Hơn 3.000 người dân Thủ đô được chăm sóc sức khỏe phổi
Ngày 17-12, tại phố đi bộ Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức Lễ phát động chương trình “Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi”.
Chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động cộng đồng của "Mạng lưới đổi mới sáng tạo y tế" do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Công ty TNHH Astrazeneca làm nòng cốt, nhằm thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của các ý tưởng công nghệ và giải pháp mới trong lĩnh vực y tế.
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương…
Phát biểu tại lễ phát động, TS.BS. Hà Anh Đức, Chủ tịch Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: Ung thư phổi và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, với số ca mắc mới và tử vong cao. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, khả năng điều trị thành công rất cao. Đây là lý do vì sao chương trình sàng lọc này vô cùng quan trọng và cấp thiết.
“Chương trình Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi nhằm mục tiêu phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh phổi, đặc biệt là ung thư phổi, thông qua các phương pháp sàng lọc tiên tiến và hiệu quả. Chúng tôi tin rằng, thông qua việc sàng lọc này, chúng ta có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do bệnh phổi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Chúng tôi kêu gọi sự tham gia của mọi người, từ các chuyên gia y tế đến người dân trong cộng đồng. Mọi người, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, nên tham gia chương trình sàng lọc này. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng để đưa chương trình này đến gần hơn với mọi người”, Chủ tịch Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhấn mạnh.
Tại lễ phát động, hơn 3.000 người dân Thủ đô có độ tuổi ngoài 40 đã được khám, tư vấn, xét nghiệm máu cơ bản, chụp X-quang, siêu âm, điện tim và được tặng những phần quà chăm sóc sức khỏe phổi; người dân còn được hướng dẫn cài app theo dõi sức khỏe thường xuyên và đặc biệt được trải nghiệm sàng lọc bệnh với công cụ trí tuệ nhân tạo thông qua trả lời bộ câu hỏi và đọc kết quả X-quang.
Cũng nhân dịp này, Ban tổ chức đã dành tặng 5 suất quà cho gia đình 5 bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất bao gồm 5 triệu đồng tiền mặt và quà tặng.
Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Công ty TNHH Astrzazeneca Việt Nam sẽ tiếp tục vận động kinh phí, phối hợp với Quỹ Hỗ trợ bênh nhân ung thư “Ngày mai tươi sáng” triển khai các hoạt động hỗ trợ sau sàng lọc với các bệnh nhân. (Hà Nội mới trang 5)
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 2: “Hơn 3.000 người dân Thủ đô được chăm sóc sức khoẻ”; Tiền phong trang 2: “Khám miễn phí bệnh lý phổi cho 3.000 người dân Hà Nội”
Chuyên gia y tế dự phòng khuyến cáo phòng, chống các bệnh dịch mùa đông xuân
TS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo, thời tiết mùa đông xuân hiện nay thường gia tăng các bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp…
Theo ông Đức, hiện nay đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà..., tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.
“Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền"- TS Hoàng Minh Đức nói.
Vì thế, những dịch bệnh mà Bộ Y tế đang tăng cường giám sát hiện nay là bệnh dịch đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5N1, cũng như giám sát tình hình Covid-19 đang tăng tại nhiều quốc gia.
TS Hoàng Minh Đức thông tin, tại Việt Nam, tình hình COVID-19 vẫn đang được kiểm soát; số mắc ghi nhận thấp, rải rác. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.
Đối với cúm gia cầm A/H5N1, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác ở các địa phương. Thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển; đồng thời hiện cũng bắt đầu có xu hướng tăng nuôi gia cầm chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán 2024 nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Để phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, TS Hoàng Minh Đức khuyến cáo người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như sau:
- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;
- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng;
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. (An ninh Thủ đô trang 1)
Nhân viên y tế trường học: Rất quan trọng nhưng chưa được coi trọng
Quy định mới về vị trí việc làm trong trường học xếp nhân viên y tế vào danh mục hỗ trợ, phục vụ và thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động khiến các trường và địa phương không tuyển được đội ngũ rất quan trọng này.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành 2 thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Cụ thể, Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT.
Các thông tư này có hiệu lực từ ngày 16.12. Điều khiến các nhà trường và địa phương tâm tư nhất là vị trí việc làm y tế học đường được xếp vào danh mục hỗ trợ, phục vụ và thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động mà không phải là viên chức giáo dục hoặc viên chức y tế.
Khoảng trống trong y tế học đường
Tại các trường học ở Hà Nội, nhiều nhân viên y tế, nhất là những người đã trúng tuyển viên chức, bày tỏ sự lo lắng và trăn trở. Những người đang thực hiện nhiệm vụ y tế học đường cho rằng công tác y tế học đường thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. TP.Hà Nội có số lượng học sinh (HS) ăn bán trú tại trường rất lớn, nhân viên y tế còn có nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm với nhiều nội dung công việc như tiếp nhận, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, lưu mẫu thức ăn... Bên cạnh việc theo dõi sức khỏe HS, hỗ trợ nhân viên nuôi dưỡng xây dựng chế độ dinh dưỡng cho phù hợp với lứa tuổi, theo mùa, đội ngũ nhân viên y tế còn tham gia giám sát môi trường học đường, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh...
Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.Tây Hồ (Hà Nội) cho biết những năm đại dịch vừa qua mới thấy "khoảng trống" trong y tế trường học tác động rõ rệt thế nào khi yêu cầu trường học phải có phòng cách ly, có chăm sóc ban đầu cho HS nghi ngờ nhiễm Covid-19 nhưng trường học lại không có nhân viên y tế.
Đặc biệt quan trọng với trường bán trú, nội trú
Không chỉ có dịch bệnh, khi trường học có hàng trăm, hàng nghìn HS thì những yêu cầu về phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe ban đầu đặc biệt quan trọng, nhất là những trường bán trú, nội trú. Nhân viên y tế trường học phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Hằng ngày, họ phải trực tại trường phòng khi các em HS xảy ra tai nạn, thương tích. Đối với trường học có tổ chức bán trú, nhân viên y tế phải đến sớm để tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm, lưu mẫu… Ngoài ra còn thực hiện theo dõi sức khỏe, biểu đồ tăng trưởng, chỉ số BMI của HS để xây dựng và thay đổi phương án đảm bảo dinh dưỡng phù hợp, giám sát vệ sinh môi trường học đường, phòng chống dịch bệnh, bệnh học đường, bạo lực học đường, phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ…
Với các tỉnh miền núi, HS từ lớp 1 đã phải ở nội trú tại trường để không phải đi học quá xa thì nhân viên y tế càng đặc biệt quan trọng. Bà Phạm Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khao Mang (H.Mù Cang Chải, Yên Bái), chia sẻ: nhà trường có gần 1.000 HS, trong đó hơn 70% các em phải ở nội trú tại trường. Từ lớp 1, lứa tuổi còn rất non nớt, sức đề kháng chưa tốt, các em đã phải xa nhà nên việc chăm sóc sức khỏe đương nhiên phải do nhà trường đảm nhiệm, khi các em ốm đau phải có người chăm sóc tại chỗ. Do vậy, nếu nhân viên y tế không có hoặc chỉ có ở vị trí "hỗ trợ, phục vụ" và hợp đồng thì sẽ rất khó tuyển dụng được. Công việc quá vất vả, chế độ lương hợp đồng thấp thì nhân viên y tế sẽ không chọn trường học để làm việc.
Ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mèo Vạc (Hà Giang), cho biết toàn huyện có hơn 29.000 HS học tập tại 53 trường mầm non, tiểu học, THCS, song mới có 30 nhân viên y tế học đường. Việc một nhân viên y tế phải kiêm nhiệm 3 trường là điều khó tránh khỏi. Việc nhiều, lương thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó tuyển dụng nhân viên y tế học đường.
"Chúng tôi mong được bổ sung biên chế, có chính sách thu hút để tuyển dụng được nhân viên y tế trường học cho cơ sở giáo dục trên địa bàn, điều chỉnh vị trí "y tế học đường" từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang vị trí việc làm chuyên môn để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng", ông Thư đề xuất.
Tại Hải Dương, toàn tỉnh chỉ có hơn 200 trường có nhân viên y tế là viên chức, còn hàng trăm đơn vị chưa có nhân viên y tế chuyên trách, phải bố trí người kiêm nhiệm hoặc không có người kiêm nhiệm, do thiếu giáo viên. Nhiều trường cho biết người ứng tuyển khi biết chỉ được ký hợp đồng và mức lương thấp nên "gần như bỏ về luôn".
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới GD-ĐT mới đây, lãnh đạo UBND một số địa phương cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ cần sửa quy định, đưa nhân viên y tế vào vị trí biên chế trong trường học để các địa phương có căn cứ tuyển dụng, tránh tình trạng nhiều trường "trắng" nhân viên y tế như hiện nay.
Bộ GD-ĐT đề xuất gì ?
Thông tin thêm về căn cứ ban hành hai thông tư trên và việc nhân viên y tế được xếp vào nhóm hỗ trợ, phục vụ và hợp đồng, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), lý giải: ngày 30.12.2022, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNV, trong đó vị trí y tế học đường được xếp vào danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ. Đội ngũ nhân viên y tế trường học tuyển mới sau ngày 15.2.2023 (thời điểm Thông tư số 12/2022/TT-BNV có hiệu lực) thì thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận ghi nhận từ thực tế cho thấy quy định này khiến nhân viên y tế có nhiều tâm tư. Bộ GD-ĐT nhận được nhiều ý kiến của các tỉnh, thành phố, của đội ngũ nhân viên trường học liên quan đến danh mục vị trí việc làm.
Do vậy, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm. Trong đó, đề nghị điều chỉnh vị trí "y tế học đường" từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục. (Thanh niên trang 17)
Phá ổ nhóm giả danh bác sĩ lừa bán thực phẩm chức năng giá cao
Giá nhập thực phẩm chức năng của doanh nghiệp và nhóm đối tượng lừa đảo này chỉ từ 30.000- 40.000 đồng/hộp nhưng được bán lại cho người bệnh với giá 1-3 triệu đồng/hộp tùy theo loại bệnh.
Ngày 17-12, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, trên cơ sở tố cáo của một công dân (ở xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, Bắc Giang) về việc bị đối tượng giả danh bác sĩ lừa đảo số tiền rất lớn, Công an huyện Tân Yên phối hợp cùng nhiều đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bắc Giang đã triệt phá được ổ nhóm mạo danh bác sĩ lừa bán thực phẩm chức năng cho rất nhiều người, thu lời bất chính gần 75 tỷ đồng.
Theo đó, sau khi xác định được một đối tượng giả danh là Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu tại Hà Nội thực chất chỉ là nhân viên Công ty TNHH Bảo Long Dược (ở số 10B, ngõ 88, đường Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), lực lượng chức năng đã khám xét khẩn cấp Công ty TNHH Bảo Long Dược và các địa điểm có liên quan tới doanh nghiệp này ở Hà Nội.
Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ 287 thùng carton chứa các loại thuốc, 68 bộ máy tính và laptop, 267 điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo.
Tiến hành điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định, Công ty TNHH Bảo Long Dược do Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1997, ở xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) và chồng là Đặng Văn Thắng (sinh năm 1996, ở thôn Văn Lãng, xã Quang Trung, Phú Xuyên, Hà Nội) cùng quản lý. Công ty hoạt động theo hình thức đa cấp, mạo danh các y, bác sĩ nổi tiếng để lừa đảo bằng hình thức quảng cáo, tư vấn không đúng sự thật về tình trạng bệnh tật của bệnh nhân nhằm bán thực phẩm chức năng với giá cao cho người bệnh
Giá nhập thực phẩm chức năng của doanh nghiệp và nhóm đối tượng lừa đảo này chỉ 30.000-40.000 đồng/hộp nhưng bán cho người bệnh với giá từ 1-3 triệu đồng/hộp tùy theo loại bệnh.
Chỉ từ tháng 10-2022 đến ngày 15-12, nhóm đối tượng này đã bán khoảng 80.000 đơn hàng thực phẩm chức năng giả cho hơn 20.000 bị hại ở khắp cả nước, thu lợi bất chính gần 75 tỷ đồng.
Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Yên đang tạm giữ 22 đối tượng để điều tra, xử lý. (Sài Gòn giải phóng trang 7)
Dịch cúm A hoành hành miền Bắc
Những tháng cuối năm giao mùa, thời tiết lạnh, hanh khô là thời điểm lí tưởng để các tác nhân gây bệnh hô hấp bùng phát và lây lan mạnh mẽ. Hiện miền Bắc bước vào đỉnh dịch cúm A với số ca mắc tăng cao, nhất là lứa tuổi học sinh và trẻ nhỏ.
Nhiều nơi quá tải
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 100 trẻ mắc cúm A. Trong đó có những trường hợp biểu hiện nặng, có biến chứng được chỉ định nhập viện. Đang điều trị ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh nhân M.H (24 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng viêm phổi sau 2 tuần điều trị cúm A tại bệnh viện tỉnh. Hiện trẻ vẫn sốt cao, ho nhiều. Xét nghiệm còn cho kết quả bội nhiễm cả vi khuẩn phế cầu. Người nhà bé M.H cho biết, bệnh nhi bị lây cúm A từ mẹ vì trước đó mẹ bé xét nghiệm cho kết quả mắc cúm A.
Một trường hợp khác là bé 10 tháng tuổi nhiễm cúm trong khi cơ thể có sẵn bệnh lí nền bẩm sinh khiến bệnh càng tăng nặng, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy. Bác sĩ điều trị cho biết, phần lớn trẻ đang điều trị cúm tại đây bị biến chứng viêm phổi, phải thở ôxy. Ngoài ra, một số bị viêm tai giữa, thậm chí viêm màng não, viêm cơ tim.
“Cúm có thể gây ra tổn thương viêm phổi nặng, hoặc bội nhiễm các loại vi khuẩn khác làm nặng thêm tình trạng của cúm. Ngoài ra còn có bệnh nhân viêm màng não”, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết.
Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội) gần 1 tháng qua tiếp nhận hơn 150 trường hợp trẻ em đến khám và điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp, trong đó chủ yếu là cúm A, RSV. Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương, Trưởng khoa Nhi cho hay, thời gian gần đây, trẻ mắc cúm A có xu hướng gia tăng, bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp các bé lây chéo cúm A ở trường học. Bên cạnh đó, số trẻ mắc virus RSV đang gia tăng.
Các phòng khám tư cũng rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân mắc viêm đường hô hấp đến khám, trong đó bệnh nhân cúm A chiếm phần lớn. Phòng khám Dr T. ở khu chung cư Linh Đàm những ngày qua luôn đông bệnh nhân đến khám. Bác sĩ cho biết, mỗi ngày xét nghiệm nhanh tại đây cho thấy có 20-30 trường hợp cả người lớn lẫn trẻ em nhiễm cúm A. Bệnh nhân N.Đ.M, 16 tuổi (trường THPT Kim Liên) đến khám vì sốt 39 độ, toàn thân đau mỏi, hai hốc mắt nhức buốt. Kết quả test nhanh tại phòng khám cho thấy M. mắc cúm A và được bác sĩ dặn dò về cách li cẩn thận vì virus này lây lan rất nhanh dù độc lực không mạnh.
Tại nhiều trường học ở Hà Nội trong gần 3 tuần qua có nhiều học sinh, kể cả học sinh phổ thông trung học phải nghỉ học. Thậm chí có lớp vắng đến hơn chục học sinh. Nhiều em sau khi khỏi cúm A bắt đầu bị bội nhiễm dẫn đến viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi. Bác sĩ lí giải, do khi mắc cúm A sức đề kháng của cơ thể yếu đi, cộng với môi trường Hà Nội ô nhiễm nặng nên cơ thể dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nặng
TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) thông tin, những ngày miền Bắc có đợt lạnh tăng cường, bệnh nhi mắc cúm A vào viện nhiều. Dấu hiệu cảnh báo lúc đầu của cúm là sốt, nhức đầu, đau người, chảy nước mũi, ho, hắt hơi...
Các bác sĩ nhận định, dịch cúm năm nay không diễn biến bất thường như năm 2022, nhưng vẫn nên cẩn trọng phòng bệnh cho trẻ nhỏ và trong chăm sóc trẻ khi mắc cúm để tránh biến chứng. Bác sĩ Hải khuyến cáo, khi bệnh nhân có biểu hiện nặng, như thở khò khè, khó thở, co giật... cần đưa ngay đến cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý không tự ý điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus.
Cúm A là bệnh lí nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính lưu hành khi thời tiết thay đổi gây ra bởi các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1 và A/H7N9. Trong đó, hai chủng virus cúm A/H7N9 và A/H5N1 là những chủng thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng cao lây nhiễm sang người và tạo thành dịch thậm chí đại dịch. Thông thường, bệnh có diễn biến nhẹ và bệnh nhân hồi phục sau 2 - 7 ngày. Tuy nhiên đối với những đối tượng nhạy cảm có thể diễn biến nặng hơn, dễ biến chứng và tử vong.
“Biến chứng nặng nhất của cúm A là suy hô hấp với các triệu chứng như thở gấp, đờm lẫn máu, khó thở,… dẫn đến viêm phổi, cơ thể thiếu ôxy dẫn đến tử vong. Do đó việc chăm sóc tại nhà và thường xuyên theo dõi diễn biến bệnh để kịp thời phát hiện các dấu hiệu trở nặng rất quan trọng. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu nặng lên, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán xác định và lên kế hoạch điều trị phù hợp”, TS Đỗ Thiện Hải nói thêm.
Trước tình hình dịch cúm A đang lây lan mạnh, chủ yếu ở lứa tuổi học trò, TS. Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, các bậc phụ huynh và giáo viên cần phát hiện sớm bệnh cúm A ở trẻ để cách li, phòng tránh lây lan trong môi trường học đường. (Tiền phong trang 4)
Khuyến cáo người dân thực hiện “2K”
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện 2K (khẩu trang – khử khuẩn) để phòng bệnh COVID-19 và các bệnh lây qua đường hô hấp.
Bộ Y tế cho biết, hệ thống giám sát dịch bệnh đã nhận được thông báo về việc gia tăng các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt là COVID-19 tại một số quốc gia như Malaysia (tăng từ 50-100%), Singapore (tăng khoảng 65% trong tuần cuối tháng 11, đầu tháng 12).
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam hiện vẫn được kiểm soát; số ca bệnh ghi nhận thấp, rải rác và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Cùng đó, số ca nhập viện và số bệnh nhân nặng cũng thấp. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.
Bộ Y tế khuyến cáo hiện nay đang trong giai đoạn vào mùa đông xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường, nhu cầu giao thương, đi lại, du lịch cuối năm tăng cao, là nguyên nhân và điều kiện cho sự xuất hiện, lây lan bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh. Vì vậy, người dân cần thực hiện 2K (khẩu trang – khử khuẩn) để phòng bệnh COVID-19 và các bệnh lây qua đường hô hấp. (Công an Nhân dân trang 1)
Tầm soát đột quỵ và loạt chiêu trò vẽ xét nghiệm moi tiền khách hàng
Bằng cách cường điệu hóa những nguy cơ về căn bệnh đột quỵ, loạt phòng khám, bệnh viện... tại Hà Nội đã dùng nhiều chiêu trò thu hút bệnh nhân mua các gói tầm soát đột quỵ giá cao. Không dừng lại ở việc bán các gói tầm soát, các dịch vụ chưa được cấp phép, ẩn chứa nhiều biến chứng như môi giới đưa người đi Nhật Bản lọc máu ngừa đột quỵ cũng được phóng viên ghi nhận.
Mồi chài người bệnh mua gói tầm soát giá cao
Thời gian gần đây, tận dụng thời điểm chuyển mùa lượng bệnh nhân đột quỵ ở một số bệnh viện tăng cao hơn bình thường, nhiều cơ sở y tế đã ra sức chạy quảng cáo, bán các gói tầm soát đột quỵ giá cao với nhiều lời mời gọi “bùi tai”.
Giới thiệu là người trẻ có nhu cầu tìm hiểu về dịch vụ dự phòng đột quỵ, những chiêu mồi chài người bệnh mua gói tầm soát đột quỵ giá cao được chúng tôi ghi nhận.
Tại phòng khám có tên T - Masuoka có địa chỉ tại tòa nhà VJM, 154 Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình, Hà Nội), PV nhanh chóng được nhân viên của đơn vị này mời đến khu vực riêng để "chăm sóc" khi giới thiệu có nhu cầu tìm hiểu về gói tầm soát đột quỵ.
"Đột quỵ bây giờ không thể nói trước được đâu chị, ai cũng có thể mắc. Ở gia đình em, gần đây cũng có một anh họ mắc bệnh này. Đột quỵ có thể xảy ra trong lúc tắm, thậm chí là lúc ngủ, vì vậy tầm soát đột quỵ sớm là vô cùng quan trọng. Bên em là chi nhánh của một hệ thống y tế lớn của Nhật Bản, các gói khám đột quỵ có bác sĩ hàng đầu thăm khám, gói đặc biệt có bác sĩ Nhật Bản trực tiếp siêu âm chụp chiếu, vô cùng yên tâm chị ạ" - Thùy An giới thiệu.
Sau khi đưa ra loạt nguy cơ khiến khách hàng lo lắng đột quỵ có thể xảy đến với mình bất cứ lúc nào, nhân viên của phòng khám T - Matsuoka tiếp tục đưa ra giải pháp là các gói khám giá cao cùng cam kết sẽ phát hiện và ngăn chặn mọi nguy cơ đột quỵ.
"Gói tầm soát nguy cơ đột quỵ cơ bản bên em có giá 10,3 triệu đồng, chị sẽ được khám trong 120 phút. Gói này sẽ được bác sĩ Đinh Thị Thu Hương - nguyên Viện phó Viện Tim mạch Việt Nam thăm khám. Gói cao cấp hơn là Ningen Dock, khám toàn thân có giá 65 triệu đồng, gói này sẽ được đặt lịch khám với bác sĩ Nhật Bản, thực hiện trong khoảng 2 ngày. Nếu chị mua thời điểm này sẽ được chiết khấu vì đang nằm trong tháng quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Em cũng sẽ xin riêng ở ngoài chiết khấu dành cho nhân viên tặng chị" - Thùy An thuyết phục.
Theo giới thiệu của nhân viên chăm sóc khách hàng tại T - Masuoka, tại phòng khám luôn có 1 bác sĩ Nhật Bản phụ trách thăm khám cho bệnh nhân mua các gói tầm soát cao cấp.
Theo nguồn tin của Lao Động, phòng khám này chỉ được cấp phép cho 1 bác sĩ người Nhật Bản hành nghề.
Tại phòng khám Tomec nằm tại đường Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), gói khám tầm soát đột quỵ với các dịch vụ như: Xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ... cũng được nhân viên tư vấn đưa ra cho khách hàng sau khi thuyết phục rằng, căn bệnh này có thể xảy đến với bất kỳ ai.
"Bên em dù là phòng khám nhưng máy móc đầy đủ, bác sĩ giỏi, chuyên khám sức khỏe tổng quát cho các doanh nghiệp. Thanh niên đến chỗ em chụp chiếu tầm soát đột quỵ rất nhiều. Giá trị nhất là phần chụp MRI", Thương - nhân viên tư vấn của phòng khám Tomec thuyết phục PV.
Lách luật, môi giới người đi Nhật Bản lọc máu ngừa đột quỵ
Ngoài tầm soát đột quỵ bằng xét nghiệm máu, hình ảnh, chụp CT, MRI… lọc máu dự phòng là phương pháp thường xuyên được nhiều cơ sở y tế quảng cáo để thu hút người mua gói tầm soát đột quỵ với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Giới thiệu là người có nhu cầu tư vấn lọc máu ngừa đột quỵ, chúng tôi được Thương - nhân viên của Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Nam Nhật Bản (JVI) hẹn đến tư vấn dịch vụ tại tầng 12, tòa nhà ICON4, 243A Đê La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội).
"Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ là do mạch máu xơ vữa làm máu trong mạch tắc nghẽn, không tuần hoàn được dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Lọc máu thì nó sẽ giúp giảm cái nguy cơ đấy" - Thương cho hay.
Thương cho biết, giá của mỗi lần lọc máu tại Nhật mà công ty này cung cấp là 120 triệu đồng, chưa kể các chi phí như vé máy bay, đi lại, ăn ở, phiên dịch… tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng/lần lọc máu. Để thuận lợi cho khách hàng, JVI còn cung cấp luôn cả dịch vụ “lo” visa.
Phương pháp lọc máu không dùng để hạn chế đột quỵ
TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc - Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) - khẳng định: Lọc máu không thể dự phòng đột quỵ.
"Lọc máu là một phương pháp làm sạch máu trong cơ thể, giúp điều trị những rối loạn bệnh lý mà thuốc hoặc phẫu thuật không thể thực hiện. Đây là phương pháp điều trị chứ không phải tầm soát. Còn đột quỵ liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực...
Tầm soát đột quỵ trước tiên phải xem người bệnh có bệnh lý về tim mạch không, sau khi đã kiểm tra các yếu tố bác sĩ phân tầng nguy cơ của từng trường hợp cụ thể. Từ đó bác sĩ mới khám lâm sàng và đưa ra kết luận cụ thể. Từ tầm soát đột quỵ nghe rất chung chung, “bùi tai” để lấy tiền người bệnh. Lọc máu không dùng để hạn chế đột quỵ. Lọc máu để phòng ngừa, tầm soát đột quỵ như thông tin quảng cáo là không hợp lý" - BS Mai Ngọc phân tích. (Lao động trang 1)