Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/7/2017

  • |
T5g.org.vn - Hàng loạt trẻ nhỏ ở Hưng Yên bị bệnh sùi mào gà: Y sỹ xã tự nhận là bác sỹ nhi khoa; Kết luận về vụ cô giáo bị liệt nửa người sau mũi tiêm; Liên tục xảy ra sự cố y khoa: Ai chịu trách nhiệm?; Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Hàng loạt trẻ nhỏ ở Hưng Yên bị bệnh sùi mào gà: Y sỹ xã tự nhận là bác sỹ nhi khoa

Ngày 18-7, liên quan vụ việc bất thường gây hoang mang dư luận khi hàng chục trẻ nhỏ ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục và bệnh sùi mào gà do chữa chít hẹp bao quy đầu, đại diện Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã thông tin tới báo chí về vụ việc này. Ông Lều Văn Quân, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hưng Yên cho biết, ngay sau khi có thông tin phản ánh về vụ việc 37 trẻ nhỏ ở Khoái Châu bị sùi mào gà phải chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, Thanh tra Sở Y tế Hưng Yên đã tổ chức đi kiểm tra tại địa phương và phòng khám tư bị nghi là nguyên nhân khiến hàng chục trẻ bị sùi mào gà do chữa chít hẹp bao quy đầu. Qua kiểm tra phòng khám tư của y sĩ Hoàng Thị Hiền ở thôn Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, đoàn kiểm tra xác định phòng khám này hoạt động không có giấy phép.

Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám đóng cửa nhưng nhìn bên ngoài phòng khám không hề có biển hiệu, chủ phòng khám là y sĩ Hoàng Thị Hiền cũng không có mặt tại phòng khám.

Cũng vào thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra xác định y sĩ Hoàng Thị Hiền công tác tại Trạm Y tế xã Mễ Sở (huyện Khoái Châu) nhưng đang làm công tác tăng cường ở Trung tâm Y tế huyện Văn Giang.

Trong khi đó, báo cáo của Trạm Y tế xã Dạ Trạch và Phòng Y tế huyện Khoái Châu cho biết, y sĩ Hoàng Thị Hiền có tổ chức khám chữa bệnh cho trẻ em ở một số địa phương trong và ngoài huyện.

Trước sự việc trên, bước đầu, Sở Y tế Hưng Yên đã lập biên bản kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh trái phép của bà Hoàng Thị Hiền. Đồng thời giao cho Trạm Y tế xã Dạ Trạch phối hợp với Phòng Y tế huyện Khoái Châu tiếp tục kiểm tra, giám sát cơ sở khám chữa bệnh của bà Hiền. Thanh tra Sở Y tế Hưng Yên cũng cho biết, về nguyên nhân khiến hàng chục trẻ bị mắc sùi mào gà ở huyện Khoái Châu có phải do trị hẹp bao quy đầu tại phòng khám tư của y sĩ hiền hay không thì cần tiếp tục làm việc, xác minh làm rõ chứ chưa thể kết luận được.

Trong khi đó, Phòng Y tế huyện Khoái Châu và chính quyền địa phương lại không xử lý dứt điểm được những vi phạm tại phòng khám tư của bà Hiền thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý hoạt động y tế tư nhân ở địa phương.

Cũng liên quan sự việc nghiêm trọng này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên yêu cầu phối hợp với Bệnh viện Da liễu Trung ương khẩn trương xác minh thông tin trên.

Đồng thời, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế tỉnh Hưng Yên khẩn trương xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan tới sự việc và xử lý theo đúng quy định hiện hành.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương phối hợp cung cấp thông tin hồ sơ bệnh án cho Sở Y tế tỉnh Hưng Yên để xem xét điều tra, xác minh sự việc. Sở Y tế tỉnh Hưng Yên phải gửi báo cáo xác minh sự việc trên về Bộ Y tế trước ngày 28-7.

Trước đó, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, 2 tháng vừa qua có tới 41 bệnh nhi, trong đó có tới 37 bệnh nhi đến từ huyện Khoái Châu, Hưng Yên được đưa tới bệnh viện điều trị căn bệnh sùi mào gà. PGS.TS Lê Hữu Doanh cũng thẳng thắn cho rằng, đây là hiện tượng bất thường cần được xem xét về nguyên nhân mắc bệnh. Trẻ mắc sùi mào gà đều dưới 15 tuổi, riêng trẻ mắc sùi mào gà ở Khoái Châu đa phần đều rất nhỏ tuổi.

"Qua khai thác bệnh sử, chúng tôi nhận được thông tin từ bố mẹ bệnh nhi là hầu hết các bệnh nhi nói trên đều đã đến khám, điều trị chít hẹp bao quy đầu tại một phòng khám tư nhân ở thôn 5, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu. Như vậy là có sự gia tăng khá bất thường cả về số lượng lẫn tỷ lệ trẻ mắc sùi mào gà trên địa bàn này..." - PGS.TS Lê Hữu Doanh chỉ rõ (Sài gòn giải phóng, trang 7; Thanh niên, trang 8; Tuổi trẻ, trang 14; Nhân dân, trang 8).

 

Kết luận về vụ cô giáo bị liệt nửa người sau mũi tiêm

Sáng 18/7, Bệnh viện Bạch Mai đã công bố kết luận về vụ “cô giáo Hà Giang bị liệt nửa người sau một mũi tiêm”. Theo đó, sau ba lần hội chẩn (Hội chẩn toàn khoa, Hội chẩn toàn viện và Hội chẩn liên viện), ngày 11/7, Hội đồng chuyên môn liên viện Bạch Mai - Bệnh viện 103 – Bệnh viện 108 đã kết luận bệnh nhân này mắc “Hội chứng liệt mềm 2 chi dưới ngoại biên, có yếu tố rối loạn phân ly đồng diễn”. Kết luận của Hội đồng hội chẩn liên viện đã khẳng định: Người bệnh liệt mềm 2 chi dưới không phải do tiêm thuốc Nefopam 20mg vào mông tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai nhận được công văn số 936/SYT - NVY ngày 05/07/2017 của Sở Y tế Tỉnh Hà Giang về việc đề nghị phối hợp xử lý thông tin báo chí phản ánh, liên quan đến người bệnh Hồ Thị Thảo, sinh năm 1982, địa chỉ Làng Cúng - Xã Đạo Đức - Huyện Vị Xuyên - Tỉnh Hà Giang, được phản ánh trong bài “Cô giáo Hà Giang bị liệt nửa người sau một mũi tiêm, chưa tìm ra nguyên nhân” của Báo Lao động ngày 04/07/2017.

Ngày 26/6, bệnh nhân Hồ Thị Thảo được Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Hà Giang chuyển đến Khoa Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) với chẩn đoán: liệt tứ chi, hai chi dưới liệt hoàn toàn, chi trên liệt nhẹ; Tiểu khó; Mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt. Kết quả chụp Cộng hưởng từ cột sống toàn bộ (cổ, lưng, thắt lưng): Chưa thấy tổn thương tủy, chưa thầy dấu hiệu chèn ép rễ thần kinh. Kết quả điện cơ: Tốc độ dẫn truyền các dây thần kinh ngoại vi bình thường, sóng F bình thường, mất phản xạ H hai bên. Người bệnh đã được hội chẩn toàn Khoa Thần kinh dưới sự chủ trì của GS. TS Lê Văn Thính - Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai).

Đến ngày 6/7 bệnh viện tổ chức hội chẩn toàn bệnh viện do GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chủ trì với sự tham gia của nhiều chuyên gia thuộc các chuyên khoa thần kinh, tâm thần, phục hồi chức năng, chẩn đoán hình ảnh, dược, Chống độc, Hồi sức tích cực, Thận tiết niệu…

Hội đồng chuyên môn đã kết luận sơ bộ: Hội chứng liệt mềm 2 chi dưới - đề nghị làm lại và làm thêm một số xét nghiệm, thăm dò chức năng để chẩn đoán nguyên nhân và chẩn đoán xác định: Điện cơ (làm lại); Chụp cộng hưởng từ sọ não; Điện não đồ; Xét nghiệm dịch não tủy; Xét nghiệm nước tiểu, Porphirin niệu… Sau khi có đầy đủ kết quả xét nghiệm và thăm dò chức năng, ngày 11/7, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức buổi hội chẩn liên viện với sự chủ trì của GS.TS Ngô Quý Châu và sự tham gia của GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ nhiệm bộ môn Nội thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống đột quỵ Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; PGS .TS Phan Việt Nga, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 103 cùng các chuyên gia của các chuyên ngành có liên quan thuộc Bệnh viện Bạch Mai như thần kinh, phục hồi chức năng, tâm thần, hô hấp, dị ứng - miễn dịch lâm sàng, thận – tiết niệu, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức tích cực, Dược…

Hội đồng đã thống nhất chẩn đoán: Hội chứng liệt mềm 2 chi dưới ngoại biên, có yếu tố rối loạn phân ly đồng diễn, nhiễm khuẩn tiết niệu do Streptococcus agalactiae. Người bệnh liệt mềm 2 chi dưới hoàn toàn không phải do tiêm thuốc Nefopam 20mg vào mông tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. Hướng điều trị: Liệu pháp tâm lý phối hợp các thuốc điều trị thần kinh.

Theo bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Thảo chia sẻ:" Hiện tại các ngón chân trái của bệnh nhân bắt đầu hồi phục vận động. Thể trạng chung của bệnh nhân tốt hơn và bệnh nhân cũng đã hợp tác tốt hơn với thầy thuốc trong quá trình điều trị và chăm sóc. Dự kiến bệnh nhân sẽ được phối hợp điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng bởi các thầy thuốc của Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai (Tiền phong, trang 6).

 

Liên tục xảy ra sự cố y khoa: Ai chịu trách nhiệm?

Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, hàng loạt sự số y khoa đã xảy ra khiến dư luận lo lắng. Điều đáng chú ý là phản ứng từ các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Y tế với những sự cố này có phần chưa thấu đáo, chưa rõ được nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân. 

Hôm qua (18.7), vụ hàng chục bé trai mắc bệnh sùi mào gà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Đồng thời, vụ mũi tiêm khiến cô giáo ở Hà Giang bị liệt nửa người cũng đã có kết luận là… chưa có kết luận cuối cùng.

Thiếu trách nhiệm hay là “sự cố đáng tiếc”

Một sự thật đáng báo động về tình trạng thiếu trách nhiệm của các tuyến y tế địa phương với hàng loạt các tai nạn y khoa gây xôn xao, dư luận hết sức bức xúc. Mới đây nhất, vụ việc hàng chục bé trai mắc bệnh sùi mào gà (thống kê chưa đầy đủ, theo phản ánh của người dân, con số có thể lên đến cả trăm trường hợp) đang khiến cả vùng quê Khoái Châu, Hưng Yên vốn yên bình nay sôi sùng sục, người dân đứng ngồi không yên. Đây liệu có thể coi là sự cố y khoa hay do tắc trách về quản lý?

Ngày 18.7, phóng viên Báo Lao Động tận mắt chứng kiến người dân vây kín cổng nhà một y sĩ đa khoa được cấp chứng chỉ để đòi đối chất về tình trạng sùi mào gà đau đớn của con họ sau khi đến nong, cắt bao quy đầu tại nhà bà Hoàng Thị Hiền (Dạ Trạch - Khoái Châu - Hưng Yên). Có trường hợp mất gần 100 triệu mà con vẫn chưa dứt được bệnh, có bé đang nằm ở nhà sốt cao, quấy khóc vì đau đớn, hàng loạt bé đang nằm tại BV Da liễu T.Ư điều trị.

Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cho biết, cơ sở khám chữa bệnh của bà Hiền không có giấy phép hoạt động, không biển hiệu,... và y sĩ Hiền “chối bay chối biến” trước những bằng chứng thuyết phục từ ghi âm, ghi hình của người dân về hành vi sai quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm trọng của bà.

Vụ 8 người tử vong do chạy thận ở Hòa Bình vẫn còn khiến dư luận chưa hết bàng hoàng. Nguyên nhân của vụ việc cũng được kết luận là do nhiễm độc nguồn nước trong quá trình sục rửa hệ thống lọc RO của máy lọc thận. Bác sĩ Hoàng Công Lương đã được tại ngoại để phục vụ cho công tác điều tra. Thế nhưng, dư luận vẫn chưa hết bức xúc khi những người lẽ ra phải “đứng mũi chịu sào” trong vụ việc này dường như lại chưa phải chịu trách nhiệm gì.

Câu hỏi: Hợp đồng lắp đặt, sửa chữa hệ thống nước lọc chạy thận được ký như thế nào? Ai đồng ý thông qua những bản hợp đồng đó? Tại sao quy trình của một kỹ thuật quan trọng và nguy hiểm như thế lại dễ dàng có nhiều kẽ hở đến như vậy?..., vẫn còn đang khiến dư luận băn khoăn.

Vụ cô giáo ở Hà Giang bị liệt nửa người sau khi tiêm được báo Lao Động phản ánh đã làm “nóng mặt” một số bác sĩ. Họ phải đăng đàn “thanh minh” ngay cho nhân viên y tế rằng, cách tiêm và thuốc tiêm không thể gây liệt.

Đến ngày 14.7, Hội đồng chuyên môn đã có những kết luận bước đầu, thuốc tiêm và cách tiêm mông như vậy không thể làm cô giáo bị liệt. Bệnh viện Bạch Mai thành lập Hội đồng chuyên môn với đầy đủ các chuyên gia hàng đầu về ngành thần kinh vào cuộc nhưng vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân thuyết phục.

Trách nhiệm quản lý của ngành Y tế

Những vụ việc trên cứ “mập mờ” chưa rõ nguyên nhân nhưng sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận y bác sĩ hiện nay, sự buông lỏng quản lý của một số đơn vị cấp quản lý trong ngành y tế là điều không thể phủ nhận được.

Trước những vụ việc trên, Bộ Y tế đều kịp thời đưa ra những công văn gửi đến các địa phương yêu cầu phải khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh. Đồng thời Bộ Y tế cũng xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Đó là công văn “mẫu” hời hợt, cùng một kiểu nội dung, mang tính chất “làm cho có” mà sau khi vụ việc nào xảy ra cũng có ngay. Nhưng xét đến cùng, dường như, Bộ Y tế chưa thực sự sâu sát, chưa đi đến tận cùng sự việc để thể hiện trách nhiệm của đơn vị đứng đầu ngành y khi xử lý những tai biến, những sự cố y khoa.

Trao đổi với PV Lao Động về trách nhiệm của cơ quan chức năng trước những “sự cố” y khoa, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng: “Nếu để xảy ra những sự việc đáng tiếc, trước hết, về mặt chuyên môn, Giám đốc Sở Y tế phải chịu trách nhiệm, rồi ở địa phương đó là cơ quan quản lý nhà nước ở các huyện, các tỉnh rồi chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý hành chính”.

Khi được hỏi về trách nhiệm của Bộ Y tế trước những tai biến y khoa, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế là cơ quan quản lý về mặt chuyên môn, trách nhiệm của Bộ Y tế là ban hành những quy định, những hướng dẫn về mặt chuyên môn để các đơn vị thực hiện. Bộ Y tế không chỉ ra công văn yêu cầu các đơn vị xử lý vụ việc mà Bộ Y tế cần có động thái quyết liệt, rõ ràng hơn trong từng vụ việc (Lao động, trang 1).

 

Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Trao đổi với báo chí chiều 18-7, ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong 2 tuần qua khiến bệnh viện quá tải. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 200-250 ca mắc sốt xuất huyết, đã phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về bệnh này. Ngày 14-7, bệnh viện ghi nhận một bệnh nhân 51 tuổi (ở Vạn Phúc, phường Cống Vị, quận Ba Đình) tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 15 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, riêng trên địa bàn Hà Nội có 2 ca. Ông Nguyễn Văn Kính khuyến cáo, người bệnh sốt cao cần được đưa đến cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt (Hà Nội mới, trang 7). 

 

Nhiều trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Ngày 18.7, tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai và BV Nhi T.Ư cho biết trong các tuần gần đây đã ghi nhận một số bệnh nhi nhập viện điều trị ngộ độc chì sau khi được gia đình cho sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Các bệnh nhi này mới chỉ 4 - 12 tháng tuổi, đến từ Hà Nội, Thái Bình và Ninh Bình, nhập viện trong tình trạng nặng: co giật do nhiễm trùng thần kinh, nôn nhiều, da xanh, bị tổn thương đường tiêu hóa, phổi và gan. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ chì trong máu rất cao. Hiện, các bệnh nhi đã ổn định sức khỏe nhưng cần theo dõi thêm do có thể bị ảnh hưởng lâu dài. Gia đình các bệnh nhi cho biết đã mua thuốc nam (thuốc viên, màu cam, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc sản xuất) để điều trị viêm da cơ địa, loét miệng, tưa lưỡi cho trẻ (Thanh niên, trang 2).

 

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm, tặng quà thương bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng Kim Bảng

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), sáng ngày 17/7, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm, tri ân và tặng quà các thương bệnh binh và thân nhân gia đình có công cách mạng đang điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Kim Bảng- Hà Nam.

Báo cáo của ông Nguyễn Minh Tuấn- Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng bày tỏ lòng cảm ơn đến Bộ trưởng cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm, tri ân và tặng quà cho các đồng chí thương bệnh binh và thân nhân gia đình có công với cách mạng cũng như cho Trung tâm.

Hiện tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Kim Bảng đang chăm sóc, điều dưỡng cho 114 thương bệnh binh và người có công với cách mạng, trong đó có 84 thương bệnh binh với tuổi trung bình từ 60 trở lên, phần lớn các thương bệnh binh đều bị mắc các bệnh tật mạn tính, sức khỏe và trí tuệ sa sút, nhiều thương bệnh binh không nhớ được cả người thân...

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ sự tri ân đến các đồng chí thương bệnh binh và thân nhân gia đình có công vói cách mạng. Bộ trưởng mong các đồng chí thương bệnh binh và các thân nhân gia đình có công với cách mạnh yên tâm điều dưỡng, giữ sức khỏe.

Bộ trưởng cũng cho biết công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công với cách mạng luôn được ngành y tế quan tâm, chú trọng. Trong những năm qua, ngành y tế luôn có nhiều hoạt động thiết thực để tri ân các đồng chí thương bệnh binh, các gia đình thân nhân liệt sỹ và có công với cách mạng.

Về phía Trung tâm điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, Bộ trưởng đánh giá cao các nỗ lực, nhiệt tình trong công tác chăm sóc và điều dưỡng thương bệnh binh, thân nhân gia đình có công với cách mạng và bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của các cán bộ, nhân viên Trung tâm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Phát biểu tại chương trình, đồng chí thương binh 1/4 Tạ Công Hội cho biết, cá nhân đồng chí Hội và các đồng chí thương bệnh binh đang điều dưỡng tại Trung tâm rất vui khi nhận được tình cảm quan tâm, động viên của Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ Y tế. Đồng chí thương binh Tạ Công Hội cũng chia sẻ mong muốn Bộ trưởng chỉ đạo các cơ sở y tế tuyến trên cho kéo dài thời gian điều trị hơn để các thương binh được điều trị lâu hơn, đỡ phải đi lại nhiều trong khám chữa bệnh.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã tặng các phần quà là thuốc bổ, thực phẩm chức năng và tiền mặt cho tất cả các thương bệnh binh và thân nhân gia đình có công với cách mạng đang điều dưỡng tại Trung tâm với trị giá hơn 60 triệu đồng. Đồng thời cá nhân Bộ trưởng cũng dành 20 triệu tặng các cán bộ, thầy thuốc và nhân viên Trung tâm điều dưỡng Thương binh Kim Bảng. Cũng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, các đoàn công tác của Bộ Y tế do các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế sẽ đến thăm, tri ân và tặng quà tại một số Trung tâm điều dưỡng Thương binh của tỉnh Phú Thọ và Bắc Ninh (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Hơn 10 năm nữa, có tới gần 20% dân số ở nước ta là… người cao tuổi

Tại hội thảo quốc tế thích ứng với Già hóa dân số đang diễn ra ở Hà Nội (trong 2 ngày 17 và 18-7), ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Cụ thể, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Thế nhưng dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và đến năm 2050 là 25%. Nếu như các nước phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60 tuổi trở lên chiếm 20%) thì Việt Nam chỉ mất khoảng 20 năm cho quá trình này.

Điều đáng bàn là hiện có tới khoảng 70% người cao tuổi Việt Nam không có tích lũy vật chất, chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi phải đối mặt với gánh nặng “bệnh tật kép”, chủ yếu là các bệnh mãn tính không lây nhiễm phải điều trị suốt đời. Đặc biệt, có tới khoảng 30% người cao tuổi nước ta hiện không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào. Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, có một nghịch lý là đa phần các nước dân số già khi đã giàu còn Việt Nam thì ngược lại, dân số đang già hóa nhanh chóng nhưng mức thu nhập lại thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay. Cũng vì thế, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách nhằm giảm nhẹ các tác động do già hóa dân số gây ra (An ninh thủ đô, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang