Dịch sốt xuất huyết diễn biến bất thường
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đang có diễn biếan phức tạp, chu kỳ dịch thay đổi bất thường. Thực tế đã xuất hiện nhiều ổ dịch với số bệnh nhân tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2016.
Ý thức phòng dịch chưa cao
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, kể từ cuối tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày có hơn 30 ca sốt xuất huyết nhập viện. Tính đến ngày 15-6, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận khoảng 1.700 bệnh nhân (tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có một trường hợp tử vong (tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa). Nhiều địa bàn ghi nhận số ca mắc cao hơn nhiều so với năm ngoái, như Đống Đa (gần 500 ca, tăng 8,8 lần so với cùng kỳ năm 2016), Hoàng Mai (gần 400 ca, tăng 6,4 lần); các quận, huyện như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín... có số ca mắc sốt xuất huyết tăng từ 3 đến 5 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế Hà Nội đã tổ chức giám sát tình hình muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại gần 2.000 điểm, gồm những ổ dịch cũ, ổ dịch mới, nơi có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Kết quả giám sát cho thấy, ở 20/30 quận, huyện, thị xã đã có trung gian (vectơ) chính truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes Aegypti. 23,5% trong số điểm được giám sát có chỉ số vectơ cao, tập trung chủ yếu tại các quận, huyện như Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Thường Tín…
Theo đánh giá của ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và chống muỗi đốt. Cùng với nguyên nhân khách quan là thời tiết mùa hè khiến bệnh lan rộng, diễn biến bất thường, còn có yếu tố chủ quan là chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa coi trọng công tác phòng, chống dịch và ý thức phòng dịch của người dân chưa cao.
“Khi cán bộ y tế thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, một số hộ gia đình không hợp tác, thậm chí có những lời nói, hành động cản trở. Tại một khu vực ở quận Thanh Xuân, nơi có số ca mắc sốt xuất huyết cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016, vậy nhưng cơ quan y tế không thể phun được hóa chất diệt muỗi cho 20% số hộ gia đình, trong đó có 5% hộ gia đình không hợp tác, 15% không có người ở nhà”, ông Nguyễn Nhật Cảm dẫn chứng.
Tương tự, tại huyện Thường Tín số ca mắc sốt xuất huyết nhiều hơn 4,5 lần so với năm trước. Bà Lê Thị Liễu, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện cho biết, nhận thức của người dân trong chính khu vực ổ dịch còn nhiều hạn chế. Thậm chí, nhiều người không rõ nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết nên không quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường. Điển hình như xã Tiền Phong - nơi có số ca mắc cao nhất huyện, người dân có nghề làm chăn, ga, gối, đệm nên có thói quen tích trữ nước trong những bể chứa rộng. Thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng rác thải, phế liệu ở làng nghề khá lớn. Thế nhưng, vào mỗi đợt chính quyền địa phương triển khai việc phun hóa chất diệt muỗi, người dân thường thiếu ý thức phối hợp.
Cần biện pháp mạnh
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, để công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả, cần có sự tham gia của cả cộng đồng.
Dù các cấp chính quyền vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhưng chỉ cần có 10% số hộ gia đình không hợp tác, không chủ động diệt muỗi, bọ gậy thì dịch bệnh vẫn ẩn chứa và có thể bùng phát. Tại các hộ gia đình không tham gia phun hóa chất, muỗi sẽ tiếp tục sinh đẻ và tràn sang những hộ gia đình xung quanh…
“Hiệu lực diệt muỗi của việc phun hóa chất lên tới hơn 90%. Hằng năm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đều đánh giá hóa chất được phun với độ nhạy của muỗi và độ an toàn với con người, do đó người dân có thể yên tâm. Bên cạnh việc vận động các gia đình hợp tác, chính quyền địa phương cần nhắc nhở, đưa ra biện pháp xử phạt hành chính đối với những hộ gia đình không hợp tác phòng chống dịch”, ông Nguyễn Nhật Cảm đề xuất.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết thêm, với những nơi được xác định là trọng điểm của dịch sốt xuất huyết, chính quyền cần tổ chức họp với dân để thông báo tình hình dịch bệnh, khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, cần thông tin thường xuyên về dịch bệnh qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi… Đồng thời, lực lượng y tế tập trung giám sát bệnh nhân, giám sát chỉ số muỗi, bọ gậy, tìm ra ổ bọ gậy nguồn để xử lý triệt để. Quan trọng nhất vẫn là phun hóa chất, cần bảo đảm tỷ lệ phun ở mức cao để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả. (Hà Nội mới, trang 5)
Bộ trưởng Bộ Y tế làm phó chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em. Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Các Phó chủ tịch Uỷ ban gồm: Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (Phó Chủ tịch Thường trực), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ Y tế, Các Uỷ viên là lãnh đạo một số Bộ, Ngành, cơ quan TW… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)
Mang nụ cười đến bệnh nhi ung thư
Mang đến nụ cười, kiến thức bổ ích cho bệnh nhi ung thư là phương châm của các học sinh, sinh viên, thành viên Câu lạc bộ (CLB) tình nguyện Bé Khỏe Bé Ngoan. Họ đã xem “bệnh viện là nhà, bệnh nhân như người thân”.
Trực thuộc Hội Sinh viên trường ĐH Y Dược TPHCM, CLB tình nguyện Bé Khỏe Bé Ngoan ra đời vào tháng 8/2013 chỉ với một vài thành viên kiêm nhiệm nhiều công việc từ biên soạn giáo án, chuẩn bị dụng cụ dạy học cho đến các công việc hậu cần. Hiện CLB có hơn 200 thành viên đến từ các trường trên địa bàn TPHCM.
Những bài học không có ở trường lớp
Bốn năm qua, hằng tuần các nhóm tình nguyện viên của CLB lại tỏa về 4 điểm hẹn thân thương, gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10, TPHCM), Nhi đồng 2 (quận 1), Mái ấm Gary (quận Thủ Đức) và Trung tâm Xương thủy tinh (quận 12).
Căn phòng nhỏ thuộc khoa Ung bướu - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2 từ lâu đã trở thành lớp học của bao lớp bệnh nhi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo - ung thư. Trong không gian ấy, sự tận tụy, tình thương của tình nguyện viên luôn đong đầy, và ở đó cũng đầy ắp tiếng cười giòn tan trẻ thơ. Mỗi buổi học cung cấp cho các em những kiến thức phổ thông, kỹ năng xử lý trong y khoa (như sơ cứu vết thương đứt tay, rắn cắn, gãy xương...) cùng những kỹ năng ứng xử đời thường.
Nguyễn Ngọc Phú, sinh viên ĐH Y Dược TPHCM, cho biết các bạn đã cố gắng thay đổi cách dạy, điều chỉnh giáo án và đầu tư dụng cụ để cải thiện chất lượng từng buổi dạy, để các bé dễ dàng tiếp cận kiến thức hơn. “Tụi mình cố gắng hỗ trợ về mặt tinh thần để giúp các bé điều trị tốt hơn, dần vơi đi nỗi niềm khi không được đến trường trong những ngày ốm đau nằm viện”, Ngọc Phú tâm sự.
Những cử chỉ yêu thương, những chia sẻ tâm tình dần trở thành liều “kháng sinh” giúp các em chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Và cũng từ những buổi học đã giúp các bé dạn dĩ, hiểu biết hơn và có thể hợp tác để giúp bác sĩ điều trị tốt hơn.
Cũng là những đứa trẻ không may mắc bệnh hiểm nghèo, các em bệnh nhi ở Trung tâm Xương thủy tinh may mắn khi có được điều kiện học tập, chăm sóc khá tốt. Phan Văn Bình, sinh viên khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TPHCM, cho biết lớp học tại đây duy trì hoạt động “Điều ước của bé” với việc giúp các em thực hiện được ước muốn của bản thân. Hoạt động giúp các bạn nhỏ thêm động lực, niềm vui và tinh thần học hỏi, vươn lên. Ngoài dạy học, các tình nguyện viên còn dạy các em múa, hát... Là những đứa trẻ mang căn bệnh ung thư xương nên chế độ chăm sóc, dinh dưỡng và học tập của các em ở đây cũng hết sức đặc biệt. Mỗi ngày những em nhỏ này đều phải tắm nắng, luyện yoga và bơi để củng cố hệ xương vốn đã rất mong manh, yếu ớt của mình.
Điều dưỡng Hồ Mỹ Linh cho hay: “Khi ở nhà bố mẹ không dám cho các bé bơi vì sợ bị chấn thương, bị đau. Ở đây các bé được nhân viên trung tâm, các em sinh viên hướng dẫn bơi và vui chơi cùng. Giờ nhiều bé còn bơi giỏi hơn cả mình”.
Bị di truyền từ người cha khi mới 5 tuổi với những di chứng khá nặng, nhưng nhờ trải qua quá trình trị liệu đúng đắn nên giờ chàng trai Đặng Thành Tiến (quê Đắk Lắk) đã có thể đi lại vững hơn, sức khỏe khá lên nhiều. “Đến trung tâm, các anh chị đã dạy tụi em những cái hay, những kỹ năng, những điều ở trường không dạy. Bây giờ em đã biết cách sơ cứu cho chính mình và người khác”, Tiến nói.
bệnh nhân như người thân
Ngồi ngoài hành lang khoa Ung bướu - Huyết học, chị Ngô Thị Thanh Thảo (ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết con trai chị mắc căn bệnh ung thư hạch thể lành tính từ cuối năm 2016. Cậu bé 9 tuổi Võ Đình Đức Phong đã cùng mẹ trải qua những đoạn trường gian khó sau các đợt điều trị, thuốc thang. “Đợt trước vô đây ăn còn không nổi, giờ thì con đã khỏe hơn, chạy giỡn, vui đùa trông tươi tỉnh hẳn”, chị Thảo nói.
Chị Thảo cho hay, mỗi lúc về nhà bé Phong thường kể về những điều đã học trên lớp. Những buổi dạy của các bạn sinh viên giúp bé học hỏi những điều hay, bổ ích mà trước đó con chưa được học. “Tôi luôn động viên con cố gắng chữa trị rồi về đi học. Mình rất mừng khi giờ nó không còn mặc cảm, lo sợ bị trêu chọc từ chúng bạn mỗi khi đến trường”, chị Thảo bộc bạch.
Bà Trương Thị Thúy Lan, Điều dưỡng trưởng khoa Ung bướu - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết những hành động nhỏ ấy đã giúp các bé khỏe hơn trong quá trình nằm viện dài ngày để trị bệnh. Theo bà Lan, những buổi học chính là những sân chơi cho các bé. Các bé được chỉ dạy những kỹ năng tự chăm sóc, vệ sinh bản thân đã giúp bé có được sức khỏe tốt hơn, biết vâng lời hơn.
Phó chủ nhiệm CLB Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, chính lòng yêu trẻ đã khiến các bạn duy trì lớp học để có thể chăm lo cho những em nhỏ không may ấy qua nhiều năm tháng. Các bạn trẻ luôn cố gắng đem đến cho các bé nụ cười, tạo niềm lạc quan giúp các em mạnh mẽ hơn để đối chọi với những đau đớn do bệnh tật gây ra. “Chủ yếu là những sinh viên y khoa, chúng em xem bệnh viện là nhà, xem bệnh nhân như người thân, xem các bệnh nhi như em nhỏ trong nhà, nên mỗi bạn luôn muốn dùng đúng chuyên môn, thiên chức của mình để phần nào xoa dịu nỗi đau, làm cuộc sống của chính những người “trong gia đình” mình cảm thấy thoải mái nhất. Tên CLB cũng xuất phát từ chính những ý niệm đó, Bé Khỏe Bé Ngoan, tức làm sao để các bé “Khỏe” và “Ngoan”, Thanh Tùng chia sẻ. (Tiền phong, trang 7)
BV Việt Đức: Lần đầu tiên nội soi khớp cổ chân bệnh lý hiếm gặp
Các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình 1, BV Việt Đức lần đầu tiên đã tiến hành nội soi khớp cổ chân với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Đây là một kỹ thuật phức tạp bởi lẽ khớp cổ chân rất nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu và phẫu thuật viên có tay nghề cao. Hiện, BV Việt Đức cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiên phong trong lĩnh vực nội soi khớp cổ chân.
Đi tập tễnh 2 năm không biết mắc bệnh gì
Ngày 16/6 vừa qua, các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình 1 đã cùng đoàn chuyên gia nước ngoài tiến hành nội soi khớp cổ chân cho 7 bệnh nhân bị bệnh lý về khớp cổ chân. Anh L.M.Đ (21 tuổi, Hà Nội) là một trong số những ca bệnh được phẫu thuật đợt này, và cũng là trường hợp phức tạp mà các bác sĩ đã xử lý thành công chỉ sau chưa đầy 30 phút đồng hồ. Sau đó, rất nhanh chóng, đến ngày thứ 2 sau nội soi, anh Đ. đã được xuất viện về nhà với bàn chân sẽ hồi phục hoàn toàn chỉ sau 5-7 ngày nữa.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe&Đời sống, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình 1 cho biết: Bệnh nhân Đ. bị đau khớp cổ chân đã 2 năm nay, dù đã đi khám nhiều nơi nhưng vẫn không phát hiện ra bệnh gì. Bệnh nhân Đ. đành chịu tình cảnh đau đớn “sống chung với bệnh”, đi lại tập tễnh vô cùng khó khăn và dùng thuốc kéo dài. Sau khi thăm khám và hội chẩn với các chuyên gia nước ngoài trên một hình ảnh phim chụp cộng hưởng từ khớp cổ chân rất phức tạp, các bác sĩ nhận thấy có tổn thương của đầu dưới xương chày (trong khi phim X-quang thường thì không phát hiện tổn thương).
“Khi xem xét kỹ thì ngoài hình ảnh tổn thương đầu dưới xương chày, chúng tôi có nghĩ đến khả năng bệnh nhân bị viêm; hoặc là u; hoặc là chấn thương cũ mà người bệnh không phát hiện, không để ý đến cộng với tổn thương trong khớp và quyết định mổ nội soi”- PGS. Khánh nói.
Các bác sĩ cho biết, quá trình mổ nội soi diễn ra rất thuận lợi, nội soi phát hiện ngay thương tổn là một u xương dạng xương. “Đây là một tổn thương hiếm gặp, nó không hẳn là một u điển hình cũng không phải dạng viêm gây ra tổn thương làm bong xương đầu dưới xương chày. Đây chính là nguyên nhân gây đau cho bệnh nhân. Các bác sĩ đã nhanh chóng nội soi xử lý triệt để, lấy toàn bộ tổn thương, đồng thời làm sạch, bơm rửa “dọn dẹp” trong khớp cổ chân hoàn toàn bằng phương pháp nội soi”- PGS. Khánh phân tích.
Làm chủ kỹ thuật phức tạp nhưng ít xâm lấn, hiệu quả cao
PGS. Khánh cho biết, với những bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh, dị tật sau chấn thương, thoái hóa khớp…, ngoài phẫu thuật tạo hình sửa chữa thì những kỹ thuật mới bước đầu triển khai là phẫu thuật nội soi khớp cổ chân. Phẫu thuật nội soi khớp cổ chân giải quyết được rất nhiều vấn đề ở khớp cổ chân, nhưng do khớp cổ chân rất nhỏ nên việc phát hiện bệnh vốn đã khó, nội soi mổ xử trí lại càng khó khăn hơn. Nội soi khớp cổ chân đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu, trang thiết bị đặc thù hơn, đặc biệt phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm và có hiểu biết sâu về chuyên môn để phát hiện bệnh và phẫu thuật thành công.
“Nội soi khớp cổ chân là một kỹ thuật nhẹ nhàng, hạn chế phá hủy các phần mềm xung quanh, ít đau đớn, ít xâm lấn, chỉ có hai lỗ mổ nhỏ khoảng 0,5cm. Ngày thứ 2 sau nội soi bệnh nhân có thể xuất viện được, và chỉ sau thời gian ngắn 5-7 ngày có thể đi lại bình thường. Hơn nữa, một ưu thế của phẫu thuật nội soi khớp nói chung và nội soi khớp cổ chân nói riêng là có thể vừa chẩn đoán xác định bệnh vừa có thể nhanh chóng xử lý được bệnh luôn. Thời gian nội soi mỗi ca khớp cổ chân chỉ khoảng 30 phút”- PGS. Khánh chia sẻ.
Các bác sĩ cho biết, hiện, căn cứ vào tỉ lệ bệnh nhân vào khám tại BV Việt Đức cho thấy, số bệnh nhân mắc các bệnh lý chi dưới chiếm khoảng 60-70%, trong đó riêng bệnh lý khớp cổ chân chiếm khoảng 30-40%. Ngoài nguyên nhân dị tật bẩm sinh còn có một số nguyên nhân dẫn đến bệnh lý khớp cổ chân như chấn thương thể thao, di chứng sau các tai nạn mà không được phát hiện sớm và chẩn đoán một cách chính xác…
Trước đây, với những bệnh nhân bị đau khớp cổ chân mà không phát hiện được bệnh thì thường phải chịu đau đớn kéo dài, dần dần hạn chế đến chức năng vận động.... Với việc triển khai thành công kỹ thuật nội soi khớp cổ chân sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị các ca bệnh này, giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho người dân và xã hội. (Sức khỏe & Đời sống trang 4).