Gia tăng trẻ em mắc bệnh hô hấp
Thời tiết chuyển mùa, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn khiến sức đề kháng trẻ giảm, cộng thêm nồng độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng khiến số trẻ mắc bệnh gia tăng mạnh, đặc biệt là các bệnh sốt vi rút, viêm đường hô hấp, viêm phổi ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh.
Cảnh giác viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Từ đầu tháng đến nay, BV Nhi Trung ương đã ghi nhận trên 30.000 lượt bệnh nhi tới khám, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.000 lượt bệnh nhi, tăng khoảng 25% so với bình thường. Các bệnh trẻ thường mắc trong thời gian này là bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi ở trẻ nhỏ, tiêu hóa, sốt virus, sốt xuất huyết…
Tương tự, khoa Nhi BV Bạch Mai, lượng bệnh nhi đến khám vì các bệnh hô hấp cũng tăng lên, mỗi ngày khoảng 400-500 bệnh nhân, chiếm quá nửa là các bệnh liên quan đến đường hô hấp và sốt virus, nhiều trẻ phải nhập viện nhiều lần trong thời gian ngắn vì tái nhiễm bệnh.
Theo các bác sĩ, sở dĩ lượng bệnh nhi gia tăng vì miền Bắc đang vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết ngày nóng, sáng sớm và đêm se se lạnh khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm nồng độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng lên khiến trẻ dễ mắc bệnh.
Bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý những dấu hiệu cần đưa trẻ đến viện ngay. Cụ thể, cần theo dõi quá trình bú, khi bé ngủ và cách thở của bé. Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú; có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường, quấy khóc); thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường… cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám.
Chú ý phòng bệnh
Theo thường lệ hàng năm, cứ đến tháng 9, 10 số trẻ mắc bệnh đường hô hấp sẽ gia tăng do trẻ chưa thích nghi được với sự thay đổi thời tiết. Vì thế, cha mẹ cần chăm sóc trẻ chu đáo để phòng bệnh trong giai đoạn chuyển mùa này.
Việc quan trọng đầu tiên để phòng bệnh cho trẻ là tiêm chủng đầy đủ. Đồng thời cha mẹ cần giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh cơ thể trẻ và người chăm trẻ, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng. Cần giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng.
Ngoài ra, cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh. Vì hầu hết các bệnh lý này đều lây qua đường hô hấp nên cần hạn chế trẻ tiếp xúc với người bị bệnh. Người lớn bị bệnh cần có ý thức phòng tránh cho trẻ như che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang…
Các vật dụng dễ mang mầm bệnh như chăn, chiếu, đệm, ga trải giường cần thay giặt thường xuyên; những đồ vật để lâu ngày bám bụi như giá sách, tủ, giường… cần được lau dọn. Chú ý nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống phong phú, sinh hoạt điều độ.( An ninh thủ đô trang 8)
Phê bình bệnh viện vụ đưa thi thể bệnh nhân về nhà bằng xe máy
Chiều 17-9, tại cuộc họp với ngành y tế tỉnh Sơn La, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, đã phê bình tập thể lãnh đạo BV Lao và Bệnh phổi tỉnh Sơn La.
Lý do phê bình vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, để xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân bị bệnh lây nhiễm chở bệnh nhân về gia đình bằng phương tiện xe máy.
Ông Cầm Ngọc Minh cũng đề nghị ngành y tế, các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo theo quyết định của Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng đề nghị ngành y tế tỉnh xem xét những trường hợp bệnh nhân nghèo, không có khả năng thuê xe dịch vụ thì tỉnh hỗ trợ chở miễn phí để giúp gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa giảm bớt khó khăn.( Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh trang 15, Nhân dân trang 5)
Cần Thơ thiếu cán bộ y tế học đường
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết hiện nay y tế học đường của TP còn gặp nhiều khó khăn như trình độ chuyên môn y tế ở các trường chưa đạt yêu cầu, nhân sự thường xuyên thay đổi do nhu thập thấp, áp lực công việc nhiều. Bên cạnh đó, còn 17 trường có phòng y tế chưa đúng quy định, nhà vệ sinh nhiều trường còn thiếu và xuống cấp trầm trọng…( Tuổi trẻ trang 16)
Dồn bệnh nhân nằm ghép để lấy giường dịch vụ !
Trong những ngày qua, lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế đã đi kiểm tra các “điểm nóng” về nằm ghép tại nhiều bệnh viện tuyến T.Ư ở Hà Nội.
Tại Khoa Thần kinh và Viện Tim mạch quốc gia, thuộc Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), lãnh đạo cục đã chứng kiến bệnh nhân nặng phải nằm ghép 2 - 3 người/giường bệnh, trải chiếu nằm dọc lối đi.
“Chúng tôi đã nhận được phản ánh bệnh nhân phải nằm gầm giường; truyền thuốc cũng vẫn phải nằm dưới sàn đất, việc này gây ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, sức khỏe người bệnh”, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, nói.
Tại Viện Tim mạch quốc gia, dù đã có riêng khoa khám, điều trị theo yêu cầu xây rất rộng, khang trang nhưng ở một số phòng bệnh thông thường vẫn ngăn một phần diện tích để dành cho giường dịch vụ, bất chấp tình trạng nằm ghép rất trầm trọng kéo dài nhiều năm qua. Lãnh đạo Viện cho biết hiện có 273 giường thực kê trong đó giường dịch vụ chiếm hơn 1/2 (149 giường).
“Giường kế hoạch chỉ có 124 giường bệnh, chưa đạt yêu cầu so với giường kế hoạch được giao là 150. Việc này cần chấn chỉnh ngay bởi Bộ Y tế đã yêu cầu chỉ sau khi hoàn thành tối thiểu giường kế hoạch (là khu vực phục vụ chủ yếu bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT), bệnh nhân thu nhập thấp - PV) thì mới được bố trí thêm giường dịch vụ”, ông Nguyễn Trọng khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, nêu rõ.
Tại Khoa Thần kinh của BV Bạch Mai, hai bệnh nhân nằm chung một giường bệnh gây sự cố trong điều trị.
“Người nhà tôi bị tai biến phải truyền thuốc, lại nằm ghép với bệnh nhân bị co giật, bị bệnh nhân cùng giường đạp bung cả dây truyền dịch làm bật kim, chảy máu”, anh Xuân Việt, người nhà bệnh nhân, phản ánh. Thậm chí, tại đây còn có tình trạng bệnh nhân nam nằm ghép với bệnh nhân nữ. Dù quá tải trầm trọng như vậy, nhưng theo một cán bộ của khoa này, Ban Giám đốc BV Bạch Mai vẫn cho khoa kê giường dịch vụ đến 30% tổng số giường bệnh.
“Ngay đối diện khoa thần kinh là tòa nhà 21 tầng mà BV Bạch Mai đã khánh thành gần một năm qua nhưng không thấy bố trí thêm giường điều trị cho bệnh nhân của khoa thần kinh”, một bệnh nhân nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc BV Bạch Mai, ban giám đốc BV đã họp với lãnh đạo chủ chốt của các khoa, rà soát toàn bộ số giường bệnh/bệnh nhân và lên kế hoạch giảm tải. “Chờ lắp đặt thêm thiết bị ở tòa nhà mới, BV sẽ có thêm giường nội trú cho bệnh nhân”, ông Hiền phân trần.
Ông Lương Ngọc Khuê lưu ý BV Bạch Mai là một trong số ít BV vẫn chưa cam kết xóa nằm ghép, nhưng vẫn phải có lộ trình rút ngắn thời gian nằm ghép. Bệnh nhân chỉ nằm ghép trong 48 - 72 giờ và tiến đến chỉ trong 24 giờ (tính từ khi vào viện).
“Không thể chấp nhận bệnh nhân nằm ghép 3, nằm ở lối đi. BV phải tiết giảm và tiến đến xóa giường dịch vụ. Các dịch vụ xã hội hóa, dịch vụ theo yêu cầu phải riêng biệt, minh bạch”, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh và khẳng định Bộ Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra việc khắc phục nằm ghép trong các BV công.( Thanh niên trang 18)
Gửi tin nhắn ủng hộ trẻ em bị bệnh tim
Từ ngày 15-9 đến ngày 13-11, chương trình “Trái tim cho em” do Tập đoàn Viettel, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức phối hợp với TƯ Hội chữ thập đỏ Việt Nam triển khai hoạt động nhắn tin ủng hộ tới đầu số 1408 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia.
Theo đó, người dân, nhà hảo tâm có thể soạn tin TTCE gửi 1408, mỗi tin nhắn được gửi thành công sẽ góp 18.000 đồng vào Quỹ Tấm lòng Việt. Toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ dùng để chi trả chi phí phẫu thuật, can thiệp nhằm giữ lại sự sống cho các bệnh nhi dưới 16 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, từ năm 2012 đến năm 2015, đã huy động được gần 10 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm thông qua nhắn tin và đã có gần 300 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh được cứu sống kịp thời.
Thông tin về kết quả ủng hộ qua tin nhắn sẽ được cập nhật liên tục trên Cổng thông tin nhân đạo quốc gia (1400.vn) và sẽ được công bố trong chương trình truyền hình trực tiếp kỷ niệm 8 năm thực hiện chương trình Trái tim cho em dự kiến sẽ được phát sóng vào lúc 20h15 ngày 8-10-2016 trên kênh VTV1.( Hà Nội mới trang 7)