Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/8/2022

  • |
T5g.org.vn - Biến thể phụ BA.2.74 và BA.2.75 của Omicron nguy hiểm đến mức nào?; Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Bộ Y tế luôn tiếp thu các phản ánh, tập trung tháo gỡ khó khăn của bệnh viện, người dân

 

Biến thể phụ BA.2.74 và BA.2.75 của Omicron nguy hiểm đến mức nào?

Việt Nam vừa mới phát hiện trường hợp mắc BA.2.74, biến thể phụ của Omicron. Vậy biến thể phụ mới này và người anh em của nó BA.2.75 có gì nguy hiểm hơn không so với BA.5 chủ đạo đang gây ra làn sóng mắc mới toàn cầu hiện nay?

BA.2.74 và BA.2.75 nguy hiểm tới mức nào so với BA.5 siêu lây nhiễm?

Theo thông tin đăng tải trên Times of India, BA.2.74, BA.2.75 và BA.2.76 là bộ ba biến thể phụ mới phát sinh từ Omicron "tàng hình" BA.2.

Cả 3 biến thể phụ mới BA.2.74, BA.2.75 và BA.2.76 được cho là "hoàn chỉnh hơn" và thậm chí lây nhiễm cao hơn cả biến thể phụ Omicron BA.5. Thông tin trên được INSACOG (cơ quan về giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2) cho hay. Các dòng phụ mới xuất hiện này của Omicron đã dẫn đến làn sóng mắc mới COVID-19 gia tăng ở Ấn Độ.

Cho tới nay, BA.5 - biến thể phụ siêu lây nhiễm của Omicron đã gây ra làn sóng mắc COVID-19 mới trên toàn cầu. Theo dữ liệu từ GISAID, cơ quan giải trình tự gene và giám sát các biến thể mới trên toàn cầu, BA.5 đã chiếm 52% số trường hợp giải trình tự gene tính đến ngày 25/7.

Vào đầu tháng 7 năm nay, Ấn Độ đã ghi nhận 216 trường hợp mắc BA.2.74. Trong khi đó, biến thể phụ BA.2.75, một trong bộ ba phát sinh từ Omicron "tàng hình" nổi lên ở Ấn Độ kể từ khi phát hiện tới nay đã vượt trội cả BA.5 tại nước này.

Theo thông tin từ trang y khoa News Medical Life Sciences, bộ ba mới phát sinh này, đặc biệt là BA.2.75 đã gây ra mối quan ngại về khả năng lây lan của nó đối với các cơ quan giám sát và giải trình tự gene virus trên toàn cầu. Cho tới nay, BA.2.75 cũng đã lan tới một số quốc gia.

Hiện nay, theo báo cáo chính thức về tình trạng mắc, BA.5 là phiên bản dễ lây nhiễm nhất của virus SARS-CoV-2 với giá trị R0 18,6 (ở ngoài môi trường hoang dã có thể khoảng 2,79). Khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch khiến cho BA.5 đã sớm nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo toàn cầu kể từ khi nó xuất hiện. Một báo cáo từ New York cho thấy khả năng nhiễm trùng đột phá của BA.5 cao gấp 4,2 lần so với BA.1 (phiên bản gốc của Omicron).

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy BA.5 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch ở một số người đã từng nhiễm Omicron BA.1. Điều này đồng nghĩa với việc một số người nhiễm Omicron thời kỳ đầu có thể vẫn mắc COVID-19 trở lại trước biến thể BA.5.

Những đột biến gene nào của BA.2.75 khiến biến thể phụ mới này trở nên đáng lo ngại?

Mặc dù hiện theo báo cáo, biến thể phụ BA.5 vẫn là biến thể chủ đạo và gây ra tác động lớn nhất trên toàn cầu, biến thể phụ mới BA.2.75 kể từ khi nổi lên ở Ấn Độ đã nhanh chóng lây lan ra hơn chục quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh và Australia.

Mặc dù vẫn còn chưa chắc chắn về mức độ nhập viện hay khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch của BA.2.75, nhưng biến thể phụ này đã khiến các chuyên gia lo ngại tới mức phải gắn "mốc đỏ" cho nó.

TS. Eric Topol, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Scripps ở Mỹ lý giải rằng, BA.2.75 chứa thêm 8 đột biến gene so với BA.5, có thể dẫn đến khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn

Tom Peacock - nhà virus học tại bộ phận bệnh truyền nhiễm, Đại học Hoàng gia London cũng cho biết protein gai nhọn ở BA.2.75 chứa một số đột biến chủ chốt: đáng chú ý về khả năng nhân lên của virus và khả năng lây nhiễm vượt qua vùng miền địa lý.

Theo nhà virus học nổi tiếng Jesse Bloom từ Fred Hutch, phân tích giải trình tự gene BA.2.75 cho thấy nó chứa thêm 17 đột biến nucleotide so với tổ tiên BA.2 trước đó, và thêm 2 đột biến nữa tác động tới thụ thể: G446S và Q493R ở protein gai nhọn.

Các nghiên cứu trước đó cho thấy đột biến G446S là một trong những vị trí hiệu quả nhất giúp virus lẩn tránh hệ miễn dịch. Sự nổi lên của đột biến G446S giúp biến thể phụ của BA.2 có khả năng kháng sự trung hòa của miễn dịch chống lây nhiễm. Trong khi đó, Q493R lại giúp virus bám vào thụ thể ACE2 ở đường hô hấp để gây lây nhiễm COVID-19 cho người mắc.

Trong khi các mẫu xét nghiệm và giải trình tự gene vẫn còn khá ít, BA.2.75 đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học bởi những đột biến gene cũng như khả năng nhân lên của virus.

Do đó, cần phải kiểm soát hiệu quả, truy vết BA.2.75 cũng như nghiên cứu thêm về biến thể phụ này. Những thay đổi về gene của virus tinh vi hơn cũng có thể xuất hiện trong sự tiến hóa tiếp theo của virus gây ra bệnh COVID-19 này. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 16).

 

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Bộ Y tế luôn tiếp thu các phản ánh, tập trung tháo gỡ khó khăn của bệnh viện, người dân

Tại buổi làm việc của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với BV Bạch Mai sáng 18/8, BV Bạch Mai đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, chuyển sang thực hiện Nghị Quyết 60; Đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính... có chính sách đãi ngộ đặc thù với nhân viên y tế
Sáng 18/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm và làm việc tại BV Bạch Mai.

BV Bạch Mai đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng Quản lý BV Bạch Mai đề cập đến một số vấn đề như nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu một số thuốc chuyên khoa và thiết bị y tế cũng như việc thực hiện cơ chế tự chủ.

Về vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc, theo ông Hùng nhân viên y tế không bỏ đi làm nghề khác, chỉ chuyển từ bệnh viện công sang tư.

"Mong muốn của họ là thu nhập ổn định để nuôi gia đình. Như vậy khối bệnh viện công không đảm bảo được, trong khi bệnh viện tư đảm bảo được thu nhập cho nhân viên do thu cao hơn, không bị ràng buộc bởi các quy định. Như vậy có sự bất bình đẳng giữa công và tư. Vì vậy, chúng ta thay đổi phải thay đổi các quy định. Giai đoạn vừa qua, quá nhiều biến động do dịch bệnh COVID-19, các bất cập lộ ra. Đây là hậu quả việc đó"- ông Dương Đức Hùng nói và cho rằng một số khó khăn, vướng mắc của BV Bạch Mai cũng là của ngành y tế, nếu giải được bài toán của BV Bạch Mai cũng giải được bài toán của ngành.

Lãnh đạo BV Bạch Mai chia sẻ: Từ năm 2020, BV Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ. Tuy nhiên, qua thời gian thí điểm, BV Bạch Mai mạnh dạn đề xuất chuyển đổi theo mô hình thực hiện theo Nghị định 60 theo nhóm 2 - tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên để "phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của BV Bạch Mai và trong lúc chờ Chính phủ có hướng dẫn, Bộ Y tế đã hướng dẫn, bệnh viện tiếp tục tự chủ nhóm 1 nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn".

Tại buổi làm việc, Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ cũng đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.

Ông Đào Xuân Cơ thông tin, nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của Đề án tự chủ toàn diện. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định hiện hành của Bộ Y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh giảm. Nguồn thu của Bệnh viện năm 2020, 2021, mỗi năm giảm 2.000 tỷ, ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động.

"Nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh, liên kết đang dừng hoạt động dẫn tới thiếu thiết bị để phục vụ người bệnh. Khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…"- Giám đốc BV Bạch Mai bày tỏ.

Về tự chủ tài chính, ông Cơ nêu, khi bệnh viện triển khai thí điểm tự chủ đúng lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp do đó nguồn thu của bệnh viện giảm sâu, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo các tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm…

Đại diện BV Bạch Mai cũng đề cập vấn đề chi tiền lương. Theo đó, do đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nguồn thu của Bệnh viện (giảm khoảng 4.000 tỷ trong 2 năm 2020-2021 so với năm 2019) và bệnh viện không được thực hiện quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ thực hiện được việc xác định Quỹ lương trên doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập.

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo viện đã rất nỗ lực duy trì thực hiện chi tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công và quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động của từng đơn vị.

Tiền trực 1 đêm vất vả chỉ… 115.000 đồng

Báo cáo với Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác, bà Đoàn Thu Trà, Chủ tịch công đoàn BV Bạch Mai chia sẻ: do ảnh hưởng của dịch bệnh và nhiều yếu tố khác, đời sống của cán bộ, nhân viên y tế BV Bạch Mai trong 2 năm qua khá vất vả, có những người chỉ thu nhập 5 triệu, có những điều dưỡng phải bán hàng online thêm để trang trải cuộc sống.

Nhiều tháng nay y bác sĩ và nhân viên y tế của BV Bạch Mai phải đi làm từ 5-6h sáng để kịp thăm khám cho người bệnh. Thế nhưng cả đêm trực chúng tôi có thù lao 115.000 đồng, rất vất vả, áp lực không chỉ về chăm sóc người bệnh mà còn bị cả áp lực bạo hành từ người nhà người bệnh. Nhiều y bác sĩ làm việc và trực 24/24h, sáng hôm sau vẫn sẵn sàng đi chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới.

"Thay mặt cho hơn 4.000 nhân viên y tế và công đoàn ngành, chúng tôi mong có quyết sách mới làm sao thu đúng, đủ, để nhân viên y tế có hệ số lương phù hợp, đời sống ổn định để yên tâm làm việc, không có sự di chuyển công việc"- bà Đoàn Thu Trà nói.

Cùng đó bà Trà cũng bày tỏ mong muốn cần bảo vệ thầy thuốc tránh được bạo hành của gia đình người bệnh, vì tình trạng này không hề giảm mà vẫn hiện hữu.

"Những đề xuất mong muốn của nhân viên y tế BV Bạch Mai cũng là của nhiều cơ sở y tế trên cả nước. Do đó chúng tôi cho rằng tháo gỡ được vấn đề của BV Bạch Mai cũng là của toàn ngành"- bà Đoàn Thu Trà nói.

Tại buổi làm việc, BV Bạch Mai kiến nghị Bộ Y tế có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để tìm phương án tháo gỡ cho phép sử dụng các máy xã hội hoá, liên doanh liên kết để kịp thời phục vụ người bệnh. Có phương án khả thi tháo gỡ các vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế.

Đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính... có chính sách đãi ngộ đặc thù (Ví dụ: Phụ cấp thâm niên nghề y giống với giáo dục, Phụ cấp thu hút...) đối với cán bộ nhân viên y tế để giảm chuyển dịch nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư...

Đồng thời trong khi chờ Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu, BV Bạch Mai kiến nghị Bộ Y tế cho phép áp dụng giá tương đương theo khung trần giá dịch vụ theo yêu cầu của một số đơn vị đồng hạng trong Ngành (như BV Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện ĐHY HN, ...).

"Bộ Y tế ghi nhận, đánh giá cao BV Bạch Mai đã nỗ lực trong công tác khám chữa bệnh và tham gia chống dịch"

Qua nghe báo cáo của BV Bạch Mai và những ý kiến trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc của các Vụ/Cục tham gia đoàn công tác cũng như từ phía BV Bạch Mai, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các Vụ/Cục tiếp thu các kiến nghị từ thực tiễn hoạt động của BV Bạch Mai, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan đến đầu thầu thuốc, tự chủ nhân lực, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu... và chế độ đãi ngộ với y bác sĩ.

Liên quan đến vấn đề phụ cấp ưu đãi nghề, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ và nhân viên y tế, lương đặc thù cho y bác sĩ, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Bộ Y tế đã có kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị và cho phép ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đánh giá cao những nỗ lực của tập thể BV Bạch Mai trong khám chữa bệnh cho nhân dân, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói: Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao các y bác sĩ của BV Bạch Mai dù có nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nhưng đã luôn có mặt tại các điểm nóng chống dịch theo điều động của Bộ Y tế. Cùng đó, bệnh viện đã làm tốt công tác phát triển y tế kỹ thuật cao, song song với đào tạo, chuyển giao, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho tuyến dưới".

Về vấn đề tự chủ, Quyền Bộ Trưởng Đào Hồng Lan thông tin, BV Bạch Mai và BV K là 2 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ và đã có 2 năm thực hiện.

"Với tinh thần Nghị quyết do Chính phủ giao, chúng ta muốn chuyển sang hình thức nào (tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 33 hay thực hiện theo Nghị định 60), Bộ Y tế đều phải có tổng hợp để báo cáo Chính Phủ. Chúng tôi đang giao Vụ Tài chính làm việc với 2 đơn vị đang thực hiện tự chủ của Bộ để đánh giá kỹ, từ đó trình lên Chính Phủ"- Quyền Bộ Trưởng nói.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho rằng, các vướng mắc đa phần liên quan cơ chế tài chính, vì vậy cũng như BV K, BV Bạch Mai cần có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết nào.

"Từ đó, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng trong quá trình triển khai thực hiện. Nếu chúng ta tháo gỡ được vướng mắc này - cùng với việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về văn bản pháp luật, sẽ đưa ra hành lang pháp lý giúp cho bệnh viện có định hướng thời gian tới tốt hơn"- Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Hà Nội yêu cầu tăng cường chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, cúm A

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và đáp ứng điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm như: COVID-19, cúm A, sốt xuất huyết…
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 3617/SYT-NVY về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và đáp ứng điều trị người bệnh, gửi các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập.

Công văn nêu rõ, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng cũng đang gia tăng đột biến số ca mắc, dịch bệnh đầu mùa khỉ có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta.

Ngày 10/7/2022, Bộ Y tế đã có Công văn số 3652/BYT-DP về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và đáp ứng điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm tiếp tục triển khai các biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm người nghi mắc COVID-19, đậu mùa khỉ, cúm A, sốt xuất huyết,… để triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, khoanh vùng, cách ly, hạn chế lây nhiễm chéo tại cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 và phân công hỗ trợ, chỉ đạo tuyến theo chỉ đạo của Sở Y tế.

Các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đảm bảo cung ứng thuốc, trang thiết bị, nhân lực cho công tác khám, chữa bệnh; Cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh; tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho các nhân viên y tế về giám sát, chăm sóc, điều trị, phòng chống lây nhiễm đối với các bệnh truyền nhiễm.

Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân; thực hiện tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ cho nhân viên y tế; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác". (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

 

Cảnh báo mạo danh cán bộ thanh tra Sở Y tế để lừa đảo

Sở Y tế Phú Thọ đề nghị các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các hành vi mạo danh để trục lợi, tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng.
Hôm nay (17/8), Sở Y tế Phú Thọ vừa ban hành văn bản số 2237/SYT-NVY&QLHN về việc có đối tượng mạo danh cán bộ Thanh tra Sở để lừa đảo các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế Phú Thọ cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xuất hiện hành vi lừa đảo mạo danh cán bộ Thanh tra Sở Y tế nhằm trục lợi bất chính.

Cụ thể, các đối tượng sử dụng thủ đoạn của là gọi điện đến số điện thoại của cơ sở kinh doanh dược, tự xưng là cán bộ đang công tác tại Thanh tra Sở Y tế Phú Thọ. Sau đó thông báo với nội dung "Anh/chị đang bán thuốc điều trị COVID-19 giả" và dọa phải gặp riêng hoặc chuyển tiền cho đối tượng nếu không sẽ bị xử lý theo quy định.

Ngoài ra, các đối tượng này còn gọi điện cho các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân để giới thiệu bán thuốc, thực phẩm chức năng, bán tài liệu tập huấn...

Về vấn đề này, Sở Y tế khẳng định các trường hợp gọi điện thoại như trên là hoàn toàn mạo danh để lừa đảo, đơn vị không triển khai việc gọi điện thoại đến các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân để yêu cầu các nội dung như trên.

Theo quy định, khi tiến hành cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, Sở Y tế sẽ có văn bản thông báo thời gian, địa điểm cụ thể cho các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân và thực hiện đúng trình tự các bước theo quy định. Trường hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất thì Đoàn sẽ xuất trình quyết định thanh tra, kiểm tra hoặc xuất trình thẻ Thanh tra viên. Sau quá trình thanh tra, kiểm tra tại cơ sở, nếu còn tiếp tục làm việc, đơn vị sẽ có giấy mời cụ thể đến cơ sở, tuyệt đối không có cuộc trao đổi thông báo nào qua điện thoại

Sở Y tế đề nghị các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các hành vi mạo danh để trục lợi, tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng. 

Trường hợp nghi ngờ có người mạo danh cán bộ Thanh tra Sở, cán bộ Sở Y tế hoặc phát hiện có hành vi gọi điện đến hù dọa, trục lợi hoặc lừa đảo thì kịp thời phản ánh đến Phòng Y tế, công an xã/phường/thị trấn trên địa bàn hoặc phản ánh đến Thanh tra Sở Y tế theo số điện thoại 0392551971 để tiếp nhận và xử lý theo quy định.' (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8)

 

Tăng số ca mắc COVID-19, bệnh nhân nặng và tử vong

Từ cuối tháng 6 đến nay, Việt Nam ghi nhận BA.2.74 là biến thể phụ mới thứ 4 của biến thể Omicron. Liên tiếp những ngày qua, số ca mắc mới, số bệnh nhân nặng, tử vong tăng mạnh.

Hôm qua (18/8), lần đầu tiên sau hơn 3 tháng Việt Nam ghi nhận số mắc mới kỉ lục với 3.295 trường hợp. Thống kê của Bộ Y tế, 7 ngày qua, cả nước có gần hơn 15.000 ca mắc COVID-19 mới. Số bệnh nhân nặng cũng tăng theo với 208 người đang được điều trị. Trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận 7 ca tử vong - cao nhất trong nhiều tháng qua.

Gần đây, nhiều địa phương liên tục thông báo phát hiện thêm các ca nhiễm biến thể BA.5, BA.4 và BA.2.12.1 của chủng Omicron. Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của Omicron với khả năng lây nhanh. Ca nhiễm biến thể BA.5 đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 6. Từ đó đến nay, Việt Nam liên tục ghi nhận thêm các ca biến thể mới BA.4, BA.2.12.1.

Mới đây nhất, ngày 17/8, Bộ Y tế thông tin, biến thể BA.2.74 đã xâm nhập Việt Nam. Ca bệnh mắc biến thể phụ BA.2.74 đầu tiên ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 8/8. Như vậy, đến nay, nước ta đã xuất hiện 4 biến thể phụ của chủng Omicron, gồm: BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1.

Bộ Y tế cho biết, tại nhiều tỉnh, thành phía Nam, các biến thể phụ BA.4, BA.5 đang chiếm ưu thế được ghi nhận tại TPHCM, Cần Thơ, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre... và một số tỉnh, thành khác ở phía Bắc như Hải Dương, Thái Bình, Cao Bằng, Nghệ An...

Một khảo sát được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM thực hiện ở bệnh nhân mắc COVID-19-19 trong tuần cuối tháng 7 cho thấy số ca nhiễm biến thể BA.5 chiếm ưu thế với 80% tổng số ca bệnh. Các biến thể khác như BA.2, BA.4, BA.2.12.1 chiếm tỉ lệ nhỏ.

Trước sự xuất hiện của hàng loạt biến thể mới và số ca nhiễm bất ngờ tăng cao, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản khẩn đề nghị các địa phương theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch. (Tiền phong, trang 4)

 

Khó xử lý tồn đọng về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Việc xử lý tồn đọng về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế các năm trước khá phức tạp do một số cơ sở khám chữa bệnh vượt quỹ, vượt trần, áp sai giá...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có báo cáo Chính phủ về vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét nội dung báo chí phản ánh về việc Bảo hiểm y tế đang "treo" hơn 1.600 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh.

Đề cập đến tình hình xử lý các chi phí chưa được quyết toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện nay, tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc do cơ sở khám chữa bệnh mới bổ sung hồ sơ, xác định căn cứ thanh toán hoặc Bộ y tế mới có văn bản hướng dẫn các địa phương tiếp tục đề nghị thanh toán bổ sung năm 2021, 2022 là 1.601 tỷ đồng.

Chi phí vượt dự toán năm 2018 còn lại chưa được thanh toán là 510 tỷ đồng. Chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2019, 2022 đề nghị xác định lại là 289 tỷ đồng...

Việc chậm xử lý, giải quyết đối với các chi phí này về phía địa phương là do hồ sơ gửi về Bảo hiểm xã hội Việt Nam chậm, không đầy đủ, không đúng quy định, cần sử đổi bổ sung nhiều lần (bản thuyết minh nguyên nhân vượt trần, vượt dự toán không đầy đủ, không rõ nguyên nhân khách quan, số liệu không thống nhất...) như các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Ninh Thuận, TP. HCM, Cần Thơ...

Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam, do lượng hồ sơ gửi về cùng một thời điểm rất lớn, các chi phí đề nghị thanh toán hầu hết là các chi phí vượt dự toán còn lại sau khi đã xử lý lần 1 năm 2019, lần 2 năm 2020 do vậy cần xem xét kỹ lưỡng, phân tích đánh giá nguyên nhân; nhiều hồ sơ phải trả về để các địa phương thuyết minh bổ sung đúng quy định đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết.

Để có cơ sở giải quyết các chi phí nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp với Sở y tế, các cơ sở khám chữa bệnh để rà soát, thẩm định, xác định các chi phí đủ điều kiện thanh toán theo đúng quy định.

Đặc biệt, trong tháng 7, 8/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cử các đoàn công tác xuống trực tiếp các địa phương để hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, hướng dẫn xử lý đối với các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa quyết toán trước năm 2022.

Đến nay, sau khi có ý kiến của Bộ Y tế về chi phí của các cơ sở liên danh, liên kết, kết quả rà soát, thẩm định, các địa phương đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét đưa vào quyết toán 1.341 tỷ đồng, không thanh toán 260 tỷ đồng (trong tổng số 1.601 tỷ đồng).

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc xác định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để thanh toán với các cơ sở một cách chính xác, đúng quy định là rất phức tạp vì các chi phí này liên quan đến nhiều quy định về khám chữa bệnh, về mua sắm, sử dụng thuốc, vật tư y tế, phương thức thanh toán...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Chính phủ, Bộ y tế, Bộ Tài chính và các ngành liên quan tiếp tục rà soát, ban hành bổ sung, sửa đổi các quy định còn thiết, vướng mắc bất cập để cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thuận lợi hơn trong việc sử dụng nguồn quxy Bảo hiểm y tế và đảm bảo quyền lợi của người khám chữa bệnh. (An ninh thủ đô, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang