Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/6/2022

  • |
T5g.org.vn - Chờ trung tâm mua sắm ngành y tế tại TP.HCM; TPHCM giải “bài toán” đấu thầu thuốc, thiết bị y tế; Bộ Y tế cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 32 vaccine và sinh phẩm…

 

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Đấu thầu ở bệnh viện 'cực kỳ khổ sở'

“Bây giờ phải thay đổi về thể chế, chính sách, còn nếu không thì những sự việc đang xảy ra cho ngành y tế hiện nay sẽ tiếp tục diễn ra, năm sau cũng như vậy”, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM chia sẻ với phóng viên.

Nhìn đâu cũng thấy tội phạm

Theo bà, vấn đề cơ chế tài chính cũng như việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đang có bất cập gì?

Phải nói rằng, chúng tôi cực kỳ khổ sở với cơ chế đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế. Đấu thầu thuốc bao nhiêu năm nói mãi rồi, chúng ta vẫn theo cơ chế càng rẻ càng tốt và năm sau phải rẻ hơn năm trước; thậm chí có những trường hợp đấu thầu rồi, trúng thầu rồi, chọn giá rẻ nhất rồi, nhưng vài tháng sau một địa phương khác trúng thầu với giá thấp hơn lại phải áp theo giá đó.

Bây giờ chúng tôi hỏi câu ngược lại, nếu thị trường biến động giống như giá xăng tăng, giá thuốc tăng, liệu bảo hiểm có thanh toán theo cái tăng đó không? Đây là một cơ chế bất cập và chúng ta nhìn đâu cũng thấy tội phạm. Trong khi đó, đấu thầu thì chúng ta phải thấy mục tiêu cao nhất là để cho người bệnh có thuốc, trang thiết bị với giá hợp lý nhất nhưng phải bảo đảm chất lượng.

Do đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải tương thích với những luật khác, như Luật Đấu thầu, Luật Bảo hiểm y tế… Nhưng chúng ta phải có cơ chế riêng để làm sao có được thuốc và trang thiết bị cho bệnh viện. Bây giờ hãy nhìn xung quanh, xem các bệnh viện tư nhân, họ có vấn đề gì về thuốc, có phải đấu thầu hoặc đấu thầu trang thiết bị không? Đấy là tiền của họ, chuyện rất đơn giản. Các nước trong khu vực và trên thế giới, có nước nào đấu thầu như vậy không?

Vậy giải pháp gì để khắc phục những hạn chế, bất cập này, thưa bà?

Với cơ chế đấu thầu như hiện nay, theo tôi thiệt hại lớn nhất chính là về nhân lực, luôn phải tập trung cho công tác đấu thầu với từng bệnh viện, luôn bận rộn với đủ thứ chi tiết, không thể tập trung phát triển chuyên môn, kỹ thuật. Chưa kể sau đó làm sai sẽ bị hình sự, bị bắt, như thế lại mất đi nguồn nhân lực.

Một vấn đề nữa, nếu thuốc quá rẻ sẽ dẫn đến chất lượng không bảo đảm, làm mất lòng tin của người dân cũng như cán bộ y tế. Tôi biết nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng khi vào bệnh viện, nếu không phải bệnh nan y và giá quá đắt, họ sẽ giấu thẻ bảo hiểm đi để khám chữa bệnh dịch vụ. Chúng ta đừng nên tỉ mẩn chỉ ngồi xem trên danh mục thuốc Generic và cứ cố gắng kéo giá thấp xuống, thực ra tiết kiệm không được bao nhiêu.

Khoản chi lớn nhất mà khi cần thiết vẫn phải chi, đó chính là những thuốc độc quyền. Chúng ta phải có những thương lượng giá như các quốc gia khác đã làm. Anh bán ngoài thị trường khác nhưng bán vào hệ thống bệnh viện với một số lượng lớn và cần cho những bệnh nhân nặng thì phải có giá khác. Theo tôi, điều này hoàn toàn thương lượng được.

Ranh giới mong manh

Bà thấy sao trước tình trạng mất nhiều cán bộ y tế từ Trung ương xuống địa phương, cũng như tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt thời gian qua?

Có một thực tế bây giờ cứ cái gì quản không được thì cấm. Như vậy là không được. Cho nên về cơ chế tài chính, chúng ta phải khẩn trương thay đổi, nếu không sẽ còn phải trả giá và trả giá đầu tiên là mất cán bộ y tế ở tất cả các cấp. Tôi không ủng hộ chuyện tiêu cực. Ai tiêu cực, nhận tiền, vụ lợi thì phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng cũng phải xem chúng ta đã tạo môi trường để cho người ta phát huy y đức được hay chưa? Chưa kể mất cán bộ trong tình trạng khẩn cấp thì sẽ rất đau đớn.

Cũng về nhân lực bệnh viện, như tại TPHCM đang xảy ra tình trạng các nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt. Nguyên nhân đơn giản nhất là do cơ chế đãi ngộ. Học ngành y từ thi đầu vào, cả quá trình học, làm việc đều vất vả, căng thẳng, áp lực hơn rất nhiều so với các ngành khác nhưng đồng lương thì không có gì phân biệt, không có gì khác cả. Ngoài ra, cơ hội để phát triển nghề nghiệp không nhiều.

Do đó, phải quy định trong luật, có cơ chế nào đó để có thể thu hút nhân tài. Các nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt ra hệ thống tư nhân làm việc sẽ tước bỏ quyền tiếp cận bác sĩ giỏi đối với người nghèo. Vô hình chung, những gì chất lượng tốt nhất, cao nhất thì dành cho những người có khả năng chi trả, còn người nghèo, người yếu thế, người chỉ có bảo hiểm y tế sẽ hưởng những sản phẩm hạng 2. Điều đó không thể chấp nhận được trong thể chế của chúng ta.

Chúng tôi rất mong những chỉ đạo phải được thể hiện bằng tấm lòng. Càng chậm ngày nào, hệ thống y tế càng bị bào mòn đi và chính người dân phải trả giá, điều đó sẽ rất đáng tiếc.

 “Bệnh viện muốn có thương hiệu thì bác sĩ phải giỏi, nhưng bác sĩ giỏi cũng phải dựa trên trang thiết bị hiện đại và thuốc đàng hoàng mới làm được. Tất cả những cái đó không mua được bằng khẩu hiệu, không mua được bằng những mệnh lệnh hành chính mà chúng ta phải tạo môi trường pháp lý. Các nước làm sao thì mình cứ làm giống như vậy”. ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan

Trở lại với vấn đề đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế hiện nay, với những cán bộ dám nghĩ, dám làm, phải chăng ranh giới giữa vượt rào và làm sai rất mong manh?

Ranh giới cực kỳ mong manh. Không chỉ riêng trong ngành y, ngành nào cũng thế, vẫn có quân xanh, quân đỏ, vẫn có thông thầu… Tốt nhất là chúng ta không nên máy móc áp dụng đấu thầu mà phải xem mục tiêu cuối cùng là gì và so sánh giữa các giải pháp, cái nào tiết kiệm nhất, cái nào tốt nhất cho dân thì làm.

Điều quan trọng làm sao để cho các cán bộ y tế yên tâm công tác được và sau đó bớt đi những phiền hà, mập mờ, tư túi, có muốn cũng không thể tham nhũng được. Bởi một khi người ta đã có ý vi phạm thì sẽ có trăm phương nghìn kế để bắt tay lẫn nhau. Cho nên bây giờ chúng ta phải tính toán lại, với các thuốc Generic, có thể theo định suất mỗi bệnh viện như tôi vừa đề cập.

Nhiều người đang chọn cách an toàn nhất là không làm gì, trong khi người bệnh đang cần thuốc chữa trị. Theo bà, bây giờ cần những biện pháp mang tính đột phá nào để giải tỏa, tháo gỡ khó khăn vướng mắc này?

Theo tôi, phải đột phá từ trên xuống dưới. Bây giờ phải thay đổi về thể chế, chính sách, còn nếu không thì những sự việc đang xảy ra cho ngành y tế hiện nay sẽ tiếp tục diễn ra, năm sau cũng như vậy. Những vấn đề này tôi đã góp ý từ những khóa trước và cũng đã nói rất nhiều rồi. Những ngành khác có thể chưa thấy nhưng với ngành này sẽ phải trả giá ngay. Hãy nhìn vào sức khỏe người dân và nếu như chúng ta có người nhà hay bản thân mình vào bệnh viện bây giờ, từ những vật tư y tế đơn giản nhất cũng phải tự đi mua, còn ra thể thống gì nữa?

