Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/9/2016

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện xin rút kinh nghiệm vụ “chở thi thể bằng xe máy”; Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, ngư dân vùng ven biển; Vụ chở người chết bằng xe máy ở Sơn La: Bệnh viện thiều trách nhiệm....

Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, ngư dân vùng ven biển

Trong hai ngày 16 và 17-9, Bệnh viện Quân Y 268 - Cục Hậu cần (Quân khu 4) tổ chức Đoàn cán bộ, y, bác sĩ đến khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn tại hai xã ven biển có nhiều khó khăn do ảnh hưởng sự cố môi trường biển vừa qua là Hải An và Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

Sau sự cố môi trường biển xảy ra tại bốn tỉnh miền Trung vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con tại 2 xã Hải An và Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quanrg Trị). Nhằm góp phần chia sẻ với những khó khăn cũng như góp phần chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho bà con, Bệnh viên Quân Y 268 - Cục Hậu cần (Quân khu 4) cử Đoàn y, bác sĩ mang theo trang thiết bị y tế đến khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con nhân dân.

Tại đây, hơn 300 thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và bà con ngư dân hoàn cảnh khó khăn được đội ngũ y, bác sĩ khám tổng thể, đo huyết áp, siêu âm, điện tim, khám răng hàm mặt, khám sàng lọc các bệnh liên quan tới đường hô hấp và một số bệnh thường gặp của người cao tuổi. Các bác sĩ còn tư vấn cách phòng tránh bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho bà con nhân dân. Tổng kinh phí cho đợt khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí lần này trên 60 triệu đồng.

Dịp này, Bệnh viện Quân Y 268 còn đến thăm hỏi, tặng quà cho 10 gia đình chính sách (mỗi suất một triệu đồng) và tặng hai sổ tiết kiệm cho hai Bà mẹ Việt Nam anh hung (mỗi sổ trị giá hai triệu đồng). Số tiền này do cán bộ, chiến sĩ, đội ngũ y, bác sĩ ủng hộ từ tiền lương và phụ cấp, nhằm kịp thời chia sẻ, động viên tinh thần cho bà con nhân dân giảm bớt nỗi lo về bệnh tật, sớm ổn định cuộc sống. (* Nhân dân (trang 5))

Vụ chở người chết bằng xe máy ở Sơn La: Bệnh viện thiều trách nhiệm

Liên quan hai trường hợp chở người chết bằng xe máy ở Sơn La, tại cuộc họp với ngành Y tế tỉnh ngày 17/9, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã phê bình tập thể lãnh đạo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Sơn La thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, để xảy ra tình trạng người nhà chở thi thể bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm về bằng xe máy.

Ông Minh yêu cầu Sở Y tế, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tiếp tục kiểm tra, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, xử lý theo đúng quy định đồng thời đề nghị sớm tham mưu cho tỉnh bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ y tế cho hộ nghèo, không để tình trạng chở thi thể người bệnh tử vong bằng xe máy từ cơ sở y tế về nhà.

Như đã thông tin, ngày 12/9, anh trai chị Lò Thị Phanh (Bản Ít B, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai) là ông Lò Văn Muôn đã bó chiếu thi thể em gái, buộc đằng sau xe máy chở về nhà.

Trước đó, ngày 8/9, bệnh nhân Lù Văn Sương (bản Nọng Mường, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai) mắc bệnh lao tái phát, tử vong sau khi nhập viện cũng được người thân chở về nhà bằng xe máy.

Trao đổi với báo chí, ông Lương Văn Tuận, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La, nói rằng, sau khi bệnh nhân Sương tử vong, các y bác sĩ đã làm đầy đủ thủ tục, thanh toán chế độ cho bệnh nhân.

“Chúng tôi cũng đề nghị gia đình sử dụng xe ô tô vận chuyển thi thể bệnh nhân về nhà để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng gia đình họ không cần bệnh viện hỗ trợ hay thuê xe ô tô và cũng không có ý kiến gì”, ông Tuận nói.

Còn trường hợp chị Lò Thị Phanh, ông Tuận nói: “Khi bệnh viện làm thủ tục xong thì gia đình chị ấy đã về, ngày 16/9 mới quay lại thanh toán viện phí, chứ không phải bác sĩ không cảm thông, chia sẻ”. (* Tiền phong (trang 4))

Nhiều người nhập viện vì sập “ổ voi” trên tỉnh lộ 743

Khoảng 22h10’ đêm 17-9, nhiều người dân lưu thông trên đường ĐT743 hướng từ ngã tư 550 về vòng xoay An Phú phải hốt hoảng khi đi đến đoạn gần ngã tư Nguyễn Du – ĐT743 (thuộc KP Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương). Họ bị sụp xuống hố sâu và nhiều người phải vào bệnh viện cấp cứu.

Bức xúc trước hiện tượng trên, ngay trong đêm 17-9, sau khi đưa những người bị nạn sập hố tại khu vực này đi cấp cứu xong anh Nguyễn Văn T (28 tuổi, ngụ Bình Dương) đã quay lại dùng nhiều cành cây cùng những chiếc bạt cắm vào khu vực có hố sâu để cảnh báo. Đồng thời, thanh niên này còn đứng dưới mưa hướng dẫn các phương tiện đi vào khu vực an toàn.

“Từ chiều tối đến giờ có ít nhất 8 người bị sập hố té ngã phải vào bệnh viện cấp cứu. Tình trạng này xảy ra lâu rồi mà không thấy chính quyền vào cuộc xử lý. Những hôm buổi tối trời mưa, có khi phải đến hàng chục vụ tai nạn xảy ra. Người dân đi qua không biết chạy tới đâm xuống hố sâu là ngã, có người gãy chân, gãy tay phải đưa đi viện cấp cứu”, anh T bức xúc.

Sáng 18-9, đoạn đường này lộ thiên nhiều hố lõm ngày càng bị khoét sâu, lan rộng.

Người dân cho biết, cách đây gần một tháng, thấy quá nhiều tai nạn nên họ đã bỏ tiền mua đá, cát, xi măng đổ bê tông đoạn đường này. Tuy nhiên, trời mưa cộng với các phương tiện liên tục qua lại, đá được đổ xuống lại bong tróc, miệng hố chỉ đỡ sâu hơn lúc trước nhưng vẫn tiếp tục bị khoét hỏng, tạo thành một vùng trũng trên mặt đường.

Chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng này nên phải mang ghế sofa đặt giữa làn đường qua đoạn này để cảnh báo người tham gia giao thông. Tuy nhiên, tai nạn vẫn thường xuyên rình rập.  (* Công an Nhân dân (trang 4))

Gia tăng nhiều ca sốt xuất huyết tại Bình Định và Khánh Hòa

Ngày 18.9, Sở Y tế Bình Định cho biết đã phát hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) tại xã Cát Tân (H.Phù Cát) và xã Hoài Đức (H.Hoài Nhơn).

Hiện tại, số ca mắc mới SXH tại tỉnh này đang có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm 2016 đến nay, Bình Định đã có 3.373 ca mắc SXH; tập trung ở TP.Quy Nhơn (873 ca), TX.An Nhơn (545 ca), H.Phù Cát (391 ca), H.Phù Mỹ (376 ca), H.Tây Sơn (368 ca)…

 “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại VN” với kế hoạch thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ngăn ngừa sốt xuất huyết (SXH) tại 4 phường của TP.Nha Trang,  gồm: Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và Phước Long. 

Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, cho biết đã cho triển khai các hoạt động xử lý hóa chất, vệ sinh môi trường để dập tắt các ổ dịch và vận động người dân thực hiện các biện pháp loại trừ bọ gậy, phòng bệnh SXH.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận hơn 3.600 ca mắc SXH, trong đó có 2 ca tử vong (đều ở TP.Cam Ranh). Chỉ tính riêng trong tháng 8, toàn tỉnh có 242 ca mắc mới, tăng gần gấp đôi so với tháng 7.

Ngày 5.8, Thủ tướng Chính phủ có công điện khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa, số người mắc SXH có xu hướng tăng nhanh từ cuối tháng 6, tập trung tại Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Diên Khánh. Trung tâm đã yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch, triển khai có hiệu quả các chiến dịch diệt lăng quăng, khuyến cáo người dân trong vùng dịch khi có dấu hiệu bị sốt nên đến bệnh viện để phát hiện, điều trị kịp thời. (* Thanh niên (trang 4))

Đòi hỏi nhà nước để giữ gìn lòng nhân

Hình ảnh “gửi thân vào chiếu lác một manh” (Nguyễn Du - PV) rong ruổi trên yên xe máy gần 100km để về nhà của người phụ nữ Thái ở Sơn La ngay tháng 9-2016 làm dấy lên bao nhiêu dấu hỏi về phận người, tình người trong xã hội.

Tuổi Trẻ trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - người đã và đang tiếp tục chủ biên nhiều công trình nghiên cứu, khảo sát về người nghèo, công nhân nhập cư, những cộng đồng thiểu số trong xã hội để viết, vẽ nên “diện mạo đương đại của con người Việt Nam” - về những dấu hỏi này.

* Cảm giác đầu tiên khi anh nhìn thấy tấm ảnh đó là gì?

- Xót xa về thân phận con người, chính xác hơn là thân phận người nghèo và sự mất mát của xã hội.

Có người cho rằng ở các vùng sâu, vùng xa, đường đi hiểm trở, ôtô không vào được, cảnh chở người chết về bằng xe máy hoặc thậm chí khiêng đòn tay là việc thường xảy ra, nhưng dẫu sao đến hôm nay khi chúng ta đưa ra những khẩu hiệu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, đời sống “văn minh, hạnh phúc” mà vẫn có những cảnh đời thiếu nghèo như trăm năm trước thì đó là điều cả xã hội phải suy nghĩ.

* Đã có cả một sự chấn động đến nhân tâm nhiều người, rất nhiều lời xót xa, cay đắng rồi. Trên góc độ nghiên cứu, anh thấy tâm thế của người nghèo hôm nay thay đổi thế nào?

- Người nghèo trong xã hội VN xưa không phải chứng kiến khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo dữ dội như bây giờ. Như hoàn cảnh hai gia đình đã phải bó chiếu, bó chăn đưa thi thể người thân về nhà ở Sơn La, chắc chắn trên đường đi họ đã bị vượt qua bởi nhiều chiếc ôtô, người chụp lại tấm ảnh đó cũng đang ngồi trên ôtô.

Những người nghèo nhập cư ở đô thị mà chúng tôi nghiên cứu cũng vậy, họ bị gạt ra bên lề cuộc sống hào nhoáng bởi những quy định như cấm xe ba gác, cấm bán hàng rong... Con người bỗng bị đặt ở các cấp độ, chiến tuyến cách biệt nhau. Những trớ trêu như vậy khiến ẩn ức trong người nghèo bị dồn nén. Phản ứng của họ sẽ làm tăng độ phức tạp của xã hội và ví dụ thì chúng ta đã có nhiều rồi.

* Những người nghèo, yếu thế, thiểu số mà anh từng khảo sát đã đối phó như thế nào với những rủi ro gặp phải, họ thường tìm sự hỗ trợ ở đâu?

- Kể cả khi đã nhập cư vào thành phố, nguồn vốn xã hội chủ yếu và mạnh nhất của họ vẫn là các mối quan hệ thân thuộc, họ hàng và đồng hương, tức không khác mấy với khi ở quê hương bản quán. Ở nhiều khu xóm trọ, vai trò tương trợ mạnh nhất lại chính là ông bà chủ nhà trọ.

Tất nhiên, vai trò của các mạng lưới dân sự phi chính thức này là rất quan trọng nhưng lại không vững chắc, nhất là trong hoàn cảnh có những mất mát về cái tình và niềm tin trong cộng đồng mà chúng ta vừa nêu. Lương tâm và tình cảm là đối tượng nên hi vọng và bồi đắp lâu dài, còn đòi hỏi, yêu cầu là điều phải làm với những mạng lưới chính thức của Nhà nước.

* Cụ thể hơn những yêu cầu đó?

- Cấu trúc xã hội phải được xây dựng vững chắc hơn nữa, phân định chức năng, trách nhiệm của các cơ quan công quyền, công vụ, dịch vụ phải rõ ràng, không đùn đẩy việc mình phải làm cho các hình thái xã hội hóa.

Chúng tôi đồng ý là bàn tay của Nhà nước không thể vươn tới hay bao phủ tất cả những ngõ ngách của cuộc sống, nhưng nền tảng tối thiểu về cái ăn cái mặc, môi trường, chăm sóc y tế, giáo dục cho đời sống người dân phải được đảm bảo, và nhất là đảm bảo trước khi nghĩ đến những giá trị tinh thần khác.

Như câu chuyện cụ thể ở Sơn La: nghĩa vụ y tế với người bệnh và cộng đồng nhất định là quan trọng và thiết thực hơn dành tiền làm tượng đài. Nếu lãnh đạo tỉnh này nghĩ như vậy, hẳn là đã dành ra được một khoản để bệnh viện lập quỹ tương trợ bệnh nhân nghèo, các bác sĩ sẽ mạnh dạn đề xuất hơn, ít ra là một chuyến xe cuối cùng cho bệnh nhân khi tiên lượng tình trạng xấu.

* Và những mất mát sẽ được bù đắp lại chứ?

- Tất nhiên. Khi Nhà nước làm đúng và đủ trách nhiệm của mình, người ta biết mình có chỗ dựa và được bảo vệ, niềm tin sẽ được bồi đắp lại, dễ mở miệng và mở lòng với nhau hơn khi cần sự hỗ trợ của cộng đồng.

Hiện nay, cộng đồng chúng ta đang quyên góp xây trường, làm cầu, lo bữa cơm có thịt ở vùng sâu vùng xa, cơm 2.000 đồng cho người nghèo đô thị, rồi tai nạn, thiên tai, những hoàn cảnh ngặt nghèo...

Lòng người có thể vô tận nhưng cũng có thể rất hẹp, bị tận dụng quá nhiều có thể thành chai sạn, vô cảm. Đòi hỏi những định chế của Nhà nước hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ của nó là một cách tiết kiệm và giữ gìn lòng nhân ái, tình cảm cộng đồng trong xã hội, để khi cần thiết 
có thể tuôn chảy như thác lũ. (* Tuổi trẻ (trang 9))

100% mẫu kiễm nghiệm TPCN của công ty Slim không đạt chất lượng

Cục An toàn thực phẩm vừa công bố danh sách 14 mẫu thực phẩm chức năng của công ty TNHH Thương mại Slim HMN Việt Nam không đạt chất lượng. Công bố này được đưa ra dựa trên kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia

Căn cứ các Phiếu kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện đối với 14 mẫu sản phẩm thực phẩm chức năng lấy tại Công ty TNHH Thương mại Slim HMN Việt Nam do Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội gửi mẫu giám định, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vừa thông báo cả 14/14 mẫu không đạt chất lượng

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, giám sát trên địa bàn, trường hợp phát hiện có các sản phẩm vi phạm yêu cầu xử lý theo quy định và báo cáo về Cục An toàn thực phẩm.

Liên quan đến công ty TNHH Thương mại Slim HMN Việt Nam , trước đó, ngày 31/8, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội, Phòng An ninh Kinh tế CA Tp Hà Nôi, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã thu giữ hàng chục nghìn loại thực phẩm chức năng không có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu cùng hàng nghìn kg vỏ hộp, tem nhãn mác và vỏ nhựa không nhãn mác tại tại trụ sở của Công ty Slim HMN Việt Nam và 2 kho hàng hóa tại xã Tam Hiệp, H. Thanh Trì. Tại đây, đoàn liên ngành đã phát hiện 1 xe tải đang xếp hàng hóa chờ chuyển đi tiêu thụ. Bên trong kho có nhiều thùng sản phẩm thành phẩm gồm gần 20 loại sản phẩm là thực phẩm chức năng, trong đó có các nhãn hiệu đang được tiêu thụ phổ biến trên thị trường. Các hộp thực phẩm này đã được đóng gói hoàn chỉnh và dán tem nhập khẩu, ghi sản phẩm chính hãng.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng nghìn nhãn mác sản phẩm, trong đó chủ yếu ghi thông tin sản phẩm có xuất xứ tại các nước: Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… Kiểm tra tại một kho hàng khác của công ty này ở Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn vỏ hộp, bao bì sản phẩm, màng co và dụng cụ dán nhãn, đóng hộp. Trong số các mặt hàng tạm giữ cơ quan chức năng đã lấy 14 mẫu thực phẩm chức năng gửi tới cơ quan chuyên môn để kiểm nghiệm chất lượng.

Ngay sau đó, Chánh văn phòng 389 Quốc gia đã có báo cáo gửi lên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nêu nhận định, đây là vụ việc rất nghiêm trọng, có ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng người tiêu dùng

Phản hồi báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia liên quan đến vụ việc phát hiện 6 điểm kinh doanh thực phẩm chức năng nghi là hàng giả nêu trên, Văn phòng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét nếu có dấu hiệu hình sự thì chuyển Cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.Bộ Tài chính, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia thường xuyên theo dõi tình hình, báo cáo Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình – Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia. (* Sức khỏe& Đời sống (trang 2) )

Bệnh viện xin rút kinh nghiệm vụ “chở thi thể bằng xe máy”

Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La vừa có báo cáo gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế về trường hợp chở thi thể chị Lò Thị P. bằng xe máy từ bệnh viện về nhà.

Giám đốc bệnh viện Lương Văn Tuận khẳng định: "Trong thời gian nằm viện, bệnh nhân được tiếp đón và điều trị theo đúng quy trình chuyên môn. Các chế độ chính sách của người bệnh được đảm bảo".

Bệnh nhân nhập viện từ 29/8 trong tình trạng suy hô hấp do viêm phổi, được điều trị kháng sinh, giãn cơ phế quản, trợ lực. Sau 1 tuần, tình trạng tiến triển tốt lên, ăn ngủ được ít, chỉ còn khó thở nhẹ, không sốt.

Đến rạng sáng 12/9, chị P. lại diễn biến nặng, khó thở, mệt mỏi, được thở oxy, truyền dịch glucose. Sau đó bệnh nhân không có biểu hiện gì bất thường.

Đến 9h cùng ngày, bệnh nhân mệt mỏi, ho ít, tức ngực, chân tay buồn bực đòi gia đình đưa về.

“Khoa đã giải thích và thông báo cho gia đình biết tình trạng bệnh của chị P. để cùng hợp tác trong chuẩn đoán và điểu trị vì đã tạm ổn định nhưng bệnh nhân và gia đình muốn xin về vì không có người chăm sóc”, ông Tuận thông tin.

Đến 10h, anh trai bệnh nhân và 2 người nhà xuống xin cho chị P. về, kèm theo đơn nói rõ không có kiện cáo đối với khoa phòng và bệnh viện.

Bệnh viện đã giải quyết theo nguyện vọng, áp dụng Điều 12: Quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của luật Khám chữa bệnh.

Theo ông Tuận, người nhà bệnh nhân làm đơn xong đưa bệnh nhân về luôn, không kịp làm thủ tục thanh toán theo chế độ hiện hành và khoa Lao – HIV không báo cáo với phòng kế hoạch tổng hợp và ban giám đốc.

“Tại thời điểm xin về, chị P. tỉnh táo, đi lại được”, ông Tuận khẳng định và cho rằng việc xảy ra trên đường sau đó với chị P. là rất đáng tiếc, ngoài phạm vi kiểm soát của bệnh viện.

Ông cho biết, sau sự việc đã yêu cầu cán bộ khoa Lao-HIV hướng dẫn kỹ, giải thích rõ ràng hơn cho bệnh nhân điều trị, đặc biệt các trường hợp bệnh nhân nặng. Những trường hợp nặng xin về phải có kiểm tra, theo dõi và có đề xuất phù hợp với lãnh đạo bệnh viện.

Cùng chủ để Báo Sài Gòn giải phóng trang 11: “Vụ chở xác bệnh nhân về bằng xe máy: Phê bình tập thể lãnh đạo bệnh viện”. (* Nông thôn Ngày nay (trang 5))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang