Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/11/2017

  • |
T5g.org.vn - Tăng cường dự phòng HIV cho các nhóm đối tượng đích; Chi phí trung bình để phẫu thuật chuyển đổi giới tính khoảng 130-150 triệu đồng; Mạo nhận bác sỹ đông y chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng; Thêm 1.018 người đăng ký hiến mô, tạng; …

 

Chi phí trung bình để phẫu thuật chuyển đổi giới tính khoảng 130-150 triệu đồng

Theo một kết quả nghiên cứu được công bố sáng 17-11, tại Hội thảo tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính ở Việt Nam, chi phí trung bình để phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam đắt hơn từ nam sang nữ…

Theo một kết quả nghiên cứu được công bố sáng 17-11, tại Hội thảo tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính ở Việt Nam, chi phí trung bình để phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam đắt hơn từ nam sang nữ…Tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3% - 0,5% dân số. Đến nay đã có hơn 60 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ. Riêng tại Việt Nam, hiện có gần 300.000 người mong muốn chuyển giới.

Đáng chú ý, hầu hết những người có mong muốn chuyển đổi giới tính ở nước ta hiện vẫn phải ra nước ngoài phẫu thuật. Việc thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính có thể gây ra những nguy hiểm lớn về sức khỏe, tâm lý và khó khăn khi đối diện với sự thay đổi, kỳ thị từ phía gia đình và xã hội; đặc biệt là những khó khăn trong các thủ tục pháp lý, giấy tờ…

Theo một kết quả nghiên cứu của Mạng lưới người chuyển giới châu Á Thái Bình Dương, tổng chi phí cho việc phẫu thuật chuyển giới tính đến nay của người trả lời trong nghiên cứu dao động từ 23 triệu đồng đến hơn 1,5 tỷ đồng. Với nhóm FTM (từ nữ sang nam), chi phí trung bình cho phẫu thuật chuyển giới là hơn 147 triệu đồng, với nhóm MTF (nam sang nữ), chi phí trung bình này là hơn 128 triệu đồng.

Nhiều chuyên gia cũng thống nhất quan điểm cho rằng, chi phí phẫu thuật lớn là nguyên nhân khiến ít người thực hiện biện pháp can thiệp này do không có khả năng chi trả. Ngoài ra, chi phí phẫu thuật cao cũng khiến nhiều người tìm kiếm các dịch vụ “chui” giá thấp từ các cơ sở tư nhân hoặc các dịch vụ ngoài luồng của bệnh viện công, ẩn chứa nhiều rủi ro.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và thẩm mỹ -  Bệnh viện Việt Đức, hiện nhiều cơ sở, phẫu thuật viên tạo hình thẩm mỹ ở nước ta đã có các bước chuẩn bị để có thể đáp ứng được nhu cầu phẫu thuật chuyển đổi giới tính tại Việt Nam. Nếu như Luật này được thông qua, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ kỹ thuật phẫu thuật chuyển giới.

Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Huy Quang, cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những người mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính, hiểu về những tác động của việc chuyển đổi giới tính và thực hiện một cách tự nguyện. (An ninh Thủ đô, trang 6)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 10: “Nửa triệu người Việt muốn chuyển đổi giới tính”; Báo Nhân dân: “Tham vấn về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính”; Báo Hà Nội mới trang 5: “Gần 300.000 người mong muốn được chuyển đổi giới tính”

 

Mạo nhận bác sỹ đông y chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng

Có vốn kiến thức nhất định về đông y, Tiến ra sức “chém gió” và mạo nhận công tác tại một bệnh viện, thuộc lực lượng vũ trang để lừa đảo hàng chục người.

Khép lại phiên tòa sơ thẩm ngày 17-11, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Bùi Văn Tiến (SN 1979, trú ở thị trấn Chi Nê, Lạc Thủy, Hòa Bình) 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 139-BLHS.

Bị hại trong vụ án là 11 người, ở nhiều địa phương khác nhau với tổng số tiền bị Bùi Văn Tiến lừa đảo chiếm đoạt lên tới hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, một trong số các bị hại là anh Huỳnh Văn Chiến, trú ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo đó, thông qua bạn bè giới thiệu, năm 2015, anh Chiến được biết Tiến là một bác sỹ đông y có phòng khám tại quận Bắc Từ Liêm. Trước ngày bị vị bác sỹ đông y rởm chiếm đoạt 455 triệu đồng, bản thân anh Chiến cũng từng tìm gặp Tiến để bốc thuốc giải độc gan.

Và rồi cũng trong những lần tiếp xúc với nhau, người đàn ông ở quận Cầu Giấy còn được Tiến cho biết đối tượng là bác sỹ đông y ở một bệnh viện, thuộc lực lượng vũ trang. Cũng chính vì thế nên Tiến có quan hệ rất tốt với nhiều cán bộ “bự” trong lực lượng vũ trang.

Tin lời “chém gió”, anh Chiến liền nhờ Tiến “chạy” cho 3 trường hợp được vào học và vào công tác trong lực lượng vũ trang. Sau đó, ngày 27-7-2015, anh Chiến giao cho bác sỹ đông y rởm 3 bộ hồ sơ cùng 455 triệu đồng để 3 người được vào học ở trường võ trang và vào công tác tại tỉnh Hà Nam.

Vậy nhưng sau hơn 1 tháng cam kết, Tiến không làm bất kỳ việc gì để những người có nhu cầu đạt được mong muốn. Thậm chí, vị bác sỹ đông y rởm đã dùng số tiền của anh Chiến để trả nợ và ăn tiêu cá nhân hết.

Rơi vào cảnh ngộ tương tự, anh Phạm Quang Hiển, trú ở huyện Lạc Thủy, Hòa Bình cũng “khóc dở mếu dở” khi tin phải kẻ bịp bợm. Việc anh Hiển biết Tiến với cái “mác” bác sỹ đông y ở một bệnh lớn tại Hà Nội thông qua một người bạn.

Có con trai đến tuổi trường nhưng vẫn lông bông nên vợ chồng anh Hiển đã nhờ người bạn kia dẫn tới gặp Tiến để “chạy” vào lực lượng vũ trang với chi phí 400 triệu đồng. Và thực tế là ngày 22-7-2015, vợ chồng anh Hiển đã giao cho đối tượng lừa đảo đầy đủ số tiền như Tiến ra giá để rồi kết quả chỉ là những lời nói suông.

Ngoài hai trường hợp nêu trên, kết quả điều tra đã chứng minh, từ tháng 5 đến tháng 11-2015, Bùi Văn Tiến đã chiếm đoạt 5 tỉ 75 triệu đồng của 11 người bị hại chỉ với những lời “ba hoa chích chòe” là có quan hệ thân thiết với một số lãnh đạo bộ, ngành.

Xét hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng vì đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của nhiều người bằng thủ đoạn gian dối nên TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Bùi Văn Tiến mức án nêu trên. Về dân sự, HĐXX sơ thẩm cũng tuyên buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.  (An ninh Thủ đô, trang 12)

 

Xử lý nghiêm những đối tượng kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn

Thời gian vừa qua, nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng chịu mức phạt nghiêm khắc; có vụ việc đã chuyển công an xử lý.

Chiều 17-11, tổ đại biểu HĐND TPHCM khóa IX, đơn vị quận 4, gồm các đại biểu: Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP; Trần Hoàng Danh, Bí thư Quận ủy quận 4; Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Cảnh sát PCCC TP, đã có buổi tiếp xúc với gần 200 cử tri.

Bên cạnh những băn khoăn về bạo lực học đường, lương hưu, giao thông, cử tri quận 4 chưa hết lo ngại về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở TPHCM trong thời gian qua. Cử tri cho rằng chính quyền TP nỗ lực quản lý, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm; đồng thời tuyên truyền, vận động nhà cung cấp, người nuôi trồng nói không với hình thức làm ăn phi pháp.

Cử tri Trần Thị Liên (ngụ phường 14, quận 4) cho rằng: “Cơ quan chức năng kêu gọi người dân nâng cao ý thức nhưng chưa đưa ra giải pháp từ gốc. Do khó nhận biết, phân biệt các loại thực phẩm nên người dân chủ yếu mua thực phẩm bằng... niềm tin”.

Theo một số cử tri, lực lượng chức năng đảm nhận công việc liên quan đến ATVSTP chưa có nhiều kinh nghiệm, phong cách làm việc nặng hành chính. Do đó, người dân chưa hài lòng về kết quả quản lý ATVSTP. TP cần giám sát, đôn đốc quyết liệt, liên tục hơn nữa. Cơ quan chức năng nên xử lý hình sự những đối tượng kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Lắng nghe và tiếp thu ý kiến cử tri, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến khẳng định TP luôn quan tâm đến sức khỏe người dân, trong đó có vấn đề ATVSTP. Vừa qua, TP kiểm tra nhiều cơ sở giết mổ và kiểm soát thương lái đưa thực phẩm vào TP. Qua đó, nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng chịu mức phạt nghiêm khắc; có vụ việc đã chuyển công an xử lý. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Thêm 1.018 người đăng ký hiến mô, tạng

Đến cuối chiều 17-11, ngày hội "Chung tay vì sự sống 2017" do Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người quốc gia (gọi tắt là Trung tâm điều phối tạng quốc gia), Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam phối hợp với tỉnh Nam Định tổ chức đã tiếp nhận 1.018 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.

Ngày hội được tổ chức không chỉ tôn vinh những người đã hiến mô, tạng và gia đình họ, mà còn kêu gọi cộng đồng quan tâm, tìm hiểu về phong trào hiến mô, tạng, nhằm lan tỏa nghĩa cử nhân văn sâu sắc này, đồng thời làm tăng nhận thức trong việc hiến tạng, huy động ngày càng có thêm nhiều người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết và hiến xác phục vụ y học, tiếp thêm hy vọng sống cho những bệnh nhân suy tạng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, nhu cầu ghép mô tạng ở Việt Nam rất lớn khi có hàng chục nghìn người bị suy tạng, nhưng nguồn mô tạng tiếp nhận rất ít. Nhiều người bệnh vẫn đang phải giành giật sự sống trên giường bệnh và không ít người đã tử vong vì không có nguồn tạng hiến.

GS.TS. Trịnh Hồng Sơn –Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng quốc gia cho biết: Cả nước hiện có hơn 10.000 người suy tạng cần ghép; khoảng 300.000 người bị bệnh giác mạc; khoảng 6.000 người bị suy thận mãn chờ ghép thận, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan.

Trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng với thế giới dù đi sau nhiều thập kỷ. Ghép thận, gan, tim đã trở thành thường quy tại nhiều cơ sở với chi phí chỉ bằng 1/3 so với các nước. Cả nước có 17 cơ sở có đủ khả năng ghép tạng và đã thực hiện hơn 2.500 ca được ghép, trong đó có hai ca ghép đa tạng là thận và tụy; tim và phổi.

Trung bình mỗi ngày, tại các cơ sở y tế có hàng chục người chết não nhưng đến nay mới chỉ có 5 trường hợp gia đình hiến tạng. Do đó, việc vận động các bệnh nhân chết não, tim ngừng đập hiến tặng mô, tạng là cần thiết vì đây là nghĩa cử cao đẹp cần được nhân rộng.

Hiện cả nước đã có hơn 10.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Thông qua ngày hội "Chung tay vì sự sống", các đơn vị tổ chức chương trình kêu gọi cộng đồng, xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ quan tâm, tìm hiểu về phong trào hiến tặng mô, tạng; khích lệ, động viên những hành động cao đẹp vì cộng đồng. (Công an Nhân dân, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 5: “Hơn 1.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng”

 

Đình chỉ công tác 2 bảo vệ không cho xe cứu thương vào đón người bệnh

Đây là thông tin được ông Nguyễn Ngọc Hiền -Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết vào chiều 17-11.

Trước đó, ngày 16-11, trên mạng xã hội lan truyền clip về việc kíp trực bảo vệ ở cổng chính của Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã ngăn không cho xe cứu thương ở tỉnh Nghệ An vào đón bệnh nhân trong BV. Khi lái xe thắc mắc về việc bệnh nhân đi khám xong, đang ngồi chờ thì tại sao lại không cho đón, những bảo vệ này vẫn kiên quyết không cho vào với thái độ rất hách dịch.

Người nhà bệnh nhân cũng bày tỏ bức xúc vì giấy tờ đầy đủ, bệnh nhân ngồi chờ giữa nắng mà sao không cho xe cứu thương vào đón, nhưng bảo vệ BV Bạch Mai vẫn tiếp tục từ chối, thậm chí, một bảo vệ còn gõ gõ cây gậy và trả lời “quy định mới” và “quy định của cơ quan tao như thế!”

Sự việc đã được người dân quay và tung clip lên mạng xã hội, gây làn sóng bức xúc của dư luận.

Chiều 17-11, lãnh đạo BV Bạch Mai đã có thông tin chính thức về vụ việc này. Theo đó, vào ngày 17-11, BV đã nhận được thông tin chia sẻ trên mạng xã hội về việc kíp trực bảo vệ chặn xe biển ngoại tỉnh vào viện đón bệnh nhân, lãnh đạo BV Bạch Mai đã lập tức triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các bên liên quan để nắm và làm rõ vụ việc.

Hai cán bộ trực tiếp tham gia kíp trực đó là anh Nguyễn Hữu Lợi và Nguyễn Đức Thắng đã lập tức bị đình chỉ công tác để làm bản tường trình và báo cáo về tình hình kíp trực sáng ngày 16-11. Bàn về thái độ của 2 cán bộ trong kíp trực, ông Nguyễn Ngọc Hiền -Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: Thái độ của 2 cán bộ trên là vi phạm quy định giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Hội đồng kỷ luật của BV sẽ họp, kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức kỷ luật xác đáng.

Thay mặt BV Bạch Mai, ông Hiền gửi lời xin lỗi tới mọi người vì thái độ của các cán bộ bảo vệ trên đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh và lòng tin của nhân dân dành cho BV.

Về vấn đề xe cứu thương ra vào BV, ông Hiền cho biết Ban Giám đốc đã có chỉ đạo tạo điều kiện tối đa cho tất cả các xe cứu thương, xe dân sinh chở bệnh nhân vào BV cấp cứu. Đối với trường hợp các xe cứu thương bên ngoài vào BV để đón bệnh nhân về địa phương hoặc chuyển viện sẽ được giải quyết nếu có giấy ra viện, chuyển viện của bệnh nhân, hoặc hợp đồng dân sự về vận chuyển bệnh nhân với đơn vị vận chuyển. Quy định này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi và sự an toàn cho người bệnh.

Ông Hiền cũng lý giải lý do khiến BV Bạch Mai có sự kiểm soát chặt chẽ các xe cứu thương vào nằm chờ khách trong BV: Trước đây, việc xe dù, xe cứu thương thoải mái ra vào BV, tranh giành, ép giá, đánh và uy hiếp bệnh nhân xảy ra thường xuyên. Nhiều vụ đã phải mời cả công an vào can thiệp. Tình trạng xe dù, “cò xe cứu thương” len lỏi vào BV tiếp cận làm giá rồi sau đó chèn ép người bệnh “thập tử nhất sinh” có nhu cầu về quê đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người bệnh. (Công an Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 7: “Tạm đình chỉ hai bảo vệ ngăn xe vào đón bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai”; Báo Thanh niên trang 4: “Đình chỉ 2 bảo vệ chặn xe đón bệnh nhân trong bệnh viện”; Báo Lao động trang 3: “Đình chỉ công tác 2 bảo vệ chặn xe cứu thương”; Báo Nông thôn Ngày nay trang 2: “Đình chỉ 2 bảo vệ bệnh viện chặn xe đón bệnh nhân”

 

Nối thành công bàn tay bị máy xe cỏ cắt đứt

Ngày 17-11, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết đã phẫu thuật nối thành công bàn tay bị máy xay cỏ băm nát, đứt lìa cho bà Đặng Thị Hà ( 52 tuổi), ngụ tại xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng).

Trước đó, sáng ngày 16-11, bà Đặng Thị Hà đang xay cỏ cho bò ăn thì chân máy bị gập ghềnh, bất ngờ máy đổ vào người nạn nhân trong lúc vẫn đang hoạt động. Sự cố đã khiến bàn tay trái của bà Hà bị cuốn vào lưỡi dao của máy xay cỏ. Bàn tay nạn nhân bị dập nát, đứt rời ngón 2,3,4 và 1 vết thương đứt lìa cổ tay trái, cổ tay đứt toàn bộ bó mạch thần kinh quay trụ, gãy đứt lìa mõm trăm quay, toác bao khớp mõm trăm trụ và đứt các khớp bàn tay, đứt toàn bộ gân duỗi các ngón tay, gân duỗi cổ tay quay, cổ tay trụ... Người nhà đã kịp thời chuyển bà Hà tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.

Bác sĩ Phùng Văn Hà, người mổ chính cho nạn nhân chia sẻ, sau hơn 3 tiếng đồng hồ tích cực phẫu thuật, êkíp đã thực hiện nối lại thành công bàn tay của bà Hà. Hiện nạn nhân đã tỉnh táo, sinh hiệu ổn, vết thương khô còn đau, cử động ngón 1, 5 tốt, bàn tay hồng ấm, mạch quay rõ.

Tại Lâm Đồng đã có rất nhiều trường hợp bị máy cắt cỏ, máy xay cỏ cắt đứt lìa chân tay. Phần lớn những trường hợp kịp thời chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đều được các bác sĩ phẫu thuật, nối lại thành công. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Tăng cường dự phòng HIV cho các nhóm đối tượng đích

Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS” do VUSTA triển khai tới các đối tượng can thiệp là nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nam có quan hệ tình dục với nam/người chuyển giới (quan hệ đồng tính nam - MSM/TG). Cả 3 nhóm đối tượng đích này đã được hưởng lợi từ các dịch vụ dự phòng HIV của Dự án với những kết quả đáng kể.

Vượt chỉ tiêu cam kết trong cung cấp dịch vụ dự phòng

Từ tháng 7/2015, Dự án được triển khai tại 15 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Kết quả chỉ số cam kết năm 2016 cho thấy: Tính đến tháng 9/2016, số lượng người quan hệ đồng tính nam tiếp cận chương trình dự phòng HIV là 23.239, đạt 102,7%; tỷ lệ người quan hệ đồng tính nam chuyển gửi thành công đi xét nghiệm HIV vượt chỉ tiêu so với chỉ số cam kết; số lượng phụ nữ bán dâm tiếp cận chương trình dự phòng HIV là 10.259, đạt 104,6%; số lượng người nghiện chích ma túy tiếp cận chương trình dự phòng HIV là 37.409, đạt 105,2%; số lượng tổ chức cộng đồng là 96 đạt 100%; số lượng tiếp cận viên đồng đẳng là 1.180, đạt 78%; tỷ lệ người nghiện chích ma túy chuyển gửi vượt chỉ tiêu cam kết; số cuộc gọi xin tư vấn pháp luật là 2.509, đạt 125%...

Trong 9 tháng đầu năm 2017, Dự án VUSTA đã triển khai các hoạt động tiếp cận đồng đẳng, bao gồm sàng lọc các khách hàng cũ, tìm kiếm các khách hàng mới, đồng thời thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn, chuyển gửi khách hàng tới các cơ sở dịch vụ cần thiết. Phần lớn các nhóm đã có kinh nghiệm trong triển khai dự án, nên từ đầu năm 2017, các nhóm đều thực hiện việc sàng lọc, rà soát và đưa ra khỏi danh sách can thiệp các khách hàng HIV (+) đã được điều trị ARV và các khách hàng đã điều trị Methadone, tìm kiếm và tiếp cận các khách hàng mới có hành vi nguy cơ cao và chưa hoặc đã từng xét nghiệm HIV trước đó ít nhất 6 tháng. Các nhóm đã mở rộng hoạt động tiếp cận sang các địa bàn mới, xa hơn nhằm tới các khách hàng có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao. Tính đến hết ngày 20/9/ 2017, tất cả các hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu “Cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho những người tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm, người quan hệ đồng tính nam có nguy cơ lây nhiễm cao” đều đã được Dự án thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu cam kết với nhà tài trợ.

Tại 15 tỉnh/ thành phố triển khai Dự án, 3 đơn vị tiếp nhận viện trợ phụ đã làm việc tích cực với các tổ chức dựa vào cộng đồng, cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho 26.513 người quan hệ đồng tính nam đạt 101,1% chỉ tiêu, 44.699 người tiêm chích ma túy đạt 99,6% chỉ tiêu và 10.623 nữ bán dâm đạt 101,4% chỉ tiêu cam kết trong năm 2017.

Thêm cơ hội xét nghiệm cho thành viên cộng đồng

Một trong những dịch vụ dự phòng hoạt động hiệu quả trong thời gian qua của Dự án VUSTA phải kể đến hoạt động xét nghiệm HIV không chuyên bằng phương pháp lấy máu đầu ngón tay do cộng đồng nhóm đích thực hiện - đã được triển khai tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ cuối năm 2016.

Đến cuối tháng 9/2017, hoạt động này đã được mở rộng ra 14 tỉnh dự án, hỗ trợ nhiều cho các nhóm trong việc tạo thêm cơ hội xét nghiệm cho thành viên cộng đồng. Tỷ lệ người quan hệ đồng tính nam, người nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm được chuyển gửi thành công đến dịch vụ xét nghiệm HIV cũng đạt vượt chỉ tiêu cam kết năm 2017. Cu thể, năm 2017, Dự án cam kết với nhà tài trợ chuyển gửi 65% số lượng khách hàng được chăm sóc tiếp cận đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV. Thực tế đến hết tháng 9, trong tổng số 26.513 người quan hệ đồng tính nam được tiếp cận, chăm sóc, tỷ lệ được chuyển gửi sang dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV thành công là 66%. Tương tự, tỷ lệ chuyển gửi thành công khách hàng đến dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV ở nhóm nghiện chích ma túy là 67,4% và nhóm phụ nữ bán dâm là 66,1%.

Hàng tháng, các nhóm đều tổ chức định kỳ các hoạt động truyền thông, tư vấn nhóm nhỏ với sự tham gia các khách hàng. Số người tham dự thường từ 15-30 người/buổi truyền thông và 5-10 người/tư vấn nhóm. Các nội dung truyền thông tập trung vào các kiến thức cơ bản về HIV, quy trình tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện; lợi ích của việc điều trị ARV, tác dụng phụ; điều trị phơi nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tác hại của ma túy, viêm gan C, lợi ích của việc sử dụng bảo hiểm y tế trong điều trị, cách sử dụng bao cao su đúng cách…

Năm 2017, Dự án VUSTA duy trì tư vấn pháp luật miễn phí qua đường dây hotline 18001029 về các vấn đề: Liên quan đến hôn nhân - gia đình, dân sự - hành chính: Đất đai, tài sản thừa kế; Hình sự: Sử dụng ma túy, hành nghề mại dâm; Tham gia chương trình điều trị Methadone, xét nghiệm HIV, điều trị ARV, bảo hiểm y tế. Tính đến hết 30/6/2017, đã có 1.267 cuộc gọi tư vấn qua đường dây nóng.

Theo ông Phạm Nguyên Hà, Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý Dự án VUSTA - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, trong thời gian tới Dự án tiếp tục cung cấp các gói dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị nghiện ma túy; củng cố hệ thống cộng đồng; gỡ bỏ các rào cản tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV/AIDS; tăng nguồn lực tài chính. Tiếp tục cung cấp gói dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và nghiện ma túy, bao gồm: Thông tin, truyền thông thay đổi hành vi (đa dạng và cung cấp tài liệu truyền thông); can thiệp dự phòng giảm hại: Bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn...; tư vấn, xét nghiệm, phát hiện HIV; xét nghiệm tại các cơ sở y tế; xét nghiệm tại cộng đồng (tự xét nghiệm); chuyển gửi người nhiễm HIV tới cơ sở điều trị HIV… (Gia đình & Xã hội, trang 7)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang