Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/8/2016

  • |
T5g.org.vn - Tới tận giường bệnh nhân cấp thẻ căn cước công dân; “Bệnh lạ” tái phát ở huyện miền núi Sơn Hà…

Tới tận giường bệnh nhân cấp thẻ căn cước công dân

Sáng 17-8, tại bệnh viện đa khoa Hợp Lực Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an Thanh Hóa) đã tổ chức cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) lưu động cho bệnh nhân già yếu đang điều trị tại bệnh viện... Với mục tiêu phuc vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của nhân dân, CBCS Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an  tỉnh đã thường xuyên tổ chức làm thêm ngoài giờ, ngày thứ bảy, chủ nhật để cấp thẻ căn cước cho công dân. Riêng tại bệnh viện đa khoa Hợp Lực, chỉ trong một buổi sang phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã làm thủ tục và hoàn chỉnh hồ sơ cấp thẻ CCCD cho một số bệnh nhân già yếu đang điều trị tại bệnh viện chưa có CMND hoặc CCCD để phục vụ cho việc thanh toán bảo hiểm y tế.

Cụ ông Đoàn Công, 92 tuổi quê ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc là bệnh nhân khoa tim mạch rất cảm động khi được các CBCS phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đến tận giường bệnh lăn tay, chụp ảnh, quét vào máy vi tính để làm thẻ CCCD.

Đây là một trong những việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an Thanh Hóa) nhằm hưởng ứng và thực hiện kế hoạch hành động “Xây dựng hình ảnh người CBCS Công an Thanh Hóa vì nhân dân phục vụ” mà Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát động. (Công an nhân dân (trang 1).

“Bệnh lạ” tái phát ở huyện miền núi Sơn Hà

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận điều trị 2 trường hợp bệnh nhân bị hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (hiện chưa xác định được nguyên nhân nên tạm gọi là “bệnh lạ”) Sáng 18-8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận điều trị 2 trường hợp bệnh nhân bị hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (do ngành Y tế chưa xác định được nguyên nhân nên tạm gọi là “bệnh lạ”), gồm: Ông Đinh Văn Nguyên, 46 tuổi và anh Đinh Văn Hoa, 21 tuổi. 

Đây là 2 cha con, đều sống ở xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Cả 2 nhập viện trong tình trạng đỏ da, bong vảy dày sừng bàn tay và chân, men gan tăng…

Như vậy, sau gần 4 năm tạm lắng, “bệnh lạ” lại tái phát. Ngay trong sáng cùng ngày ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi đã cùng đoàn công tác trực tiếp đến xã Sơn Ba để kiểm tra tình hình thực tế về môi trường, điều kiện sinh hoạt, ăn uống... của người dân, nơi phát hiện “bệnh lạ” tái phát và tiến hành các biện pháp phòng bệnh.

“Đến thời điểm này, chúng tôi phát hiện 5 trường hợp ở huyện miền núi Sơn Hà mắc “bệnh lạ”. Hiện tại, ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực khống chế không cho bệnh lây lan và điều trị cho các bệnh nhân”, ông Đức cho hay. (Công an nhân dân (trang 1), Tuổi trẻ (trang 2), Thanh niên (trang 5), Sức khỏe & Đời sống (trang 4).

 

Quỹ bảo hiểm y tế đang bị lạm dụng

Chỉ 6 tháng đầu năm 2016, quỹ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) đã bội chi gần 2.200 tỷ đồng. Đây là thông tin được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa đưa ra về tình hình hoạt động của BHXH và BHYT. Theo BHXH Việt Nam, một trong các nguyên nhân chính của việc này là do quy định thông tuyến huyện có hiệu lực, người dân được tự do đến KCB ban đầu ngay tại các bệnh viện (BV) tuyến huyện trên địa bàn tỉnh, làm cho mức chi bình quân tại nhiều địa phương tăng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT, gây nên những khoản chi bất hợp lý cũng tác động đến quỹ BHYT, trong khi đây không phải là vô hạn, mà là tiền đóng góp của người dân. Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chỉ riêng việc thay đổi hình thức đóng gói từ ống thủy tinh sang ống nhựa, đã khiến cho chi phí nước cất ở 30 tỉnh, thành phố và BV tuyến Trung ương lên tới gần 51 tỷ đồng trong năm 2014- 2015, tăng khoảng 15 tỷ đồng, tức là đội giá cao gần gấp 2 lần so với giá nước cất ống thủy tinh đang sử dụng phổ biến.

Đây là điều vô lý, bởi cùng dung tích, chất lượng chế phẩm không thay đổi, chỉ thay đổi dạng đóng gói từ thủy tinh sang nhựa, nhưng lại khiến người bệnh phải chi trả thêm khoản phí chênh lệch tới 15 tỷ đồng. Đáng lưu ý là nhà cung cấp nước cất ống nhựa nhập khẩu và sản xuất trong nước lại chỉ do một công ty đấu thầu! Điều này cho thấy sự bất hợp lý trong đấu thầu, cung ứng thuốc, vật tư y tế đang diễn ra.

Nếu tiết kiệm được những chi phí không cần thiết để dành tiền cho những bệnh nhân thật sự cần như các bệnh ung thư, tim mạch, bệnh mãn tính vv… thường phải chi phí nhiều vì thuốc rất đắt thì việc sử dụng quỹ BHYT sẽ hiệu quả và thiết thực hơn.

Chúng ta đều thấy, 15 tỷ đồng tiền chênh lệch chỉ để thay đổi bao bì rõ ràng là không cần thiết. Đặc biệt khi số tiền này có thể dành để điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đặt trên 300 ca stent tim mạch, 3.000 lần chạy thận nhân tạo, để cứu sống hàng nghìn người, hay số tiền trên cũng có thể hỗ trợ được hơn 24.000 tấm thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, những vấn đề khác tác động xấu tới sử dụng quỹ BHYT, ảnh hưởng đến chất lượng KCB cho người dân, cũng được ông Phạm Lương Sơn cho biết: Nhiều cơ sở y tế đã thực hiện dịch vụ kỹ thuật không đúng quy trình chuyên môn, hay người thực hiện không đủ điều kiện để thực hiện, nhằm trục lợi từ quỹ BHYT.

Theo đó, có BV đa khoa tỉnh thực hiện dịch vụ kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt toàn thân nhưng không đủ 60 phút/lần theo đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế. Một số BV đa khoa tỉnh, BV đa khoa tư nhân còn có trường hợp kết quả chụp X-quang, chụp CT-Scanner không phải do bác sĩ đọc và kết luận, mà là do… cử nhân hoặc kỹ thuật viên đọc và kết luận. Không có chuyên môn nghề nghiệp, đủ hiểu kết luận của họ có tác động xấu thế nào với sức khỏe người bệnh, tới chất lượng KCB! Dĩ nhiên, việc này không đúng với quy chế BV của Bộ Y tế.

 Cũng theo BHXH Việt Nam cho biết, nhiều cơ sở y tế còn chỉ định sử dụng quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh khi chỉ định nhiều xét nghiệm lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh cho người bệnh có thẻ BHYT đăng ký tại cơ sở KCB khác, nhằm thu hút người có thẻ BHYT đăng ký KCB nơi khác đến để thu được nhiều lợi nhuận.

Một số cơ sở KCB còn sử dụng những thuốc có hàm lượng không phổ biến, ít cạnh tranh trong đấu thầu nhưng trúng thầu với giá cao hơn nhiều loại có hàm lượng phổ biến; hoặc sử dụng những thuốc không có trong danh mục thuốc của Bộ Y tế, không có trong kết quả thầu ở địa phương. Thậm chí, không tổ chức đấu thầu thuốc theo quy định mà tiếp tục sử dụng kết quả đấu thầu đã hết hạn của năm trước.

Đặc biệt, ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết, trong vấn đề lắp đặt máy móc xã hội hóa, một số cơ sở ký hợp đồng mượn máy của các công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế, nhưng lại có nhiều ràng buộc vô lý như cam kết sử dụng tối thiểu số lượng vật tư y tế, hóa chất.

 Ví như, năm 2014-2015, có BV lắp đặt nhiều máy xét nghiệm do các công ty trúng thầu hóa chất ký hợp đồng cho mượn máy, trong đó một số hợp đồng có điều khoản ràng buộc về số lượng hóa chất tối thiểu BV phải sử dụng trong năm, như cam kết sử dụng 1.500 que thử nước tiểu/tháng/2 máy xét nghiệm nước tiểu 10 thông số; hoặc cam kết sử dụng 400 phản ánh  HBV/tháng (tương ứng 66 triệu đồng) đối với máy xét nghiệm Real-time PCR…

Đó là lý do khiến các BV này rất “chú ý” cho bệnh nhân làm các xét nghiệm. Bởi thế, tổng chi phí các xét nghiệm thực hiện bằng các máy xét nghiệm nêu trên tới hơn 20 tỷ đồng trong một năm. Có BV còn lắp đặt nhiều máy xét nghiệm do ký hợp đồng với các công ty trúng thầu hóa chất lắp đặt, có BV không xây dựng Đề án, hoặc cũng có hợp đồng ràng buộc về số lượng tối thiểu hóa chất mà BV phải sử dụng trong một giai đoạn nhất định.

BHXH Việt Nam cho biết, với tình trạng bội chi quỹ BHYT đang diễn ra, nếu vượt quá 30%, quỹ BHYT sẽ không đủ nguồn để bổ sung. Do đó, minh bạch chi phí đa tuyến khi thực hiện thông tuyến BHYT là vấn đề quan trọng nhất, mới có thể đảm bảo an toàn quỹ BHYT, cũng là đảm bảo quyền lợi của người bệnh. (Công an nhân dân (trang 1), Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (trang 13).

 

Cảnh báo về bệnh ho gà tại Cao Bằng

Ngày 18-8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ ngày 22-7 tới 11-8, tại 3 xóm (Cà Đổng, Cà Mèng và Cà Pẻn A) thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), đã ghi nhận 49 bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng điển hình với bệnh ho gà. Kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, có 4 mẫu dương tính với ho gà trong tổng số 18 mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm. 

Đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm; đồng thời chỉ đạo ngành y tế địa phương triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.  (An ninh Thủ đô (trang 2), Tiền phong (trang 6).

 

Hướng dẫn áp dụng mức giá mới trong khám chữa bệnh

Bộ Y tế vừa có công văn hướng dẫn triển khai thực hiện mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-B YT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) BHYT giữa các bệnh viện (BV)cùng hạng trên toàn quốc.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị: Đối với các đơn vị chưa hoàn thành việc cập nhật mức giá mới vào phần mềm thanh toán chi phí KCB BHYT ngày 12-8-2016 thì sẽ thực hiện áp dụng mức giá mới sau khi đã hoàn thành việc cập nhật giá mới vào phần mềm (không thực hiện hồi tố từ ngày 12-8-2016 đến thời điểm cập nhật giá có tiền lương của BV).

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở KCB có trách nhiệm: Niêm yết công khai, thông báo rộng rãi việc áp dụng giá mới; giải thích để người dân hiểu và đồng thuận…

Đối với người bệnh đang có đợt điều trị ngoại trú hoặc nội trú bắt đầu trước và kết thúc sau ngày thực hiện mức giá mới này thì áp dụng mức giá hiện đang thực hiện cho đến khi người bệnh ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các BV tỉnh, TP trích một phần chênh lệch thu lớn hơn chi vào Quỹ hỗ trợ KCB theo quy định của Chính phủ để hỗ trợ trong trường hợp người bệnh có chi phí điều trị lớn và không có khả năng chi trả.

Đồng thời để giảm gánh nặng chi phí KCB trong trường hợp thiên tai, thảm họa, đề nghị Sở Y tế báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định để thanh toán chi phí KCB cho người bệnh trong các trường hợp này. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

 

HN trực tuyến toàn quốc về công tác cải cách hành chính: Thay đổi tư duy mệnh lệnh hành chính sang tư duy phục vụ

Ngày 17/8, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu quán triệt tinh thần “nói đi đôi với làm” và phải làm hết sức vì nhân dân.

Thủ tướng đánh giá công tác cải cách hành chính thời gian qua đã đạt một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, bộ máy còn cồng kềnh, thể chế còn phức tạp. Bệnh quan liêu chưa giải quyết được. Cán bộ công chức, viên chức đông nhưng chưa mạnh, chưa hết lòng phục vụ nhân dân. Còn có tình trạng xin cho, nhiều trường hợp nhũng nhiễu dân, nhất là những cấp liên quan đến người dân và doanh nghiệp. … (chi tiết xem báo) (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

 

Chất lượng BV: Phải nỗ lực, quyết tâm mới có

Phát biểu tại HN tăng cường quản lý chất lượng BV do BYT phối hợp với Liên Minh Châu Âu (EU) tổ chức trong 2 ngày 18, 19/8/2016, Bộ trưởng BYT Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, những bài học đau xót của ngành xảy ra gần đây cho thấy, những BV đầu ngành có chất lượng chuyên môn rất tốt, nhận được biết bao tin yêu và khen ngợi của người dân nhưng chỉ vì một vài sự cố đã làm ảnh hưởng đến úy tín của ngành. Sự cố y  khoa có thể đến từ bất kỳ hoạt động nào của BV, từ cơ sở vật chất như tường ẩm mốc, nhà vệ sinh cho đến các sự cố về chất lượng lâm sàng… Vì vậy, nếu BV không quản lý được toàn diện chất lượng các dịch vụ, rất có thể những sự cố đó sẽ còn lặp lại… (chi tiết xem báo) (Sức khỏe & Đời sống (trang 2), An ninh Thủ đô (trang 4), Gia đình & Xã hội (trang 2).

 

“Hàng nghìn người bệnh nặng đang ngóng trông vào nguồn tạng hiến”

Chuyên ngành ghép tạng ở Việt Nam những năm gần đây đã có những bước tiến mới. Đặc biệt số người đăng ký hiến tạng, hiến xác đã và đang ngày một nhiều hơn. Trong ngành y đã có nhiều y bác sĩ có tấm thẻ hiến tạng. Mới đây, GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng đã xung phong hiến tạng. Điều này đã rất khích lệ người dân, xã hội có cái nhìn đúng hơn về chuyên ngành ghép tạng. PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức về vấn đề này.

 PV: Ngành ghép tạng ở Việt Nam đã manh nha từ cách đây 20 năm song đến nay vẫn chưa thể bứt phá. Bức tranh toàn cảnh về ghép tạng Việt Nam hiện đang thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Hiện nay ở Việt Nam đã có 15 cơ sở ghép thận, 5 cơ sở ghép gan, 3 cơ sở ghép tim. Cơ sở có thể ghép được cả tim, gan, thận mới có 1-2 cơ sở, trong đó có Bệnh viện Việt Đức. Hiện nay số nhu cầu cần ghép tạng rất lớn song số ca được ghép còn rất ít. Cụ thể từ năm 1992-2016 cả nước mới ghép được hơn 1.700 ca ghép thận (đáp ứng hơn 5% nhu cầu), 15 ca ghép tim, hơn 50 ca ghép gan (đáp ứng 1-2% nhu cầu). Riêng Bệnh viện Việt Đức mới ghép được hơn 300 ca ghép thận, 31 ca ghép gan và 13 ca ghép tim. Con số này quá ít ỏi.

Về trình độ chuyên môn của các chuyên gia Việt Nam có đủ kỹ năng để ghép các bộ phận từ người này sang người khác như các nước trên thế giới. Tuy nhiên về kinh nghiệm xử lý trong từng tình huống vẫn chưa thể bằng các nước. Vì các trung tâm ghép tạng của họ đã ghép tới hàng nghìn trường hợp. Khắc phục tình trạng này các bác sĩ Việt Nam hiện nay đã thường xuyên giao lưu với các chuyên gia trên thế giới. Khi có những trường hợp khó đều có thể trao đổi với các đồng nghiệp trên thế giới để xử lý.

PV: Những người được ghép tạng có thể kéo dài cuộc sống trong bao lâu thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Kết quả ghép của Việt Nam với tỉ lệ sống sau ghép 1 năm và sau 5 năm đều tương đương với kết quả của thế giới. Cụ thể tại Bệnh viện Việt Đức tỉ lệ sống sau ghép thận 1 năm lên tới 100%, tỉ lệ suy thận lại chỉ khoảng 2-3 trường hợp. Với ghép gan, 96% bệnh nhân sau ghép sống 1 năm, sau 5 năm là 80-85%. Hầu hết những người sau khi ghép đã trở về với cuộc sống thường ngày, có thể học tập và làm việc bình thường. Những người đã bị suy gan, suy tim, suy thận giai đoạn cuối nếu được ghép tạng sẽ có cơ hội sống rất cao. Người suy thận giai đoạn cuối có thể lọc thận, nhưng người suy gan, suy tim giai đoạn cuối nếu không được ghép tạng mới thì 100% sẽ chết. Ghép thành công là cứu sống người bệnh.

PV: Có không ít ý kiến cho rằng không nên đầu tư vào các ca ghép vì quá tốn kém. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Quan điểm như thế là không đúng. Ai sinh ra cũng có quyền được chữa bệnh. Ngành y, những người thày thuốc biết bệnh nhân có khả năng cứu chữa bằng phương pháp nào đó cũng phải cứu. Không cứu chữa là có tội. Vì vậy, người thày thuốc cần tư vấn đầy đủ các khả năng xảy ra cho bệnh nhân, nếu không ghép thì thế nào, ghép xong sẽ thế nào, tỉ lệ thành công, thất bại, sức khỏe sau ghép ra sao...Thày thuốc giỏi là tìm mọi khả năng để làm tốt nhất cho bệnh nhân.

Tôi xin nói thêm hiện nay mỗi ca ghép gan ở Việt Nam có chi phí từ 1-1,5 tỷ đồng, ca ghép tim: 1 tỷ đồng, ghép thận: 200-300 triệu đồng...Số tiền này chỉ bằng ¼ so với giá của các nước trên thế giới. Đã có không ít người Việt Nam chấp nhận bỏ số tiền lớn ra nước ngoài ghép tạng, vậy tại sao chúng ta lại không đầu tư cho chuyên ngành ghép tạng để cứu sống bệnh nhân ngay trong nước.

PV: Nguồn tạng cho ở Việt Nam còn rất hiếm, có phải do những quy định quá chặt chẽ không?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Hiện nay nguồn tạng được lấy từ người chết não và người sống hiến tạng. Khi có người chết não thì phải được sự đồng ý của gia đình mới được lấy tạng. Vì vậy rất khó khăn, nhiều gia đình không đồng ý vì cho rằng người chết cần phải toàn thây, rồi tôn giáo, tâm linh. Trong 6 năm qua tại Bệnh viện Việt Đức mới chỉ xin được tạng của 34 người chết não, cả nước mới có 50 trường hợp chết não cho tạng. Trong khi số bệnh nhân chết não có thể lấy tạng khoảng 5.000 ca/năm trong cả nước.

Người sống tình nguyện hiến tạng cũng vậy, phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, trong đó có quy định phải được gia đình người thân đồng ý cho hiến tạng. Điều kiện này đã gây không ít khó khăn và nguồn tạng càng khan hiếm. Trên thế giới người nào có ý muốn hiến tạng khi chết sẽ được cấp thẻ hiến tạng. Nếu không may bị bệnh hay rủi ro vào bệnh viện cấp cứu được chữa chạy nhưng không qua khỏi, bác sĩ có quyền lấy tạng mà không cần phải hỏi ý kiến gia đình.

Chúng ta cần biết rằng, khi người chết chỉ có xương còn tồn tại, các phần mô mềm sẽ tiêu hủy hết ngay, vì vậy nguồn tạng đã bị lãng phí, trong khi hàng nghìn người bệnh có thể sống nhờ nguồn tạng ấy.

PV: Để có thêm nguồn tạng ghép cần có sự thay đổi nhận thức của người dân. Với vai trò chuyên gia đầu ngành về ghép tạng ông có thể đưa ra những lời nhắn nhủ để thuyết phục người dân?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Chúng ta cần hiểu rằng hiến xác, hiến tạng cho khoa học để ghép tạng cứu người mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Người xưa vẫn nói: Cứu 1 người còn hơn xây tòa tháp 7 tầng. Dù có theo tôn giáo nào thì cũng đều hướng thiện, đều có chung một mục đích yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Chẳng may, 1 người mất đi, 1 phần cơ thể của mình có thể mang lại sự sống cho người khác thì đó là hồng phúc lớn, có ý nghĩa cao đẹp.

Để động viên nhiều người hiến tạng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người hiến tạng và hỗ trợ cho các gia đình không may có người thân bị chết não hiến tạng. Như thế vừa giải quyết được khó khăn mà còn ấm lòng lúc hoạn nạn.

Với ngành y tế, với thày thuốc thực hiện việc ghép tạng cần làm việc vô tư, tuân thủ chặt chẽ các quy định. Đây là việc cứu người thì không vì bất cứ lợi ích gì, phục vụ bệnh nhân tận tình, chu đáo. Khi có bệnh nhân nặng vào cấp cứu phải cố gắng cứu chữa để cứu sống họ. Không may chết não không thể cứu được thì cần giải thích cho gia đình, người thân để họ hiểu việc thiện trong hiến tạng. Hy vọng Việt Nam trong thời gian tới nhận thức của mọi người dân trong việc hiến xác, hiến tạng sẽ sớm thay đổi để cùng chung tay với ngành y cứu chữa được nhiều người bệnh hơn nữa.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông! (Sức khỏe & Đời sống (trang 4).

 

12/14 bác sĩ ở BV Cần Thơ rút đơn và tiếp tục làm việc

Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc nhiều bác sĩ nộp đơn xin nghỉ việc ở BV công, trong đó BVĐKTP.  Cần Thơ được biết đến là BV có tới 14 lá đơn. Cần Thơ đã giải quyết vấn đề này ntn? PV  Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với BS. Lê Quang Võ  Giám đốc BVĐK TP. Cần Thơ xung quanh vấn đền này (Chi tiết xem báo) (Sức khỏe & Đời sống (trang 4).

 

Thái Bình: Không có chuyện nhân viên y tế “nghịch” điện thoại trong giờ làm

Những ngày qua, thông tin một người mặc áo blue trắng cầm điện thoại chơi trong giờ làm việc tại khoa Tai Mũi Họng, BV Đại học Y Thái Bình để bệnh nhân ngồi chờ khiến dư luận bức xúc. Sau khi bức ảnh được đưa lên mạng, lãnh đạo bệnh viện đã xác minh và sự thật không đúng như thông tin đã đưa.

Qua tìm hiểu thông tin, được biết người đăng bức ảnh trên trang cá nhân Facebook  là anh Nguyễn Sỹ T., trú tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình và bức ảnh đó được chụp tại khoa Tai Mũi Họng - Bệnh Viện Đại học Y Thái Bình.

Theo anh T., do quá bức xúc khi phải chờ đợi lâu còn bác sĩ thì "nghịch" điện thoại nên mới chụp ảnh đưa lên mạng xã hội Facebook.

Trước sự việc trên, PV đã liên hệ với lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Thái Bình để tìm hiểu thông tin. Được biết, người trong bức ảnh là điều dưỡng Bùi Thị Huệ, kỹ thuật viên hành chính của khoa Tai Mũi Họng.

Trao đổi với PV, PGS – TS Nguyễn Quốc Tiến, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đại học Y Thái Bình cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu người trong hình ảnh làm bản tường trình lại sự việc để xem xét. Yêu cầu khoa báo cáo lại toàn bộ hoạt động trong ngày 12/8. Tối 13/ 8 (thứ bảy) Ban Giám đốc đã triệu tập toàn bộ các phòng chức năng cũng như khoa lên để làm việc, xem xét lại sự việc. Đồng thời, lãnh đạo BV đã cho kiểm tra lại toàn bộ hệ thống camera ghi nhận hình ảnh anh T. đưa con đến khám và quá trình chờ đợi đến lượt.

Bệnh nhân là Nguyễn Trung Đ. (SN 2007) ở phường Phú Khánh, TP Thái Bình được bố là Nguyễn Sỹ T. đưa đến khám bệnh, nhận số thứ tự tại phòng tiếp đón lúc 8giờ 32 phút đến 8 giờ 35 phút hoàn thành thủ tục hành chính để lên khám tại khoa Tai Mũi Họng (thời gian đón tiếp và làm thủ tục gửi người bệnh về phòng khám Tai mũi họng hết khoảng 3 phút.

Bệnh nhân được đưa lên phòng khám của khoa Tai Mũi Họng đặt phiếu khám lúc 8 giờ 36 phút (không phải 8 giờ 15 phút như thông tin mạng xã hội đưa). Sau đó, bệnh nhân được nhân viên y tế gọi vào phòng khám Tai Mũi Họng để khám lúc 9 giờ 11 phút. Cháu bé này khám thứ tự số 17, trước đó khoa đã khám cho 16 người, trong thời gian bố con anh T. ngồi chờ khám bệnh, các bệnh nhân khám Tai Mũi Họng vẫn ra vào phòng khám để khám bệnh”, PGS- TS Nguyễn Quốc Tiến nói.

Nói về bức ảnh được chụp, PGS – TS Nguyễn Quốc Tiến - thông tin, phòng khám Tai Mũi Họng gồm hai phòng có cửa thông phòng, phòng trong để thực hiện khám và nội soi. Bức ảnh đăng trên mạng được chụp ở phòng ngoài (phòng được ngăn đôi bằng kính), ngăn trong là phòng hành chính của khoa Tai Mũi Họng và ngăn ngoài là phòng tiếp đón người bệnh để vào khám. Trong suốt thời gian làm việc cửa ngoài phòng liên tục mở (cửa gỗ) cửa kính (cửa kéo) đóng vì phòng được lắp điều hòa (không phải đóng cửa như trang mạng đã nêu).

Nhân viên y tế có nhiệm vụ tiếp đón người bệnh vẫn ở đúng vị trí, còn người trong bức ảnh là nhân viên làm nhiệm vụ hành chính của khoa Tai Mũi Họng được phân công làm việc trong khoa nội trú.

“Trong bản tường trình cô Huệ cho biết là vào thời điểm đó đang tìm số điện thoại của bác sĩ Trưởng khoa để xin ý kiến cho 2 bệnh nhân xuất viện chứ không phải nghịch điện thoại. Nhân viên tiếp đón bệnh nhân ngồi ở ngăn ngoài của căn phòng, đúng vị trí quy định của bệnh viện nhưng không được ghi hình trên ảnh chụp. Sau đó, bức ảnh được đăng lên khiến người dân hiểu lầm, chứ thực tình không phải như thế”, PGS-TS Nguyễn Quốc Tiến cho biết.

Qua sự việc trên, cho thấy Bệnh viện đã làm đúng quy trình khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành.

"Chúng tôi luôn mong muốn nhận được sự đóng góp, phản hồi về thái độ của nhân viên y tế để qua đó kịp thời chấn chỉnh nhằm nâng cao và hoàn thiện hơn nữa chất lượng phục vụ người bệnh được tốt hơn" - PGS-TS Nguyễn Quốc Tiến nói. (Sức khỏe & Đời sống (trang 4).

 

Bước đột phác trong khám chữa bệnh với BHYT

Giảm một nửa thời gian chờ khám bệnh, giảm thủ tục hành chính khi thanh toán viện phí bằng BHYT, tự giám sát được quyền lợi của mình… là những lợi ích của bệnh nhân khi các bệnh viện triển khai công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh và giám định BHYT (chi tiết xem báo). (Sức khỏe & Đời sống (trang 4).

 

2 suất ăn công nhân tại bếp ăn tập thể ở có giòi bò ra

Ngày 18-8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội xác nhận đơn vị này đã nhận được báo cáo và tiến hành xác minh thông tin bữa ăn tập thể cho công nhân tại công ty Chee Wah – Việt Nam (khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ) có 2 suất cơm có giòi bò ra. Theo đó, ngày 17-8, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc này, Chi cục ATVSTP đã phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ tiến hành kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah-Việt Nam. Bếp ăn tập thể của công ty này do nhà thầu là Công ty cổ phần Cầu Bắc cung cấp (nấu tại chỗ), trung bình 1.600 suất ăn/ngày. Qua kiểm tra xác minh tại bếp ăn của ông ty, ông Trì Khải Mậu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah – Việt Nam và ông Ngô Văn Thích, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cầu Bắc (nhà thầu) báo cáo: ngày 10-8-2016, trong bữa trưa của công ty có món Cá rô phi tẩm bột chiên giòn; cá rô phi lọc được Công ty mua của bà Nguyễn Thị Hà lúc 6h30 ngày 10-8, địa chỉ tại Chương Mỹ (Hà Nội).

Sau khi có phản ánh của công nhân về hiện tượng có giòi trong suất ăn, công ty đã tổng vệ sinh toàn bộ khu vực bếp, nhà ăn và môi trường xung quanh, đồng thời rà soát tìm nguyên nhân. Hiện tại Công ty cùng với nhà thầu cung cấp dịch vụ ăn uống vẫn đang tiếp tục tăng cường kiểm soát thực phẩm đầu vào tránh các sự cố không đảm bảo ATTP.

Đoàn kiểm tra của Chi cục ATVSTP Hà Nội yêu cầu cơ sở này nhanh chóng khắc phục các tồn tại: nền khu vực bếp một số chỗ xuống cấp; trang bị hệ thống phòng chống côn trùng, động vật gây hại đúng quy định; tăng cường công tác vệ sinh dụng cụ ăn uống. Tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định trong hoạt động bếp ăn tập thể. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt nguốc gốc, chất lượng thực phẩm đầu vào, khâu chế biến thực phẩm tại bếp.  (Sức khỏe & Đời sống (trang 6):

 

Cứu sống bệnh nhân bị dao bầu đâm xuyên não

Do mâu thuẫn với bạn cùng phòng, nam thanh niên 25 tuổi đã bị bạn dùng con dao bầu dài khoảng 40 cm đâm xuyên vào não. Bệnh nhân may mắn đã được các thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật "đưa" con dao ra khỏi não, cứu bệnh nhân đã ở lằn ranh nguy kịch tính mạng

Sáng ngày 18/8, các bác sỹ khoa Phẫu thuật Thần kinh 2, Bệnh viện Việt Đức đã cứu sống một nam bệnh nhân bị đâm dao bầu vào đầu, mũi dao xuyên sâu vào não, tính mạng vô cùng nguy kịch

Trước đó, rạng sáng ngày 18/8, bệnh nhân này (25 tuổi, ở Nghệ An, làm công nhân tại Thanh Hóa) được các bác sĩ tuyến dưới của Thanh Hóa chuyển đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng lơ mơ, mất máu nhiều và con dao bầu dài khoảng gần 40cm vẫn cắm trên đầu. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hồi sức cho bệnh nhân và chụp hình ảnh con dao tại vị trí tổn thương. Kết quả cho thấy lưỡi dao cắm sâu vào vùng thái dương bên trái, xuyên hộp sọ, qua não, xuyên qua nền sọ xuống vùng hàm mặt của bệnh nhân.

BS Nguyễn Đức Liên - khoa Phẫu thuật Thần kinh 2, Bệnh viện Việt Đức cho biết, ngay sau đó, bệnh nhân đã được chuyển vào phòng mổ. Do lưỡi dao nằm sát mạch máu lớn của não nên các bác sỹ phải dùng biện pháp mài vùng xương sọ quanh lưỡi dao để rút dao ra mà không làm đứt mạch máu não. Trong quá trình mổ, bệnh nhân bị mất 500 ml máu và phải cắt một số tổ chức não. Ca mổ kéo dài trong vòng 3 tiếng đã lấy được con dao bầu ra khỏi đầu nạn nhân.

Hiện bệnh nhân đang được hồi sức sau mổ, theo dõi các biến chứng có thể xảy ra  như nhiễm trùng, áp xe, rò dịch não tủy, giảm trí nhớ, nói khó, động kinh…

Theo lời người nhà bệnh nhân kể với bác sĩ, tối ngày 17/8, bệnh nhân và một người bạn có nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến việc bệnh nhân bị bạn cầm dao bầu (loại dao chọc tiết lợn) đâm vào đầu. Sau đó, hàng xóm đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để sơ cứu và được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.

Qua trường hợp của bệnh nhân này, các bác sĩ cho biết, may mắn là gia đình bệnh nhân đã không cố gắng để rút con dao ra khỏi đầu bệnh nhân, bởi vị trí con dao đâm vào não ngay sát động mạch não , bởi nếu không sẽ vô cùng nguy  hiểm cho tính mạng của bệnh nhân. Thêm một may mắn nữa là bệnh nhân đã kịp thời được đưa đi sơ cấp cứu nếu không tình trạng mất máu nhiều xảy ra cũng khiến cho bệnh nhân thêm găp nguy hiểm đến tính mạng.

Qua đây các bác sĩ khuyến cáo, đối với bệnh nhân bị thương do dị vật kim loại đâm vào đầu tngười nhà không nên rút dị vật ra bằng mọi cách mà cần giữ nguyên hiện trạng và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu ban đầu.

“Với những tổn thương do dị vật cắm sâu trong não, cần chuyển bệnh nhân lên chuyên khoa phẫu thuật sọ não tuyến trên để rút dị vật và điều trị các biến chứng kèm theo, từ đó, cố gắng cứu bệnh nhân và không làm vêt thương nặng lên, khiến cho việc phẫu thuật gặp khóa khăn”- BS Liên nói. (Sức khỏe & Đời sống, Thanh niên (trang 15), Gia đình & Xã hội (trang 16), Sức khỏe & Đời sống (trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang