ đầu tháng 10 đến nay liên tục có chiều hướng giảm. Trong 2 tuần qua, có một tuần số mắc mới trên 1.000 ca (từ 1.020-1.190), 7 ngày còn lại số mắc mới đều dưới 1.000 ca, thậm chí ngày 16.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 chỉ ghi nhận 325 ca mắc, giảm 407 ca so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày ghi nhận số ca mắc giảm thấp nhất trong gần nửa năm qua.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.491.541 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.131 ca nhiễm).
Trước thông tin Trung Quốc đã ghi nhận biến thể phụ mới của Omicron là BA.5.1.7, có khả năng lây nhiễm cao và né tránh miễn dịch, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết vẫn đang giám sát ngẫu nhiên ca mắc COVID-19 tại Việt Nam nhưng đến nay chưa ghi nhận chủng biến thể này. Tại Việt Nam đang có 4 biến thể phụ của Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.12.1 và BA.2.74) với khả năng lây lan nhanh hơn chủng gốc.
Theo các chuyên gia, hiện nay, Omicron vẫn là biến thể thống trị trên toàn thế giới, chiếm 99,2% các mẫu giải trình tự gen. Biến thể phụ Omicron BA.5 và các dòng con của nó tiếp tục chiếm ưu thế với sự gia tăng tỉ lệ trong số mẫu được giải trình tự gen trong tuần (chiếm 90%).
Mặc dù tình hình dịch hiện tại đã có dấu hiệu khả quan, tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo các quốc gia cần nắm bắt cơ hội, tiếp tục nỗ lực, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc đảm bảo mục tiêu trong tiêm chủng vaccine để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.
Dịch COVID-19 sẽ chưa biến mất, có thể trở thành bệnh cúm mùa
Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới.
“Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại” - bà Hương nói.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống dịch, do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.
PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng, dịch COVID-19 sẽ chưa biến mất, có thể trở thành bệnh cúm mùa, vì thế người dân không nên chủ quan mà lơ là các biện pháp phòng dịch. Do vậy, hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine COVID-19 và truyền thông nâng cao ý thức người dân và cộng đồng.
Đáng lo ngại, các chuyên gia cho rằng số mắc giảm nhưng trong tuần vẫn ghi nhận các ca tử vong do COVID-19. Tại nhiều cơ sở y tế vẫn còn nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải thở máy xâm lấn.
Liên quan đến các ca mắc COVID-19 nặng và tử vong, các bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 cho biết, hầu hết là bệnh nhân cao tuổi và những bệnh nhân cao tuổi này lại không được tiêm vaccine COVID-19.
Bên cạnh đó, cũng có không ít bệnh nhân đã tiêm vaccine COVID-19 đến 2-3 mũi nhưng sau 6 tháng không tiêm nhắc lại. Lúc đó nồng độ kháng thể sau tiêm bắt đầu giảm, khi mắc COVID-19 rất dễ diễn tiến nặng.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, miễn dịch cộng đồng đang giảm bởi đặc thù miễn dịch của COVID-19 khác với nhiều bệnh truyền nhiễm. Số ca mắc được công bố mỗi ngày chưa phải là con số thực tế bởi nhiều người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không xét nghiệm. Một số người xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo (Lao động, trang 7).
Cấp thiết tuyển dụng người tốt nghiệp trung cấp y
Ngành y tế TPHCM đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt trầm trọng điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật y. Nguyên do một phần là Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ quy định viên chức tuyển dụng vào những chức danh nghề nghiệp này phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên.
Thiếu người học, người làm
Theo Sở Y tế TPHCM, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ tại các bệnh viện công của thành phố là 1,86, và có hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2. Trong khi đó, để đảm bảo chăm sóc tốt người bệnh, tỷ lệ đạt yêu cầu phải là 3 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ. “Thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là một thực trạng rất đáng lo ngại. Hơn 1 năm qua, việc tuyển mới gặp khó, trong khi số người liên quan tới lĩnh vực này nghỉ, bỏ việc tại các bệnh viện công lên tới trên 2.000 người”, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho hay.
Đáng báo động là tỷ lệ tuyển sinh ngành điều dưỡng, hộ sinh ở các trường đào tạo khối ngành sức khỏe cũng giảm mạnh. Đơn cử, tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nếu như năm 2021 có 2.300 thí sinh nộp đơn đăng ký học điều dưỡng, hộ sinh, thì năm 2022 chỉ có gần 800 thí sinh đăng ký xét tuyển. Khoa Y Đại học Quốc gia TPHCM cũng không khá hơn, khi đơn vị này có chỉ tiêu tuyển 200 thí sinh ngành điều dưỡng nhưng hiện tại mới đạt gần 60% chỉ tiêu. Ở hệ thống trường cao đẳng, trung cấp có đào tạo khối ngành sức khỏe, hết tháng 9-2022 có trường mới tuyển được 20% chỉ tiêu, trường nào may mắn hơn thì đạt trên 60% chỉ tiêu.
TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, nêu thực tế: Cả nước có 193 trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo khối ngành sức khỏe, số tốt nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trên 10.000 người. Việt Nam cũng đang là nước xuất khẩu hàng ngàn điều dưỡng, hộ sinh sang nhiều nước khác, thế nhưng bệnh viện công trong nước không tuyển dụng được. Theo TS Lê Lâm, lỗi không do người học và cơ sở đào tạo, mà là do cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ... chưa tốt.
Ở góc độ chuyên gia, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn chỉ rõ: Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là nguyên nhân chính làm cho người học bỏ cuộc. Bởi theo thông tư này, từ ngày 1-1-2021, viên chức tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y hạng IV đều phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên… Quy định này khiến nhiều trường cao đẳng, trung cấp đang đào tạo 3 ngành trên ở trình độ trung cấp bị ảnh hưởng nặng nề đến việc tuyển sinh. Kéo theo đó là hàng loạt nhân viên y tế có trình độ trung cấp đổ xô đi học liên thông lên cao đẳng để chuẩn hóa trình độ theo yêu cầu của thông tư. “Nếu không có giải pháp kịp thời, toàn diện, đặc biệt phải sửa đổi hoặc bỏ Thông tư 26/2015/TTLT-BYT-BNV vì không phù hợp với thực tiễn, thì tình hình nhân sự cho ngành y tế sẽ còn đáng lo ngại hơn”, ông Trần Anh Tuấn góp ý.
Muộn còn hơn không
Th.S-Điều dưỡng Bùi Thị Hồng Ngọc, Trưởng phòng điều dưỡng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết, chỉ riêng Khoa Cấp cứu và Khu Hồi sức cấp cứu - Chống độc người lớn của bệnh viện hiện thiếu điều dưỡng rất nghiêm trọng. Nhiều ca kíp trực 4-6 điều dưỡng, có hôm phải chăm sóc cho 30 người bệnh nặng. Ai cũng mệt mỏi, đuối sức… Theo Th.S-Điều dưỡng Bùi Thị Hồng Ngọc đã đến lúc phải nhìn nhận đầy đủ về vai trò, chức năng của điều dưỡng, hộ sinh trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút, giữ chân điều dưỡng. Chỉ khi đồng lương và thu nhập đảm bảo đời sống thì điều dưỡng, hộ sinh mới có thể an tâm công tác, học sinh mới dám thi và học ngành điều dưỡng.
Th.S-Điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Hồng, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cũng thông tin: “Khoa đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện là Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc hiện có 66 giường bệnh luôn trong tình trạng quá tải. Là khoa đặc thù, áp lực công việc rất lớn, phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng 60 điều dưỡng của khoa gần như 24/7 phải căng mình cho công việc cấp cứu, hồi sức, ít có thời gian hồi phục. Có người công tác hơn 10 năm tại khoa, không chịu được áp lực đành chấp nhận nghỉ, bỏ việc”.
Trước tình hình thiếu nhân lực điều dưỡng, kỹ thuật y do nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm (theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND) cho tất cả điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y hiện đang công tác tại các bệnh viện công, bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn. Đồng thời, sở kiến nghị UBND TPHCM có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1-1-2026 và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31-12-2030.
Theo bác sĩ CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), đây là hướng mở, chậm còn hơn không, giúp các bệnh viện phần nào tháo gỡ việc thiếu hụt nhân lực. Bởi thực tế, hiện bệnh viện chỉ cần 30%-40% điều dưỡng, hộ sinh có trình độ cao đẳng, đại học để làm công tác quản lý. Số còn lại chủ yếu chăm sóc người bệnh nên không cần trình độ cao.
“Bộ Y tế cần tháo gỡ và cho thêm chỉ tiêu chức danh trợ lý điều dưỡng. Loại hình này giao cho các bệnh viện từ hạng 2 trở lên đào tạo để phục vụ nhu cầu của bệnh viện. Riêng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ đại học, cao đẳng do các trường đào tạo”, bác sĩ CKII Trần Văn Khanh đề xuất (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Có thêm 673 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua, 2 trường hợp tử vong
Chiều 17-10, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 673 ca mắc Covid-19 (tăng 348 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, hiện có 92 bệnh nhân đang phải thở ô xy và có thêm 2 ca mắc Covid-19 tử vong tại Bình Thuận và Tây Ninh.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.493.271 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.148 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, có thêm 227 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.599.201. Ngoài ra, hiện có 92 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó có 69 ca thở ô xy qua mặt nạ, 7 ca thở ô xy dòng cao HFNC và 16 ca thở máy xâm lấn.
Về số bệnh nhân tử vong, ngày 16-10 ghi nhận 2 ca tử vong tại Bình Thuận và Tây Ninh.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.157 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Về tình hình tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 260.580.616, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 220.708.191; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.103.365 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.769.060 liều (Hà Nội mới, trang 14).
Nguyên giám đốc Sở Y tế Đắk Nông xin nghỉ việc ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới
Liên quan vụ giám đốc xuống làm nhân viên, chiều 17-10, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông xác nhận có nắm được nguyện vọng xin nghỉ hưu trước tuổi của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Nông.
Đáng chú ý, nguyện vọng nghỉ hưu sớm của bà Hương diễn ra ngay sau lễ công bố bổ nhiệm chức danh phó giám đốc sở cho bà.
Lãnh đạo này cho biết sau lễ công bố quyết định tại trụ sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, bà Hương trình bày nguyện vọng muốn nghỉ hưu sớm của mình. "Tuy nhiên đây mới là nguyện vọng trình bày bằng miệng, khi nào bà Hương có đơn thì Tỉnh ủy và UBND tỉnh mới quyết định", lãnh đạo này nói.
Nói về lý do xin nghỉ hưu sớm, bà Hương cho biết mình còn 3,5 năm nữa là đủ tuổi hưu. Cả quá trình công tác, bà chỉ làm trong lĩnh vực y tế, chưa có chuyên môn sâu ở lĩnh vực khác. Hơn nữa, những "lùm xùm" liên quan đến bà gần 3 năm qua khiến cá nhân bà rất mệt mỏi.
"Mấy năm nay sức khỏe tôi yếu nhiều nên sợ không đảm đương được công việc mới. Thời gian công tác còn lại ngắn, phải tìm hiểu chuyên môn sâu lĩnh vực khác nên tôi xin nghỉ sớm là vì vậy", bà Hương nói.
Theo bà Hương, không phải vì "giận hờn" gì mà bà từ chức, xin nghỉ việc. Quyết định bổ nhiệm sang phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn ghi bà là nguyên giám đốc Sở Y tế Đắk Nông.
Như vậy tổ chức cũng đã công nhận bà là nguyên giám đốc sở được điều động sang lĩnh vực khác chứ không phải là chuyên viên phòng nghiệp vụ y tế dược - nơi bà đang được điều động đến dù không bị kỷ luật. Đáng nói, quyết định điều động nguyên giám đốc sở lại do phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông ký phân công.
"Tôi sẽ có đơn xin thôi việc ngay hôm nay. Tuy nhiên, là công chức, tôi sẽ chấp hành quy định về công tác cán bộ, việc làm cho đến khi nguyện vọng của tôi được chấp thuận", bà Hương nói.
Trước đó, bà Hương có gửi bản kiến nghị đến Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông liên quan đến việc bà "từ giám đốc xuống làm nhân viên, sắp bị điều chuyển đi nơi khác dù không bị kỷ luật".
Cụ thể, bà Hương cho biết vào cuối năm 2020, bà hết nhiệm kỳ và được các cơ quan chức năng làm quy trình bổ nhiệm lại giám đốc, đã thực hiện được 2/3 bước theo quy định.
Ngày 3-12-2020, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông có quyết định xem xét thi hành kỷ luật bà Hương, nên 28-12-2021, ông Nguyễn Đình Trung, lúc đó là chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (nay là bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk), ký quyết định dừng việc tái bổ nhiệm bà.
Ngày 1-1-2021, ông Trần Quang Hào, phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Đắk Nông, ký quyết định chuyển bà Hương về làm nhân viên phòng nghiệp vụ y dược Sở Y tế.
Theo bà Hương, việc dừng tái bổ nhiệm bà là để thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là theo quy định. Lúc đó, chưa khẳng định bà có khuyết điểm, sai phạm.
Ngày 15-4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận các khuyết điểm của bà Hương chưa đến mức xử lý kỷ luật và đã được khắc phục hoàn toàn. Tuy nhiên bà Hương không được bổ nhiệm lại làm giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông. Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông điều chuyển bà Hương sang Liên đoàn Lao động tỉnh để bầu giữ chức phó chủ tịch đơn vị này.
Thế nhưng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng không chấp thuận phương án của tỉnh Đắk Nông điều chuyển bà Hương về để bầu chức vụ phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Nông vì bà Hương không còn đủ nhiệm kỳ để công tác.
Sau đó bà Hương được điều chuyển sang giữ chức phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Nông, thời gian giữ chức 5 năm.
Theo nguồn tin, các khiếu nại của bà Hương về việc bà không bị kỷ luật vẫn bị điều chuyển xuống làm nhân viên, Tỉnh ủy Đắk Nông thừa nhận các quyết định đó là trái quy định, không đúng thẩm quyền.
Nguyện vọng xin phục chức trước khi điều chuyển của bà Hương không được Tỉnh ủy Đắk Nông chấp thuận. Tuy nhiên, trong quyết định bổ nhiệm bà Hương sang làm phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lại ghi bà là nguyên giám đốc Sở Y tế Đắk Nông (Tuổi trẻ, trang 4).
Cứu sống bệnh nhân người Bỉ suy đa tạng do mắc sốt rét hiếm gặp
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân (BN) nam, 64 tuổi, quốc tịch Bỉ, nhiều bệnh lý nền (suy tim do nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đái tháo đường) và có nhóm máu rất hiếm gặp (Rh-).
BN là giáo sư về nông nghiệp làm việc ở nhiều nước. Trước khi về VN lần này, BN có chuyến công tác tại Bờ Biển Ngà.
BN nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, xét nghiệm tiểu cầu giảm thấp, suy tim rất nặng… Các bác sĩ phải sử dụng kỹ thuật cao nhất trong hồi sức tích cực là kỹ thuật tim phổi nhân tạo ECMO. Dù kết quả xét nghiệm cho thấy BN có yếu tố liên quan đến sốt xuất huyết (SXH), nhưng qua kinh nghiệm lâm sàng, các bác sĩ của Trung tâm Hồi sức tích cực đã tiến hành hội chẩn toàn viện và phát hiện BN bị sốt rét ác tính biến chứng suy đa tạng. BN được sử dụng thuốc chống sốt rét, truyền các chế phẩm máu và duy trì ECMO.
Sau 8 ngày can thiệp ECMO, truyền khoảng 20 lít máu thuộc nhóm máu hiếm (Rh-), sức khỏe BN dần cải thiện. Sau 4 tuần được điều trị, chăm sóc tại Trung tâm Hồi sức tích cực, BN dần hồi phục, đủ điều kiện chuyển viện, tiếp tục được chăm sóc trước khi trở về Bỉ.
Theo TS-BS Đỗ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, việc chẩn đoán BN bị sốt rét ác tính giúp chăm sóc và điều trị BN thành công. Bệnh sốt rét đã không còn phát hiện ở VN từ rất lâu, các triệu chứng và điều trị chỉ còn trong sách vở giảng dạy nhưng phải luôn nghĩ đến sốt rét với những BN có yếu tố nguy cơ cao, như đến từ các vùng dịch tễ, để phát hiện sớm và điều trị kịp thời (Thanh niên, trang 14).