Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/11/2021

  • |
T5g.org.vn - 20 giờ tối nay, tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19; Người thầy '2 trong 1' nơi tâm dịch; Đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử các vụ án ở lĩnh vực y tế và đất đai; Gia tăng bệnh nhân COVID-19 nặng; Tránh nguy cơ làn sóng dịch lần thứ 5; Tận dụng y tế tư nhân, huy động y bác sĩ nghỉ hưu tham gia chăm sóc và quản lý F0 tại nhà

20 giờ tối nay, tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19

20 giờ tối nay 19-11, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 (gọi tắt là lễ tưởng niệm).

Lễ tưởng niệm diễn ra đồng thời tại điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất (TPHCM) và trực tuyến tại TP Thủ Đức cùng các quận huyện từ 20 giờ đến 20 giờ 30. Từ 20 giờ 32, các địa phương bắt đầu thực hiện nghi thức tưởng niệm riêng.

Ngoài ra, các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình sẽ tổ chức thả đèn hoa đăng tại tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé lúc 20 giờ 35 phút.

Tại Hà Nội, điểm cầu được tổ chức tại Công viên Thống Nhất. Chương trình lễ tưởng niệm được truyền hình trực tiếp với điểm TPHCM và Hà Nội, do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện. UBND TPHCM vận động người dân, cơ quan, công sở, đơn vị trên địa bàn tắt đèn cùng thực hiện nghi thức tưởng niệm lúc 20 giờ 30 ngày 19-11.

UBND quận 3 cho biết thêm, vào 20 giờ 35 tối 19-11, quận 3 tổ chức thả đèn tại chùa Pháp Hoa (số 870 Trường Sa, phường 14, quận 3). Cùng lúc đó, phía đối diện chùa là phường Võ Thị Sáu (quận 3) cũng tổ chức thả 100 đèn trên bờ kè đường Hoàng Sa.

Vào lúc 20 giờ 32 tối 19-11, quận 8 tổ chức thả đèn hoa đăng trên kênh Tàu Hủ, tại chùa Long Hoa (số 360A Bến Bình Đông, phường 15, quận 8). Dự kiến có 120 đèn hoa đăng được thả tại đây (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Lao động, trang 3; Tiền phong, trang 8; Thanh niên, trang 1; Hà Nội mới, trang 1).

 

Người thầy '2 trong 1' nơi tâm dịch

Suốt hai năm qua, hàng chục nghìn giảng viên, sinh viên đến từ các trường ĐH Y dược trên cả nước tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch COVID-19. Các giảng viên đảm nhiệm cùng lúc hai nhiệm vụ: thầy thuốc và thầy giáo.

Những ngày TPHCM “đổ bệnh”, các giảng viên đến từ các trường y dược của thành phố đều tình nguyện tham gia chống dịch. Bác sĩ, giảng viên Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, Trường ĐH Y Dược Phạm Ngọc Thạch, tham gia chống dịch từ tháng 6. Trong tháng đầu, bác sĩ Thanh phụ trách lấy mẫu, truy vết tại Quận 8.

Tháng 7, dịch COVID-19 tại TPHCM lên đến đỉnh điểm, bác sĩ Thanh được phân công về trực tại Trung tâm Cấp cứu 115 cùng 150 sinh viên của mình. Suốt 3 tháng, bác sĩ Thanh và sinh viên làm việc liên tục với phương châm “3 tại chỗ” để tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu, điều phối xe cứu thương, bệnh viện cho bệnh nhân. Khó khăn nhất là dựa vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân để điều phối đến bệnh viện.

“Trực cấp cứu đúng lúc thời điểm dịch COVID-19 của TPHCM lên đến đỉnh điểm, nhóm hằng ngày quá tải các cuộc gọi của bệnh nhân nặng, cả hệ thống y tế gần như đóng băng vì không thể chuyển bệnh nhân đi đâu được. Lúc đó, nhóm phải chấp nhận những ca tử vong, những ca không thể cứu được, phải lựa chọn bệnh nhân để cấp cứu. Cũng có lúc phải chấp nhận người thân, người quen của bạn bè không chuyển tuyến kịp nên qua đời. Đây là những nốt trầm buồn không không mong muốn. Nhưng bù lại, được gắn bó với sinh viên trong 3 tháng”, bác sĩ Thanh nói.

Thời gian đó, chị nhận thấy tinh thần ham học hỏi, khả năng thích ứng mọi hoàn cảnh của sinh viên. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, cuộc sống xa nhà, khó khăn nhưng các em đã vượt qua để đồng hành với người bệnh, hỗ trợ, tìm mọi cơ hội để mang lại sự sống cho họ.“Bản thân là một giảng viên trẻ, là đàn chị đi trước động viên, tìm mọi cách để tạo môi trường để sinh viên tham gia tình nguyện, nhưng vẫn có thể học hỏi từ môi trường thực tế mà ở trên trường lớp không bao giờ có được”, bác sĩ Thanh nói.

Chị cho hay, nhiều sinh viên năm nhất, năm hai không chịu nổi áp lực khi nhận 60--70 cuộc gọi/ca trực. Những tiếng than khóc, la hét, thậm chí mắng chửi qua điện thoại đối với những sinh viên chưa từng trải nghiệm thực tế tại bệnh viện khiến nhiều em phải điều chuyển sang công việc khác, thậm chí có em xin nghỉ.

Tinh thần vì cộng đồng

Suốt 2 năm qua, thạc sĩ Trương Văn Đạt, Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y dược TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM, cùng đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường không ngần ngại đi vào những vùng tâm dịch lớn của cả nước, từ Bắc Giang tới TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Nhớ lại hồi tháng 5, anh Đạt dẫn đoàn cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y dược TPHCM đến tâm dịch Bắc Giang. Thời điểm đó, những chiến sĩ áo trắng từ miền Nam ra Bắc Giang với nhiều bỡ ngỡ, không hình dung hết những khó khăn, áp lực. Và rồi họ lại gặp nhau tại TPHCM; có những người đã tham gia cả 4 đợt dịch, giáp mặt nhau trên các “chiến tuyến”.

Bác sĩ, giảng viên Nguyễn Quốc Phương, Khoa Truyền nhiễm, Trường ĐH Y Hà Nội là một trong 10 cán bộ, giảng viên của trường dẫn đoàn sinh viên vào TPHCM tình nguyện chống dịch. Đoàn của bác sĩ Phương phụ trách 16 phường của Quận 8. Khi mới vào, đoàn có 13 sinh viên bị sốt do chưa quen thời tiết khiến anh và mọi người lo lắng không yên, chỉ đến khi xét nghiệm âm tính mới thở phào nhẹ nhõm. Không những thế, lúc đó TPHCM lại có cả dịch sốt xuất huyết, 5 em trong đoàn cũng mắc, các anh lại mất ăn mất ngủ.

“Đưa sinh viên vào vùng dịch tình nguyện, không phải chỉ lo chuyện ăn, chuyện ngủ mà quan trọng nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho các em”, Bác sĩ Phương nói. Nhưng nhờ được tập huấn kỹ trước khi vào vùng dịch nên suốt thời gian tham gia tình nguyện, không ai mắc COVID-19 (Tiền phong, trang 6).

 

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử các vụ án ở lĩnh vực y tế và đất đai

Ngày 18-11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; và cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và quyết định phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo.

Nhiều chuyển biến tích cực

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định: từ sau phiên họp 19 (tháng 1-2021) đến nay, mặc dù trong điều kiện đối mặt với đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện nghiêm túc kết luận của Ban Chỉ đạo, nhất là quán triệt, triển khai nhiệm vụ phòng chống tiêu cực gắn với phòng chống tham nhũng, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nên công tác PCTNTC nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực.

Nổi bật là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi (trong đó có 3 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 thứ trưởng, 1 nguyên chủ tịch tỉnh, 1 nguyên phó bí thư tỉnh ủy, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đáng chú ý là đã kiểm tra, làm rõ các sai phạm, tiêu cực, xử lý và yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với 9 tập thể, 29 cá nhân có liên quan đến việc giảm chấp hành hình phạt tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam.

Bên cạnh đó, thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về cơ chế chỉ đạo phối hợp xử lý sai phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển hơn 270 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định (gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ các năm trước, khi chưa có cơ chế chỉ đạo phân công này). Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.130 vụ với 4.084 bị can, truy tố 2.024 vụ với 4.056 bị can, xét xử sơ thẩm 1.898 vụ với 3.471 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế.

Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực, từ sau phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch các tài sản có trị giá hơn 1.750 tỷ đồng; cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được hơn 9.000 tỷ đồng. 

Tập trung xử lý những vụ việc phức tạp, trọng điểm

 Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ PCTNTC theo tinh thần mới của Trung ương (kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị); phải tạo cho được một tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới trong đấu tranh PCTNTC; kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Nếu như bản lĩnh chính trị anh tốt, không bị lôi kéo thì làm gì mà tham nhũng. Nếu đạo đức trong sáng, giữ gìn liêm sỉ thì làm gì phải tham nhũng. Cái đó là cái gốc. Tiêu cực ở đây gắn với cái gốc của sự tham nhũng”.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chủ động xây dựng cơ chế, quy chế, điều nào không phù hợp thì sửa, chủ động phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cơ quan, đẩy mạnh công tác nắm tình hình, tăng cường phân cấp, phân quyền xuống các địa phương, tinh thần là Ban Chỉ đạo theo dõi đôn đốc xử lý những vụ việc lớn phức tạp, trọng điểm để làm gương cho các bộ, ngành, địa phương. Muốn làm được điều này các thành viên Ban Chỉ đạo phải hết sức tỉnh táo, trong sáng, đúng vai thuộc bài. Cơ quan PCTNTC phải thật sự là “thanh kiếm và lá chắn”. Kiếm phải sắc, lá chắn phải vững, tâm phải trong sáng, đức phải tốt. Ban Chỉ đạo phải mẫu mực, công tâm, khách quan, trong sáng, vô tư, nắm luật pháp nhưng xử lý có tình có nghĩa. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm nay theo đúng kế hoạch. Nhất là, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế; các vụ án, vụ việc vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, TPHCM; vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ; Buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả…” xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng...

Khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án trọng điểm: 1. Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; 2. Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở KH-ĐT Hà Nội; 3. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sài Gòn giải phóng, trang 3; Lao động, trang 2; Tiền phong, trang 2; Thanh niên, trang 22). 

 

Gia tăng bệnh nhân COVID-19 nặng

Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại khi những ngày qua số ca mắc trên cả nước liên tục tăng. Hôm qua, số mắc mới trong ngày vượt quá 10.000 ca bệnh. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng đến từ các tỉnh, thành phía Bắc.

Nhiều bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin

Tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư các buồng bệnh kín người nằm. 27 bệnh nhân nặng phải thở máy, 2 bệnh nhân khác cần đến hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO). Đặc biệt có 4 bệnh nhân rất nặng dù đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19.

Các bác sĩ liên tục thăm khám, theo dõi chuyển biến của các bệnh nhân, chỉ một dấu hiệu thay đổi nhỏ cũng có thể khiến tình trạng bệnh nặng lên, nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết các ca bệnh đều là những người trên 70 tuổi, một số trường hợp đã 80 tuổi.

ThS. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho biết, khoảng 10 ngày nay, bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có xu hướng tăng nhanh, trung bình mỗi ngày có 5-6 ca nhập viện. Các bệnh nhân đều được y tế tuyến tỉnh chuyển tới trong tình trạng suy hô hấp, một số trường hợp phải can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy ngay khi vào viện. Đa số bệnh nhân là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường,...

Ngoài 4 bệnh nhân nặng đã tiêm 1 mũi vắc xin những trường hợp còn lại đều chưa tiêm vắc xin. Đáng chú ý có 2 bệnh nhân là phụ nữ mang thai, chưa tiêm vắc xin. Những trường hợp bệnh nhân thở máy đều trên 70 tuổi nên tiên lượng rất nặng.

“Tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng còn phải xác định phụ thuộc miễn dịch của cơ thể. Không phải người nào tiêm 1 mũi vắc xin cũng sinh đủ kháng thể, cũng có những trường hợp tiêm 2 mũi nhưng do cơ địa sinh miễn dịch kém vẫn có nguy cơ bị mắc và mắc nặng.

Tuy nhiên, tỉ lệ nặng sau tiêm 2 mũi vắc xin rất ít. Đa phần những người tiêm 2 mũi mắc nặng có cơ địa suy giảm miễn dịch, bệnh nền hoặc cao tuổi. Những bệnh nhân đang điều trị phần lớn chưa được tiêm vắc xin, họ đến từ những tỉnh, thành phía Bắc, có nhiều địa phương chưa đủ vắc xin bao phủ mũi 1”, bác sĩ Phúc phân tích.

Tiêm vắc xin, nếu chủ quan vẫn bị bệnh nặng

“Đợt dịch này chúng tôi lo ngại tình trạng tiêm vắc xin chưa bao phủ nhóm đối tượng có nguy cơ, đặc biệt là những người trên 50 tuổi. Chưa kể việc tiêm vắc xin cần thời gian sinh miễn dịch nên những người đã tiêm rồi mà chủ quan không thực hiện nghiêm quy định 5K có thể bị mắc và mắc nặng nếu thời gian tiêm vắc xin chưa đủ để cơ thể sinh miễn dịch bảo vệ”, bác sĩ Phúc nói. GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Tổ trưởng tổ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng cho biết, hầu hết mọi người nghĩ virus SARS-CoV-2 tấn công phổi, gây tổn thương phổi.

Tuy nhiên thực tế, virus còn tấn công hàng loạt cơ quan trong cơ thể. SARS-CoV-2 chui qua tế bào niêm mạc hô hấp, thông qua đó chuyển thông tin để chỉ huy các tế bào, tổng hợp thành phần và tái tạo ra nhiều virus mới, từ đó phá hủy tế bào cũ rồi theo đường máu đi khắp nơi. Do đó, COVID-19 không chỉ gây bệnh ở phổi mà gây bệnh toàn thân.

"Người ta phát hiện ra rằng ở phổi bệnh nhân COVID-19 có rất nhiều nơi bị tắc, không chỉ ở động mạch, mao mạch phế nang mà cả tĩnh mạch phổi. Cục máu đông của tĩnh mạch phổi sẽ theo dòng máu đi về tâm nhĩ trái, gây tắc mạch toàn thân. Điều đó giải thích vì sao COVID-19 gây huyết khối tắc mạch và đi khắp nơi từ não đến chân", GS Bình phân tích.

Chuyên gia đầu ngành về hồi sức tích cực nhấn mạnh, về mặt khoa học tất cả các vắc xin đều có một tỉ lệ bảo vệ nhất định và tỉ lệ này không bao giờ đạt 100%. Tỉ lệ bảo vệ của tất cả các vắc xin hiệu quả hiện nay được Bộ Y tế công nhận dao động từ 70 - 80%.

Như vậy vẫn có 20% sau khi tiêm vắc xin COVID-19 xong vẫn bị nhiễm, riêng Delta có hiện tượng xuyên phá hệ thống miễn dịch nên vắc xin, hệ thống kháng thể của cơ thể không ngăn chặn hoàn toàn được. Đó là lí do vì sao hiện Delta là chủng làm cho rất nhiều người đã tiêm vắc xin COVID-19 vẫn bị nhiễm bệnh.

Khi nhiễm bệnh, 90% người đã tiêm 2 mũi vắc xin sẽ được bảo vệ, nhiễm bệnh nhẹ, không cần thở ô xy. Tuy nhiên vẫn có tỉ lệ 10% bệnh nặng và tử vong. Có nhiều lý do, trong đó không phải trường hợp nào kháng thể cũng có thể bảo vệ được cơ thể trước tác động của virus, với người lớn tuổi tỉ lệ bảo vệ có thể thấp hơn, khoảng 80 - 85% (Tiền phong, trang 4; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Tránh nguy cơ làn sóng dịch lần thứ 5

Ngày 18-11, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị số 6 đã có buổi tiếp xúc cử tri trực tiếp và trực tuyến tại quận Bình Tân.

Các ĐBQH đơn vị số 6 gồm: Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM.

Thông tin về tình hình dịch Covid-19 trước cử tri, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đã nhắc lại diễn biến, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam trong thời gian qua. Ông cho biết, để vừa khống chế kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa duy trì sản xuất là rất khó khăn, không đơn giản.

Theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay, số F0 đang gia tăng trở lại, số người điều trị cũng đang tăng lên. ĐBQH thống kê, từ ngày 10-10, cả nước có gần 50.000 người đang điều trị. Tuy nhiên, đến ngày 17-11, đã tăng lên gần 150.000 người (đỉnh dịch lần thứ 4 là 250.000 người).

Từ phân tích các con số, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cảnh báo phải quyết liệt, nhanh chóng kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, để tránh rơi vào làn sóng dịch lần thứ 5.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ kinh nghiệm của quốc tế, TPHCM đã rất nỗ lực tiêm đủ 2 mũi vaccine và đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là rất cần thiết. Trong lúc này, người dân từ các tỉnh về lại thành phố, ĐBQH kiến nghị cần sớm tiêm vaccine người dân ở các tỉnh lên làm việc mà chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi 2.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân lưu ý người dân, dù tiêm vaccine đủ 2 mũi khi đi ra ngoài vẫn phải đeo khẩu trang, tuân thủ 5K. Ngoài ra, người dân cần nâng cao ý thức tự giác, khi mắc Covid-19 phải tự giác cách ly, tuân thủ các quy định hướng dẫn của ngành y tế (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Tận dụng y tế tư nhân, huy động y bác sĩ nghỉ hưu tham gia chăm sóc và quản lý F0 tại nhà

Chiều 18-11, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Tiếp đoàn, có các đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, căn cứ Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế, hiện nay, cấp độ dịch của thành phố đang là cấp độ 2, về cơ bản tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM khá ổn định.

TPHCM đã hoàn thành tiêm mũi 1 và mũi 2 vaccine Covid-19 cho tất cả những người trên 18 tuổi. Đối với trẻ từ 12-17 tuổi, TPHCM đã hoàn thành tiêm mũi 1 và bắt đầu từ 22-11 sẽ tiến hành tiêm mũi 2.

Thời gian tới, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, TPHCM tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch theo hướng linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, rà soát, cân nhắc, đẩy mạnh kiểm tra với tinh thần “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó”.

Để làm được điều đó, hiện TPHCM đã chỉ đạo tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất phải có một khu cho điều trị để đưa các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ để có thể tiếp tục duy trì sản xuất ngay lâp tức. Tất cả các quận huyện, TP Thủ Đức phải thiết lập các bệnh viện dã chiến do quận huyện điều hành kèm theo những khu thu dung điều trị các trường hợp F0…

Thông tin về lĩnh vực điều trị F0 trên địa bàn, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện TPHCM đã hết thuốc kháng virus Molnupiravir, cần sớm được cung cấp để kịp thời bổ sung, điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM cũng đề xuất thí điểm rút ngắn thời gian cách ly điều trị đối với F0 không có triệu chứng, đã tiêm đủ vaccine và có kết quả âm tính vào ngày thứ 7; mong muốn được duy trì và bổ sung các trạm y tế lưu động do lực lượng quân y phụ trách.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, TPHCM cần đánh giá việc tiêm vaccine ở các địa bàn dân cư; phải tổ chức các lực lượng công an, y tế đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, tận dụng hệ thống công nghệ thông tin, huy động đoàn thể để nắm được tất cả những ai chưa được tiêm vaccine. Trừ những người chống chỉ định, còn lại cố gắng tuyên truyền vận động tiêm hết cho người dân.

“Cần có sự phân công cho từng trạm y tế, tổ phản ứng nhanh, đội đặc nhiệm chống dịch, kết nối với mạng thầy thuốc đồng hành để có danh sách từng người, càng có thông tin cụ thể của những nhóm người chưa được tiêm vaccine thì sẽ giảm được tỷ lệ tử vong, tỷ lệ bệnh nặng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh và yêu cầu, TPHCM cần tuyên truyền làm sao tổng thể cả người dân và doanh nghiệp không ai có động cơ giấu bệnh, phải tạo điều kiện cho người dân chủ động thông báo sớm về tình trạng bệnh của mình.

Đối với đề nghị được hỗ trợ các trạm y tế lưu động từ lực lượng quân y, Phó Thủ tướng cho rằng TPHCM cần tận dụng cả hệ thống y tế tư nhân vào cuộc, sử dụng mô hình quân – dân – y kết hợp, huy động những y bác sĩ nghỉ hưu để tham gia vào chăm sóc quản lý F0 tại nhà, phát thuốc sớm cho người bệnh. Tăng cường điều trị cho người bệnh qua mạng, từ xa, đặc biệt các bệnh nhân mãn tính, trong điều kiện hiện nay sẽ phát thuốc dài hơn, thường xuyên liên lạc qua điện thoại để hỗ trợ người dân (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Hà Nội bất ngờ dừng cách ly người đến từ TP.HCM và các tỉnh phía nam

Sau 2 ngày ra yêu cầu bắt buộc cách ly đối với người đến từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tối qua (18.11), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ra công điện điều chỉnh việc giám sát, xét nghiệm với người từ vùng nguy cơ cao, địa bàn có dịch về Hà Nội.

Theo đó, việc xét nghiệm thực hiện theo quy định của BYT (không yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi ra vào TP). Về việc cách ly, người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin (thẻ xanh) hoặc khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng chỉ cần tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ nhất. Người chưa tiêm đủ liều vắc xin (thẻ vàng) cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7.

Người chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì cách ly 14 ngày, tiếp tục tự theo dõi sk trong 14 ngày tiếp theo và xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương. Những người đã tiêm vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao (Thanh niên, trang 20).

 

Đảm bảo không thiếu thuốc điều trị cho F0

Chiều 18-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vấn đề dư luận quan tâm. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì buổi họp báo.

Xây dựng 7 kịch bản cho từng số lượng F0

Thông tin tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, số ca mắc mới mỗi ngày vẫn còn cao, có ngày 1.000 ca, có ngày 1.200 ca thậm chí có ngày trên 1.400 ca. Số bệnh nhân nặng thở máy vẫn ở mức cao và ngày càng tăng.

Ngoài ra, số ca nhập viện thời gian gần đây luôn cao hơn số ca xuất viện, khác với những ngày trong tháng 10. Một trong những con số đáng lo ngại khác đó là số ca tử vong chưa giảm, thậm chí còn tăng.

Theo ông Phạm Đức Hải, thực tế còn nhiều người chưa thực hiện nghiêm về quy định 5K, ra đường vẫn không đeo khẩu trang, tụ tập, giữ khoảng cách không đúng, việc khử trùng ít có đơn vị thực hiện tốt. Từ những điều đó cho thấy thành phố cần có những giải pháp phù hợp.

“Thành phố kính mong người dân, doanh nghiệp chia sẻ, đồng cảm, đồng thuận với những quyết định khó khăn này, với mục đích là bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết cũng như bảo vệ thành quả phòng chống dịch vừa qua”, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Trước thông tin nhiều người dân phản ánh, đăng ký túi thuốc C (Molnupiravir) cho bệnh nhân nhưng một số trạm y tế thông báo hết thuốc, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, túi thuốc C là thuốc đang nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và điều kiện rất cụ thể dành cho đối tượng sử dụng như: F0 có triệu chứng nhẹ; người từ 18-65 tuổi được sử dụng nhưng không mắc các bệnh nền; không bị các bệnh lý về gan, thận, suy gan suy thận hoặc phụ nữ có thai, hoặc phụ nữ đang cho con bú; phụ nữ dự kiến có con trong 6 tháng tới... Do vậy tiêu chuẩn đưa vào thử nghiệm rất khắt khe, chứ không phải F0 nào cũng được sử dụng.

“Thời gian qua, đã có trạm y tế chựng lại việc sử dụng thuốc cho người dân. Sở Y tế đã có văn bản chấn chỉnh, đồng thời tập huấn, hướng dẫn lại đối với các đối tượng trạm y tế phường, xã. Sở Y tế đã có báo cáo với Bộ Y tế xin 100.000 túi thuốc C cho thành phố để dự trù, đảm bảo ca F0 tăng lên, đảm bảo cho người dân không bị thiếu thuốc”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.

Trả lời về ngưỡng đáp ứng của y tế thành phố đối với dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện nay với mục tiêu chung của thành phố cần đáp ứng được là duy trì, bảo vệ được thành quả đã đạt được trong đợt chống dịch thời gian qua. Mục tiêu cố gắng phải kéo giảm được các ca nhập viện, ca tử vong và củng cố lại hệ thống y tế.

Với tinh thần đó, Sở Y tế cùng với các sở ngành bàn các giải pháp và xây dựng từng kịch bản cụ thể. Qua tính toán sơ bộ, Sở Y tế đã trình lãnh đạo TP các phương án và đang xin ý kiến. Theo đó, đối với hai lực lượng nhân sự cần thiết để đáp ứng kịp thời khi có sự cố F0 tăng nhanh thì hiện nay TP có trên 9.100 bác sĩ và trên 19.600 điều dưỡng.

Lực lượng này đã được cọ xát rất tốt trong thời gian chống dịch đợt 4 vừa qua, đã nhuần nhuyễn để có thể xử lý được mọi tình huống. Với số ca, số giường bệnh, số giường oxy và ICU thì khả năng đáp ứng có thể chấp nhận được khi chúng ta tiếp nhận điều trị trên 120.000 F0 tại cùng thời điểm. Hiện Sở Y tế đã xây dựng 7 kịch bản đáp ứng được cho từng số lượng F0. 

Đẩy mạnh khuyến mãi, kết nối hàng hóa

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, các mặt hàng lương thực thực phẩm, thực phẩm tươi sống tại các siêu thị nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, có một số mặt hàng tăng giá như dầu, đường, xăng dầu, gas… Tình hình giá đã có sự biến động trên toàn thế giới, kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng này. Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân khác như chi phí phòng chống dịch của doanh nghiệp, chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá cả kéo theo.

Để bình ổn giá, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở Công thương TPHCM cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, kết nối hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành, đồng thời các chương trình bình ổn giá tiếp tục thực hiện. Sở Công thương sẽ có kiến nghị Bộ Công thương để sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để kéo theo giá cả các mặt hàng ổn định trong tình hình bình thường mới.

Thông tin về cấp mã định danh cá nhân, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng tham mưu Công an TPHCM cho biết, Bộ Công an đã cấp định danh cá nhân cho toàn bộ người dân, kể cả trẻ mới sinh. Đồng thời chỉ đạo công an địa phương, trực tiếp là công an cấp xã nơi thường trú liên hệ thông báo mã định danh cá nhân cho công dân.

Do đó, khi người dân, trong đó học sinh muốn nhận mã định danh cá nhân thì liên hệ công an cấp xã nơi thường trú hoặc liên hệ công an khu vực. Người tạm trú nếu thuận tiện liên hệ với nơi thường trú sẽ được cấp nhanh nhất. Trường hợp này cũng có thể liên hệ công an cấp xã nơi tạm trú để được hỗ trợ về tra cứu và thông báo mã định danh cá nhân (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Đề phòng bệnh hô hấp, sốt xuất huyết bùng phát

Thời điểm này, thời tiết tại TPHCM và khu vực phía Nam nắng mưa thất thường, là điều kiện thuận lợi để các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch. 

Cảnh giác với sốt xuất huyết 

 Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Đa khoa Tâm Anh, TPHCM vừa tiếp nhận bé N.P.M. (3 tuổi, ngụ quận Tân Bình) sốt cao 3 ngày liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện trong họng bé có nhiều vết loét - biểu hiện của bệnh tay chân miệng. Một ngày sau nhập viện, bé bị chảy máu chân răng và vẫn sốt cao liên tục. Qua diễn tiến bệnh, bác sĩ khoa Nhi nghi ngờ bé mắc sốt xuất huyết (SXH) đi kèm nên làm xét nghiệm máu và siêu âm. Kết quả cho thấy, bé M. bị SXH có tụ dịch màng tim, màng phổi và trong ổ bụng.

“Bé N.P.M. bị mắc 2 bệnh đồng thời là SXH và tay chân miệng. Nhờ phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ nên đến ngày thứ 5, bé  cắt sốt hoàn toàn và được xuất viện sau 7 ngày điều trị”, ThS-BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa Tâm Anh cho biết.

Theo BS Kim Thoa, 2 tháng qua, BV tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi liên quan đến SXH, có thời điểm 90% số ca điều trị nội trú là trẻ mắc bệnh này. Đáng ngại hơn, trong đó có những trẻ bị SXH kèm theo một hoặc nhiều bệnh lý khác như tay chân miệng, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, nhọt da… 

Tại BV Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi L.P.Đ. (5 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) vừa trải qua “cửa tử” khi 12 ngày luôn trong tình trạng sốt cao, hôn mê.

Theo người nhà, gia đình 5 người đều mắc Covid-19, trong đó có bé Đ. Gần 2 tuần cách ly, điều trị tại nhà, bé có dấu hiệu thở mệt, lừ đừ. Gia đình cho rằng các triệu chứng trên là do Covid-19, nhưng khi thấy bé ngày càng trở nặng nên gọi đội phản ứng nhanh của BV Nhi đồng Thành phố đến tầm soát và kịp thời đưa bé đến BV.

Qua xét nghiệm mới phát hiện bé dương tính với virus Dengue gây SXH.

BS CKI Phan Thị Phương Tâm, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng Thành phố kể, lúc đó bé Đ. bị sốc sâu, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết dạ dày, tràn dịch ổ bụng và 2 màng phổi. Bé được đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch, truyền dịch đại phân tử, truyền máu. Sau hơn 20 ngày điều trị tích cực, tất cả chức năng cơ quan bị ảnh hưởng nặng bởi SXH đã dần hồi phục.

Thống kê từ BV Đại học Y Dược TPHCM, số lượt người dân đến thăm khám tại phòng khám hô hấp của BV trong 2 tuần qua ghi nhận khoảng 500 lượt/tuần, số người bệnh SXH chiếm khoảng 30%.

BV Thống Nhất TPHCM cũng ghi nhận tỷ lệ phụ nữ mang thai, người cao tuổi đến khám do các bệnh lý thường gặp trong thời điểm này cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ người dân đến khám do bệnh về SXH, đường hô hấp, thần kinh, tiêu hóa tăng hơn 26% so với tháng 10.

Tại BV Nhi đồng 1, số ca nhập viện vì SXH cũng tăng cao, tuần thứ 2 tháng 11 có tới 42 trường hợp đang điều trị SXH nội trú và gần 100 ca điều trị ngoại trú (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó). 

Quyết liệt các biện pháp dự phòng

 Theo các chuyên gia y tế, cũng như dịch Covid-19, bệnh SXH hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Điều lo ngại là người dân hiện có tâm lý lơ là, chủ quan trong phòng chống bệnh SXH.

Trong khi căn bệnh này rất dễ lây lan, chỉ cần muỗi cắn người bệnh, sau đó cắn và truyền virus cho người lành. Giai đoạn từ nay đến hết tháng 1-2022 là cao điểm của dịch SXH, với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12, cộng với dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, sẽ tiềm ẩn nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Để phòng chống các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là bệnh SXH, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, khuyến cáo việc phòng ngừa các bệnh giao mùa cho trẻ em và người lớn tuổi trong giai đoạn nắng mưa thất thường rất quan trọng, bởi đây là đối tượng có sức đề kháng còn yếu, hệ miễn dịch suy giảm.

Ngoài SXH thì các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, viêm da, dị ứng da, tay chân miệng, sốt siêu vi, sởi… cần được người dân hết sức lưu ý. “Cần chú ý là, cả nước đã có nhiều trường hợp mắc SXH tử vong trong thời gian gần đây, do đó phải quyết liệt hơn nữa các biện pháp dự phòng”, BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Nhằm ngăn chặn bệnh SXH bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho rằng, ý thức tự phòng bệnh của người dân luôn là yếu tố quyết định cho việc kiểm soát thành công. Sự cảnh giác sẽ giúp mỗi người chủ động phòng tránh những rủi ro sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng. Mỗi người hãy dành thời gian dọn dẹp tất cả vật dụng, bể chứa nước có lăng quăng. Không có vật dụng chứa nước thì muỗi không có nơi sinh sản. Không có muỗi thì không có bệnh SXH (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang