Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Không để dân nghèo phải 'cõng' giá thuốc cao; 30.000 phụ nữ mang gene bệnh rối loạn đông máu; Bộ Y tế yêu cầu làm rõ việc bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất bị hành hung; Ở “phòng tuyến” cuối cùng chống bỏng.

 

Không để dân nghèo phải 'cõng' giá thuốc cao

Đề cập đến câu chuyện giá thuốc tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá sáng 17/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn, “dân còn nghèo mà giá thuốc lại cao chót vót là không được”. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngay trong tháng 5 này, Bộ Y tế phải tiến hành ngay đấu thầu tập trung để giảm giá thuốc xuống.

Đấu thầu ngay để giảm giá thuốc

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, còn 14 địa phương sẽ phải điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh trong năm nay theo lộ trình. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ gửi công văn tới các địa phương đăng ký thời điểm tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh với người không có thẻ BHYT.

Về công tác quản lý giá thuốc, ông Tuấn cho hay, thị trường dược phẩm ổn định và cũng đã công khai giá thuốc trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược. Bộ Y tế đang tập trung nguồn lực để triển khai đấu thầu giá thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá. Dự kiến trong năm 2017 sẽ có kết quả đấu thầu tập trung và đàm phán giá, khắc phục triệt để tình trạng chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương cũng như các loại thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung, thuốc biệt dược…

Không hài lòng về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cho biết cụ thể là thời điểm nào sẽ tổ chức đấu thầu và bao giờ sẽ giảm giá thuốc? Ông Tuấn trích dẫn hàng loạt những việc mà Bộ đã làm và cho biết, dự kiến trong quý II/2017, cụ thể là tháng 6 sẽ hoàn chỉnh để thực hiện.

“Tháng 6 là muộn quá. Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành hết lòng với ngành y tế trong việc điều chỉnh giá theo lộ trình bước hai. Còn bước ba mới là bước quan trọng. Do đó, nếu năm nay các đồng chí không điều chỉnh giá thuốc xuống thì bước ba không thực hiện được đâu”,  Phó Thủ tướng cảnh báo.

Ông Tuấn thanh minh Bộ Y tế đã chỉ đạo trung tâm đấu thầu hết sức khẩn trương để thực hiện… “Quy định đã có đầy đủ hết rồi, các đồng chí cứ làm đi. Chứ cứ nói quý II thì tháng 6 cũng là quý II. Coi chừng sang tháng 6, các đồng chí lại nói sang quý III”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng khẳng định, việc trung tâm đấu thầu thuốc đã được thành lập từ năm 2016, nhưng đến nay chưa cụ thể là ngày nào, tháng nào thực hiện là không được. “Không thể chấp nhận mãi việc này. Dân còn nghèo mà giá thuốc cứ cao thì sao được”, Phó Thủ tướng nói.

Trước ý kiến trên, ông Tuấn tiếp tục thanh minh là, Bộ Y tế đã quán triệt tinh thần này và đã chỉ đạo quyết liệt với trung tâm nhưng vẫn còn những vướng mắc… “Vướng mắc gì là việc của Bộ, còn Chính phủ giao cho các đồng chí là phải thực hiện ngay trong tháng 5. Trong tháng 5 phải tổ chức đấu thầu giá thuốc ngay”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Đến lúc này, ông Tuấn hứa sẽ chỉ đạo để tổ chức đấu thầu giá thuốc ngay trong tháng 5/2017. Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng khẳng định sẽ tổ chức đấu thầu giá thuốc tập trung trong tháng 5 tới, với khoảng từ 5- 10 nhóm thuốc.

Chốt lại, Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 5 này phải tổ chức đấu thầu giá thuốc. Trong năm 2017, các cơ quan chức năng phải tăng cường phối hợp để giảm giá thuốc từ 10- 15%... (Tiền phong trang 1)

 

30.000 phụ nữ mang gene bệnh rối loạn đông máu

Hưởng ứng Ngày Hemophilia thế giới (17/4) tổ chức chiều ngày 15/4, ThS.BS Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Trung tâm Hemophilia (Viện Huyết học - Truyền máu TƯ), Tổng thư ký Hội Rối loạn đông máu Việt Nam cho biết, cách đây không lâu Trung tâm đã phát hiện một dòng họ ở Thường Tín có 18 người cùng mắc bệnh rối loạn đông máu.

“Ước tính tại Việt Nam có khoảng 30.000 người phụ nữ mang gen hemophilia và hàng ngàn phụ nữ đang chịu ảnh hưởng của các rối loạn chảy máu khác nhau. Người bệnh nếu “lỡ” mang thai, trong khi một trong hai bố mẹ mang gene bệnh Hemophilia, có thể tiến hành chọc ối khi thai nhi đủ 16 tuần để xét nghiệm xem liệu thai nhi có mắc bệnh hay không để tư vấn định hướng xử trí cho thai phụ và người nhà” – BS Mai khuyên.

Trong thời gian tới, Hội Rối loạn đông máu Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn, đào tạo nhằm nâng cao hiểu biết về bệnh; tăng cường hoạt động của các nhóm đồng đẳng tạo sự hiểu biết và hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh và người mang gen bệnh; tiếp tục đẩy mạnh việc điều trị và tư vấn người mang gen và chẩn đoán di truyền nhằm hạn chế sự lây lan của nguồn gen bệnh”. (Gia đình & xã hội trang 6)

 

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ việc bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất bị hành hung

Chiều 17-4, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa đã ký công văn số 454/KCB-QLCL gửi Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về việc bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất bị người nhà bệnh nhân hành hung, yêu cầu báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20-4.

Theo đó, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tổ chức thăm hỏi, động viên, đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất quan tâm tới công tác cấp cứu, điều trị phục hồi sức khoẻ và tâm lý cho bác sĩ. Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Thạch Thất phối hợp với Cơ quan Công an điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Y tế Hà Nội cần rà soát, chấn chỉnh công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các bệnh viện trực thuộc Sở quản lý, bảo đảm an toàn cho cán bộ và nhân viên y tế trong bệnh viện.

Trước đó, trưa 16-4, bác sĩ Lê Quang Dương – Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu bị bố của một bệnh nhi đang điều trị tại khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất) dùng chiếc cốc thuỷ tinh đập thẳng vào đầu, khiến bác sĩ bị bất tỉnh. Ông Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện cho biết, con của đối tượng hành hung bác sĩ nhập viện ngày 13-4 với chẩn đoán bị tiêu chảy do Rota vi rút. Đến ngày 16-4, người nhà có yêu cầu chuyển viện, trưởng kíp trực Lê Quang Dương xuống giải thích cho người nhà bệnh nhân.

Tuy nhiên, trong khi bác sĩ đang xem hồ sơ bệnh án thì bố bệnh nhi là anh Cấn Ngọc Giang (ở thôn Nội Thôn, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội) bất ngờ dùng chiếc cốc thủy tinh đập thẳng vào đầu bác sĩ khiến bác sĩ này bất tỉnh, máu chảy đầm đìa. Hiện nay, bác sĩ Dương đã được chuyển lên khoa Ngoại, phải khâu 7 mũi và theo dõi chấn thương sọ não.

Ngày 17-4, Sở Y tế đã tổ chức thăm hỏi, động viên bác sĩ Dương. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở đã chỉ đạo Bệnh viện Thạch Thất tập trung chữa trị cho bác sĩ, đồng thời tìm hiểu rõ sự việc. Hiện vụ việc đã được báo cáo với cơ quan công an.

Theo Bộ Y tế, đây là vụ hành hung nhân viên y tế ở mức độ nghiêm trọng thứ 4 kể từ đầu 2017 đến nay. (Hà nội mới trang 7, An ninh thủ đô trang 2, Thanh niên trang 4)

 

Ở “phòng tuyến” cuối cùng chống bỏng

Đối mặt với các vấn đề phức tạp về chuyên môn cũng như khía cạnh xã hội trong điều trị bỏng và di chứng, Đảng ủy, Ban Giám đốc Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) đã chỉ đạo các khoa chuyên môn áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật mới, hiện đại vào cấp cứu, điều trị bệnh nhân bỏng; vận động các nhà từ thiện giúp đỡ bệnh nhân nghèo, đi đôi kịp thời hỗ trợ các tuyến trong và ngoài quân đội về chuyên môn, góp phần giúp bệnh nhân bỏng vơi đi nỗi đau, sớm bình phục.

Bệnh nhân bỏng tăng

Cuối tháng ba, dù mới sáng ra, trời rét kèm theo mưa phùn nặng hạt, nhưng từ phòng khám đến các khoa chuyên môn Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Viện Bỏng) đã có rất đông người nhà đưa người thân về đây cấp cứu, điều trị bỏng và di chứng bỏng.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Viện Bỏng cho biết: Là bệnh viện tuyến cuối về điều trị bỏng và di chứng bỏng trong cả nước, thực tiễn cho thấy, đơn vị phải vượt qua không ít khó khăn, khi các vụ cháy, nổ xảy ra trong cả nước diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân bỏng cấp cứu, điều trị tăng lên; cơ cấu bệnh nhân bỏng thay đổi. Đáng ngại là xuất hiện bỏng hàng loạt (từ ba đến 10 người), bỏng thảm họa (từ 10 người trở lên), do cháy xưởng sản xuất, cháy quán bar, nổ bình ga… gây ra. Hai năm qua, trung bình mỗi năm cả nước có 25 đến 26 vụ bỏng hàng loạt do cháy, nổ và các bệnh nhân đến điều trị tại Viện Bỏng. Dù Viện được Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế đầu tư mua sắm trang, thiết bị y tế phục vụ cứu chữa bệnh nhân bỏng, nhưng trang thiết bị để phục vụ cứu chữa bỏng hàng loạt như: máy gây mê, máy thở, máy truyền dịch, máy bơm tiêm điện và các vật tư y tế khác chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đáng chú ý, bệnh nhân bỏng do điện cao thế gây ra ngày càng nhiều, để lại di chứng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao, chi phí chữa trị tốn kém. Phần lớn tai nạn đều do ý thức phòng, tránh kém; sơ cứu vết thương chưa đúng cách, nên khi đưa đến bệnh viện, bệnh bỏng thường chuyển nặng hơn do nhiễm trùng, gây sốc, rối loạn thần kinh, tim, phổi, tiêu hóa..., làm cho việc cấp cứu, điều trị càng phức tạp. Nhiều người khi bị bỏng không đến cơ sở y tế điều trị, mà tìm đến thầy lang “bốc thuốc”. Nhưng vì thầy lang không có kỹ thuật chuyên môn về bỏng, khi chữa trị làm vết thương nhiễm trùng, chuyển độ sâu...; khi đưa đến Viện Bỏng cấp cứu, người bệnh có nhiều biến chứng, buộc bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ bộ phận của cơ thể. Hơn nữa, bệnh nhân bỏng đến Viện cứu chữa chủ yếu đều là những người nghèo, người lao động, trong đó nhiều bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế, gia đình hoàn cảnh khó khăn, nên khó đáp ứng chi phí đơn thuốc điều trị bệnh.

Áp dụng kỹ thuật mới, hiện đại

Nói về sự phát triển của Viện Bỏng trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân những năm qua, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Gia Tiến cho biết: Viện đã tích cực ứng dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào điều trị bỏng, đạt trình độ của khu vực và thế giới. Trong đó, áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật mới, hiện đại như: kỹ thuật nội soi chẩn đoán và điều trị bỏng hô hấp; kỹ thuật cắt bỏ hoại tử bỏng sớm trong 72 giờ đầu sau bỏng; ghép da mắt lưới, ghép da mảnh siêu nhỏ che phủ vết thương bỏng sâu; sử dụng các vật liệu thay thế da tạm thời để che phủ vết thương (trung bì da lợn, da đồng loại do Viện sản xuất); sử dụng sản phẩm công nghệ nuôi cấy tế bào; kỹ thuật siêu lọc máu liên tục điều trị bệnh nhân nhiễm trùng, nhiễm độc bỏng cấp, suy đa tạng ở bệnh nhân bỏng nặng. Đặc biệt là kỹ thuật thở máy dài ngày, kỹ thuật thông khí mở phổi điều trị hội chứng ARDS, kỹ thuật sử dụng máy thở HFO trong điều trị bỏng hô hấp và bỏng nặng có biến chứng suy hô hấp...

“Chồng tôi là Trung tá Nguyễn Công Tuấn, 49 tuổi, cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng. Đầu tháng 2 vừa qua, trong khi làm nhiệm vụ không may bị bỏng điện rất nặng (69%), toàn thân tím tái tưởng chừng không qua khỏi. Chuyển đến Viện Bỏng điều trị bằng kỹ thuật mới, hiện đại, nên đã qua cơn nguy kịch. Ra Hà Nội chăm sóc chồng, tuy xa nhà, hai con trai còn nhỏ dại phải nhờ bà ngoại chăm nuôi, hoàn cảnh khó khăn, nhưng chứng kiến các y, bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo, bệnh tình của chồng tôi chuyển biến tốt, gia đình rất yên tâm...”, chị Đặng Thị Hồng Thủy, 41 tuổi, quê ở TP Đà Nẵng, xúc động tâm sự.

Những bệnh nhân bị bỏng sâu khi điều trị khỏi vết thương đều để lại sẹo và di chứng sau bỏng như: ngón tay bị co quắp, mặt biến dạng, cổ dính vào ngực do sẹo bỏng... làm ảnh hưởng đến chức năng vận động, thẩm mỹ. Để giải “bài toán” nêu trên, Viện Bỏng chủ động hợp tác khoa học - công nghệ với các tổ chức, cá nhân, chuyên gia trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Thụy Điển... để phát triển chuyên ngành bỏng; đồng thời, phát triển các kỹ thuật về phẫu thuật tạo hình, ứng dụng kỹ thuật vi phẫu để từng bước hoàn thiện chức năng và thẩm mỹ các vùng sẹo bỏng.

Kỹ thuật điều trị phục hồi chức năng được triển khai sớm ngay khi bệnh nhân đang điều trị; sử dụng nẹp Orfit hạn chế sẹo co kéo vùng khớp đem lại kết quả tốt. Các kỹ thuật chuyển vạt da nhánh xuyên, kỹ thuật sử dụng vạt da siêu mỏng, vạt da có kích thước lớn bằng kỹ thuật vi phẫu điều trị sẹo và biến dạng phức tạp vùng mặt, cổ; kỹ thuật tái tạo sẹo co kéo vùng cằm, cổ bằng vạt da cân thượng đòn có nối mạch vi phẫu đầu xa được duy trì thường xuyên, có hiệu quả cao đối với những bệnh nhân di chứng sau bỏng…, góp phần giúp bệnh nhân từng bước hòa nhập cộng đồng. Ứng dụng kỹ thuật vi phẫu điều trị di chứng bỏng của Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác được Bộ Y tế đánh giá là một trong 10 thành tựu của ngành y tế Việt Nam (năm 2011); được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. Bên cạnh đó, Viện thường xuyên kết hợp sử dụng thuốc y học cổ truyền để điều trị vết thương, nhất là các loại thuốc: B76 (dạng bột); thuốc mỡ Maduxin và dung dịch Berberin để chữa vết thương bỏng nông…, do Học viện Quân y sản xuất, chất lượng điều trị tương đương thuốc ngoại nhập, góp phần làm giảm chi phí điều trị.

Thực tế, nhiều bệnh nhân là người cao tuổi, có bệnh lý mãn tính kèm theo, hôn mê, vết thương bỏng loét lâu liền và loét rộng phức tạp đã từng điều trị dài ngày ở các bệnh viện khác không khỏi, nhưng khi chuyển đến Viện Bỏng, được các y, bác sĩ triển khai kỹ thuật hút áp lực âm, kỹ thuật ô-xy cao áp điều trị hỗ trợ; từng bước áp dụng kỹ thuật thủy trị liệu, ứng dụng sản phẩm từ công nghệ nuôi cấy tế bào để điều trị vết thương và ứng dụng liệu pháp mới là sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu điều trị vết thương mãn tính mang lại hiệu quả cao.

Để kịp thời hỗ trợ tuyến y tế ở các đơn vị, địa phương trong cả nước khi có tình huống bị bỏng hàng loạt, Viện Bỏng đã thành lập Đội cấp cứu cơ động (gồm: 12 cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên; hai xe ô-tô cứu thương cùng các trang, thiết bị y tế và cơ số thuốc đi cùng), duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng 24/24 giờ trong ngày. Trong các vụ: cháy xe ô-tô khách ở xã Đại Bái, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) năm 2003, làm 93 người bị bỏng; nổ bình ga tại thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) vào mồng hai Tết năm 2007, làm 36 người bị bỏng; cháy xưởng sản xuất giày da ở xã Tân Dân, huyện An Lão (TP Hải Phòng) năm 2011, làm 23 người bị bỏng; cháy, nổ khí mê-tan trong lò khai thác than ở Quảng Ninh năm 2015, làm sáu công nhân bị bỏng nặng..., khi nhận được đề nghị giúp đỡ từ cơ sở, Đội cấp cứu cơ động của Viện kịp thời có mặt tại hiện trường để phối hợp sơ cứu, cấp cứu người bị nạn, chuyển bệnh nhân nặng về Viện điều trị kịp thời.

Hết lòng vì người bệnh

Có mặt tại Khoa Hồi sức cấp cứu, dù gần trưa, nhưng các y, bác sĩ và nhân viên ở đây vẫn miệt mài công việc thay băng, truyền dịch, kiểm soát nhiễm khuẩn. Đại tá, TS Nguyễn Hải An, Chủ nhiệm Khoa chia sẻ: Mỗi năm Khoa Hồi sức cấp cứu thu dung, điều trị từ 450 đến 500 bệnh nhân. Nhưng gần đây, số bệnh nhân điều trị tại Khoa tăng lên: năm 2016, thu dung, điều trị 526 bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày có từ 14 đến 15 bệnh nhân, lúc cao điểm lên tới 20 đến 22 bệnh nhân. Mặc dù Khoa triển khai nhiều biện pháp như: hằng tuần cọ rửa nền nhà, giường bằng thuốc khử khuẩn; duy trì nghiêm vệ sinh tay trước khi can thiệp vào bệnh nhân, nhưng do bệnh nhân đông, trong số người bị bỏng nặng và rất nặng, nhiều người có bệnh lý nội khoa mãn tính nặng như: tiểu đường, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não..., nên việc kiểm soát nhiễm khuẩn gặp nhiều khó khăn. Khoa Hồi sức cấp cứu luôn duy trì nghiêm chế độ trực chuyên môn; mỗi cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên nêu cao trách nhiệm, hết lòng vì người bệnh. Có bệnh nhân hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thấy điều trị dài ngày, lại không có khả năng chi trả viện phí, nên người thân đã “buông” không đến thăm nom, chăm sóc. Khoa đã cắt cử y, bác sĩ, nhân viên thay nhau ngày đêm, vừa điều trị thuốc, vừa chăm sóc vết thương cho bệnh nhân như người thân trong gia đình.

Trung tá Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Tổ trưởng Tổ công tác xã hội của Viện Bỏng chia sẻ: Để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, Viện Bỏng đã tích cực vận động các tập thể, cá nhân, các nhóm từ thiện giúp đỡ. Đồng thời, phối hợp T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, một số ca sĩ, đoàn viên, thanh niên của trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức các chương trình: “Mang âm nhạc đến bệnh viện”, “Ánh trăng tuổi thơ”, “Ngày chủ nhật đỏ”, để kêu gọi vận động từ thiện. Phối hợp kênh VOV4 (Đài Tiếng nói Việt Nam) tiếp nhận và thông tin trên sóng phát thanh về những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn để kêu gọi giúp đỡ, nhất là bệnh nhân nghèo người dân tộc, ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Những năm qua, Viện đã huy động được hàng tỷ đồng để giúp hàng trăm bệnh nhân bỏng nặng, thuộc diện hộ nghèo được cứu, chữa kịp thời. Hiện nay, hằng ngày có hơn 20 nhóm từ thiện phối hợp các khoa của Viện Bỏng tặng suất cơm, cháo miễn phí cho các bệnh nhân nghèo; hằng tuần 100% bệnh nhân được tặng sữa... Năm 2016 vừa qua, hàng trăm bệnh nhân được kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ; có bệnh nhân được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng, như: trường hợp bệnh nhân Mai Thảo My, 21 tháng tuổi, quê ở xóm 4, xã Giao Hương, huyện Giao Thủy (Nam Định). Tháng 10-2016, cháu My không may ngã vào xoong canh bị bỏng nặng toàn thân 51% (40% độ sâu), lại bị sốc bỏng rất nặng. Hoàn cảnh gia đình cháu My khó khăn, Viện đã kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ hơn 400 triệu đồng giúp gia đình lo chữa trị cho cháu.

“Vợ chồng tôi làm ruộng ở quê, sinh được bốn cháu gái, cháu My là út lại không may bị bỏng nặng phải nằm điều trị dài ngày. Nếu không có sự giúp đỡ của Viện cùng các nhà hảo tâm thì vợ chồng tôi và gia đình không biết lấy đâu ra tiền chữa trị cho cháu. Hiện bệnh của cháu đã dần ổn định, vợ chồng tôi và gia đình cảm ơn cán bộ, y, bác sĩ Viện Bỏng và các nhà hảo tâm rất nhiều”, anh Mai Văn Ban, 42 tuổi, bố cháu Mai Thảo My, xúc động nói.

Đến Khoa Chữa bỏng trẻ em, đúng lúc các bác sĩ đang kiểm tra vết thương cho cháu Vàng Mý Lý, 7 tuổi, dân tộc Mông, quê ở xã Vân Chải, huyện Đồng Văn (Hà Giang), nhìn mặt, toàn thân và chân, tay cháu Lý băng kín, tôi cảm nhận sự tàn khốc của tai nạn bỏng. Anh Vàng Chử Lồng, 32 tuổi, là bố cháu Lý, kể: "Vợ chồng tôi ở nhà làm nương cho nên hoàn cảnh rất khó khăn; sinh được hai con trai, cháu Lý là út. Giữa tháng 2 vừa qua, cháu Lý vào bật bếp ga để nấu nước, nhưng do dây dẫn từ bình ga lên bếp bị chuột cắn thủng nhiều chỗ, nên khi cháu vừa bật bếp thì ngọn lửa bùng lên, tôi lao vào cứu cháu cũng bị lửa bén vào người làm bỏng cả tay, chân. May bình ga không phát nổ, chỉ làm cháy căn bếp... Đưa cháu Lý vào đây chữa trị, thấy hoàn cảnh khó khăn, cán bộ, thầy thuốc của Viện Bỏng không chỉ tận tâm cứu chữa, mà còn vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ 24 triệu đồng để chữa bệnh cho cháu. Vợ chồng tôi và gia đình biết ơn cán bộ, y, bác sĩ của Viện và các nhà hảo tâm nhiều lắm. Đúng là cán bộ quân y - Bộ đội Cụ Hồ". (Nhân dân trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang