Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/9/2023

  • |
T5g.org.vn - Đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống; Bộ Y tế: Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát những gói thầu, dự án có ít nhà thầu tham gia dự thầu

Đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống

Ngày 15/9, Cục Y tế dự phòng cho biết theo thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. 

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt TW cho thấy, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Trung bình 100 ca khám có khoảng 30 ca đau mắt đỏ. Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ.  

TS. BS Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt TW cho biết, nếu như các năm trước, khi mới bước vào năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh phải đến khám, thì năm nay đã có khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Các cháu đau một bên, rồi hai bên, mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.

BS Hoàng Cương cũng lưu ý, mặc dù chưa có những số liệu thống kê liên quan về biến chứng, nhưng thực tế đã ghi nhận có một số ca biến chứng, do đó người dân không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.

Tại TP Hồ Chí Minh, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn chiều 14/9, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết theo ghi nhận của Sở Y tế, số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố tăng cao so với các năm gần đây. Thống kê cho thấy, tổng số ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) tại thành phố ghi nhận trong ngày 13/9 là 3.840 ca, giảm 114 ca so với ngày 12/9 (ca có địa chỉ tại thành phố chiếm 86,9%); trong đó có 2.238 ca trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 253 ca so với ngày 12/9).

5 khuyến cáo cần biết để phòng chống đau mắt đỏ

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

Bộ Y tế: Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát những gói thầu, dự án có ít nhà thầu tham gia dự thầu

Bộ Y tế yêu cầu phải rà soát, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ mời thầu, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh tình trạng đưa ra các yêu cầu, tiêu chí mang tính chất chủ quan, không cạnh tranh; Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, theo dõi những gói thầu, dự án có ít nhà thầu tham gia dự thầu.

Rà soát, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ mời thầu, bảo đảm tính công khai, minh bạch

Bộ Y tế vừa có công văn gửi các đơn vị thuộc và trực thuộc, các chương trình dự án trực thuộc Bộ về việc chấn chỉnh, tăng cường năng lực và hiệu quả công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.

Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận ký ban hành, Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế tiếp tục triển khai đầy đủ, đồng bộ các giải pháp về lựa chọn nhà thầu, cụ thể:

Thứ nhất, khắc phục một số những tồn tại, hạn chế, bất cập mới phát sinh hoặc chưa được giải quyết.

Theo đó, các đơn vị khi nhận hàng hóa nhập khẩu là trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm,... từ nhà thầu phải bảo đảm đúng danh mục, chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất, năm sản xuất, model, serial và có kèm theo tài liệu hợp pháp theo các quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu, hồ sơ mời thầu và theo hợp đồng được ký kết giữa các bên để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu như: giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa (C/Q), Tờ khai Hải quan, phiếu đóng gói (Packing List), hóa đơn chứng từ (Invoice), vận đơn (Bill of Lading), giấy chứng nhận phân tích (COA Certificate Of Analysis)....

Rà soát, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ mời thầu, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh tình trạng đưa ra các yêu cầu, các tiêu chí mang tính chất chủ quan, không bảo đảm tính cạnh tranh dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu đã gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/ND-CP của Chính phủ.

Bộ Y tế nêu rõ, việc thực hiện đấu thầu qua mạng phải bảo đảm đáp ứng cả về số lượng gói thầu và giá trị gói thầu so với lộ trình đấu thầu qua mạng được quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHÐT ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện công tác đấu thầu trong phạm vi phụ trách

Thứ haigiải pháp về tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu

Bộ Y tế nêu rõ, tăng cường đẩy mạnh việc công khai thông tin đầy đủ, chính xác và tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trên hệ thống e-GP.

Tăng cường và đa dạng hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng chính sách pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu (đặc biệt về đấu thầu qua mạng) để nâng cao năng lực, nghiệp vụ, chuẩn hóa chất lượng cán bộ làm công tác đấu thầu, bảo đảm có đủ trình độ, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu, dự án;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi về lựa chọn nhà thầu, đặc biệt với những gói thầu, dự án có ít nhà thầu tham gia dự thầu và có tỷ lệ tiết kiệm thấp; những trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một đơn vi, một chủ đầu tư, một bên mời thầu trong thời gian dài. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật;

Chấn chỉnh công tác lập và gửi báo cáo thường xuyên và báo cáo đột xuất, đặc biệt là báo cáo hàng năm theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn cách thức thực hiện báo cáo trên hệ thống (từ đăng ký tài khoản đến phân quyền thực hiện báo cáo);

Bộ Y tế cho biết đã có nhiều đơn vị chủ động thực hiện tốt việc báo cáo bảo đảm theo đúng yêu cầu về biểu mẫu, về tiến độ và chất lượng, tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị còn phải có nhiều văn bản nhắc nhở về công tác báo cáo. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo đơn vị cần phải quan tâm, rút kinh nghiệm tránh để xảy ra tình trạng chậm nộp hoặc thực hiện báo cáo không đầy đủ, không đúng biểu mẫu, không chính xác số liệu công tác đấu thầu về Bộ Y tế để kịp thời tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc báo cáo gửi cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra;

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04/04/2017 về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sán xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước và Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/ 2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện công tác đấu thầu trong phạm vi phụ trách, đặc biệt người đứng đầu những cơ quan, đơn vị nhiều năm liền có tỷ lệ tiết kiệm đấu thầu thấp, có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp. Nguời đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xử lý tình huống theo các quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, không tham mưu, không đề xuất, đùn đẩy trách nhiệm.

Tập trung triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt tại các dự án quan trọng, trọng điểm, góp phần thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Chủ động, khẩn trương xác định các dự án, gói thầu được áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời thường xuyên, theo dõi, giám sát nội dung hồ sơ mời thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia nhằm phát hiện những gói thầu có biểu hiện thiếu công bằng, thiếu minh bạch, làm cơ sở để kiểm tra, xác minh và xứ lý vi phạm.

Bộ Y tế đề nghị các Vụ, Cục chức năng, Thanh tra Bộ và các đơn vị nghiên cứu, khẩn trương thực hiên nghiêm túc, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn hiện hành về công tác mua sắm, đấu thầu, công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, đề nghị phản ánh kip thời bằng văn bản về Bộ Y tế để xem xét giải quyết. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)

Dịch đau mắt đỏ bùng phát, thuốc điều trị tăng giá 33% vẫn khan hiếm

Số ca bệnh đau mắt đỏ đang tăng đột biến tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là sau khi học sinh tựu trường. Trong khi đó, tình trạng thiếu thuốc, thậm chí là cạn kiệt nguồn thuốc điều trị bệnh đang xảy ra ở nhiều nơi.

Lan nhanh, rộng tại nhiều tỉnh thành

Ghi nhận của Lao Động, tại Khoa Mắt của Bệnh viện Nhi Trung ương, khoảng 1 tháng nay, ngày nào cũng trong tình trạng chật kín bệnh nhi. Đa phần trẻ đến khám vì đau mắt đỏ.

Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Trung bình 100 ca khám có khoảng 30 ca đau mắt đỏ. Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh...

Tại TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố tăng cao so với các năm gần đây. Đơn cử, tổng số ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) tại thành phố ghi nhận trong ngày 13.9 là 3.840 ca, trong đó có 2.238 ca trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 253 ca).

Theo Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 17.9, huyện ghi nhận hơn 4.700 ca bệnh đau mắt đỏ. Đáng lo ngại là học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ chiếm tỉ lệ rất cao, nhất là học sinh Tiểu học và THCS (gần 3.000 ca).

Chị Lê Thị Thu H (phụ huynh học sinh Trường THCS Trần Cao Vân, huyện Núi Thành) cho biết, ngay tuần học đầu tiên con chị đã bị lây đau mắt đỏ từ bạn cùng lớp.

“Tuần trước, giáo viên chủ nhiệm thông báo trong nhóm Zalo phụ huynh cảnh báo dịch mắt đỏ, thì ngay tuần sau đã có hàng loạt em mắc bệnh. Con trai tôi phải xin nghỉ học ở nhà điều trị, để tránh lây lan cho các bạn khác” - chị H cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Minh Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Nam - cho hay, từ giữa tháng 8 đến nay, số bệnh nhân đau mắt đỏ đã tăng lên 35-40%/ngày, thậm chí có ngày lên đến 50% trong đó trẻ em dưới 18 tuổi chiếm khoảng 70%.

Thiếu thuốc trong bệnh viện, cửa hàng thuốc cũng khan hiếm, có nơi “cháy hàng”

Khảo sát của phóng viên Lao Động tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho thấy, thuốc điều trị đau mắt đỏ được người dân hỏi mua khá nhiều, có dấu hiệu tăng giá và khan hiếm trong thời gian gần đây.

Tại hiệu thuốc H.Đ (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), người bán hàng thông tin, hiện nay tại cửa hàng chỉ còn một vài loại thuốc điều trị đau mắt đỏ thông thường, chủ yếu là hàng nội, một số mặt hàng nhập ngoại đã hết.

Nhiều cửa hàng thuốc khác cũng cho thấy, thuốc điều trị đau mắt đỏ đã tăng giá trong thời gian gần đây, có dấu hiệu khan hiếm. Đơn cử, thuốc Oflovid nếu trước kia có giá khoảng 58-60.000 đồng thì nay đã tăng lên 80.000 đồng/lọ.

“Giá nhập vào tăng thì chúng tôi phải bán giá tăng hơn thôi” - chủ cửa hàng thuốc ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội nói. Trong khi đó, thuốc tương tự là Ofloxacin trong nước sản xuất chỉ có giá 12.000 đồng. Một số loại thuốc khác như Pandex có giá 30.000 đồng/lọ, Hexami hay Tobrex được bán với giá dao động từ 45- 50.000 đồng/lọ, nhưng không có hàng để bán.

“Các loại thuốc điều trị đau mắt đỏ đang có dấu hiệu tăng giá, một số loại đã khan hiếm. Do nhiều người mắc bệnh, có gia đình tự mua thuốc về điều trị”- chủ cửa hiệu thuốc ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội chia sẻ.

Tại tỉnh Quảng Nam, tình trạng thiếu thuốc điều trị đau mắt đỏ còn đang diễn ra ngay tại các cơ sở y tế công lập, nhiều loại thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả hiện không còn.

Theo TTYT huyện Bắc Trà My, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện và lây lan nhanh khiến nhu cầu mua thuốc nhỏ mắt để điều trị tăng mạnh, nguồn thuốc nhỏ mắt tại đơn vị đã hết từ nhiều tháng. Nhưng hiện kết quả đấu thầu thuốc cho năm 2023 vẫn chưa có. Các quầy thuốc tây trên địa bàn cũng đang trong tình trạng “cháy hàng” thuốc nhỏ mắt.

“Chúng tôi đã liên hệ đặt hàng với các đầu mối cung cấp nhưng nhận được phản hồi là dịch đau mắt đỏ xuất hiện khắp cả nước, nhu cầu về thuốc này quá lớn, không biết bao giờ mới có hàng” - chủ quầy thuốc tây Quang Hùng tại thị trấn Trà My cho biết.

Tương tự, tại Bệnh viện Mắt Quảng Nam, khi được chẩn đoán đau mắt đỏ do virus, người dân phải tự mua thuốc theo đơn của bác sĩ để điều trị. Thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế tại đơn vị này dành để điều trị đau mắt đỏ cũng không còn.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thu, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt. Bởi nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh hoặc hợp chất Corticoid có thể gây nên tình trạng khô, rát, tổn thương cho mắt, kéo dài thời gian điều trị.

Nếu phát hiện chậm hoặc đưa ra phương án chữa trị không hợp lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, viêm giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài. Vì vậy, không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ. (Lao động, trang 1).

Bổ sung thuốc mới cho người dùng bảo hiểm y tế

Sáng 18.9, Bộ Y tế và Hội Khoa học kinh tế y tế VN tổ chức hội thảo tham vấn xin ý kiến nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đối với một số nhóm thuốc đặc thù.

"Bài toán" quyền lợi và mức đóng phí BHYT

Tại hội thảo, bà Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, cho biết trong năm 2022, Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 105.000 tỉ đồng cho người tham gia BHYT khám chữa bệnh; năm 2023 ước chi trả 110.000 tỉ đồng. Tỷ trọng chi tiền thuốc trong tổng chi BHYT là cao nhất, chiếm khoảng 34%. Năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 94 bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT với số tiền hơn 1 tỉ đồng mỗi người. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất là một bệnh nhi với chi phí chi trả 4,69 tỉ đồng.

Theo bà Trang, cùng với cập nhật các thuốc trong danh mục, chúng ta cũng cần cân đối với mức đóng BHYT. Hiện theo mức lương cơ sở mới, trung bình mệnh giá BHYT xấp xỉ 1 triệu đồng/năm. Trong khi đó, một số quốc gia trong khu vực cao hơn mức đóng của VN từ 2,5 - 4 lần, danh mục hoạt chất BHYT chi trả khoảng 600 - 700 loại. Tại VN, phạm vi quyền lợi của VN hiện cũng khá rộng. Danh mục thuốc BHYT hiện nay có 1.030 hoạt chất. Vì thế, so về mức chung, BHYT của VN cần có các giải pháp cân đối về thu chi, vẫn tối ưu các quyền lợi cho người bệnh.

Bà Trang đánh giá thêm thực tế mức thu phí BHYT của VN chưa cao nhưng quyền lợi chi trả thì nhiều ưu việt. Người bệnh và thầy thuốc bao giờ cũng muốn có các thuốc tốt nhất cho người bệnh nhưng cũng phải bảo đảm cân đối thu chi với nguồn của Quỹ BHYT. "Tới đây, khi sửa luật BHYT, chúng tôi mong muốn giải được bài toán mà ai cũng quan tâm, là cân đối quỹ; đồng thời cũng có những nguồn lực để chi tối đa phạm vi quyền lợi cho người bệnh. Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất liên quan đến nguồn kinh phí chi trả cho người bệnh từ quỹ BHYT, đa dạng hóa các nguồn, kể cả các nguồn xã hội hóa chi trả. Về phạm vi quyền lợi cũng cố gắng mở rộng tối đa, bao gồm thêm cơ hội tiếp cận thuốc điều trị", bà Trang nói.

Về phương thức thanh toán, bà Trang cho rằng chúng ta cũng cố gắng có các phương thức phù hợp, ngoài các chi trả cho dịch vụ y tế như hiện nay còn có các phương thức thanh toán như định suất, theo nhóm chẩn đoán (DRG)... cần được triển khai khả thi hơn trong thực tế.

Thêm thuốc hiếm cho người bệnh ung thư

Theo lãnh đạo Vụ BHYT, hiện nay đã nhiều thuốc mới được phát minh và đăng ký lưu hành tại VN có tính hiệu quả, an toàn và chi phí phù hợp nhưng chưa được cập nhật vào Danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán. Vì vậy, nhằm mục đích rà soát và lựa chọn danh mục thuốc an toàn, hiệu quả và kinh tế, Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập và các tiểu ban tư vấn chuyên môn để rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc ban hành kèm theo Thông tư số 20/2022/TT-BYT.

Về bổ sung thuốc mới điều trị các bệnh hiếm, các bệnh hiểm nghèo chi phí lớn vào danh mục BHYT, bà Trang lưu ý: "Chúng ta có tham khảo thêm những kinh nghiệm từ các quốc gia trong thanh toán một số thuốc hiếm, ung thư, thuốc đặc thù, và có thể thấy một số nước đã có phương thức thanh toán theo dòng ngân sách. Ví dụ, một số loại thuốc ung thư chúng ta khống chế tỷ lệ nhất định, 10 - 15% tổng chi tiền thuốc của Quỹ BHYT. Như thế khi chi hết số tiền này, chúng ta sẽ có những rà soát để làm sao có được những hiệu quả trong chi tiền thuốc cho người tham gia BHYT".

Theo Vụ BHYT, Bộ Y tế đang xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung và có thể có thông tư thay thế Thông tư 20 về danh mục tân dược thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT. Nội dung dự thảo thông tư được kế thừa các tiêu chí tại các văn bản hiện hành. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn đều cần có những rà soát để làm sao có tiêu chí chuẩn khi đưa thuốc vào trong danh mục, và cũng có thuốc phải đưa ra khỏi danh mục.

"Với tất cả các thuốc, các dạng hoạt chất cùng một chỉ định nhưng có dòng thuốc mới thì chúng ta sẽ cần có phương án chi trả phù hợp. Cho nên tiêu chí và nguyên tắc rà soát xây dựng danh mục thuốc BHYT là nội dung quan trọng, cần quan tâm. Việc này đảm bảo cân đối quỹ nhưng cũng là tăng cơ hội tiếp cận thuốc mới", bà Trang cho biết thêm.

Trao đổi bên lề hội thảo, một số ý kiến cho hay nếu ưu tiên cho cân đối quỹ, cơ quan quản lý có thể chỉ nghĩ đến quản chặt, siết kê đơn, do có thể giảm các cơ hội thuốc mới. Nhưng nếu lấy người bệnh làm trung tâm, chúng ta sẽ có các phương thức giải quyết bài toán cho đảm bảo quỹ, tăng nguồn thu cho quỹ, ví dụ như thêm các gói BHYT mở rộng. Trong đó, có các gói tăng mức đóng để được tăng quyền lợi khi chi trả.

"Thay vì hơn 90% dân số đang cơ bản cùng mức đóng BHYT, chúng ta có thể đề xuất thêm các gói "mở rộng, thêm mức đóng" với những người có nhu cầu. Nếu chỉ 5% số người đang đóng BHYT tham gia gói BHYT này thì cũng đã có thêm khoản tiền cho Quỹ BHYT và cũng chính là cách mà người tham gia BHYT thuận lợi trong tiếp cận thuốc, phương pháp điều trị mới. Hoặc chúng ta có thêm các hình thức lập quỹ chi trả cho một số nhóm thuốc, mà nguồn tiền có thể từ ngân sách, xã hội hóa", một chuyên gia nêu ý kiến.

Một đại biểu chia sẻ, bên cạnh góp ý cho danh mục chung, thì một số đặc thù như thuốc hiếm, thuốc cứu mạng, thuốc cho người bệnh giai đoạn cuối, thuốc dạng phối hợp, cũng cần có nguyên tắc, tiêu chí mà chúng ta cần khơi thông. Cập nhật danh mục các thuốc này là thêm cơ hội người bệnh được tiếp cận, thêm cơ hội điều trị, phương pháp điều trị.

Thuốc hiếm không nhất thiết là thuốc mới

TS-BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết qua thực tế điều trị cho thấy thuốc hiếm có thể là thuốc ít nhà sản xuất, thậm chí không sản xuất, không cung cấp vì là dòng thuốc thế hệ cũ, quá rẻ, không lợi nhuận. Ví dụ như, thuốc Nitrofurantoin điều trị rất hiệu quả với ca bệnh viêm tiết niệu do vi khuẩn kháng thuốc thế hệ mới.

"Vừa qua, chúng tôi có ca bệnh viêm tiết niệu kháng thuốc, đi tìm thuốc quá khó", bác sĩ Cấp nói và lấy thêm ví dụ như thuốc Minocycline điều trị hiệu quả cho các ca viêm phổi bệnh viện (bởi vi khuẩn đã kháng các thuốc thế hệ mới) giá thành rất rẻ mà không tìm ra nguồn mua…

Vẫn theo bác sĩ Cấp, các thuốc tiêm thế hệ cũ rất rẻ có loại kháng sinh tiêm chỉ 3.000 đồng/ống thuốc, đợt điều trị cho ca bệnh chỉ hết 50.000 đồng nhưng tìm mua vô cùng khó và các công ty không thấy sản xuất, không cung cấp. Vì nếu họ có lợi nhuận 10%/ống thuốc 3.000 đồng thì lãi được 300 đồng/ống thuốc, mà cả năm chỉ gặp vài bệnh nhân, thì không công ty nào muốn sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, thuốc hiếm không chỉ là thuốc đắt tiền, thuốc mới. Để tránh tình trạng cứ có bệnh nhân thì mới đi tìm thuốc, khi xây dựng danh mục thuốc hiếm, cần chú trọng đến các tình huống trong thực tế điều trị và có cơ chế dự trữ.

"Để đảm bảo tối đa quyền lợi người bệnh, danh mục thuốc BHYT chi trả, trong đó có tiêu chí thuốc hiếm, nhóm thuốc đặc thù nên xây dựng trên cơ sở quy định hiện hành và đặc biệt là ý kiến trực tiếp từ các chuyên gia, các bệnh viện trong và ngoài công lập, để đảm bảo tối đa quyền lợi cho người bệnh", bà Trang cho hay. (Thanh niên, trang 2,3).

Tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu

Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh bạch hầu, cách ly, điều trị kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/7/2020 cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Đồng thời, rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ nghĩ tới bạch hầu ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.

Cùng đó, tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết. Hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng, hội chẩn trước khi chuyển tuyến; triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn.

Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Y tế. (Nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang