Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Thanh tra giám đốc bệnh viện thu nhập 8 tỷ đồng/năm; Cắt khối u nang buồng trứng nặng hơn 6 kg; Phát hiện thuốc Vastarel 20 mg giả; Trẻ bỏng thực quản, dạ dày vì ăn nhầm hóa chất; ...

 

Thanh tra giám đốc bệnh viện thu nhập 8 tỷ đồng/năm

Hôm qua 18/4, Thanh tra TPHCM đã công bố quyết định thanh tra toàn diện Bệnh viện Mắt TPHCM giai đoạn 2015-2016, thời gian thanh tra 45 ngày. Động thái này được đưa ra sau khi Sở Y tế TPHCM phát hiện bác sĩ Trần Anh Tuấn- giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM có nhiều sai phạm và kéo dài.

Trong đó, cơ quan chức năng chỉ ra, năm 2015 ông này thu nhập thực tế hơn 6,1 tỷ đồng nhưng kê khai chỉ 2,6 tỷ đồng; trong năm 2016 ông Tuấn thu nhập thực tế 8 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai 4 tỷ.

Ngoài kê khai không trung thực, người đứng đầu bệnh viện này bị phát hiện không mổ, thậm chí có 21 ngày công tác ở nước ngoài nhưng vẫn đứng tên trên 38 hồ sơ phẫu thuật nhằm hưởng thù lao mổ. Riêng số tiền thù lao mổ của ông Tuấn tại bệnh viện này trong năm 2016 được cho là  4,3 tỷ đồng. Đặc biệt, Sở Y tế còn phát hiện trong năm 2013-2014 bệnh viện này đã thu gian dối tiền của bệnh nhân lên đến 11 tỷ đồng nhưng đến nay những người có liên quan không bị xử lý (Tiền phong, trang 2; Thanh niên, trang 2).

 

​Cắt khối u nang buồng trứng nặng hơn 6 kg

Chị Tô Thị Y. (ở thành phố Hạ Long) đến Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh ngày hôm nay vì đau tức vùng hạ vị và được phẫu thuật cắt ngay trong ngày. Theo bệnh nhân, chị bị đau tức vùng hạ vị từ 4 tháng nay, nhưng không đi khám. Càng ngày cảm giác đau tức càng tăng. Đến ngày 18-4, chị đau quá nên đi khám. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân có khối u lớn, kích thước lên đến 35x25x35cm, chiếm vị trí lớn trong ổ bụng, cần phẫu thuật sớm. Ngay sau đó, kíp phẫu thuật đã phẫu thuật cắt khối u cho chị Y.

Theo các bác sĩ, ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ, khối u nang buồng trứng của chị Y. nặng tới hơn 6 kg và là khối u nang buồng trứng to nhất mà các bác sĩ bệnh viện này từng cắt (Tiền phong, trang 6; Nhân dân, trang 5; Công an nhân dân, trang 7).

 

Phát hiện thuốc Vastarel 20 mg giả

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước thông báo về việc cơ quan chức năng phát hiện thuốc Vastarel 20 mg giả xuất hiện trên thị trường. Thuốc Vastarel giả có số đăng ký VN-16510-13; số lô sản xuất: 929852, vỉ 30 viên, trên nhãn ghi mạo danh nhà sản xuất là Công ty Les Laboratories Servier - France. Mẫu thuốc do Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ và yêu cầu xác minh.

Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc Vastarel 20 mg giả nêu trên; thông tin rộng rãi để người dân biết, không sử dụng loại thuốc Vastarel 20 mg giả; phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh truy tìm nguồn gốc xuất xứ của thuốc giả này (Nhân dân, trang 8; Tiền phong, trang 6; Công an nhân dân, trang 2).

 

Trẻ bỏng thực quản, dạ dày vì ăn nhầm hóa chất

Ngày 18/4, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, đang điều trị cho bệnh nhi bị bỏng thực quản, dạ dày vì ăn nhầm hoá chất. Trước đó, ngày 8/4, bé trai T.V.H (3 tuổi, Hòa Bình) cùng anh trai đi chơi, nhặt được gói bột hóa chất màu trắng, nghĩ là đường nên đã ăn. Sau khi ăn gói bột lạ, bé liên tục quấy khóc nên đã được người nhà đưa vào Bệnh viện tỉnh Hòa Bình, nhưng do bệnh nặng nên bác sĩ chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Sáng hôm sau, bệnh nhi được chuyển tiếp đến Khoa Cấp cứu chống độc  (Bệnh viện Nhi T.Ư) trong tình trạng sưng nề môi, loét miệng, xuất tiết nhiều đờm rãi. Chất bột màu trắng rơi ra tay làm loét vùng trước khuỷu tay trái khiến bệnh nhi liên tục quấy khóc.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận trẻ bị bỏng thực quản, dạ dày do ăn  nhầm hóa chất và  nhanh chóng nội soi thực quản, dạ dày cấp cứu bệnh nhi. Sau 6 ngày nhập viện, các vết thương vùng miệng bé đã bắt đầu khô, vùng loét da trước khuỷu tay trái bắt đầu bong vảy, trẻ ngủ tốt, không còn quấy khóc.

Bác sĩ cho biết, tai nạn ăn uống nhầm hóa chất (nhất là javel, axit hoặc kiềm) là dạng tai nạn sinh hoạt điển hình các bác sĩ tiếp nhận hằng năm tại Bệnh viện Nhi T.Ư.  Đối với bệnh nhân bỏng thực quản, dạ dày, sau giai đoạn bỏng, niêm mạc nơi thực quản bị tổn thương sẽ hình thành sẹo co rút, làm lòng thực quản teo nhỏ dần, khiến trẻ không thể ăn uống được dẫn đến tình trạng  suy kiệt dần, phải ăn qua ống hoặc mở dạ dày qua da và có thể dẫn đến tử vong. Với các vết bỏng ở ngoài da, sau giai đoạn lành vết thương sẽ đến giai đoạn sẹo co rút da. Nếu bị bỏng ở vùng cổ – cằm, sẹo sẽ kéo cằm và môi xuống, làm bệnh nhân ngậm miệng lại không được, ăn uống khó khăn. Vì vậy, ngay khi phát hiện trẻ uống nhầm chất gây bỏng, người lớn cần rửa vùng xung quanh miệng của trẻ bằng nước sạch, hướng dẫn trẻ uống từng ngụm nước lọc nhỏ để có thể làm loãng lượng hóa chất đã đưa vào cơ thể rồi đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ kịp thời can thiệp. Tuyệt đối không cố gắng tống hóa chất ra bằng cách ép bệnh nhân nôn để tránh gây bỏng thực quản và miệng (Tiền phong, trang 6).

 

Xây dựng mô hình mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện (BV) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh - do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 18-4, tại Hà Nội.

Nhiễm khuẩn BV làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng nhu cầu sử dụng kháng sinh và chi phí điều trị cho người bệnh. Kết quả khảo sát được Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tiến hành trong tháng 2 và 3-2017 cho thấy, hơn 92% BV có hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, gần 89% BV có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn, hơn 72% BV có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Thế nhưng, chỉ có hơn 37% số cơ sở thực hiện giám sát nhiễm khuẩn trong toàn BV, gần 24% cơ sở thực hiện giám sát nhiễm khuẩn với bệnh mới mắc tại các khoa trọng điểm, hơn 25% BV thực hiện giám sát vết mổ, hơn 16% thực hiện giám sát nhiễm khuẩn thở máy, hơn 13% BV thực hiện giám sát vi sinh vật kháng thuốc... Thời gian tới, Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng, đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia. Cùng với đó, Bộ sẽ chỉ đạo, hỗ trợ 6 BV ở ba khu vực Bắc - Trung - Nam (gồm BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV trung ương Huế, BV Bệnh nhiệt đới trung ương, BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và BV Nhi đồng 1) hoàn thiện mô hình mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn (Hà Nội mới, trang 5; Lao động, trang 2; Công an nhân dân, trang 7).

 

Vụ hành hung bác sĩ ở BVĐK Thạch Thất: Thêm hồi chuông về sự hiểm nguy mà thầy thuốc phải đối mặt

Bị người nhà bệnh nhân hành hung trong khi đang làm nhiệm vụ, BS. Lê Quang Dương, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Chống độc BVĐK huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã bị ngất xỉu và phải khâu 7 mũi. Mặc dù, hiện sức khỏe đã ổn hơn, tuy nhiên BS. Dương vẫn thấy đau đầu và buồn nôn. Trường hợp BS. Dương bị người nhà bệnh nhân hành hung trong khi đang làm việc dường như đã không còn là hiếm khi tại Hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện bảo vệ nhân viên y tế” do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua đã đưa ra thông tin, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 3 tháng đầu năm đã có hàng chục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào bệnh viện (BV) hành hung, đe dọa y, bác sĩ, gây rối làm mất an ninh trật tự tại BV.

Bác sĩ bị đánh và nhân viên y tế vẫn chưa hết “sốc”

Chia sẻ với phóng viên về giây phút đó, BS. Dương tâm sự, anh không hiểu vì sao mình bị đánh và cho biết thêm: “Từ trước tới nay, tôi đã được nghe nhiều tới bạo hành nhân viên y tế nhưng đến khi rơi vào hoàn cảnh đó thì cũng cảm thấy sốc và  buồn. Tôi  mong muốn có một tổ chức nghiệp đoàn dành cho các bác sĩ, đứng ra bảo vệ bác sĩ trong trường hợp này để các bác sĩ yên tâm công tác”.

Còn BSCKI. Nguyễn Đức Thảo - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK Thạch Thất, người trực tiếp điều trị cho BS. Dương cũng không giấu nổi nỗi buồn cho biết, là bác sĩ, nhìn đồng nghiệp của mình bị bạo hành chảy máu, chấn thương như thế này, anh và các đồng nghiệp khác đều rất sốc và cảm thấy xót xa. BS. Thảo kể: Làm bác sĩ chuyên khoa ngoại, anh cũng không ít lần gặp bệnh nhân và người nhà to tiếng hay xảy ra xô xát. Nhưng sự việc như của BS. Dương thì đây là lần đầu tiên vì quá bất ngờ, quá manh động.

Có mặt tại Khoa Nhi sau khi sự việc xảy ra một ngày, chúng tôi ghi nhận các nhân viên y tế ở đây vẫn làm việc bình thường, tuy nhiên, tâm lý lo lắng vẫn bao trùm. Một điều dưỡng trẻ cho biết, đến bây giờ vẫn sốc và không tin điều đó xảy ra, do đó chị cũng như các cán bộ y tế mong muốn có một hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ nhân viên y tế trong lúc làm nhiệm vụ.

Về vấn đề an ninh tại BVĐK Thạch Thất, BSCKII. Vương Trung Kiên, Giám đốc BVĐK cho biết, BV đã ký kết văn bản phối hợp đảm bảo an ninh an toàn BV với công an xã. Hiện luôn có 5 đồng chí được bố trí ở các khoa nóng, nhạy cảm như Khoa Cấp cứu, Khoa Khám bệnh để bảo vệ an ninh BV... Tuy nhiên, sự việc xảy ra với BS. Dương là sự việc lần đầu tiên xảy ra tại BV và cũng hết sức bất ngờ.

Mặc dù sau khi sự việc xảy ra, lực lượng bảo vệ đã có mặt và ngăn cản kịp thời hành vi của người nhà bệnh nhi, nhưng BS. Kiên cũng mong muốn cần có chế tài mạnh hơn nữa xử lý hành vi tấn công bác sĩ trong khi đang làm nhiệm vụ.

BS. Vương Trung Kiên cũng cho biết thêm, bệnh nhi Cấn Ngọc T. (1 tuổi), con của đối tượng hành hung BS. Dương đã được chuyển đến BV Nhi TW an toàn theo yêu cầu chuyển viện của gia đình. Người hành hung BS. Dương hiện đang bị công an tạm giữ.

Bộ Y tế đề nghị ngành y tế Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc

Về phía Bộ Y tế, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, ngay sau khi có thông tin về trường hợp bác sĩ BVĐK huyện Thạch Thất bị người nhà bệnh nhân hành hung trong khi đang thực hiện nhiệm vụ, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội. Theo đó, tại Công văn số 454/KCB-QLCL, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội tổ chức thăm hỏi, động viên; Chỉ đạo BVĐK huyện Thạch Thất quan tâm công tác cấp cứu, điều trị phục hồi sức khỏe và tâm lý cho bác sĩ của BV bị người nhà người bệnh hành hung trong khi đang làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, chỉ đạo BV phối hợp với Cơ quan công an điều tra xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật; Sở Y tế Hà Nội tổ chức rà soát, chấn chỉnh công tác an ninh, trật tự tại các BV trực thuộc Sở Y tế quản lý, bảo đảm an toàn cho cán bộ và nhân viên y tế khi cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh tại các điểm nóng trong BV.

Liên quan đến vấn đề an ninh trật tự BV, tại Hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện bảo vệ nhân viên y tế” do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã đưa ra những con số đáng buồn - đó là các vụ bạo lực nhân viên y tế thời gian qua xảy ra chủ yếu ở BV tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là BV tuyến TW (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công, hành hung chủ yếu là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15%). Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên BV, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh. Có thể kể đến các vụ bạo hành cán bộ y tế nghiêm trọng như người nhà bệnh nhân đánh điều dưỡng đang mang thai tại Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai; côn đồ hành hung người đang cấp cứu ở BVĐK Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, BVĐK An Dương - Hải Phòng và đỉnh điểm là vụ người nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ tại BVĐK huyện Vũ Thư, Thái Bình...

Những con số này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hiểm nguy mà thầy thuốc luôn phải đối mặt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bởi đâu đó luôn có những người nhà bệnh nhân vì quá lo lắng cho người thân nhưng lại chưa có sự hiểu biết thấu đáo đã vội tung những cú đánh vào chính người thầy thuốc đang nỗ lực để giải thích, để tìm cách cứu người thân của mình (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang