Bảo đảm an toàn người bệnh
An toàn người bệnh là cung cấp dịch vụ y tế với việc hạn chế rủi ro và nguy hại cho người sử dụng dịch vụ, bảo đảm người bệnh được an toàn trong quá trình chăm sóc, điều trị, không để xảy ra các tổn thương bất ngờ (ngoài diễn tiến bệnh lý). Tuy nhiên, những sự cố y khoa ngoài mong muốn vẫn khó tránh khỏi, do thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc.
Mặc dù trong chăm sóc sức khỏe là không được gây tổn hại cho người bệnh, nhưng mỗi ngày trên thế giới, đang có hàng nghìn người bệnh bị tổn thương do các sự cố có thể phòng ngừa được hoặc bị đặt vào tình trạng có nguy cơ tổn thương trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10 người bệnh thì có một người bị tổn thương khi tiếp nhận dịch vụ khám, chữa bệnh, trong đó có 50% số nguyên nhân là phòng tránh được. Cứ 10 người bệnh thì có tới bốn người bị tổn hại trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị ngoại trú. Hơn một triệu người bệnh chết do tai biến phẫu thuật mỗi năm và trở thành một trong mười nguyên nhân gây chết và tổn thương hàng đầu trên thế giới. Sự cố y khoa và hành nghề y khoa không an toàn gây tổn hại cho hàng triệu người bệnh và tốn kém hàng tỷ USD mỗi năm; chiếm 14,3% chi phí tại bệnh viện để điều trị hậu quả các sự cố. Nhiễm khuẩn bệnh viện ảnh hưởng tới 10% số người bệnh nhập viện; chẩn đoán chậm và không chính xác là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây hại cho người bệnh và ảnh hưởng tới hàng triệu người bệnh. Ðáng chú ý, theo số liệu thông kê, có 134 triệu sự cố y khoa xảy ra tại bệnh viện ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Ðây cũng chính là nguyên nhân gây ra 2,6 triệu ca chết mỗi năm tại các quốc gia này.
PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bệnh viện là nơi các sự cố có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào, từ bất kỳ dịch vụ khám, chữa bệnh nào. Có thể khẳng định rằng, ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình chẩn đoán, chăm sóc điều trị đều có các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Hơn nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý. Vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp là ngoài tầm kiểm soát. Khi sự cố không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, nhất là đối với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả của các sự cố không mong muốn, làm ảnh hưởng sức khỏe, bị khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, thậm chí chết. Trước tình trạng nêu trên, tại Hội nghị cấp cao Bộ trưởng Y tế toàn cầu năm 2016 (tại Vương quốc Anh) đã khởi xướng mục tiêu an toàn người bệnh. Vấn đề an toàn người bệnh đã được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu, đã đệ trình và thông qua Ðại hội đồng Y tế thế giới vào tháng 5-2017, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) và đã chính thức lấy ngày 17- 9 hằng năm là “Ngày An toàn người bệnh thế giới”. Việc phát động Ngày An toàn người bệnh thế giới nhằm nâng cao nhận thức về an toàn người bệnh, với mục tiêu không gây nguy hại cho người bệnh, đồng thời tạo môi trường cởi mở và “không đổ lỗi” để xây dựng văn hóa an toàn người bệnh.
Tại Việt Nam, thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn người bệnh luôn được Bộ Y tế xác định là vấn đề quan trọng và tập trung chỉ đạo quyết liệt, như: Bộ Y tế đã tham mưu cho Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (năm 2009). Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định các điều kiện bảo đảm an toàn về chuyên môn, kỹ thuật trong khám, chữa bệnh; quy định về áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám, chữa bệnh; quy định về sai sót chuyên môn, kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm công tác khám, chữa bệnh. Bộ Y tế xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến các vấn đề, như: thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám, chữa bệnh; thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế... Ðồng thời, thường xuyên chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước về việc thực hiện sáu mục tiêu toàn cầu về an toàn người bệnh: Xác định chính xác người bệnh; bảo đảm giao tiếp hiệu quả; bảo đảm an toàn sử dụng thuốc; bảo đảm phẫu thuật; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; giảm nguy cơ và hậu quả do ngã.
Ðể bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhất là hạn chế các sự cố y khoa, sự cố nhiễm khuẩn bệnh viện, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế; thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo sai sót chuyên môn, sự cố y khoa tại các khoa lâm sàng và toàn bệnh viện, bao gồm báo cáo bắt buộc và tự nguyện; xây dựng quy trình đánh giá sai sót chuyên môn, sự cố y khoa để xác định nguyên nhân gốc, nguyên nhân có tính hệ thống và nguyên nhân chủ quan của nhân viên y tế; xử lý sai sót chuyên môn, sự cố y khoa và có các hành động khắc phục đối với nguyên nhân gốc, nguyên nhân có tính hệ thống và nguyên nhân chủ quan để hạn chế sai sót và phòng ngừa rủi ro kịp thời; bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người bệnh, khách tham quan, nhân viên y tế, nhất là tránh tai nạn, rủi ro, phơi nhiễm nghề nghiệp… Ðó cũng là những hành động thiết thực hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất năm 2019, với thông điệp “Hãy nói ra vì sự an toàn của người bệnh”. (Nhân dân, trang 5)
Quan tâm chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ
Suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi là tình trạng trẻ có chiều cao theo tuổi thấp so với chiều cao chuẩn, là dạng suy dinh dưỡng mạn tính, kéo dài. SDD thấp còi phản ánh quá trình dài chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ không được tốt và phần lớn các trường hợp thấp còi xảy ra trước khi trẻ được ba tuổi. Do vậy, trong giai đoạn này rất cần chế độ dinh dưỡng phù hợp để trẻ tránh nguy cơ bị SDD thấp còi.
Chúng ta thấy có mối liên quan rõ ràng là trẻ bị thấp còi thì khi đến giai đoạn trưởng thành cũng có chiều cao thấp. Hơn nữa, những người bị SDD thấp còi thường có nguy cơ tử vong cao, dễ mắc bệnh hơn so với người bình thường. Trẻ em gái bị SDD thấp còi, lớn lên trở thành người phụ nữ thấp còi, khi sinh nở sẽ khó khăn và nguy cơ đẻ con SDD thấp còi cao hơn. Theo số liệu về tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta là 23,8% và thể nhẹ cân là 13,4%; tỷ lệ trẻ bị SDD thấp còi còn cao và có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng, miền khi vẫn còn một số nơi tỷ lệ này ở mức rất cao hơn 30%.
Từ khi còn trong bào thai đến khi là người trưởng thành, người ta có thể chia thành hai hoặc ba giai đoạn quan trọng về phát triển chiều cao gồm: giai đoạn bào thai, nếu trẻ bị SDD bào thai hoặc sinh non tháng, nhẹ cân, chiều dài thấp thì nguy cơ SDD thấp còi cao; giai đoạn trẻ dưới hai tuổi (chiều dài lúc trẻ hai tuổi bằng một phần hai lúc trưởng thành), vì vậy cách nuôi dưỡng trẻ dưới hai tuổi là hết sức quan trọng. Giai đoạn bào thai và giai đoạn trẻ dưới hai tuổi người ta có thể gộp thành một giai đoạn và gọi là giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ và giai đoạn tuổi tiền dậy thì, dậy thì. Ðây là giai đoạn phát triển chiều cao rất tốt với trẻ gái từ 10 đến 13 tuổi, 13 đến 17 tuổi ở trẻ trai. Sau giai đoạn này, trẻ sẽ khó có thể phát triển chiều cao được nhiều nữa.
Vì vậy, khi trẻ bị SDD thấp còi, thì chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng cần cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng theo lứa tuổi, theo giới tính, trẻ không thể có chiều cao tốt nếu chế độ ăn thiếu năng lượng. Vì vậy, cần ăn đủ các bữa cháo, bột, cơm hằng ngày theo tháng tuổi, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, dầu mỡ trong các bữa ăn. Ưu tiên ăn đủ các thức ăn giàu chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa… ăn thêm đậu, đỗ, vừng, lạc. Chọn các thực phẩm giàu can-xi, sắt, kẽm cũng chính là các thức ăn có nguồn gốc động vật, giàu chất đạm như trứng, sữa, hải thủy sản, thịt… Ðáng chú ý là tăng cường các thức ăn có chứa nhiều kẽm như thịt gà, thịt ếch, hàu… vì thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây chậm phát triển chiều cao của trẻ. Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng và tiếp tục cho bú đến hai tuổi. Nếu mẹ bị thiếu hoặc mất sữa thì phải được bổ sung sữa bột công thức cho trẻ theo tháng tuổi, khi trẻ lớn vẫn tiếp tục duy trì uống sữa và các chế phẩm của sữa hằng ngày, vì sữa là nguồn cung cấp can-xi chính trong bữa ăn của trẻ; nên cho trẻ ăn nhiều tôm, cua, cá là những thực phẩm thông dụng và là nguồn can-xi dồi dào. Ăn nhiều rau xanh, quả chín giúp trẻ phát triển chiều cao vì rau quả cung cấp nhiều vi-ta-min, khoáng chất, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón giúp trẻ hấp thu tốt can-xi và các vi chất như sắt, kẽm… Bên cạnh chế độ ăn, cũng cần bổ sung các vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc như vi-ta-min D, vi-ta-min A, can-xi, kẽm, sắt,… theo hướng dẫn của bác sĩ. Ðiều trị kịp thời các bệnh còi xương, rối loạn tiêu hóa khi trẻ mắc phải. Chế độ luyện tập cũng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao của trẻ, các môn thể thao giúp phát triển chiều cao như bơi, đạp xe, cầu lông, xà đơn - xà kép, tăng cường thời gian hoạt động ngoài trời ở những nơi không gian thoáng, sạch giúp hấp thu vi-ta-min D.
Ở giai đoạn tiếp theo, nhu cầu dinh dưỡng cho lứa tuổi này cũng khá quan trọng. Nhu cầu năng lượng tùy theo giới tính, độ tuổi, nhưng thường từ 1.900 đến 2.300 kcal/ngày đối với nữ và 2.100 đến 2.800 kcal/ngày đối với nam. Ðể đáp ứng được nhu cầu, trẻ cần ăn ba bữa một ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng. Các chất cần cho cơ thể là: đạm (protein) để phát triển về chiều cao và cân nặng, vì chất đạm giúp tạo nên cấu trúc của tế bào, tạo nên các nội tiết tố và đáp ứng khả năng miễn dịch cơ thể. Nguồn protein động vật cung cấp cho bữa ăn từ thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua...; nguồn protein thực vật từ đậu đỗ, vừng, lạc. Chất béo: là nguồn cung cấp năng lượng, giúp hòa tan và hấp thu các loại vi-ta-min (A, E, D, K) tan trong dầu. Sắt: cũng rất quan trọng, nhưng ở nước ta khả năng tiếp cận các nguồn thức ăn động vật có lượng sắt giá trị sinh học cao từ khẩu phần là rất thấp. Vì vậy, ngay giai đoạn đầu vị thành niên (đặc biệt với trẻ gái) cần uống bổ sung viên sắt hoặc viên đa vi chất hằng tuần. Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như thịt bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà... Vi-ta-min A cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong. Vi-ta-min A có nhiều trong thức ăn động vật như gan, trứng, sữa... Can-xi rất cần cho lứa tuổi dậy thì vì tốc độ tăng trưởng chiều cao rất nhanh nhu cầu can-xi nhiều. Can-xi cùng với phốt-pho để duy trì và hình thành bộ xương, răng vững chắc… Do vậy cần cho trẻ thường xuyên sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa hoặc sử dụng các thực phẩm giàu can-xi như tôm, cua, cá và hải sản. Ngoài ra, các vi chất dinh dưỡng khác như vi-ta-min D, vi-ta-min C, kẽm… cũng rất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ, cho nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu chất kẽm (tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu), nhiều vi-ta-min C (các loại rau xanh, quả chín).
Để giúp trẻ phát triển cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành, các bà mẹ không chỉ quan tâm đến cân nặng của trẻ mà còn phải hết sức quan tâm đến chiều cao, vì chiều cao chỉ có hai, ba giai đoạn tối ưu để trẻ phát triển, nếu bỏ qua các giai đoạn này thì không có cơ hội lấy lại được. (Nhân dân, trang 5)
Thêm một trường hợp tử vong do bệnh dại ở Đác Lắc
Chiều 18-9, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Lắc cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân là Y’Zô Ên Adrơng, sinh năm 2014, trú tại buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đác Lắc.
Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân là Y’Zô Ên Adrơng khởi bệnh vào ngày 12-9. Sau khi đi khám và uống thuốc ở phòng mạch tư nhân nhưng bệnh không giảm, ngày 13-9, gia đình đưa cháu vào Bệnh viện đa khoa TP Buôn Ma Thuột điều trị. Đến ngày 15-9, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Đến rạng sáng 16-9, gia đình bệnh nhân xin chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, nhưng bệnh nhân đã tử vong trên đường đi.
Theo người nhà bệnh nhân, cháu bị chó cắn cách ngày khởi bệnh khoảng một tháng, nhưng người nhà không đưa cháu đi tiêm phòng dại. Như vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc đã có bốn trường hợp tử vong do bệnh dại. (Nhân dân, trang 5)
Cấp thẻ căn cước công dân lưu động cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện
Với phương châm “Vì nhân dân phục vụ”, thời gian vừa qua, Công an TP.Sầm Sơn đã liên tục tăng cường lực lượng xuống cơ sở giúp dân làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, nhất là đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, bị ốm đau điều trị dài ngày ở bệnh viện…
Bà Đầu Thị Ngân, ở xã Quảng Hùng, TP. Sầm Sơn cho biết: Chồng tôi là ông Lê Trọng Văn bị tai biến, nằm liệt một nơi và con gái là Lê Thị Nga, bị bệnh tâm thần nên không thể đến cơ quan công an để làm thủ tục cấp thẻ CCCD được. Biết thông tin Công an TP.Sầm Sơn hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn làm thẻ CCCD lưu động nên tôi đã làm đơn đề nghị Công an TP. Sầm Sơn giúp đỡ.
Cũng giống như bà Ngân, bà Nguyễn Thị Thanh, ở xã Quảng Minh, TP. Sầm Sơn cũng có đơn đề nghị Công an TP. Sầm Sơn giúp cho chồng bà được làm thẻ CCCD lưu động. Trong đơn bà viết: Ngày 10/9/2019, chồng tôi là ông Lê Văn Hóa bị tai nạn lao động gãy 5 xương sườn và được gia đình đưa vào điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Do chứng minh nhân dân cũ đã bị thất lạc, gây khó khăn trong việc giao dịch, hoàn thiện giấy tờ, thủ tục nên bà Thanh đã làm đơn đề nghị Công an TP. Sầm Sơn đến làm thẻ CCCD lưu động cho chồng.
goài các trường hợp trên, thời gian qua, Công an TP. Sầm Sơn còn nhận được nhiều đơn đề nghị của công dân khác để được cấp thẻ CCCD tại nhà. Căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu chính đáng của nhân dân, Công an TP. Sầm Sơn đã giao cho Đội Cảnh sát QLHC về TTXH tổ chức làm thêm ngoài giờ đến tận bệnh viện và nhà dân để làm để làm thẻ CCCD lưu động cho nhân dân.
Mặc dù công việc hành chính tại đơn vị khá bận, nhưng tối 16/8, Công an TP. Sầm Sơn đã cử 2 cán bộ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh và xã Quảng Hùng để tiến hành làm thủ tục cấp thẻ CCCD cho ông Hóa, ông Văn và chị Nga. Đại úy Nguyễn Khắc Dương, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP. Sầm Sơn cho biết: Hệ thống máy móc hiện tại được trang bị cũng rất gọn nên có thể dễ dàng mang đi để cấp lưu động. Tuy nhiên, do máy móc được trang bị để phục vụ nhân dân tại trụ sở hành chính nên chúng tôi phải tranh thủ làm ngoài giờ; cố gắng để hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp trên cấp thẻ CCCD cho những trường hợp khó khăn trên.
Sau hơn 2 giờ đồng hồ, CBCS Công an TP. Sầm Sơn đã hoàn thiện thủ tục cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Đầu Thị Ngân xúc động cho biết: Tôi rất cám ơn các anh công an đã không quản khó khăn đến tận gia đình để giúp chồng và con gái tôi làm các thủ tục cấp thẻ CCCD. Từ lâu lắm rồi, chúng tôi cũng muốn đưa ông ấy đi làm nhưng do nhà neo người, ông ấy lại nằm một nơi nên rất khó để đưa ông ấy đến trụ sở công an. Vì bất đắc dĩ nên tôi mới viết đơn để nhờ các anh công an giúp đỡ gia đình tôi, giờ ông nhà tôi đã được làm thẻ CCCD, có thể sử dụng để giải quyết các chế độ chính sách, tôi rất vui. (Công an Nhân dân, trang 3)
Bộ Y tế yêu cầu hạn chế thấp nhất lượng phụ gia có trong thực phẩm
Theo Thông tư mới quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm vừa được Bộ Y tế ban hành, Bộ Y tế yêu cầu phải hạn chế mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm và việc sử dụng phụ gia phải đảm bảo không làm thay đổi bản chất của thực phẩm.
Ngày 16-9, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng Phụ gia thực phẩm. Thông tư này quy định về danh mục phụ gia thực phẩm; sử dụng, quản lý phụ gia thực phẩm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhiên có liên quan; chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 16-10-2019.
Theo Thông tư, Bộ Y tế yêu cầu, nguyên tắc chung trong sử dụng phụ gia thực phẩm phải đảm bảo: phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.
Khoản 2, Điều 7 Thông tư này nhấn mạnh: Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm khi không thể đạt được bằng các cách khác có hiệu quả hơn về kinh tế, công nghệ.
Ngoài ra, so với Thông tư cũ (Thông tư số 27/2012/TT-BYT) ban hành từ năm 2012 thì Thông tư mới cũng siết chặt quy định đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và phối trộn phụ gia thực phẩm.
Trong đó, Bộ Y tế quy định: chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản; việc san chia, đóng gói lại này phải không được gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người… (An ninh Thủ đô, trang 7)
Hai phòng khám tư ở quận Hai Bà Trưng hoạt động không phép
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà vừa có văn bản số 3807/SYT-QLHN gửi UBND quận Hai Bà Trưng về việc quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn.
Theo đó, đầu tháng 9 này, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra đột xuất 2 phòng khám tư nhân trước khi cấp phép trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, gồm: Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt - nha khoa thẩm mỹ Be Dental (số 7, phố Thi Sách); Phòng khám chuyên khoa phụ sản - kế hoạch hóa gia đình (số 185 đường Giải Phóng).
Tại thời điểm kiểm tra, hai phòng khám này đều vi phạm khi khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp giấy phép hoạt động. Sở Y tế đã lập biên bản yêu cầu hai phòng khám ngừng ngay việc khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có được Giấy phép.
Sở Y tế đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng giám sát hai phòng khám trên. Đồng thời rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp phép hoạt động, đặc biệt là các cơ sở đã được thẩm định nhưng chưa được Sở Y tế cấp phép. (An ninh Thủ đô, trang 7)
Bộ Y tế khuyến cáo phòng nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore
Trung tâm bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) xác nhận từ đầu năm đến nay có tổng cộng 81 ca mắc bệnh Whitmore, trong đó có 4 ca tử vong, riêng tháng 8 đã tiếp nhận 12 ca. Hiện chưa có số liệu chính xác về tình hình mắc bệnh Whitmore tại VN, nhưng ghi nhận nhiều trường hợp trong tình trạng rất nặng. Whitmore hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.
Hôm qua 18.9, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động phòng bệnh Whitmore bằng cách hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bẩn, những nơi bị ô nhiễm nặng; sử dụng giày dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Bệnh khó lây truyền từ người sang người, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 40%. (Thanh niên, trang 3)
Đình chỉ hoạt động hàng loạt cơ sở khám, chữa bệnh tại TP.HCM
Ngày 18.9, nguồn tin từ Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết UBND TP đã ban hành nhiều quyết định xử phạt trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và rút phép, đình chỉ nhiều phòng khám.
Đầu tiên là Công ty TNHH đầu tư y tế quốc tế Đông Á (202 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10 bị UBND TP xử phạt với mức “khủng” là 213 triệu đồng. Đây là mức xử phạt khá cao đối với một phòng khám đa khoa trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Công ty này vi phạm 4 hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; không bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị y tế trong quá trình hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Ngoài phạt tiền, công ty này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn 4 tháng rưỡi; buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.
Bị phạt với mức “khủng” thứ 2 là Công ty TNHH phòng khám đa khoa Liên Tâm (67 Liên tỉnh 5, P.5, Q.8), bị UBND TP phạt 177,4 triệu đồng do vi phạm: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; không lập sổ khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; không lập hồ sơ, bệnh án theo quy định của pháp luật; hoạt động có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; không niêm yết giá dịch vụ.
Công ty TNHH She Beauty (327 - 329 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3; vi phạm tại Chi nhánh Công ty TNHH F&S online), bị UBND TP phạt 155 triệu đồng, vì: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Ngoài ra, công ty còn bị đình chỉ hoạt động 9 tháng, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.
Công ty TNHH vẻ đẹp chuyên nghiệp Toàn Cầu (79 Ngô Thời Nhiệm, P.6, Q.3; vi phạm tại Chi nhánh Công ty TNHH vẻ đẹp chuyên nghiệp Toàn Cầu - L4-SH.01 (Shophouse), Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q.Bình Thạnh), bị UBND TP phạt hành vi: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động. Ngoài bị phạt 122 triệu đồng, chi nhánh công ty còn bị đình chỉ hoạt động 9 tháng.
Cơ sở khám bệnh bà Cao Thị Vân (71 - 73 Lý Thường Kiệt, P.7, Q.11) bị UBND TP xử phạt 85 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, cơ sở còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 4 tháng rưỡi.
Cơ sở nha khoa Nguyễn Văn Toàn (67 Trần Đình Xu, P.Cầu Kho, Q.1) bị phạt UBND TP phạt 95 triệu đồng vì hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; cơ sở bị đình chỉ hoạt động 9 tháng.
Cơ sở thẩm mỹ bà Ngô Kiều Khanh (342 - 344 Cao Thắng, P.12, Q.10) bị UBND TP phạt 60 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, đình chỉ hoạt động 9 tháng. (Thanh niên, trang 5)
VN Pharma hưởng lợi từ bán thuốc cho TP.HCM không qua đấu thầu
Liên quan sai phạm của Công ty cổ phần VN Pharma (VN Pharma), Thanh tra Chính phủ đã làm rõ giá trị tiền thuốc trúng thầu của công ty này bán trong các bệnh viện tại TP.HCM và các sai phạm của TP trong việc mua thuốc.
Mua thuốc không qua đấu thầu
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), ngày 22.12.2012, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi UBND TP “về công tác đấu thầu mua thuốc y tế cho ngành y tế TP năm 2013”, đề nghị UBND TP cho phép các cơ sở y tế (CSYT) công lập tự tổ chức đấu thầu mua thuốc theo Thông tư 01/2012 của liên bộ Y tế - Tài chính. Sở Tài chính cũng có công văn đề xuất UBND TP như trên. Ngày 6.2.2013 UBND TP đồng ý, giao Sở Y tế thẩm định kế hoạch mua thuốc của các CSYT công, trình UBND TP xem xét. Tuy nhiên, ngày 15.4, UBND TP cho phép các CSYT mua thuốc bổ sung để sử dụng đến 30.6.2013 bằng cách gia hạn hợp đồng trúng thầu năm 2012.
Đợt mua thuốc từ 1.7 - 30.9.2013, Sở Y tế có công văn báo cáo và đề nghị UBND TP cho phép các đơn vị tiếp tục gia hạn hợp đồng năm 2012 và giao cho các đơn vị tự chủ, đàm phán giá để kịp thời mua thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau, Văn phòng UBND TP có văn bản thông báo UBND TP không chấp nhận đề nghị này. Do không có phương án mua thuốc, một số CSYT phải vay mượn thuốc của các công ty trúng thầu đang cung ứng hoặc ký hợp đồng mua thuốc với giá trị nhỏ. Theo TTCP, việc làm trên là vi phạm điều 11 Thông tư 01/2012, gây nên tình trạng thiếu thuốc tại một số CSYT.
Ngày 4.9.2013, Sở Y tế tiếp tục có văn bản đề nghị UBND TP cho phép các đơn vị tiếp tục mua thuốc sử dụng trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung năm 2013 (để sử dụng cho năm 2014). Được sự đồng ý của UBND TP, Sở Y tế đã hướng dẫn các đơn vị lập kế hoạch mua để trình UBND TP. Ngày 11.10.2013, UBND TP chấp thuận thẩm định của Sở Y tế với giá gói thầu hơn 3.074 tỉ đồng cho 2.064 mặt hàng thuốc, thời hạn thực hiện hợp đồng đến hết tháng 12.2013. Trong số 3.074 tỉ đồng thuốc trúng thầu đợt này, VN Pharma trúng thầu trên 103 tỉ đồng. Trong đợt này, tổng giá trị thực hiện hợp đồng của cả TP là hơn 1.448 tỉ đồng.
Do chưa có kết quả đấu thầu tập trung năm 2013 nên ngày 17.12.2013 Sở Y tế có công văn gửi UBND TP xin phép mua thuốc đầu năm 2014 (từ 1.1 - 31.3.2014). 7 ngày sau, UBND TP có công văn cho phép các CSYT ký phụ lục hợp đồng mua thuốc năm 2013, hợp đồng này áp giá của BV Chợ Rẫy để bổ sung lượng thuốc sử dụng đến hết tháng 3.2014. Từ chỉ đạo trên, Sở Y tế ban hành 41 quyết định (cho 41 CSYT). Các CSYT đã ký phụ lục hợp đồng trên cơ sở Sở Y tế phê duyệt với tổng trị giá trên 822 tỉ đồng, thực hiện hợp đồng đạt trên 456 tỉ đồng. Trong số này, VN Pharma ký 2 hợp đồng nguyên tắc và phụ lục hợp đồng nguyên tắc với 36 CSYT với tổng trị giá trên 13,3 tỉ đồng. Sau đó, VN Pharma ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng bán thuốc cho 36 CSYT với tổng trị giá trên 116 tỉ đồng, giá trị thực hiện hợp đồng từ tháng 10.2013 - 3.2014 là 60,7 tỉ đồng.
Gây thiệt hại cho quỹ BHYT
“Năm 2013 và quý 1/2014 UBND TP không tổ chức đấu thầu để mua thuốc, chỉ đạo các CSYT mua thuốc theo hình thức gia hạn hợp đồng, mua sắm trực tiếp, áp đơn giá trúng thầu thuốc của BV Chợ Rẫy năm trước… là vi phạm quy định tại Thông tư số 01/2012. Việc chỉ đạo mua thuốc theo phương thức mua sắm trực tiếp và áp giá trúng thầu theo giá trúng thầu BV Chợ Rẫy dẫn đến đơn giá thuốc đã mua cao hơn giá thuốc các địa phương lân cận tổ chức đấu thầu mua thuốc theo quy định. Số tiền chênh lệch giá thuốc đã bị cơ quan BHXH từ chối thanh toán 81,8 tỉ đồng. Tại thời điểm TTCP thanh tra đã xử lý được hơn 31 tỉ đồng, số tiền còn lại 50,8 tỉ đồng đang chờ xử lý”, kết luận của TTCP nêu.
Ngoài ra, theo TTCP, UBND TP không cho phép các CSYT tự tổ chức đấu thầu mua thuốc, chỉ đạo CSYT ký phụ lục gia hạn hợp đồng mua thuốc năm 2012 theo Thông tư 10/2007 liên bộ Y tế - Tài chính (hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các CSYT công lập) dẫn đến giá nhóm thuốc generic (thuốc hết hạn bảo hộ được sản xuất theo công thức) mua vào cao hơn bình quân 30% so với giá đấu thầu theo Thông tư số 01/2012, gây thiệt hại cho quỹ khám chữa bệnh và các CSYT.
TTCP yêu cầu UBND TP (và một số địa phương có liên quan trong kết luận thanh tra), các BV tổ chức kiểm điểm đối với những tồn tại, vi phạm trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc tại địa phương. Chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, vi phạm tại địa phương, đơn vị. (Thanh niên, trang 14)
Thiết bị thế hệ mới giúp chẩn đoán sớm ung thư
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) vừa chính thức đưa vào hoạt động cùng lúc các hệ thống máy cắt lớp vi tính 512 lát cắt, máy cộng hưởng từ 3.0 và máy chụp mạch số hóa xóa nền. Đây là các thiết bị thế hệ mới nhất, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, đặc biệt cho phép chẩn đoán sớm các tổn thương về tim mạch, thần kinh, ung thư.
Bác sĩ CKII Vũ Hải Thanh, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết hệ thống máy cắt lớp vi tính 512 lát cắt có thời gian chụp nhanh (chỉ chụp toàn bộ trái tim trong 1 nhịp tim, hoặc nhịp tim trên 70 vẫn chụp tốt) giúp tiết kiệm thời gian, hạn chế tác dụng phụ khi phải sử dụng thuốc cản quang. Ưu điểm này cho phép giảm liều xạ ảnh hưởng đến bệnh nhân và bác sĩ, cho hình ảnh sắc nét để có thể can thiệp chuyên sâu.
Với hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền, hình ảnh sẽ chỉ hiện riêng mạch máu nên bác sĩ dễ dàng chẩn đoán và xử lý tổn thương. Máy tự động đo độ hẹp, chiều dài của mạch và mạch máu được phóng to, chi tiết hơn trong quá trình đặt stent điều trị bệnh lý mạch não, mạch vành. Nhờ đó bác sĩ chọn kích thước stent trong can thiệp mạch phù hợp và vị trí chính xác. Hệ thống máy cắt lớp vi tính 512 lát cắt, máy cộng hưởng từ 3.0 và máy chụp mạch số hóa xóa nền đã tạo ra những đột phá trong chẩn đoán và điều trị. (Thanh niên, trang 15)
Ô nhiễm không khí: Làm gì để hạn chế nhiễm bệnh?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, ô nhiễm môi trường tác động đến nhiều bệnh lý đường hô hấp. Ngoài ra, các bệnh về mắt, dị ứng da, tim mạch cũng tăng vì nguyên nhân này.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, người lớn trung bình thở trên 15 mét khối khí mỗi ngày. Mặc dù các chất ô nhiễm trong không khí thường không nhìn thấy, chúng có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, bao gồm cả phổi, tim và các cơ quan khác, và bào thai đang phát triển.
Các tác động của ô nhiễm không khí trên đường hô hấp phụ thuộc vào loại và sự pha trộn các chất ô nhiễm với nhau, nồng độ trong không khí, thời lượng tiếp xúc, lượng chất gây ô nhiễm được hít vào và lượng chất gây ô nhiễm thâm nhập vào phổi. Các triệu chứng phổi có thể được nhìn thấy ngay sau khi tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao, bao gồm kích ứng đường hô hấp, khó thở và tăng nguy cơ lên cơn suyễn. Khi tiếp xúc với chất gây ô nhiễm không khí trong một thời gian dài có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư, người khỏe mạnh làm việc hoặc tập thể dục ngoài trời cũng rất dễ bị các tác dụng phụ của ô nhiễm không khí, đặc biệt là khi có nồng độ ôzôn mặt đất cao. Các loại bụi có kích thước nhỏ, các chất hóa học hay chất kháng viêm trong bụi có thể phát tán từ phổi vào hệ tuần hoàn, ảnh hưởng đến tim mạch. Việc tiếp xúc với bụi mịn (bụi có đường kính khí động nhỏ hơn 2,5 mm) và bụi phát sinh từ khí thải động cơ có tác hại lớn hơn so với bụi thông thường. Các loại bụi có kích thước nhỏ, các chất hóa học hay chất kháng viêm trong bụi có thể phát tán từ phổi vào hệ tuần hoàn, ảnh hưởng đến tim mạch. Nguyên nhân là không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến khả năng giãn nở và co thắt của các mạnh máu. Dưới tác động của không khí ô nhiễm, của khói thuốc lá, các mạch máu bị giảm kích cỡ, cản trở lưu thông huyết mạch. Không khí ô nhiễm còn làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông ở động mạch - nguyên nhân chính của chứng nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ Cảnh cho hay, mũi là “cửa ngõ” của đường hô hấp, vì thế đây là cơ quan đầu tiên trên cơ thể phản ứng với những thay đổi thất thường của thời tiết hoặc tác nhân từ môi trường. Khi không khí bị ô nhiễm kéo dài và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, những bệnh liên quan đến “cửa ngõ” này rất dễ xuất hiện và khó kiểm soát. Không khí ô nhiễm cũng là tác nhân gây bệnh về da liễu như mụn, dị ứng, viêm da… Đó là nơi chứa nhiều mầm bệnh, tác nhân mang vi khuẩn, virus, nấm mốc vào cơ thể người nếu tiếp xúc lâu dài và tùy theo cơ địa của từng người sẽ có các bệnh lý khác nhau. Bệnh viện Mắt T.Ư từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp viêm nhiễm mắt, giác mạc do khí bụi.
Chăm sóc sức khỏe thế nào?
Trong thời gian ô nhiễm không khí nghiêm trọng, những người có bệnh tim hoặc bệnh phổi nên tránh những bài tập nặng; Những người bị đau ngực, khó thở hoặc ho nên gặp bác sĩ, dùng thuốc giảm triệu chứng nếu đã được cho kê đơn từ trước. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục, người bệnh nên đi khám bác sĩ. Vào mùa đông, tránh đi bộ dọc theo các đường phố đông đúc với rất nhiều khói từ các phương tiện xe cộ. Mùa hè, mức độ ô nhiễm không khí thường cao hơn vào những ngày nắng nóng gay gắt, do đó, cố gắng tránh các hoạt động ngoài trời hoặc chỉ tiến hành vào buổi sáng khi mức độ ô nhiễm thường thấp hơn.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay, để phòng bệnh khi ra đường cần đeo khẩu trang, đeo kính để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi. Tuy nhiên với những hạt bụi nhỏ dưới 5 micromet, khẩu trang thông thường cũng không có tác dụng. (Tiền phong, trang 4)
ĐH Y dược hay ĐH Sức khỏe
Liên quan tới việc bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Trường đại học Y dược TP.HCM chuyển đổi mô hình "trường đại học" sang "đại học", đổi tên thành Đại học Sức khỏe TP.HCM, Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của các chuyên gia.
Trên Tuổi Trẻ ngày 18-9, ông Nguyễn Minh Lợi - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) - cũng cho biết còn nhiều băn khoăn về tên gọi nhưng theo ông, không cần phải thay đổi vì đó là lịch sử, là tiềm thức của nhiều thế hệ.
Không nhất thiết phải đổi tên
Nói về việc nâng tầm Trường ĐH Y dược TP.HCM để nâng uy tín và quy mô, trường này đã làm được nhiều, cả về học thuật và về cống hiến cho cộng đồng. Do vậy, việc đưa nhà trường lên tầm "ĐH" thay cho "trường ĐH" như hiện nay là phù hợp.
ĐH là từ để chỉ ĐH vùng - tính chất vùng là quan trọng - bao gồm nhiều trường ĐH trong đó. Như vậy có thể có các trường con như Trường ĐH Y, Trường ĐH Dược... Nếu chỉ là quy mô thì Trường ĐH Cần Thơ có lẽ là trường ĐH công lập có quy mô lớn nhất nước, nhưng các đời hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ vẫn không nâng cấp thành ĐH Cần Thơ (xin nói thêm Viện ĐH Cần Thơ được thành lập trước năm 1975, là một trong rất ít viện ĐH ở miền Nam. Viện trưởng hồi đó được thủ tướng bổ nhiệm như các ĐH quốc gia hiện giờ).
Dùng tên ĐH Sức khỏe là hạ thấp trường y
Tên gọi ĐH y là thể hiện trường đào tạo cách chữa bệnh khoa học hiện đại. Sinh viên trường y phải là một nhà khoa học "sinh - lý - hóa" của khoa học hiện đại trước khi học vào chữa bệnh. Trong khi đó, dược là một công cụ chữa bệnh của y và là một thành phần kiến thức của y.
Trong chữa bệnh, người quyết định loại thuốc, liều thuốc dùng cho bệnh nhân phải là bác sĩ. Dược sĩ (nhà thuốc) chỉ được bán theo toa bác sĩ hoặc có thể thay loại thuốc có hoạt chất tương đương, không được tự ý ra toa bán thuốc (trừ các loại thuốc thông dụng đã được phép). Nha khoa cũng là một chuyên ngành của y, trong đó sử dụng các kiến thức y học về răng - hàm - mặt.
Ngày trước, khi Pháp lập trường y ở Hà Nội, người dân cứ gọi các sinh viên đó là sinh viên trường thuốc và gọi các bác sĩ là thầy thuốc vậy thôi nhưng rất nể trọng. Bây giờ thấy các phòng khám đề thạc sĩ, bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II... theo tôi là làm hạ thấp vị thế của thầy thuốc xuống một mức.
Nói như vậy để thấy bản thân trường y đã đủ. Nếu "nâng" trường y lên thành ĐH Sức khỏe thì nó sẽ làm loãng ngành y học (và dược học, nha học) vốn là các trường rất chuyên ngành. Việc cần làm bây giờ là phải nâng chất chuyên ngành để đào tạo ra những bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ không chỉ làm công tác chữa bệnh mà còn là những nhà khoa học nghiên cứu hàng đầu về các phương thức chữa bệnh hiện đại.
Nên giữ thương hiệu ĐH Y dược TP.HCM
Theo tôi, cứ để tên là ĐH Y dược TP.HCM, trong đó có các trường thành viên là Trường ĐH Y khoa, Trường ĐH Dược khoa, Trường ĐH Nha khoa… Bản thân hai chữ "y" và "dược" đã bao hàm nghĩa rộng của một lĩnh vực khoa học. Nói tới ngành y, mọi người có thể hiểu ngay ngành này gồm có các ngành lĩnh vực y học: y, điều dưỡng, kỹ thuật y học, xét nghiệm… Còn ngành dược là bào chế thuốc, hóa dược, quản lý dược…
Việc phải giữ lại tên ĐH Y dược TP.HCM vì tên gọi này đã trở thành "thương hiệu" của nhà trường hàng chục năm nay rồi. Nếu đổi tên là rất uổng và không cần thiết, chỉ cần chuyển đổi mô hình "trường ĐH" sang "ĐH" để nhà trường phát triển thuận lợi hơn. Trước đây, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có giai đoạn đổi tên thành Trường ĐH Kỹ thuật TP.HCM - cái tên này không những không hay mà còn lạ lẫm. Sau đó, nhà trường phải trở lại với tên Trường ĐH Bách khoa (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM). Hiện tôi còn thấy tiếc là không còn tên Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM. Đó là thương hiệu một thời của giáo dục ĐH TP.HCM, nay không còn nữa. (Tuổi trẻ, trang 13)
Không cấp phép mới cho bệnh viện có tên “quốc tế”
Sở Y tế TP.Hà Nội hiện không thống kê được trên địa bàn có bao nhiêu phòng khám gắn tên “quốc tế”. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này khẳng định, sắp tới sẽ không cấp phép mới cho những phòng khám có thêm chữ “quốc tế”.
Hà Nội chỉ có 1 bệnh viện đạt chuẩn quốc tế
Như NTNN/Dân Việt đã thông tin trong loạt bài “Ồ ạt bệnh viện quốc tế tự phong”, có hàng loạt các bệnh viện, phòng khám không chỉ lấy tên có chữ “quốc tế” mà còn được quảng cáo là bệnh viện tốt nhất, có chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế; đạt tiêu chuẩn quốc tế hoặc có hợp tác với nhiều đối tác là cơ sở y tế lớn trên thế giới...
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, các bệnh viện này không có vốn đầu tư của nước ngoài; không có liên doanh liên kết với bất kỳ tổ chức y tế nào của nước ngoài; không có bác sỹ nước ngoài và cũng không được bất kỳ tổ chức quốc tế nào chứng nhận dịch vụ khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế…
Theo ông Nguyễn Quang Trung, hiện trên địa bàn Hà Nội có 3.700 phòng khám cả đa khoa, chuyên khoa. Trong số đó, chỉ có 22 phòng khám có bác sỹ nước ngoài và một phòng khám duy nhất có 100% vốn đầu tư của nước ngoài. Được biết, hiện nay, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước, tư nhân và cơ sở khám, chữa bệnh khác (căn cứ Điều 81 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009).
Ngoài ra, Điều 22 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung 2018, quy định, các cơ sở khám, chữa bệnh cho thấy, chỉ có 2 loại hình bệnh viện là đa khoa và chuyên khoa mà không hề có loại hình “bệnh viện quốc tế”. Như vây, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có một văn bản cụ thể nào quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện… của bệnh viện, phòng khám quốc tế.
Trao đổi về vấn đề này với PV NTNN/Dân Việt, ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân (Sở Y tế TP Hà Nội) cho biết, hiện nay chưa có quy định pháp luật nào cấm các bệnh viện, phòng khám đặt tên đơn vị có chữ quốc tế nên việc xử lý là khó.
“Vì chưa có luật nên khi đi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có thể đặt bất kỳ tên nào mà người ta thích, đây là quyền của họ. Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Sở Y tế sẽ cấp phép đăng ký các chuyên khoa của phòng khám” – ông Trung cho biết. Đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, chưa thống kê được ở địa bàn có bao nhiêu phòng khám có gắn tên quốc tế, trên hệ thống cũng không thể tách ra được để thống kê vì không theo một tiêu chuẩn nào.
Ông Trung khẳng định, thẩm quyền của Sở Y tế là cấp phép cho các phòng khám. Đến nay không có một “tiêu chuẩn quốc tế” cụ thể nào cho các phòng khám. “Ở Hà Nội chỉ có 1 bệnh viện có tiêu chuẩn chất lượng quốc tế theo đánh giá của một tổ chức uy tín. Còn tất cả các BV tư, phòng khám hiện nay dù có yếu tố nước ngoài hay không thì họ muốn đặt tên thế nào cũng được vì chưa có quy định về việc đặt tên” – ông Trung nói.
Quy định của Bộ Y tế cũng chỉ nói về việc phòng khám, bệnh viện phải có đủ con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất để hoạt động. Còn hiện cũng chưa đưa ra bất kì tiêu chuẩn quốc tế nào đối với các phòng khám.
Có chữ “quốc tế” sẽ không cấp phép
Về vấn đề phí dịch vụ, theo ông Trung, đối với các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, phí dịch vụ phải được niêm yết công khai, đơn vị nào không công khai sẽ bị xử phạt, nếu thu cao hơn giá niêm yết sẽ phải trả lại cho khách hàng.
Hiện cũng không có quản lý Nhà nước về giá đối với dịch vụ khám chữa bệnh ngoài công lập, tức là không có giá trần. Trước câu hỏi về thực trạng nhiều phòng khám, bệnh viện tư quảng cáo là đơn vị có chất lượng dịch vụ 5 sao hay bệnh viện khách sạn trên địa bàn, ông Trung nhắc lại, do Việt Nam chưa có khái niệm, quy định nào công nhận những điều trên nên các phòng khám tự đặt tên để thu hút khách.
“Sở Y tế Hà Nội chỉ chấm điểm theo 83 tiêu chí của Bộ Y tế để xếp thứ hạng các bệnh viện từ cao xuống thấp. Hết đợt chấm sẽ công khai kết quả lên cổng thông tin điện tử của Sở. Trong 83 tiêu chí không có tiêu chí nào là dịch vụ 5 sao hay bệnh viện khách sạn. Do đó, việc họ quảng cáo như vậy cũng không sai vì chưa có quy định cấm” – vị Trưởng phòng chia sẻ.
Nhưng ông Trung cũng nhấn mạnh, nếu phòng khám, bệnh viện nào quảng cáo là đơn vị đạt tiêu chuẩn quốc tế là không đúng sự thật, vì ở Hà Nội hiện chỉ có một BV đạt tiêu chuẩn do Tổ chức quốc tế JCI (Joint Commission International) đề ra. Các bệnh viện như Thu Cúc, Hồng Ngọc…đều chưa đạt chuẩn này.
Cuối cùng, ông Trung nêu quan điểm, dù chưa có quy định nào về việc đặt tên quốc tế, chất lượng dịch vụ quốc tế cho các bệnh viện, phòng khám nhưng từ thực tiễn hiện tại, Sở Y tế TP. Hà Nội sẽ kiến nghị những cơ sở y tế có gắn mác “quốc tế” cần điều chỉnh lại tên gọi. Ngoài ra sẽ không cấp giấy phép mới cho những phòng khám, bệnh viện tư tự gắn thêm chữ “quốc tế” vào tên để “câu khách”. (Nông thôn ngày nay, trang 5).