Các bác sỹ, nhân viên y tế đủ trình độ để mua, để điều hành các hoạt động của bệnh viện cho đàng hoàng, nhưng bây giờ người ta sợ. Khi luật chưa rõ ràng thì không tránh khỏi vi phạm, đôi khi oan uổng. Nhưng oan hay không thì trước mắt chúng ta đã mất đi một cán bộ y tế, mà để đào tạo lại rất tốn thời gian, công sức, tiền bạc còn người dân phải trả giá và không phải ai cũng có điều kiện để ra bệnh viện tư nhân, ra nước ngoài chữa trị.

Trân trọng cảm ơn bà ! (Tiền phong, trang 1).

 

TPHCM giải “bài toán” đấu thầu thuốc, thiết bị y tế

Ngày 19/6, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở Y tế đã có đề án thành lập Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế thành phố gửi đến các sở, ban ngành có liên quan và trình UBND TPHCM phê duyệt. Dự kiến, đề án Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế TPHCM sẽ được UBND thành phố xem xét phê duyệt trong tháng 7/2022 sau khi được Sở Nội vụ thẩm định.

Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế sẽ hình thành bộ khung cán bộ chuyên trách từ các cán bộ y tế có nhiều kinh nghiệm trong công tác mua sắm, quản lý thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế của các đơn vị trực thuộc bao gồm các trưởng, phó khoa dược; trưởng, phó phòng vật tư trang thiết bị của các bệnh viện. Ngành y tế sẽ huy động nhân viên y tế có chuyên môn nghiệp vụ về mua sắm và cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị từ các bệnh viện theo hình thức biệt phái.

Bên cạnh đó lực lượng chuyên gia thuộc các lĩnh vực y, dược, pháp chế sẽ được huy động tham gia các hội đồng chuyên môn giúp xác định danh mục, tính năng kỹ thuật hàng hóa cần đấu thầu tập trung. Hội đồng chuyên môn sẽ hoạt động theo cơ chế khoa học, dân chủ, minh bạch, công khai.

Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và hạn chế thấp nhất các lỗi có thể xảy ra trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu. (Tiền phong, trang 3).

 

Biến thể phụ BA.5 có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam

Bộ Y tế cho biết, biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 thời gian tới.

Ngày 13/6, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây. Trong đó tại Bồ Đào Nha biến thể phụ BA.5 đã chiếm ưu thế trong số các ca mắc.

ECDC cảnh báo 2 dòng biến thể phụ này có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới. Các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm (ILI/ARI, SARI), nhất là những chỉ số nhập viện, nặng, tử vong, đặc biệt là đối với người từ 65 tuổi trở lên.

Tại Việt Nam, số mắc COVID-19 trong thời gian qua có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay, số mắc mới mỗi ngày hiện còn khoảng 600 - 700 ca mỗi ngày (thấp nhất gần 12 tháng qua), nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố.

Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.

Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới.

Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Bộ Y tế nhấn mạnh tiếp tục coi vắc xin là “vũ khí chiến lược”, là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19, do đó đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý 2-2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ phân bổ vắc xin tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý 2-2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kì nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, các trường hợp tử vong do COVID-19 có khoảng 80% không tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc không tiêm đủ mũi, phần lớn các ca tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền... Trong khi tiến độ tiêm vắc xin tại nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, dù đất nước ta đã ở trạng thái bình thường mới nhưng không thể lơ là vì miễn dịch sẽ giảm theo thời gian, do vậy cần tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm chủng các mũi tiếp theo.

Hiện nay, số vắc xin Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng và đủ để sử dụng tiêm 2 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6/2022. (Tiền phong, trang 2).

 

Nhiễm độc vì muối dưa cà trong bình nhựa

Mùa hè, nhiều bà nội trợ có thói quen dùng bình nhựa lớn để muối dưa cà hoặc ngâm ủ lên men mơ, sấu, dâu, mận lâu ngày để dùng dần làm đồ uống giải nhiệt. Tuy nhiên, các chuyên gia về công nghệ thực phẩm khuyến cáo, không nên muối dưa cà, hành, kiệu, kim chi và ngâm ủ mơ, sấu... đựng trong các bình nhựa vì tạo ra các độc tố, gây hại cho sức khỏe con người.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 34 sản phẩm nhựa hằng ngày được làm từ 8 loại nhựa để xem mức độ độc phổ biến. 74% sản phẩm được thử nghiệm là độc theo một cách nào đó; các độc tính có mặt ở gần như hầu hết các loại nhựa. Còn theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hải Nam, Trưởng bộ môn Hóa dược (Trường Đại học Dược Hà Nội), trong quá trình sản xuất đồ nhựa, người ta hay dùng chất melamine và nhiều phụ gia khác như chất tạo màu, làm dẻo.

Chúng có thể an toàn nếu chỉ chứa nước hoặc đựng đồ theo đúng chức năng. Việc các bà nội trợ ngâm ủ nước mơ, nước dâu, nước sấu, nước táo mèo hoặc muối dưa cà có nhiều muối mặn, chất chua, a xít đựng lâu trong các bình nhựa sẽ tạo ra phản ứng với các hợp chất hóa dẻo của nhựa, tạo thành chất độc, thôi nhiễm vào thực phẩm khiến người dùng nhiễm độc. Tuy nhiên, vì hàm lượng chất độc sinh ra rất thấp, nên người ăn phải dưa, cà, uống nước mơ, sấu, mận không bị ngộ độc cấp tính nên chưa thấy ngay được tác động, nhưng khi sử dụng trong thời gian dài thì chất độc sẽ tích lũy dần trong cơ thể và sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Do vậy, để bảo đảm an toàn sức khỏe, chúng ta không nên sử dụng lọ, bình nhựa đựng, muối dưa, cà và ngâm ủ lên men quả mơ, mận, sấu làm đồ uống. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Hà Nội tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, khi số ca mắc liên tục tăng cao. Còn tại Hà Nội, dù dịch sốt xuất huyết đang được kiểm soát, song với diễn biến thời tiết mưa nhiều như hiện nay và năm nay rơi vào chu kỳ dịch, nên nguy cơ số ca mắc sẽ gia tăng trong thời gian tới. Hiện các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã tăng cường cho công tác điều trị, tránh lặp lại chu kỳ dịch 5 năm.

Những sai lầm khiến bệnh trở nặng

Tính đến ngày 17-6, cả nước ghi nhận hơn 60.000 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 36 ca tử vong, chủ yếu ở khu vực phía Nam. Hiện số mắc mới sốt xuất huyết đang tăng mạnh, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Trung bình mỗi tuần có thêm khoảng 6.000-8.000 ca mắc mới.

Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết chưa nhiều. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 93 ca (giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái). Song, không chủ quan với dịch sốt xuất huyết có thể quay trở lại theo chu kỳ, các bệnh viện đã chuẩn bị giường bệnh, cơ số thuốc, nhân lực… sẵn sàng cấp cứu người bệnh.

Bệnh nhân P.K.N (9 tuổi, ở phường Đồng Mai, quận Hà Đông) sốt cao và được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và áp dụng phác đồ điều trị kịp thời... Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, vào thời điểm hiện nay, các bệnh nhân khi có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, ăn uống kém, kèm theo nôn nhiều cần đến bệnh viện sớm, tránh biến chứng, có thể dẫn đến tử vong.

Tương tự, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh đã tiếp nhận 17 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 5 người phải nhập viện điều trị nội trú. Do được điều trị kịp thời nên chưa có trường hợp nào nặng và xuất hiện các biến chứng. Bác sĩ Chu Đình Năng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Anh thông tin, hiện việc điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết chưa gặp nhiều khó khăn. Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Do đó, quan trọng nhất là bệnh nhân được chẩn đoán chính xác và theo dõi sát diễn tiến của bệnh để có những chỉ định, can thiệp kịp thời.

Đề cập đến những sai lầm thường gặp, khiến bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng hoặc thậm chí tử vong, bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) lưu ý, sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Dù mức độ nhẹ có thể được điều trị tại nhà, nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được theo dõi, tránh bệnh tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng. Hơn nữa, nhiều người cho rằng, bệnh nhân sốt xuất huyết hết sốt là khỏi bệnh. Thế nhưng, sau 2-7 ngày mắc bệnh, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn, song đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ: Xuất huyết dưới da, chảy máu cam… Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh, có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Đây là giai đoạn bệnh nhân cần được bác sĩ theo dõi sát sao.

Đáp ứng đầy đủ thuốc, vật tư điều trị cho bệnh nhân

Theo các chuyên gia, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết ngày càng có sức sống dai dẳng hơn, thậm chí có những con muỗi đã kháng thuốc. Chính vì vậy, có những nơi, dù đã phun thuốc diệt muỗi vẫn bị sốt xuất huyết.

Để phòng ngừa sốt xuất huyết, theo Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, ký sinh trùng trung ương, nguyên tắc đầu tiên là phải diệt hết lăng quăng, không để các chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước… Ngoài ra, đặc điểm của muỗi sốt xuất huyết chỉ hoạt động vào ban ngày, do đó hạn chế mở cửa lúc sáng sớm. Khoảng thời gian nhập nhoạng tối, muỗi có thói quen bay vào nhà để tìm nơi trú ngụ, nên cũng hạn chế mở cửa thời điểm này.

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022, với chủ đề “Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết” diễn ra ngày 15-6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết của người dân, cần kiên quyết xử phạt những cá nhân, tập thể không hợp tác, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội theo dõi chặt chẽ tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn về kiểm tra, giám sát, phát hiện nhanh và xử lý kịp thời đối với ổ dịch, ca bệnh. Riêng tại các cơ sở y tế phải bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, dịch truyền phục vụ công tác thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. (Hà Nội mới, trang 5).

 

4 điều cần biết về tiêm nhắc vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi

Bộ Y tế vừa có Công văn số 3181/BYT-DP (Công văn 3181) gửi các sở y tế về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại (mũi 3) cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Theo Bộ Y tế, đến ngày 19.6 có hơn 225,6 triệu liều vắc xin Covid-19 đã tiêm trên cả nước; trong đó tỷ lệ bao phủ mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi lần lượt đạt xấp xỉ 100% và 97%.

Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành; các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur triển khai tiêm liều nhắc lại (mũi 3) vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản.

4 điều cần biết là: 1/ Vắc xin sử dụng để tiêm mũi 3 cho nhóm trẻ trên là vắc xin của hãng Pfizer đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này. 2/ Liều lượng tiêm là 0,3 ml (tương tự liều cơ bản của người từ 12 tuổi trở lên). 3/ Khoảng cách ít nhất 5 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. 4/ Riêng với người đã mắc Covid-19 thì trì hoãn 3 tháng sau khi mắc bệnh và đảm bảo khoảng cách với mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 5 tháng.

Bộ Y tế đề nghị các sở y tế đề xuất nhu cầu vắc xin tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi gửi các viện Vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur theo phân vùng quản lý trước ngày 20.6, làm cơ sở phân bổ. Bộ cũng chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cấp phát đầy đủ, kịp thời vắc xin cho các đơn vị, địa phương để triển khai tiêm chủng. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục khẩn trương triển khai tiêm vắc xin mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo hoàn thành trong quý 2/2022, đồng thời hoàn thành việc tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng trong quý 2/2022. (Thanh niên, trang 16).

 

Tàu bệnh viện USNS Mercy của Hải quân Hoa Kỳ đến Phú Yên

Tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH19) thuộc Bộ Tư lệnh hải vận quân sự Hoa Kỳ đã cập cảng Vũng Rô, Phú Yên, Việt Nam, đánh dấu điểm dừng chân đầu tiên trong khuôn khổ chương trình đối tác Thái Bình Dương 2022 (PP22).

Ngày 19.6, thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH19) thuộc Bộ Tư lệnh hải vận quân sự Hoa Kỳ đã cập cảng Vũng Rô, Phú Yên, Việt Nam, đánh dấu điểm dừng chân đầu tiên trong khuôn khổ chương trình đối tác Thái Bình Dương 2022 (PP22).

Đây là năm hoạt động thứ 17 của Chương trình đối tác Thái Bình Dương, một hoạt động nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó thảm họa và viện trợ nhân đạo đa quốc gia hằng năm có quy mô nhất được thực hiện tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, nhóm PP22 bao gồm các đại diện từ Australia, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ sẽ phối hợp cùng các đối tác Việt Nam trong một loạt hoạt động và dự án nhằm mang lại lợi ích cho người dân Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trong thời gian triển khai ở Phú Yên, Chương trình PP22 sẽ cung cấp các hoạt động chăm sóc y tế liên quan đến các lĩnh vực nội khoa và nha khoa; các hoạt động xây phòng học mới tại điểm trường Lam Sơn thuộc Trường tiểu học An Thọ; Trường tiểu học An Ninh Đông 1 (H.Tuy An); điểm trường Phước Hậu thuộc Trường tiểu học Xuân Đài (TX.Sông Cầu) và các hoạt động trao đổi chuyên môn liên quan đến quy trình ứng phó thảm họa.

Ngoài ra, ban nhạc Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng sẽ biểu diễn cùng các nghệ sĩ của Việt Nam trong các chương trình giao lưu cộng đồng.

“Các thành viên của Chương trình đối tác Thái Bình Dương rất mong được làm việc và học hỏi từ các đồng nghiệp Việt Nam”, đại tá Hải quân Hoa Kỳ Hank Kim, Chỉ huy trưởng PP22 chia sẻ và cho biết: “Đây là sự hợp tác thể hiện sự đoàn kết, giúp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia và giúp chúng ta luôn sẵn sàng phối hợp hiệu quả trong các trường hợp cùng tham gia ứng phó thiên tai, hay bất kỳ sự cố thảm họa nào. Tôi rất mong được chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn của đội ngũ tới các cơ quan tại Việt Nam và các quốc gia đối tác khác để chúng tôi có thể cùng nhau xây dựng các kỹ năng được tiếp tục duy trì sau khi kết thúc chương trình”. (Thanh niên, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 4: “Tàu Bệnh viện Hải quân Hoa Kỳ đến Việt Nam”; Tuổi trẻ, trang 4: “Tham gia chương trình đối tác Thái Bình Dương: Tàu Bệnh viện Hải quân Hoa Kỳ đến Việt Nam”

 

TPHCM: Số ca sốt xất huyết tiếp tục tăng, thêm 1 ca tử vong

Ngày 19-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong tuần qua, số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn TPHCM có xu hướng giảm, trong khi đó số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang có xu hướng gia tăng.TPHCM ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do SXH lên 9 trường hợp.

Cụ thể, tính đến ngày 16-6, thành phố ghi nhận 16.057 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 117,3% với cùng kỳ năm 2021, số ca SXH nặng là 274 ca. Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH. Như vậy số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 9 trường hợp.

Số ca bệnh SXH tiếp tục tăng cao ở tất cả các quận huyện và TP Thủ Đức. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Tân Hưng Thuận, Thạnh Lộc (quận 12); phường Linh Xuân (TP Thủ Đức); xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh); xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn).

Từ 10-6 đến 16-6, toàn thành phố ghi nhận 136 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 77 phường, xã thuộc 16/22 quận huyện và TP Thủ Đức, tăng 13 ổ dịch mới so với tuần trước. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 257 ổ dịch và có 1 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng.

Từ 10-6 đến 16-6, thành phố cũng ghi nhận thêm 932 ca bệnh TCM, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay 6.767 ca, giảm 105 ca (10,1%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh giảm ở cả các trường hợp khám ngoại trú và các trường hợp nhập viện.

Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân), phường Thới An (quận 12), phường Long Trường (quận 9).

Trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 5 ổ dịch TCM mới phát sinh tại quận Bình Thạnh, Bình Tân và TP Thủ Đức, tăng so với tuần trước đó (4 ổ dịch). Số ổ dịch tích luỹ đến thời điểm này là 56 ổ dịch. (Thanh niên, trang 4).

 

Bộ Y tế cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 32 vaccine và sinh phẩm

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có quyết định ban hành danh mục 32 vaccine, sinh phẩm được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Trong danh mục 32 vaccine, sinh phẩm được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành đợt này có: 5 sinh phẩm được cấp giấy đăng ký lưu hành có số đăng ký với ký hiệu SP3-…-22, hiệu lực 3 năm kể từ ngày 17-6; có 3 vaccine được gia hạn giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 5 năm; có 4 sinh phẩm được gia hạn giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 3 năm; có 20 sinh phẩm được gia hạn giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 5 năm.

Cục Quản lý Dược nêu rõ, cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất, cung cấp thuốc vào Việt Nam theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Trước đó vào chiều 17-6, Bộ Y tế chính thức có thông tin báo chí về việc thiếu thuốc, vật tư y tế. Theo đó, hiện có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. (An ninh Thủ đô, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Gia hạn 32 loại vaccine và sinh phẩm y tế”

 

Bỏ ngay liên kết, liên doanh trong bệnh viện công?

Cần phải 'đại phẫu' ngành y, nhưng nên bắt đầu từ đâu?

Tuổi Trẻ giới thiệu một góc nhìn khác về tự chủ, liên doanh - liên kết trong bệnh viện công của ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS).

Theo ông Đồng, cần phải cắt bỏ ngay liên kết, liên doanh trong bệnh viện công.

"Không phải 100% vụ việc xảy ra vừa rồi là do liên kết, liên doanh giữa tư nhân và bệnh viện công nhưng đây vẫn là nguyên nhân chính. Chúng ta đang lẫn lộn về cung cấp dịch vụ công y tế, dẫn đến thiết kế mô hình công - tư bất hợp lý. Nếu không bỏ ngay, có thể còn nhiều cán bộ quản lý bệnh viện công và đơn vị tư nhân sai phạm dẫn đến bị khởi tố", ông Đồng nói.

* Quan điểm của ông như vậy trái ngược với nhiều người, kể cả các đại biểu Quốc hội, ngành y tế và cả người làm quản lý bệnh viện công đang đề xuất đẩy mạnh liên kết, liên doanh giữa bệnh viện công và các đơn vị tư nhân...

- Chúng ta sai lầm khi lẫn lộn giữa việc "xã hội hóa" và tạo cơ chế cho tư nhân tham gia cùng cung cấp dịch vụ y tế trong bệnh viện công. Tư duy này sai và chắc chắn đem lại rủi ro rất lớn cho bệnh viện công, nhất là những người quản lý.

Tư nhân luôn đặt nặng lợi nhuận. Khi cho phép "tư" ở trong "công" dễ dẫn đến việc nâng giá lắp đặt, bắt tay "gầm bàn", lạm dụng chỉ định xét nghiệm, kê đơn thuốc để thu lợi...

Xuất phát từ yêu cầu tự chủ và từ đó cho phép "liên doanh, liên kết" sẽ tạo khuyến khích ngược, khiến lãnh đạo bệnh viện công làm sai, làm trái.

* Sự nóng lòng đòi cơ chế rõ cho liên kết, liên doanh của các bệnh viện công có thể hiểu do bức bí về nguồn lực đầu tư y tế hạn hẹp, trong khi các bệnh viện muốn có nhiều dịch vụ khám chữa bệnh hiện đại, tối ưu cho bệnh nhân?

- Cần hiểu việc liên kết, liên doanh giữa các đơn vị tư nhân và bệnh viện công xuất phát từ việc giai đoạn nước ta bắt đầu khởi đầu kinh tế thị trường, nguồn lực đầu tư cho bệnh viện công ít ỏi, thiếu thốn, trong khi bệnh viện tư cũng chưa phát triển, không đủ tiền mua máy móc, thiết bị y tế.

Bối cảnh bây giờ đã hoàn toàn khác, doanh nghiệp đầu tư vào bệnh viện tư nhân cung cấp đa dạng dịch vụ khám chữa bệnh; ngân sách nhà nước cũng đã dư dả hơn để đầu tư cho việc đảm bảo cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Đã đến lúc công phải là công, chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản cho một nhóm đối tượng nhất định thôi. Không thể đòi hỏi bệnh viện công vừa đồng thời phục vụ đối tượng phổ thông vừa có chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tối ưu. Đòi hỏi này là quá tham lam.

* Nếu không liên kết, liên doanh, theo ông, việc đầu tư trang thiết bị, dịch vụ y tế, nhất là những công nghệ hiện đại cần chi phí cao ở bệnh viện công nên như thế nào?

- Phải chấp nhận đã là bệnh viện công thì dịch vụ ở mức cơ bản. Đầu tư nhà nước ban đầu là đầu tư cơ bản để các bệnh viện công có thể trang bị được các máy móc tối thiểu đảm bảo phục vụ khám bệnh chữa bệnh cơ bản của nhóm người dân cần đến bệnh viện công. Tất nhiên, Nhà nước cần phải ngày càng tăng nguồn vốn đầu tư, thậm chí kêu gọi từ thiện, hiến tặng để trang bị được càng nhiều máy móc tốt hơn cho bệnh viện công.

Thông lệ là mọi quốc gia, khách hàng của bệnh viện công chỉ giới hạn vào những đối tượng ưu tiên nhất định, ví dụ người thu nhập trung bình, nghèo, người thu nhập thấp. Ví dụ bệnh viện công không thể bố trí riêng mỗi bệnh nhân một phòng, mà phải chấp nhận nằm phòng chung, miễn là đáp ứng mỗi giường một người.

Trường hợp có điều kiện hơn thì người dân phải bỏ thêm tiền sang bệnh viện tư để được đáp ứng. Đây chính là xã hội hóa y tế đúng nghĩa: tư nhân được cung cấp dịch vụ y tế cho những nhóm đối tượng có khả năng chi trả và có nhu cầu cao hơn mức cơ bản.

Cũng cần lưu ý, cần rạch ròi để đừng nhầm lẫn giữa bệnh viện công và bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế chi trả ở một mức cơ bản dù người dân vào bệnh viện công hay tư. Người dân được lựa chọn: dùng mức bảo hiểm y tế chi trả cơ bản, còn đến bệnh viện công hay tư thì tùy ý lựa chọn.

* Quyền tự chủ cho các bệnh viện công có phải giải pháp mở ra để đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế?

- Xin nhắc lại dịch vụ công thì không thể yêu cầu tự chủ được, và việc đặt ra vấn đề tự chủ ở bệnh viện công là sai từ ngay triết lý ban đầu. Tự chủ, tự nuôi mình thì phải kinh doanh, phải có lợi nhuận.

Để có lợi nhuận, bệnh viện phải tạo ra các dịch vụ. Như vậy mới có thực trạng trong cùng bệnh viện công có người bệnh được thuê nằm riêng một phòng, trong khi các bệnh nhân khác chen chúc hai người/giường, thậm chí vạ vật ở hành lang, gầm giường.

Tình trạng người có tiền vừa được hưởng giá dịch vụ rẻ (so với tư nhân), vừa được ưu tiên chăm sóc ngay trong cơ sở công lập là rất bất bình đẳng.

Vấn đề chúng ta cần giải quyết là làm sao để nâng hiệu quả vận hành bệnh viện công, chứ không phải tự chủ trong bệnh viện công.

“Về ngắn hạn, cần có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các giám đốc bệnh viện khi họ làm đúng quy trình trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết y tế nhưng sau đó có sai sót do khách quan. Chỉ xem xét trách nhiệm khi có dấu hiệu thông thầu, móc ngoặc để trục lợi và khi truy tố cũng truy tố tội nhận hối lộ, không thể truy tố tội lợi dụng trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì tội này mơ hồ.” - Ông Nguyễn Quang Đồng. (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Chờ trung tâm mua sắm ngành y tế tại TP.HCM

Đó là ý kiến được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đưa ra sau khi nghe Sở Y tế TP.HCM trình bày đề án và các ý kiến đóng góp của các sở, ngành có liên quan đến đề án thành lập trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế.

Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng thiếu các trang thiết bị y tế, thuốc men do vướng đấu thầu hoặc có tâm lý lo ngại mua sắm. Theo kế hoạch dự kiến, đề án trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế sẽ được UBND TP.HCM xem xét phê duyệt trong tháng 7-2022 sau khi được Sở Nội vụ thẩm định.

Khẳng định việc hình thành trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế là rất cần thiết, Sở Y tế TP.HCM cho rằng sẽ giúp giải quyết những mặt hạn chế để đảm bảo tính liên tục, chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian và nhân lực, thống nhất giá cả, điều phối sản phẩm mua được... Nếu được thành lập, trung tâm này sẽ từng bước hoàn thiện các hoạt động theo lộ trình triển khai mua sắm thuốc trước, sau đó đến vật tư y tế, trang thiết bị.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên việc hình thành trung tâm mua sắm y tế được đưa ra bàn thảo, bởi từ năm 2013 UBND TP.HCM đã từng ra quyết định thành lập Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế. Tuy nhiên đến năm 2017, UBND TP.HCM lại ra quyết định giải thể. Lúc bấy giờ, Sở Y tế TP.HCM cũng đã nhìn nhận một số nguyên nhân như việc thiếu con người đủ chuyên môn, thiếu cơ chế, chính sách đồng bộ và những bất cập về sử dụng thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế... (Tuổi trẻ, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang