Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/4/2016

  • |
T5g.org.vn - Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng; Trời nóng, bệnh nhân nhập viện gia tăng; Chưa thỏa "cơn khát" vaccine dịch vụ

Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng

TP - Thời tiết thay đổi, không khí ẩm tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển, tăng nguy cơ gây bệnh cho trẻ. Tuần qua, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư), tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mỗi ngày đến khám bệnh Tay-chân-miệng (TCM). Một số trẻ mắc bệnh nặng phải nhập viện điều trị.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, ngày 18/4, khoa tiếp nhận 7 bệnh nhân mắc TCM vào điều trị nội trú. Đây là những bệnh nhi mắc bệnh độ 2, sốt cao liên tục không hạ sốt được, trẻ co giật, giật mình… Trước đó vào giữa tháng 3, theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội thống kê, trong hơn 3 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 176 ca mắc TCM rải rác tại 19 quận, huyện, thị xã.

Những trẻ thể bệnh nhẹ thường được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà uống. Đây là bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa nên phần lớn trẻ mắc bệnh thường chủ yếu dưới 5 tuổi, nhiều nhất là nhóm trẻ 3 tuổi đang đi học mẫu giáo, mầm non. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn vì khả năng miễn dịch thấp. Có nhiều tuýp virus gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp khác nhau. Trong đó, EV71 là một chủng virus gây bệnh TCM nguy hiểm vì dễ biến chứng nặng- lưu hành ở phía nam phổ biến hơn phía bắc…

Bác sĩ Hải cho biết, trẻ mắc TCM thường diễn biến trong khoảng 7-10 ngày sẽ tự khỏi. Vì vậy những trẻ bệnh  nhẹ, có thể theo dõi, điều trị tại nhà để tránh lây chéo. Việc điều trị chủ yếu là giảm đau, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế vận động, vệ sinh răng miệng. Nếu trẻ sốt cao thì hạ sốt bằng paracetamol, cho trẻ ăn nhiều bữa, ăn lỏng, uống nhiều nước, không cần uống thuốc kháng sinh. Với các nốt ở ngoài chân, tay  không cần thiết phải bôi thuốc, chỉ rửa sạch bằng xà phòng vài ngày, nốt sẽ tự bay. Cha mẹ cần lưu ý không lau miệng cho trẻ vì động tác này vô tình chỉ làm vết loét nặng hơn, thậm chí có thể gây bội nhiễm vi khuẩn. 

Thời gian ủ bệnh thông thường từ khi nhiễm bệnh tới khi khởi phát triệu chứng là 3-7 ngày. Bệnh thường bắt đầu với các biểu hiện như sốt (kéo dài 24-48 giờ), chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng. Sau đó, khoảng 1-2 ngày, người bệnh xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, lợi và niêm mạc má.

Ngoài ra, bệnh nhân TCM còn bị phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ, đôi khi còn có hiện tượng rộp da. Phát ban thường nằm trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hoặc ở cơ quan sinh dục. Đặc biệt, người bị bệnh TCM có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có phát ban, loét miệng. Nhiều trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp, viêm cơ tim dẫn đến tử vong.

Nếu thấy trẻ giật mình chới với, sốt cao liên tục, đi đứng lảo đảo, ngồi không vững, run tay khi cầm vật dụng, yếu tay chân… cần  đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Dễ nhầm với bệnh khác

Đáng lưu ý, bệnh TCM trong giai đoạn khởi bệnh rất dễ nhầm với một số bệnh khác như: viêm da, thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm đường tiêu hóa, sốt virus, viêm màng não… Bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Để ngăn ngừa dịch bệnh này, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo cả người lớn và trẻ em phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát...

Đặc biệt, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Tiền phong (trang 6)

Trời nóng, bệnh nhân nhập viện gia tăng

(PL)- Bệnh hô hấp thường xảy ra vào mùa lạnh nhưng những ngày nắng nóng cao độ gần đây ghi nhận số ca nhập viện đang gia tăng.

Theo nghiên cứu, các bệnh liên quan đến hô hấp như viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp... thường xuất hiện ở trẻ em và người già khi bắt đầu vào mùa đông, thời tiết lạnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thời tiết nắng nóng như những ngày qua khiến số lượng trẻ mắc bệnh hô hấp có xu hướng gia tăng.

Bệnh theo quy luật?

Theo BS CK2 Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, các bệnh hô hấp tăng, giảm có tính quy luật. Đỉnh cao của bệnh hô hấp rơi vào thời gian từ tháng 8 đến tháng 11, sau đó có chiều hướng đi xuống đến tháng 4 lại bắt đầu tăng lên nhưng không nhiều như các tháng mùa đông. Đây được xem là một điểm lạ của bệnh hô hấp ở Việt Nam.

Tại khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 nhiều ngày nay, số lượng trẻ nhập viện tăng lên khá nhiều. Cụ thể tại BV Nhi đồng 2, bình thường trẻ đến khám và điều trị các bệnh hô hấp dao động tầm 60 trẻ thì những ngày gần đây con số có lúc lên đến gần 200 ca/ngày.

Chiều 18-4, tại khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, hai vợ chồng anh Lê Đức Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) trải chiếu cho con là bé Lê Hà Đức Anh (bốn tuổi) nằm dọc hành lang. Bé bị viêm tiểu phế quản nhập viện trong tình trạng nóng sốt hơn 39oC, quấy khóc. Anh Bình cho biết cả gia đình vừa đưa con đi du lịch tại Đà Nẵng, khi vừa về đến TP.HCM bé đã có dấu hiệu chán ăn, sốt cao nên gia đình đưa vào bệnh viện kiểm tra.

Tại BV Nhi đồng 2, gia đình anh Thạch Kim Thắng (Trà Vinh), có con bị viêm phổi, chia sẻ để con ngon giấc nên gia đình đã thuê người sửa phòng kín, lắp máy lạnh mini cho các con. Bé nhỏ hơn một tuổi ở nhà được cho nằm máy lạnh cả ngày, bé bảy tuổi thì ngoài giờ đi học, về nhà hay vào phòng máy lạnh học bài, chơi game...

Tại BV Thống Nhất TP.HCM, số lượng bệnh nhân cao tuổi đến điều trị tăng cao hơn so với tháng trước. Nhiều bệnh nhân bị các bệnh như tăng huyết áp, viêm phổi, viêm phế quản, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp... Ghi nhận đầu tháng 4 đã có 143 bệnh nhân đến điều trị bệnh tăng huyết áp, trong khi tổng cộng cả hai tháng 2 và 3 chỉ có 445 người. Số lượng bệnh nhân tới khám bệnh về hô hấp và xương khớp cũng tăng 10% so với đầu tháng 2 và 3.

ThS-BS Cao Văn Hội, BV Nguyễn Tri Phương cho biết sự thay đổi của thời tiết không chỉ là yếu tố làm gia tăng bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ mà còn thúc đẩy các bệnh cấp tính về hô hấp ở người lớn tuổi. Đối với người cao tuổi, do đặc điểm cơ thể nên khi mắc các bệnh về hô hấp thường không biểu hiện trên lâm sàng, điển hình như không sốt, ho ít, có khi chỉ húng hắng vài tiếng, nhiệt độ bình thường cũng sẽ không tăng như người trẻ. “Vì vậy khi bệnh diễn tiến đến một mức độ nặng và có biểu hiện như tổn thương phổi, suy hô hấp càng nguy hiểm thì người bệnh mới phát hiện và đi khám” - ông Hội nói.

Với thời tiết chuyển mùa trở nên gay gắt đặc biệt như ở TP.HCM vào thời điểm này, người lớn thường xuyên gặp các bệnh cơ hội như tăng huyết áp, đau nhức xương khớp... và các bệnh về hô hấp.

Tuy nhiên, để hạn chế gia tăng hô hấp vào mùa này BS Hội lưu ý đối với người cao tuổi, không nên hút thuốc lá và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc vì có thể gây viêm phổi nặng, đeo khẩu trang khi làm việc và ra ngoài (nhất là ra công viên hóng mát, đi dạo), hạn chế sử dụng máy lạnh và máy quạt, nên uống nhiều nước và uống đầy đủ cho hệ tuần hoàn cơ thể tốt.

Cần cảnh giác với máy lạnh

“Nếu nhận định bệnh hô hấp tăng do nắng nóng là hoàn toàn chủ quan và không có căn cứ, mà nắng nóng chỉ được xem là một tác nhân thời tiết dẫn đến bệnh hô hấp tăng cao vào mùa hè” - BS Trần Anh Tuấn nói. Theo BS Tuấn, một trong những nguyên nhân trẻ ở nước ta mắc hô hấp nhiều vào mùa hè là do tập quán sử dụng quạt máy, máy lạnh ở các gia đình không hợp lý, không đúng cách.

Việc cho trẻ nằm điều hòa nhiều giờ liền với nhiệt độ phòng chênh lệch nhiệt độ bên ngoài hơn 10oC, cho trẻ nằm máy lạnh hơn bốn giờ đồng hồ làm da trẻ khô, họng khô. Đưa trẻ vào phòng máy lạnh quá đột ngột khiến trẻ không thích nghi kịp với sự chênh lệch nhiệt độ dễ làm trẻ mệt mỏi và không ngoài khả năng mắc các bệnh hô hấp. Bên cạnh đó, để con được thoải mái ngủ ngon nhiều bậc cha mẹ hay để quạt thổi thẳng vào mặt các bé hàng giờ liền.

Đối với người lớn tuổi, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trong thời tiết nóng nực như hiện nay, nên cho uống đủ nước (1,5-2 lít), không đợi khát mới uống và không nên uống nước có gas, có cồn. Ngoài ra, người già chú ý chế độ ăn uống đầy đủ với nhiều rau xanh và hoa quả tươi, bữa ăn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng để phòng bệnh. Đại đa số bệnh hô hấp 70% là tự khỏi trong vòng 10 đến 14 ngày nếu người bệnh được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, 1/4 sẽ diễn tiến thành viêm phổi nên việc điều trị ở nhà cần phải được thực hiện tử tế, tránh biến chứng dẫn đến tử vong. Pháp luật TPHCM (trang 13)

Chưa thỏa "cơn khát" vaccine dịch vụ

ANTĐ - Trên 20.000 liều vaccine “5 trong 1” Pentaxim được tung ra trong hơn 3 tháng qua mới chỉ phần nào làm dịu bớt cơn “khát” loại vaccine dịch vụ này. Trong khi đó, nhiều loại vaccine dịch vụ khác vẫn trong tình trạng khan hiếm, hết hàng.

13.000 người đồng loạt đăng ký trong vài phút 

Sáng 19-4, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội đã tổ chức đăng ký dịch vụ tiêm chủng vaccine Pentaxim đợt 4 trực tuyến trên trang website chính thức của đơn vị là  http://www.ytdphanoi.gov.vn. Ở đợt này, TTYTDP Hà Nội được cấp 3.000 liều vaccine Pentaxim. Đúng 9h, website nhận đăng ký bắt đầu hoạt động nhưng tình trạng sập mạng, nghẽn mạng ngay lập tức xảy ra do lượng người truy cập cùng lúc quá đông.

Chị Nguyễn Hồng Tính (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, rút kinh nghiệm lần đăng ký không thành công đợt tiêm vaccine Pentaxim của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức hồi đầu tháng (ngày 7-4), lần này, chị nhờ thêm 5 người cùng ngồi túc trực bên máy tính để đăng ký. 

“Tôi và người thân cùng căng mắt nhìn đồng hồ đếm ngược trên website để có thể thao tác nhanh nhất ngay khi đến giờ đăng nhập, song đúng 9h sáng, thì trang chủ lập tức rơi vào trạng thái “treo”, rồi sau đó nổi dòng chữ “Không thể truy cập trang web này”. Tôi thoát ra vào lại hàng chục lần nhưng không sao vào đăng ký nổi. Trong 5 máy truy cập, duy nhất máy tính của chồng tôi vào được phần đăng ký, nhưng cuối cùng lại nhận được thông báo là đã hết số đăng ký” - chị Hồng Tính chia sẻ.

Trao đổi với Báo ANTĐ về vấn đề này, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết, vào 9h sáng 19-4, khi website nhận đăng ký của Trung tâm “mở cửa”, hệ thống cho biết, cùng thời điểm đó, có đến 13.000 người truy cập đăng ký. Số lượng quá lớn khiến tình trạng nghẽn mạng khó tránh khỏi. Chỉ sau ít phút “mở cửa”, 3.000 liều vaccine đã được đăng ký hết.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên nhân nghẽn mạng do nhu cầu tiêm chủng của người dân còn rất lớn, một phần do chính các phụ huynh “huy động” thêm người khác cùng vào đăng ký cho một trẻ. “Vì quá đông người truy cập, cơ hội đăng ký thành công của mỗi người sẽ giảm đi” - Giám đốc TTYTDP Hà Nội phân tích.

Sẽ có thêm nhiều đợt vaccine Pentaxim

Cũng trong ngày 19-4, bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Công ty Hồng Thúy - đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền vaccine dịch vụ Pentaxim tại miền Bắc cho biết, tình trạng khan hiếm vaccine Pentaxim có thể được cải thiện hơn trong thời gian tới do nguồn cung ứng vaccine này trên thế giới đã ổn định hơn.

Bà Đặng Hồng Thúy cho biết, vừa có thêm 5.000 liều Pentaxim mới được nhập về nước, đang trong giai đoạn kiểm định và dự kiến vài tuần tới sẽ cung cấp cho điểm tiêm chủng của TTYTDP Hà Nội. Công ty cũng khá chắc chắn về việc sẽ tiếp tục nhập thêm các lô vaccine Pentaxim khác về nước, trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh vaccine “5 trong 1” Pentaxim, tại một số điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn Hà Nội, nhiều loại vaccine dịch vụ khác cũng đang trong tình trạng khan hiếm hoặc hết hàng. Tại điểm tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ở 131 Lò Đúc, sau nhiều tháng hết hàng, vaccine phòng viêm não mô cầu đã có trở lại vài ngày gần đây.

Tuy nhiên các loại vaccine tổng hợp 3 trong 1 (Trimovac của Pháp, Prioris của Bỉ); vaccine 4 trong 1 (Tetraxim), vaccine 5 trong 1 (Pentaxim), vaccine 6 trong 1 (Infanrix Hexa) đều đang hết hàng. Loại vaccine khác đang có nhu cầu khá cao vào thời điểm này là vaccine cúm mùa (Vaxigrip, Influvac, Fluarix) cũng đang hết. Khi được hỏi, nhân viên tư vấn của trung tâm cho biết “chưa rõ bao giờ mới có trở lại”…

Tương tự, tại các điểm tiêm chủng của TTYTDP Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay, nhiều loại vaccine dịch vụ cũng đang hết hàng. Trước tình trạng này, các chuyên gia y tế dự phòng khuyến cáo, người dân nên chủ động đưa con đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh đúng lịch, tránh việc khi có dịch bệnh mới đổ dồn đi tiêm chủng khiến nhu cầu tiêm chủng tăng đột biến, tạo ra sự khan hiếm cục bộ một số loại vaccine dịch vụ. An ninh thủ đô (trang 6)

Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ ghép thận cho PV Hữu Bằng

Ngày 19-4, Văn phòng Bộ Y tế đã có văn bản gửi Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về trường hợp ghép thận của nhà báo Nguyễn Văn Bằng (bút danh Hữu Bằng, Phong Nhã, công tác tại Báo Long An).

Để nhiều tấm gương người tốt việc tốt của xã hội được tiếp tục nhân lên bởi nhà báo Nguyễn Văn Bằng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo giao Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chủ trì và phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân Nguyễn Văn Bằng được chăm sóc y tế tốt nhất trong điều kiện cho phép và làm đầu mối kêu gọi các tổ chức từ thiện xã hội ủng hộ, hỗ trợ kinh phí cho bệnh nhân được tiến hành ghép thận kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Y tế giao Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người điều phối để nhà báo - bệnh nhân Nguyễn Văn Bằng được ghép thận trong thời gian sớm nhất theo đúng quy định của pháp luật. Thanh niên (trang 5)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang