Nhiều du khách nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
Đến sáng 31-7, bốn bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nặng nhất trong số 46 người nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã xuất viện. Đây là vụ nghi ngộ độc thực phẩm với lượng người đông nhất xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng trong sáu tháng đầu năm 2017. Trước đó, vào tối 29-7, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận 20 bệnh nhân là du khách đến từ quốc gia Lào, các bệnh nhân đều có các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng đau quặn bụng, đau đầu, sốt, đi cầu lỏng, nôn mửa. Đến trưa 30-7, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận thêm 26 thành viên trong đoàn bị ngộ độc, nâng tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị là 46 người, trong đó có 42 người lớn và bốn trẻ em. Hiện, Sở Y tế Đà Nẵng đã tiếp nhận thông tin và đang tiến hành xác minh, làm rõ nguyên nhân gây ngộ độc của đoàn khách trên (Nhân dân, trang 5; Thanh niên, trang 2; Nông thôn ngày nay, trang 5).
Đào tạo trực tuyến nuôi dưỡng trẻ nhỏ
Chiều 31/7, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) khai trương Hệ thống đào tạo trực tuyến về nuôi dưỡng trẻ nhỏ đầu tiên ở Việt Nam. Dựa vào tài liệu "Nuôi dưỡng trẻ nhỏ" do Bộ Y tế phê duyệt, 20 chủ đề về kiến thức và kỹ năng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ được xây dựng thành các bài giảng trực tuyến chi tiết với hình ảnh minh họa, tài liệu tham khảo nhằm truyền tải kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, nuôi dưỡng trẻ nhỏ cho mọi đối tượng. Hệ thống sẽ đào tạo và cấp chứng chỉ về tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ cho học viên học tập và công tác trong lĩnh vực y tế trên toàn quốc. Khóa học được các chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ giàu kinh nghiệm của Viện Dinh dưỡng quốc gia trực tiếp giảng dạy và hỗ trợ trực tuyến (Nhân dân, trang 5).
Vụ bệnh nhân phải cưa 1/3 chân: Cắt thi đua êkip trực
Ngày 31-7, ông Tạ Tùng Lâm - phó giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho biết sở này đã có quyết định xử lý kỷ luật êkíp trực vụ em Trần Trúc Giang (16 tuổi) bị cắt 1/3 chân phải sau khi được nẹp chân.
Theo đó, êkíp trực gồm một bác sĩ và một điều dưỡng bị cắt thi đua năm 2017. Ngoài ra, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tân Hồng sẽ không được xét bất kỳ thành tích thi đua nào trong năm 2017.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 11-4, trên đường chạy xe giao gas, Giang vấp phải ống bơm nước kéo ngang đường nên bị té xe. Sau khi té ngã Giang được người dân bên đường đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Hồng để điều trị. Tại đây, bác sĩ chỉ định nẹp chân cho Giang và bảo là "không sao".
Đến trưa 12-4, Giang được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp sau đó được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Tại đây, bác sĩ buộc phải cắt 1/3 chân Giang vì bị hoại tử do tắc động mạch khoeo, không thể điều trị bảo tồn.
Theo kết luận của hội đồng chuyên môn, Bệnh viện đa khoa Tân Hồng do thiếu kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn nên đã xử trí chưa đúng, chưa có chỉ định chế độ theo dõi và phát hiện sớm biến chứng tổn thương mạch máu (Tuổi trẻ trang 4).
Hôm nay (1-8), các bệnh viện Hà Nội chính thức tăng giá viện phí
Hôm nay (1-8), các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc TP Hà Nội sẽ điều chỉnh theo hướng tăng giá đối với 10 loại dịch vụ khám, chữa bệnh và hơn 1.900 loại vật tư, thiết bị y tế.
Theo đó, việc tăng giá được áp dụng với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã/phường/thị trấn; người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế; người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nhưng đi khám, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này được áp dụng theo Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế nhằm hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt giá giữa khám, chữa bệnh của người không có thẻ bảo hiểm y tế và người có thẻ bảo hiểm y tế trong cùng một cơ sở khám, chữa bệnh.
Việc điều chỉnh này chỉ tác động đến các đối tượng chưa tham gia bảo hiểm y tế (chiếm 17,6% dân số Hà Nội), không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo bởi các đối tượng này đã được Nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (Hà Nội mới, trang 1; An ninh Thủ đô, trang 1).
Thành lập đội xung kích diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng nhanh, tình hình thời tiết như hiện nay là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển.
Để chủ động phòng chống dịch, cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh; nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh của cộng đồng. Bắt đầu từ tháng 8-2017, Hà Nội yêu cầu các quận, huyện trọng điểm về sốt xuất huyết cũng như những địa phương có nguy cơ cao về dịch bệnh này phải thành lập được các đội xung kích diệt bọ gậy tại khu dân cư với số lượng từ 8 đến 10 người/đội.
Được biết, từ ngày 24 đến 30-7, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 2.300 trường hợp mắc mới sốt xuất huyết. Các đơn vị có số mắc cao là Hoàng Mai với 400 ca, Đống Đa (380), Hai Bà Trưng (224), Thanh Xuân (178), Cầu Giấy (142), Ba Đình (113), Thanh Trì (106)… (Hà Nội mới, trang 1).
Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế bằng công nghệ
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám định bảo hiểm y tế nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi. Đánh giá về tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bênh BHYT, BHXH Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề nóng trong thực hiện chính sách. Dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT ngày một gia tăng từ cả phía người tham gia BHYT lẫn các cơ sở khám chữa bệnh BHYT… (An ninh Thủ đô, trang 6).
Tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng khi liên thông kết quả xét nghiệm
Ngày 31.7, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong tháng 8, Bộ sẽ đánh giá việc thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm sau 1 tháng triển khai. Việc liên thông này trước mắt đã được thực hiện với các bệnh viện tuyến T.Ư trực thuộc Bộ Y tế, với khoảng 70 chỉ số xét nghiệm cơ bản về sinh hóa, vi sinh…(Thanh niên, trang 4; Tiền phong, trang 6).
Mổ cứu bệnh nhân ung thư di căn có gần 100 khối u trong ổ bụng
Ngày 31-7, Bệnh viện K cho biết, khoa Ngoại bụng I - Bệnh viện K cơ sở Tân Triều vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Tăng Hữu A. (51 tuổi, ở Nam Định) được chẩn đoán GIST thân vị dạ dày lan rộng ổ bụng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị, đau âm ỉ liên tục. Tại Bệnh viện K, kết quả xét nghiệm và chụp chiếu cho thấy bệnh nhân A, có những khối u xuất phát từ thân vị xâm lấn lách, kích thước lớn nhất 13x8cm, ngoài ra rải rác khắp ổ bụng có rất nhiều u kích thước to nhỏ khác nhau, trong đó có một số khối u gây tắc ruột non, ổ bụng có dịch. Tiên lượng đây là một ca bệnh khó vì có quá nhiều khối u đã biến chứng chảy máu, nguy cơ tắc ruột và chèn ép nhiều cơ quan, nếu không phẫu thuật kịp thời, nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao.
Kíp phẫu thuật dưới sự chỉ đạo của TS Phạm Văn Bình - Trưởng khoa Ngoại bụng I kéo dài trong hơn 6 giờ đồng hồ, đã cắt bỏ một phần dạ dày kèm lách, cắt nhiều đoạn ruột bị u xâm lấn nguy cơ gây tắc ruột tương lai, lấy tối đa u lử tiểu khung và những u rải rác trong ổ bụng. Khi lấy ra gần 100 khối u trong ổ bụng, nhiều khối u đã vỡ gây chảy máu, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân có thể tự thở, các chỉ số huyết động ổn định và tiếp tục được theo dõi (An ninh Thủ đô, trang 2; Nông thôn ngày nay, trang 2).