Hành trình đỏ 2016 hoàn thành sứ mệnh kết nối dòng máu Việt
Ngày 31-7, Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội đã tổ chức tổng kết Hành trình đỏ 2016 và Ngày hội hiến máu “Giọt hồng tri ân”. Xuất quân từ ngày 5-7-2016, Hành trình Đỏ vận động hiến máu tình nguyện đã đi qua 26 tỉnh, thành; tinh thần hiến máu tình nguyện đã lan tỏa đến nhiều tầng lớp nhân dân ở cả những huyện vùng xa, vùng biên giới. Đặc biệt, trong lần đầu tiên Hành trình Đỏ đến với huyện miền núi Thuận Châu (Sơn La), đã có rất nhiều đồng bào dân tộc vượt hàng chục km đường đèo dốc đến tham gia ngày hội hiến máu “Mùa hoa mận đỏ”, kết quả tiếp nhận được 401 đơn vị máu. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, Hành trình Đỏ 2016 đã thực hiện thành công sứ mệnh “Kết nối dòng máu Việt” với những hoạt động cụ thể. Tính đến ngày 28-7, tổng số đơn vị máu mà Hành trình Đỏ 2016 đã tiếp nhận được là 23.394 đơn vị, trong đó dẫn đầu là TP Hà Nội với 2.295 đơn vị máu. Lượng máu này không chỉ góp phần đảm bảo nguồn máu cho cấp cứu, điều trị tại địa phương trong dịp hè mà còn góp phần điều tiết máu trên phạm vi toàn quốc. Ngay trong Ngày hội hiến máu “Giọt hồng tri ân” - là ngày hội cuối cùng trong chuỗi Hành trình Đỏ 2016 với thông điệp “Mỗi trái tim - Một ngọn lửa anh hùng”, Ban tổ chức dự kiến sẽ tiếp nhận thêm 3.000 đơn vị máu để phục vụ điều trị dịp hè 2016. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Ngày hội cũng vận động trên 2.500 người xếp hình cờ đỏ sao vàng “Kết nối dòng máu Việt” thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc (An ninh thủ đô trang 2, Tiền phong trang 7).
Lập 8 đoàn kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết
Ngày 31-7, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, những tuần gần đây đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) gia tăng nhanh tại một số tỉnh, đặc biệt tại 4 tỉnh Tây Nguyên (gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum) và một số tỉnh khu vực miền Nam, miền Trung. Nguyên nhân số ca SXH tăng mạnh là do đang vào mùa mưa, thời điểm thuận lợi nhất cho dịch SXH bùng phát và đạt đến đỉnh điểm. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch SXH trên cả nước trong những tháng mùa mưa, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Chủ tịch UBND 10 tỉnh, thành phố có số mắc, tử vong cao cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các hoạt động phòng chống SXH tại địa phương. Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch SXH tại 18 tỉnh trọng điểm ngay trong tháng 8 này (An ninh thủ đô trang 2).
Kết thúc Chương trình Hành trình Đỏ - 2016
Ngày 31-7, tại Hà Nội, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư phối hợp Ban tổ chức Hành trình Đỏ - 2016, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội và Hội Thanh niên vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội, tổ chức Ngày hội Giọt hồng tri ân và tổng kết Chương trình hiến máu xuyên Việt mang tên Hành trình Đỏ. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư dự và phát biểu ý kiến. |
Hành trình Đỏ - 2016 mang sứ mệnh “Kết nối dòng máu Việt”, diễn ra từ ngày 1 đến 31-7, đã thành công với những hoạt động cụ thể như: tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo; tổ chức hiến máu, khắc phục tình trạng thiếu máu dịp hè và nâng cao nhận thức người dân về bệnh tan máu bẩm sinh. 130 tình nguyện viên đã vượt quãng đường hơn 3.000 km, tuyên truyền trực tiếp đến hơn 500 nghìn lượt người về hiến máu và bệnh tan máu bẩm sinh; tổ chức được 27 ngày hội hiến máu lớn tại 27 tỉnh, thành phố đoàn dừng chân, thu hút hàng chục nghìn người dân tham gia hiến máu. Tại các điểm dừng chân của Hành trình Đỏ và Ngày hội Giọt hồng tri ân, Ban tổ chức đã tiếp nhận được hơn 24 nghìn đơn vị máu. Lượng máu này không chỉ góp phần bảo đảm nguồn máu cho cấp cứu, điều trị tại địa phương trong dịp hè, mà còn góp phần điều tiết máu trên phạm vi toàn quốc. Đáng chú ý, Hành trình Đỏ tiếp tục thể hiện là một mô hình tình nguyện độc đáo và hiệu quả nhất trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện; góp phần kết nối cộng đồng trong tình nhân ái và trách nhiệm, là một trong những điểm nhấn quan trọng đưa hoạt động hiến máu tình nguyện phát triển đồng đều tại các địa phương trong cả nước. Phát biểu ý kiến tại lễ tổng kết, đồng chí Trương Thị Mai chúc mừng thành công của Hành trình Đỏ - 2016 và cho rằng, hành trình đỏ đã khơi dậy tinh thần nhân ái, tạo nên sự lan tỏa, sẻ chia trong cộng đồng, đã mang đến niềm hy vọng và cuộc sống cho hàng triệu người bệnh trong cả nước. Đồng chí nhấn mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần sự chung tay giải quyết của xã hội, như những rủi ro trong quá trình phát triển, rủi ro của cuộc sống do thu nhập dưới ngưỡng tối thiểu, rủi ro do tuổi già, ốm đau, mất việc làm, thiên tai, dịch bệnh... Điều đó đòi hỏi sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để xây dựng các chính sách phù hợp, giảm rủi ro cho người dân; đòi hỏi toàn xã hội cùng chia sẻ thông qua các chính sách an sinh, các hoạt động nhân đạo từ thiện, trong đó hoạt động hiến máu tình nguyện là một điểm sáng góp phần giữ gìn, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong cuộc sống hiện tại. Đồng chí Trương Thị Mai cũng mong rằng ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ tham gia làm tình nguyện viên, thêm nhiều người dân hưởng ứng cuộc vận động hiến máu tình nguyện (Nhân dân trang 1, Sài gòn giải phóng trang 1, Gia đình & Xã hội trang 15). |
Chưa tăng viện phí từ 1-8
Thông tin tăng giá viện phí, dịch vụ y tế từ ngày 1-8 được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải trong những ngày gần đây, tuy nhiên trao đổi với phóng viên báo chí ngày 31-7, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, đây là thông tin chưa chính xác và việc điều chỉnh viện phí đợt 2 trong năm 2016 vẫn đang được cân nhắc. Ông Phạm Lương Sơn cho biết, tháng 6-2016, phía BHXH Việt Nam và Bộ Y tế họp đã thống nhất lùi thời hạn tăng viện phí đợt 2 năm 2016 vào tháng 8 này. Lần tăng viện phí này áp dụng ở 10 tỉnh, thành phố có số người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cao từ 90 - 95% trở lên, trong đó sẽ điều chỉnh giá viện phí của 1.900 dịch vụ y tế với mức tăng khá mạnh nhưng chỉ áp dụng với đối tượng bệnh nhân có thẻ BHYT.
Tuy nhiên, vừa qua, phía BHXH và Bộ Y tế đã quyết định chưa thực hiện trong tháng 8 vì lo ngại viện phí tăng sẽ tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào thời điểm này. “Do chỉ số CPI đang tăng nên chưa thể thực hiện tăng viện phí từ 1-8. Lý do bởi nếu tăng giá dịch vụ y tế, chỉ số CPI sẽ bị tác động và ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô” - ông Phạm Lương Sơn lý giải.
Trả lời về mốc thời gian dự kiến triển khai việc tăng viện phí đợt 2 năm 2016, ông Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế vẫn tiếp tục phải cân nhắc từ giờ tới cuối năm. Cũng theo lộ trình được BHXH Việt Nam và Bộ Y tế thống nhất đề ra, ngoài đợt tăng viện phí thứ hai trong năm 2016, từ cuối 2016 đến nửa đầu 2017 sẽ tiếp tục có thêm nhiều đợt điều chỉnh viện phí mới. Dự kiến mỗi đợt điều chỉnh viện phí sẽ thực hiện ở 8 - 12 tỉnh, thành phố (theo thứ tự các địa phương có độ bao phủ BHYT từ cao xuống thấp và những áp dụng trước tại những tỉnh có mức tác động CPI thấp).
Trước đó, từ ngày 1-3-2016, tất cả 1.400 bệnh viện trên toàn quốc đều thu viện phí theo mức mới gồm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, chi phí trực tiếp cho người bệnh. Riêng các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn được thực hiện thu viện phí bao gồm cả lương thầy thuốc.
Theo BHXH Việt Nam, sau khi điều chỉnh viện phí từ 1-3 đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện trên toàn quốc. Qua kiểm tra, cơ bản đánh giá một số bệnh viện chất lượng có cải thiện, nhưng cũng có nhiều vụ việc tiêu cực về thái độ của nhân viên y tế thời gian qua được phát hiện cho thấy chất lượng dịch vụ y tế còn thấp, nhất là khâu đổi mới về tư duy và quản trị bệnh viện vẫn chưa tốt. Nhiều chuyên gia cho rằng nên sớm cho các bệnh viện thu đúng, thu đủ chi phí dịch vụ (áp dụng trước ở nhóm bệnh nhân BHYT), đồng thời chuyển phần ngân sách vốn dành cho ngành y tế sang hỗ trợ người thụ hưởng dịch vụ thông qua việc hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT. Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các bệnh viện trong cải thiện chất lượng dịch vụ (An ninh thủ đô trang 6).
Điều tra vụ 80 công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Yên Bái
Ngày 31-7, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Chánh văn phòng UBND tỉnh và Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái quyết liệt giải quyết vụ việc ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn của Công ty may Unico Hàn Quốc.
Trước đó, sau ca ăn trưa ngày 30-7, khoảng 80 công nhân tại Công ty may Unico Hàn Quốc có biểu hiện đau bụng, nôn và khó chịu trong người. Thông tin ban đầu xác định, những công nhân này bị ngộ độc thực phẩm và nhanh chóng được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Thực đơn của bữa ăn gồm 7 món, bao gồm măng xào thịt, Rau muống luộc, bí xanh xào, dưa hấu, Phở, thịt chân giò, sữa Fami và nước phở…
Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong đề nghị Yên Bái yêu cầu đình chỉ tạm thời hoạt động của bếp ăn tập thể tại Công ty may Unico Hàn Quốc để điều ra, xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm. Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về ATTP và cảnh báo cho cộng đồng (nếu có). Cùng đó, phải tăng cường giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP của các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Kiên quyết không để các đơn vị cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn sẵn, các bếp ăn tập thể không bảo đảm đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được kinh doanh hoạt động.
Cục ATTP cũng yêu cầu các doanh nghiệp tuyệt đối không ký hợp đồng cung cấp dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn không đủ điều kiện, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (An ninh thủ đô trang 7).
Tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế khoảng 30% từ tháng 8.2016
Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng vào cuối tháng 8 năm nay với mức tăng khoảng 30%. Với việc đưa lương vào viện phí, đợt điều chỉnh lần này ước có gần 2.000 dịch vụ kỹ thuật tăng giá. Mức giá điều chỉnh mới sẽ áp dụng cho các bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Đợt điều chỉnh đầu tiên vào tháng 8 này sẽ thực hiện điều chỉnh giá viện phí tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT cao (khoảng 95%); đợt 2 (tháng 10.2016) tại các tỉnh có tỷ lệ BHYT khoảng 90% dân số; đợt 3 (tháng 11.2016) tại các tỉnh có tỷ lệ BHYT trên 85%; đợt 4 (tháng 12.2016) ở các tỉnh có tỷ lệ BHYT trên 80% và đợt 5 (tháng 1.2017) ở các tỉnh còn lại.
Trước đó, từ 1.3.2016, liên bộ Y tế - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế với mức tăng bình quân khoảng 25 - 30% (tính chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù), áp dụng cho bệnh nhân có BHYT. Giá dịch vụ y tế được các bệnh viện áp dụng tại thời điểm này cũng đã tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Riêng các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ hoàn toàn về tài chính, giá dịch vụ y tế đã bao gồm chi phí chi trả lương nhân viên y tế từ thời điểm 1.3.2016 (Thanh niên trang 2).
Dùng phương pháp Kangaroo cho 3 bé sinh non
Chiều 31.7, BS CK2 Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ, cho biết 4 mẹ con sản phụ N.K.M (27 tuổi, quê Hậu Giang) đến nay sức khỏe đã ổn định, chuẩn bị xuất viện. Trước đó, sản phụ M. nhập viện trong tình trạng thai 33 tuần rưỡi, huyết áp cao, mắt mờ. Qua thăm khám, bác sĩ xác định sản phụ mang 3 thai và bị tiền sản giật nặng, nếu không xử lý kịp thời thì mẹ lẫn con đều nguy hiểm tính mạng. Tiến hành phẫu thuật, bác sĩ giúp 3 trẻ chào đời (nhẹ nhất 1,5 kg, nặng nhất 2 kg) thành công. Do sinh non, các bé phải thở máy. Sau đó, bệnh viện áp dụng phương pháp Kangaroo (da liền da) cho 3 cháu với cha, bà nội (Thanh niên trang 8).
Dịch sốt xuất huyết đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt xuất huyết diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và thường tăng cao vào các tháng mùa mưa. Trong những tuần gần đây, số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao, tập trung tại một số tỉnh, đặc biệt là ở 4 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và TP Hồ Chí Minh. Đến ngày 31-7, chỉ riêng 4 tỉnh Tây Nguyên đã có gần 8.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 4 người đã tử vong. Gần 1 tháng nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đều phải tiếp nhận từ 50 -60 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Cũng chỉ từ trong tháng 7, Gia Lai đã có 130/222 xã, phường có bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
Cục Y tế Dự phòng giải thích nguyên nhân số ca sốt xuất huyết tăng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, là do đang vào mùa mưa. Hiện tượng El nino xảy ra tại Việt Nam làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường, là điều kiện cho muỗi phát sinh phát triển. El nino gây hạn hán trên diện rộng, làm cho các hộ gia đình tăng việc trữ nước tại các dụng cụ chứa nước, tạo thuận lợi cho muỗi đẻ trứng.
Thêm vào đó, khu vực Tây Nguyên không phải vùng lưu hành sốt xuất huyết phổ biến trong những năm qua, nên miễn dịch đối với sốt xuất huyết của cộng đồng ở mức thấp. Vì thế, khi xuất hiện dịch sẽ bị lây lan và bùng phát nhanh. Người dân trong khu vực phần lớn là người dân tộc ít người, dân trí còn thấp, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Qua kiểm tra thực tế tại khu vực này, rất nhiều hộ gia đình còn sử dụng dụng cụ, bể chứa nước sinh hoạt không đậy nắp, nhiều lốp xe công nông cũ không còn sử dụng để ngoài vườn, chai lọ, chum vại và các vật chứa nước đọng không được xử lý, nên muỗi vào đẻ trứng và lăng quăng/bọ gậy phát triển.
Bên cạnh đó, tình trạng đô thị hóa và di biến động dân số khu vực Tây Nguyên gia tăng, mạng lưới y tế còn mỏng, chưa nhiều kinh nghiệm trong phòng chống sốt xuất huyết. Kinh phí chống dịch, đặc biệt phòng chống sốt xuất huyết của Trung ương từ đầu năm 2016 chưa được cấp, kinh phí các địa phương cũng rất hạn chế nên việc phòng, chống dịch gặp khó khăn. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền và người dân chưa thật chủ động, tích cực trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ngành y tế cũng nhận định rằng, bệnh sốt xuất huyết ở Tây Nguyên tiếp tục có chiều hướng tăng nhanh trong thời gian tới, vì vậy công tác phòng, chống bệnh dịch cần được chú trọng.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiện đang có nhiều khó khăn. Đó là chưa có vaccine phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, sự tham gia chủ động của từng người dân và của các ngành, nhất là sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp chính quyền trong việc đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác phòng chống dịch hết sức quan trọng, để khống chế và kiểm soát bệnh dịch này tại các địa phương.
Bên cạnh đó, trên thế giới, những tuần gần đây, bệnh sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp, trong đó, các nước láng giềng của Việt Nam là Lào, Campuchia, Trung Quốc cũng không ngoại lệ, càng khiến cho việc phòng, chống dịch của Việt Nam thêm khó khăn.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng trong những tháng mùa mưa. Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị Chủ tịch UBND 10 tỉnh, thành phố có số mắc và tử vong cao cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương. Bộ Y tế cũng tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 18 tỉnh trọng điểm.
Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xử lý các dụng cụ chứa nước không đúng quy định, vỏ lốp xe công nông và các vật dụng phế thải chứa ổ bọ gậy nguồn; chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết”, giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch, tăng cường các hoạt động truyền thông và sẵn sàng vật tư trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh (Công an nhân dân trang 2, Nhân dân trang 8).