Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Cảnh giác với bệnh viêm cơ tim khi giao mùa; Vụ ngộ độc tập thể ở Quảng Nam: Bệnh nhân ăn phải chất kịch độc; Mua sắm vật tư y tế, hóa chất: Bệnh viện cần sớm có căn cứ pháp lý…

 

Cảnh giác với bệnh viêm cơ tim khi giao mùa

Khi giao mùa như hiện nay, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển. Khi bị nhiễm vi rút, vi khuẩn, người bệnh cần cảnh giác với biến chứng viêm cơ tim. Đây là bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong và di chứng cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Từ sốt nhẹ dẫn đến viêm cơ tim, suy tim

Ba ngày trước khi phải nhập viện, chị N.T.T (22 tuổi ở Hà Nội) có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, mỏi cơ, sau đó khó thở, đau tức ngực tăng dần. Tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108, các bác sĩ chẩn đoán, đây là trường hợp viêm cơ tim, nên đã chuyển nữ bệnh nhân này đến Khoa Hồi sức tim mạch điều trị. Tuy nhiên, tình trạng viêm cơ tim tiếp tục tiến triển nhanh, kèm theo rối loạn nhịp thất phức tạp, dẫn tới suy tim, sốc tim. Ngay lập tức, các bác sĩ đã thực hiện phương pháp ô xy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Đây là chỉ định bắt buộc để cứu sống những bệnh nhân viêm cơ tim có các biến chứng rối loạn nhịp nguy hiểm.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một bệnh nhân 18 tuổi bị sốt, đau thượng vị, đầy bụng. Ban đầu, bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật. Tại đây, qua thăm khám, bác sĩ tiêu hóa nghi ngờ bệnh nhân bị viêm cơ tim, nên đã chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức tích cực. May mắn, bệnh nhân được cứu chữa kịp thời.

Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, viêm cơ tim là một bệnh cấp tính do nhiều nguyên nhân như vi rút, vi khuẩn, nhiễm trùng... Đáng lưu ý là triệu chứng ban đầu của bệnh không điển hình. Khởi đầu bệnh nhân thường có các triệu chứng giống nhiễm vi rút như: Hắt hơi, sổ mũi, mệt, sốt, nhịp tim nhanh… nên dễ bị bỏ qua. Thậm chí, một số trường hợp còn có biểu hiện đau tức thượng vị, đầy bụng khó tiêu... khiến người bệnh có thể nghĩ đến bệnh về tiêu hóa và đi khám chuyên khoa tiêu hóa.

Viêm cơ tim có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ (từ 20 đến 40 tuổi). Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội) lưu ý, viêm cơ tim có thể biểu hiện ở các mức độ từ nhẹ đến nguy kịch. Nhiều bệnh nhân tự khỏi nhưng cũng có nhiều trường hợp để lại hậu quả nặng nề cho tim, thậm chí là tử vong. Trong khi đó, phát hiện ra viêm cơ tim ở giai đoạn sớm rất khó. Bởi vì khi bệnh nhân bị viêm cơ tim nhẹ hoặc đang ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

“Biến chứng của viêm cơ tim thường rất nặng, như: Suy tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim, đột tử. Một số rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có thể khiến tim ngừng đập (ngừng tim đột ngột) và gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Ở người trẻ tuổi, bệnh viêm cơ tim chiếm tới 20% trong số các nguyên nhân gây đột tử”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Hải cảnh báo.

Chú ý các biểu hiện của bệnh

Viêm cơ tim vốn không phải bệnh tim phổ biến, thông thường các trường hợp mắc bệnh hay rơi vào lúc chuyển mùa, nhất là ở những người có sức đề kháng kém sau khi bị cảm cúm, ho, sốt vài ngày… Qua các xét nghiệm cần thiết như điện tim, siêu âm tim, chụp mạch vành mới xác định được bệnh viêm cơ tim, nhưng triệu chứng điển hình vẫn là bị suy tim cấp như đau ngực, khó thở. Hiện, tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim cấp nặng còn rất cao (chiếm khoảng 30-40%). Trước khi có kỹ thuật ECMO, trường hợp viêm cơ tim tối cấp có tỷ lệ tử vong gần 100%. Ngày nay, nhờ kỹ thuật ECMO, các bác sĩ có thể hy vọng cứu sống nhiều trường hợp viêm cơ tim tối cấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) thông tin, viêm cơ tim biểu hiện triệu chứng rất đa dạng, phụ thuộc vào thể bệnh, nguyên nhân và một số yếu tố khác. Song, dù là thể bệnh nào, viêm cơ tim cũng có 3 biểu hiện chính, gồm: Suy tim, tim không đủ khả năng bơm máu khiến cơ thể bệnh nhân mệt mỏi, vận động hạn chế, phù chân, khó thở liên tục hoặc khó thở khi vận động, khi nằm nghỉ; đau ngực; rối loạn nhịp tim khiến tim đập nhanh hoặc bỏ nhịp. Khi có các biểu hiện trên, người dân nên tới gặp các bác sĩ hoặc đến khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

“Bệnh viêm cơ tim có thể tái phát sau vài năm (chiếm khoảng 10-15%). Vì vậy, sau khi xuất viện, bệnh nhân cần tái khám sức khỏe định kỳ và cố gắng đến theo hẹn của bác sĩ, cho dù cảm thấy sức khỏe đã hoàn toàn bình thường. Cùng với đó, tiếp tục dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ khi ra viện. Ngoài ra, người bệnh không nên chơi thể thao hoặc vận động, lao động gắng sức cho đến khi bác sĩ cho phép. Bệnh nhân cần hạn chế muối trong chế độ ăn uống của mình. Ngừng sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe như: Thuốc lá, rượu, bia, chè, cà phê… trong khi đang theo dõi hậu viêm cơ tim”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Hải khuyến cáo. (Nhân dân, trang 5).

 

Mua sắm vật tư y tế, hóa chất: Bệnh viện cần sớm có căn cứ pháp lý

Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP được giới chuyên môn đánh giá là giúp tháo gỡ khá kịp thời trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Thế nhưng những vướng mắc trong mua sắm thực tế cần có thêm thời gian và các biện pháp khác để khắc phục.

Ngay sau khi có Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP, các bệnh viện đã tập trung triển khai các kế hoạch mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Điểm mới nổi bật của nghị định này là điều chỉnh các quy định giúp cho các doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc men thuận lợi hơn, nhất là kịp thời thông quan những thiết bị đang “án binh bất động” thời gian qua do những vướng mắc về cơ chế.

Với Nghị quyết 30/NQ-CP, bên cạnh sửa quy định về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, Chính phủ cho phép cơ sở y tế áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói trong năm 2023. Như vậy, mua các trang thiết bị y tế trước tiên phải lựa chọn được sản phẩm đạt yêu cầu về chuyên môn, sau đó mới đến giá thành để loại bỏ những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đánh giá, với hai văn bản này, đã giải quyết cơ bản việc thiếu trang thiết bị y tế hiện nay tại bệnh viện. Ngay khi được tháo gỡ, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hoá chất...

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với 95% số bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai là sử dụng thẻ bảo hiểm y tế nên những vướng mắc mà Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP tháo gỡ không chỉ cho bệnh viện, mà chính là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

“Tại Bệnh viện Bạch Mai từ sau 5/11/2022 đã phải dừng nhiều gói thầu, thì nay các gói thầu đã tiếp tục được triển khai và hy vọng sẽ được mở thầu trong một, hai tuần tới. Chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ đủ vật tư, hóa chất đáp ứng được nhu cầu của người bệnh”, PGS Cơ cho biết. Giám đốc Đào Xuân Cơ thông tin thêm, năm 2023, Bệnh viện Bạch Mai chuẩn bị các gói thầu cho khoảng 2.000 loại vật tư, hóa chất, nhưng chỉ 1/3 trong đó đạt đủ tiêu chí có ba báo giá. Với những quy định mới của Nghị quyết 30/NQ-CP, bệnh viện sẽ mua được đủ những trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết. Cùng với đó, bệnh viện tập trung rà soát tất cả các máy, thiết bị y tế được cho, tặng trong thời kì chống dịch COVID-19 để kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Cần sớm ban hành các nghị định, thông tư liên quan

Nhiều giám đốc bệnh viện đều nhìn nhận, Nghị quyết 30/NQ-CP là giải pháp tình thế, cấp bách bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ người bệnh, chứ không phải là văn bản pháp quy. Nghị quyết này chỉ áp dụng trong năm 2023. Do đó về lâu dài cần hoàn thiện hành lang pháp lí, từ việc sửa đổi các luật có liên quan đến xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để các bệnh viện có hành lang pháp lí chuẩn, chặt chẽ nhưng cũng tạo thuận lợi trong công tác quản lí, mua sắm trang thiết bị, vật tư phục người bệnh tốt nhất. Các bộ, ngành liên quan (Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính) cần thực hiện đúng tiến độ trong xây dựng các hướng dẫn mà Nghị quyết đã đưa ra.

Mặt khác, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, cho nên các nghị định, thông tư liên quan thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cần sớm được ban hành để các bệnh viện có căn cứ xây dựng phương án mua sắm kịp thời, đúng pháp luật.

Chia sẻ thêm với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Đào Xuân Cơ nói: Thiếu trang thiết bị, thuốc men phục vụ công tác khám, chữa bệnh chắc chắn là vấn đề cấp bách vì liên quan trực tiếp đến người bệnh. Các cơ quan tư pháp sẽ không bao giờ khởi tố, bắt bớ cán bộ không trục lợi, không có dấu hiệu tư lợi, làm vì phục vụ người bệnh, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Một nguyên tắc quan trọng mà các bệnh viện cần tuân thủ Luật Phòng, chống tham nhũng, đừng có tư lợi cho bản thân, không lợi dụng nghị quyết để trục lợi. Tôi không lo vướng vào pháp lí liên quan đến vấn đề mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư bằng việc thiếu thuốc, hóa chất, vật tư để phục vụ người bệnh”.

Cũng theo PGS Cơ, Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ đạo quán triệt các phòng ban chức năng, cá nhân tập thể, trong lúc vận dụng Nghị quyết 30 để sớm có vật tư, thiết bị y tế phục vụ người bệnh cần tuân thủ các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng. (Tiền phong, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 2: “Gỡ nút thắt trong mua bán thuốc, thiết bị y tế”.

 

Vụ ngộ độc tập thể ở Quảng Nam: Bệnh nhân ăn phải chất kịch độc

Với sự hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ nhiều kinh nghiệm tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), nguyên nhân vụ ngộ độc tập thể tại Quảng Nam đã nhanh chóng được xác định. Các bệnh nhân đã ăn món cá chép muối chua chứa chất kịch độc Botunium, dù đã có thuốc đặc trị nhưng dự báo gặp nhiều khó khăn.

Ngày 19/3, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, ngay sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn từ Quảng Nam, bệnh viện đã cử các bác sĩ đầu ngành về chống độc, hồi sức hỏa tốc lên đường mang theo thuốc hiếm hỗ trợ cứu chữa người bệnh. Ê kíp bác sĩ cùng chuyên gia đầu ngành là TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và BS CKII Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam từ ngày 18/3 và khẩn trương xác định nguyên nhân dẫn tới vụ ngộ độc cho ít nhất 9 bệnh nhân.

Các nạn nhân đầu tiên được ghi nhận vào ngày 16/3 gồm 5 người (3 nữ, 2 nam) ngụ tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Khai thác bệnh sử ghi nhận, cả 5 người cùng ăn món cá chép muối ủ chua ngày 15/3, sau ăn từ 12 giờ đến 24 giờ, tất cả đều có triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt, yếu dần tay chân. Sau 3 ngày điều trị, 1 bệnh nhân nữ 40 tuổi đã tử vong, 4 ca còn lại tình trạng hiện tại tạm ổn.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ (37 tuổi) ngụ tại xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn. Bệnh nhân ăn cá chép muối ủ chua ngày 14/3. Sau 1 ngày, bệnh nhân nôn ói nhiều, yếu dần tay chân, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam. Đến ngày 16/3, bệnh nhân suy hô hấp, hiện phải thở máy. Chùm ca bệnh còn lại gồm 3 người trong cùng gia đình (3 nam, 1 nữ), ngụ tại xã Phước Kiên, huyện Phước Sơn. Ngày 16/3, cả gia đình ăn cá chép muối ủ chua, đến 17/3, nôn ói nhiều, mệt, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Hiện có 2 bệnh nhân liệt tứ chi, suy hô hấp, phải thở máy, 2 bệnh nhân còn lại (1 bé trai 12 tuổi và 1 nữ 24 tuổi) mệt đừ, yếu nhẹ tứ chi, tự thở được.

Sau khi trực tiếp thăm khám bệnh nhân và làm việc với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam, các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy xác định có 3 chùm ca bệnh có đầy đủ các tiêu chuẩn về lâm sàng và dịch tễ của bệnh cảnh ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã đem theo 5 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum. Đây là một loại thuốc rất hiếm. Ba bệnh nhân nặng (1 nữ, 2 nam) đang thở máy được chỉ định dùng ngay thuốc giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum.

Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, độc tố Botulinum là chất kịch độc, khi đi vào cơ thể sẽ gây tổn thương làm mất đi sự “chỉ huy” của các dây thần kinh, đặc biệt thần kinh vận động và khiến các cơ bị liệt. Do đó, điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán đúng, sớm và sử dụng thuốc kháng độc tố càng sớm càng tốt để rút ngắn thời gian bị liệt, tránh phải thở máy kéo dài gây biến chứng. Phần lớn sức cơ của bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum cần thời gian phục hồi rất lâu.

Tối 18/3, kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện đã xác định Clostridium Botulinum type E (+) đúng với chẩn đoán ban đầu của ê kíp bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. (Tiền phong, trang 15).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Vụ ngộ độc Botulinum ở Quảng Nam: 2 bệnh nhân có cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc”; Tuổi trẻ, trang 14: “Vì sao thực phẩm ủ lâu ngày phát sinh độc tố Botulinum”; Công an Nhân dân, trang 7: “Nhiều vụ ngộ độc do ăn cá chép ủ chua, Quảng Nam khuyến cáo người dân”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang