Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/03/2021

  • |
T5g.org.vn - Chín đối tượng không nên tiêm vắc-xin AstraZeneca; Đổi thẻ BHYT mẫu mới: Chất lượng khám, chữa bệnh có nâng cao ?; Bỏ không bệnh viện hơn 150 tỉ đồng.

 

Chín đối tượng không nên tiêm vắc-xin AstraZeneca

Ngày 18/3, Bộ Y tế ban hành quyết định về việc hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca. Hướng dẫn này quy định các đối tượng đủ điều kiện tiêm và không nên tiêm. Theo đó, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc-xin. Ngoài ra, có 9 đối tượng trì hoãn tiêm chủng, gồm: người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19; tiêm vắc-xin khác trong vòng 14 ngày trước; người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; người trên 65 tuổi; người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.

Tại hướng dẫn này cũng quy định 4 đối tượng cần thận trọng tiêm chủng. Cụ thể các đối tượng như: có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có bệnh mạn tính phát hiện thấy bất thường (mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút; huyết áp tăng hoặc giảm, nhịp thở trên 25 lần/phút …) phải được khám sàng lọc kỹ. Đặc biệt, chống chỉ định với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên tại lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc-xin.

Bộ Y tế cho biết hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca có hiệu lực từ ngày 18/3 và được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng nhà nước và tư nhân trên cả nước. Cũng theo hướng dẫn này, các vắc-xin phòng COVID-19 không thay thế được cho nhau nên cán bộ tiêm chủng cần khai thác chính xác loại vắc-xin và thời gian đã tiêm của người chuẩn bị tiêm phòng.

Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia sáng 18/3 cho hay, đã có thêm 3.359 người được tiêm vắc-xin AstraZeneca phòng COVID-19 trong ngày 17/3. Như vậy, đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho tổng cộng 24.054 người từ ngày 8-17/3. Họ là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Tối 18/3 Bộ Y tế cho biết có thêm 3 ca mắc mới COVID-19 (BN2568-2570) trong đó có 2 ca tại Hải Dương và 1 ca được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Ninh Thuận. (Tiền phong, trang 10; An ninh Thủ đô, trang 6; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Đổi thẻ BHYT mẫu mới: Chất lượng khám, chữa bệnh có nâng cao ?

Theo thông báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thẻ BHYT mẫu mới sẽ được chính thức sử dụng trên toàn quốc từ ngày 1.4. Cũng từ đây, bạn đọc cho rằng cần thực chất, tránh lãng phí. Thông tin ngắn gọn được đăng tải trên Báo Thanh Niên, nhưng lại thu hút rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc (BĐ).

Thẻ mới phải dùng được lâu, không lãng phí

Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho biết sẽ có 88 triệu người được đổi thẻ BHYT mẫu mới. Cũng theo cơ quan này, mẫu thẻ BHYT mới sẽ có nhiều tiện ích như nhỏ gọn, mã số thẻ chỉ có 10 chữ số (thay vì 15 ký tự như hiện hành)... Thông tin này thu hút rất nhiều sự quan tâm của BĐ. Trong đó, câu hỏi mang tính “cốt lõi” được nhiều người đề cập là: Người hưởng BHYT được lợi gì khi thay thẻ theo mẫu mới? Chất lượng khám chữa bệnh có vì thế mà được nâng cao hơn? Thủ tục đổi, cấp thẻ mới có nhiêu khê?... BĐ Linh Trần mong mỏi: “Người mua BHYT mong được khám chữa bệnh tốt nhất; không nên khoán tự chủ ở một bệnh viện như hiện nay; có bệnh viện không đủ thuốc cấp cho người hưởng BHYT, phải mua ở bên ngoài. Quá nhiêu khê, không biết kêu ai!”.

Hy vọng rằng việc đổi thẻ BHYT lần này sẽ không làm tốn kém nhiều ngân sách. Điều quan trọng còn hơn “đổi thẻ BHYT theo mẫu mới” là chăm sóc thế nào cho người dân chứ không nên chỉ tốn một khoản tiền lớn cho mặt hình thức.     

Trang Minh Sơn

BĐ Dang Nguyen cũng góp ý: “Phải làm sao để thẻ dùng được lâu, tiện ích cho mọi người và công quỹ không lãng phí. Việc làm này không dễ dàng, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ, lấy người dân làm đối tượng được hưởng lợi, phục vụ thì sẽ có cách”.

Trong khi đó, theo BĐ Phạm Minh Luân, việc áp dụng thẻ BHYT mẫu mới mới chỉ là hình thức. Quan trọng hơn là việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT sao cho vừa đạt được mục tiêu cân đối, ổn định, vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. “Người dân hiện nay rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe của bản thân, gia đình. Vì vậy những loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật tiên tiến cũng cần được áp dụng nhiều hơn trong khám, chữa bệnh BHYT để người dân được hưởng lợi”, BĐ Minh Luân viết.

Đồng quan điểm với BĐ Minh Luân, một BĐ khác cho rằng: “Người dân mong muốn được hưởng phúc lợi tốt hơn, chứ đổi thẻ mà người dân không được phúc lợi thêm gì, chỉ những quyền lợi như cũ thì đổi làm gì cho tốn kém tiền của? Các ngành chức năng nên suy nghĩ cách thức để mỗi lần đổi là có sự đổi mới, người dân được hưởng cái gì tốt hơn...”. Nên tích hợp

Nhiều BĐ cũng đề nghị cơ quan BHXH cần áp dụng khoa học, kỹ thuật trong việc quản lý, cấp đổi thẻ BHYT. Liên hệ với việc nhiều tỉnh thành đang ngày đêm hoàn thiện căn cước công dân gắn chip cho người dân, nhiều BĐ đề xuất cơ quan BHXH cũng nên tìm cách “tích hợp” để cơ quan chức năng chỉ cần trang bị phần mềm, đầu đọc thích hợp là có thể tra cứu được thông tin của người dùng. Nên hướng đến mục tiêu mỗi người dân chỉ cần một loại thẻ là có thể sử dụng được nhiều dịch vụ, trong đó có khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Bên cạnh đó, còn giúp người dân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ.

Quan trọng là thay đổi chất lượng phục vụ và dịch vụ làm sao nâng cao hơn, tốt hơn...    

Cũng liên quan đến việc đổi thẻ, theo BĐ cần tiết giảm thủ tục hành chính để người đã có thẻ BHYT theo mẫu cũ được nhanh chóng có thẻ BHYT theo mẫu mới, nếu cơ quan BHXH vẫn tiếp tục thực hiện quyết định đổi thẻ này. (Thanh niên, trang 9).

Đổi nơi đăng ký BHYT hộ gia đình, quyền lợi có bị ảnh hưởng?

Bạn đọc quan tâm việc chuyển đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu từ BV Thống Nhất, BV Quân y 175 sang tuyến quận, huyện có ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT hay không.

Cuối tháng 2, Bảo hiểm xã hội TP.HCM (BHXH) có thông báo danh sách các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) nhận đăng ký KCB ban đầu trong quý II năm 2021 trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, BV Thống Nhất, BV Quân y 175 là hai BV tuyến trung ương sẽ không nhận đăng ký, gia hạn tiếp; đồng thời sẽ thay đổi nơi KCB của người tham gia thuộc đối tượng hộ gia đình (mã GD). Nghĩa là trong quý II năm 2021, những đối tượng hộ gia đình có thẻ BHYT ở hai BV trên phải đổi thẻ đến cơ sở KCB ban đầu ở nơi khác.

Vì sao đối tượng BHYT hộ gia đình lại không được đăng ký mới và phải đổi thẻ đi nơi khác? Khi chuyển đổi nơi KCB ban đầu thì quyền lợi của bệnh nhân có thay đổi không?... Đó là những thắc mắc bạn đọc gửi đến Pháp Luật TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng (ảnh), Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, sẽ giải đáp những thắc mắc trên của bạn đọc.

Nguyên nhân phải đổi nơi KCB ban đầu

Phóng viênThưa bà, theo danh sách các cơ sở KCB BHYT nhận đăng ký KCB ban đầu trong quý II năm 2021 trên địa bàn TP.HCM thì hai BV Thống Nhất, Quân y 175 sẽ không tiếp nhận mới và đổi nơi KCB ban đầu với đối tượng BHYT hộ gia đình có đúng không và vì sao?

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Hiện nay, cơ quan BHXH TP.HCM đã có thông báo đổi nơi KCB ban đầu đối với đối tượng hộ gia đình ở BV Thống Nhất và BV Quân y 175. Bởi hai BV này là BV tuyến trung ương. Theo quy định Thông tư 40/2015 của Bộ Y tế thì chỉ có một số đối tượng được đăng ký KCB ban đầu ở hai BV Thống Nhất và Quân y 175 mà thôi.

 Do đó, BHXH TP.HCM đang thực hiện việc điều chỉnh một số đối tượng hộ gia đình có nơi KCB ban đầu ở hai BV trên về các BV tuyến quận, huyện và các phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.HCM.

Liên quan đến việc chuyển đổi nơi KCB ban đầu BHYT với đối tượng hộ gia đình, hai BV Thống Nhất và Quân y 175 có ý kiến phản hồi gì đến BHXH TP.HCM?

+ Đối với BV Thống Nhất, sau khi có thông báo về việc chuyển đổi, BV này có một văn bản gửi đến BHXH TP.HCM. Theo đó, BV đề nghị cho các đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình tiếp tục thực hiện đăng ký KCB ban đầu ở đây. Tuy nhiên, việc này ngoài thẩm quyền của cơ quan BHXH vì quy định tại Thông tư 40/2015 do Bộ Y tế ban hành nên chúng tôi phải thực hiện theo.

Ngoài ra, BV Quân y 175 cũng có văn bản đề nghị BHXH TP.HCM cho thân nhân của người lao động đang làm việc tại BV là những đối tượng hộ gia đình đăng ký KCB ban đầu ở đây. Tuy nhiên, việc này cũng nằm ngoài thẩm quyền của cơ quan BHXH TP.

Việc đổi thẻ BHYT được thực hiện ra sao?

Việc chuyển đổi thẻ BHYT đối với đối tượng hộ gia đình ở hai BV Thống Nhất và Quân y 175 sẽ được thực hiện như thế nào?

+ Liên quan đến việc chuyển đổi nơi KCB ban đầu tại hai BV trên, BHXH TP.HCM đã có thông báo đến các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đại lý thu để các cơ quan này thông báo đến người tham gia BHYT hộ gia đình biết.

Sau đó, những người tham gia BHYT sẽ tự liên hệ các đại lý thu BHYT, cơ quan BHXH quận, huyện để đổi thẻ theo danh sách mà cơ quan BHXH đã thông báo.

Trường hợp người tham gia BHYT không thực hiện việc đổi thẻ, cơ quan BHXH sẽ chuyển thẻ của họ về các BV quận, huyện hoặc phòng khám gần địa chỉ mà người tham gia BHYT đang cư trú.

Nhiều người băn khoăn việc chuyển đổi nơi KCB ban đầu thì những hồ sơ bệnh án trước đây có được cập nhật không? Các bệnh nhân có phải thực hiện các xét nghiệm lại để tiếp tục điều trị bệnh?

+Việc chuyển đổi nơi KCB ban đầu từ BV tuyến trung ương sang BV tuyến quận, huyện sẽ không ảnh hưởng gì đến hồ sơ bệnh án cũng như quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân.

Hiện nay các dữ liệu về bệnh án của bệnh nhân đã được lưu trữ và cập nhật trên hệ thống thông tin giám định của ngành BHXH. Nghĩa là khi các cơ sở KCB nhập thông tin cá nhân bệnh nhân thì sẽ biết được những thông tin trước đây bệnh nhân đã KCB ở đâu, sử dụng thuốc gì, đã thực hiện các xét nghiệm nào,... Việc thực hiện quản lý dữ liệu này đã được thực hiện từ năm 2017.

. Xin cám ơn bà.•

Chuyển đổi để giảm tải cho các BV tuyến trung ương

Việc chuyển đổi nơi KCB ban đầu với đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình phù hợp với việc phân tuyến của ngành y tế. Ngoài ra, việc chuyển đổi các đối tượng này từ tuyến trung ương sang tuyến quận, huyện nhằm giảm tải việc KCB tuyến trên và đưa các bệnh nhân về tuyến cơ sở.

Trên thực tế, với những bệnh thông thường thì các bệnh nhân không cần thiết phải đến BV tuyến trung ương bởi các BV tuyến dưới cũng được bố trí bác sĩ chuyên khoa cùng máy móc, thiết bị chữa bệnh đầy đủ.

Hơn thế, việc chuyển đổi này giúp cho các BV tuyến trên sẽ tập trung khám, chữa trị những trường hợp bệnh nặng và dành thời gian nghiên cứu chuyên khoa sâu.

Cũng cần lưu ý rằng việc chuyển đổi này sẽ không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Bởi nếu các bệnh nhân bệnh nặng thì cũng có thể thực hiện chuyển tuyến lên các BV tuyến trung ương để tiếp tục điều trị.

Bà NGUYỄN THỊ THU HẰNG (Phó Giám đốc BHXH TP.HCM)  (Pháp luật TP.HCM, trang 14).

 

Bỏ không bệnh viện hơn 150 tỉ đồng

Được đầu tư hơn 150 tỉ đồng để nâng cấp, xây dựng mới nhưng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam lại bỏ không hơn 1 năm nay.

Xây mới nhưng thiếu đồng bộ

Công trình nâng cấp Bệnh viện (BV) Nhi Quảng Nam trở thành BV Phụ sản – Nhi Quảng Nam được đầu tư xây dựng trên phần diện tích khoảng 2 ha với 3 dãy nhà 4 tầng, 6 tầng và 8 tầng, quy mô khoảng 450 giường bệnh. Công trình do Sở Y tế tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 150 tỉ đồng. Trong đó, T.Ư hỗ trợ 85 tỉ đồng theo chương trình đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương, số tiền còn lại từ ngân sách tỉnh.

Ngày 14.3, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, công trình cơ bản đã hoàn thiện khi được đầu tư hệ thống thang máy, máy điều hòa, máy phát điện dự phòng, hệ thống khí y tế đảm bảo việc khám chữa bệnh khi các khoa hoạt động. Tuy nhiên, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa đầy đủ khi không có dây dẫn nước. Ngoài ra, do chưa đưa vào hoạt động nên sàn gạch bị phủ bụi bẩn, khu vực chưa đưa vào sử dụng được đơn vị thi công và BV dùng rào chắn tạm không cho người ra vào.

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, tất cả nội dung trong hợp đồng xây dựng với đơn vị thi công đã xong, tuy nhiên riêng hạng mục PCCC thì do kinh phí dự án không có nên chưa triển khai 2 thang bộ ngoài trời (thang thoát hiểm). Trong năm 2020, Sở Y tế đã trình thẩm định giá đến Sở Tài chính để mua sắm thiết bị, nhưng đến nay chưa có kết quả nên chưa đấu thầu mua sắm trang thiết bị cho các phòng bệnh.

Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết nguyên nhân khiến BV Phụ sản - Nhi chưa thể đưa vào hoạt động, thứ nhất là do thiếu cầu thang bộ PCCC chưa được xây dựng. Thứ hai là hệ thống ô xy lỏng (để phục vụ khám chữa bệnh) còn thiếu. Thứ ba là trang thiết bị, máy móc và nhân lực. Đồng thời, ông Mười còn thừa nhận việc đầu tư xây dựng BV và nhân lực, máy móc thiếu đồng bộ. “UBND tỉnh đã yêu cầu trước mắt phải ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng, phát triển chuyên sâu, đồng bộ, hoàn thiện BV chuyên khoa nhi, đồng thời giao Sở Y tế nghiên cứu phương án phát triển BV kiêm thêm chức năng chuyên khoa phụ sản khi điều kiện cho phép”, ông Mười nói.

Chưa biết khi nào đưa vào sử dụng

Theo ông Mai Văn Mười, hiện Sở Y tế đã đề nghị UBND tỉnh đôn đốc các sở ngành liên quan phối hợp, chủ động sớm hoàn thiện trang bị hệ thống PCCC, hệ thống ô xy lỏng trong BV để sớm nghiệm thu, đưa vào sử dụng. “Hệ thống PCCC rất quan trọng, tuy nhiên việc đào tạo nhân lực càng quan trọng hơn. Tỉnh đã chỉ đạo các bên liên quan tăng cường công tác hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Đặc biệt, tăng cường chính sách thu hút nhân lực là y, bác sĩ về làm việc ở BV Phụ sản - Nhi. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo cán bộ chuyên ngành sản phụ khoa, khi nào đầy đủ về mặt con người và đảm bảo về mặt kỹ thuật thì mới đưa vào hoạt động”, ông Mười thông tin.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Hùng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam, cho biết: “BV Phụ sản - Nhi xây dựng xong hơn 1 năm nay. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị sớm khắc phục các hạng mục cần thiết để nghiệm thu, sớm đưa BV vào hoạt động nhằm tránh lãng phí. Tuy nhiên, thủ tục đầu tư đi theo quy trình từng bước mà cái này do Sở Y tế làm nên mình chỉ dừng lại ở mức kiến nghị. Vì vậy, không biết BV Phụ sản - Nhi khi nào mới đưa vào hoạt động”.

Ông Sơn cũng thắc mắc và không hiểu lý do vì sao khi đầu tư xây dựng công trình này lại không tính đến phương án xây dựng cầu thang bộ ngoài trời. Khi công trình cơ bản hoàn thành thì các ngành chức năng đi nghiệm thu mới “lòi ra” là thiếu cầu thang bộ. Bởi, theo quy định, khi xây dựng một công trình nào đó mà trên 4 tầng phải có cầu thang bộ PCCC. “Vì lấy mất 40% diện tích của khu cũ để xây dựng khu mới này nên khu cũ bị thu hẹp lại. Vào mùa nắng nóng không đủ giường cho bệnh nhân, gây ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, sau khi kiến nghị và được sự thống nhất của UBND tỉnh, mới đây chúng tôi đã trưng dụng tạm thời 2 tầng dưới của tòa nhà 8 tầng để vận chuyển bệnh nhân qua nhằm tránh tình trạng quá tải”, ông Sơn nói.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan đến việc “bỏ không” BV được xây mới trị giá hơn 150 tỉ đồng, trước đó cuộc họp giao ban của Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cũng không chốt được thời điểm nào đưa BV đi vào hoạt động để tránh gây lãng phí.

Trong khi đó, một lãnh đạo chủ chốt của Sở Y tế Quảng Nam cho rằng BV Phụ sản - Nhi Quảng Nam chưa thể đưa vào sử dụng là do đơn vị thi công chưa bàn giao vì còn một số hạng mục chưa thực hiện nên chưa đủ điều kiện. Vì vậy, trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công (?!).(Tiền phong, trang 10).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang