Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Xây nhà máy sản xuất thuốc ung thư tại Việt Nam; Hiệu quả từ bệnh viện vệ tinh Yên Bái; Gỡ khó giúp y tế biển, đảo phát triển; Từ 1-6, tăng viện phí với người không có thẻ BHYT; 12 giờ căng thẳng lấy 1/4 gan của mẹ ghép cho con; ...

 

Gỡ khó giúp y tế biển, đảo phát triển

Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, hơn 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm; có vùng nội thủy, lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích hơn một triệu km2... Việt Nam xác định kinh tế biển là mũi nhọn ưu tiên phát triển. Vì vậy, việc phát triển y tế biển, đảo nhằm vừa thực hiện chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, người lao động trên biển vừa bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” (Đề án 317) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo hành lang pháp lý để các bộ, ngành, địa phương đầu tư cho phát triển mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe lực lượng vũ trang và người lao động đang sinh sống, hoạt động trong vùng biển, đảo Việt Nam; giúp người dân an tâm làm ăn, sinh sống, bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua bốn năm triển khai Đề án, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Nhờ đó, các cơ sở khám, chữa bệnh trên các huyện đảo, xã đảo và ven bờ từng bước được cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giúp người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng hơn. Thống kê cho thấy, trên toàn tuyến biển, đảo các lực lượng dân y, quân y đã thực hiện cấp cứu, điều trị cho hàng chục nghìn lượt người bệnh; khám bệnh, phát thuốc điều trị cho hàng trăm nghìn người; phẫu thuật cho hàng nghìn trường hợp; tổ chức hàng chục chuyến bay trực thăng và chuyến tàu quân sự vận chuyển người bệnh an toàn về đất liền…

Chương trình “Cùng ngư dân bám biển” được cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế tích cực tham gia quyên góp mua tặng hàng nghìn tủ thuốc cho các nghiệp đoàn nghề cá đánh bắt xa bờ của các tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hải Phòng. Hàng loạt đề án đang được triển khai, từ việc luân chuyển cán bộ từ tuyến trên về giúp đỡ tuyến dưới theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” đến xây dựng “ngân hàng máu” trong cộng đồng dân cư trên các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc, Côn Đảo, Trường Sa... Từ năm 2015 đến nay Bệnh viện Bạch Mai tổ chức đào tạo, chuyển giao 17 gói kỹ thuật thiết yếu và chuyên sâu thuộc 11 chuyên ngành: cấp cứu, tiêu hóa, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần, thận tiết niệu, thận nhân tạo, hóa sinh, huyết học, chẩn đoán hình ảnh, nội soi tiêu hóa, dược, quản lý bệnh viện cho lực lượng Quân y Hải quân. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức đào tạo, cập nhật chuyên môn tại các đơn vị Quân y Hải quân, hỗ trợ Viện Y học Hải quân qua hệ thống trực tuyến; triển khai hỗ trợ phương tiện vận chuyển cấp cứu, trang thiết bị y tế cho Trung tâm y tế quân dân y huyện đảo Bạch Long Vĩ, huyện đảo Lý Sơn…

Thông qua kinh phí dự án “Kết hợp quân dân y” cũng bổ sung trang bị kỹ thuật số có thể kết nối hệ thống Telemedicine cho phòng mổ của trung tâm y tế quân dân y các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Phú Quý và xã đảo Thổ Châu và nhiều trang thiết bị y tế chăm sóc chuyên khoa cho các huyện, xã đảo. Hệ thống Telemedicine kết nối giữa huyện đảo Bạch Long Vĩ với Viện Y học biển và Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng, xử lý kịp thời một số ca bệnh hiểm nghèo.

Lực lượng quân y của các đơn vị quân đội và ngành y tế các địa phương đã triển khai tuyên truyền cho người dân biết tự bảo vệ sức khỏe mỗi khi ra khơi; tập huấn cho ngư dân biết cách phòng tránh bệnh tật và biết tự cấp cứu khi bị thương; biết trang bị và sử dụng thuốc điều trị thông thường trên biển; tổ chức và huấn luyện các đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng tăng cường ra biển… Đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân sống ở ven biển, trên các huyện đảo, xã đảo. Riêng các địa phương có huyện đảo đã quan tâm đầu tư nhân lực, trang thiết bị y tế, chế độ chính sách cho nhân viên y tế công tác tại các huyện đảo.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tạo sự chuyển biến rõ nét. Một số mục tiêu của đề án vẫn chưa được triển khai, trong khi thời gian thực hiện không còn nhiều. Điều đó đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực phấn đấu để triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Hiện nay, y tế ở các huyện đảo, xã đảo, các ngành kinh tế biển, lực lượng vận tải biển, lực lượng bảo vệ trên biển… mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là khi có thiên tai thảm họa và những tình huống đặc biệt xảy ra như tai nạn, những bệnh lý cấp tính… Các đơn vị chưa có các đội cơ động cấp cứu vận chuyển chuyên nghiệp trên biển; trang thiết bị chuyên dụng và thuốc thiết yếu thiếu; việc phổ cập kiến thức về y học biển cho lực lượng còn hạn chế; ý thức chủ quan, kiến thức tự bảo vệ sức khỏe của người lao động, ngư dân trên biển vẫn còn là một thách thức lớn đối với ngành y tế. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư riêng cho Đề án 317. Ngân sách đầu tư cho y tế biển, đảo thời gian qua còn dàn trải và chủ yếu từ nguồn ngân sách địa phương và các bộ, ngành cho nên chưa có nguồn lực thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Để triển khai được các nhiệm vụ, nội dung của Đề án giai đoạn 2017 - 2020, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển, đảo Phạm Lê Tuấn cho rằng cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành ở trung ương và chính quyền các địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền kế hoạch tổng thể, kế hoạch hằng năm và các dự án để triển khai. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức, điều phối hệ thống vận chuyển cấp cứu trên biển bằng các phương tiện do các địa phương, bộ, ngành quản lý; đề xuất chủ trương đầu tư đóng mới, hoán cải tàu biển hiện có để có đủ điều kiện cấp cứu, điều trị trên các tàu quân sự, cảnh sát biển; đầu tư cho một số cơ sở cấp cứu biển để thực hiện nhiệm vụ đề án đề ra. Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và UBQG Tìm kiếm cứu nạn xây dựng các phương án tổ chức, huy động phương tiện tàu thuyền, máy bay phục vụ công tác cấp cứu, cứu nạn trên biển; tăng cường công tác kết hợp quân dân y củng cố y tế cơ sở, xây dựng các cơ chế phối hợp liên ngành nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội.

ác bộ, ngành rà soát, xây dựng dự án nâng cao năng lực các trung tâm y tế để phục vụ y tế biển, đảo; chủ động tìm kiếm các nguồn vốn viện trợ, ODA… và bố trí ngân sách ưu tiên để triển khai các hoạt động của Đề án. Đối với các địa phương ven biển cần rà soát, kiện toàn kế hoạch triển khai thực hiện theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 317, bổ sung các dự án vào danh mục đầu tư công của địa phương và chủ động bố trí ngân sách từ nhiều nguồn để thực hiện. Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tăng cường kết hợp quân dân y trong củng cố y tế cơ sở, sẵn sàng đáp ứng các tình huống khẩn cấp, phòng, chống dịch bệnh và góp phần xây dựng thế trận phòng thủ trên đảo. (Nhân dân, trang 5)

 

Hiệu quả từ bệnh viện vệ tinh Yên Bái

Tháng 11-2016, UBND tỉnh Yên Bái ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ y tế toàn diện với Bệnh viện Bạch Mai, mở ra sự liên kết đặc biệt trong phát triển bệnh viện vệ tinh, giảm tải cho tuyến trên.

PGS, TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hơn 10 năm qua, chúng tôi đã luôn quan tâm, hỗ trợ ngành y tế tỉnh Yên Bái qua công tác chỉ đạo tuyến và triển khai các chương trình, dự án như: Dự án hợp tác với JICA, Đề án 1816, Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh miền núi phía bắc, Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng, Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015; các chương trình mục tiêu quốc gia như: chống viêm phổi tắc nghẽn, phòng chống tăng huyết áp… Bệnh viện cũng đã tổ chức gần 200 khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cơ bản và chuyên sâu cho hàng nghìn lượt cán bộ y tế của tỉnh Yên Bái tại Bệnh viện Bạch Mai và tại tỉnh Yên Bái. Hơn 100 chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã trực tiếp luân phiên, đồng cam cộng khổ cùng các y, bác sĩ tỉnh Yên Bái để nâng cao chất lượng công tác điều trị. Hàng chục nghìn người bệnh của tỉnh Yên Bái đã được các thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai khám, hội chẩn và điều trị ngay tại địa phương.

Thông qua hoạt động hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai, chất lượng khám, chữa bệnh tuyến tỉnh của Yên Bái đã có những bước phát triển tốt. Nhiều kỹ thuật mũi nhọn Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao đến nay đã được bệnh viện của tỉnh Yên Bái áp dụng hiệu quả, người dân được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tỉnh thay vì phải về Hà Nội.

Sau gần bốn năm thi công, với tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, tháng 9-2016, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái (quy mô 500 giường) đã đi vào hoạt động với 32 khoa, phòng với trang, thiết bị hiện đại đồng bộ. Tỉnh Yên Bái đã bổ sung một Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, thu hút tám bác sĩ chuyên khoa II, 48 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa I làm việc tại các khoa chức năng. UBND tỉnh có Đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh, theo đó các dược sĩ, bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi được tuyển thẳng vào vị trí theo yêu cầu; được hỗ trợ tiền nhà ở và một số ưu đãi khác. Hiện tại, Bệnh viện đa khoa tỉnh là vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Tim Hà Nội… Qua sự hỗ trợ nhiệt tình của tuyến T.Ư, đến nay đội ngũ cán bộ y tế Yên Bái từng bước làm chủ được các kỹ thuật cao, không phải chuyển người bệnh lên tuyến trên như trước.

Tại Khoa Hồi sức tích cực, chúng tôi gặp người bệnh Trần Văn Bích, 73 tuổi, trú tại xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình vừa được phẫu thuật thành công phình tách động mạch chủ bụng, một ca hiếm gặp nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong. Ông Bích cảm động nói: Người khỏe thì có rất nhiều điều ước, còn người bệnh như tôi có một điều ước duy nhất là sức khỏe. Tôi bị bệnh nặng, được mổ cấp cứu kịp thời, chứ chở ô-tô đi quãng đường gần 200 km về Hà Nội chắc gì còn được ngồi đây nói chuyện với các anh. Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm!

Nhờ chuyển giao kỹ thuật theo cách “cầm tay, chỉ việc” của các bác sĩ đầu ngành T.Ư, đến nay đội ngũ cán bộ y tế Yên Bái đã làm chủ được các phẫu thuật: nội soi tiết niệu, tán sỏi bằng la-de, thay khớp gối, khớp háng toàn phần; nội soi khớp gối, tái tạo dây chằng chéo; lọc máu liên tục và thay huyết tương trong hồi sức tích cực; chẩn đoán hình ảnh với 64 lớp cắt; máy cộng hưởng từ nhằm chẩn đoán các bệnh lý về cột sống, khối u mà trước đó phải chuyển tuyến... Từ tháng 4-2015, bệnh viện đã thành lập đơn vị đột quỵ thuộc Khoa Hồi sức tích cực. Bác sĩ điều trị Nguyễn Song Hào cho biết: Trước đây, khi chưa sử dụng những phương pháp mới trong điều trị đột quỵ thì tỷ lệ tử vong khoảng 40% và nếu sống cũng để lại di chứng nặng nề. Khi phương pháp mới được áp dụng, tỷ lệ tử vong giảm còn khoảng 10%, người bệnh được chữa trị kịp thời trong vòng ba giờ kể từ lúc phát bệnh và tổn thương mạch máu, điều đó cho thấy việc điều trị rất hiệu quả, người bệnh phục hồi gần như hoàn toàn. Ông Trần Văn Quyền, trú tại xã Yên Thành, huyện Yên Bình nhập viện trong tình trạng hôn mê, liệt tay phải, chân phải, kíp trực xác định có triệu chứng đột quỵ cấp khởi phát, đã nhanh chóng chỉ định cho người bệnh dùng thuốc tiêu sợi huyết. Nhờ cấp cứu kịp thời, nay ông Quyền đã cử động được tay chân phải, không để lại di chứng liệt não.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái Trần Lan Anh khẳng định: Cùng với việc nâng cao y đức và thái độ phục vụ người bệnh, bệnh viện xác định đào tạo con người đi đôi với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Hiện tại, bệnh viện có 77 cán bộ đang đi học dài hạn, 31 cán bộ đang đi học chuyên khoa sâu và chuyển giao kỹ thuật, tiếp tục hoàn thiện các trang, thiết bị hiện đại, hướng tới quý III-2017 được xếp hạng bệnh viện hạng một. Nhờ hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ bác sĩ tuyến trên, chúng tôi đã làm chủ được nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc. (Nhân dân, trang 5)

 

Từ 1-6, tăng viện phí với người không có thẻ BHYT

Từ ngày 1-6 tới, các cơ sở y tế trên cả nước sẽ bắt đầu áp dụng mức viện phí mới của hơn 1.900 dịch vụ y tế, với mức tăng khoảng 20-30%.

Theo Bộ Y tế, mức giá viện phí được điều chỉnh với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đợt này đã đưa phụ cấp đặc thù, tiền lương cũng như tính đủ các chi phí trực tiếp vào viện phí. Nói cách khác, người bệnh sẽ phải chi trả tiền lương cho y bác sĩ thông qua viện phí.

Mức tăng khá cao

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp. Theo đó, từ ngày 1-6 tới đây, các cơ sở y tế sẽ bắt đầu áp dụng mức viện phí mới của hơn 1.900 dịch vụ y tế.

Mức giá mới ở mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại Thông tư, bao gồm mức giá kiểm tra sức khỏe, dịch vụ ngày/giường điều trị, dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, mức tối đa khung giá quy định tại Thông tư này đã bao gồm các chi phí trực tiếp (như thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, chi phí điện nước, duy tu bảo dưỡng thiết bị…) cùng chi phí tiền lương, phụ cấp cho cán bộ y tế.

Với việc áp dụng mức giá tối đa trong khung giá của Thông tư trên, viện phí áp dụng với người không có BHYT sau khi được điều chỉnh từ 1-6 sẽ tương đương với giá mà Quỹ BHYT đang chi trả cho nhóm có BHYT theo các hạng bệnh viện hiện nay. Điều này cũng có nghĩa, bắt đầu từ 1-6 tới, viện phí áp dụng đối với người không có thẻ BHYT sẽ tăng khá mạnh.

Cụ thể, tiền khám tối đa (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 sẽ tăng từ 20.000 đồng/lượt hiện nay lên 39.000 đồng/lượt; ở bệnh viện hạng II tăng từ 15.000 - 35.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng III tăng từ 10.000 - 31.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng IV tăng từ 7.000 - 29.000 đồng/lượt.

Giá dịch vụ ngày/giường hồi sức tích cực/ghép tạng/ghép tủy… tại các bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 354.000 - 677.000 đồng/người; bệnh viện hạng II tăng từ 350.000 - 569.000 đồng. Giường bệnh nội khoa tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 99.000 - 215.000 đồng; giường bệnh các khoa xương khớp, da liễu, tai mũi họng, tai biến… tăng từ 89.000 - 192.000 đồng/người/ngày.

Ngoài ra, một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20- 30% so với mức giá hiện hành. Thông tư cũng bổ sung giá của 35 dịch vụ chưa được BHYT chi trả như: dịch vụ thẩm mỹ, thay răng giả, trợ thính, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ...

Khuyến khích người dân tham gia BHYT

Đối tượng áp dụng trong lần điều chỉnh này là những người dân chưa tham gia BHYT và những người có thẻ BHYT nhưng đi khám, chữa bệnh, sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, quy định mới không áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp do đơn vị sự nghiệp công vay vốn để đầu tư; cơ sở khám chữa bệnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-6-2017, tuy nhiên thời gian cụ thể mà các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chính thức áp dụng sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định (Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế do Bộ quyết định, các bệnh viện của địa phương do HĐND cấp tỉnh quyết định…). Tương tự, mức giá cụ thể của từng dịch vụ y tế cũng do cơ quan có thẩm quyền quyết định nhưng không được vượt quá mức giá tối đa khung giá của Thông tư.

Bộ Y tế cũng cho biết, ngoài việc hướng tới lộ trình tính đúng, tính đủ viện phí, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này còn tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT. Lý do vì người có BHYT không bị ảnh hưởng nhiều khi tăng viện phí do chi phí khám chữa bệnh của họ được Quỹ BHYT chi trả phần lớn, còn người không có BHYT sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn khi viện phí tăng vì họ phải tự trả tiền và lúc đó, người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia.

Tính đến thời điểm này, hơn 81% dân số cả nước đã tham gia BHYT, số chưa tham gia phần lớn là người có mức sống trung bình trở lên, thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện. (An ninh Thủ đô, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng trang 1: “Từ ngày 1-6, áp dụng giá viện phí mới người không có thể BHYT ”; Báo Lao động trang 2: “Từ 1.6: Sẽ áp sát giá trần viện phí mới đối với người không có thẻ BHYT”; Tiền phong trang 6: “Từ 1/6/2017: Tăng viện phí với người không có thẻ BHYT”

 

12 giờ căng thẳng lấy 1/4 gan của mẹ ghép cho con

Sau 12 tiếng ròng rã, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành về ghép gan của Việt Nam và Bỉ, ca ghép gan nhi thứ 11 tại BV Nhi đồng 2 đã cứu lấy mạng sống của cậu bé 10 tuổi.

GS-BS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn ca mổ, cho biết trường hợp được ghép gan lần này là cặp mẹ con Dương Gia Khiêm (10 tuổi - người nhận) và Phạm Thị Thủy (mẹ bệnh nhi - người cho), gia đình bệnh nhi ngụ tỉnh Bạc Liêu.

Đây là ca ghép gan lần thứ 11 và được xem là một ca ghép gan đặc biệt bởi cả người cho và người nhận gan đều có những bất thường về gan khó xử lý và dễ xảy ra biến chứng trong quá trình phẫu thuật.

Cụ thể, gan trái bà mẹ có hai động mạch gan, cực kỳ khó lấy và phức tạp. Trong quá trình ghép gan, nếu phải nối hai lần động mạch sẽ rất khó và vướng, do vậy việc bóc tách gan phải diễn ra thật kỹ. Ngoài ra, bệnh nhi nhận gan là bị tăng áp lực động mạch cửa khiến lá lách to bất thường làm cho tiểu cầu giảm thấp hơn so với người bình thường, khả năng đông máu thấp, việc đưa tiểu cầu vào cần phải cân nhắc chính xác từng chút một. Thêm vào đó, bé được phẫu thuật Kasai từ trước đó rất lâu khiến phần gan dính vào cơ hoành làm cho việc bóc tách rất lâu.

Về tình hình trước đó, bệnh nhi Dương Gia Khiêm được chẩn đoán teo đường mật đã phẫu thuật Kasai. Sau đó bé bị tiến triển xơ gan, nhiều lần xuất huyết phải nhập viện cấp cứu nên buộc phải phẫu thuật ghép gan càng sớm càng tốt.

BS Minh Ngọc - khoa Tiêu hóa, BV Nhi đồng 2 cho biết thêm: “BV đã cho cả bố và mẹ thử nhưng người bố không thể cho được vì gan khác không tốt bằng mẹ. Do đó chị Phạm Thị Thủy, mẹ bé sẽ là người cho gan trực tiếp. Sau một thời gian dài chuẩn bị, theo đúng trình tự ca mổ lâu nhất từ trước đến nay kéo dài 12 tiếng ròng rã. Êkip phẫu thuật đã tiến hành cắt 367 g gan trái của người mẹ để ghép thay thế cho phần gan bị xơ hóa của bệnh nhi. Tương đương 1/4 trọng lượng lá gan của mẹ bé Gia Khiêm để thay thế hoàn toàn phần gan của cháu bé”.

“Việc gây mê hồi sức, khâu nối các mạch máu ở bệnh nhi càng nhỏ tuổi càng phức tạp vì các bộ phận rất nhỏ, phải nối bằng vi phẫu, chỉ cần sơ sót nhỏ có thể dẫn đến nghẹt mạch. Ca mổ tiến hành thành công nhưng sáu ngày sau đó bé Gia Khiêm bị một biến chứng tràn dịch dưỡng cấp, đây là biến chứng được theo ghi nhận là xuất hiện lần thứ tư trên thế giới đối với những ca ghép gan. Thế nhưng may mắn bé đã được xử lý đúng cách” - GS Đông A kể lại.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành về ghép gan của Việt Nam và Bỉ, ca phẫu thuật đã thành công. Đến nay, người cho gan là mẹ cháu bé đã phục hồi tốt, xuất viện sau 10 ngày, còn bệnh nhi ghép gan sau gần ba tuần chăm sóc và điều trị đã hoàn toàn khỏe mạnh, ăn uống ngon miệng, xét nghiệm gan, các tế bào gan hoàn toàn bình thường và sẽ xuất viện trong tuần tới.

Được biết chỉ riêng tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM hiện nay có đến gần 200 trường hợp đang cần được ghép gan nhưng thiếu nguồn gan cho và điều kiện nên các bệnh nhi vẫn đang chờ đợi khá nhiều. Dự kiến, ca ghép gan thứ 12 tại BV Nhi đồng 2 sẽ sớm diễn ra vào tháng 11-2017. (Pháp luật TPHCM, trang 13)

 

BHYT không thanh toán một số loại thuốc, bệnh nhân kêu cứu

Nhiều người có con là bệnh nhi đang điều trị tại khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM đã bật khóc khi đọc thông báo của bệnh viện về việc tạm thời không thanh toán các thuốc Mycophenolate mofetil và Tacrolimus.

 “Ngày 17-4 cháu nhập viện, tôi mới biết bệnh viện không cấp thuốc Mycophenolate mofetil nữa. Bây giờ không được bảo hiểm hỗ trợ 80% tiền thuốc, tôi không biết phải làm sao! - Ông Lê Văn Sử (41 tuổi, Kiên Giang)

Đây là những loại thuốc được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán 80% trước đó, nay không thanh toán nữa. Không chỉ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và với hai loại thuốc trên, mà nhiều bệnh viện khác và một số loại thuốc khác cũng vậy.

Phải tự thanh toán

Tại một phòng bệnh, chị Nguyễn Thị Xuân Nương (Tiền Giang) bần thần khi đọc thông báo của bệnh viện.

Con chị Nương là bé Nguyễn Thị Kiều Xuân (10 tuổi) bị bệnh lupus ban đỏ, hiện đã gây tổn thương thận và máu. Bé Xuân điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 được 6 tháng.

Mỗi tháng một lần con chị phải nhập viện khám, làm các xét nghiệm kiểm tra và lãnh thuốc về uống.

Nay với thông báo này, con chị không được dùng thuốc trên nữa mà phải tự thanh toán khi sử dụng. Chị thuộc diện khó khăn.

“Mỗi ngày con tôi phải uống 5 viên Mycophenolate mofetil (28.000 đồng/viên) đã hết 140.000 đồng. Trước đây, mỗi tháng tôi chỉ đóng hơn 800.000 đồng chi trả tiền thuốc. Nay BHYT không phụ tiền thuốc, tôi không biết làm sao mua nổi thuốc cho con. Bác sĩ nói không mua thuốc này uống, con tôi sẽ nguy hiểm tính mạng” - chị Nương nói rồi ôm con khóc.

Tương tự, ông Lê Văn Sử (41 tuổi, Kiên Giang) - cha bệnh nhi Lê Thị Hồng Thiết (14 tuổi) - cho biết khi đọc thông báo của bệnh viện ông “rầu muốn chết”.

Con ông phát bệnh lupus ban đỏ cuối năm 2016 và được chuyển BHYT lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị mấy tháng nay.

“Ngày 17-4 cháu nhập viện, tôi mới biết bệnh viện không cấp thuốc Mycophenolate mofetil nữa. Bây giờ không được bảo hiểm hỗ trợ 80% tiền thuốc, tôi không biết phải làm sao” - ông Sử trầm ngâm.

Chị Nguyễn Thị Kim Phương (Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng có con bị hội chứng thận hư cả chục năm nay. Mỗi ngày con của chị phải uống 8 viên Tacrolimus (54.000 đồng/viên) và 6 viên Mycophenolate mofetil (28.000 đồng/viên).

“Hôm nay đưa con đến bệnh viện tôi mới biết các thuốc này phải tự mua hết. Nếu không được BHYT chi trả, tôi kiếm đâu ra mỗi tháng 18 triệu đồng mua thuốc cho con...” - chị Phương nghẹn ngào.

Nguy cơ bệnh nặng thêm

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện đang theo dõi điều trị khoảng 1.000 bệnh nhi bị hội chứng thận hư, trong đó có 250-300 bệnh nhi cần sử dụng phối hợp hai loại thuốc trên.

Ngoài ra, bệnh viện còn theo dõi điều trị gần 200 bệnh nhi bị lupus ban đỏ, trong đó có 80% cần điều trị hai thuốc nói trên.

Theo một bác sĩ, nhiều bệnh nhi bị bệnh lupus ban đỏ, hội chứng thận hư khi đã kháng thuốc Prednisolon nếu được điều trị phối hợp bằng thuốc Mycophenolate mofetil hoặc Tacrolimus sẽ giúp kìm hãm bệnh.

Nếu không có khả năng mua thuốc điều trị, bệnh nhi sẽ diễn tiến sang suy thận và nhiều cơ quan khác, tử vong sớm.

“Chúng tôi không thể giải thích được với thân nhân vì vô lý quá và họ cũng không chấp nhận giải thích này. Đây là mạng sống của bệnh nhi và chúng tôi phải nói thật là bệnh sẽ nặng thêm, nguy cơ tử vong là có nếu không sử dụng thuốc này cho con họ” - một bác sĩ nói.

Theo các bác sĩ, tùy theo cân nặng, một bé bị lupus ban đỏ, hội chứng thận hư phải sử dụng một hoặc cả hai loại thuốc nói trên với chi phí trung bình 3-6 triệu đồng/tháng.

Với bệnh nặng hơn, tiền thuốc rất cao. Nay không có BHYT chi trả sẽ làm một số gia đình có con em mắc bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc quỹ BHYT không thanh toán hai loại thuốc nói trên không chỉ xảy ra tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và không chỉ hai loại thuốc này.

Vướng mắc xuất phát từ quy định của thông tư 40/2014/BYT của Bộ Y tế có điều khoản quy định: “Quỹ BHYT không thanh toán đối với trường hợp: sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được duyệt”.

Cũng vì vướng mắc này, Bệnh viện Chợ Rẫy từng gửi công văn đến Bộ Y tế đề nghị giải quyết vướng mắc trong thanh toán thuốc BHYT đối với trường hợp bác sĩ chỉ định điều trị cho bệnh nhân theo đúng hướng dẫn điều trị (của Bộ Y tế, bệnh viện, tài liệu y khoa) nhưng không có trong nội dung chỉ định của tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, Bộ Y tế trả lời cho các sở y tế, bệnh viện trên cả nước là đang rà soát, sửa đổi, bổ sung thông tư 40.

Trong thời gian chờ sửa đổi quy định, Bộ Y tế hướng dẫn giải quyết thanh toán đối với những thuốc đã sử dụng tới thời điểm ban hành công văn này (ngày 26-9-2016). Đối với những thuốc chưa sử dụng phải thực hiện đúng hướng dẫn của 
thông tư 40.

Tuy nhiên, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn không được thanh toán lại tiền thuốc đã sử dụng cho bệnh nhân vì Bảo hiểm xã hội VN có công văn chỉ đạo vẫn thực hiện thanh toán đúng theo quy định của thông tư 40 của Bộ Y tế.

Ngày 28-11-2016, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục gửi công văn đến Bộ Y tế đề nghị giải quyết vướng mắc nhưng đến nay chưa được trả lời.

Từ thực tế này, ngày 5-4 Bệnh viện Nhi Đồng 1 gửi thông báo đến các cơ quan chức năng tại TP.HCM nói rõ trong khi chờ ý kiến của Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TP, bệnh viện sẽ tạm thời thu phí các thuốc trên đối với bệnh nhân BHYT kể từ ngày 10-4.

Thông báo cũng nói rằng: căn cứ theo các sách giáo khoa chuyên ngành cũng như các “Hướng dẫn điều trị chuẩn” trên thế giới, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang sử dụng một số thuốc điều hòa miễn dịch (Tacrolimus, Mycophenolate...) để điều trị hội chứng thận hư kháng thuốc, lupus ban đỏ cho bệnh nhi. Các chỉ định này có trong phác đồ điều trị của bệnh viện được Sở Y tế TP.HCM phê duyệt.

Do đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đề nghị Sở Y tế TP kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi thông tư 40. Đồng thời đề nghị Bảo hiểm xã hội TP thanh toán BHYT đối với các loại thuốc mà chỉ định đã được ghi rõ trong phác đồ điều trị của bệnh viện hoặc trong các “Hướng dẫn điều trị chuẩn” trên thế giới, ngay cả khi các chỉ định này không có trong hồ sơ đăng ký thuốc của nhà sản xuất. (Tuổi trẻ,  trang 5)

 

Thiếu bảo hiểm y tế, bệnh nặng dễ đổ nợ

Từ ngày 1.6, giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với người bệnh tự chi trả sẽ tăng, nên nhiều người vì không mua bảo hiểm y tế, mà không may lâm bệnh nặng, chi phí chữa trị cao, nguy cơ bỏ điều trị.

“Khoa còn khoảng 25% số bệnh nhân không có bảo hiểm y tế (BHYT), họ là người ở ranh giới giữa nghèo và cận nghèo. Nếu không có BHYT, gia đình không có tiền tích lũy, chỉ cần một người ốm nặng, có những trường hợp phải bán cả nhà mà không đủ chi phí điều trị”, GS Bình nói.

Có trường hợp chi trả hơn 1 tỉ đồng

Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, nhiều ca bệnh chi phí rất lớn, mới đây có bệnh nhân điều trị tại BV Bạch Mai được BHYT chi trả hơn 1 tỉ đồng. Hoặc các chi phí điều trị các bệnh lớn, lâu dài: ung thư với chi phí hàng chục triệu đồng/đợt điều trị; hàng trăm triệu đồng/năm cũng được BHYT chi trả. Tham gia BHYT hỗ trợ cho bệnh nhân khi đau ốm, nhất là bệnh nặng.

 “Hồi còn khỏe không nghĩ đến BHYT”

Trong khi đó, ngay cả khi giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa tăng lên, thì không ít người dân vì thiếu BHYT nên rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn nếu lâm bệnh nặng.

Sau gần một tháng điều trị ngộ độc nấm tại Trung tâm chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội), hai vợ chồng ông bà H.T.C và C.V.M (ở Chi Lăng, Lạng Sơn) vừa ra viện.

Tổng chi phí điều trị của hai người gần 400 triệu đồng nhưng cả 2 ông bà đều không có BHYT. BV phải kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.

“Giá như gia đình tôi tham gia BHYT thì đâu đến nỗi. Vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của BV và những tấm lòng gần xa đã ủng hộ. Giờ tôi mới thấy sự cần thiết của BHYT”, con gái 2 bệnh nhân bày tỏ.

Bác sĩ Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội (BV Bạch Mai, Hà Nội), cho biết mới đây cũng kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ cho các bệnh nhân không có BHYT. Đó là bệnh nhân H.T.Đ (23 tuổi, quê Thanh Hóa) đang mang thai 29 tuần vào viện do suy hô hấp, viêm phổi do cúm A. Việc áp dụng các kỹ thuật cao, lọc máu sử dụng kháng sinh mạnh… tiêu tốn mỗi ngày đến 50 triệu đồng. Đây là khoản chi quá lớn với gia đình thuần nông, 2 vợ chồng làm nghề tự do như chị Đ.”, bác sĩ Bích Mận chia sẻ.

Đang điều trị ung thư cổ tử cung tại Khoa Xạ 2 BV Ung bướu TP.HCM, bà Lê Thị Thu Thảo (43 tuổi, quê Bình Dương) lo lắng vì tiền đã cạn. Từ khi nhập viện (tháng 12.2016) đến giữa tháng 4, bà đã chi hơn 32 triệu đồng (trong đó 22 triệu đồng vừa tạm ứng để xạ trị). Bà không mua BHYT. Bà Thảo lo lắng vì chi phí điều trị về lâu dài không biết sẽ xoay xở thế nào. “Hồi còn khỏe không nghĩ đến BHYT, đùng một cái bị bệnh nhanh quá”, bà Thảo nói.

Tháng 2.2017, bà Trần Thị Phượng (43 tuổi, quê An Giang) vào BV Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị do bệnh tim nặng. Tiền bà dành dụm và con cái gom hết được 141 triệu đồng nhưng vẫn không đủ trả tiền viện phí, do bà không có BHYT. Bệnh nhân cầu cứu Phòng Công tác xã hội BV. Sau khi xem xét, phòng này đã hỗ trợ 35 triệu đồng để bà Phượng trả viện phí. Bà Nguyễn Thị Hương mắc bệnh tim mạch nặng vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy, phải mổ cấp cứu. Do nghề nghiệp không ổn định, gia cảnh khó khăn nên bà vét sạch cũng chỉ có 41 triệu đồng, trong khi viện phí cho đợt can thiệp này để cứu tính mạng bà lên đến 63 triệu đồng. Bà không có BHYT. Phòng Công tác xã hội BV cũng đã hỗ trợ cho bà 21 triệu đồng để bà an tâm điều trị. Bà Hương “hứa” xuất viện, về nhà bà sẽ mua BHYT thủ thân. Giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị

Ở BV Ung bướu TP.HCM, trường hợp như bà Thảo là không hiếm. Theo thống kê của BV, trước đây số người có BHYT đến BV điều trị nội trú là 65%, hiện giảm còn 51 - 52%. Còn ngoại trú thì số bệnh nhân sử dụng BHYT chỉ 32%.

 “Ở khu khám bệnh ngoại trú, bệnh nhân đi trái tuyến không được hưởng BHYT nên con số 68% không BHYT là dễ hiểu. Theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, qua phân tích của BV cho thấy 80% viện phí thu từ 51 - 52% bệnh nhân có BHYT; 20% viện phí còn lại là từ số người không có BHYT. Điều này cho thấy bệnh nhân có BHYT điều trị đầy đủ hơn, còn người không có BHYT tỷ lệ bỏ điều trị cao hơn. Vì bệnh ung thư có người điều trị 200 - 300 triệu đồng là bình thường.

Để giải quyết cho người không có thẻ BHYT khó khăn trong điều trị, BV Ung bướu TP.HCM mỗi năm trích khoảng 8 tỉ đồng từ các quỹ xã hội để hỗ trợ cho hàng ngàn lượt bệnh nhân vô thuốc, đồng thời còn hỗ trợ tiền tàu xe, cơm cháo… Bà Trần Thị Phượng (43 tuổi, An Giang) lúc nằm viện được Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy “làm tư tưởng” để bà mua BHYT. Trước khi xuất viện bà đã photocopy thẻ BHYT gửi BV để chứng minh là mình đã hiểu và mua BHYT. Theo ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy, cho biết: “Nếu bệnh nhân Phượng mua BHYT trước đó thì được BHYT chi trả lên đến cả trăm triệu đồng”.

Bảo hiểm y tế được xem là "bùa hộ mệnh" cho bệnh nhân nghèo và bệnh nhân cần điều trị lâu dài, chi phí cao

“Ở Khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình BV Chợ Rẫy, bệnh nhân thường có hoàn cảnh rất khó khăn, do vậy, BV đưa ra chương trình vận động là phải làm sao 100% số bệnh nhân không BHYT đến BV phải mua BHYT, nói cho bệnh nhân biết tính ưu việt của BHYT. Với người không có điều kiện thì BV kêu gọi nhà hảo tâm mua giúp, có gia đình được nhà hảo tâm mua BHYT cho cả 5 người. Có bệnh nhân được tư vấn vẫn không mua, BV dọa “không mua sẽ không hỗ trợ viện phí” thì họ mới mua”, ông Hiển cho biết.

Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K (Hà Nội), BHYT đã giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội điều trị bởi chi phí điều trị ung thư rất lớn. Nhiều trường hợp phải bán tài sản, bán nhà để chữa bệnh nếu không có BHYT. Vừa qua đợt điều trị ung thư đại tràng tại BV K (Hà Nội), ông N.Q.M (43 tuổi, ở Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay vợ chồng ông mua BHYT được gần một năm thì phát hiện bệnh. “Đợt điều trị tốn hơn 40 triệu đồng, may mà có BHYT, nếu không thì phải vay nợ để chi trả bởi chúng tôi không có tiền”, ông M. nói. (Thanh niên, trang 1)

 

Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu của 7 bệnh ung thư

Rượu bia là chất gây ra các bệnh ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Những người uống càng nhiều thì nguy cơ ung thư càng tăng.

Đó là thông tin được đưa ra tại Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra tại hội thảo về phòng, chống tác hại của rượu bia và ung thư do Cục Y tế dự phòng phối hợp với Viện Nghiên cứu ung thư tổ chức ngày 19-4, tại Hà Nội.

TS. Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết một kết quả điều tra của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam có khoảng 77,3% nam giới và 11% nữ giới sử dụng rượu bia. Trong đó, có 44,2% số nam giới và 1,2% nữ giới uống ở mức nguy hại. Mà Ethanol trong rượu bia là chất gây ung thư đối với người.

Rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các loại bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh ung thư. Sự phát triển ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 năm trở đi, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu.

TS. Nguyễn Thanh Hương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư cho hay, mỗi năm ước tính Việt Nam có 100.000-150.000 trường hợp mới mắc và khoảng 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ có gần 200.000 ca ung thư mắc mới. Có nhiều nhóm gây ra các bệnh ung thư, trong đó,  có nhóm tác nhân liên quan tới ăn uống uống rượu, bia, chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm là một nhóm được đặc biệt lưu ý.

Bên cạnh đó là các nhóm khác như các tác nhân hóa học là khói thuốc lá, hoá chất bảo vệ thực vật, chất độc màu da cam (dioxin), hoá chất sử dụng trong công nghiệp; các tác nhân vật lý là tia X, tia cực tím; nhóm các tác nhân sinh học đó là nhiễm virus Epstein-Barr, virus viêm gan B, virus gây u nhú ở người (HPV); nhóm nguy cơ liên quan đến lối sống như ít vận động thể lực và nhóm yếu tố liên quan đến con người như tuổi, giới tính, gen đi truyền

Theo TS. Lê Đình Tùng, Bộ môn Sinh lý học-Trường Đại học Y Hà Nội, kết quả các cuộc điều tra về sức khỏe cho thấy tỷ lệ phụ nữ uống rượu ngày một tăng. Phụ nữ càng có học và giàu có càng dễ tiêm nhiễm. Con của những người nghiện rượu có khả năng nghiện rượu cao gấp 3-4 lần so với những đứa trẻ khác.

Số người mắc ung thư điều trị tại BV K đang ngày càng nhiều

Nguy cơ bệnh ung thư do rượu ở Việt Nam là rất lớn, bởi TS. Trương Đình Bắc cho biết: lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam hiện đang cao nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Tổng lượng rượu tiêu thụ tại Việt Nam mỗi năm là 200 triệu lít và hơn 3 tỷ lít bia.

Rượu bia được buôn bán rất dễ dàng, giá rẻ, dễ mua ai cũng có thể mua và mua ở bất kỳ ở thời gian nào trong ngày... Trong khi nhận thức tác hại của rượu bia đối với sức khỏe của con người chưa cao, dẫn tới nguy cơ bệnh tật và mất khả năng kiểm soát.

Đặc biệt, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu bia trước tuổi 15 thì có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người 21 tuổi mới uống như: Khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần; khả năng tham gia bạo lực sau khi uống cao gấp 6 lần; khả năng tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp hơn 6 lần; khả năng bị chấn thương cao gấp gần 5 lần…

Bộ Y tế khuyến cáo để giảm nguy cơ mắc ung thư và các bệnh liên quan khác, mọi người không nên uống rượu bia, hoặc nếu có uống thì nên giới hạn mức độ uống. Cũng không uống rượu bia khi đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên uống rượu bia vì có thể gây hại cho bào thai và cho trẻ bú mẹ. (Công an Nhân dân, trang 6)

 

Xây nhà máy sản xuất thuốc ung thư tại Việt Nam

Đó là thông tin được ông Nguyễn Đức Chi- Chủ tịch HĐTV- Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết tại buổi họp thông báo kết quả kinh doanh quí 1/2017 của đơn vị này.

Theo ông Chi, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ ưu tiên đầu tư lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh, vừa qua SCIC đã đầu tư vào bệnh viện K. Cụ thể, SCIC  và Bệnh viện K cùng Công ty cổ phần Đầu tư Y Tế Việt Mỹ đã ký Thỏa thuận hợp tác đầu tư trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.

Còn tới đây, đại diện SCIC cho hay đang tiến hành lập dự án đầu tư nhà máy sản xuất thuốc đặc trị điều trị ung thư. “Lĩnh vực khám chữa bệnh dược phẩm là SCIC ưu tiên tìm kiếm đầu tư.  Chúng tôi mong muốn cơ hội này sẽ xây  được doanh nghiệp của Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất thuốc chữa ung thư cho người Việt với chi phí, hiệu quả nhất”, người đứng đầu SCIC nói.

Về lộ trình hiện SCIC đã tiến hành đầu tư, thành lập  doanh nghiệp và đang bàn về chuyển giao công nghệ, xây dựng dự án khả thi để xây nhà máy.

“SCIC đã có hướng làm việc với 1 số đối tác uy tín nước ngoài để chuyển giao công nghệ tây dược từ châu Âu, từ đối tác Đức và Tây Ban Nha. Về chi phí giá thuốc con số cụ thể đang nằm trong nghiên cứu khả thi do công  ty đó xây dựng với chuyên gia, nhà tư vấn. Nhưng chắc chắn, chi phí tiền thuốc của người bệnh sẽ rẻ, thấp hơn hiện nay nhiều”, đại diện SCIC khẳng định.

Cũng theo đại diện SCIC, đầu tư vào lĩnh vực y tế cũng là định hướng của Chính phủ trong việc xã hội hoá y tế, giáo dục thời gian tới. “SCIC chỉ cần thu hồi vốn và có lợi nhuận nhỏ, còn mong muốn lớn nhất của chúng tôi là SCIC được góp phần vào phát triển hạ tầng, khám chữa bệnh cho người Việt Nam.” , ông Chi nói.

Thống kê mỗi năm có 126.000 ca mắc ung thư, trên cả nước có 6 trung tâm khám chữa bệnh ung thư nhưng vẫn quá tải. (Tiền phong, trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang