Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/2/2023

  • |
T5g.org.vn - Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt, tri ân các thầy thuốc; Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng nhiều phương pháp châm cứu và chữa bệnh không dùng thuốc

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt, tri ân các thầy thuốc

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2023), sáng 23.2, tại Phủ Chủ tịch, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt các thầy thuốc, cán bộ đại diện cho các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành Y tế cả nước.

Thay mặt Nhà nước, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất, lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên của ngành Y tế.

Quyền Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho ngành Y tế, nhất là trong lĩnh vực thể chế với việc hoàn thiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới đây.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của toàn ngành, sự đồng hành của toàn xã hội, ngành Y tế đã không ngừng phát triển về mọi mặt.

Hiện, toàn ngành có 500 nghìn cán bộ, y bác sĩ với chất lượng, trình độ chuyên môn ngày càng cao, nhiều chuyên gia ngang tầm thế giới.

Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Y tế cách đây 68 năm, Quyền Chủ tịch nước nhấn mạnh, những năm qua, ngành Y tế luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác, nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất của người thầy thuốc và vượt qua mọi khó khăn, vất vả để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đại dịch COVID-19 chính là một phép thử đối với ngành Y, với năng lực, phẩm chất của người thầy thuốc, từ đó rút ra những bài học quan trọng để kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và thầy thuốc, tạo tinh thần, động lực mới để phát triển nền y học nước nhà thời gian tới.

Để đạt mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đặc biệt là mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực là hết sức quan trọng, trong đó có chất lượng nhân lực ngành Y.

Do đó, ngành Y tế cần tiếp tục bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh thế giới và đất nước ta phải đối mặt với những dịch bệnh, trong đó có những bệnh mới chưa có tiền lệ, đe dọa đến sinh mệnh, sức khỏe của con người.

Quyền Chủ tịch nước đề nghị ngành Y, các cơ sở y tế, đào tạo, không ngừng nghiên cứu khoa học kỹ thuật mới, góp phần nâng cao tay nghề và xây dựng lực lượng chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Cùng với đó là quan tâm công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước và quản trị thông qua đào tạo nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ nhân lực của ngành; tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách để ngành Y, kể cả khu vực y tế công và khu vực y tế tư nhân đều phát huy được thế mạnh, huy động được nguồn lực xã hội đầu tư vào ngành, qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cần có cơ chế đãi ngộ phù hợp đối với lực lượng thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế. (Lao động, trang 2; Nông thôn ngày nay, trang 3; Sài gòn giải phóng, trang 2; Sức khoẻ & đời sống, trang 3; Công an nhân dân, trang 1; Nhân dân, trang 3)

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng nhiều phương pháp châm cứu và chữa bệnh không dùng thuốc

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị Bệnh viện Châm cứu Trung ương cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, sưu tầm, ứng dụng và phát triển nhiều bài thuốc cổ truyền, nhiều phương pháp châm cứu và chữa bệnh không dùng thuốc; thực hiện việc kết hợp chặt chẽ giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh.

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2023), ngày 22/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến dự Lễ Gặp mặt Chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Báo cáo hoạt động của bệnh viện trong thời gian qua, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương chia sẻ, bên cạnh việc tiếp nhận hàng vạn lượt người bệnh trong nước và cả người bệnh nước ngoài đến điều trị, Bệnh viện Châm cứu Trung ương còn đề xuất và đưa vào nhiều phác đồ chuyên môn điều trị nhiều bệnh lý khó như: liệt nửa người, bệnh lý cột sống cũng như các bệnh lý của thời hiện đại như tự kỷ trẻ em, hỗ trợ cắt cơn nghiện ma tuý, châm tê trong phẫu thuật... 

Bệnh viện cũng đã cùng với cục Quản lý Khám chữa bệnh xây dựng quy trình kỹ thuật: 49 kỹ thuật loại đặc biệt, loại 1, trong đó có 23 danh mục kỹ thuật thuộc hồi sức cấp cứu...

Cùng với đó công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới cũng được Bệnh viện Châm cứu Trung ương đẩy mạnh. Năm qua, Bệnh viện đã tổ chức được nhiều lớp học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên và phối hợp, liên kết đào tạo với một số tổ chức, học viện, các trường đại học, cao đẳng y dược trên toàn quốc, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực châm cứu; 

Không chỉ tập trung trong công tác chuyên môn, Bệnh viện Châm cứu Trung ương còn triển khai các hoạt động hỗ trợ người bệnh tổng số tiền lên tới hơn 4 tỉ đồng với các chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và tinh thần người bệnh. Nổi bật là chương trình Hội chợ Xuân 0 đồng với tổng chi phí là hơn 700 triệu tiền quà tặng nhu yếu phẩm và 350 triệu đồng tiền mặt cho người bệnh về quê ăn Tết...

Chương trình khám chữa bệnh từ thiện tại một số xã, huyện khó khăn... ; gần 4 nghìn lượt khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi, người có công và các đối tượng ưu tiên với cách mạng quận Đống Đa- TP Hà Nội...

Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương cũng cho hay, thời gian qua, Bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu với nhiều đề tài đã được nghiệm thu và triển khai ứng dụng rộng rãi. Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã không ngừng kế thừa, phát huy tiềm năng và thế mạnh vốn có của Y học cổ truyền kết hợp với Y học hiện đại để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, đồng thời tích cực hợp tác quốc tế, đưa chuyên ngành châm cứu Việt Nam đến với nhiều quốc gia, được chính phủ và nhân dân các nước hoan nghênh...

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao và chúc mừng các thành tựu Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã đạt được thời gian qua, góp phần xây dựng nền y học nước nhà trên nguyên tắc khoa học - dân tộc - đại chúng và hội nhập.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng nêu rõ, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ mà Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, sưu tầm, ứng dụng và phát triển nhiều bài thuốc cổ truyền, nhiều phương pháp châm cứu và chữa bệnh không dùng thuốc; thực hiện việc kết hợp chặt chẽ giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh để nâng cao chất lượng hiệu quả điều trị, nâng cao sự hài lòng của người bệnh, tiếp tục duy trì phát triển vị thế của nền y học cổ truyền Việt Nam.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện Châm cứu Trung ương cần tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, giữ vững tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng để xây dựng Bệnh viện ngày càng phát triển góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. (Sức khoẻ & đời sống, trang 2)


Thiếu vật tư y tế, hóa chất, khó khăn tài chính: Hai bệnh viện lớn kêu cứu

"Cấp cứu của cấp cứu" là câu nói của Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Đức khi nhắc đến thực trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất tại bệnh viện. Còn lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đề xuất Bộ Y tế khẩn cấp tháo gỡ những khó khăn về tài chính cho bệnh viện hạng đặc biệt này.

Những thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm "Ngành Y vượt khó" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua nhằm tháo gỡ những vướng mắc đang gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh.

Nguy cơ bệnh viện dừng hoạt động

Thiếu trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ người bệnh khiến nhiều bệnh viện tuyến dưới phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương. Điều này dẫn tới thực trạng chính các bệnh viện hạng đặc biệt cũng rơi vào hoàn cảnh cạn vật tư, hóa chất, thuốc điều trị.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, trung bình mỗi ngày có từ 8.000 - 10.000 người đến khám và khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Năm nay khác hẳn những năm trước khi ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng đột biến với hơn 6.000 ca/ngày. Do đó, bệnh viện hiện rơi vào cảnh thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh. “Hầu hết các thiết bị của bệnh viện 10 năm qua thực hiện liên doanh, liên kết. Khi hết hợp đồng, thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực. Hiện tại, chúng ta đang phải chờ thông tư mới, quy định mới nên không thể tái kí hợp đồng và kí các hợp đồng mới. Bệnh viện cũng không có nguồn ngân sách nào để đầu tư mua sắm thiết bị mới. Do vậy, chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư nguồn ngân sách để bệnh viện sớm có thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn, vướng mắc về cơ chế để có thể mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế. GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, cho biết, theo thống kê, hóa chất xét nghiệm công thức máu tại bệnh viện chỉ còn sử dụng được trong khoảng 1 tuần nữa.

Đây cũng là tình trạng chung của hàng loạt bệnh viện lớn trên toàn quốc. “Tôi biết rằng, nhiều bệnh viện đã thông báo tới tất cả các khoa phòng, trong vòng 1 tuần nữa, bệnh viện sẽ hết hóa chất xét nghiệm, chỉ thực hiện theo cấp cứu. Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cũng có thể rơi vào nguy cơ đó. Chính vì vậy, tôi cho rằng, đây là việc “cấp cứu của cấp cứu”, rất mong các cấp lãnh đạo kịp thời tháo gỡ. Chúng ta chỉ còn khoảng 1-2 tuần nữa, nếu không tháo gỡ sớm thì các bệnh viện sẽ không hoạt động được”, ông Giang nói.

Tại bệnh viện hàng đầu về ngoại khoa, các vật tư tiêu hao phục vụ cho phẫu thuật cũng chỉ còn 1 tháng nữa là hết. “Theo quy định, việc mua sắm vật tư tiêu hao phải bảo đảm rằng, các vật tư tiêu hao đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hiện nay, vấn đề giấy phép lưu hành và gia hạn với thuốc đã được tháo gỡ. Thế nhưng, hầu hết các giấy phép đối với vật tư tiêu hao chưa được cấp và chưa được gia hạn. Vì vậy, bệnh viện rất khó để mua và đấu thầu vật tư tiêu hao”, GS.TS Giang nói.

Cần hành lang pháp lí chuẩn

Ông Giang thông tin, từ năm 2015, bệnh viện hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc. Riêng máy móc xét nghiệm tại bệnh viện có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng. Do đó, từ năm 2015, bệnh viện đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm và các công ty đặt máy để sử dụng hóa chất đó. Kèm theo đó, các công ty lo bảo hành, bảo trì, kiểm định, kiểm chuẩn để máy hoạt động chính xác. “Thế nhưng, đến năm 2022, chúng ta lại có công văn quy định, việc sử dụng máy mượn, máy đặt không có trong quy định của văn bản pháp luật và đề nghị dừng. Sau đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 144 để tháo gỡ khó khăn này nhưng chỉ có giá trị cho các hợp đồng đặt mua hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. Chính vì vậy, bây giờ không còn hóa chất để làm”, ông nói. Về vấn đề hóa chất xét nghiệm, bệnh viện đã tìm các phương án khác để xử lí, nhưng đều không khả quan.

Về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói: “Hiện tại, một số văn bản pháp quy đang bất cập, chúng tôi vừa làm và vừa gỡ. Vướng ở chỗ nào, chúng tôi lại làm văn bản báo cáo trình Bộ Y tế và các cấp có thẩm quyền sửa đổi để kịp thời phục vụ công tác mua sắm thuốc, đấu thầu thuốc cũng như trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ người bệnh. Mong rằng, các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp ngành Y tế, giúp cho các bệnh viện có những văn bản pháp quy hợp lí để chúng tôi có một hành lang pháp lí chuẩn. Chúng tôi đi trên hành lang đó và tự tin để làm công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh”.

Hàng loạt khó khăn của ngành Y

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nêu lên hàng loạt khó khăn, vướng mắc của ngành Y như dịch COVID-19 vẫn phức tạp, nguy cơ xâm nhập các bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp. Trong khi đó, hệ thống y tế chưa giải quyết quyết liệt những tồn đọng trong giai đoạn trước và nảy sinh những vướng mắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

Thể chế liên quan đến y tế về cơ bản đã được giải quyết nhưng vẫn còn một số bất cập như mua sắm, đấu thầu, liên doanh, liên kết… Năng lực hệ thống y tế, đặc biệt y tế cơ sở và dự phòng cũng còn nhiều hạn chế. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, chất lượng điều hành ở một số bệnh viện chưa đạt yêu cầu. Chất lượng phục vụ ở tuyến dưới còn chưa cao, tâm lí người dân khiến bệnh viện tuyến trên quá tải. Sản xuất trang thiết bị y tế trong nước mới dừng ở mức thông dụng, hệ thống xử lí nước thải, nhất là cơ sở tuyến tỉnh, quá tải và xuống cấp.

Vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, theo ông Tuyên, cũng chưa được khắc phục cụ thể. Số lượng hồ sơ đăng kí cấp đăng kí lưu hành thuốc và trang thiết bị còn tồn đọng lớn, cần giải pháp cả về trước mắt và lâu dài. Quản lí đào tạo, chất lượng nhân lực y tế hiện chưa đáp ứng nhu cầu. Tình trạng cán bộ y tế bỏ việc từ công sang tư, đặc biệt cán bộ có tay nghề cao và kinh nghiệm, cũng là khó khăn, thách thức lớn với ngành y. Ông Tuyên cũng chỉ ra một số khó khăn khác như: chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chưa bền vững… (Tiền phong, trang 3)


Thiếu vật tư y tế, hóa chất, khó khăn tài chính: Hai bệnh viện lớn kêu cứu

Nhiều bệnh viện thông báo nhiều hóa chất xét nghiệm chỉ còn đủ dùng 1-2 tuần nữa, một số vật tư tiêu hao phục vụ mổ cũng chỉ còn một tháng nữa là hết. Các bệnh viện đang trong tình trạng “cấp cứu của cấp cứu”.

Đây là chia sẻ của ông Trần Bình Giang, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, tại tọa đàm "Ngành y vượt khó" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng 23-2.

Không mua sắm được hóa chất xét nghiệm

Tại tọa đàm, ông Giang cho hay hiện nay các bệnh viện, không chỉ Bệnh viện Việt Đức mà còn Bệnh viện Chợ Rẫy đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều bệnh viện lớn trên cả nước hầu như vật tư y tế dành cho chăm sóc người bệnh đã hết, các hóa chất xét nghiệm cũng hết.

"Hiện tại hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng một tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh. Bệnh viện đã họp nhưng rất khó khăn", ông Giang cho biết.

Liên quan đến việc mua sắm hóa chất xét nghiệm sử dụng cho các hệ thống xét nghiệm, ông Giang cho hay hiện nay trên thị trường hệ thống máy xét nghiệm chủ yếu là hệ thống máy đóng. Vì vậy, bệnh viện đang gặp một số khó khăn, cụ thể nếu bệnh viện mua máy hoặc thuê máy xét nghiệm thì đồng nghĩa với việc bệnh viện phụ thuộc vào hóa chất sử dụng cho máy đó trong suốt dòng đời của máy hay trong thời gian thuê. Vì thế, khi đấu thầu sẽ rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất, sẽ vi phạm quy định về chỉ định thầu.

Bên cạnh đó, hiện nay tại tất cả các bệnh viện đấu thầu hóa chất chạy máy, đơn vị trúng thầu sẽ cung cấp các giải pháp để triển khai xét nghiệm bao gồm phần mềm kết nối với mạng LIS, máy xét nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, bảo hành, bảo trì... Tuy nhiên, hiện chưa có các văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động này.

Bên cạnh đó, danh mục các mặt hàng hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao thông thường chưa được chuẩn hóa nên khi tra cứu và so sánh giá vô cùng khó khăn, dẫn tới phát sinh nguy cơ sai sót trong quá trình thực hiện đấu thầu...

"Các vật tư tiêu hao phục vụ mổ tại bệnh viện chỉ đủ dùng trong một tháng. Nhưng hầu hết giấy phép với vật tư tiêu hao vẫn chưa được gia hạn. Đây là việc "cấp cứu của cấp cứu", làm sao để tháo gỡ sớm vì chỉ còn khoảng 1 - 2 tuần nữa, các bệnh viện sẽ gần như không làm được. Các vật tư tiêu hao phục vụ mổ cũng chỉ còn một tháng nữa là hết", ông Giang nói.

Lo không đủ chi phí trả lương y bác sĩ

Cũng nói về khó khăn trong mua sắm thiết bị y tế, ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay thiết bị để khám chữa bệnh cho bệnh nhân đang thiếu trầm trọng. Ông Cơ cho biết ngay mùng 6 Tết Nguyên đán, số bệnh nhân thăm khám ngoại trú đã lên tới 6.000 bệnh nhân.

"Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, bởi vậy hằng ngày số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh rất lớn. Trong khi đó hầu hết các thiết bị của bệnh viện 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết.

Khi hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh liên kết cũng đã hết hiệu lực và chúng ta đang chờ các thông tư mới, quy định mới nên hiện tại không thể tái ký hợp đồng, cũng như không thể ký các hợp đồng mới được. Việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới thì bệnh viện không có nguồn ngân sách nào.

Do vậy chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách của Chính phủ để bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh", ông Cơ nói.

Hai lãnh đạo bệnh viện cũng cho hay hiện nay nguồn thu của các bệnh viện đều đang bị giảm sút, cấu thành giá dịch vụ chưa tính đúng tính đủ khiến hai bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong thu chi.

"Chúng tôi đang rất lo lắng đến ngày 1-7 chi cho lương mới thì nguồn chi thường xuyên của bệnh viện chưa chắc đã đủ để chi lương cho cán bộ y tế. Đây là điều hết sức khó khăn. Vì thế tôi mong Bộ Y tế, Chính phủ sớm có các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn", lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.

Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ngành y đang gặp trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, hệ thống thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế cơ bản đã hoàn thiện nhưng vẫn còn những bất cập nhất định, và đặc biệt là những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục một cách triệt để. Số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng như trang thiết bị còn tồn đọng lớn và chưa được giải quyết một cách triệt để.

Về tháo gỡ tài chính cho các bệnh viện, ông Tuyên cho biết bộ đã trình Chính phủ ban hành văn bản nghị định. Bộ cũng đang dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu, các nghị định liên quan đến liên doanh liên kết. (Tiền phong, trang 3)


Giám đốc Chợ Rẫy: ‘Nếu tiếp tục chờ 3 báo giá, chắc chắn bệnh viện sẽ tạm ngưng hoạt động'

Nội dung này vừa được ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - gửi Bộ Y tế. Cảnh báo này được đưa ra nhiều lần, và nếu thực sự xảy ra như lời người đứng đầu bệnh viện đa khoa tuyến cuối hạng đặc biệt ở khu vực phía Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hàng ngàn bệnh nhân...

Vì quy định báo giá gói thầu, bệnh viện có nguy cơ tạm ngưng hoạt động

Theo giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay xây dựng giá gói thầu mua sắm thường xuyên có 2 thông tư hướng dẫn, gồm thông tư 15/2019/TT-BYT hướng dẫn đấu thầu mua sắm thuốc, và thông tư 68/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung thông tư 58/2016/TT-BTC.

Và theo ông, "giá gói thầu" theo thông tư 68/2022/TT-BYT đang là vấn đề khó khăn nhất của bệnh viện. Đặc biệt là giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế (bao gồm cả vật tư y tế, hóa chất…), hàng hóa thông thường, dịch vụ sửa chữa bảo trì trang thiết bị y tế và các dịch vụ phi tư vấn khác...

Cụ thể, hướng dẫn tại điểm 2 khoản 7 của thông tư 68 quy định: "Giá thị trường được tham khảo từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất. Tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Trong trường hợp không đủ 3 nhà cung cấp trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác hoặc từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật công bố".

Ông Thức khẳng định thực tế khi xây dựng giá gói thầu có rất nhiều trang thiết bị y tế, hóa chất và vật tư y tế tiêu hao thiết yếu trong điều trị bệnh viện không thể nhận được đủ 3 báo giá trên cùng địa bàn, càng không thể thu thập được báo giá trên địa bàn khác.

Vấn đề này đã gây rất nhiều trở ngại cho điều trị và cấp cứu bệnh nhân. "Nếu tiếp tục chờ đợi 3 báo giá, bệnh viện không thể xây dựng được giá gói thầu, chắc chắn bệnh viện sẽ tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất xác định chẩn đoán, cũng như vật tư y tế tiêu hao điều trị cho người bệnh" - ông Thức nói.

Về việc này, ông Thức cho biết ngày 13-2 bệnh viện có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính về 3 tình huống mà bệnh viện thu thập được nhằm xin hướng dẫn liệu có đủ cơ sở xây dựng giá gói thầu hay không. Nhưng đến nay, bệnh viện chưa được các cơ quan trên trả lời.

Nhiều quy định bất cập khi xây dựng giá gói thầu?

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức còn dẫn chứng hàng loạt vấn đề được cho là bất cập trong xây dựng giá gói thầu, nếu áp dụng theo hướng dẫn tại điểm 2 khoản 7 của thông tư 68.

Đơn cử như bệnh viện mời nhiều lần nhưng có rất ít công ty tư vấn thẩm định giá. Có rất ít các gói thầu tương tự trong vòng 90 ngày. Điều này khiến hầu hết các gói thầu mua sắm không thể thực hiện theo phương án thẩm định giá.

Và khi xây dựng giá gói thầu bằng việc tham khảo trên cổng thông tin kê khai và công khai giá của Bộ Y tế cũng đối diện nhiều rủi ro.

"Việc tham khảo giá trên cổng thông tin cũng không đầy đủ làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Giá kê khai và công khai chưa thực hiện đầy đủ chi tiết cấu hình, tính năng, chưa được kiểm soát. Đặc biệt có tình trạng giá kê khai cao hơn rất nhiều so với giá bán thực tế" - ông Thức nói.

Mặt khác, theo ông, đối với sửa chữa, bảo trì, linh kiện thay thế trang thiết bị y tế chưa được quản lý giá, chưa có quy định kê khai và công khai. Do đó, không có giá công bố làm căn cứ xây dựng giá.

Từ thực tế này, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị Bộ Y tế cùng các bộ, ngành khẩn trương điều chỉnh bổ sung các quy định xây dựng giá gói thầu riêng cho ngành y tế, đặc biệt là mua sắm trang thiết bị y tế. (Tiền phong, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang