Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/10/2023

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội ghi nhận ca viêm não Nhật Bản thứ hai trong năm 2023; Thêm hơn 2.600 ca mắc, dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đã chạm đỉnh?; Huy động 16 bệnh viện tham gia tầm soát ung thư vú, cổ tử cung cho phụ nữ Thủ đô

 

Hà Nội ghi nhận ca viêm não Nhật Bản thứ hai trong năm 2023

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm một ca viêm não Nhật Bản là bé trai 8 tuổi ở huyện Chương Mỹ.

Ngày 18-9, bệnh nhi này xuất hiện triệu chứng sốt cao, co giật, nôn, lơ mơ. Đến ngày 19-9, cháu bé được đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương. Kết quả xét nghiệm ngày 29-9 cho thấy, bé trai dương tính với virus viêm não Nhật Bản.

Trước đó, Hà Nội đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản là một bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ.

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản.

Các bác sĩ cho biết, viêm não Nhật Bản có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi.

Đây được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội (An ninh thủ đô, trang 8).


Thêm hơn 2.600 ca mắc, dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đã chạm đỉnh?

Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 6- 13/10), thành phố ghi nhận 2.601 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Quận Hà Đông là địa bàn dẫn đầu về số ca mắc với 250 ca, tiếp đến là huyện Phú Xuyên với 200 ca, huyện Thanh Oai 171 ca, huyện Thanh Trì 163 ca. Các quận, huyện còn lại: Cầu Giấy, Chương Mỹ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm ghi nhận từ 120 -124 ca. Trong tuần qua ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, thị xã. Đây cũng là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm 2023 cho đến nay.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 20.548 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đã có 3 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 568/579 xã, phường, thị trấn.

Như vậy, thống kê trong 3 tuần gần đây (tính từ cuối tháng 9/2023 cho đến nay), số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh, dao động trong khoảng từ 2.500 - 2.600 ca/tuần (tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9/2023).

Lý giải nguyên nhân số ca sốt xuất huyết giảm chung trên cả nước nhưng tại Hà Nội lại phức tạp hơn cùng kỳ năm ngoái, TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW cho rằng thời tiết tại miền Bắc diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến cho số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao. Cụ thể, trong thời gian gần đây, thời tiết tại Hà Nội liên tục xuất hiện hiện tượng mưa sau nắng nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết diễn ra rất nhanh. Chu kỳ sinh sản của muỗi từ trứng đến muỗi trưởng thành chỉ mất 1 tuần. Trong khi, mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng.

TS.BS Nguyễn Văn Dũng cũng cho rằng, mùa đông ở miền Bắc không còn lạnh như trước đây. Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có nguy cơ cao đối mặt với dịch sốt xuất huyết bùng phát.

Ngoài sự biến đổi của thời tiết, dịch COVID-19 thời gian qua cũng làm giảm hệ miễn dịch của người dân. Mặt khác, người dân hiện cũng chưa hiểu biết hết về việc phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách diệt bọ gậy, xử lý triệt để những nơi sinh sản của muỗi gây bệnh (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).


Huy động 16 bệnh viện tham gia tầm soát ung thư vú, cổ tử cung cho phụ nữ Thủ đô

Sáng 17-10, tại huyện Ứng Hòa, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội và Sở Y tế phối hợp tổ chức chương trình truyền thông tư vấn “Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung năm 2023”. Đây là chương trình truyền thông thứ 2 sau chương trình tổ chức ngày 14-10 tại huyện Gia Lâm.

Tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố cho biết, Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND TP Hà Nội về “Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025” đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100.750 phụ nữ độ tuổi từ 35 -60 tuổi được khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung.

Thực hiện kế hoạch, năm 2023, Sở Y tế Hà Nội phân công Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và 15 bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân trên địa bàn phối hợp với các trung tâm y tế thực hiện khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho 32.500 phụ nữ tại 130 xã, thị trấn của 18 huyện, thị xã (trung bình có 250 phụ nữ/xã, thị trấn được khám tầm soát).

Riêng Huyện Ứng Hòa dự kiến có 1.750 phụ nữ độ tuổi từ 35-60 tại 7 xã, thị trấn sẽ được khám tầm soát trong đợt này. Tại chương trình, cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Ứng Hòa được đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa tư vấn, tuyên truyền về cách phòng ngừa, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung.

Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, ung thư vú, ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ và có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, bệnh có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90% nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Vì vậy, việc khám tầm soát phát hiện sớm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phát hiện càng sớm việc điều trị càng hiệu quả, chi phí điều trị thấp và tỷ lệ chữa khỏi cao (An ninh thủ đô, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang