Bộ Y tế yêu cầu tăng cường thu dung, điều trị ca bệnh Covid-19
Bản tin phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho biết, ngày 17/4 cả nước có 1.031 ca mắc mới Covid-19, đây là ngày có số ca mắc cao nhất trong khoảng gần sáu tháng qua.
Để chủ động ứng phó tình hình dịch bệnh cũng như bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người mắc Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố, giám đốc các bệnh viện, y tế các bộ, ngành rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 của địa phương, đơn vị mình theo nguyên tắc 4 tại chỗ.
Phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 khi dịch bệnh có thể xảy ra diễn biến phức tạp.
Các địa phương, đơn vị chủ động nâng cao năng lực điều trị, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, như việc phối hợp bộ phận điều phối ô-xy y tế để bảo đảm cung ứng ô-xy y tế cho nhu cầu điều trị người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 cho nhân viên y tế; tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên.
Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.
Tại các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, nhất là tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,…), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật… Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị Covid-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh Covid-19 nặng nhập viện hiện nay để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn. (Nhân dân, trang 7).
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Ca mắc COVID-19 tăng nhanh, các địa phương tăng cường ứng phó”.
Ca mắc COVID-19 liên tục tăng: Giải trình tự gen đánh giá mức độ
Theo công bố của Bộ Y tế, 7 ngày qua cả nước ghi nhận 4.243 ca mắc COVID-19, trong đó riêng ngày 17/4 có 1.031 trường hợp, cao nhất 6 tháng gần đây. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện đánh giá ca bệnh nặng, gửi mẫu bệnh phẩm để giải trình tự gen.
Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, số ca mắc vào viện trung bình 30-50 ca/ngày. Số người mắc cần chăm sóc y tế chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh lí nền, tỉ lệ trẻ em chỉ chiếm 2-6%.
Thống kê mới nhất của Hà Nội cho thấy toàn thành phố còn 566 trường hợp đang điều trị, trong đó có 299 trường hợp không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà (chiếm 53%); 237 trường hợp bệnh nhân có triệu chứng trung bình (chiếm 42%); 27 trường hợp bệnh nhân mức độ nặng phải thở ô xy hỗ trợ qua kính/mask (chiếm 5%); 2 bệnh nhân mức độ nặng phải thở máy điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và 1 ca đã chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ngày 17/4, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội cho biết đã gửi 10 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 của các bệnh nhân tại Hà Nội để xét nghiệm giải trình tự gen. Bước đầu, 2 mẫu của 2 bệnh nhân sống tại quận Nam Từ Liêm cho kết quả chủng XBB.1.9.1. Đây là chủng có ở nhiều nước Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Singapore, Philippines, với đặc điểm lan truyền nhanh và diễn biến lâm sàng nhẹ.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định, dù số ca mắc COVID-19 gia tăng thời gian qua nhưng không có biến động về số lượng người nhiễm cũng như độc lực của virus, không xuất hiện biến chủng mới. “Những biến chủng được phát hiện trên địa bàn Thủ đô trùng với những biến chủng đang ghi nhận trên thế giới”, Phó Giám đốc Vũ Cao Cương nói.
Hiện toàn thành phố Hà Nội còn tồn hơn 4.600 liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó có 870 liều AstraZeneca. Dự kiến hôm nay (18/4), thành phố sẽ cấp 10.000 liều vắc xin AstraZeneca cho các quận, huyện, thị xã để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện điều trị 154 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 16 trường hơp thở máy, 45 ca thở ô xy. Đây là các bệnh nhân được chuyển về từ khắp các tỉnh thành miền Bắc. Các trường hợp diễn biến nặng phải hỗ trợ hô hấp tại cơ sở y tế này đều thuộc nhóm nguy cơ cao mà Bộ Y tế khuyến cáo cần tiêm vắc xin phòng bệnh như: người cao tuổi, có bệnh nền.
Vắc xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả
Nhận định tình hình dịch COVID-19 hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết: “Dịch COVID-19 đang gia tăng trở lại vì sau một thời gian tiêm vắc xin miễn dịch giảm. Cùng với đó, miễn dịch của người đã nhiễm COVID-19 cũng giảm nên đối tượng này tiếp tục có nguy cơ mắc lại.
Trên thế giới cũng có những làn sóng dịch tăng, giảm. Việt Nam hiện cũng vậy. Việc tăng các ca mắc không phải là điều bất thường và không nằm ngoài dự báo”, ông Phu phân tích. Đồng thời cho rằng Việt Nam cần đánh giá lại miễn dịch cộng đồng xem chủng mới có vô hiệu hóa vắc xin hay không.
Đối với tình hình dịch COVID-19 hiện nay, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định: “Dịch có thể đi theo kịch bản dù có các biến thể phụ nhưng vẫn ổn định, tiến tới có thể trở thành bệnh, có thể tử vong trên đối tượng nguy cơ cao nhưng không làm xáo trộn xã hội”. Để không ảnh hưởng đến cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu...
Đến nay Bộ Y tế chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vắc xin COVID-19. “Vắc xin vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch với biến chủng Omicron, ngăn nguy cơ bệnh diễn biến nặng và tử vong. Bộ Y tế khuyến cáo những người có nguy cơ cao khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng nên đeo khẩu trang để phòng bệnh”, GS Lân cho hay.
Ngày 17/4, trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca COVID-19 nặng, gửi xét nghiệm giải trình tự gen. Đồng thời triển khai Nghị quyết số 30/NQ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho công tác điều trị nói chung và điều trị COVID-19. (Tiền phong, trang 1).
Thanh niên, trang 14: “Trong nước ghi nhận hơn 1.000 ca bệnh Covid-19 ngày 17.4”.
TPHCM siết các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ
Rút kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 của năm 2021, năm nay ngành y tế TPHCM chủ động các phương án ngăn chặn COVID-19 bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Sở Y tế thành phố yêu cầu các đơn vị tổ chức sự kiện tập trung đông người phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, các cơ sở y tế phải sẵn sàng phương án ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Cách đây 2 năm , khi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội tại nhiều quốc gia trên thế giới thì Việt Nam được xem là một trong những nước phòng chống dịch hiệu quả nhất, mọi hoạt động kinh tế, xã hội đều diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, khoảng nửa cuối tháng 4/2021, biến thể Delta của COVID-19 đã âm thầm xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. Sau kỳ nghỉ lễ dịch bắt đầu bùng phát tại TPHCM khiến ngành y tế không kịp trở tay. Mọi nỗ lực phong tỏa, khoanh vùng nguy cơ, xét nghiệm, cách ly… đều không mang lại kết quả như mong đợi.Ngày 17/4, trao đổi với phóng viên về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Tính từ đầu tháng 3/2023 đến nay, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận dưới 3 ca/ngày. Tuy nhiên, ngày 12/4 ghi nhận 3 ca mắc mới và ngày 13/4 số ca mắc mới COVID-19 tăng lên là 7 bệnh nhân. Hiện có 12 bệnh nhân nằm điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, không có ca bệnh nặng phải thở máy”.
Nhằm chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Y tế yêu cầu đơn vị tổ chức các sự kiện, lễ hội có tập trung đông người cần thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch COVID-19. Các đơn vị tổ chức sự kiện có trách nhiệm hướng dẫn người dân tham gia tuân thủ quy định 2K (khẩu trang, khử khuẩn), đồng thời bố trí đầy đủ bồn rửa tay, dung dịch sát khuẩn nhanh.
Sở chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) tăng cường hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu hàng không, cảng biển; giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch COVID-19, chùm ca mắc bệnh COVID-19, chùm ca viêm hô hấp. HCDC phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng ĐH Oxford theo dõi sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 lưu hành.
Về thu dung điều trị, TS Vĩnh Châu cho biết, tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã được yêu cầu sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, đảm bảo thường trực 24/24 để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và cấp cứu của người dân. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có trách nhiệm bố trí khu vực cách ly, thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 tại khoa, đơn vị COVID-19.
Sở Y tế tiếp tục giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là bệnh viện tuyến cuối điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch.
Bên cạnh đó, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị các trường hợp người bệnh có bệnh lý đi kèm hoặc bệnh lý nền nặng có nhiễm COVID-19 theo chuyên khoa do bệnh viện tuyến dưới chuyển đến. (Tiền phong, trang 3).
Số vaccine AstraZeneca hiện còn tồn khoảng 300.000 liều, nguy cơ cao không sử dụng hết
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số vaccine Covid-19 AstraZeneca hiện còn tại các tuyến là khoảng 300.000 liều, trong khi bình quân mỗi ngày đang tiêm khoảng 1.040 mũi…
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có công văn số 603/VSDTTU-TCQG gửi Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố về việc tăng cường triển khai tiêm chủng và nhu cầu bổ sung vaccine COVID-19 AstraZeneca trong tháng 4 - 6/2023.
Theo văn bản này, đầu tháng 2 vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ 832.900 liều vaccine AstraZeneca có hạn sử dụng ngày 9-11/7/2023 cho 63 tỉnh/ thành phố trong toàn quốc để triển khai tiêm chủng mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh/thành phố đến nay, trên toàn quốc đã tiêm được khoảng trên 266 triệu mũi vaccine Covid-19, trong đó có 51,6 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm liều nhắc lại (mũi 3), đạt tỷ lệ 81,0%. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều trên cả nước và vẫn có nhiều địa phương đạt thấp dưới 80%.
Số vaccine AstraZeneca hiện còn tại các tuyến (chưa bao gồm 204.400 liều dự trữ tuyến quốc gia) là khoảng 300.000. Tốc độ sử dụng vaccine AstraZeneca trong 8 ngày đầu tháng 4/2023 chậm với trung bình khoảng 1.040 mũi/ngày, dẫn tới nguy cơ cao không sử dụng hết vaccine.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố tiến hành rà soát đối tượng tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại địa phương. Trường hợp có nhu cầu bổ sung vaccine AstraZeneca trong tháng 4- 6/2023, đề nghị gửi văn bản về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để tổng hợp và kịp thời cung ứng vaccine. (An ninh Thủ đô, trang 7).
Cùng chủ đề Báo Nông thôn ngày nay, trang 5: “Yêu cầu tăng cường tiêm vaccine AstraZeneca đã phân bổ”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Tăng cường tiêm chủng, sử dụng hiệu quả vaccine COVID-19 AstraZeneca đã phân bổ”.
Đề nghị nâng lương khởi điểm lên bậc 2 với bác sĩ tại cơ sở y tế
Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có báo cáo về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp
Về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, kết quả giám sát cho thấy, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước. 100% huyện có trung tâm y tế; 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 92,4% trạm y tế có bác sĩ làm việc; 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.
Nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng, trong đó nhân lực y tế tuyến huyện chiếm 34,6% trên tổng số nhân lực y tế các tuyến; tuyến xã là 15,8%. Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên; mức độ hài lòng của người dân đối với thái độ của nhân viên y tế cơ sở, chất lượng dịch vụ y tế cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu lên các tồn tại, hạn chế. Theo đó, hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch; mới chỉ có các phương án phòng, chống dịch theo tình trạng khẩn cấp mà chưa có phương án trong tình trạng cấp bách (chưa đến mức khẩn cấp)…
Những vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chậm chi trả chế độ hỗ trợ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch và chi hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp...
Kiến nghị chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở
Theo kết quả của Đoàn giám sát của Quốc hội, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng còn một số vướng mắc. Cụ thể, nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được khi có dịch bệnh lớn xảy ra.
Chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng, nhưng chậm được điều chỉnh, chưa đủ để thu hút, giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đáng chú ý, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”.
Qua rà soát các báo cáo, vẫn còn một số địa phương chi cho y tế dự phòng ở mức thấp, chưa đạt ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Vẫn còn khoảng 20% số trạm y tế xã vẫn chưa được đầu tư kiên cố và khoảng 40% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng mới.
Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị: Kiện toàn và ổn định tổ chức hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; có chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, chú trọng nhân lực làm việc tại trạm y tế xã về y tế dự phòng. Đề nghị Chính phủ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền các chính sách, chủ trương bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đặc biệt, đến năm 2024, nâng mức lương khởi điểm lên bậc 2 trong hệ thống thang bảng lương theo quy định đối với bác sĩ làm việc tại cơ sở y tế; nhân viên y tế tại y tế cơ sở hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề theo mức cao nhất đối với công chức, viên chức; bảo đảm chi thường xuyên, các hoạt động chuyên môn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. (Lao động, trang 4).
Bộ Y tế bãi bỏ 3 văn bản, trong đó có thông tư về đấu thầu trang thiết bị y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Trong 3 văn bản này có Thông tư 14/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 08/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Theo đó, tại Thông tư 08 có hiệu lực thi hành từ ngày 14/4/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế bãi bỏ toàn bộ ba (03) văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Cụ thể:
Thông tư số 03/2016/TT-BYT ngày 21 ngày 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hoạt động kinh doanh dược liệu.
Thông tư số 31/2019/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.
Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Cũng tại Thông tư 08, Bộ Y tế nêu rõ về điều khoản chuyển tiếp: Đối với những gói thầu trang thiết bị y tế đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước ngày thông tư này có hiệu lực thì đơn vị được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập hoặc thực hiện thủ tục điều chỉnh các nội dung có liên quan theo quy định hiện hành về đấu thầu.
Trước đó, trong Thông tư 14, về nội dung liên quan đến giá gói thầu có hướng dẫn: Giá gói thầu được xây dựng trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán đối với dự án, giá gói thầu là tổng giá trị của gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.
Trường hợp gói thầu chia làm nhiều phần thì ngoài việc ghi tổng giá trị của gói thầu, mỗi phần đều phải ghi rõ danh mục, số lượng, đơn vị, đơn giá và tổng giá trị của phần đó theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Bộ Y tế để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng trang thiết bị y tế, cụ thể như sau:
+ Giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố. Trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể; Đối với những trang thiết bị y tế chưa có giá trúng thầu được đăng tải, khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ theo các tài liệu hướng dẫn của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đấu thầu có liên quan về xây dựng giá gói thầu bảo đảm phù hợp với giá trang thiết bị y tế đó trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Đây được coi là vướng mắc trong quá trình đấu thầu, mua sắm trang thiết bị khi không lựa chọn được nhà thầu có giá trúng phù hợp với hướng dẫn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).