Báo động về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Việc sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tại một số doanh nghiệp, hộ cá thể trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng, không chỉ tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, mà còn gây nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về ai?
Sử dụng chất cấm diễn biến phức tạp
Lô hàng thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt siêu nạc từ 50 kg xuất chuồng, sản xuất năm 2015, có mã số là 6066 của Công ty TNHH Sản xuất thương mại - Dịch vụ Đại Hồng Phát (Công ty Đại Hồng Phát) tiêu thụ tại tỉnh Bắc Giang, khi bị kiểm tra đã phát hiện có chứa chất cấm Salbutamol, với hàm lượng 2006,7µg/kg, vi phạm Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT, ngày 4-9-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT). Qua xác minh chúng tôi thấy, Công ty Đại Hồng Phát có địa chỉ tại số nhà 3, xóm 5, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) do ông Nguyễn Minh Đức làm Giám đốc. Tại biên bản vi phạm hành chính
đối với lô hàng nêu trên, do Thanh tra Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Giang lập ngày 19-5-2015, Giám đốc Nguyễn Minh Đức vẫn lấp liếm cho rằng: “Công ty mới hoạt động về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, quy mô còn nhỏ, hiện chưa có nhà máy sản xuất và đang ký hợp đồng sản xuất với Công ty TNHH DTH tại khu công nghiệp Vân Tương, ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ngoài sản xuất gia công cho chúng tôi, công ty đó còn gia công cho nhiều công ty khác, cho nên có thể lây nhiễm chéo chất cấm. Chúng tôi sẽ khắc phục ngay thiếu sót, đề nghị được xử phạt mức thấp nhất”.
Với hành vi gian lận thương mại nêu trên, Công ty Đại Hồng Phát đã bị xử phạt hành chính 140 triệu đồng theo Quyết định số 887/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang. Không chỉ Công ty Đại Hồng Phát, mà một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng lợi dụng kẽ hở thiếu kiểm tra, giám sát việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng đổi mới sản xuất hàng hóa tập trung của tỉnh này, để tiêu thụ sản phẩm có chất cấm do họ sản xuất, kinh doanh. Mục đích của họ là nhằm kiếm lời bất chính như Công ty TNHH Thịnh Đức, ở xã Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) đã bị xử lý vì sử dụng chất cấm Salbutamol trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Kết quả kiểm soát chất cấm trong 10 tháng của năm 2015, qua báo cáo tổng hợp của Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) ngày 10-11-2015, cho thấy: Tại 22 tỉnh, thành phố, khi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi lợn thịt, cơ sở giết mổ, đã phát hiện một mẫu thức ăn, 135 mẫu nước tiểu dương tính với chất Salbutamol. Nồng độ chất Salbutamol trong các mẫu nước tiểu rất cao (cao nhất tính theo chỉ số chuyên ngành là 665ppb); vi phạm nói trên tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Tây Ninh… Báo cáo của Cục Chăn nuôi khẳng định: “Từ năm 2014 đến nay, vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có dấu hiệu quay trở lại và càng gia tăng ở mức độ đáng báo động, nhất là với nhóm chất Salbutamol trong chăn nuôi lợn. Gần đây nhất là việc sử dụng chất vàng ô trong chăn nuôi gia cầm”…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Thời gian qua, nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc phản ánh tới Báo Nhân Dân về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có nhiều diễn biến phức tạp. Bạn đọc còn phản ánh nhận thức về trách nhiệm thanh tra, kiểm soát, xử lý sai phạm trong sử dụng chất cấm của các ngành chức năng và một số địa phương chưa rõ ràng, thiếu cương quyết, còn buông lỏng và chưa hiệu quả.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15, ngày 19-3-1996, quy định rõ việc quản lý thức ăn chăn nuôi; Bộ NN và PTNT ban hành Thông tư số 08, ngày 17-9-1996, hướng dẫn thi hành Nghị định số 15 của Chính phủ; Bộ trưởng NN và PTNT ban hành Quyết định số 54, ngày 20-6-2002, về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng 18 loại chất cấm trong chăn nuôi như: Salbutamol, Carbuterol, Chloramphenicol, Dimetrdazole... Hệ thống văn bản phục vụ quản lý, xử phạt các vi phạm hành chính về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi khá đầy đủ. Ngay cả trong trường hợp sản xuất theo đơn đặt hàng cho xuất khẩu cũng phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ NN và PTNT. Nhưng thực tế, nhiều địa phương còn buông lỏng, chưa kiểm soát chặt chẽ chất cấm, mới dẫn đến tình trạng nêu trên. Theo ông Lê Bá Lịch, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam hiện có 70 thành viên. Từ năm 2005, Hiệp hội đã phát động phong trào “Nói không với chất cấm”. Chúng tôi hỏi, Hiệp hội có kiểm soát được các doanh nghiệp thành viên sử dụng chất cấm không? Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội trả lời: Cũng khó!
Qua xác minh, chúng tôi thấy lộn xộn nhất là một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, thí dụ Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dinh dưỡng quốc tế Việt Áo, địa chỉ tại số 138, phường Đức Giang (Long Biên, Hà Nội). Công ty này đã bị Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện hành vi sử dụng chất cấm sản xuất thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ tại Bắc Giang hồi tháng 5 vừa qua. Tại Quyết định số 819, ngày 13-5-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã xử phạt hành chính Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dinh dưỡng quốc tế Việt Áo là 140 triệu đồng; buộc công ty thu hồi, tiêu hủy toàn bộ chất cấm, thức ăn có chất cấm. Dễ nhận thấy thủ đoạn của một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi là: Họ thường lợi dụng các tỉnh khó khăn về địa hình giao thông; các địa phương chưa có hệ thống hoàn hảo chuyên ngành chăn nuôi, phải lồng ghép quản lý chăn nuôi với trồng trọt, với công tác thú y, khuyến nông. Hoặc lợi dụng tình trạng thiếu cán bộ kiểm tra giám sát, để tùy tiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Ông Văn Hữu, một hộ chăn nuôi ở xã Khánh Cư (Yên Khánh, Ninh Bình) bức xúc: Ít thấy ngành chức năng kiểm tra, cho nên một số hộ chăn nuôi lợn cũng sử dụng chất cấm như một thứ “mì chính” kích thích lợn “nở mông, bung nạc” trước khi xuất chuồng. Đó là sự cạnh tranh không lành mạnh. Bộ trưởng NN và PTNT và một số đại biểu Quốc hội nhận định: Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác. Vậy trách nhiệm để doanh nghiệp, hộ cá thể sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thuộc về ai?
Xin nhắc lại, Quyết định của Bộ trưởng NN và PTNT số 54/2002/QĐ-BNNPTNT, ngày 20-6-2002, quy định: “Cục khuyến nông, sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố, theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi”. Trách nhiệm quy định rõ ràng, nhưng thực tế nhiều đơn vị, địa phương chưa phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, hộ cá thể vì động cơ lợi nhuận, không nhận thức rõ tác hại sử dụng chất cấm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Đây là nguyên nhân chính làm cho việc sử dụng chất cấm có nhiều diễn biến phức tạp, gia tăng, khó kiểm soát. Một số lãnh đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người tiêu dùng cho rằng: Sử dụng chất cấm không chỉ là vấn đề “nóng” trong ngành chăn nuôi, trên nghị trường Quốc hội, mà còn “nóng” với toàn xã hội vì nó làm ảnh hưởng xấu sức khỏe cộng đồng. Kiểm soát, đấu tranh với chất cấm trong chăn nuôi phải kiên quyết như đấu tranh với ma túy. Điều đó, đòi hỏi ngành chức năng phải tham mưu ban hành các chế tài đủ mạnh, quy định rõ những hành vi vi phạm hình sự về sử dụng chất cấm; nghiêm khắc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức buông lỏng kiểm tra, giám sát chất cấm, mới có thể “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi”. (Nhân dân trang 8)
70 công nhân bị ngộ độc thực phẩm
Tối ngày 17/11, gần 70 công nhân của Công ty TNHH Chánh Ích, chuyên sản xuất giày, đóng tại P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai, được đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Đa Khoa Đồng Nai trong tình trạng nôn mửa do ngộ độc thực phẩm.
Theo phản ảnh của công nhân, vào khoảng 17h cùng ngày, họ được công ty cho ăn cơm tối để tăng ca đêm. Thức ăn bữa chiều gồm: Cơm, trứng hấp và canh rau má.
Sau khi ăn cơm khoảng 1 tiếng đồng hồ, nhiều người có triệu chứng mệt, đau đầu, buồn nôn, khó chịu... Ngay lập tức, những người này được đồng nghiệp và người công ty đưa đến bệnh viện để cấp cứu.
Theo bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, trong số 59 ca nhập viện cấp cứu có khoảng 4 bệnh nhân ngoài các triệu trứng trên còn bị co giật, nhưng không quá nặng.
Do số ca ngộ độc đông nên bệnh viện đã huy động nhân viên y tế của nhiều khoa đến hỗ trợ và sử dụng cả 3 khu (2 khu cấp cứu và khu điều trị ban ngày) để cấp cứu cho bệnh nhân.
Bác sĩ Lê Quang Trung - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết thêm: Sở Y tế đã huy động cả Bệnh viên Đa khoa Biên Hòa cấp cứu kịp thời cho công nhân bị ngộ độc. Có khoảng 10 ca đang điều trị tại bệnh viện này.
Hiện tất cả bệnh nhân bị ngộ độc trên đã ổn định nhưng các bác sĩ vẫn phải theo dõi thêm.
Ngoài ra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai cũng đang tiến hành lấy mẫu thức ăn để làm rõ nguyên nhân của vụ việc. (Tiền phong trang 2)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 5: “Nghi vấn ăn cơm thiu, công nhân bị ngộ độc”
Bình Định: Bệnh nhân đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết
Ngày 17/11, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định cho biết, vừa nhận được kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang kết luận mẫu máu của bệnh nhân N. T. Q. K. (4 tuổi, trú khối 6, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) dương tính với vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.
Trước đó, bệnh nhân K. mắc bệnh ngày 6/11 được người nhà đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn ngày 9/11, sau đó được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh và tử vong ngày 10/11. (Tiền phong trang 6)
Tăng cường quản lý chất lượng thuốc
Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây tổ chức phiên họp thẩm tra chính thức dự thảo Luật Dược (sửa đổi) trước khi dự thảo được Quốc hội đưa ra thảo luận ngày 20/11. Những điểm mới nổi bật của dự thảo gồm có quản lý giá thuốc, chính sách Nhà nước về phát triển công nghiệp dược, dược lâm sàng...
Kết luận phiên thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai, nói rằng, Ủy ban cơ bản tán thành với dự án Bộ Y tế đưa ra; vấn đề giá thuốc không còn là vấn đề lớn, vì đã có Luật Giá và Luật Đấu thầu. Đặc biệt, dự thảo Luật Dược quy định rõ chính sách ưu tiên đối với thuốc sản xuất trong nước nhằm bảo đảm thuốc trong nước dần có thể thay thế được thuốc nhập khẩu cùng tiêu chí kỹ thuật. Cụ thể, đối với thuốc mua từ nguồn vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập, không chào thầu thuốc nhập khẩu có cùng nhóm tiêu chí kỹ thuật với thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Ủy ban tán thành với Ban soạn thảo việc cấp chứng chỉ hành nghề dược thời gian 5 năm… Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, ông Nguyễn Văn Tiên, cho rằng, Luật Dược (sửa đổi) cần quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ can thiệp khi cần bình ổn giá thuốc.
GS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia độc lập của ngành y tế, phát biểu, ông rất ủng hộ việc đưa dược lâm sàng vào dự thảo Luật Dược, nhưng cần phải chi tiết hơn nữa… Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Dược phẩm Danapha, ông Nguyễn Quang Trị, nói rằng, lần đầu tiên, chính sách ưu tiên sử dụng thuốc trong nước; ưu tiên nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn nguyên liệu, dược liệu sẵn có tại Việt Nam... được cụ thể hóa vào luật, vì thế sẽ giúp phát huy thế mạnh của ngành dược Việt Nam. “Nếu có những giải pháp thúc đẩy tích cực từ Chính phủ, Bộ Y tế thì các doanh nghiệp Việt Nam có động lực rất lớn để đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, từ đó tìm ra các hoạt chất mới, cho ra đời các loại thuốc mới, thuốc đặc trị có thể thay thế thuốc ngoại nhập”, ông Trị nói.
Những điểm mới
Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, ông Trương Quốc Cường, cho biết, điểm mới nhất của dự thảo Luật Dược (sửa đổi) là chính sách Nhà nước về phát triển công nghiệp dược, trong đó ưu tiên tận dụng thế mạnh của Việt Nam về dược liệu. Cụ thể, ưu tiên việc nuôi trồng, quy hoạch, đăng ký thuốc dược liệu, cổ truyền... Điểm mới thứ hai là quản lý giá thuốc. “Luật Dược được thừa hưởng chủ trương, chính sách, những yêu cầu của Luật Giá và Luật Đấu thầu. Cộng với những đặc thù của thuốc, chúng ta có chương đấu thầu thuốc riêng. Vì vậy, quy định về đấu thầu thuốc, quản lý giá thuốc đợt này có sự tham gia rất sâu của các đơn vị liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương”, ông Cường nói. Ngoài ra, công tác đăng ký thuốc được yêu cầu rất chặt chẽ.
Để đảm bảo chất lượng thuốc tốt, chất lượng phải dựa trên bằng chứng khoa học; khoa học ở đây là chứng minh dược lâm sàng. Dự thảo đã luật hóa dược lâm sàng, minh bạch, công khai những trường hợp nào phải thử. Dự thảo đưa thử lâm sàng và thử tương đương sinh học vào điều kiện kinh doanh. “Chúng ta cũng yêu cầu trong quá trình triển khai lưu hành thuốc, phải có những biện pháp để kiểm tra chất lượng, tiền kiểm, hậu kiểm”, ông Cường cho biết. (Tiền phong trang 13)
Phát hiện chất kích dục trong thực phẩm chức năng
Ngày 17.11, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế cho biết, kết quả kiểm nghiệm 6 mẫu thực phẩm chức năng (TPCN) mới đây, cơ quan này đã phát hiện 2 mẫu chứa chất kích dục Vardenafil.
Đây là hoạt chất được phát hiện trong sản phẩm TPCN hỗ trợ tăng cường “sinh lực” cho nam giới. Vardenafil và Sildenafil là các hoạt chất của thuốc điều trị bệnh rối loạn cương dương ở nam giới, không được phép đưa vào trong TPCN. Bản thân dược phẩm chứa hoạt chất chỉ được sử dụng khi bác sĩ kê đơn căn cứ vào tình trạng bệnh, lứa tuổi. Việc sử dụng các sản phẩm có chứa các hoạt chất trên không được kiểm soát về liều dùng có nguy cơ dẫn đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng như: huyết áp thấp, tăng nhịp tim, làm tăng nguy cơ hoặc gây ra các cơn đau tim, đột quỵ. (Thanh niên trang 2)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 5: “Phát hiện tân dược cấm dùng trong thực phẩm chức năng”
Chơi dại bằng trò... xỏ ruột bút bi vào ống tiểu
Ngày 17.11, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Huấn đã đăng tải thông tin trên trang điện tử của bệnh viện để cảnh báo các thanh thiếu niên không nên chơi dại bằng trò… xỏ ruột bút bi vào dương vật thông qua niệu đạo.
Trước đó, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Lê Văn T. (38 tuổi), phẫu thuật lấy ra một đoạn ống ruột bút bi dài 9 cm, có ít sỏi bám quanh bên ngoài; một đầu ống nhựa cắm vào thành bên trong lòng bàng quang và xuyên qua lớp cơ gây thủng. Bệnh nhân T. chuyển cấp cứu với triệu chứng đi tiểu ra mủ (khi đang là phạm nhân thụ án tại Trại giam An Điềm, đóng ở H.Đại Lộc), rất may chưa bị các biến chứng nguy hiểm như di vật chọc thủng các tạng lân cận.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Huấn (Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện đa khoa khu vực phía bắc Quảng Nam, đóng ở H.Đại Lộc) cho biết đây là trường hợp “xỏ” ruột bút bi vào dương vật lần đầu tiên được ghi nhận tại bệnh viện này. Sau hơn 30 năm công tác, cá nhân bác sĩ Huấn cũng chưa từng điều trị trường hợp chơi dại bằng ruột bút bi tương tự, ngoại trừ vụ xỏ niệu đạo (đường tiểu) bằng dây dẫn khí dùng cho các bể cá cảnh xảy ra trước đó. (Thanh niên trang 5)
WHO thực hiện chiến dịch chống kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam
Chiến dịch chống kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức bắt đầu từ ngày 16 đến 22/11.
Đây là một phần trong chiến dịch “Thuốc kháng sinh: Hãy sử dụng cẩn thận” – kêu gọi các các cá nhân và chuyên gia chăm sóc y tế hãy hành động để đảm bảo rằng các thế hệ tương lai tiếp tục được sử dụng thuốc kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm vi khuẩn có khả năng gây tử vong được WHO thực hiện trên toàn thế giới.
Qua đó, WHO vận động mọi cá nhân sử dụng thuốc kháng sinh một cách có trách nhiệm bằng cách luôn luôn sử dụng hết liều thuốc kháng sinh đã được kê đơn, và kiềm chế không chia sẻ hoặc sử dụng thuốc kháng sinh thừa, hay mua thuốc kháng sinh mà không có kê đơn của bác sĩ.
WHO cũng vận động các chuyên gia chăm sóc y tế và nhà cung cấp dịch vụ y tế chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc kê đơn và cấp phát thuốc kháng sinh, đảm bảo rằng thuốc kháng sinh chỉ được cấp phát khi thực sự cần thiết. (Công an Nhân dân trang 6)
Đường từ dạ dày tới nghĩa địa ngày càng ngắn
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bức xúc như thế trước thực trạng thực phẩm mất an toàn lọt vào mâm cơm của mỗi gia đình đang hủy hoại sức khỏe của người dân. Điều này cũng được nhiều ĐB đặt ra một cách bức thiết tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 10 (QH khóa XIII) ngày 16-11. An toàn thực phẩm đánh tụt chất lượng sống Chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trong vấn đề an toàn thực phẩm, ĐB Trần Ngọc Vinh đặt vấn đề: “Thịt heo thì chứa chất cấm, chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Có thể nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”. ĐB Vinh nhắc lại tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 6 (QH khóa XIII), vấn đề này đã từng được các ĐBQH đặt ra và Bộ trưởng Cao Đức Phát đã từng hứa sớm khắc phục cũng như sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm. “Vậy xin Bộ trưởng cho biết tại sao Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp như báo cáo của Bộ đã nêu, xong tình trạng này không giảm mà vẫn còn chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân của vấn đề này là gì? Phải chăng do chính sách ta đưa ra chưa đủ răn đe hay sự thiếu quyết tâm của Bộ. Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành NN&PTNT trước cử tri cả nước như thế nào khi hằng năm có hàng chục ngàn cái chết được dự báo trước, xuất phát từ thức ăn bị nhiễm độc” - ông Vinh đặt câu hỏi. Trước đó, mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đã chỉ thẳng vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn ra rất nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân làm đánh tụt chất lượng sống của người dân. “Đời sống nhân dân hiện nay cũng vô cùng khó khăn và những tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý giá cả vẫn chưa thông nhất làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động cũng như của nhân dân. Những chất độc hại, sản phẩm độc hại, nguy hại đã bằng nhiều cách đặt lên bàn ăn của người lao động, của nhân dân cũng chưa được giải quyết” - ĐB Sơn nói. (Nông thôn Ngày nay trang 2)