Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).
Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, bài phản ánh việc trục lợi quỹ BHYT tại một số tỉnh, thành phố dẫn đến tình trạng có nguy cơ bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT trong năm 2016. Theo thông tin BHXH Việt Nam vừa công bố, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, 37 tỉnh đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng cho BHYT, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân được giải thích là do số đối tượng tham gia BHYT tăng 12%, do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và do thông tuyến huyện khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến việc thâm hụt nghiêm trọng quỹ BHYT, thậm chí vỡ quỹ BHYT là do tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT từ phía người có BHYT và từ chính các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi nhằm sử dụng hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh BHYT bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT.
PHAN THẢO
Sài gòn giải phóng (trang 1)
Con trai Thiếu úy Trâm được xuất viện sau hơn 50 ngày điều trị
Chiều 31-8, Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương đã tổ chức một buổi gặp mặt đầm ấm để tiễn bé Trần Gấu, con trai Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm, Công an tỉnh Hà Tĩnh, người đã từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối để con được ra đời.
Đánh giá về tình trạng sức khỏe của bé Gấu, BS Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sinh non - BV Phụ sản Trung ương, cho biết nếu tính theo tuổi thai thì bé hiện mới ở tuần 35. Khi sinh ra bé chỉ nặng 1,2 kg, sau 50 ngày chăm sóc tại BV, cân nặng của bé đã đạt 1,8 kg, là mức độ tăng trưởng bằng, thậm chí vượt so với trẻ sơ sinh cùng tuần tuổi được nuôi dưỡng trong bụng mẹ.
BS Lợi cho biết việc bé Gấu được ra viện chỉ sau hơn 50 ngày điều trị là một kỷ lục. Vì thông thường những trường hợp như bé phải thở máy hằng tháng và lúc đầu các bác sĩ cũng dự đoán bé có thể phải nằm điều trị ba tháng.
Trước khi bé ra viện, BV đã siêu âm tim, mạch, não, chụp X quang tim, phổi, tiến hành các xét nghiệm về máu, sinh hóa và các kết quả đều cho thấy bé Gấu đã đủ sức khỏe để trở về với gia đình. Hệ hô hấp, mắt và thính lực của bé cũng bình thường, bé đã ăn sữa được bằng thìa. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt nên BV vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe của bé, kể cả sau khi bé ra viện để có thể phát hiện và xử lý kịp thời với những diễn biến bất thường.
Đặc biệt, BV cho biết đã miễn phí toàn bộ viện phí điều trị của bé Gấu trong gần hai tháng qua là 99 triệu đồng.
Anh Trần Mạnh Hà, cha bé Gấu, không giấu được niềm xúc động khi sức khỏe con trai tiến triển tốt và đã được ra viện. Anh cho biết sau khi xuất viện, bé Gấu sẽ chưa về quê ngay mà ở cùng với anh và gia đình tại nhà khách của Bộ Công an ở Hà Nội để tiện chăm sóc cho bé cũng như đưa bé Gấu tái khám định kỳ ở BV Phụ sản Trung ương, hoặc các bác sĩ có thể tiện theo dõi sức khỏe của cháu bất cứ lúc nào. Để tạo điều kiện cho gia đình chăm sóc bé Gấu, nhà khách Bộ Công an đã bố trí một phòng riêng cho gia đình anh.
H.G
Công an nhân dân (trang 1), An ninh thủ đô (trang 4), Lao động (trang 1), Thanh niên (trang 2), Nhân dân (trang 5)
Bảo hiểm y tế bù chi 10.000 tỷ đồng vì tăng giá dịch vụ
Đó là thông tin được đại diện Vụ Kế hoạch tài chính-Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo Hội đồng Tư vấn Quốc gia về Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) về xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả, tổ chức sáng 31-8, tại Hà Nội.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT đã chi hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, năm 2016 phải bù chi sau khi có Thông tư 37 về “Quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc, ước khoảng 10.000 tỷ đồng và năm 2017 ước phải bù chi 23.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Y tế, khoản tiền bù chi cao là bởi Thông tư 37 quy định tăng giá hơn 1.800 giá dịch vụ y tế, gây chênh lệch chi BHYT. Năm 2017 tiếp tục có nhiều dịch vụ y tế tăng giá, kéo theo quỹ BHYT phải bù chi cao gấp đôi năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, cuối năm 2016 Bộ Y tế sẽ hoàn thành việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả (thay bằng năm 2018), và mức chi trả phải phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội.
Đây là bài toán hóc búa trong bối cảnh người dân có thói quen vượt tuyến để KCB, tạo gánh nặng chi phí cho hộ gia đình, khiến hệ thống y tế hoạt động kém hiệu quả; quản lý quỹ quỹ BHYT còn hạn chế, chưa có biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy quản lý theo hướng chi phí hiệu quả, kiểm soát gian lận dịch vụ KCB BHYT.
Thanh Hằng
Công an nhân dân (trang 1
Nỗ lực thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên giữ vai trò chính trong phát triển y tế trường học, chăm sóc sức khỏe cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu 100% số học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2017 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị…
Những kết quả tích cực
Trong những năm qua, công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên (BHYT HSSV) luôn được tổ chức, thực hiện hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), giáo dục và đào tạo (GD và ĐT), y tế. Năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% số HSSV tham gia BHYT, năm học 2012-2013 có khoảng 80%, năm học 2013-2014 là 85%, thì đến năm học 2014-2015, tỷ lệ này là 88,5%, tương ứng gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT. Năm học 2015- 2016, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 90,5%, với khoảng 15,6 triệu HSSV, trong đó, số HSSV tham gia tại trường là 12,8 triệu, tham gia theo nhóm đối tượng khác (người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình…) là hơn 2,8 triệu.
Nhiều địa phương trở thành điểm sáng trong cả nước khi liên tục có số HSSV tham gia với tỷ lệ cao hơn 90%. Như: Hải Dương ba năm liền có 100% số HSSV tham gia BHYT; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn xấp xỉ 90%. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh có tỷ lệ HSSV tham gia thấp dưới 70%. Nguyên nhân chính là do phần lớn các địa phương chưa tìm được nguồn hỗ trợ thêm phần kinh phí đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ 30% của ngân sách nhà nước. Mức phí BHYT HSSV phải đóng là khá cao, cùng với những khoản phí đầu năm học tạo những khó khăn nhất định cho các hộ gia đình nông thôn, miền núi. Tại một số địa phương, sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về BHYT HSSV chưa thật sự sát sao, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD và ĐT với BHXH. Mặc dù luật đã quy định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, nhưng thực tế cũng không có chế tài nào mang tính “bắt buộc”.
Sinh viên (SV) cũng được coi là nhóm khó khăn nhất khi vận động tham gia BHYT. Đối tượng này thường chỉ tham gia BHYT vào đầu năm học khi mới nhập trường và giảm dần vào các năm học sau. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, chỉ tính riêng khối các trường đại học, cao đẳng trong cả nước mới có khoảng 1,1 triệu SV tham gia BHYT, đạt hơn 70% tổng số phải tham gia theo quy định của Luật BHYT...
Cần tổ chức tốt công tác y tế học đường
“Thực hiện tốt công tác y tế học đường và khám, chữa bệnh BHYT là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nhanh mục tiêu bao phủ BHYT đến 100% số HSSV” - Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định.
Theo thống kê, hằng năm có hàng triệu lượt HSSV được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh khi bị rủi ro thương tích, đau ốm phải điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước. Trong đó, Quỹ BHYT đã chi trả cho nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính, như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo (khoảng 80 triệu đồng/năm); điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng...
Đồng thời, Quỹ khám, chữa bệnh BHYT còn trích 7% kinh phí để lại cho hoạt động y tế trường học (YTTH) phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Số liệu thống kê hằng năm cho thấy, nguồn kinh phí từ Quỹ BHYT dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại YTTH ngày càng tăng. Năm 2006, số chi cho công tác này trên cả nước mới khoảng 75 tỷ đồng, thì đến năm học 2013-2014 là hơn 441 tỷ đồng, và trong năm học 2015 - 2016 tăng lên khoảng 500 tỷ đồng. Nguồn Quỹ BHYT đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của YTTH, khoảng 82%, trong khi phần chi từ ngân sách nhà nước khoảng 18%.
BHYT đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với công tác YTTH nói riêng và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV nói chung, góp phần thực hiện chiến lược đào tạo con người toàn diện. Xét trên phương diện xã hội, HSSV tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho bản thân HSSV và gia đình nếu không may xảy ra tai nạn, chấn thương hay bệnh tật. Nhà trường cũng yên tâm trong quản lý sức khỏe học sinh, có thêm cơ hội, điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học. Vì thế, thực hiện BHYT HSSV không chỉ là quyền lợi về sức khỏe đối với HSSV, mà còn là cách thức giáo dục về trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xây dựng tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm và chia sẻ…
Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu của HSSV trong hoạt động YTTH, vừa qua liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2016/TTLB-BYT-BGDĐT quy định về công tác YTTH. Trong đó, quy định cụ thể về: việc sử dụng kinh phí từ nguồn BHYT HSSV; việc bảo đảm các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học; bảo đảm các điều kiện về phòng y tế, nhân viên YTTH; việc tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường học…
Để mục tiêu thành hiện thực
Tỷ lệ 90,5% số HSSV tham gia BHYT trong năm học 2015 - 2016 còn khá xa so với mục tiêu 100% số HSSV có BHYT vào năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm học mới, các bộ, ngành cũng như các địa phương đang tích cực vào cuộc.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, những khó khăn phát sinh do những quy định mới trong thực hiện BHYT HSSV từ thời điểm ngày 1-1-2015 như: mức đóng nâng lên bằng 4,5% mức lương cơ sở, hay việc chuyển đổi từ thu và phát hành thẻ BHYT theo năm học sang thu và phát hành thẻ theo năm tài chính… đã được cơ quan BHXH Việt Nam chủ động tháo gỡ. Mới đây, BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp Sở GD và ĐT, Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục - đào tạo trên địa bàn tổ chức tuyên truyền thực hiện tốt BHYT HSSV, bảo đảm quyền lợi về KCB và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phối hợp Sở GD và ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện thu BHYT HSSV theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, có thể thu và phát hành thẻ thành nhiều đợt (ba tháng và 12 tháng hoặc sáu tháng và chín tháng) để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho phụ huynh HSSV vào đầu năm học mới…
Kinh nghiệm những năm học trước cho thấy, các địa phương có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cao đều có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, nhất là ngành GD và ĐT. Theo TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Công tác HSSV (Bộ GD và ĐT), để hoàn thành mục tiêu 100% số HSSV tham gia BHYT, trách nhiệm của xã hội, nhà trường, gia đình có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng chính là lý do để Bộ đề nghị các trường, cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công văn số 4296 ngày 24-8-2015 của Bộ GD và ĐT về tăng cường triển khai thực hiện BHYT cho HSSV. Trong đó, Sở GD và ĐT các tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ phải xây dựng kế hoạch phát triển BHYT đối với HSSV của các trường; phải đưa kết quả thực hiện BHYT vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các Sở GD và ĐT, tiêu chí xếp loại HSSV. Đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò tổ chức thực hiện của lãnh đạo các trường trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT với HSSV, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% số HSSV có BHYT trong năm học 2016-2017.
Đối với nhóm SV tham gia BHYT, Bộ GD và ĐT đang phối hợp Bộ Tài chính đề xuất nâng mức cho vay đối với SV, nhất là đối tượng SV có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện để các em có nguồn kinh phí trang trải học tập cũng như chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT. Đồng thời, đề xuất, tham mưu Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ đóng BHYT của HSSV từ ngân sách nhà nước lên tối thiểu 50% mức đóng BHYT theo nhóm giải pháp phát triển BHYT HSSV đã đề ra.
Nguyên Khang
Nhân dân (trang 1)
Bệnh viện hiện đại... "lỗ" to
Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang mới với mức đầu tư 1.306 tỉ đồng được xem là bệnh viện hiện đại nhất ĐBSCL. Do quá hoành tráng nên chi phí vận hành bệnh viện cao ngất, dẫn đến thu không đủ bù chi phí hoạt động.
Bệnh viện có nhiều khối nhà, trong đó tòa nhà chính cao 10 tầng nằm trên khu đất rộng 4,6ha tại P.Đông Xuyên, TP Long Xuyên.
Bệnh viện được đưa vào hoạt động từ tháng 4 năm nay với tổng diện tích sàn xây dựng gần 13.000m2, gồm 600 giường bệnh và được đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Hiện đại quá thành ra... hại điện
Bệnh viện có thang cuốn tự động, thang máy, mỗi khối nhà đặt một hệ thống làm lạnh trung tâm đưa hơi lạnh đến tận từng khoa, phòng. Trong các khoa nội trú, phòng bệnh lớn trung bình có 4-6 giường, nhiều phòng chỉ có hai giường...
Theo một số bác sĩ, bệnh viện được xây dựng và trang bị cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế, do khá hiện đại nên cũng rất... hại điện.
“Nếu vận hành đầy đủ thì mỗi ngày chỉ riêng tiền điện phải trả lên tới hơn 100 triệu đồng, mỗi tháng tốn cỡ 3 tỉ đồng” - ông Nguyễn Triết Hiền, phó giám đốc bệnh viện, nói.
Bệnh viện đầu tư hoành tráng như vậy nhưng theo lãnh đạo bệnh viện, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại cơ sở mới chỉ bằng mức bệnh viện cũ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1.500 lượt người khám ngoại trú và 800-900 người điều trị nội trú. Trong khi đó, cơ sở vật chất mới quá hoành tráng nên phát sinh nhiều chi phí.
Cụ thể, tiền thuê đội làm vệ sinh chuyên nghiệp tốn 6 tỉ đồng/năm, thuê dịch vụ bảo vệ gần 2 tỉ đồng/năm. Do hao tốn điện năng quá lớn nên bệnh viện phải tiết kiệm điện tối đa.
“Chẳng hạn tắt bớt đèn, chỉ cho một thang máy hoạt động trong giờ hành chính, mấy tầng lầu trên cao và một số khu vực ngắt bớt hệ thống điều hòa... Tuy vậy, chi phí điện vẫn gấp 6 lần ở cơ sở cũ với hơn 1,5 tỉ đồng/tháng” - bà Nguyễn Thị Hạnh, giám đốc bệnh viện, cho biết.
Khó kham nổi
Chưa tính khoản thu, chi cho lương của đội ngũ thầy thuốc, CB-CNV của bệnh viện, dù đã tiết kiệm nhưng tổng chi thường xuyên của bệnh viện lên đến hơn 10 tỉ đồng/tháng, trong khi tổng thu chỉ khoảng 9-10 tỉ đồng/tháng.
Theo bà Hạnh, bệnh viện cấp tỉnh và do An Giang chưa đạt tỉ lệ 80% dân số mua bảo hiểm y tế nên vẫn thu phí khám chữa bệnh với khung giá dịch vụ cũ (áp dụng từ ngày 1-3-2016 theo thông tư 37 của liên bộ Y tế - Tài chính).
Giá dịch vụ quá thấp cũng góp phần dẫn tới thu không đủ bù chi. “Dù ngân sách đã hỗ trợ nhưng vẫn chịu cảnh thiếu trước hụt sau, cực kỳ khó khăn” - bà Hạnh chia sẻ.
Ông Từ Quốc Tuấn, giám đốc Sở Y tế An Giang, cho hay bệnh viện tuy quy mô lớn, hiện đại nhưng vẫn là bệnh viện tuyến tỉnh, được phân loại là cấp 2 thì bắt buộc áp dụng mức thu phí khám chữa bệnh theo bệnh viện cấp 2.
Và với quy mô đó thì dù chi phí tiền điện nước cao nhưng không thể tính thêm khoản này vào giá dịch vụ khám, điều trị được.
Mặt khác, hiện An Giang áp dụng mức thu chỉ 80% phí dịch vụ khám chữa bệnh mà bội chi bảo hiểm y tế trong sáu tháng đầu năm nay đã trên 100 tỉ đồng.
“Nếu tăng mức thu thì bội chi sẽ tăng lên, điều này rất khó. Do đó khả năng thu chưa đủ bù chi sẽ kéo dài, bệnh viện khó kham nổi” - ông Tuấn nói.
ĐỨC VỊNH
Tuổi trẻ (trang 8)