Cháu bé thứ 200 được thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai
Sáng 17-5, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội nghị Sản phụ khoa và hỗ trợ sinh sản nhân dịp kỷ niệm ba năm thành lập Đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Khoa Phụ sản và ghi dấu mốc 200 gia đình hiếm muộn có em bé từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại đơn vị. Sau khi thành lập vào ngày 31-12-2013, đến tháng 3-2014, Đơn vị Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bạch Mai) bắt đầu thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên và cũng trong tháng đầu tiên triển khai kỹ thuật, đã có một ca IVF thành công đầu tiên. Ngày 16-12 cùng năm, Đơn vị đã đón em bé đầu tiên ra đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Đó là một bé trai nặng 3200 gr, con của một bà mẹ đã đã 44 tuổi và đã làm IVF nhiều lần nhưng không thành công. Số bệnh nhân đến với Đơn vị ngày càng tăng. Từ năm 2014 đến 2016, số chu kỳ IVF tăng từ 85 lên 276 trường hợp. Số chu kỳ chuyển phôi đông lạnh từ 50 lên 261; tỷ lệ thành công chuyển phôi tươi tăng từ 25,5% lên 34,21%; tỷ lệ thành công chuyển phôi đông lạnh tăng từ 33% lên 41,44%; tỷ lệ thai sinh hoá thành công cộng dồn tăng từ 37,37% lên 57,67%. (Nhân dân, trang 5)
Xem xét chính sách đặc thù phát triển ngành dược liệu
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 220/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương và từng ngành, từng lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành Y tế. Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ: Khoa học và Công nghệ, NN&PTNT, Tài chính, các bộ liên quan xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành chính sách đặc thù phát triển ngành dược liệu, công nghiệp dược.
Bộ Y tế chủ trì, cùng Hiệp hội Dược liệu Việt Nam xem xét lựa chọn 100 loại cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển; thúc đẩy nuôi trồng chuyên canh quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ cao vào nuôi trồng.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế mở rộng Danh mục dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế; xây dựng cơ chế thanh toán đặc thù cho thuốc nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; đơn giản hóa thủ tục thanh toán, thuận lợi cho người bệnh sử dụng kết hợp thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và thuốc hóa dược tại các tuyến...
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dược liệu tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Giang, Kon Tum, Quảng Nam, Lâm Đồng, An Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Long An, Đăk Nông.
UBND các tỉnh, thành phố, trước hết là các địa phương trọng điểm xây dựng kế hoạch triển khai kịp thời các đề án, dự án trong quy hoạch phát triển dược liệu; bố trí diện tích phù hợp để trồng dược liệu, nhất là những dược liệu có thế mạnh của địa phương... (Hà Nội mới, trang 1)
Đề nghị Công an phối hợp đảm bảo an ninh bệnh viện
Ngày 15-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Công văn số 2544/BYT-KCB gửi Bộ trưởng Bộ Công an về việc tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện (BV). Theo thông tin từ Bộ Y tế, vhỉ trong một tháng (từ ngày 8-4 đến 7-5) đã xảy ra hàng loạt vụ việc mất trật tự an ninh BV. Điển hình, tối ngày 8-4, tại BV Đa khoa Cái Nước (Cà Mau), một nhóm thanh niên đã mang theo dao, mã tấu, ống sắt… đánh người bệnh là anh Nguyễn Hoàng Linh gây thương tích ở đầu và đánh nhân viên bảo vệ BV gây chấn thương. Tiếp đó, ngày 16-4, tại BV Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội), anh Cấn Ngọc Giang là bố của bệnh nhi Cấn Ngọc Thanh đã dùng cốc ném vào đầu bác sĩ Lê Quang Dương khiến bác sĩ ngất tại chỗ, phải khâu 7 mũi và theo dõi chấn thương sọ não. Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 29-4, tại BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, trong khi đang chuẩn bị vận chuyển người bệnh đi chụp chiếu phim, sinh viên y khoa Phạm Lê Tùng đã bị người thân của bệnh nhân Bùi Thế Sơn chửi, doạ dẫm và tát liên tiếp. Gần đây nhất, rạng sáng 7-5, tại BV Đại học Y Hà Nội, 3 thanh niên mang hung khí khống chế bảo vệ và nhân viên y tế, rồi vào khoa Cấp cứu đâm chém người bệnh là anh Đinh Giang Nam nhiều nhát, trong đó có vết chém đứt khí quản. Trước thực tế trên, để tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự BV, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, đồng thời điều tra xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng bạo hành trong BV đối với các vụ việc nêu trên, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội).
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương hướng dẫn cơ sở y tế xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các BV, đồng thời cắt cử cán bộ tuần tra, bảo vệ tại các BV lớn, có lượng người đến đông và năng lực chuyên môn của các nhân viên bảo vệ còn hạn chế. Bên cạnh đó, thiết lập mạng lưới đường dây nóng của lực lượng cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho BV và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự BV trên địa bàn để kịp thời gọi và được hỗ trợ khẩn cấp. (Hà Nội mới, trang 1)
Bé 6 tuổi té gãy xương đùi dẫn đến suy thận viện
Một bé trai 6 tuổi, người Campuchia bị tai nạn té cây dẫn đến đa chấn thương, hủy cơ, suy thận đã được gia đình đưa sang Việt Nam tìm hy vọng.
Ngày 16-5, ThS-BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết BV vừa cứu sống một bé nam quốc tịch Campuchia bị té ngã khi leo cây. Bé được người nhà đưa đến bệnh viện vào ngày 27-4, trong tình trạng gãy xương đùi bên phải, chấn thương vùng đầu, xương chậu.
“Khi nhập viện, bệnh nhân bị hủy cơ bắp chân phải. Khi khối cơ này bị hủy giải phóng ra các chất độc nhiễm vào trong máu, chất độc này gây nhiễm trùng máu, đẩy bệnh nhân đến tình trạng suy thận nặng một cách nhanh chóng” - BS Đặng Thanh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức ngoại, BV Nhi đồng 1 trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết.
Sau tai nạn bệnh nhân tiểu ít dần và cơ thể bị phù nề. Các bác sĩ BV Nhi đồng 1 đã tiến hành lọc máu cho bệnh nhân để điều trị suy thận. Bên cạnh đó họ điều trị vết thương, tiêm kháng sinh để cháu không bị nhiễm trùng.
Theo bác sĩ điều trị, quá trình lọc máu cho bệnh nhân gặp phải nhiều khó khăn, do phương pháp lọc máu thường chỉ dùng cho bệnh nhân không có vết thương hở, chảy máu. Để lọc máu, các bác sĩ buộc phải dung thuốc chống đông máu, điều này khiến máu trong cơ thể cháu bé chảy ra ồ ạt qua vết thương gãy đùi.
Việc này đòi hỏi phải tính toán kỹ được lượng thuốc chống đông máu sử dụng, để vừa có thể lọc máu vừa để cho cơ thể không bị mất máu quá nhiều. Các bác sĩ phải thay tấm màng lọc nhiều lần, do đó chi phí điều trị bệnh nhân tăng cao. Tiền điều trị lên đến hơn 100 triệu đồng, trong khi hoàn cảnh gia đình cháu bé khó khăn, không có bảo hiểm y tế. Để tiếp tục điều trị cho cháu bé, Ban giám đốc BV Nhi đồng 1 đã vận động các mạnh thường quân tài trợ 100 triệu đồng để gia đình cháu đóng viện phí.
Theo BS Liên, thời gian đầu tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ gặp phải nhiều khó khăn do khác biệt ngôn ngữ không khai thác được bệnh sử. Nhưng sau hai tuần tích cực điều trị, bé đã vượt qua tình trạng nguy kịch.
Sau 14 ngày được lọc máu, sức khỏe cháu bé hồi phục tốt hơn, có thể đi tiểu bình thường. Hiện cháu bé đang được hồi sức và sẽ tiếp tục điều trị gãy xương đùi trong thời gian tới. (Pháp luật TPHCM, trang 13)
Đà Nẵng: Sẽ xử phạt chủ quán ăn gây ngộ độc khiến 17 du khách nhập viện
Ngày 17/5, ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Đà Nẵng) cho biết: đã kết luận nguyên nhân khiến 17 du khách ngộ độc thức ăn sau khi ăn cơm gà Bà Buội ở Đà Nẵng. Thủ phạm gây ra ngộ độc chính là món dưa chua.
Theo ông Tiến, kết quả xét nghiệm vi sinh vật cho thấy, mẫu phẩm dưa chua dùng kèm với món cơm gà được lấy từ quán cơm Bà Buội vi sinh vật E.Coli vượt mức cho phép dẫn đến ngộ độc. Từ đó, có thể kết luận nguyên nhân vụ ngộ độc 17 người nhập viện vừa qua là do du khách ăn thức ăn tại quán Bà Buội gây ra.
Cũng theo ông Tiến, ngay trong chiều nay, Chi cục sẽ mời chủ quán cơm đến để xử phạt theo quy định. Cụ thể cơ sở này sẽ xử phạt các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh, an toàn thực phẩm và hành vi gây ra ngộ độc cho khách hàng theo các quy định tại Nghị Định 178.
Vụ ngộ độc khiến 17 du khách nhập viện: 'Thủ phạm' là món dưa chua ảnh 1 Khu chế biến thức ăn bên trong quán không đảm bảo yêu cầu khi nằm cạnh nhà vệ sinh.
Như Tiền Phong đã đưa tin, vào khoảng 20h ngày 14/5, Khoa Cấp cứu của bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng tiếp nhận 17 người nghi ngộ độc thực phẩm. Số bệnh nhân này gồm đoàn khách du lịch từ Hà Nội vào Đà Nẵng và một đoàn là cán bộ tại thành phố Vũng Tàu đi thực tế học tập kinh nghiệm các tỉnh, thành trong khu vực. Tất cả đều cho biết, trước đó đã ăn cơm tại quán cơm Bà Buội trên đường Hồ Nghinh. Sau khi ăn khoảng 1 tiếng thì đau bụng dữ dội kèm theo nôn mửa, chóng mặt. (Tiền phong, trang 11)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 5: “17 du khách ngộ độc ở Đà Nẵng do vi khuẩn E.coli”; Báo Nông thôn Ngày nay trang 2: “Du khách bị ngộ độc sau khi ăn ở quán cơm nổi tiếng”
Nhiều bác sĩ bị kỷ luật vì phẫu thuật hút mỡ bụng chui
Ông Trịnh Hữu Hùng – Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết thống nhất với các hình thức xử lý kỷ luật đối với các y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tham gia thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng khi chưa được phép.Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thì khoảng 13h ngày 26/4, bác sĩ Lê Việt Hưng công tác tại Khoa ngoại chấn thương kết hợp với bác sĩ Lưu Tiến Dũng đưa một bệnh nhân là người quen vào khoa ngoại chấn thương làm hồ sơ bệnh án với chẩn đoán “vết thương phần mềm vùng bụng”. Biên bản hội chẩn mổ cấp cứu do Trưởng khoa Ngoại chấn thương, bác sĩ Bùi Văn Hán ký. Kíp phẫu thuật hôm đó gồm 4 người là bác sĩ Lê Việt Hưng, phẫu thuật viên chính; bác sĩ Lưu Tiến Dũng, phẫu thuật viên phụ; bác sĩ gây mê Trịnh Xuân Cường và điều dưỡng Lê Văn Chung, phụ mê. Ngoài ra còn có bác sĩ Lê Văn Thuận Trưởng Khoa gây mê là người phân công kíp gây mê. Bệnh nhân sau đó được hút mỡ bụng từ 14h đến 17h30 ngày 26/4 và ra viện lúc 10h ngày 27/4.
Hội đồng kỷ luật của Bệnh viện nhi Thanh Hóa đã kỷ luật cảnh cáo bác sĩ Hưng, bác sĩ Hán bị khiển trách, bác sĩ Dũng bị chậm nâng tiền công 6 tháng và không hưởng dịch vụ tăng thêm của bệnh viện 12 tháng. Nhóm bác sĩ gây mê không bị kỷ luật mà chỉ không được hưởng dịch vụ tăng thêm của bệnh viện trong 3 tháng. (Tiền phong, Tuổi trẻ, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 5: “Kỷ luật bác sĩ phẫu thuật thầm mỹ “chui” tại bệnh viện nhi”
60% nguyên phụ liệu dược phẩm nhập từ Trung Quốc
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm 123,7 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Hàng nhập chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm trên 60% tổng kim ngạch, đạt 74,3 triệu USD, tăng 6,61% so với cùng kỳ.
Nguồn cung lớn thứ hai là Ấn Độ, đạt 25,2 triệu USD, tăng 55,39%. Đặc biệt, nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm từ thị trường Tây Ban Nha trong 4 tháng đầu năm tăng đột biến, tuy kim ngạch chỉ đạt 4,4 triệu USD, nhưng tăng 114,26% so với cùng kỳ năm trước. (Thanh niên, trang 6)
Công nhân lại nhập viện nghi do ngộ độc khí
Từ 8 - 10 giờ ngày 17.5, Khoa Cấp cứu tổng hợp - Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) tiếp nhận 28 công nhân (LĐLĐ H.Hóc Môn báo cáo 26 công nhân) thuộc Công ty TNHH quốc tế Smart Elegant trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, tê tay chân.
Trong đó vài công nhân có biểu hiện co giật nhẹ và buồn nôn; sau khi phân loại, có 3 trường hợp co giật nhẹ được chuyển qua hồi sức tích cực, số còn lại chuyển vể khoa nội tổng hợp tiếp tục theo dõi.
Khoảng 10 giờ ngày 15.5, có 34 công nhân (đa phần là nữ) đang làm việc tại Công ty TNHH quốc tế Smart Elegant (chuyên về may mặc xuất khẩu) đột nhiên ngất xỉu phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Các công nhân cho biết sáng cùng ngày khi vào công ty làm thì ngửi có mùi lạ. Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn nhận định ban đầu có thể do công nhân hít phải khí độc chưa rõ loại. Các công nhân được xử trí truyền dịch, dùng thuốc. Hầu hết những công nhân tình trạng nhẹ đã xuất viện trong ngày.
Theo báo cáo của LĐLĐ H.Hóc Môn, trong số công nhân nhập viện lần này có 5 công nhân đã từng bị xỉu nhập viện trước đó (ngày 15.5 có 34 công nhân của công ty nói trên nhập viện sau khi ngửi thấy mùi khí lạ, Thanh Niên đã đưa tin). Ngày 16.5, công ty đã thực hiện kiểm tra, khử mùi... nhưng đến sáng 17.5 công nhân trở lại làm việc thì tiếp tục xảy ra sự cố (Thanh niên, trang 8)
Từ phản ánh của Báo Lao động: Bắt các đối tượng bán giấy khám sức khỏe giả
Sau khi báo Lao Động đăng bài: “Giấy khám sức khỏe giả bán tràn lan” ngày 8.5.2017, Cơ quan điều tra - Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) đã thực hiện triển khai ngay các phương án điều tra, vào cuộc và xác minh thông tin Lao Động phản ánh.
Qua nhiều phương pháp nghiệp vụ, ngày 17.5, các đối tượng buôn bán giấy khám sức khỏe giả đã bị cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội 11, Phòng Cảnh sát hình sự - PC45 bắt giữ. Các đối tượng bị bắt giữ gồm Trịnh Thành Trung (SN 1991, quê Nam Định), Nguyễn Thị Anh (SN 1993, quê Thái Bình) và Đoàn Trần Tiến (SN 1993, quê Quảng Ninh).
Tại cơ quan cảnh sát điều tra, đối tượng Trịnh Thành Trung (người được xem là cầm đầu) khai nhận, Trung mua lại được bộ con dấu với giá 3,6 triệu đồng từ một người khác, sau nhiều lần “ship” hàng. Từ khoảng tháng 2.2017, đối tượng này đã lập Fanpage "Giấy khám sức khoẻ 50k" và để lại số điện thoại để liên lạc với khách hàng.
Sau đó, Trung liên hệ với Nguyễn Thị Anh để thuê viết và in giấy khám sức khỏe, giấy ra viện, giấy nằm viện giả... Một thời gian sau, do bận việc, Trung đã giao lại bộ con dấu cho Anh để nhờ đóng dấu.
Trung khai nhận, các khách hàng mua giấy khám sức khỏe chủ yếu ở khu vực Hà Nội. Số tiền lãi từ việc buôn bán giấy khám sức khỏe là khoảng 10 triệu đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, tang vật thu giữ gồm một dấu tròn của Bệnh viện Giao thông Vận tải, một dấu tên và chức danh mang tên bà Nguyễn Thị Xuân Loan - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cùng nhiều dấu, chữ ký của các bác sĩ và nhiều giấy khám sức khỏe chưa ghi tên, đóng dấu khác.
Trước đó, báo Lao Động đã có bài điều tra về tình trạng những tờ giấy khám sức khỏe có dấu của Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải và Bệnh viện Giao thông Vận tải được rao bán công khai trên mạng xã hội, giá chỉ từ 70 - 80 nghìn đồng. Thậm chí, các đối tượng bán giấy còn “ship hàng” tận nơi, việc mua diễn ra dễ như mua bán rau, giá chỉ rẻ bằng nửa so với việc người dân phải trực tiếp vào bệnh viện để khám. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thực hư, những tờ giấy khám sức khỏe này đã được chính Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải khẳng định đều là giả (Lao động, trang 1)