Phát động chiến dịch chung tay phòng chống dịch bệnh
Bộ Y tế vừa phát động chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” và hưởng ứng “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng” năm 2015, với sự hỗ trợ của Quỹ Unilever Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… vẫn đang diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng trong khi nhận thức về phòng chống bệnh của người dân còn chưa cao. Do vậy, ngành y tế phát động chương trình này nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh.( An ninh thủ đô trang 2)
Ký cam kết không chẩn đoán giới tính khi sinh
Tại ngày hội khởi động chiến dịch truyền thông “Không phân biệt giới tính, không lựa chọn giới tính thai nhi” do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua, đại diện nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội đã tham gia ký cam kết không cung cấp dịch vụ chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện 55/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 (cứ 100 bé gái có 108 bé trai sinh ra), trong đó 16 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh từ 115 trở lên như: Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định… ( An ninh thủ đô trang 7)
Số người mắc sốt xuất huyết tăng mạnh ở Đác Lắc
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Lắc, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 1.200 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, tập trung nhiều nhất tại TP Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Krông Ana và đã có một trường hợp chết. Đáng chú ý, hiện bệnh SXH bùng phát ở nhiều nơi và xuất hiện ngay trong từng hộ gia đình, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống, ngăn chặn.
Để ngăn chặn dịch bệnh các địa phương đã thành lập các tổ xung kích phòng, chống SXH và phối hợp với cán bộ xã, y tế thôn, buôn đến từng nhà dân xử lý môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng… Ngành y tế Đác Lắc đã và đang huy động cả cộng đồng ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy và chung tay phòng, chống dịch bệnh nói chung, SXH nói riêng nhằm ngăn chặn, khống chế không để lây lan mạnh trong cộng đồng...( Nhân dân trang 5)
Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tại cấp cơ sở: Hiệu quả đến đâu?
Từ ngày 15-11, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn. Đây là việc làm cần thiết, bởi lâu nay công tác quản lý lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở cấp cơ sở tỏ ra không hiệu quả.
Khó về nhân lực
Tại hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP được tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình ATTP ngày càng có diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ từ trung ương đến cấp cơ sở. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này mới chỉ đề cập tới thanh tra chuyên ngành ATTP cấp tỉnh, thành phố trong khi hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lại nằm ở cơ sở và bởi vậy, hiệu quả giám sát, quản lý, thanh - kiểm tra còn hạn chế. Thêm vào đó, ở tuyến xã/phường, các đoàn thanh - kiểm tra liên ngành về ATTP chủ yếu làm nhiệm vụ "nhắc nhở", phổ biến quy định, tuyên truyền là chính, việc ra quyết định xử phạt không được thực hiện kịp thời, đầy đủ nên thiếu tính răn đe. Trong bối cảnh đó, quyết định thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã, xa, phường, thị trấn là hết sức đúng đắn.
Theo quyết định nói trên, Hà Nội đã thống nhất chọn 10 phường, xã và 5 quận, huyện (gồm phường Quán Thánh, Thành Công của quận Ba Đình; phường Phương Liệt, Láng Hạ thuộc quận Đống Đa; phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 của quận Nam Từ Liêm; xã Uy Nỗ, Kim Chung thuộc huyện Đông Anh; thị trấn Thường Tín và xã Tô Hiệu của huyện Thường Tín) và dự kiến ở mỗi xã, phường sẽ có 5 cán bộ thanh tra chuyên ngành về ATTP; mỗi quận, huyện có 8 cán bộ tham gia công tác này. Tất cả đều là cán bộ tại chỗ, không tăng biên chế. Tương tự, TP Hồ Chí Minh cũng đã chọn 5 quận, huyện (gồm Quận 3, Quận 5, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn) và mỗi quận, huyện sẽ chọn 2 xã, phường để thí điểm triển khai kế hoạch nói trên.
Đề cập khó khăn khi triển khai kế hoạch này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, quyết định không cho phép cơ sở tăng biên chế, việc triển khai thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP tại xã, phường dựa trên nguồn cán bộ sẵn có, theo hình thức kiêm nhiệm, vấn đề đặt ra là ai sẽ quản lý, phân công nhiệm vụ cho các tổ thanh tra, kiểm tra cấp cơ sở? Việc triển khai cụ thể ở cấp cơ sở nên được thực hiện thế nào để tránh hiện tượng chồng chéo về nhiệm vụ khi một người vừa phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên vừa phải tham gia công tác thanh tra ATTP?
Đại diện một trong 10 xã, phường của Hà Nội được chọn thí điểm triển khai kế hoạch nói trên - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Đông Anh) Hoàng Khang cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác quản lý ATTP là nguồn nhân lực. Ngoài nỗi lo bố trí lực lượng vì đội ngũ cán bộ ở cấp xã rất hạn chế, nhất là thiếu cán bộ chuyên trách, điều khiến nhiều người đau đầu là làm sao loại bỏ tâm lý "chỉ làm thí điểm, tạm thời" nên không thực sự chuyên tâm ở cán bộ được cử làm nhiệm vụ thanh tra.
Tránh lạm dụng quyền hạn
Trong nội dung của Quyết định số 38 có quy định rằng lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở cơ sở sẽ được giao toàn quyền thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn có vi phạm.
Một thanh tra xã, phường hay quận, huyện có thể xử phạt vi phạm ATTP trong cả 3 lĩnh vực (gồm y tế, nông nghiệp và công thương). Toàn bộ số tiền xử phạt sẽ được giữ lại tại địa phương.
Về vấn đề này, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần phải hình thành ngay hệ tiêu chí liên quan trước khi thực hiện kế hoạch nói trên, mục tiêu là để đánh giá chính xác hiệu quả công tác thanh - kiểm tra. Nếu việc thí điểm cho kết quả tốt thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định triển khai nhân rộng, còn không thì phải tiếp tục tìm giải pháp khả thi. "Việc giao quyền cho lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở chắc chắn sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh - kiểm tra ATTP tại địa phương, có sức răn đe mạnh hơn so với hiện nay. Tuy nhiên, việc tổ chức đoàn thanh tra cấp cơ sở đòi hỏi phải nâng cao công tác quản lý đội ngũ này, tránh việc cán bộ thanh tra lạm dụng quyền hạn được giao, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", ông Lê Bá Anh nêu ý kiến.
Trước những băn khoăn nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý ATVSTP hiện nay là vấn đề nhân lực cũng như cơ chế, chế tài xử lý vi phạm. Tuy nhiên, theo Quyết định số 38, tiêu chuẩn đặt ra với cán bộ tham gia đoàn thanh tra cấp quận, huyện, xã, phường là công chức, viên chức am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm ít nhất một năm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý ATTP, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho địa phương trong việc chọn nhân sự kiêm nhiệm. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, điều quan trọng là việc thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, không được lạm dụng quyền hạn, gây bức xúc cho người dân.( Hà Nội mới trang 5)
Vingroup khởi công bệnh viện gần 2.000 tỷ đồng
Sáng 18.10, Tập đoàn Vingroup khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng tại phường Vĩnh Niệm, Quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Với tổng vốn đầu tư khoảng gần 2.000 tỷ đồng cùng 14 chuyên khoa sâu và đội ngũ bác sĩ giỏi, Bệnh viện Vinmec Hải Phòng sẽ mang tới cho người dân và du khách một địa chỉ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Vinmec Hải Phòng là bệnh viện thứ 6 trong Hệ thống Y tế Vinmec được khởi công trên toàn quốc, sau các Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tại Hà Nội, Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang và TP. HCM, cùng chuỗi 2 Phòng khám Đa khoa Quốc tế. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2012, Hệ thống Y tế Vinmec được đầu tư và xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế bởi Tập đoàn Vingroup – Tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu Việt Nam. Chiến lược phát triển tới năm 2020 của Hệ thống Y tế Vinmec là xây dựng và đưa vào vận hành chuỗi hệ thống 10 bệnh viện trên khắp cả nước và thành lập trường Đại học Y Vinmec.
Tọa lạc tại đường Cầu Rào 2, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng có tổng diện tích 40.000m2 được đầu tư bài bản, đồng bộ về cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại, dịch vụ hoàn hảo.
Bệnh viện có quy mô 400 giường bệnh, 14 chuyên khoa (Khám bệnh, Hồi sức cấp cứu, Nội tổng hợp, Nhi, Sản, Chấn đoán hình ảnh, Xét nghiệm...) với khả năng đáp ứng 200.000 lượt khám ngoại trú mỗi năm. Dự kiến trong giai đoạn 1, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng sẽ đưa 200 giường vào hoạt động trong năm 2017.( Nông thôn ngày nay trang 2, Công an nhân dân trang 2)
Xử lý nghiêm cán bộ y tế gây phiền hà cho bệnh nhân
Theo Quyết định số 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) của Hà Nội như sau: Năm 2015: 77,2%; Năm 2016: 79,7%; Năm 2017: 81,6%; Năm 2018: 82,9%... Để đạt chỉ tiêu này, UBND TP Hà Nội yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định việc thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT giai đoạn 2015-2020 là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội…( Công an nhân dân trang 1)
Hơn 30.000 trẻ em đã được hỗ trợ phẫu thuật các bệnh về mắt
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Vì ánh mắt trẻ thơ” diễn ra sáng ngày 16-10-2015, tại Hà Nội. Hội thảo do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với Prudential tổ chức.
Hội thảo là dịp chia sẻ đặc thù của việc chăm sóc mắt trẻ em; thực trạng vấn đề y tế học đường và chăm sóc mắt trẻ em tại trường học, chia sẻ kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phòng, chống các bệnh về mắt cho trẻ em tại trường học cũng như kinh nghiệm trong công tác phối hợp tổ chức khám sàng lọc, phát hiện bệnh, công tác hỗ trợ, can thiệp tại các địa phương, từ đó, thống nhất các giải pháp hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa đúng thời điểm để giúp đỡ trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng sâu, vùng xa có thể phục hồi hoặc phòng ngừa các bệnh về mắt…( Công an nhân dân trang 1)
Những bệnh viện … đìu hiu
Trong khi các bệnh viện tuyến trên của TP.HCM quá tải trầm trọng, người bệnh phải nằm đôi, nằm ba, nằm hành lang... thì tại các bệnh viện quận, huyện lại rơi vào cảnh đìu hiu, rất lãng phí.
Khảo sát của PV Thanh Niên cho thấy tại nhiều khoa, phòng của nhiều bệnh viện (BV) tuyến quận, huyện tại TP.HCM vắng bệnh nhân (BN) đến bất ngờ.
1 bệnh nhân nằm... 6 giường
Tại BV Q.9 hôm 18.9, chưa đến 11 giờ nhưng các nhân viên đã thu xếp sổ sách, đóng cửa một số phòng để nghỉ. “Quầy tiếp nhận khám bệnh gia đình và nơi khám bệnh - khám sức khỏe cho trẻ từ 10 - 16 tuổi” không còn ai trực; phòng phát thuốc, quầy thu phí cũng đóng cửa, tắt đèn. Khoa nội nhiễm có phòng 6 giường bệnh nhưng chỉ có 1 bệnh nhân; khoa hậu sản có 2 phòng (hậu sản 1, hậu sản 2), mỗi phòng có 6 giường nhưng chỉ có 3 bệnh nhân/phòng; khu vực khám bệnh không có ai ngồi chờ.
Cùng ngày, tại các khoa điều trị nội trú của BV Q.7 có rất nhiều phòng trống, thậm chí nhiều buồng bệnh đóng cửa vì không có BN. Khoa sản có hai buồng bệnh (5 và 6), mỗi buồng có 3 giường nhưng đều không có BN. Khoa nhi, từ buồng 1 đến buồng 4 đều khóa kín cửa vì không có BN, giường bệnh đóng bụi, không trải drap. Chỉ có 2 bệnh nhi nằm ở buồng bệnh có đến 8 giường. Khoa ngoại, buồng 3, buồng 5, buồng 6 (mỗi buồng có 4 giường) nhưng chỉ có 1 BN/buồng.
Tại BV H.Nhà Bè, hôm 23.9 PV Thanh Niên có mặt cũng trong tình trạng đìu hiu. Phòng số 3, số 6 của khoa ngoại đều khóa cửa ngoài vì không có BN. Các giường bệnh không trải drap, bụi đóng cả lớp, nhiều tấm nệm đã rách nhưng chưa được thay mới; một số máy móc, thiết bị được xếp vào góc phòng. Phòng số 2 của khoa nhi với 6 giường bệnh nhưng chỉ có 1 BN.
Cùng ngày, khoa hậu sản BV Q.6, từ phòng 102 - 104 đều khóa cửa; phòng 105 chỉ có 1 sản phụ nằm lẻ loi. Sản phụ này cho biết 2 ngày sau sinh, chị nằm một mình một phòng nên đồ đạc để một giường, người nhà chị nằm một giường. Còn khoa ngoại A ở lầu 2 mỗi phòng có 4 - 5 giường nhưng chỉ có 1 BN/phòng; khoa ngoại B thì phòng 205 với 6 giường chỉ có 1 BN; khoa nhi phòng 314 không có BN nào nên cửa phòng đã khóa.
Tại BV Q.12, ngày 26.9, PV ghi nhận phòng số 5 của khoa sản dù không có sản phụ nằm nhưng đèn, quạt vẫn mở; khoa nhi, phòng số 5 không có bệnh; khoa nội, các phòng lưu bệnh 7 và 8 không có BN, phòng số 12 có đến 9 giường nhưng chỉ có 2 BN.
Sáng 9.10 chúng tôi quay lại BV Q.9, ghi nhận khu khám bệnh không có 1 BN nào ngồi chờ; 2 phòng khám, mỗi phòng chỉ có 1 - 2 BN. Khoa sản, BN còn ít hơn lần ghi nhận trước, hậu sản 1, hậu sản 2 chỉ có 2 BN/phòng, những chiếc giường trống được người nhà BN để đồ đạc. Khoa nhi, phòng nhi 2 với 6 giường nhưng chỉ có 1 BN. Khoa ngoại, có phòng 5 giường cũng chỉ 1 BN. Cùng ngày, tại BV H.Nhà Bè các khoa phòng cũng cảnh “chợ chiều” - khoa ngoại, các phòng bệnh (1, 3, 4, 6) đều khóa cửa vì không có BN; khoa nội tổng hợp, có phòng 6 giường nhưng chỉ có 1 BN. Khoa nhi nhiều phòng cũng cửa đóng then cài.
“Tái ghi nhận” tình hình tại BV Q.7 hôm 9.10, PV cũng chứng kiến cảnh khoa nhi có phòng phải khóa cửa; phòng số 2 với 8 giường nhưng chỉ có 4 bệnh nhi, thân nhân bệnh nhi dùng giường trống để đồ đạc và “tiếp khách” đến thăm. Khoa sản, mỗi phòng chỉ có 1 BN.
“Tái cơ cấu” để tránh lãng phí
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lâu nay các BV quận, huyện không trực thuộc quản lý của Sở Y tế TP.HCM mà do UBND quận, huyện quản lý, cấp kinh phí.
BV Q.9 có 100 giường bệnh nội trú, năm 2015 được nhà nước cấp kinh phí hoạt động 82 triệu đồng/giường/năm; BV Q.7 có 150 giường, kinh phí được cấp 72 triệu đồng/giường/năm; BV H.Nhà Bè 110 giường, BV Q.12 150 giường, BV Q.6 140 giường (kinh phí được cấp cùng 75 triệu đồng/giường/năm). Dù giường bệnh tại các BV này hoạt động có hết công suất hay trống vắng thì trong năm BV vẫn được nhà nước cấp kinh phí cho từng giường như vậy. “Một sự lãng phí bấy lâu nay”, một bác sĩ (BS) của BV tuyến trên nói.
BS Nguyễn Hữu Thơ, Giám đốc BV H.Nhà Bè, cho biết 9 tháng năm nay, công suất sử dụng giường bệnh tại đây chỉ đạt 63%, chủ yếu BN đến để khám ngoại trú. “Nguồn lực của BV chưa đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh; kỹ thuật chuyên sâu đòi hỏi cơ sở vật chất cao mà BV thì thiếu; tâm lý người dân muốn đến các BV tuyến trên, là những lý do khiến nhiều giường bệnh còn trống”, BS Thơ giải thích. Còn tại BV Q.9, BS Bùi Văn Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết công suất sử dụng giường bệnh 6 tháng đầu năm nay đạt 70%; khoa sản đạt trên 50%; khoa ngoại lượng BN rất ít, có hôm có phòng phải đóng cửa vì không có BN.
Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Sở Y tế TP.HCM, cho rằng sắp tới khi giá viện phí có sự thay đổi, nhà nước không còn bao cấp tiền lương, trực cho y, BS, nhân viên y tế của các BV công, những chi phí này sẽ được tính vào giá viện phí; và dự kiến từ ngày 1.1.2016, nhà nước sẽ không còn “rót” kinh phí theo đầu giường bệnh cho các BV công nữa, mà các BV phải tự chủ hoàn toàn. Khi đó, buộc các BV phải tự nỗ lực về chuyên môn, cung cách phục vụ để thu hút BN thì mới có nguồn thu, nuôi sống, phát triển mình. “Lúc đó, BV nào không nỗ lực, BN không đến thì sẽ chết. Khi đó, nhà nước, ngành y tế sẽ xem lại, sẽ tái cơ cấu”, bà Liễu nói.
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung bướu, TP.HCM, nói: ‘Lâu nay y, BS của BV công làm nhiều ít cũng được nhà nước trả lương. Cuối năm nay nhà nước không còn bao cấp tiền lương, trực, phụ cấp thủ thuật nữa, buộc các BV phải tự nỗ lực cải thiện chuyên môn, thái độ ứng xử để tạo sức hấp dẫn BN đến với mình - vì có BN thì mới có nguồn thu, tăng lượng người tham gia trả tiền công cho y, BS. Đặc biệt, năm 2016 bắt đầu thực hiện thông tuyến, BN bảo hiểm y tế có quyền lựa chọn cơ sở y tế mình thích trong khu vực, nơi nào không tốt BN không đến”.
TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 cũng phân tích: “Khi tự chủ hoàn toàn thì các BV buộc phải nỗ lực hết sức để cạnh tranh với nhau, cạnh tranh cả với BV công lẫn BV tư, vì tới đây sẽ có rất nhiều BV tư tham gia bảo hiểm y tế. Nếu không thu hút BN thì không có nguồn thu, BV sẽ rất khó khăn”.( Thanh niên trang 2)
Khánh thành 2 bệnh viện mới tại Vĩnh Long
Ngày 18/10, Sở Y tế Vĩnh Long tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng 2 công trình Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và bệnh phổi trực thuộc sở.
2 công trình do Sở Y tế làm chủ đầu tư, cùng tọa lạc tại ấp Hưng Quới (xã Thanh Đức, Long Hồ). Với quy mô thiết kế 100 giường bệnh/bệnh viện, 2 bệnh viện được khởi công xây dựng ngày 9/4/2013, đến ngày 21/8/2015 hoàn tất. Bệnh viện Lao và bệnh phổi có diện tích đất 1,2 ha (diện tích sàn xây dựng hơn 6.400 m2), với tổng mức đầu tư trên 116 tỷ đồng. Cùng có diện tích đất, Bệnh viện Tâm thần (diện tích sàn xây dựng hơn 5.700 m2) có tổng mức đầu tư trên 94 tỷ đồng. Nhờ làm tốt công tác đấu thầu, chủ đầu tư đã tiết kiệm ngân sách hơn 7,6 tỷ đồng (4,25%) giá trị xây dựng và mua sắm thiết bị y tế cho cả 2 dự án. Trước đây bệnh nhân lao, phổi, tâm thần ở tỉnh khám, điều trị thường phải sang tỉnh bạn hoặc tuyến trên, gây khó khăn tốn kém. Đưa vào sử dụng 2 bệnh viện chuyên khoa đầu tiên tại tỉnh để từng bước hoàn thiện mạng lưới y tế, khám và điều trị bệnh nhân trên địa bàn thuận tiện, hiệu quả hơn.( Thanh niên trang 2)
Dịch cúm A/H5N6 gia tăng tại tỉnh Nam Định
Liên quan đến dịch cúm A/H5N6 tại tỉnh Nam Định, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết, từ ngày 1 đến 10/10, tỉnh Nam Định phát hiện gia cầm mắc bệnh cúm A/H5N6 tại 4 hộ chăn nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh Nam Định xem xét công bố dịch…( Sức khỏe & đời sống trang 2)
Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh
Sáng 17-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức phát động chương trình "Cộng đồng chung tay phòng, chống dịch bệnh" hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà-phòng năm 2015, với sự tham dự của đại diện nhiều tổ chức chính trị xã hội và hơn 3.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 2,2 triệu trẻ em trên thế giới chết vì tiêu chảy (hầu hết dưới năm tuổi), chiếm 4% tổng số ca tử vong. Tuy nhiên, các căn bệnh do vi-rút, vi khuẩn gây nên có thể phòng ngừa bằng biện pháp rửa tay với xà-phòng diệt khuẩn. Chỉ cần rửa tay sạch bằng xà-phòng có thể giảm đến 35% nguy cơ lây truyền tiêu chảy và phòng, chống nhiều bệnh khác, như nhiễm khuẩn đường hô hấp, sởi, tay chân miệng…( Sức khỏe & đời sống trang 2)
Cắt khối u buồng trứng nặng 40kg
Ngày 18-10, bác sĩ Lê Hoàng Minh - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết - các bác sĩ khoa ngoại I của bệnh viện đã phẫu thuật cắt khối bướu khổng lồ (nặng 40kg) thành công cho bệnh nhân P.T.T.M. (49 tuổi, Long An).
Đây là trường hợp bệnh nhân có khối u buồng trứng lớn nhất từ trước tới nay mà bệnh viện tiếp nhận điều trị. Sau gần một tuần phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân cơ bản ổn định và sẽ tiếp tục điều trị tại bệnh viện. Toàn bộ chi phí phẫu thuật cho chị M. được Bệnh viện Ung bướu TP hỗ trợ.
Theo bác sĩ Hoàng Minh, để thực hiện ca mổ này, các bác sĩ của nhiều chuyên khoa: hô hấp, tim mạch, huyết học, gây mê hồi sức, ngoại II và ngoại I, nhiều lần hội chẩn để lên phương án mổ tốt nhất cũng như đánh giá các tình huống xấu nhất (nguy cơ rối loạn huyết động học rất cao khi lấy ra khỏi cơ thể khối u lớn) có thể xảy ra cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tiến - Quyền Trưởng khoa Ngoại I, Bệnh viện Ung bướu TP - khi nhập viện bệnh nhân thể trạng gầy yếu, cân nặng 90kg nhưng có khối u cực lớn ở bụng: vòng bụng đo được 133cm, chiều dài bụng 83cm khám lâm sàng cho bệnh nhân, các bác sĩ thấy bướu ổ bụng rất to, lan từ hạ vị lên đến thượng vị.
Sau khi làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, ngày 12-10 chị M. được các bác sĩ phẫu thuật lấy ra khối bướu nặng 40 kg, có kích thước 60cm x 80cm x 100cm (vỏ bướu nặng 2 kg, lòng bướu chứa 35 lít dịch và 3 lít máu).
Trước khi phẫu thuật cắt khối bướu này, các bác sĩ phải hai lần hút bớt dịch trong bướu ra để bướu xẹp bớt rồi mới tiếp tục thám sát và phẫu thuật cắt bướu, cắt tử cung, phần phụ, mạc nối lớn cho bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán sau mổ bệnh nhân bị ung thư buồng trứng.
Theo người nhà bệnh nhân, chị M. mang khối bướu gần mười năm nay. Do khối u chèn ép nên chị M. luôn bị khó thở, nòi rất mệt, đau đớn, tay chân bủn rủn, không tự ăn uống, sinh hoạt được. Hai tay chị M. chỉ còn da bọc xương, hai chân bị phù to, cứng ngắc...không đi lại được.
Do gia đình quá khó khăn, chị M. không có tiền đi bệnh viện khám bệnh và phải chịu đựng bệnh tật, đau đớn gần chục năm trời.( Tuổi trẻ trang 4, Thanh niên trang 2)
Cứu người bị cây sắt dài hơn 1m đâm xuyên cơ thể
Ông V.V.T. (49 tuổi, công nhân xây dựng tại một công trường Q.12, TP.HCM) vừa được cấp cứu lấy cây sắt dài hơn 1m ra khỏi cơ thể.
ThS.BS Lê Văn Tư - chuyên khoa cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn (nơi cấp cứu ông T.) - cho biết nạn nhân được cấp cứu với vết thương xuyên thấu từ mông qua bụng, sâu 30cm, đường kính hơn 3cm, mất máu nhiều, gãy nát phần xương cánh chậu trên.
Các bác sĩ đã phẫu thuật loại bỏ phần xương cánh chậu gãy nát để tránh nhiễm trùng, xử lý nhiễm khuẩn các cơ quan nội tạng và mô mềm bị tổn thương, vá lại cơ quan nội tạng tổn thương. Hiện ông T. đang được hồi sức tích cực với thiết bị hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, bài tiết.
Trước đó khoảng 11g ngày 17-10, trong lúc đang làm việc ông T. bị trượt ngã từ giàn giáo có độ cao khoảng 3m xuống khu vực để vật liệu gỗ và sắt của công trường.
Trong lúc ngã ông bị thanh sắt tròn có vân xoắn, gỉ sét, dài gần 1,1m, đường kính 2cm đâm xuyên từ mông đến thắt lưng.( Tuổi trẻ trang 14)