Bộ Y tế nói gì về thông tin có ma tuý dưới lớp vỏ bọc thực phẩm chức năng?
Chiều 18/7, Cục An toàn thực phẩm cho biết, thời gian gần đây, xuất hiện thông tin trên thị trường có một số ma túy dưới lớp vỏ bọc là thực phẩm chức năng có nhãn hiệu “Lazarus Naturals Full Spectrum CBD TINCTURE” và “Lazarus Naturals RELIEF + RECOVERY CBD MUSCLE GEL”, có công dụng làm đẹp da, chữa ung thư, có chứa chất ma túy tổng hợp Delta-9-tetrahydrocanabinol (THC).
"Qua tra cứu dữ liệu tại Cục An toàn thực phẩm, đến thởi điểm hiện tại không có tổ chức, cá nhân nào được Cục An toàn thực phẩm tiếp nhận hồ sơ của các sản phẩm nêu trên", Cục An toàn thực phẩm khẳng định.
Vì vậy, đơn vị này khuyến cáo người tiêu dùng có thông tin đối với 2 sản phẩm nêu trên thì cung cấp ngay cho các cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội phát hiện một số dạng ma tuý cũ nhưng dưới lớp "vỏ bọc mới” là thực phẩm chức năng có công dụng làm đẹp da, chữa ung thư... xuất hiện trên địa bàn TP Hà Nội.
Những loại ma túy này được tiếp cận thông qua các sản phẩm có tên gọi “Lazarus Naturals Full Spectrum CBD TINCTURE” và “Lazarus Naturals RELIEF + RECOVERY CBD MUSCLE GEL”. Dưới vỏ bọc là những sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhưng bên trong có chứa chất Delta-9-tetrahydrocanabinol (THC) - đây là chất ma tuý gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, cũng như an ninh xã hội.
Công an Hà Nội đề nghị người dân tích cực tham gia tố giác tội phạm liên quan đến ma túy, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm về ma túy. Đồng thời, mạnh dạn tố cáo những tổ chức, cá nhân có hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy cho chính quyền địa phương nơi mình cư trú (Công an nhân dân, trang 4).
Tám người nhập viện cấp cứu sau khi ăn cá chình ở nhà hàng
Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ngộ độc cá chình. Các bệnh nhân khi đến viện có chung biểu hiện rối loạn cảm giác, yếu cơ, đau mỏi người…
Đây là 3 trong số 8 người cùng dự bữa ăn cá chình ở nhà hàng tại Phúc Thọ - Hà Nội (5 người khác vào cơ sở y tế tuyến dưới), 1 người khác nhẹ hơn nên theo dõi tại nhà.
Theo lời kể từ các bệnh nhân, gia đình nhà chị M. (49 tuổi) ở Phúc Thọ có khách từ Việt Trì (Phú Thọ) xuống chơi nên đã đặt cá chình biển tại một nhà hàng để đãi tiệc. Bữa ăn có 9 người.
Sau khi ăn 30 phút sau, các bệnh nhân bắt đầu thấy có một số triệu chứng, rồi đau bụng quằn quại và đi ngoài nhiều lần. 4 tiếng sau ăn, một số bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện co cứng cơ, tê lưỡi, cứng hàm và đổ mồ hôi nhễ nhại, cơ thể bị mất sức, hoa mắt, ngứa toàn thân…
Đến ngày hôm sau, 3 người trong gia đình chị M. phải nhập viện, 6 người khác cùng tham gia bữa ăn sau khi trở về đến Việt Trì cũng có biểu hiện ngộ độc và nhập viện địa phương điều trị. Tiếp đó, 3 ca nặng nhất được chuyển lên Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, các trường hợp trên bị ngộ độc ciguatera. Đây là một dạng ngộ độc thực phẩm gây ra cho con người khi ăn cá rạn san hô.
Theo bác sĩ Nguyên thông tin, vi tảo biển chính là nguyên nhân gây ra độc tố. Độc tố từ tảo tích lũy trong chính thịt cá. Các loài cá biển chứa độc tố ciguatera đều là những loại cá quen thuộc như: cá nhồng, cá hồng, cá mú, cá mó, cá vược...
Để phòng tránh ngộ độc ciguatera, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân tránh ăn nội tạng cá, không nên ăn số lượng nhiều các loài cá sống ở rạn san hô (An ninh thủ đô, trang 8).
"Điểm huyệt" hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực y tế, giáo dục
Trung tá Hồ Văn Hùng, Trưởng phòng 6, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đánh giá: Y tế và giáo dục là hai trong nhiều lĩnh vực được xem là trọng yếu với chính sách an sinh xã hội, có vai trò rất lớn trong sự phát triển của đất nước. Đây cũng là hai lĩnh vực nhạy cảm, có tầm ảnh hưởng và chi phối đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, hai lĩnh vực này cũng dễ bị “tổn thương”, luôn được dư luận đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước cũng như Bộ Công an đặc biệt quan tâm, chú trọng đến hai lĩnh vực trên ở tất cả các phương diện, đảm bảo hoạt động minh bạch, công khai, phục vụ sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của đất nước, người dân…
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, công tác quản lý các hoạt động đấu thầu, đầu tư mua sắm đối với hai lĩnh vực trên lại diễn ra phức tạp.
Chủ động nhận diện, phòng ngừa
Thông tin với PV, lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết: Quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã ban hành Quyết định số 1458 ngày 15/7/2019 về các lĩnh vực cần điều tra cơ bản, trong đó có lĩnh vực y tế, giáo dục, các điện chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện thống nhất. Được lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu giao, Phòng 6 là đơn vị chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc hệ lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an các địa phương tiến hành điều tra cơ bản lĩnh vực y tế, giáo dục xuyên suốt.
Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, hướng dẫn nghiệp vụ của các cục nghiệp vụ thuộc bộ, hệ lực lượng Cảnh sát kinh tế cơ bản nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra cơ bản xuyên suốt. Nhiều địa phương nghiêm túc triển khai cũng như tạo được sự thay đổi lớn trong tư duy tổ chức điều tra cơ bản. Kết quả đã nhận diện và khoanh vùng tốt để tập trung thu thập thông tin, tài liệu có chất lượng, hiệu quả.
Trung tá Hồ Văn Hùng cho biết: Trong hai năm gần đây, hệ lực lượng Cảnh sát kinh tế đã triển khai rất hiệu quả công tác điều tra cơ bản lĩnh vực y tế và giáo dục, qua đó phát hiện, đấu tranh, khởi tố nhiều vụ án, chuyên án lớn có tính chất điển hình như: Vụ án vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Thủ Đức, Sở Y tế Sơn La, Sở Y tế Cần Thơ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa… Đặc biệt, gần đây nhất là vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Phân tích sâu những chuyên án lớn, Trung tá Hồ Văn Hùng cho biết, qua công tác đấu tranh, xử lý các vụ việc liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đơn vị phát hiện tình trạng liên doanh, liên kết đặt máy trong các cơ sở y tế diễn ra rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm. Một số địa phương đã thực hiện xã hội hóa mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế không theo quy định tại Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế. Các đối tượng không xây dựng đề án liên danh, liên kết hoặc có xây dựng nhưng không đúng quy định, liên danh liên kết với các máy đã qua sử dụng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng chỉ ra, hình thức khá phổ biến là mượn máy móc của các công ty hoặc các công ty đặt máy tại các cơ sở y tế sau đó cung cấp hóa chất, vật tư. Trong hợp đồng mượn máy, đặt máy đều có các điều khoản ràng buộc về số lượng sử dụng hóa chất, vật tư y tế. Cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán các chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh được thực hiện từ các máy liên danh, liên kết không đúng quy định. Tuy nhiên, trong khi đó công tác quản lý Nhà nước ban hành chế độ, chính sách, quy định về quản lý trang thiết bị y tế và việc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện… cũng như triển khai Đề án giảm tải bệnh viện thông qua việc đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế còn chưa bao quát, theo kịp diễn biến thực tế.
Qua công tác đấu tranh, phá án thành công chuyên án liên quan đến hoạt động xã hội hóa tại bệnh viện Bạch Mai, hiện hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đã điều chỉnh các đề án liên danh liên kết, hợp đồng mượn máy, đặt máy (không có điều khoản ràng buộc số lượng sử dụng hóa chất, vật tư theo máy; thời gian đặt máy, trúng thầu các hóa chất vật tư trước sau đó mới mượn máy…). Các máy cho, tặng cũng được xác lập quyền sở hữu Nhà nước. Giá dịch vụ sử dụng những trang thiết bị xã hội hóa tại các cơ sở y tế cũng giảm đáng kể. Bộ Y tế cũng đã tham mưu với Chính phủ để sửa đổi Thông tư 15 về xã hội hóa phù hợp, chặt chẽ hơn để tránh tình trạng bị trục lợi.
Lật mặt những “đan chéo” lũng đoạn đấu thầu
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đánh giá, thủ đoạn phổ biến trong hoạt động đấu thầu, thời gian gần đây xảy ra nhiều trong lĩnh vực y tế, giáo dục có thể kể tới như nâng giá kế hoạch gói thầu qua việc thuê đơn vị thẩm định giá. Chủ đầu tư thông đồng với nhà thầu thì nâng giá ngay từ khi xây dựng, phê duyệt giá dự toán, giá kế hoạch đấu thầu bằng việc thông đồng với nhà thầu, đơn vị báo giá để đưa ra giá thẩm định cao, làm căn cứ xây dựng giá dự toán cao. Chúng còn câu kết, dàn xếp để một nhà thầu trúng. Chủ đầu tư và nhà thầu bắt tay câu kết, dàn xếp với các nhà dự thầu khác để mình được trúng thầu. Các nhà thầu sau đó là sử dụng “quân xanh, quân đỏ”, cài yêu cầu kỹ thuật có lợi cho nhà thầu dự định cho trúng thầu ngay trong hồ sơ mời thầu.
Chúng cũng bắt tay câu kết, mua bán “lòng vòng” giữa các công ty để chuyển giá và nâng giá. Từ việc thuê đơn vị thẩm định giá phát hành chứng thư thẩm định giá không đảm bảo tính khách quan, độc lập dẫn đến xây dựng, phê duyệt giá dự toán cao, sau đó các công ty có hành vi mua bán “lòng vòng” qua nhiều công ty nhằm nâng giá chuyển giá. Có sự thông đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn hồ sơ mời thầu trong việc can thiệp hồ sơ mời thầu để tạo điều kiện cho nhà thầu trúng; một số gói thầu nhờ sự tác động của các cá nhân có vị trí để tác động đến chủ đầu tư, nhờ sự can thiệp giới thiệu tạo điều kiện để nhà thầu tham gia được thuận lợi trong quá trình đấu thầu và trúng thầu. Các vụ án AIC, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, sai phạm trong đấu thầu tại Hà Nội là minh chứng rõ nét nhất cho khía cạnh vi phạm này.
Trung tá Hồ Văn Hùng cũng cho biết, liên quan đến chuyên đề thiết bị y tế, Phòng 6 đã phát hiện và đấu tranh thành công Chuyên án xảy ra tại Trung tâm CDC Hà Nội (năm 2020), Bệnh viện TP Thủ Đức (năm 2021). Quá trình đấu tranh các chuyên án, Phòng 6 nhận thấy việc đấu thầu trang thiết bị y tế vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, từ Trung ương đến địa phương. Tình trạng xây dựng hồ sơ mời thầu có tính định hướng, cài thầu cho một hãng cung cấp trúng thầu vẫn tiếp diễn dẫn đến việc các nhà thầu liên tục có văn bản kiến nghị, khiếu kiện gây phức tạp tình hình và làm chậm tiến độ nhiều gói thầu, ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả dự án. Đây là tình trạng đã diễn ra nhiều năm, tuy nhiên việc chứng minh hành vi sai phạm liên quan đến “cài thầu” rất khó khăn, hồ sơ mời thầu nặng về tính chuyên môn, kỹ thuật. Việc kết luận hành vi sai phạm phải tham khảo, phụ thuộc hoàn toàn vào kết luận của các chuyên gia trong lĩnh vực. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đầu ngành lại là thành viên trong Hội đồng khoa học được Chủ đầu tư thành lập để xây dựng hồ sơ mời thầu trong các gói thầu của từng lĩnh vực riêng lẻ.
Đối với những vật tư y tế, năm 2021, Phòng 6 đã phát hiện và đấu tranh thành công Chuyên án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Quá trình đấu tranh chuyên án, Phòng 6 nhận thấy hiện nay nhu cầu sử dụng vật tư y tế (stent, thủy tinh thể, khớp) trong điều trị tại các bệnh viện ngày càng gia tăng, số tiền chi cho việc sử dụng vật tư y tế hàng năm lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng (trong đó có tiền của Bảo hiểm y tế và của người bệnh). Do đó, nếu lĩnh vực trên không được kiểm soát chặt chẽ, các đối tượng sẽ câu kết với nhau để trục lợi gây thất thoát ngân sách nhà nước, chiếm đoạt tài sản của nhân dân.
Hiện nay, tình trạng các công ty cung cấp vật tư y tế có dấu hiệu câu kết với các bệnh viện để nâng giá lên cao nhằm trục lợi tiền của người bệnh và quỹ Bảo hiểm y tế diễn ra phổ biến trên cả nước, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Việc nâng giá các thiết bị, vật tư y tế được lợi nhất chính là doanh nghiệp, công ty đưa trang thiết bị, vật tư trúng thầu vào bệnh viện, nhưng người bị thiệt hại ngoài Nhà nước còn là chính người bệnh, người dân. Khi vụ án sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện, xử lý, dư luận nhân dân, đặc biệt là những người bệnh nghèo vô cùng vui mừng bởi những đồng tiền còm cõi họ tích cóp, bán đất, bán nhà để lo chạy chữa đã không bị những cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai câu kết với nhóm lợi ích bên ngoài bòn rút.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đánh giá, tình trạng xây dựng hồ sơ mời thầu có tính định hướng, cài thầu bằng hồ sơ kỹ thuật vẫn tiếp diễn dẫn đến việc các nhà thầu liên tục có kiến nghị, khiếu kiện, gây phức tạp tình hình và làm chậm tiến độ nhiều gói thầu. Đồng thời, thời gian qua, nhiều đối tượng đã có thủ đoạn tinh vi hơn như nâng giá qua các Công ty Offshore (chủ yếu nằm tại Singapore) để nâng khống giá trị đầu vào của vật tư y tế nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Vấn đề này đang là một trong những thách thức lớn trong việc quản lý, giám sát, phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực đấu thầu (Công an nhân dân, trang 5).