Rét đậm, bệnh viện chật cứng bệnh nhân
Mấy ngày qua, nhiệt độ ở Nghệ An xuống thấp, rét đậm khiến cho số người nhập viện tăng từng ngày, phần lớn là người cao tuổi và trẻ em, trong đó nhiều trường hợp nguy kịch. Ngày 19/12, tại Bệnh viện Nhi Nghệ An, số bệnh nhân tăng trên 20% so với ngày thường (500-700 trẻ/ngày). Theo các bác sĩ, trẻ chủ yếu mắc các bệnh đường ruột, hô hấp như tiêu chảy, viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi, viêm họng, cúm, tay chân miệng… Nhiều trẻ dưới 6 tháng tuổi bị viêm phổi, viêm phế quản nặng (Tiền phong trang 2).
Bệnh viện tư xây dựng khu y tế kỹ thuật cao
Sáng 19-12, Bệnh viện Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) khởi công khu y tế kỹ thuật cao trong khuôn viên bệnh viện với tổng chi phí đầu tư 550 tỉ đồng, diện tích xây dựng là 22.000m2, dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2016. Trong đó, trung tâm can thiệp mạch máu tim mạch và thần kinh là điểm nhấn của khu này. Theo TS.BS Nguyễn Văn Châu - tổng giám đốc Bệnh viện Xuyên Á, khi khu y tế kỹ thuật cao đi vào hoạt động, Bệnh viện Xuyên Á sẽ có đầy đủ các chuyên khoa, đáp ứng được các yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân (Tuổi trẻ trang 9).
Bệnh viện Chợ Rẫy ký kết hợp tác với Bệnh viện Xuyên Á
Ngày 19-12, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã ký kết hợp tác hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và hợp tác giảm tải với Bệnh viện Xuyên Á. Cụ thể, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ giúp nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các bác sĩ của Bệnh viện Xuyên Á trong hai lĩnh vực chuyên khoa sâu là ngoại thần kinh và tim mạch can thiệp. Đồng thời, Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển đến Bệnh viện Xuyên Á một số bệnh nhân của các chuyên khoa đang trong tình trạng quá tải, phù hợp với khả năng điều trị của bệnh viện và theo yêu cầu của bệnh nhân (Tuổi trẻ trang 9).
Hà Nội ghi nhận gần 14.000 ca sốt xuất huyết
Theo thống kê của Trung tâm y tế (TTYT) dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 14.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết số mắc có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, Sở Y tế vừa có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống và hạn chế tử vong do SXH. Theo đó, TTYT dự phòng TP và TTYT các quận, huyện tiếp tục triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu; áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh SXH, đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình dịch, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế nhằm xử lý sớm, triệt để ổ dịch. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền cho công tác cấp cứu và điều trị. TP đã thực hiện 660 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với gần 1,6 triệu hộ gia đình được kiểm tra, hơn 112.000 ổ bọ gậy đã được loại bỏ; tổ chức 142 chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi truyền bệnh với hơn 221.000 hộ gia đình đã được phun xử lý (Thanh niên trang 2).
Khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn tạng: Cần nhất là thay đổi nhận thức
Sáng 19-12, trong khuôn khổ Ngày hội truyền thông vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người - chương trình "Chung tay vì sự sống 2015", được tổ chức tại Học viện Quân y, đã có hơn 1.000 đơn đăng ký hiến mô tạng. Theo các chuyên gia y tế, việc hiến tạng tạo cơ hội cứu sống nhiều người, thế nhưng những "món quà tái sinh" ấy lâu nay bị "bỏ phí" do quan niệm chưa thay đổi.
Thiếu nguồn tạng, nhiều bệnh nhân tử vong
Theo Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia Trịnh Hồng Sơn, khi một người ra đi với ý nghĩa hiến tặng mô tạng cho đời thì người đó sẽ sống mãi trong niềm yêu thương, tôn kính của người đời và việc làm đó như câu chuyện cổ tích hiện đại.
Trước khi chương trình "Chung tay vì sự sống 2015" diễn ra vài ngày, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt - Đức đã thực hiện cùng lúc 4 ca ghép tạng từ người cho chết não. Từ người hiến tặng, các bác sĩ đã thực hiện ghép cho 2 ca thận, 1 ca tim và 1 ca gan. Trong 4 ca ghép, phải kể đến người nhận tim là một bệnh nhân nam (44 tuổi, ở Hà Nội). Trước khi ghép tim, bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Khi đưa lên bàn mổ, bệnh nhân phải dùng máy tim phổi nhân tạo trong hơn 2 giờ. Đây là trường hợp đầu tiên mà bệnh nhân ghép tim phải dùng tim, phổi nhân tạo trước khi ghép. Hiện nay, bệnh nhân đã tỉnh và không phải dùng máy thở, các chức năng đã ổn định.
Theo Trung tâm Ghép tạng của BV Hữu nghị Việt - Đức, một cơ thể bị chết não có thể ghép cho khoảng 10 bệnh nhân. Hiện nay, cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép tạng, mô. Trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn hiến còn hạn chế. Ngay tại BV Việt - Đức, trung bình mỗi ngày có 2-3 trường hợp chết não có thể cho tạng, tuy nhiên, trong 5 năm qua, BV mới chỉ xin được từ gần 30 trường hợp chết não.
Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn và đang gia tăng nhanh. Hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang chờ đợi được ghép gan, thận, tim… Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn tạng, nhiều bệnh nhân đã tử vong trong thời gian chờ ghép. Ông Trịnh Hồng Sơn dẫn chứng, có trường hợp xảy ra tại Hà Nội, người anh bị chết do tai nạn giao thông. Vợ con và gia đình đã đồng ý hiến thận của người anh cho người em trai. Thế nhưng, đến phút cuối cùng, khi tiến hành các thủ tục ghép, người em út trong gia đình lại không đồng ý. Kết quả, người em trai đã chết vì không có thận để ghép. "Nhận thức của người Việt Nam về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao, sự hiểu biết về chết não còn hạn chế, đặc biệt là quan niệm về cái chết toàn thây còn nặng nề. Chính vì vậy, cần có sự tuyên truyền tích cực, rộng rãi trong cộng đồng, xã hội", ông Trịnh Hồng Sơn nói.
Cần những tấm lòng nhân ái
Có mặt tại Học viện Quân y vào sáng 19-12, phóng viên Báo Hànộimới đã chứng kiến nhiều sinh viên ký vào đơn đăng ký hiến tạng, mô. Khi được hỏi, hầu hết sinh viên đều cho rằng, họ hạnh phúc vì sau khi chết đi được trao đi một phần cơ thể mình để cứu sống người khác. Cù Thị Thu, sinh viên khóa 47, Học viện Quân y, nói rằng mình không mất nhiều thời gian suy nghĩ trước khi đặt bút ký vào đơn đăng ký bởi hiểu rằng sự sống với mỗi người thiêng liêng và cao quý nhất. Nếu không may mình không còn trên cõi đời này nữa mà một phần cơ thể mình được giữ lại thì đó là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, Cù Thị Thu cũng chia sẻ, bản thân nghĩ vậy nhưng chắc chắn cô sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục những người thân trong gia đình hiểu và thông cảm với quyết định này của mình… Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, hiện nay, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn, với khoảng 1.000 ca ghép thận, hơn 30 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, hơn 1.000 ca ghép giác mạc trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép là rất cao: Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người cần được ghép giác mạc.
Rất nhiều trường hợp suy tạng sẽ được cứu sống nếu như có nguồn hiến tặng thích hợp vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng. Điều cần làm lúc này là thay đổi nhận thức của cộng đồng. Khi nào mỗi người hiểu được rằng sự sống được trao đi, bao mảnh đời được ở lại thì kỹ thuật ghép tạng, mô mới thực sự thành công (Hà Nội mới trang 2, Nhân dân trang 8).