Đồng loạt tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ nhỏ
Từ 17/4, Hà Nội đồng loạt tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Cùng ngày, Hà Nam là địa phương thứ 4 trên cả nước, sau Quảng Ninh, Hà Nội, TPHCM, tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ. Từ tuần này, chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ em được triển khai trên toàn quốc.
Theo thống kê, tỉnh Hà Nam có hơn 101.600 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó hơn 24.500 trẻ đã mắc COVID-19. Việc tiêm chủng được triển khai theo chiến dịch và thứ tự lứa tuổi giảm dần, theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế và tình hình dịch tại địa phương. Các địa phương khác trong cả nước đã và đang chuẩn bị sẵn sàng để tiêm cho trẻ nhỏ.
Ngày 16/4, các quận, huyện của Đà Nẵng đã hoàn thành việc rà soát, lập danh sách tiêm chủng cho trẻ em; hiện thành phố có hơn 70.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng, khoảng 70% phụ huynh đồng tình tiêm cho trẻ.
Theo kế hoạch tiêm chủng của UBND TP Đà Nẵng, dự kiến đợt 1, bắt đầu từ cuối tháng 4, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được tiêm. Riêng số trẻ đã mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng qua sẽ được tiêm sau.
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi trên địa bàn.
Theo đó, khoảng 116.000 trường hợp, trong đó 99,5% trẻ đang theo học tại các nhà trường trong tỉnh từ đủ 5 tuổi đến đủ 11 tuổi 11 tháng 29 ngày tính từ ngày sinh đến ngày tiêm sẽ được tiêm chủng trong quý II. Trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường; trẻ không đi học sẽ được tiêm tại các điểm bố trí ở trạm y tế, trường học hoặc tổ dân phố, thôn, bản.
Tại Hải Dương, chiến dịch tiêm chủng sẽ bắt đầu ngày 19/4. Sở Y tế Hải Dương đã chọn học sinh lớp 6 Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương) làm điểm để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Các đối tượng cần trì hoãn tiêm
TS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, đối với việc khám sàng lọc, có 3 nhóm đối tượng trẻ cần phải thận trọng và khám sàng lọc, thực hiện tiêm tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Đó là nhóm trẻ mắc bệnh mạn tính bẩm sinh; tại thời điểm khám sàng lọc phát hiện trẻ có bất thường về tim, phổi; trẻ có phản ứng phản vệ với bất kì dị nguyên nào trước đó.
Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm chủng là trẻ có tiền sử dị ứng với bất kì dị nguyên nào; trẻ có rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lí đám đông, tăng động, giảm chú ý. Bác sĩ Ngãi cũng đặc biệt lưu ý chống chỉ định tiêm đối với nhóm trẻ có tiền sử phản vệ với vắc xin COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin.
Vì vậy, các cơ sở tiêm chủng phải nghiên cứu kĩ các thành phần của vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, để nếu phát hiện trẻ có tiền sử phản vệ với bất cứ thành phần nào của vắc xin như muối, lipid, đường… thì phải xếp vào nhóm chống chỉ định tiêm.
“Ngoài ra, nhóm trẻ đang mắc bệnh cấp tính, bệnh mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác, cũng lưu ý phải trì hoãn tiêm chủng cho trẻ. Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; đang trong đợt điều trị bệnh mạn tính như hóa trị liệu ung thư thì cần trì hoãn cho đến khi trẻ kết thúc tình trạng bệnh cấp tính hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính”, bác sĩ Ngãi lưu ý.
Với trẻ sau mắc COVID-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C), cần trì hoãn tiêm chủng cho đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lí này.
Việt Nam hiện có 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vắc xin COVID-19. Trong số này, khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19 sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin trong quý II. Khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 sẽ được tiêm vắc xin sau khi khỏi bệnh 3 tháng. (Tiền phong, trang 6)
Hà Nội: Trường học phòng tránh tâm lý sợ tiêm của trẻ
Tại Hà Nội, các trường THCS, tiểu học là điểm tiêm của học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi được yêu cầu chuẩn bị kỹ càng các điều kiện, phòng tránh phản ứng dây chuyền không mong muốn do tâm lý sợ tiêm của trẻ.
Theo kế hoạch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của liên sở GD&ĐT và Sở Y tế Hà Nội, sẽ tiêm phòng cho hơn 1 triệu học sinh từ trẻ mầm non, tiểu học đến lớp 6. Trên thực tế, các trường bắt đầu triển khai tiêm từ ngày 16-17/4 đối với học sinh lớp 6.
Trước khi tiêm, các quận, huyện đều yêu cầu Phòng GD&ĐT phối hợp Trung tâm Y tế rà soát các điều kiện, chuẩn bị kỹ càng cơ sở vật chất, thành lập các tổ cấp cứu lưu động đầy đủ thuốc, trang thiết bị đảm bảo cho các điểm tiêm chủng. Phối hợp với các bệnh viện để tổ chức tiêm vắc xin tại bệnh viện cho những trẻ có chỉ định cần thận trọng trong tiêm chủng.
Bà Trần Thị Thanh Huế, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn, cho biết, sau 2 ngày triển khai, địa phương đã tiêm mũi 1 cho hơn 5.000 học sinh lớp 6 (chiếm khoảng 55%) học sinh. Qua kiểm tra, đánh giá của các đơn vị, học sinh ở 27 trường THCS tiêm an toàn, không có sự cố bất thường xảy ra đối với trẻ sau tiêm.
Tuy nhiên, phụ huynh vẫn được lưu ý, tiếp tục theo dõi sức khoẻ của con trong những ngày tới. Huyện Sóc Sơn dự kiến tiêm cho khoảng hơn 43.000 trẻ mầm non, tiểu học và học sinh lớp 6 trong đợt này. Trong đó, trẻ tiểu học chiếm số lượng nhiều nhất với khoảng 35.000 học sinh.
Các điểm tiêm ở trường học được yêu cầu chuẩn bị khu vực tiêm và chờ trước, sau khi tiêm đảm bảo nguyên tắc một chiều, có không gian riêng nhằm tránh phản ứng dây chuyền không mong muốn do tâm lý sợ tiêm của trẻ. Các trường chia khung thời gian theo từng lớp đến điểm tiêm, tránh đông đúc, nhầm lẫn.
Thầy Trần Thanh Việt, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh, cho biết, điểm tiêm được giao nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất, hỗ trợ lực lượng y tế tiêm phòng cho khoảng 388 học sinh, gồm học sinh của trường và của Trường Liên cấp thực nghiệm.
Trước khi tiêm, giáo viên chủ nhiệm họp phụ huynh, trao đổi với phụ huynh các thông tin cần thiết về kế hoạch tiêm, loại vắc xin, dặn dò… Ngành y tế cũng yêu cầu rà soát chặt chẽ các điều kiện như: đủ tuổi, học sinh từng mắc COVID-19 đã khỏi bệnh đảm bảo trên 3 tháng mới tiêm chủng…
Theo thầy Việt, trường có 70% phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin cho con, nhưng đến ngày tiêm, số học sinh đến không đầy đủ hoặc có học sinh đến nhưng qua kiểm tra, sàng lọc được bác sĩ chỉ định tiêm ở cơ sở y tế.
“Có thể, ngày tiêm gần với thời gian chuẩn bị kiểm tra học kỳ II, kết thúc năm học nên một số phụ huynh đang băn khoăn”, thầy Việt nói. (Tiền phong, trang 6)
Đẩy nhanh việc cung ứng vắc-xin tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi
Bộ Y tế xác định vaccine phòng Covid-19 vẫn là vũ khí chiến lược, "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch và là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng theo chỉ định; hoàn thành việc tiêm hai mũi cho trẻ em từ 12 đến dưới 17 tuổi trong tháng 4/2022; đẩy nhanh việc cung ứng vaccine, quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022; tiếp tục nghiên cứu việc tiêm vaccine mũi bốn cho các đối tượng chỉ định, nhất là các đối tượng nguy cơ cao.
Liên quan Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Cả nước có khoảng hơn 11,8 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, trong đợt này có 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19 sẽ tiêm. Với 3,6 triệu trẻ còn lại đã mắc Covid-19 dự kiến sẽ tiêm khoảng tháng 7 và tháng 8/2022. vaccine được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là Moderna và Pfizer. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã tập huấn trên toàn tuyến về công tác tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi này. Ðến nay, đã có một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trong độ tuổi nêu trên.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 17/4, thành phố Hà Nội đồng loạt tiêm vaccine phòng Covid-19 Moderna cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ðể phục vụ công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Hà Nội đã nhận được 72.700 liều vaccine Moderna từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ và đã phân bổ cho các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Ngành Y tế Thủ đô đã huy động tất cả các bệnh viện hạng I, hạng II, tuyến thành phố để tham gia ứng trực tại các điểm tiêm chủng; tổ chức một Hội đồng cấp cứu mời tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực Nhi khoa, hồi sức cấp cứu để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng lần này. Theo kế hoạch tiêm chủng, thành phố Hà Nội có hơn một triệu trẻ thuộc diện tiêm chủng trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. (Nhân dân, trang 8)
Các địa phương sớm ký xác nhận hộ chiếu vaccine
Ngày 17-4, Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi UBND các tỉnh thành; các cơ sở tiêm chủng trực thuộc về việc hướng dẫn triển khai ký xác nhận hộ chiếu vaccine.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn quản lý, các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế thực hiện nghiêm việc bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng chức năng phản ánh thông tin tiêm chủng trên Cổng thông tin tiêm vaccine Covid-19 (tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn) trong trường hợp sai sót thông tin tiêm vaccine Covid-19.
Bộ Y tế cũng nêu rõ, hộ chiếu vaccine điện tử được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và PC-Covid hoặc trên trang tra cứu của Bộ Y tế. Người dân chưa được cấp hộ chiếu vaccine do thiếu, sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Người dân cũng có thể gọi điện đến tổng đài của Bộ Y tế theo số 19009095 để phản ánh hoặc tư vấn các vấn đề liên quan đến hộ chiếu vaccine.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng phải cập nhật mã định danh để kết nối, xác thực, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện ký số ngay trong ngày để cập nhật lên hệ thống, Cục Y tế dự phòng tiến hành ký số tập trung để cấp hộ chiếu vaccine. Trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi được cấp hộ chiếu vaccine như các đối tượng tiêm vaccine Cocid-19 khác.
Bộ Y tế cũng cho biết, đã có Quảng Ninh, TPHCM, Hà Nội, Hà Nam tiêm chủng cho trẻ, với hơn 12.400 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Các địa phương khác đã sẵn sàng tiêm cho trẻ trong độ tuổi trên từ đầu tuần này.
Theo thống kê, toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc diện tiêm vaccine Covid-19, trong đó có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19. Việc tiêm chủng được tổ chức triển khai theo thứ tự lứa tuổi giảm dần từ cao xuống thấp và theo tiến độ cung ứng vaccine, cũng như tình hình dịch tại địa phương. Dự kiến cuối quý 2 năm nay, cả nước sẽ hoàn thành việc tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 cho trẻ có đủ điều kiện tiêm chủng trong độ tuổi trên.
Trong báo cáo mới đây của Bộ Y tế gửi Bộ Công an cho biết, nền tảng quản lý tiêm Covid-19 đã gửi sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 82 triệu đối tượng đã tiêm chủng tương ứng với hơn 196 triệu mũi tiêm, trong đó số người có thông tin về căn cước công dân/chứng minh nhân dân là hơn 72,3 triệu, tương ứng với gần 175 triệu mũi tiêm. Số người không có thông tin căn cước công dân/chứng minh nhân dân, hoặc thông tin chưa chính xác, sai định dạng là gần 10 triệu người, tương ứng hơn 21,1 triệu mũi tiêm. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)
Chính sách bảo hiểm y tế cần theo sát thực tiễn
Ngày 17-4, Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi UBND các tỉnh thành; các cơ sở tiêm chủng trực thuộc về việc hướng
Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, các quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm y tế ngày càng thông thoáng, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở nước ta tăng từ 57% dân số vào cuối năm 2009, lên hơn 91% vào cuối năm 2021, tiến dần tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Người tham gia chính sách này được tiếp cận, sử dụng nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh ngay từ cơ sở, đồng thời thụ hưởng nhiều quyền lợi mang ý nghĩa an sinh. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, cả nước có hơn 170 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với tổng chi phí bình quân khoảng 100.000 tỷ đồng/năm.
Còn theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, riêng năm 2021, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Hà Nội đón tiếp, phục vụ, điều trị cho hơn 8,6 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (trong đó, ngoại trú gần 7,358 triệu lượt, nội trú là hơn 1,244 triệu lượt) với chi phí 15.724 tỷ đồng. Chi phí bình quân bảo hiểm y tế thanh toán cho một đợt điều trị nội trú là hơn 8,9 triệu đồng/lượt, tăng 7,2% so với năm 2020 (nhiều trường hợp được chi trả cho quá trình điều trị bệnh lên đến hàng trăm triệu đồng/năm); chi phí bình quân bảo hiểm y tế thanh toán một lượt khám ngoại trú là hơn 630.000 đồng, tăng 11,4%...
Cùng với những yếu tố thuận lợi, việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (năm 2014) đang bộc lộ những bất cập. Theo Bộ Y tế, đối tượng, hình thức tham gia bảo hiểm y tế chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng trong xã hội. Quỹ Bảo hiểm y tế mới thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, chưa chi trả dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, điều trị dự phòng, quản lý sức khỏe và y tế dự phòng. Quy định về cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người bệnh chưa đầy đủ. Đặc biệt, một số quy định về bảo hiểm y tế chưa thống nhất với các quy định khác liên quan...
Để bảo hiểm y tế tăng sức hấp dẫn, các cơ quan chức năng đang dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) với chính sách mới. Đó là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đến các nhóm đối tượng mà các quy định của luật hiện hành chưa bao phủ hết; đồng thời, mở rộng phạm vi, quyền lợi bảo hiểm y tế, bổ sung một số dịch vụ về chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh. Chính sách khác đề xuất bổ sung là đa dạng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý, điều hành liên quan đến bảo hiểm y tế...
Góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), nhiều ý kiến đồng tình với việc bổ sung một số chính sách và các quy định sửa đổi, bổ sung cần linh hoạt, phù hợp với thực tiễn đời sống. Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc nêu rõ, chính sách mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế cần rà soát tất cả các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đang được quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, trong đó có nhóm đối tượng là người tham gia kháng chiến, nghệ nhân, người nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều... Còn chính sách mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế cần đánh giá tác động với các chính sách khác liên quan...
Dưới góc nhìn khách quan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany cho rằng, chính sách bảo hiểm y tế ở Việt Nam nên chú trọng mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới độ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100% dân số, giúp người dân được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ y tế, bảo đảm an sinh...
Với sự quan tâm, nỗ lực từ nhiều phía, hy vọng, chính sách bảo hiểm y tế ngày càng hoàn thiện, để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. (Hà Nội mới, trang 5)
Có bệnh đến trạm y tế phường
Nhiều cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM đã khởi sắc hơn khi các bác sĩ trẻ về theo chương trình của Sở Y tế TP.
Tính đến nay, các bác sĩ trẻ tham gia chương trình thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với làm việc tại y tế cơ sở đã được 2 tháng trong vòng 18 tháng theo chương trình của Sở Y tế TP.HCM.
Sẵn sàng đăng ký tham gia
Một ngày giữa tháng 4 đã quá 11h30, những tiếng lách cách của bàn phím máy tính, tiếng bước chân, những cuộc điện thoại tiếp nhận F0 của các nhân viên Trạm y tế phường 14, quận 11 (TP.HCM) vẫn diễn ra.
"Chị đã làm xét nghiệm chưa", "Cô khai báo online ở đây nhé!", "Chú ngồi ghế để con làm xét nghiệm cho"... là những lời hỏi thăm người dân của nữ bác sĩ trẻ Ánh Linh - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đang thực tập tại Trạm y tế phường 14, quận 11.
Sau khi hoàn thành việc khai báo và xét nghiệm cho người dân, bác sĩ Linh liền quay trở vào cạnh xấp hồ sơ để hoàn thành giấy tờ thủ tục cho F0. Đồng hồ đã chỉ gần 12h nhưng chưa ai nghĩ đến những suất ăn trưa, bởi xong công việc lúc nào thì ăn lúc đó.
"Ban đầu về trạm y tế thực tập tôi cũng hơi bỡ ngỡ nhưng dần cũng quen với cường độ công việc. Cứ nghĩ trạm y tế thì không nhiều việc nhưng lại khác xa với tưởng tượng, mọi người rất vất vả. Nhiều nhân viên y tế nữ đã có mặt ở trạm từ 4h - 5h sáng để hoàn thành xong công việc", bác sĩ Linh nói.
Từng có thời gian làm tình nguyện viên tại Trạm y tế xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi TP.HCM) vào thời điểm đỉnh dịch COVID-19, bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Mai Anh (tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) thấu rõ tình trạng thiếu đội ngũ bác sĩ tại trạm.
Với chương trình tăng cường bác sĩ trẻ về y tế cơ sở của Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Mai Anh sẵn sàng đăng ký tham gia thực hành lâm sàng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định gắn kết với Trạm y tế xã Tân Thạnh Tây. Theo đó, một tuần thì Mai Anh làm việc tại trạm y tế và một tuần thực hành tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Trau dồi tay nghề, giúp giảm tải hệ thống y tế
Tại Trạm y tế xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, bác sĩ Mai Anh cho biết bản thân cùng đồng nghiệp làm việc 8 tiếng/ngày nhưng có hôm phải làm xuyên trưa, hay phải làm đến chiều tối dù đã hết giờ làm việc vì khối lượng công việc nhiều.
"Từ công tác phòng, chống dịch (tiếp nhận khai báo F0) đến tiêm vắc xin mở rộng cho trẻ, cấp phát thuốc cho người bệnh mãn tính..., mọi người cố gắng làm để việc không bị tồn đọng", bác sĩ Mai Anh chia sẻ.
Trong thời gian làm việc thực tế tại y tế cơ sở, bác sĩ Mai Anh chia sẻ không phải tất cả các trạm y tế trên địa bàn huyện Củ Chi đều có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề. Đây là lý do gây hạn chế việc kê đơn thuốc hoặc thực hiện các thủ thuật như sơ cấp cứu ban đầu cần dùng thuốc tê... đối với bác sĩ trẻ được "điều động" về y tế cơ sở.
Cụ thể công việc chính của bác sĩ Linh - Trạm y tế phường 14, quận 11 - là hỗ trợ tiêm chủng, kê thuốc bảo hiểm y tế, đo huyết áp... Tuy nhiên làm việc tại y tế cơ sở như vậy là nơi gần với người bệnh hơn, rèn luyện được tính kiên trì, thấu hiểu nỗi đau bệnh tật của bệnh nhân. Qua đó, giúp bác sĩ Linh trưởng thành nhiều hơn.
"So với những ngành khác, nhiều bác sĩ nữ học đến 6 năm, thêm chứng chỉ hành nghề 18 tháng là hơn 7 năm, nếu học chuyên khoa thêm gần 8,5 năm... đã gắn bó hết tuổi thanh xuân với ngành y. Những lần thực tập như thế này khiến tôi hiểu ra được đã là nữ chọn ngành y là phải xác định hy sinh nhiều hơn", bác sĩ Linh chia sẻ.
Ông Ngô Phi Anh - trưởng Trạm y tế phường 14, quận 11 - cho biết ngoài rèn luyện được các kỹ năng thăm khám cho người bệnh, các bác sĩ trẻ về y tế cơ sở giúp khối lượng công việc tại trạm cũng được san sẻ, đặc biệt là trong giai đoạn phòng chống COVID-19.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải - phó giám đốc điều hành Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết với sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế TP.HCM, chương trình đào tạo bác sĩ trẻ có nhiều điểm mới.
Cụ thể, nếu như chương trình đào tạo trước đây, học viên tham gia toàn thời gian 18 tháng tại bệnh viện thì chương trình năm nay có sự thay đổi với việc bổ sung thời gian học tập tại các trạm y tế phường xã.
"Đây là cơ hội để các bác sĩ trẻ có thể tiếp cận được người bệnh ở giai đoạn rất sớm, từ đó giúp các bác sĩ có thể nhận diện được các dấu hiệu bệnh tật và điều trị người bệnh mau chóng hồi phục hơn", bác sĩ Hải chia sẻ.
Đâu phải bệnh gì cũng lên tuyến trên
Theo bác sĩ Thanh Mai - trạm y tế P.14, Q.11: các bác sĩ trẻ mới ra trường về y tế cơ sở rất nhiệt tình với công việc, được nhiều người đánh giá là tận tình, chu đáo. Người dân có thể yên tâm thăm khám tại tuyến y tế cơ sở.
Đặc biệt là đối với những người mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, huyết áp... và có thể đăng ký khám bệnh bằng BHYT. Không nhất thiết cứ có dấu hiệu bệnh gì thì bệnh nhân cứ lên tuyến trên có thể gây quá tải cho việc thăm khám, điều trị.
Ngoài ra, tại các trạm y tế cơ sở người dân sẽ được hỗ trợ về các chương trình tiêm chủng mở rộng, hướng dẫn công phòng chống dịch bệnh... (Tuổi trẻ, trang 5).