Không để các dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, lây lan
Với mục tiêu giảm số ca mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm; hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát, lây lan dịch tại cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, nâng cao năng lực giám sát, chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm, nhất là với những người mắc Covid-19...
Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 25.490 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hai lần so với cùng kỳ năm 2022), có ba ca tử vong. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, An Giang, Ðồng Nai, Ðà Nẵng, Khánh Hòa... Ðối với dịch Covid-19, từ đầu tháng 4 đến nay, số ca mắc mới đang gia tăng, nhất là tại khu vực phía bắc, nơi thời tiết đang giao mùa.
Cụ thể trong bảy ngày (từ ngày 5 đến 11/4), cả nước ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình 90 ca mắc mới mỗi ngày thì đến tuần từ ngày 13 đến 19/4, cả nước ghi nhận 7.480 ca mắc mới, trung bình mỗi ngày có 1.068 ca mắc... Tuy nhiên, dịch Covid-19 ở nước ta vẫn đang được kiểm soát, dịch vẫn đang ở cấp độ một (mầu xanh). Các chùm ca bệnh tại Lào Cai, Hà Nội đều được xử lý kịp thời, không còn lan rộng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu hiện nay được dự báo vẫn diễn biến khó lường. Dịch Covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới.
Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi khác tiếp tục xuất hiện và lây lan, như cúm A (H5N1) tại Campuchia, bệnh Marburg tại khu vực châu Phi... nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; một số bệnh truyền nhiễm khác như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi…, các bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc-xin cũng có nguy cơ gia tăng. Trong khi đó, còn tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu chủ động, quyết liệt xảy ra tại một số nơi, một số thời điểm...
Theo đánh giá của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay, dịch bệnh diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh tiếp tục biến đổi, xuất hiện; xu hướng dịch bệnh khó dự báo. Ðáng lo ngại, qua ba năm có dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng chưa đạt được như mong muốn; số trẻ em chưa được tiêm chủng đủ liều vắc-xin còn cao, khả năng miễn dịch giảm theo thời gian...
Ðể thực hiện được mục tiêu giảm số ca mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm, Covid-19, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch và góp phần quan trọng trong việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Bộ Y tế đề nghị các địa phương nhanh chóng xây dựng, tham mưu, trình ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, trên cơ sở phù hợp, cụ thể của địa phương mình theo nội dung hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là dịch Covid-19 để sớm có quyết định phê duyệt kinh phí phục vụ công tác này.
Ðể thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh mắc Covid-19, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương, đơn vị rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 theo nguyên tắc 4 tại chỗ; phân công số giường bệnh điều trị cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị khi dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp.
Mặt khác, chủ động nâng cao năng lực điều trị, chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tại các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như: phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,…), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…
Các địa phương tiếp tục tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm nguy cơ cao và trẻ em. Sau khi nhận được nguồn vắc-xin được cấp từ Trung ương, các địa phương cần triển khai tiêm ngay và cố gắng theo đúng tiến độ và tỷ lệ đề ra. Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cần tiếp thu ý kiến, sớm có hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong vấn đề tự chủ, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vắc-xin… để bảo đảm hậu cần, vật tư cho công tác tiêm chủng, phòng, chống dịch. Chính quyền các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp ngành y tế tăng cường công tác kiểm dịch y tế, theo dõi, giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn nêu rõ: Hiệu quả của vắc-xin đã giảm dần theo thời gian và ngay cả người đã tiêm đủ các mũi vẫn có thể nhiễm bệnh, do vậy, các bệnh viện, cơ sở y tế cần sớm tiến hành rà soát để có đề xuất mua vắc-xin phòng Covid-19 kịp thời; tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh, nhất là đối với người cao tuổi và có bệnh nền; khuyến cáo người dân tiêm đủ các mũi vắc-xin; những ca bệnh nhẹ triển khai cách ly tại nhà, nhập viện điều trị với các ca nặng.
Mặt khác, tập trung truyền thông, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch Covid-19, các bệnh truyền nhiễm, thông tin về hiệu quả của vắc-xin, khuyến khích người dân tiêm chủng đầy đủ, nhất là tổ chức các chiến dịch truyền thông cao điểm tuyên truyền phòng, chống dịch theo đặc thù của từng dịch bệnh. Ðối với Covid-19, người dân cần thực hiện tốt khuyến cáo "2K" (khẩu trang và khử khuẩn) của ngành y tế đưa ra. Người dân khi đến các bệnh viện, khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, nơi đông người cần đeo khẩu trang và khử khuẩn để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng hiệu quả. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Hà Nội quyết không để dịch Covid-19 bùng phát trở lại”.
Ca bệnh tăng nhanh, các tỉnh phía Nam: Kích hoạt hệ thống phòng chống dịch
Nhiều ổ dịch COVID-19 đã được ghi nhận tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu với hàng chục trường hợp nhiễm bệnh. Số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh, thành phía Nam đang có xu hướng gia tăng nhanh, ngành y tế các địa phương đã kích hoạt hệ thống chống dịch, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất.
Bình Dương xuất hiện ổ dịch
Ngày 19/4, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết, trong ngày 18/4 địa phương ghi nhận 20 ca mắc COVID-19, trong số này có chùm 15 ca được phát hiện trong Cty Cổ phần Đào tạo bóng đá trẻ Bình Dương và 5 ca đi du lịch về. Theo ông Chín, đây là ngày có số ca mắc tăng đột biến kể từ sau đợt dịch lần thứ 4 và từ đầu năm đến nay.
Trước đó, 3 học viên bóng đá trẻ Bình Dương lưu trú tại khu ký túc xá có triệu chứng sốt, ho, đau họng và test nhanh có kết quả dương tính. Ngành y tế Bình Dương đã đến lấy thông tin, xác minh các ca bệnh, test nhanh 82 trường hợp tiếp xúc gần và phát hiện thêm 12 ca dương tính. Chùm 15 ca mắc COVID-19 đang vừa là học viên bóng đá vừa là học sinh trường THCS Hòa Lợi (thị xã Bến Cát, Bình Dương). Hiện nay, các ca mắc COVID-19 đang được theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TPHCM để chủ động phát hiện sớm biến chủng mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh đã ban hành công văn khẩn về tăng cường phòng, chống dịch. Theo Ban chỉ đạo tỉnh Bình Dương, hiện Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, dịch bệnh trong nước có xu hướng gia tăng và tại Bình Dương đã ghi nhận khoảng 30 ca từ đầu năm đến nay. Quyết không để dịch bùng phát trở lại, Ban Chỉ đạo yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở khám, chữa bệnh tại Bình Dương kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch.
Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Dương nhấn mạnh đến công tác tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân, nhất là đối với nhóm có nguy cơ cao. Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 cho người dân. Bình Dương bố trí trang thiết bị, nhân sự tổ chức tiêm vắc xin cho người dân các ngày thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần tại trung tâm y tế xã, phường, Trung tâm kiểm soát bệnh tật.
Bà Rịa - Vũng Tàu chùm ca bệnh “nóng thêm”
Ngày 19/4, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, chùm ca mắc COVID-19 tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (cơ sở 2 tại huyện Long Điền) đã tăng thêm 3 ca mới so với tổng số 27 ca đã phát hiện trong ngày 14/4. Cả 3 trường hợp này đều là nhân viên của trung tâm và không có triệu chứng. Như vậy, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ghi nhận 30 ca bệnh, gồm 26 cụ già và 4 nhân viên cùng 26 trường hợp F1. Tất cả đều trong trạng thái sức khỏe ổn định. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành truy vết và thực hiện cách ly theo quy định.
Ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết đã yêu cầu các xã, thị trấn kích hoạt lại các trạm y tế lưu động, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về lợi ích, tác dụng của vắc xin phòng COVID-19 để vận động người dân tham gia tiêm chủng ngay khi có vắc xin phân bổ về, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu các địa phương, sở ngành phải chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; tăng cường giám sát tại các cửa khẩu biển, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Tại Bình Thuận, Sở Y tế có văn bản khẩn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc COVID-19; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường giám sát dịch tại các cảng biển, theo dõi tình hình dịch bệnh trong tỉnh, chủ động các phương án ứng phó với các tình huống.
TPHCM sẵn sàng cho tình huống xấu nhất
Tại TPHCM, ngày 19/4 thông tin từ Sở Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, tuần qua thành phố ghi nhận 33 ca mắc COVID-19. Từ ngày 12/4 đến ngày 16/4, trung bình mỗi ngày, TPHCM ghi nhận 7 ca, riêng ngày 15/4 có 12 ca bệnh. Hiện nay chưa có trường hợp nào cần thở máy xâm lấn. Tuy nhiên, có 13 trường hợp nhập viện cần hỗ trợ oxy, trong đó có 4 trường hợp thở oxy dòng cao qua mũi (HFNC).
Dịch COVID-19 trong tuần qua đã tăng hơn 6 lần so với trung bình 4 tuần trước. Từ tháng 3/2023 hệ thống giám sát biến thể SARS-CoV-2 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM đã phát hiện biến thể XBB.1.5 cùng các biến thể khác của Omicron như XBB.1, BA.5, BA.2.75. Sở Y tế nhận định, sự xâm nhập và lưu hành của những biến thể mới có thể khiến số ca nhiễm trên địa bàn TPHCM gia tăng, tạo đợt sóng các trường hợp mắc bệnh mới, đặc biệt tại những khu vực quần thể có tình trạng miễn dịch cộng đồng sụt giảm.
Trước tình hình dịch bệnh có xu hướng gia tăng, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu tất cả cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường công tác phòng chống dịch, sẵn sàng phương án thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Ngành y tế thành phố cũng đã sẵn sàng các phương án kích hoạt trở lại Bệnh viện Dã chiến số 13 trong trường hợp cần thiết.
Sở Y tế đã tham mưu UBND TPHCM kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” và khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vắc-xin.
Khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19 trong trường học
Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị tất cả các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID- 19, không được chủ quan, lơ là, tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục theo đúng hướng dẫn của ngành y tế và báo ngay cho cơ quan y tế địa phương khi có ca bệnh. Các trường phối hợp với ngành y tế rà soát tiêm vắc xin đối với học sinh, phối hợp tổ chức các chiến dịch, hoạt động tăng cường tiêm chủng tại các cơ sở giáo dục; truyền thông đến học sinh và phụ huynh lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh. (Tiền phong, trang 10).
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Bình Dương xuất hiện chùm ca mắc Covid-19”.
Khoa Dược đầu tiên trong hệ thống bệnh viện y học cổ truyền đạt chuẩn GMP-WHO
Sáng 19-4, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM tổ chức lễ khánh thành hai khối nhà N5 - N6 và khoa Dược đạt chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO). Đến dự có đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng đại diện Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM và các tỉnh thành.
Theo bác sĩ Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, hai khối nhà N5, N6 của Bệnh viện Y học cổ truyền với tổng diện tích 10.709m2. Sau khi hoàn tất việc xây dựng, bệnh viện đạt 58,3m2 sàn/giường bệnh góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho người dân. Đặc biệt vừa qua, khoa Dược của bệnh viện đã được Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GMP-WHO với 3 tiêu chuẩn đồng bộ: sản xuất thuốc và vị thuốc từ dược liệu đạt chuẩn GMP-WHO, thực hành tốt phòng thí nghiệm (GLP) và thực hành tốt bảo quản (GSP).
Tiêu chuẩn GMP-WHO giúp kiểm soát một cách chặt chẽ từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào đến khâu sản xuất và bảo quản sản phẩm đầu ra đạt chuẩn, tránh các nguy cơ về nhiễm chéo, nhiễm vi sinh vật, nhầm lẫn trong quá trình sản xuất, an toàn trong vận hành sản xuất.
“Đây là khoa dược đầu tiên trong hệ thống các bệnh viện y dược cổ truyền toàn quốc đạt chuẩn thực hành tốt sản xuất GPM-WHO cùng GLP, GSP. Bệnh viện sẽ tập trung sản xuất và cung cấp các thuốc cổ truyền (với các dạng bào chế như thuốc viên, thuốc hoàn, cao, thuốc cốm, trà…) và vị thuốc y học cổ truyền có chất lượng phục vụ nhu cầu không chỉ tại bệnh viện mà còn cung ứng cho các đơn vị bạn trên địa bàn thành phố”, bác sĩ Đỗ Tân Khoa thông tin.
Phát biểu tại buổi lễ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế chúc mừng tập thể Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM khánh thành 2 khối nhà N5-N6 và khoa Dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Đây là 1 trong 6 công trình của ngành y tế thành phố khánh thành chào mừng 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM đã mạnh dạn đề xuất đầu tư và đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất vị thuốc cổ truyền và thành phẩm thuốc y học cổ truyền đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam thông tin và mong muốn, bệnh viện sẽ sản xuất các vị thuốc, cũng như thành phẩm thuốc y học cổ truyền đạt chất lượng để phục vụ nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, tạo điều kiện phát triển nền y học cổ truyền nước ta.
Đại diện Sở Y tế đề nghị, Bệnh viện y học cổ truyền TPHCM phát huy hơn nữa những thành quả, tiếp tục nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong công tác khám chữa bệnh; tiếp tục nghiên cứu sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền để người dân sử dụng những sản phẩm thuốc y học cổ truyền trong nước đạt tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp về giá thành điều trị để từ đó góp phần kế thừa và phát huy được thế mạnh của nền y học cổ truyền nước ta; đồng thời gắn với chương trình du lịch y tế nhằm quảng bá lĩnh vực y học cổ truyền TPHCM đến với khách du lịch trong nước và quốc tế. (Sài Gòn giải phóng, trang 2).