Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/6/2016

  • |
T5g.org.vn - Chủng virus cúm tại Việt Nam chưa tăng độc tính; Bảo vệ bệnh viện đánh vợ chồng bệnh nhân…

Chủng virus cúm tại Việt Nam chưa tăng độc tính

Ngày 17/6, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện cơ quan chức năng chưa phát hiện thấy chủng virus cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.

Theo Cục Y tế dự phòng, tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây hằng năm ghi nhận khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B gây nên.

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.

Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. (Tiền phong (trang 10), Thanh niên (trang 2), Sài Gòn Giải phóng (trang 7).

Bảo vệ bệnh viện đánh vợ chồng bệnh nhân

Anh Lương Thanh Thái, bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ nói rằng, sáng 17/6, bảo vệ của bệnh viện này dùng roi điện, gậy ba trắc đánh và chích điện khiến vợ chồng anh đa chấn thương. Bệnh nhân Lương Thanh Thái (sinh năm 1978), ngụ tại P8, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) nhập viện ngày 16/6 để điều trị cao huyết áp. Đi cùng anh Thái là là vợ anh - chị Dương Mỹ Hà (sinh năm 1985).

Theo lời anh Thái, sáng 17/6, vợ anh có giặt và phơi một số quần áo ngoài  hành lang dãy C405. Sau khi phơi một lúc, bảo vệ bệnh viện đến gom quần áo của vợ anh vứt vào sọt rác. Anh Thái liên hệ với một số y tá và bác sĩ của bệnh viện đề nghị người bảo vệ nào vứt quần áo thì lấy đem giặt sạch và trả lại cho vợ anh.

Sau đó, có 3 bảo vệ đến gặp anh Thái, trong đó một người cầm roi điện, một người cầm gậy ba trắc. Hai bên lời qua tiếng lại và xảy ra mâu thuẫn. Cả ba bảo vệ xông vào đánh, chích điện anh Thái tới tấp. Chị Hà, vợ anh Thái, chạy lại can ngăn nhưng bị bảo vệ dùng roi điện, gậy ba trắc đánh vào đầu, lưng và tay. Thấy vợ bị đánh, anh Thái lấy cây lau nhà đánh trả nhưng chỉ trúng vào mông của một trong ba người.

Khi cuộc ẩu đả đang diễn ra trưởng khoa tim mạch và đội trưởng bảo vệ đến can ngăn nhưng không thành. Cả hai vợ chồng phải bỏ chạy vào phòng bệnh trốn mới thoát khỏi sự tấn công của bảo vệ. Ông Đỗ Hồng Ân (45 tuổi) người chứng kiến sự việc kể: “Mọi người ai cũng can ngăn nhưng không được vì bảo vệ quá hung hăng”. Ông Ân kể, bảo vệ bệnh viện không chỉ đánh anh Thái gục xuống mà còn nói: “Tao đánh cho mày chết” và chửi thề liên tục. Theo ông Ân, ông cũng nhảy vào can ngăn nhưng cả 3 bảo vệ nói đây không phải là chuyện của ông.

Ngay sáng 17/6, Công an phường An Khánh (Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã làm việc, lấy lời khai từ chị Dương Mỹ Hà và phía bảo vệ của bệnh viện.

Ông Nguyễn Minh Nghiêm - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Trung ương Cần Thơ xác nhận với phóng viên Tiền Phong vụ việc đánh người của bảo vệ bệnh viện là có thật. Tuy nhiên, ông Nghiêm nói rằng hiện phía bệnh viện và người nhà đã giải quyết ổn thỏa.

Phóng viên Tiền Phong liên hệ với công an phường An Khánh và được trả lời vụ việc vẫn đang điều tra nên chưa cung cấp thông tin được.

Hiện vợ chồng anh Thái và chị Hà vẫn đang điều trị tại bệnh viện. (Tiền phong (trang 10).

Thực phẩm nhập khẩu không đạt chất lượng vẫn được “tuồn” ra bán

Thanh tra Bộ Y tế vừa có kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định vềkiểm nghiệm thực phẩm và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu. Việc kiểm nghiệm được thực hiện tại Viện Y tế công cộng TP.HCM.

Theo đó, năm 2014, viện này kiểm tra 10.827 lô, có 28 lô không đạt; năm 2015 kiểm tra 11.234 lô, có 21 lô không đạt; 2 tháng đầu năm 2016 kiểm tra 1.534 lô, có 3 lô không đạt. Cụ thể, có 26 lô hàng nhập khẩu không đạt về vi sinh, phụ gia thực phẩm; 19 lô không đạt về chỉ tiêu chất lượng (vitamin, khoáng chất, hoạt chất sinh học trong thực phẩm chức năng); 5 lô hết hạn; 2 lô bị hỏng, cháy, biến dạng. Viện đã yêu cầu tái xuất 25 trường hợp, tái chế 2 trường hợp, tiêu hủy

21 trường hợp, 1 trường hợp chuyển đổi mục đích và 3 trường hợp chưa đề xuất. “Khi có kết quả kiểm nghiệm không đạt, Viện không ra văn bản thông báo và báo về Bộ Y tế ngay mà chỉ thông báo cho doanh nghiệp qua điện thoại và chỉ ra thông báo lô hàng không đạt yêu cầu khi doanh nghiệp đã chấp nhận kết quả kiểm tra đối với lô hàng. Việc này cần khắc phục”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Sau khi kiểm tra trên hồ sơ, đoàn Thanh tra Bộ Y tế đã đi kiểm tra, xác minh tại 13 cơ sở có thực phẩm nhập khẩu. Kết quả cho thấy có 3 cơ sở chưa thực hiện quy định kiểm nghiệm định kỳ; 1 cơ sở bán sản phẩm khi chưa có giấy thông báo kết quả đối với lô hàng nhập khẩu (mặc dù cơ sở đã được thông báo qua điện thoại là lô hàng không đạt chất lượng nhập khẩu). Đoàn thanh tra yêu cầu cơ sở dừng ngay việc lưu hành sản phẩm, bảo quản nguyên trạng, thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định. Đối với Công ty TNHH OMNI Nutrition VN bán hàng khi chưa có giấy thông báo kết quả đối với lô hàng nhập khẩu, đoàn thanh tra sẽ xem xét, xử lý theo quy định…

Đoàn thanh tra yêu cầu Viện Y tế công cộng TP.HCM tiếp tục rà soát, khắc phục những tồn tại đã nêu và báo cáo khắc phục về Thanh tra Bộ trước ngày 30.6. Đề nghị Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế tiếp tục theo dõi, giám sát các cơ sở thực phẩm đã được kiểm tra, xác minh có những vi phạm. (Thanh niên (trang 4).

Đắk Lắk kết luận vụ nữ sinh bị cưa chân oan uổng

Ngày 17.6, Sở Y tế Đắk Lắk đã có kết luận về vụ nữ sinh Lê Thị Hà Vi bị cưa chân do sai sót chuyên môn trong quá trình điều trị tại Bệnh viện (BV) đa khoa H.Cư Kuin hồi tháng 3 vừa qua. Kết luận nêu rõ: Hồ sơ ghi chép chưa đầy đủ; không ghi nhận thời gian và tên phẫu thuật viên trong biên bản hội chẩn; các thành viên tham gia hội chẩn cũng không nhận định được tình trạng diễn biến của bệnh; bệnh nhân chưa được thăm khám các nội dung phù hợp với bệnh cảnh hiện tại.

Sở Y tế Đắk Lắk chỉ rõ trách nhiệm thuộc về tập thể Ban Giám đốc, các phòng chuyên môn, Khoa Ngoại của BV đa khoa H.Cư Kuin và các cá nhân, gồm ông Nguyễn Văn Tâm (Giám đốc BV); ông Trịnh Đức Lam (Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa ngoại); ông Lê Quang Nghĩa (Phó giám đốc BV) và ông Y Tâm, bác sĩ khoa ngoại. Trong đó, bác sĩ Y Tâm chỉ định bó bột ban đầu không đúng chuyên môn, không theo dõi diễn biến bệnh sau bó bột; bác sĩ Trịnh Đức Lam là phẫu thuật viên chính nhưng khi khám bệnh không đánh giá tiên lượng được tổn thương và biến chứng; bác sĩ Lê Quang Nghĩa là người trực lãnh đạo cùng hội chẩn với bác sĩ nhưng không nắm được chuyên môn để chỉ đạo các bác sĩ trong khoa xử lý. Sở Y tế Đắk Lắk yêu cầu BV phải tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân nói trên.

Ngoài ra, BV này phải có trách nhiệm động viên, hỗ trợ kinh phí để giảm bớt khó khăn về tài chính đối với gia đình bệnh nhân; hỗ trợ chi trả chi phí điều trị, chi phí tái khám, lắp chân giả đối với bệnh nhân Vi tại BV Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM. (Thanh niên (trang 4), Tuổi trẻ (trang 5):

Mất cân bằng giới tính nóng trở lại

5 tháng đầu năm nay, số sinh của thành phố giảm khá mạnh trong khi tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn ở mức cao, đặc biệt chênh lệch giới tính khi sinh đang có xu hướng gia tăng trở lại. 114,4 bé trai mới có 100 bé gái

Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội đang diễn ra phức tạp. Ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa (DS-KHHGĐ) Hà Nội cho biết, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, năm 2015 là năm mà Hà Nội khống chế được tỷ số giới tính xuống mức thấp nhất trong gần chục năm qua, đạt 114/100 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức bình quân cả nước (112,7/100). 5 tháng đầu năm nay, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Thủ đô tăng trở lại, ở mức 114,4 trẻ trai/ 100 trẻ gái.

Tỷ số giới tính khi sinh gia tăng trong khi số sinh của thành phố đang có xu hướng giảm. Theo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, 5 tháng đầu năm nay, số sinh (tổng số trẻ được sinh ra trên địa bàn) của thành phố là 37.715 trẻ, giảm 1.518 trẻ so với cùng kỳ năm 2015. Điều này cho thấy người dân Thủ đô đang có xu hướng sinh ít con hơn. Dù vậy, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của thành phố vẫn ở mức khá cao, chiếm đến 7,53%. Rất nhiều trường hợp sinh con thứ ba trở lên vì mong muốn sinh được con trai, đây cũng là một nguyên nhân khiến cho mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội được dự báo có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng cuối năm nay.

Ông Nguyễn Đình Lân đánh giá, mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội hiện vẫn nằm trong mức báo động. Thành phố đã triển khai rất nhiều biện pháp để kiểm soát tình trạng này song hiệu quả đạt được còn hạn chế. “Muốn kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ vì đây là vấn đề liên quan đến văn hóa, nhận thức của mỗi người dân” - ông Nguyễn Đình Lân nói.

Khó cấm lựa chọn giới tính thai nhi

Giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh là thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định pháp luật về siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi. Tại Hà Nội, số đoàn kiểm tra hàng năm rất nhiều nhưng số cơ sở bị phát hiện có vi phạm và xử lý quá ít, dù ai cũng biết vi phạm trong lĩnh vực này là phổ biến. Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội thừa nhận, đúng là có thực trạng hầu hết các bà mẹ hiện nay đều biết giới tính của con mình trước khi sinh nhưng để phát hiện được cơ sở vi phạm về chẩn đoán giới tính khi sinh lại không đơn giản.

 “Bà mẹ, ông bố nào cũng muốn biết con mình là trai hay gái ngay từ lúc mang thai. Do đó, họ sẽ tìm mọi cách để đạt được mục đích và để xử lý họ rất khó. Với các cơ sở y tế có hành vi chẩn đoán giới tính thai nhi cũng vậy, rất khó để phát hiện được vi phạm của họ, bởi không bác sĩ nào nói thẳng rằng thai nhi là trai hay gái hoặc thể hiện trên giấy tờ, trên kết quả siêu âm mà có thể là trao đổi riêng, dùng những ký hiệu, ám hiệu chỉ người nhà sản phụ hiểu được. Trong khi muốn xử lý được đòi hỏi phải có bằng chứng, chứng cứ, biên lai… rõ ràng” - ông Tạ Quang Huy phân tích.

 “Năm 2015 chúng tôi xử lý được 2 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp phòng khám tư ở quận Hà Đông bị phạt 40 triệu đồng và đình chỉ hoạt động vì hướng dẫn lấy máu thai phụ để chẩn đoán giới tính thai nhi. Mới đây, chúng tôi cũng đã xử phạt Bệnh viện Hồng Ngọc 3 triệu đồng vì hành vi quảng cáo lựa chọn giới tính thai nhi trên website” - ông Tạ Quang Huy cho biết.

Cũng theo ông Tạ Quang Huy, Hà Nội đã phân cấp cho các quận/ huyện/ thị xã trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường xuyên với các cơ sở y tế, phòng khám cung cấp dịch vụ siêu âm thai nhi, xét nghiệm giới tính. Dự kiến trong tháng 8-9 tới đây, Hà Nội sẽ triển khai đợt cao điểm về thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này.

Phát động giải báo chí viết về công tác dân số Thủ đô

Ngày 17-6, Hội Nhà báo Hà Nội phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã phát động cuộc thi các tác phẩm báo chí tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn Thủ đô. Các tác phẩm báo chí được xét thưởng cần được đăng tải trong thời gian từ 1-1-2016 đến 30-10-2016. (An ninh Thủ đô (trang 8):

Tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế : Chất lượng, thái độ “tăng” không kịp

Nhân viên y tế “cầm” cả xấp phong bì của người nhà bệnh nhân; “nấu cháo” điện thoại trong khi hàng dài người bệnh đang xếp hàng chờ làm thủ tục khám; bác sĩ nhận tiền bồi dưỡng của người nhà sản phụ nhưng khi tai biến xảy ra thì trả lại… Chưa kể, tại một số cơ sở y tế vẫn chậm chuyển đổi, người bệnh vẫn nằm ghép, chờ đợi. Thế nhưng, giá dịch vụ y tế vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lên từ tháng 8 tới, sau 4 tháng điều chỉnh lần một từ ngày 1-3 vừa qua.

Chuyển biến chưa đáng kể!

Ghi nhận tại một số bệnh viện (BV) ở TPHCM cho thấy mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình trạng chờ đợi, quá tải, nằm ghép vẫn còn diễn ra. Tại BV Ung bướu TPHCM, hàng dài người bệnh vẫn chen chúc mỗi ngày, thậm chí ngồi bệt trên những hành lang, lối đi và các gầm cầu thang… “Đã cố gắng hết sức nhưng quy mô BV chỉ có vậy, cơ sở vật chất chỉ có vậy. Có muốn cơi nới cũng không có chỗ mà thêm”, bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV, áy náy. Nói về việc đã điều chỉnh viện phí từ 1-3 và được trích lại một phần thu từ viện phí để tái đầu tư phục vụ người bệnh, BS Minh cho biết đã tăng bàn khám, cải cách công nghệ thông tin... nhưng mới giải quyết được một phần nhỏ.

Còn tại BV Chấn thương chỉnh hình TP, người bệnh vẫn ngán ngẩm mỗi lần chờ đến lượt khám. Thực tế cho thấy, sau đợt đầu tiên điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, các cơ sở y tế đã ý thức nâng cao chất lượng, hướng đến sự hài lòng người bệnh nhưng “năng lực” vẫn có hạn! Ngược lại, tại một số cơ sở y tế, nhất là tuyến dưới, tuyến tỉnh vẫn còn những bất cập như chậm cải tiến, thay đổi, chậm tiếp cận chuyển giao các kỹ thuật, đáng nói là thái độ y đức vẫn còn những tồn tại như thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm…

Mặc dù vậy, theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC về điều chỉnh mức giá viện phí, Bộ Y tế vẫn nhất định một lộ trình tăng giá các dịch vụ y tế đến hết năm 2017 theo hướng tính đúng, tính đủ “trọn gói”. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cho biết từ nay đến cuối năm 2017, việc đưa lương nhân viên y tế vào giá viện phí sẽ được thực hiện tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và dự kiến chia thành 5 đợt. Theo đó, mỗi đợt điều chỉnh viện phí sẽ thực hiện ở 8 - 12 tỉnh, thành. Đợt đầu tiên sẽ được thực hiện vào cuối tháng 8 tới, tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%... “Việc thực hiện lộ trình tăng viện phí tính cả tiền lương, các BV phải đảm bảo chấm dứt tình trạng thu các khoản cao hơn quy định hoặc thu các khoản không có trong quy định”, ông Liên cho biết.

“Dồn” bảo hiểm

Với việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, đòi hỏi người bệnh suy nghĩ đến bảo hiểm y tế (BHYT). Trước đó, từ ngày 1-3-2016, gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế đã tăng giá bình quân khoảng 30% và chỉ áp dụng cho bệnh nhân có BHYT. Điều đáng nói, theo quy định, các cơ sở y tế phải dành tối thiểu 5% từ nguồn thu để nâng cấp, cải tạo cơ sở khám chữa bệnh ngoại, nội trú, tăng giường bệnh, mua bổ sung, thay mới chăn drap, gối đệm, quạt... để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Một cán bộ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết hiện nay ở nhiều BV, nhà vệ sinh vẫn dơ dáy, không có xà phòng, không có cây xanh, rác vứt bừa bãi, giường bệnh thì chiếu rách, drap giường cũ… Tuy chưa có nhiều chuyển biến nhưng với điều chỉnh tăng giá, người bệnh quan ngại về gánh nặng chi phí.

Điều đáng nói, trong khi một phần giá dịch vụ y tế tại BV công lập vẫn được Nhà nước bao cấp thì các yếu tố cấu thành giá đã được bảo hiểm xã hội chấp thuận thanh toán cho BV tư. Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết đến nay toàn TP đã có 50 cơ sở y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT. Hiện các chi phí khám bệnh, chỉ định cận lâm sàng, thuốc điều trị tại khối y tế tư nhân được quỹ BHYT thanh toán tương đương với khối công lập. Đặc biệt, sau ngày 1-3, Bộ Y tế điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ thì cơ sở y tế tư nhân được thanh toán gói dịch vụ BHYT cao hơn khối công lập. Y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT cho người dân sẽ tạo nhiều thuận lợi trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế sẽ giảm dần và chuyển phần tiền đó sang hỗ trợ người dân mua BHYT. Đồng thời tiếp tục điều chỉnh giá đối với những người không có thẻ BHYT để bảo đảm bình đẳng giữa hai nhóm đối tượng, thúc đẩy người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên để tránh tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI, từ cuối năm nay đến đầu 2017, mỗi đợt chỉ thực hiện điều chỉnh khoảng 8 - 10 tỉnh, thành phố. Theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đến năm 2018 giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý. Năm 2020 giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Giá dịch vụ y tế tính đúng tính đủ bao gồm 7 yếu tố chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

BHXH TPHCM cho biết, với dân số TPHCM hiện nay là 7.798.432 người thì diện tham gia BHYT còn thấp, chỉ chiếm 75,24% dân số TP, chưa đạt chỉ tiêu Chính phủ giao là 76,4%. Từ ngày 1-3-2016, điều chỉnh mức tăng viện phí bình quân lên 30% tại các cơ sở y tế công lập và bình quân 60% ở các cơ sở y tế tự chủ tài chính, các chi phí khám ngoại trú, chi điều trị nội trú của BHXH tăng lên gần 3.500 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2016, quỹ BHYT sẽ thiếu khoảng 400 tỷ đồng do giá viện phí tăng. (Sài Gòn Giải phóng (trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang