Nữ bác sĩ đầu tiên ở VN sản xuất sữa đặc biệt cho bệnh nhân thập tử nhất sinh
Làm việc gì đó giúp những bệnh nhân nghèo, bệnh nặng phải điều trị lâu dài, trong khi hoàn cảnh gđ khó khăn? Có người phải bán cả nhà cửa, vay mượn tiền, cầm cố tài sản có giá trị để níu kéo sự sống… là trăn trở của PGS.TS.BS. Tạ Thị Tuyết Mai. Mới đây nữ bác sĩ đã nghiên cứu và sản xuất một loại sữa đặc biệt giúp người bệnh nặng kém dung nạp lactose cần nuôi ăn bằng ống thông trong cơn thập tử nhất sinh sớm hồi phục sức khỏe (Đời sống & Pháp luật, trang 6).
Lễ hội Xuân Hồng tiếp nhận gần 10.000 đơn vị máu
Ngày 18/2, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia- Hà Nội, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội và Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức Lễ hội Xuân Hồng lần thứ X, năm 2017.
Sự kiện đánh dấu 10 năm Lễ hội Xuân Hồng được tổ chức tại Việt Nam. Tham dự ngày hội có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội, cùng gần 30.000 đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân thủ đô. Với thông điệp “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”, đến với ngày hội hiến máu tình nguyện, hàng ngàn bạn trẻ là sinh viên các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, mong muốn hiến máu để góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn máu sau dịp Tết Nguyên đán; đồng thời kêu gọi đông đảo người dân cùng chung tay hành động để đảm bảo nguồn máu cho các bệnh viện.
Lễ hội Xuân Hồng là lễ hội hiến máu tình nguyện lớn nhất cả nước, được Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương khởi xướng từ năm 2008; đến nay đã tiếp nhận được gần 51.000 đơn vị máu, góp phần quan trọng đảm bảo lượng máu cho điều trị sau dịp Tết Nguyên đán.
Năm 2017, Lễ hội Xuân Hồng tiếp tục được tổ chức với thông điệp “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”. Ban Tổ chức Lễ hội dự kiến thu hút khoảng 30.000 lượt người tham gia và tiếp nhận ít nhất 10.000 đơn vị máu phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, điều trị tại hơn 170 bệnh viện khu vực miền Bắc. (Tiền phong, trang 2; An ninh Thủ đô, trang 3).
Trung Quốc: Dịch cúm gia cầm nghiêm trọng bất thường
Tình hình dịch cúm gia cầm với virus H7N9 gây chết người ở Trung Quốc hiện được ví với dịch SARS hồi 2002-2003; tốc độ lây lan được coi là nghiêm trọng nhất xưa nay.
Ba năm trước, có tổng cộng 319 người nhiễm; riêng mùa dịch năm nay đã có tới 356 ca và đang mỗi ngày một tăng. Dư luận xã hội yêu cầu ngành y tế Trung Quốc kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh, có những biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn và dập dịch.
Theo thông báo chính thức của cơ quan phòng dịch, chỉ trong 1 tuần từ ngày 6 đến 12/2 đã có thêm 61 ca mắc bệnh, trong đó, 8 người tử vong. Ngày 14/2, Cục Khống chế, dự phòng bệnh tật trực thuộc Ủy ban Y tế và Sinh đẻ kế hoạch Trung Quốc (Bộ Y tế trước đây) cho biết, chỉ trong tháng 1, số người nhiễm bệnh ở Trung Quốc đại lục là 192, trong đó có 79 ca tử vong. Từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12/2016, cả nước có 356 người nhiễm virus H7N9, trong đó có 106 ca tử vong. Nếu tính từ tháng 11/2016 thì số ca nhiễm bệnh là 419, cao hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm.
Cấm mua bán gia cầm
Tình hình dịch bệnh được coi là bất thường khi số người nhiễm virus H7N9 và số ca tử vong đều tăng chóng mặt. Tháng 12/2016, có 20 người chết/106 người nhiễm. Tháng 1/2017, có 79 người chết/192 người nhiễm. Từ đầu năm đến nay đã có 16 tỉnh, thành phố báo cáo có các ca nhiễm H7N9, trong đó Giang Tô nghiêm trọng nhất với 12 người chết/49 người nhiễm trong tháng 1/2017. Do tình hình dịch bệnh và số người nhiễm bệnh ở Chiết Giang, Hồ Nam, Tứ Xuyên và Quảng Đông đang gia tăng, nên chính quyền các địa phương này đã cấm mua bán gia cầm trên thị trường. Các địa phương đang ráo riết thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và khoanh vùng, dập dịch.
Tại Chu Hải (Quảng Đông), Cục Y tế thành phố cho biết, sau khi phát hiện virus H7N9 tại các mẫu gia cầm ở 2 chợ dân sinh, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa chợ 3 ngày kể từ 15/2. Thành phố Phật Sơn ra lệnh đóng cửa các chợ bán gia cầm sống trong 7 ngày, từ 15 đến 22/2. Tại Quảng Tây, ngày 8/2 phát hiện 1 ổ dịch tại Mã Gia Thôn, huyện Linh Xuyên, gần 10 ngàn con gà thịt bị chết đồng loạt. Thông tin này chỉ được biết đến khi nó được một người đưa lên mạng xã hội WeChat.
Thành phố Quảng Châu ban đầu chỉ định cấm các chợ gia cầm bán gà sống trong 3 ngày, nhưng sau điều chỉnh đến hết tháng 2. Ngày 16/2 là ngày đầu tiên thực hiện “lệnh cấm gà”, nhưng các tiểu thương đã không tuân thủ bằng cách “sơ tán” gà còn sống vào các ngõ phía sau khu chợ, lực lượng tuần tra cũng chưa tịch thu, xử lý được.
An Huy là nơi dịch bệnh khá nặng, từ đầu năm đến nay đã có hơn 40 ca nhiễm H7N9, 20 người đã chết, tình hình dịch bệnh vẫn có chiều hướng gia tăng. Chính quyền tỉnh đã ra lệnh đóng cửa hoàn toàn các chợ gia cầm sống. Tỉnh Giang Tây từ đầu năm đến ngày 12/2 đã phát hiện 28 ca nhiễm H7N9, trong đó có 7 người tử vong. Tỉnh cũng áp dụng biện pháp đóng cửa chợ gia cầm sống hoặc cấm giết mổ tại chợ từ 3 đến 10 ngày đối với từng khu vực cụ thể.
Chiết Giang trong tháng 1/2017 đã có 35 trường hợp nhiễm, 11 người chết vì virus H7N9; phần lớn bệnh nhân nhiễm bệnh do tiếp xúc với gia cầm sống. Các bệnh nhân nhiễm virus H7N9 ở Hàng Châu ở rải rác 9 quận, huyện, cho thấy dịch bệnh đang lây lan. Từ mùa Thu năm ngoái đến nay, số người nhiễm và địa bàn xuất hiện H7N9 ở Hàng Châu mỗi ngày một tăng. Toàn bộ tỉnh Chiết Giang đã cấm bán gia cầm sống.
Tỉnh Hồ Bắc tính đến ngày 13/2 đã phát hiện 22 ca nhiễm, trong đó gần một nửa ở thành phố Vũ Hán. Từ ngày 14/2, Vũ Hán đóng cửa toàn bộ 445 chợ mua bán gia cầm và tiêu hủy 26 ngàn con gia cầm đang nuôi tại các trang trại.
Lây lan sang Hong Kong
Trung tâm Y tế phòng dịch Hong Kong cho biết, đã phát hiện vụ việc virus H7N9 từ Quảng Đông lây truyền sang Hong Kong, Macao. Ông Hoàng Gia Khánh, người phụ trách trung tâm này, cho biết, trong tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay có 4 ca nhiễm virus H7N9 từ đại lục truyền sang Hong Kong, 2 người đã chết. Chính quyền Hong Kong đã họp bàn các biện pháp đối phó, trong đó có việc nhập khẩn cấp bộ xét nghiệm nhanh (PCR test) và tăng cường kiểm tra đột xuất các trang trại, nâng số lượng mẫu môi trường lấy từ các nông trại. Trung tâm An toàn thực phẩm Hong Kong cảnh báo dân chúng không được mang gia cầm sống hoặc thịt gia cầm đông lạnh nhập cảnh và thông báo sẽ phối hợp với hải quan áp dụng các biện pháp
cưỡng chế.
Virus H7N9 xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 3/2013. Các chuyên gia nhấn mạnh, H7N9 đã truyền từ động vật sang người, hiện vẫn chưa phát hiện virus này lây từ người sang người. Vì vậy, vấn đề then chốt trong ngăn chặn dịch lây lan là con người không được tiếp xúc với gia cầm mang mầm bệnh. Nhưng đây là vấn đề đặc biệt khó khăn, nhất là trong bối cảnh trong mùa Đông và mùa Xuân, tốc độ lan truyền bệnh rất nhanh so với các mùa khác. Trung tâm Khống chế, dự phòng bệnh dịch cho biết, khoảng 90% số người mắc bệnh từng tiếp xúc với gia cầm sống, phần lớn họ đều lui tới chợ bán gia cầm sống. (Tiền phong, trang 2).
Xử phạt 2 cơ sở Y tế tư nhân hành nghề trái phép
Ngày 18.2, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã ra QĐ xử phạt hành chính đối với cơ sở hành nghề y tế tư nhân của ông Nguyễn Thanh Long và bà Nguyễn Thị Thanh Nga (huyện Sơn Tịnh), mỗi cơ sở bị phạt 50 triệu đồng về hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động (Thanh niên, Trang 6).
Dịch cúm gia cầm áp sát biên giới Việt Nam: Không đợi có dịch mới ứng phó
Tại Trung Quốc, 2 tháng qua đã ghi nhận hơn 340 ca bệnh cúm gia cầm A/H7N9, vì thế nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Trước diễn biến dịch cúm A/H7N9 ngày càng lan rộng với số ca mắc tăng nhanh tại Trung Quốc, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải xây dựng kịch bản, tình huống cụ thể để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Nguy cơ xâm nhập bất cứ lúc nào
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh cúm A /H7N9 tại Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%), trong đó tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với Việt Nam. Chỉ tính riêng trong 2 tháng qua, tại nước này đã ghi nhận hơn 340 trường hợp mắc cúm gia cầm A/H7N9. Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh. Trong khi đó, tại một nước láng giềng khác với Việt Nam là Campuchia, tháng 1-2017 vừa qua cũng đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại Sveyrieng - tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam… Vì vậy, khả năng dịch xâm nhập vào nước ta là rất cao.
Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh khu vực phía Bắc vừa diễn ra giữa tuần này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phân tích, lý do khiến dịch cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta bất cứ lúc nào là do nhu cầu giao lưu thương mại, du lịch giữa Việt Nam với những nước láng giềng rất lớn. “Hơn nữa, thời điểm hiện tại lại là thời điểm của cúm mùa, cúm gia cầm gia tăng mạnh nhất trong năm. Dù năm 2016, Việt Nam không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm nhưng cúm mùa vẫn lưu hành rộng rãi với 3 chủng cúm A/H3N3 (chiếm 45%), cúm B (chiếm 43%), cúm H1N1 (chiếm 12%)”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích.
Phải có kịch bản đối phó
Lo ngại trước nguy cơ các dịch cúm gia cầm kể trên xâm nhập, TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đề xuất, ngoài phòng chống dịch thì ngành Y tế cũng cần sớm chủ động mua sắm thuốc điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh dịch này. “Năm ngoái, khi xuất hiện một số ca mắc cúm mùa, chúng tôi đã chuyển kho dự trữ thuốc Tamiflu cho một số tỉnh, thành phố. Do vậy, năm nay, Bộ Y tế cần sớm mua bổ sung thuốc để phòng dịch, nếu không khi dịch xâm nhập, số mắc tăng nhanh thì khó có thể xoay xở kịp”, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói.
Còn về công tác phòng chống dịch, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, các địa phương cần nhận diện, đánh giá cho được những dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, lưu hành trên địa bàn. Từ đó, mỗi địa phương sẽ xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cụ thể theo từng năm. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, kinh nghiệm xây dựng kịch bản đối phó từng dịch bệnh từ nhiều nước trên thế giới cho thấy khi triển khai chống dịch sẽ rất hiệu quả. Do đó, điểm mới trong công tác phòng chống dịch năm nay là chúng ta sẽ xây dựng kịch bản, tình huống cụ thể (khi không có ca bệnh, khi có ca bệnh xâm nhập và khi dịch bệnh xảy ra) đối với từng dịch bệnh trên địa bàn. Tuyệt đối không để khi có dịch mới loay hoay ứng phó.
Cũng liên quan đến các dịch bệnh này, ngày 17-2, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Mặt khác, tăng cường giám sát dịch bệnh trên các đàn gia cầm; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
“Dịch cúm đang gia tăng mạnh ở châu Mỹ, châu Âu cũng đã xuất hiện ca bệnh. Riêng Trung Quốc đã ghi nhận cúm A/H7N9 nên xu hướng xâm nhập vào nước ta rất lớn. Để phòng dịch xâm nhập, nhiều nước đã cấm nhập thịt gia cầm từ các quốc gia có dịch”. TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (An ninh Thủ đô, trang 8).
Hơn 50 lần hiến máu cứu người
Nhiều năm nay, hai cha con ông Nguyễn Văn Khánh (53 tuổi, ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) luôn sẵn lòng sẻ chia những giọt máu của mình để cứu chữa người bệnh.
Cha hiến máu cứu đồng đội
Thời trẻ, ông Nguyễn Văn Khánh nhập ngũ, làm cán bộ quân y ở Bệnh viện Quân y 21 tại mặt trận 579. Ngày ấy, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, để có đủ máu kịp thời cấp cứu những chiến sĩ bị thương, các cán bộ, nhân viên bệnh viện đều tình nguyện cho máu và ông Khánh cũng không ngoại lệ.
Năm 1987 là lần đầu tiên ông Khánh cho máu. Đến khi xuất ngũ năm 1989, ông đã 4 lần hiến máu cứu sống đồng đội. Ông cho biết: “Hồi ấy, chứng kiến đồng đội bị thương, mất máu nghiêm trọng, có người gục ngã tại chiến trường, tôi không khỏi đau xót nên tự mình lấy máu mình rồi cứu đồng đội, rồi vận động anh em cùng nhau hiến máu giữa bom đạn của kẻ thù. Từ đó, lúc nào tôi cũng tâm niệm rằng sẽ hiến máu cứu người cho dù có khó khăn thế nào đi nữa”.
Tinh thần sẻ chia sự sống, giúp đồng đội, đồng chí qua cơn hiểm nghèo ở chiến trường theo ông Khánh về quê hương. Và dù ở vị trí nào, công tác thanh niên, Chữ thập đỏ, Hội Nông dân hay là Bí thư Đảng ủy xã Cát Tân, ông vẫn tích cực tham gia hiến máu cứu người.
“Từng tham gia ngành y nên tôi hiểu hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi lần cho máu là mỗi lần cơ thể được kích thích quá trình tái tạo máu mới. Song điều quan trọng là có rất nhiều người bệnh đang cần máu để hồi sinh sự sống. Ý thức được điều đó nên tôi đi đầu trong phong trào nhân đạo hiến máu cứu người để những người khác thấy vậy làm theo. Có vậy thì anh em, đồng bào mình mới có được lượng máu cấp cứu kịp thời”, ông Khánh tâm sự,
Chỉ tính riêng từ năm 1994 đến nay, ông Khánh đã có 32 lần hiến máu tình nguyện. Nhưng mỗi khi nhắc đến con số này, ông thường lắc đầu, bảo “chưa thấm vào đâu” với những tấm gương khác trên cả nước. Ông kể, năm 2012, dự lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc, ông mới hiểu, sự tình nguyện của mình còn nhỏ bé lắm. Nhiều đại biểu tuổi đã ngoài 60 vẫn tham gia hiến máu; nhiều đại biểu có số lần hiến máu hơn 50 lần.
Thanh niên thì phải tiên phong
Sinh ra trong một gia đình truyền thống, học hết bậc phổ thông, anh Nguyễn Hồng Phong (34 tuổi, con trai ông Khánh) đi nghĩa vụ quân sự. Sau ngày xuất ngũ, anh về tham gia hoạt động ở đoàn thanh niên của địa phương, rồi học thêm hệ đại học tại chức. Bây giờ anh là cán bộ tư pháp xã Cát Tân. Tuy công việc rất bận rộn nhưng mỗi khi có đợt hiến máu tình nguyện anh lại tranh thủ tham gia, hay khi những người bệnh cần máu gấp anh cũng sẵn sàng cứu giúp.
Anh Phong chia sẻ: “Lúc đầu tôi thấy hiến máu cũng sợ nhưng một lần, ba của một người bạn thân bị xuất huyết dạ dày cần truyền máu gấp mới có thể cứu được tính mạng. Khi ấy, gia đình bạn đông người nhưng không ai có thể cho máu được vì người thì không cùng nhóm máu, người cùng nhóm máu thì không đủ điều kiện. Lúc đó, tôi được sự động viên của cha nên đi hiến máu cứu người. Từ đó, tôi bắt đầu hiến máu theo định kỳ và những người bệnh nào cần tôi đều sẵn sàng giúp đỡ”.
12 năm nay, anh Nguyễn Hồng Phong là cái tên rất quen thuộc trong phong trào hiến máu tình nguyện ở huyện Phù Cát. Anh Phong cho biết: “Tôi tham gia hiến máu từ năm 2005. Thời điểm đó, phong trào hiến máu tình nguyện ở Phù Cát chưa phát triển mạnh, công tác tuyên truyền, tư vấn chưa được sâu rộng như bây giờ. Hồi đó, tôi đi hiến máu cũng chỉ nghĩ đơn giản mình là thanh niên nên phải tiên phong”.
Được biết, anh Phong đã có 22 lần hiến máu được ghi nhận trên sổ sách. Mỗi lần như vậy là một cảm xúc khác nhau. Anh Phong cho biết: “Mỗi khi tham gia hiến máu và nhận được giấy chứng nhận, tôi thấy vui vì mình đã làm được một việc có ích cho xã hội. Nhưng lần hiến máu đáng nhớ là có lần người bệnh cần truyền huyết thanh nên phải lấy máu từ người mình để lọc lấy huyết thanh sau đó lại truyền trả lại vào người. Lần đó phải ngồi 3 tiếng đồng hồ nên rất mệt”.
Câu chuyện này xảy ra cách đây đã hơn 4 năm, bây giờ mỗi khi nhớ lại, anh Phong luôn cảm thấy hạnh phúc vì bản thân đã đưa ra một quyết định đúng, bởi “cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp”. Nhiều lần chứng kiến con người ở lằn ranh sinh tử, anh Phong hiểu rõ ý nghĩa những giọt máu mà bản thân mình hiến tặng.
Tích cực vận động người dân hiến máu
Không chỉ vận động người trong nhà, trong dòng họ, thời gian qua, hai cha con ông Khánh cũng vận động cán bộ cơ quan, thanh niên địa phương, công nhân, viên chức trẻ, bà con địa phương tham gia hiến máu tình nguyện. Nhiều cái tên mới đã xuất hiện và được UBND huyện Phù Cát tôn vinh, khen thưởng, góp phần xây dựng phong trào hiến máu tình nguyện địa phương.
Cách đây gần nửa năm, ông Khánh mắc bệnh cao huyết áp và không còn đủ điều kiện để hiến máu. Nhiều người tiếc cho một “hạt nhân” của phong trào hiến máu tình nguyện địa phương, nhưng ông Khánh bảo: “Không có tôi thì còn anh em, con cháu trong gia đình, rồi bà con địa phương. Phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn hôm nay đã mạnh hơn trước nhiều rồi. Và dù không tham gia hiến máu, tôi vẫn có mặt tại các lễ phát động, các ngày hiến máu tập trung. Tham gia tuyên truyền ý nghĩa của việc hiến máu cứu người”.
“Điều đáng mừng là việc làm của hai cha con tôi được gia đình ủng hộ”, anh Phong phấn khởi nói. Anh Phong luôn cảm thấy vui vì những năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện không chỉ có trong lực lượng đoàn viên thanh niên mà còn được mọi thành phần trong xã hội ủng hộ, tham gia. Năm nào ở xã Cát Tân cũng có rất đông tình nguyện viên tham gia hoạt động đầy ý nghĩa này. 22 lần tham gia hiến máu cứu người đã trở thành minh chứng thuyết phục giúp anh tuyên truyền vận động đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ và người dân địa phương dễ dàng hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân An, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phù Cát, gia đình ông Khánh là điển hình tiên tiến trong phong trào hiến máu tình nguyện của huyện. “Cả hai cha con ông Khánh đều rất nhiệt tình với phong trào này. Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, hai cha con ông luôn sẵn sàng san sẻ những giọt máu của mình mong cứu giúp được một mảnh đời bất hạnh. Người dân địa phương ai cũng quý tấm lòng của hai bố con ông Khánh”, ông An cho biết.
“Lãnh đạo thì càng không được ngại, mình phải đi tiên phong thì anh em mới làm theo. Tới đợt hiến máu tập trung, tôi luôn đi đầu, qua đó khích lệ tinh thần cán bộ, nhân viên, bà con địa phương”. Ông Nguyễn Văn Khánh (An ninh Thủ đô, trang 8).