Ngày hội hiến máu Chủ Nhật Đỏ đồng loạt triển khai tại tám tỉnh, thành phố
Ngày 17-1, Ngày hội hiến máu Chủ Nhật Đỏ lần thứ tám do Báo Tiền Phong phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư tổ chức đồng loạt diễn ra tại tám tỉnh, thành phố: Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Cần Thơ, Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội đến dự Ngày hội tại điểm hiến máu Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo Ban tổ chức, Chủ Nhật Đỏ ngày càng phát triển, không chỉ góp phần giải quyết tình trạng thiếu máu mà còn kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ của các tầng lớp xã hội, đóng góp đáng kể vào phong trào hiến máu tình nguyện cả nước. Chủ Nhật Đỏ lần thứ tám năm nay được triển khai tại 22 tỉnh, thành phố với 40 điểm tiếp nhận máu.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ, cơ quan, đoàn thể, tổ chức ở T.Ư và địa phương đã thực hiện tốt công tác hiến máu tình nguyện trong những năm qua và đề nghị các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào hiến máu tình nguyện trong nhân dân; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức tốt an toàn truyền máu; bảo đảm thực hiện chế độ hỗ trợ người hiến máu đúng quy định.
* Ngày 17-1, Trung tâm Công tác xã hội, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức hiến máu nhân đạo. Hàng trăm sinh viên Việt Nam, sinh viên nước bạn Lào đang học tập tại thành phố đã tham gia hiến 375,5 đơn vị máu (250 ml/đơn vị). Theo Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, trong năm 2015, đoàn viên thanh niên thành phố đã hiến hơn 54 nghìn đơn vị máu, năm 2016, tuổi trẻ thành phố sẽ tiếp tục hiến hơn 50 nghìn đơn vị.
* Sáng 17-1, tại Trường cao đẳng Sư phạm Yên Bái, hơn 500 đoàn viên thanh niên thuộc các đơn vị: Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, Đoàn trường cao đẳng sư phạm, Công an tỉnh… tham gia Chủ Nhật Đỏ hiến máu tình nguyện năm 2016.
Toàn bộ hơn 100 đơn vị máu thu được trong ngày được bảo quản, lưu trữ tại khoa truyền máu và huyết học Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, chủ động sẵn sàng phục vụ người bệnh.
* Ngày 17-1, tại Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên-Huế, Tỉnh đoàn và Hội Chữ đỏ tỉnh phối hợp Trung tâm Huyết học Truyền máu miền trung - Bệnh viện T.Ư Huế và Báo Tiền Phong tổ chức Chủ Nhật Đỏ.
Tại ngày hội Ban tổ chức đã thu được hơn 400 đơn vị máu. (Sức khỏe & Đời sống, Nông thôn Ngày nay, Lao động, Nhân dân (trang 1))
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang 2: “Hiến máu tình nguyện “Ngày chủ nhật đỏ”: Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”; Báo Hà Nội mới trang: “Ngày Chủ nhật đỏ đặt mục tiêu huy động từ 18.000 đến 20.000 đơn vị máu”; Báo Tiền phong: Chủ nhật đỏ lần thứ VIII: Ngày hội kết nối những trái tim
Ngày hội Chủ nhật Đỏ lần thứ VIII: Quá tải nhưng 'tuyệt vời'
Cảnh tượng ở hội trường Đại học Bách khoa sáng 17/1 chỉ có thể dùng từ đó: Quá tải. Vài nghìn người ngồi, nằm, đứng, để cho máu hoặc chờ đến lượt. Khoảng 10 giờ trở đi các bạn trẻ Bách khoa mới tìm được cách phân phối dòng người cho hiệu quả hơn. Gần 12 giờ trưa mới vãn bớt. Đây đó có sự chưa hài lòng về công tác tổ chức nhưng những người hiến máu phát biểu họ cảm thấy “tuyệt vời” khi dự sự kiện chính của Chủ nhật Đỏ năm nay.
Quá tải
Sau phần phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Bộ Y tế, Hiệu trưởng trường Bách khoa- đơn vị đăng cai, và nhà tài trợ, là các phần lễ như mọi năm: Tặng bằng khen của Trung ương Đoàn và Bộ Y tế cho các tổ chức, cá nhân tích cực hiến máu và nghệ sĩ hăng hái tham gia Chủ nhật Đỏ. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Chủ nhật Đỏ “nổi bật” trong các chương trình vận động hiến máu nhân đạo cả nước. Trưởng Ban tổ chức (BTC), Tổng biên tập Lê Xuân Sơn trong lời khai mạc, nêu mục đích của Chủ nhật Đỏ lần thứ tám: Một là tiếp nhận 18 đến 20 nghìn đơn vị máu, hai là tuyên truyền cho sự lớn mạnh của phong trào hiến máu tình nguyện cả nước. Ngoài các doanh nghiệp tài trợ, Trưởng BTC còn cảm ơn “các nghệ sĩ, người đẹp, nhà báo, bằng ảnh hưởng của tài năng, vẻ đẹp, sự đi đầu và ngòi bút của mình đã tăng phần cuốn hút, làm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Chủ nhật Đỏ”.
Trong một ngày gọi là Chủ nhật Đỏ, người ta vận trang phục màu đỏ, băng đô đỏ đeo tay và chít đầu, phù hiệu hình trái tim đỏ rực gắn lên ngực. Đến chiếc dù khổng lồ ở sân trường cũng màu đỏ pha trắng. Trong một ngày như vậy, ca sĩ như Tùng Dương có kỷ niệm chắc khó quên như vừa hiến máu vừa trả lời phỏng vấn, nhảy sung đến nỗi toạc ống quần. Lê Cát Trọng Lý ôm đàn guitar nói nhỏ nhẹ “Xin lỗi vì Lý không giỏi cổ động” nhưng xen giữa bài hát, thỉnh thoảng lại hỏi rất “kích động” như “Các bạn ngồi đây xem văn nghệ hết à, đi hiến máu đi”, “Đi rồi”- hàng trăm tiếng hô đồng thanh.
Nguyễn Đức Cường sẽ sáng tác bài hát cổ động Chủ nhật Đỏ nên để lấy cảm hứng cho anh, Cường vừa hát xong liền được nhà báo Mạnh Hà kéo vào hội trường chứng kiến biển người tình nguyện đang chờ hiến máu. Thắp lên điều kỳ diệu, bài mới Cường hát cũng rất phù hợp không khí này: Những con đường tôi qua/Còn nhiều điều ngọt ngào ý nghĩa/Những câu chuyện trong mơ/Giờ chẳng còn là điều xa xôi/Nhắm mắt lại cảm nhận về cuộc sống/Thấy những điều tuyệt vời và thấy vui hơn...
Thấy một số sinh viên hiến máu xong túm tụm ở góc cho chữ thư pháp, viết trên giấy điều đỏ thắm, của ông đồ Lưu Việt. “Cho cháu xin chữ Bình”. “Có ba chữ bình, muốn bình nào, bình rượu hả”. “Dạ bình tĩnh ạ”. “Cho cháu xin chữ Đạo làm con”. “Tóm lại chữ Hiếu chứ gì”... Ông Việt, 58 tuổi, phù hiệu trái tim đỏ chói trên ngực, hóa ra là một tình nguyện viên kỳ cựu. Gương mặt phúc hậu, da rất đẹp, ông cho biết đã hiến máu 36 lần trong 8 năm, hôm nay đến đây để cổ vũ người hiến máu là chính (theo lời mời của Ủy ban Vận động Hiến máu Quốc gia) vì ông mới hiến mười mấy ngày trước. (Hiến tiểu cầu phải cách 30 ngày còn hiến máu toàn phần, 84 ngày).
Hỏi chờ đến lượt lấy máu có nản? Chinh, Việt, Cương- những chiến sĩ trẻ măng ở Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội cười hơi nhăn nhó. Họ đến từ 7 giờ sáng, hơn 11 giờ chưa đến lượt. Chinh- hiến máu 6 lần, lần thứ hai ở Chủ nhật Đỏ nói “Năm ngoái cũng đông, cũng thấy BTC hứa rút kinh nghiệm, năm nay đông hơn nhiều mà kinh nghiệm chưa rút mấy” (cười). Còn Việt, hiến máu chục lần cũng đề nghị “Lần sau bố trí nhiều giường hơn, chật quá thì đưa ra ngoài trời. Có thể chia giờ ra, công an 7 đến 9 giờ còn sinh viên 9 đến 11 giờ chẳng hạn. Nhiều người không chờ được đã phải đi về”.
Hẹn những mùa sau tuyệt vời
Nhớ Chủ nhật Đỏ lần đầu tiên, năm 2009, địa điểm được cái gần cơ quan- Nhà văn hóa Học sinh Sinh viên ở bờ hồ Thiền Quang. Trời rét cắt da cắt thịt. Chưa phát động rộng rãi nên BTC chỉ dám đặt chỉ tiêu hơn trăm đơn vị máu. Một số phóng viên và thư ký tòa soạn đăng ký hiến máu. Tổng biên tập thời đó là Đoàn Công Huynh bảo: Các anh thư ký thì thôi chứ, hiến máu hết lấy ai trực báo đêm nay.
Năm nào cũng có những cán bộ, phóng viên kể cả không còn trẻ, và lãnh đạo báo vén áo chìa tay cho người ta đâm kim. “Mình phát động người khác mà bản thân đứng ngoài sao tiện”- Tổng biên tập Lê Xuân Sơn nói. Trưởng phòng Kinh doanh Bùi Văn Phượng chưa lần nào vắng mặt ở Chủ nhật Đỏ. Năm ngoái vận động 8 người trong nhà cùng hiến, năm nay 5 người kéo đến từ sớm, đông quá 4 người phải về, chiều quay lại. Đồng nghiệp làm việc quanh năm không tránh khỏi va chạm, bởi người làm báo thường là trực tính. Nhưng vào mỗi Chủ nhật Đỏ hàng năm, khi ai đó mặt hơi tái, tươi cười chìa cánh tay cho nhân viên y tế rút những xi-lanh máu, dám tin đó là hình ảnh đẹp nhất họ đọng lại trong mắt đồng sự.
Có ai ngờ, một nơi xa xôi, không thể nói đời sống dễ dàng như Đắk Lắk lại là một trong những tỉnh đầu tàu cả nước về hiến máu nhân đạo, mạng lưới tình nguyện viên phủ 184 xã phường toàn tỉnh. Những cái tên huyện Ea Kar, Ea Súp, Krông Pắk, Krông Năng, Cư Mgar... càng trở nên thân thương. Vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk nói thấm thía trong ngày hội hiến máu do báo Tiền Phong tổ chức: “Có 47 dân tộc chung sống trên địa bàn Đắk Lắk. Thông qua việc hiến máu, dòng máu của dân tộc này đã truyền, hòa vào dân tộc khác đầy nhân đạo, nhân văn”. Chủ nhật Đỏ nay đã lan tới 22 tỉnh thành, sự nhân văn nhân đạo đang được truyền dẫn lan tỏa âm thầm mạnh mẽ như vết dầu loang, như dòng huyết mạch khỏe mạnh vẫn lưu thông không ngừng nghỉ trong họ- những tình nguyện viên nhân ái, người anh em thân thiết ở khắp miền đất nước.
Đất nước này hồi mới thống nhất, Tổng Bí thư Lê Duẩn nghe có tiếng chê dân miền Bắc “kẹo” (ki bo), bèn nói: “Có gì trên đời quý giá với người mẹ bằng đứa con, thế mà người mẹ miền Bắc đã rứt ruột để con mình vào Nam chiến đấu, thậm chí đứa con duy nhất. Thế là kẹo phải không?” (trích hồi ký Trần Quỳnh, thư ký riêng của Lê Duẩn). Những con người không tiếc máu xương trong chiến tranh, không ngần ngại sẻ chia một phần cơ thể- tim, gan, thận hoặc giọt máu hồng tươi nóng ấm cho người khác trong thời bình, đó chắc chắn là người tử tế, hào phóng, đáng được xưng tụng. Họ tiếp sức tiếp máu, tiếp thêm niềm tin yêu cuộc sống, tin ở hoa hồng. Thơ Nguyễn Huy Thiệp: Trái tim ấy có rộng lượng không?/ Có đủ chỗ ngụ không?/ Trái tim ấy có đủ máu không? (Truyện ngắn Mưa Nhã Nam). Trái tim ấy có đủ máu không - thật xứng là một câu hỏi. Câu hỏi của thi nhân, văn nhân.
Hỏi ông đồ Lưu Việt trên kia: “Những người hiến máu nhiều lần đương nhiên là người tốt đúng không?”. “Có thể có người không hoàn toàn tốt nhưng người ta đang hướng thiện. Tâm địa người ta có lúc xao động hoặc làm việc xấu nhưng hiến máu là một hành vi giúp cải thiện tình thế của người hiến máu. Trong số người hiến máu có người nọ người kia nhưng ngay cả người đang làm một việc xấu với xã hội, họ muốn sám hối bằng một lần hiến máu cho đồng loại khi không thể làm gì khác. Và khi hiến một lần thấy tốt, thảnh thơi thì theo đuổi mãi”.
Chủ nhật Đỏ năm nay còn tiếp diễn đến cuối tháng. Và chúng ta sẽ gặp lại mỗi năm một lần vào đầu năm mới dương lịch. Sẽ lại nói tiếp câu chuyện về đơn vị máu, trữ lượng máu, nhu cầu máu. Chuyện sinh mệnh của bạn và tôi. Chuyện những nghĩa cử, những kỷ lục, sự phi thường, sự lạ lùng. Những chuyện như thế chẳng bao giờ nhàm, chẳng bao giờ thừa một khi bầu máu nóng vẫn rần rật chảy trong mỗi chúng ta. (* Tiền phong (trang 3))
Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “Ngày chủ nhật đỏ thu được 11.763 đơn vị máu”; An ninh Thủ đô trang 2: “Hiến máu là trách nhiệm thiêng liêng”; Báo Tuổi trẻ trang 11: “Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hiến máu là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người”
Thành công trên đất Tổ Hùng Vương
Tại Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, với số lượng người đăng ký hiến máu lên tới cả nghìn người, Ban tổ chức đã phải tiếp nhận máu từ chiều ngày 16/1. Cho đến chiều ngày 17/1, chương trình mang về 644 đơn vị máu...
Phú Thọ: Lượng máu thu được gấp đôi dự kiến
Háo hức và mong chờ là những cảm xúc ở hầu hết các bạn trẻ tham gia hiến máu trong ngày Chủ nhật Đỏ được tổ chức tại khuôn viên của trường Đại học Hùng Vương. Mang trên đầu, trên tay tấm ruy băng đỏ rực như dòng máu đang chảy trong huyết quản mỗi người, hàng nghìn bạn trẻ hăng hái đăng ký hiến máu. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt tươi trẻ như làm cho không khí những ngày cuối đông không còn lạnh. Bạn Lê Hoàng Vân, K10- Khoa sư phạm xúc động nói: “Chúng em rất vinh dự và tự hào được đóng góp một chút công sức nhỏ bé của mình cho Chủ nhật Đỏ. Em cảm thấy mình hạnh phúc vì còn khỏe mạnh để giúp đỡ những người khác, hạnh phúc vì được thấy dòng máu của mình chảy trên những con người ở đâu đó trên đất nước mình”.
Với vai trò là một đơn vị tiên phong trong phong trào hiến máu tình nguyện ở tỉnh Phú Thọ, cô Hoàng Thị Thuận, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết để làm tốt được công tác này, nhà trường luôn coi trọng công tác tuyên truyền, coi việc hiến máu như một trong những trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, sinh viên đối với xã hội. Hoạt động hiến máu được coi như một tiêu chí để đánh giá cán bộ trong các đợt thi đua. Ngay trong buổi lễ phát động Chủ nhật Đỏ tại trường, 3 tập thể và hàng chục lượt giảng viên, sinh viên đã được Ban tổ chức tặng thưởng giấy khen. Tính đến 16 giờ chiều ngày 17/1, chương trình đã thu được 644 đơn vị máu, vượt hơn gấp đôi so với dự kiến ban đầu.
Nam Định: Những người chờ đợi hiến máu sau cùng
Ngay từ rất sớm, hàng trăm bạn trẻ đã có mặt tại Trung tâm Văn hóa Thể thao tỉnh Nam Định - nơi diễn ra hiến máu Chủ nhật Đỏ năm 2016. Nguyễn Thị Lệ Thu sinh viên năm 2, Đại học Điều Dưỡng cùng hơn chục thành viên Đội Chữ thập Đỏ Nam Định hoạt động hết công suất từ sáng sớm hỗ trợ hoạt động của Ban tổ chức và vẫn cố gắng đăng ký cho máu. Thu cho biết, bắt đầu hiến máu từ sinh viên năm đầu và nay đã được 4 lần. Thu chia sẻ: “Hôm nay mình đã đăng ký xong, nhưng mình sẽ đợi khi vắng người mới vào lấy máu, còn giờ cố gắng hỗ trợ và ưu tiên càng nhiều người khác đến hiến máu càng tốt”. Thu nở nụ cười tươi rói kèm cái lắc đầu trước câu hỏi vừa phục vụ vừa hiến máu có mệt, rồi tiếp tục quay sang hỗ trợ bạn trẻ khác điền thông tin đăng ký chia sẻ giọt hồng.
Trong màu áo đỏ nổi bật dòng chữ “Hiến máu cứu người một nghĩa cử cao đẹp”, tình nguyện viên Phạm Thúy Hường chia sẻ, tham gia hiến máu không chỉ thể hiện tinh thần xung kích, sẵn sàng đi đầu của đoàn viên thanh niên mà còn thể hiện thái độ trách nhiệm xã hội, tình yêu thương đồng loại. “Những giọt hồng đào là cầu nối chúng ta với nhau. Người bệnh không bao giờ quên những tấm lòng nhân ái, trái tim chan chứa tình yêu thương”, Hường cho hay. Nhắn nhủ với các tình nguyện viên, những người hiến máu, Hường mộc mạc: “Máu có thể chờ người, nhưng người không thể chờ máu”.
Huế: Thành công và lan tỏa
Ngày hội do báo Tiền Phong và Tỉnh Đoàn TT-Huế phối hợp tổ chức đã thu hút hơn 1.000 ĐVTN đến từ các huyện, thị xã trên địa bàn, cùng với đội hình hiến máu tình nguyện các cơ quan, đơn vị, trường học tại thành phố Huế. Với số lượng dự kiến ban đầu là 600 người, kết thúc ngày hội, đã có 700 bạn trẻ đăng ký trực tiếp cho máu. Dù rơi vào thời điểm nhiều ĐVTN thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn rất bận rộn cho công việc sản xuất, kinh doanh, thi cử dịp cận Tết Nguyên đán, nhưng ngày hội vẫn thu hút nhiều người trẻ tình nguyện tham gia.
Anh Nguyễn Duy Cường, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, cho biết: TT-Huế là nơi có phong trào hiến máu tình nguyện sớm và đạt thành tích cao trong cả nước, với nhiều mô hình hiệu quả; trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu toàn quốc về hiến máu tình nguyện, với 78.418 lượt người tham gia, thu được 75.193 đơn vị máu, đưa tỷ lệ lượng máu qua phong trào hiến máu tình nguyện lên 122%...
Kết thúc ngày hội tại Huế, Ban tổ chức thu được gần 400 đơn vị máu, bổ sung kịp thời vào nguồn dự trữ để cấp cứu, phục vụ bệnh nhân khu vực miền Trung trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Đến hết ngày 17/1, khoảng 1.200 ĐVTN tại TT-Huế đã đăng ký tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện lan tỏa từ ngày hội “Chủ nhật Đỏ”. (* Tiền phong (trang 6))
Thực hiện quy định mới về mang thai hộ: Những em bé đầu tiên sắp chào đời
Năm 2015, sau khi Luật Hôn nhân và gia đình chính thức cho phép mang thai hộ, chỉ trong một thời gian ngắn, 3 bệnh viện gồm Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã thu nhận gần 100 hồ sơ đăng ký thực hiện kỹ thuật này. Dự kiến, em bé đầu tiên được sinh ra bằng mang thai hộ tại Việt Nam sẽ chào đời trong tháng 1-2016.
Nhu cầu nhiều, kiểm soát rất chặt
Cuối tuần qua, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia (đặt tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đã duyệt 60 hồ sơ trên tổng số hơn 70 hồ sơ nộp đăng ký thực hiện mang thai hộ, trong đó đã thực hiện thành công kỹ thuật này cho khoảng 50 trường hợp. Tương tự, Trung tâm Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ cũng đã tiếp nhận và thông qua 30 hồ sơ từ các cặp vợ chồng hiếm muộn đủ điều kiện mang thai hộ. Tỷ lệ thành công sau khi thực hiện kỹ thuật này đã đạt được 50%. Theo bác sĩ Hồ Sĩ Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, ca mang thai hộ lớn nhất cũng đã 35 tuần tuổi. Dự kiến, trẻ sẽ ra đời trong tháng 1-2016.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tất cả những trường hợp có hồ sơ đủ điều kiện và được duyệt để thực hiện mang thai hộ nói trên đều là các trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo quy định của luật, những cặp vợ chồng chưa có con chung, người vợ không thể mang thai, sinh nở do các bệnh lý (tim, thận, gan, phổi) và bệnh lý sản phụ khoa như: không có tử cung, phải cắt bỏ tử cung, sẩy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân, làm thụ tinh ống nghiệm nhiều lần nhưng chuyển phôi thất bại… có quyền được nhờ mang thai hộ. Để kiểm soát chặt chẽ việc này, hiện tại ở nước ta mới có 3 cơ sở y tế được cho phép làm kỹ thuật mang thai hộ là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM.
“Với những trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại thì luật nghiêm cấm là cần thiết để hạn chế các vấn đề phát sinh khó lường, tránh lạm dụng, chưa kể kỹ thuật lấy trứng, lấy noãn rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện, thậm chí nguy cơ tử vong, gây biến cố nặng đối với người phụ nữ. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp trong khi sinh nở vì thủ thuật sản khoa mà trẻ bị liệt, hay có phụ nữ mang thai không may bị tai biến, bắt buộc cắt tử cung để cứu sống người mẹ, trong khi noãn bình thường, tinh trùng bình thường… nếu những người này cũng được sinh thêm một đứa con nữa chắc chắn sẽ nhân đạo hơn” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nói.
Còn nhiều vướng mắc về pháp lý
GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm, nhu cầu mang thai hộ trên thực tế hiện khá cao, song thủ tục để hoàn thành một hồ sơ được phép mang thai hộ hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn về mặt pháp lý. Cụ thể, các cặp vợ chồng có nhu cầu mang thai hộ và người nhận mang thai hộ sẽ phải hoàn thành hồ sơ, giấy tờ chứng minh mối quan hệ họ hàng, rồi ký hợp đồng pháp lý.
Khi những hồ sơ này được duyệt đầy đủ về pháp lý, Hội đồng chuyên môn và Hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện sẽ kiểm tra, tiến hành các xét nghiệm, chẩn đoán để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có trong nhóm được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ hay không. Tiếp đến, các bác sĩ sẽ gặp gỡ, tư vấn cho cả hai bên nhờ mang thai và mang thai hộ. Khi hai bên đã thông suốt, đồng ý, bác sĩ mới được chỉ định thực hiện kỹ thuật. Đây là rào cản lớn nhất cho các cặp vợ chồng khi muốn thực hiện kỹ thuật này.
Theo các chuyên gia, với những quy định hết sức chặt chẽ như vậy, khả năng mang thai hộ vì mục đích thương mại rất khó xảy ra. Tuy nhiên, việc thực hiện kỹ thuật này có thể cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó lường khác trong thực tế. Chẳng hạn, không loại trừ tình huống người mang thai hộ không muốn trao lại đứa trẻ hoặc vợ chồng nhờ mang thai hộ từ chối nhận con. Trong trường hợp này sẽ phải nhờ đến tòa án can thiệp.
Giới chuyên môn nhấn mạnh, về kỹ thuật, bào thai mang hộ là sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng của vợ chồng được mang trong tử cung của một người khác nhờ vào kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đứa bé sinh ra mang gene di truyền của bố mẹ chứ không phải của người mang thai hộ. (* An ninh Thủ đô (trang 6))
Bệnh viện Trung ương Huế: khánh thành trung tâm điều trị ung thư hiện đại nhất miền Trung
Sáng 16.1, Bệnh viện Trung ương (BVTƯ) Huế đã tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm ung bướu hiện đại để phục vụ bệnh nhân khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Tin liên quan
Trung tâm ung bướu được đầu tư với tòa nhà 7 tầng, tổng diện tích hơn 14.000 m2, nằm trong khuôn viên của BVTƯ Huế, tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Song song với dự án xây dựng, BVTƯ Huế cũng đã triển khai dự án nâng cấp thiết bị y tế cho trung tâm này có trị giá 17 triệu Euro từ nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Cộng hòa Áo, trong đó 35% viện trợ không hoàn lại.
Trung tâm hiện có 300 giường bệnh đạt tiêu chuẩn, bao gồm khu phẫu trị, khu xạ trị, khu khám bệnh và thăm dò chẩn đoán, khu hóa trị liệu, khu chăm sóc và giảm nhẹ triệu chứng, khu y học hạt nhân… hình thành một trung tâm khám điều trị ung thư hiện đại, khép kín đồng bộ. Đồng thời, trung tâm này được trang bị máy xạ trị gia tốc Elekta Axesse thế hệ mới hiện đại nhất tại thời điểm này. Máy có chức năng kiểm soát độ chính xác hình ảnh của khối u, từ đó hệ thống phần mềm định vị để dùng tia xạ ở vị trí thuận lợi nhất.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu khám và điều trị ngày càng tăng của các bệnh nhân ung thư ở khu vực miền Trung - Tây nguyên, Trung tâm còn hướng đến việc sàng lọc, phát hiện sớm để chữa trị, giảm tỷ lệ người bệnh tử vong vì bệnh ung thư trong thời gian tới. (* Thanh niên, Lao động (trang 4))
Mang thai hộ - Phải đảm bảo chặt chẽ các thủ tục pháp lý
Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015 đã cho phép mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo đáp ứng được nhu cầu và lòng mong mỏi của không ít người dân.
Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015 đã cho phép mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo đáp ứng được nhu cầu và lòng mong mỏi của không ít người dân. Tròn 1 năm triển khai, đến nay, tổng cộng đã có gần 100 hồ sơ được chấp nhận tại 3 bệnh viện (BV) lớn trên cả nước là BV Phụ sản Trung ương, BV Trung ương Huế và BV Phụ sản Từ Dũ với tỉ lệ thành công 50%. Đây là những thành công bước đầu của việc MTH, tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện MTH vẫn còn không ít những khó khăn phát sinh từ thực tiễn... GS.TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội phụ sản khoa và sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (TTHTSS) Quốc gia đã dành cho báo SK&ĐS cuộc chuyện trò cởi mở và thẳng thắn về vấn đề này.
PV: Thưa Thứ trưởng, dưới góc độ chuyên môn, xin ông cho biết có những khó khăn trong thực hiện kỹ thuật MTH?
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: Việc thực hiện kỹ thuật MTH hoàn toàn khác với các kỹ thuật xin noãn, xin phôi, xin tinh trùng. Những cặp vợ chồng phải nhờ đến kỹ thuật MTH vì bản thân người phụ nữ không có tử cung (bệnh lý bẩm sinh) nhưng vẫn có buồng trứng hoặc có tử cung bất thường. Trường hợp như vậy kỹ thuật lấy noãn cũng khó khăn hơn nhiều. Thậm chí có trường hợp chúng tôi phải thực hiện kỹ thuật lấy qua đường thành bụng mà nếu không có kinh nghiệm không thể lấy được.
Khó khăn nữa là thực hiện cho những trường hợp người vợ bị những bệnh lý nặng không thể mang thai được, ví dụ như bệnh lý về máu, huyết áp, tim mạch, gan, thận… Buồng trứng của họ vẫn phát triển và hoạt động bình thường nhưng trong quá trình thực hiện kỹ thuật có rất nhiều rủi ro, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ tử vong so với những phụ nữ không bị bệnh lý gì cả. Do đó, kỹ thuật MTH không giống các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, nó đòi hỏi kỹ thuật cao hơn.
PV: Một bộ hồ sơ để xét duyệt MTH có khá nhiều thủ tục rắc rối. Có những trường hợp phải đi lại BV khá nhiều lần vì không nắm rõ được các loại giấy tờ cần thiết để hoàn thiện hồ sơ thực hiện MTH. Theo ông, có thể giảm bớt đi thủ tục nào đó để cho người dân có thể dễ dàng, thuận lợi thực hiện?
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: Đúng là một hồ sơ để xét duyệt được MTH rất dày, có rất nhiều dấu trong đó. Nhưng nếu không đầy đủ như thế chắc chắn TTHTSS không dám làm. Không đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý sẽ phát sinh nhiều tiêu cực; không thực hiện đầy đủ các thủ tục thì sẽ gặp rắc rối về sau cho các cặp vợ chồng mà nhờ người khác MTH. Thực tế đã có các cặp vợ chồng phải nhờ MTH về xã xin xác nhận, xã không dám chứng nhận, không dám đóng dấu vì họ chưa biết có luật này, chưa biết có nghị định này. Vợ chồng lại phải lên TTHTSS để xin giấy photo về nghị định này rồi mang về xã họ mới biết để mà chứng nhận cho. Đúng là vất vả thật đấy nhưng cần phải làm như vậy, không còn cách nào khác. Chúng ta cần phải làm đầy đủ các thủ tục, như vậy thì mới thuận lợi cho các cặp vợ chồng về sau này chứ không người ta sẽ gặp rắc rối.
PV: Qua 1 năm thực hiện nghị định của Chính phủ về việc MTH, ông có thể cho biết trong quá trình triển khai có gặp phải khó khăn, vướng mắc gì?
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: Theo quan điểm của tôi, nghị định này tương đối tốt rồi, nhưng tôi thấy một điểm trong nghị định sau này cần sửa đổi lại: Luật quy định những cặp vợ chồng chưa có đứa con nào mới được thực hiện kỹ thuật nhờ MTH. Nhưng trong thực tế, có những cặp vợ chồng đã có con chung rồi nhưng đứa con đó bị tật nguyền, tàn tật do trong quá trình sinh nở phải can thiệp sản khoa chứ không phải tật nguyền do bệnh lý di truyền. Và cũng vì sự can thiệp thủ thuật đó mà người mẹ bắt buộc phải cắt tử cung. Noãn, trứng của vợ bình thường, tinh trùng của chồng bình thường. Nếu họ được sinh thêm đứa con nữa là hoàn toàn chính đáng và nhân đạo. Đứa trẻ được sinh ra bằng MTH sẽ là chỗ dựa, chăm sóc cho bố mẹ và người anh/chị trước đấy. Luật hiện hành không cho phép, nếu bây giờ làm như vậy lại là sai. Giống như trước đây, nghị định sinh con theo phương pháp khoa học: những người trên 45 tuổi không được thực hiện kỹ thuật này. Khi đến làm, họ 45 tuổi, nhưng trong quá trình thực hiện các thủ tục, xét nghiệm, họ sang tuổi 46. Mà sang tuổi 46 không được làm nữa. Do đó, chúng ta đã sửa lại quy định về tuổi ở nghị định này. Trở lại nghị định về MTH, đã là luật thì phải thực hiện nghiêm, nhưng trong thời gian tới, ta nên điều chỉnh, sửa đổi lại những điều, những khía cạnh chưa thật phù hợp với thực tiễn. Sẽ là rất nhân văn khi giải quyết được những nhu cầu, khát khao chính đáng của các cặp vợ chồng hiếm muộn.
PV: Trường hợp em gái MTH vợ chồng anh trai xét về góc độ di truyền học có ảnh hưởng đến gen của đứa trẻ sinh ra không, thưa GS?
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: MTH là hình thức nhờ BV lấy trứng của mẹ và tinh trùng của bố để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi vào tử cung cho người phụ nữ tự nguyện MTH. Phôi được chuyển vào hoàn toàn không mang yếu tố di truyền gì của người được MTH cả. Nếu mang ra xét nghiệm, thử ADN thì bản chất di truyền là của cặp vợ chồng nhờ mang thai chứ không ảnh hưởng di truyền của người nhận MTH. Chỉ khi người MTH ốm yếu thì ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chứ không ảnh hưởng gì đến di truyền của đứa trẻ.
PV: Thực tế đã có không ít trường hợp lợi dụng MTH để trục lợi cá nhân và những toan tính khác. Theo Thứ trưởng, làm thế nào để tránh việc MTH vì mục đích nhân đạo bị lạm dụng, bị biến tướng thành MTH vì mục đích thương mại, thành tình trạng đẻ thuê?
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: Đây là trách nhiệm của cả cộng đồng, không chỉ riêng của các TTHTSS. Tại phường xã, khi đóng dấu xác nhận người MTH cùng là họ hàng, chẳng hạn tận trên Lào Cai, Mù Cang Chải… vậy ở đó họ có trách nhiệm xác nhận sự thật, xác định rõ nguồn gốc. Trên TTHTSS làm sao biết được, họ chỉ thẩm định về chuyên môn. Do đó, mặc dù thủ tục MTH khá là phức tạp nhưng thủ tục càng phức tạp bao nhiêu thì càng tránh bớt được rủi ro làm vì mục đích thương mại.
PV: Thời gian để xét duyệt một hồ sơ MTH có lâu không, thưa ông?
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: Để chuẩn bị một bộ hồ sơ cũng khá vất vả. Nếu truyền thông rộng rãi, hiệu quả để các cặp vợ chồng hiểu rõ thủ tục, cần những giấy tờ gì để mang đến đầy đủ thì sẽ xét duyệt được rất nhanh. Chứ nếu cứ mỗi lúc chỉ mang một loại giấy tờ đến thì rất vất vả, mất nhiều thời gian. Mà dù mất nhiều thời gian thì TTHTSS cũng phải chờ đầy đủ mới làm. Do đó, có người được duyệt rất nhanh, chỉ mấy ngày đã xong, có người kéo dài vài tháng trời vẫn chưa được chấp nhận vì thiếu giấy tờ.
PV: Có những trường hợp quá bế tắc trong hôn nhân vì không thể có con nhưng không tìm được người MTH theo đúng qui định của luật, họ đã liều lĩnh tìm đến những dịch vụ MTH trôi nổi, Thứ trưởng có lời khuyên nào cho họ?
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến: Hoàn toàn không nên và không được phép làm như vậy chút nào. MTH vì mục đích thương mại không thành công cũng khổ, mà thành công rồi có khi còn khổ hơn vì người mang thai suốt ngày đến đòi tiền. Muốn để thành con mình cứ phải nộp tiền cho họ thôi vì chẳng có một văn bản pháp lý nào cả. Thứ nữa, làm ở những dịch vụ trôi nổi chắc chắn kỹ thuật không tốt được. Kỹ thuật không tốt thì tiền mất tật mang. Nếu cứ thấy khó khăn mà tự ý bớt đi các thủ tục cho mình rồi tìm đến những dịch vụ trôi nổi là tự chuốc lấy họa. Mà chắc chắn những bác sĩ làm thụ tinh ống nghiệm nhận thức được điều này rất sâu sắc. Nếu cứ gật đầu làm cho rồi đến lúc xảy ra kiện cáo, tranh chấp, chính mình sẽ phải gánh chịu hậu quả trước tòa. Nên cứ đúng luật mà làm. Người nào lách luật làm người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(* Sức khỏe & Đời sống (trang 1)
Ngành y tế có bước tiến dài trong chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả khá toàn diện mà ngành y tế đạt được trong năm 2015 nói riêng cũng như trong cả giai đoạn 5 năm 2011-2015; khẳng định ngành y tế đã có bước tiến dài trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và những kết quả mà ngành đạt được đã đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển chung của đất nước thời gian qua.
Ngày 15/1 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2015; triển khai kế hoạch năm 2016 và nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương đã dự Hội nghị.
Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân tốt hơn nữa
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả khá toàn diện mà ngành y tế đạt được trong năm 2015 nói riêng cũng như trong cả giai đoạn 5 năm 2011-2015; khẳng định ngành y tế đã có bước tiến dài trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và những kết quả mà ngành đạt được đã đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển chung của đất nước thời gian qua.
Bày tỏ đồng tình với báo cáo đánh giá công tác y tế năm 2015, giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ 2016 và giai đoạn 2016-2020 của ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ngành tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành với mục tiêu cuối cùng là chăm sóc và bảo vệ tốt hơn nữa sức khỏe nhân dân. Thủ tướng cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể mà ngành y tế cần khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Đó là, ngành cần đặc biệt lưu ý tập trung chỉ đạo làm tốt công tác y tế dự phòng gắn với chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản có chất lượng. Bên cạnh đó, ngành cần chủ động phòng chống các bệnh dịch xâm nhập từ bên ngoài, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, dập dịch kịp thời không để dịch bệnh lớn xảy ra.
Ngành chú trọng nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phát triển mạnh mô hình bác sỹ gia đình, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân về chăm sóc sức khoẻ ban đầu; làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phối hợp tốt với các bộ, ngành liên quan đẩy lùi thực phẩm bẩn, chất lượng kém, góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Song song với tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh từ trạm y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh, trung ương, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các bệnh viện, giảm quá tải bệnh viện, phát triển mạnh hệ thống bệnh viện vệ tinh..., ngành tập trung chăm lo đào tạo đội ngũ thầy thuốc có năng lực, chuyên môn cao và y đức tốt, đây là yêu cầu hàng đầu của việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị ngành y tế chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn ngừa dịch bệnh từ các nguồn thực phẩm không đảm bảo.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cần tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện chiến lược về dân số kế hoạch hóa gia đình. Đánh giá cụ thể những kết quả đạt được, những vấn đề về chất lượng dân số, những vấn đề nảy sinh để xây dựng các chính sách phù hợp liên quan đến dân số, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Đánh giáo cao những kết quả ngành y tế và các bộ, ngành liên quan rất nỗ lực trong thực hiện chính sách BHYT để nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT lên 76,52 %. “Đây là một con số rất đáng mừng, tuy nhiên ngành y tế cần tiếp tục cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt công tác bao phủ BHYT, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch tỷ lệ bảo phủ bảo hiểm y tế đã được đề ra cho năm 2016 cũng như cho cả giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó. Ngành cũng cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy cải các hành chính liên quan đến công tác khám chữa bệnh, BHYT. Cùng với BHYT, phải thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo thị trường
Ngành cũng cần khẩn trương sắp xếp lại sắp xếp lại hệ thống y tế huyện, theo đó trung tâm y tế huyện cần gắn với bệnh viện huyện làm công tác dự phòng, khám chữa bệnh; phòng y tế trực thuộc UBND huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Trong thời gian tới, ngành cần rà soát lại thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhân rộng điểm hình tiên tiến, xử lý nghiêm sai phạm...
“Ngành y tế cần triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách đồng bộ, không xem nhẹ bất cứ nhiệm vụ nào, cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm theo từng thời gian, thời kỳ”- Thủ tướng nói.
80% số bệnh viện trung ương và tuyến cuối, tình trạng quá tải và nằm ghép về cơ bản đã được giải quyết
Báo cáo của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trinh bày tại hội nghị cho biết, trong năm 2016, ngành y tế tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch, bệnh lớn xảy ra; tiếp tục thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính để tăng nguồn lực đầu tư cho y tế.
Ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; quản lý chặt chẽ giá thuốc và chất lượng thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm và triển khai các hoạt động khác nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, tăng tuổi thọ, góp phần cải thiện chất lượng dân số, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân.
Ngành triển khai công tác phòng chống dịch chủ động, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xẩy ra. Giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm tại các cửa khẩu quốc tế, không để dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam bùng phát lây lan trong cộng đồng, xây dựng kế hoạch đáp ứng dịch khẩn cấp. Bên cạnh đó, ngành tập trung chỉ đạo công tác tiêm chủng mở rộng để duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên 90%; công tác phòng, chống bệnh dại; xây dựng và triển khai các hoạt động phòng chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường.
Cùng với tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm để tăng thêm số cơ sở y tế, giường bệnh, tập trung cho các chuyên khoa quá tải như tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi, hô hấp, thần kinh..., ngành mở rộng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh: bổ sung thêm các bệnh viện tuyến cuối có trình độ kỹ thuật cao, đủ năng lực làm bệnh viện hạt nhân; mở rộng bệnh viện vệ tinh đến tất cả các tỉnh, thành phố.
"Năm 2015, các giải pháp tổng thể về giảm quá tài bệnh viện đã được ngành y tế triển khai tích cực và đồng bộ như cải tiến quy trình khám bệnh để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm để tăng thêm số cơ sở y tế, giường bệnh; đẩy mạnh việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ để nâng cao năng lực cho tuyến dưới.
Hoạt động hiệu quả của mô hình bệnh viện vệ tinh giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến đạt từ 65-100% số ca chuyển tuyến ở những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh. Công suất sử dụng giường bệnh tại 25% số bệnh viện tuyến huyện tăng lên. Nhờ đó, tại trên 80% số bệnh viện trung ương và tuyến cuối, tình trạng quá tải và nằm ghép về cơ bản đã được giải quyết"- Bộ trưởng thông tin.
Ngành y tế tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch ở trong nước, kiểm soát không để các dịch bệnh mới nổi: Ebola, H7N9, Mers-CoV,... xâm nhập vào Việt Nam trong điều kiện các nước trong khu vực có dịch, không để dịch lớn xẩy ra. Ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng được duy trì trên 90%, hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trên toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay, đạt tỷ lệ 98,2%, tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Ngành tăng cường giám sát phát hiện, quản lý ô nhiễm thực phẩm, cảnh báo nguy cơ, kiểm soát ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn gia đình đã được kiểm soát, ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể đang có xu hướng giảm.
Chất lượng thuốc đã được quản lý chặt chẽ và toàn diện ở tất cả các khâu từ sản xuất, bảo quản, lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ với việc áp dụng với hệ thống quản lý chất lượng toàn diện với triển khai các tiêu chuẩn thực hành tốt. Tháng 6/2015, Tổ chức y tế thế giới đã công nhận Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế về hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA)... (* Sức khỏe & Đời sống (trang 1))