Bộ trưởng Bộ Y tế thăm, tặng quà 2 bé song sinh dính nhau
Chiều tối ngày 19-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã đến Bệnh viện (BV) Việt Đức thăm 2 cháu bé song sinh được đưa về từ BV Vị Xuyên, Hà Giang và thăm bệnh nhân ung thư Đậu Thị Huyền Trâm (Công an tỉnh Hà Tĩnh) tại BV K.
Tối ngày 19-7, Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Y tế đến thăm sản phụ Đậu Thị Huyền Trâm bị ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn và có thai nhưng vẫn quyết tâm để con được chào đời.
Sau khi nghe PGS.TS. Nguyễn Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K báo cáo tình hình bệnh nhân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo lãnh đạo BV K cố gắng tối đa cứu chữa cho bệnh nhân khi còn hy vọng, bằng các loại thuốc điều trị ung thư mới nhất. Nếu thuốc ngoài danh mục BHYT thanh toán, BV có thể xem xét thanh toán hỗ trợ cho bệnh nhân.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã thăm hỏi, động viên và tặng quà chị Đậu Thị Huyền Trâm tại giường bệnh.
Trước đó, tại BV Việt Đức, PGS.TS. Trần Bình Giang-Phó Giám đốc BV- đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế những thông tin mới nhất về 2 em bé song sinh dính nhau.
Vì mẹ 2 cháu vẫn đang nằm ở BV Vị Xuyên, chỉ có ông và bố 2 cháu ở BV Việt Đức nên BV Việt Đức đã bố trí chỗ ở chu đáo. Các nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho 2 cháu bé vào thẳng tài khoản của gia đình cháu, hoặc đưa trực tiếp tại BV. Số tiền hỗ trợ trực tiếp được BV bố trí người giữ hộ, hiện là 162.700.000 đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Ca song sinh dính nhau này một lần nữa cho thấy vấn đề sàng lọc trước sinh vô cùng quan trọng. Trường hợp này nếu phát hiện sớm trước sinh, sẽ có hướng xử lý phù hợp hơn. Tuy nhiên, việc xử lý ca này cho thấy sự phối hợp giữa các tuyến y tế rất chặt chẽ, nhân văn và khoa học. Ở đâu, các cháu đều được chăm sóc và điều trị chu đáo.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị BV Việt Đức cố gắng tối đa để giúp đỡ 2 cháu vì đây là trường hợp đáng để chia sẻ. Để các cháu được chăm sóc, điều trị tốt hơn, BV Việt Đức nên mời các chuyên gia sơ sinh, tim mạch của BV Nhi Trung ương, BV Phụ sản Trung ương, BV Bạch Mai vv… Đặc biệt chú ý chăm sóc tốt nhất về sinh dưỡng cho các cháu.
Bộ trưởng đã thăm hỏi 2 cháu bé và trao tặng gia đình 2 bệnh nhi 65 triệu đồng từ Quỹ từ thiện của Báo GĐ-XH.( Công an nhân dân trang 6, Lao động trang 2, Gia đình & xã hội trang 3, Sức khỏe & đời sống trang 3)
Bệnh viện đổi mới, bác sĩ … như “ra trận”
“87,67% người bệnh hài lòng về dịch vụ khám chữa bệnh” là kết quả khảo sát Bộ Y tế thông tin tại hội nghị sau 1 năm thực hiện phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” ngày 19.7. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ phản ánh, họ đi làm như... ra trận.
Không nên sớm lạc quan
Theo ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), sau 1 năm triển khai phong trào, hầu hết các bệnh viện (BV) đã có sự thay đổi rõ rệt. Qua điều tra sơ bộ của Bộ Y tế tại 10 BV từ T.Ư đến huyện, 70% người bệnh được phỏng vấn cho biết đã được nhân viên y tế hướng dẫn thủ tục khám bệnh tận tình hơn, được giải thích về bệnh trạng rõ ràng hơn…
Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh hài lòng về thủ tục hành chính và minh bạch thông tin còn thấp, chỉ đạt xấp xỉ 60%. Nhiều người dân cho biết, quy trình khám bệnh vẫn phức tạp, do điều kiện phòng ốc ở các BV T.Ư chật chội, cơi nới nhiều nên cho dù có được hướng dẫn, bệnh nhân và người nhà vẫn như lạc vào mê cung, tìm đến được các phòng xét nghiệm, chiếu chụp cũng “tướt bơ”. Mặc dù đã có cải tiến quy trình khám chữa bệnh, nhưng cũng chỉ hơn 60% người bệnh thấy thời gian chờ đợi khám đã giảm.
Cũng theo ông Tác, Bộ Y tế đang triển khai cơ sở y tế xanh sạch đẹp, trong đó nhấn mạnh các BV phải đạt điều kiện về vệ sinh môi trường, vệ sinh buồng bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn tới 42% người bệnh chưa hài lòng vì các khu vệ sinh khai khẳn, thiếu sạch sẽ...
Tuy “chẻ nhỏ” các vấn đề thì bệnh nhân chưa hài lòng nhưng về mức độ hài lòng chung vẫn rất cao, 87,67% số bệnh nhân được hỏi hài lòng đối với dịch vụ khám chữa bệnh tại 10 BV được khảo sát. “Với mức độ hài lòng gần 88%, chỉ số hài lòng của các BV đã sớm đạt được theo yêu cầu về cải cách hành chính của Chính phủ (hơn 80% vào năm 2020)” – ông Tác đánh giá.
Tuy nhiên, trao đổi với NTNN, một chuyên gia y tế cho rằng chỉ số hài lòng của các BV đã “vượt chỉ tiêu” là quá lạc quan. Vì ngành y tế vẫn còn ngổn ngang các vấn đề cần giải quyết như quá tải BV, nhập nhằng công – tư dẫn đến các BV lạm dụng dịch vụ, thái độ phục vụ dù đã cải thiện nhưng người bệnh vẫn bức xúc, mệt mỏi, viện phí cao trong khi còn hơn 20% người dân chưa tham gia BHYT...
Ông Tác cũng nhận định, một số cán bộ y tế mặc dù đã được tập huấn, nhưng còn cứng nhắc trong giao tiếp, ứng xử với người bệnh, nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế còn chậm chuyển đổi, mang nặng tâm lý “xin - cho”, “ban ơn”…
Người dân cũng cần thay đổi
Bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc BV Tâm thần T.Ư 1 nhận định, việc thay đổi phong cách phục vụ thì bác sĩ phục vụ bệnh nhân tâm thần được “lợi” nhiều nhất. “Nếu bác sĩ nhẹ nhàng, gần gũi thì người bệnh tâm thần sẽ đỡ phát bệnh hơn, không chửi mắng, tấn công bác sĩ, bác sĩ an toàn hơn, nhàn hơn” - bác sĩ Cương nhận định.
Theo ông Cương, cả BV Tâm thần T.Ư 1 có hơn 600 cán bộ và liên tục phải điều trị, chăm sóc cho hơn 600 bệnh nhân nội trú. Hầu hết gia đình người bệnh đều hiểu sự vất vả của y bác sĩ vì họ cũng đã phải chịu nỗi khổ như vậy. Tuy nhiên vẫn có người nhà nhiều khi cũng không thấu hiểu nên trách mắng các bác sĩ một cách oan uổng. Cho dù thế, các bác sĩ vẫn đành “cười tươi” nghe mắng và nhẹ nhàng giải thích.
Một bác sĩ BV Bạch Mai cũng chia sẻ, từ hồi có phong trào “Đổi mới thái độ” mỗi ngày đi làm của anh giống như “ra trận”. Bình thường công việc đã căng thẳng, mỗi ngày làm việc từ 6 giờ 30 phút, khám bệnh cho 50-70 bệnh nhân, thời gian quay cuồng. Mà theo quy định, việc tư vấn cho bệnh nhân phải kỹ càng, nên anh càng phải gắn chặt với cái ghế, không có thời gian uống nước, lắm khi đến đi vệ sinh cũng… nhịn.
Còn một điều dưỡng tại BV tỉnh Ninh Bình chia sẻ, nhân viên điều dưỡng phải làm “thượng vàng hạ cám” từ tiếp đón, chăm sóc bệnh nhân đến làm các thủ tục hành chính, nhập thông tin bệnh nhân… “Gần như cả ngày chúng tôi đều đứng, tay chân, mắt miệng đều hoạt động đến nhức mỏi. Nhưng bệnh nhân đòi hỏi được phục vụ ngày càng cao, chỉ chậm trễ là bị quát mắng, hạch sách “lấy tiền rồi còn thái độ” thậm chí còn chửi vỗ mặt” – điều dưỡng này tâm sự.
Đồng tình với nỗi vất vả của các nhân viên y tế, PGS-TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ, BV Bạch Mai mở cửa đón bệnh nhân từ 4 giờ 30, khám bệnh từ 6 giờ, khám đến khi hết bệnh nhân cũng 18-19 giờ. “Ngày làm việc 10-12 tiếng nên bác sĩ rất mệt mỏi, giữ được thái độ hoà nhã, vui vẻ không dễ dàng gì.
Trong khi đó, nhiều bệnh nhân đặc biệt là người nhà thiếu hợp tác, cứ thích làm theo ý mình mà không tuân thủ trật tự, yêu cầu của BV. Do đó, chúng tôi mong lắm được người dân chia sẻ nỗi vất vả, khó khăn trong môi trường làm việc ở BV, cùng cộng tác với BV để tạo môi trường điều trị tốt hơn cho người bệnh” – TS Anh tâm sự./.( Nông thôn ngày nay trang 6)
Cùng chủ đề bài viết có các tin, bài sau:
* Công an nhân dân (trang 6) 20/7: Cấm ép buộc người dân sử dụng dịch vụ do bệnh viện ký kết với bên ngoài
* An ninh thủ đô (trang 4) 20/7: Người bệnh vẫn chưa hài lòng
* Tiền phong (trang 15) 20/7: Loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”
* Thanh niên (trang 3) 20/7: Thái độ phục vụ của nhân viên y tế bị phàn nàn nhiều nhất
* Sức khỏe & đời sống (trang 3) 20/7: Bộ trưởng Bộ Y tế: Kiên quyết loại ra khỏi ngành những “con sâu làm rầu nồi canh”
* Hà Nội mời (trang 1) 20/7: Ngành Y tế: Cương quyết loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”
Ngừng sử dụng thuốc Tarcefoksym trên toàn quốc
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã thông báo tạm ngừng việc mua, bán và sử dụng trên toàn quốc đối với thuốc Tarcefoksym dạng bào chế bột pha tiêm (hoạt chất Cefotaxim 1g/lọ), SĐK VN-18105-14 và VN-6089-08, do Công ty Tarchomin Pharmaceutical Works Polfa S.A của Ba Lan sản xuất và đăng ký.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016 đã ghi nhận 300 trường hợp có phản ứng có hại nghi ngờ liên quan đến hoạt chất Cefotaxim. Trong đó thuốc Tarcefoksym (hoạt chất Cefotaxim 1g), SĐK VN-18105-14 của Công ty Tarchomin Pharmaceutical được báo cáo với tỷ lệ phản ứng có hại cao nhất lên tới 13,4%. Nhiều nhất là 2 lô số 1101015 và 1081115 với 4 báo cáo cho mỗi lô, trong đó mỗi lô có 1 trường hợp tử vong.
Cục Quản lý dược yêu cầu Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM khẩn trương lấy mẫu và kiểm tra chất lượng thuốc Tarcefoksym trong 2 lô nói trên báo cáo về Cục.( Nông thôn ngày nay trang 2, An ninh thủ đô trang 4)
Không thể tách rời 2 bé sơ sinh dính nhau
Chiều 19.7,GS.TS Trần Bình Giang – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẳng định, kết quả hội chẩn với sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành về ca sơ sinh dính nhau (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) cho thấy, tổn tổn thương tim của hai bé quá phức tạp không thể mổ tách rời để cứu 1 hoặc hai cháu chỉ hồi sức chung. Theo đó, ca sơ sinh dính nhau chào đời ngày 13.7, con của anh Bàn Văn Tiệp trú tại xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, Hà Giang nhập viện Bệnh viện Việt Đức vào ngày 14.7.
Kết quả thăm khám cho thấy, tim hai bé bị dính chung 1 nhĩ, 3 buồng tâm thất. Còn kết quả siêu âm bụng cho thấy: 2 gan và tim dính nhau thành 1 khối lớn, 1 tim ở trung tâm;2 gan bị xoay trục và thay đổi, thay đổi giải phẫu bình thường, cuống 2 gan bị xoay ra ngoài theo hai phía khác nhau…( Nông thôn ngày nay trang 2, An ninh thủ đô trang 4, Tuổi trẻ trang 14)
Mang niềm vui và nụ cười cho trẻ vùng cao
Từ ngày 13 đến 15.7.2016, nhóm Nhịp cầu yêu thương đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Lai Châu tiến hành khám và mổ miễn phí trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Vượt chặng đường đồi núi gập ghềnh gần 20km, vợ chồng chị Phan Thị Méng (30 tuổi) đưa bé Phan Thị Làm (3 tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu để được khám trong chương trình từ thiện lần này.
Nói về bệnh tình của con, chị Méng tâm sự, ngay từ khi sinh ra, thể trạng của con yếu ớt, phát triển kém hơn so với những đứa trẻ khác. Cho nên, bước sang tuổi thứ 3 bé Làm nhìn vẫn như cô bé chưa đầy 1 tuổi, hỏi không nói, gọi không thưa nhưng vợ chồng chị cũng không có điều kiện mang con đi khám.
“Vợ chồng em làm nương rẫy quanh năm ngày tháng không biết gì về bệnh tình của con. May lần này có các bác sĩ khám từ thiện và nói con bị suy dinh dưỡng nặng, mắc hội chứng bệnh đao vợ chồng em mới biết”, chị Méng chia sẻ.
Nghe tin các bác sĩ đến từ Hà Nội về Bệnh viện đa khoa Lai Châu chữa trị miễn phí cho những trường hợp trẻ em khuyết tật, anh Vàng A Lửa (sinh năm 1986) trú tại Thị trấn Tân Uyên (Lai Châu) cùng vợ là chị Giàng Thị Tay mang theo đủ thứ đồ dùng sinh hoạt gia đình gồm chăn, màn, quần áo... vội vàng đưa con mình là bé Vàng Thị Sú (5 tuổi) xuống bệnh viện.
Anh Lửa cho biết: Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo trong, hai vợ chồng quanh năm chỉ biết bám víu vào mấy sào ruộng nương nuôi 4 người con ăn học. Đặc biệt, bé Sú – con út của hai anh chị, chịu thiệt thòi hơn so với các anh chị vì khi 8 tháng em không may bị ngã vào bếp lửa khiến em bị bỏng phải cắt đi bàn chân trái.
“Nhận được sự hỗ trợ của các bác sĩ lắp chân cho con, vợ chồng tôi vui mừng cảm động lắm. Không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành đến các bác sĩ. Vì thực chất, nếu để cho hai vợ chồng kiếm đủ tiền đi lên Hà Nội chữa trị cho cháu thì không biết đến ngày nào mới thực hiện được” – anh Lửa nói.
Ông Vũ Minh Việt – Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Lai Châu cho biết: Việc đoàn từ thiện tổ chức chương trình khám chữa bệnh với quy mô lớn lần này tại Lai Châu rất thiết thực và hữu ích. “Chương trình đã thực sự rút ngắn khoảng cách chênh lệch về vấn đề tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, được các bác sĩ tuyến T.Ư trực tiếp thăm khám giữa trẻ em đồng bằng, thành thị với trẻ em vùng cao”, ông Việt chia sẻ.
Ông Việt cũng cho biết thêm, trong chương trình lần này, ngoài việc khám và chữa bệnh miễn phí, các gia đình đưa con đến cũng được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Lai Châu hỗ trợ. Cụ thể, gia đình những bé đến khám không phải điều trị mổ sẽ được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ tiền ăn 3 ngày cho các bé, mỗi bé 50.000 đồng/ngày. Những gia đình cách xa dưới 100 cây số sẽ được hỗ trợ 2 ngày tiền ăn. Đặc biệt với những bé điều trị mổ tại bệnh viện, ngoài những dịch vụ bảo hiểm y tế thanh toán, quỹ sẽ hỗ trợ vượt trần bảo hiểm y tế. Hoặc không có BHYT, quỹ sẽ hỗ trợ hoàn toàn tiền ăn, tiền đi lại.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Trưởng nhóm Nhịp cầu yêu thương cho biết: “Trong 2 ngày diễn ra chương trình, ngoài việc khám và thuốc miễn phí cho khoảng 200 trường hợp bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành 98 ca mổ trung phẫu, đại phẫu và 15 trường hợp tiểu phẫu. Bên cạnh các hoạt động phẫu thuật, các tình nguyện viên đã trao quà của nhóm Nhịp Cầu Yêu Thương cho gia đình các bệnh nhi, 100.000 đồng cho các cháu chỉ đến khám sàng lọc, 300.000 đồng và thuốc kháng sinh cho các cháu được phẫu thuật”.( Nông thôn ngày nay trang 6)
Tiêm vaccine cho gần 8.000 người để dập bệnh bạch hầu
Ngày 19.7, nguồn tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết: Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh bạch hầu tỉnh đã huy động 26 đội công tác để tiêm vaccine và cho uống thuốc đối với 7.700 người tại hai xã Thuận Lợi và Thuận Phú của huyện Đồng Phú.
Trong 60 trường hợp phải nhập viện, có 3 người tử vong, 18 người đã được xuất viện. Những người đang được điều trị tại các cơ sở y tế hồi phục tốt. Đến chiều 18.7, tại bệnh viên đa khoa tỉnh Bình Phước, tất cả bệnh nhân đã được sắp xếp giường, phòng cách ly, không còn ai phải nằm ngoài hành lang như mấy ngày vừa qua.
Hiện nay, khoa Nhiệt đới, bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước là nơi có hơn 20 người đang được theo dõi và điều trị, trong đó có 3 ca dương tính với bệnh bạch hầu. Theo đánh giá của các chuyên gia phòng chống dịch bệnh, từ khi có người đầu tiên mắc bệnh bạch hầu, vào ngày 22.6, tức là đã 26 ngày, tỉnh Bình Phước vẫn không dập tắt được dịch là điều đáng lo ngại. Với gần 20 chuyên gia, bác sỹ của viện Pasteur và các bệnh viện lớn từ TP.Hồ Chí Minh được tăng cường lên hỗ trợ tỉnh Bình Phước trong ngày 18.7, hy vọng dịch bệnh bạch hầu có thể sẽ được dập tắt trong thời gian sớm nhất.( Lao động trang 2)
Hơn 70 khách đến Phan Thiết du lịch bị ngộ độc thực phẩm
Ngày 19-7, Bệnh viện Đa khoa An Phước, TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã tiếp nhận hơn 20 người có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm, tất cả đều có triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.
Theo thông tin ban đầu, tất cả bệnh nhân thuộc Đoàn khách du lịch 800 người của Công ty Cổ phần Sài Gòn Food và do Công ty Rồng Việt Travel tổ chức tour du lịch, nghỉ dưỡng ở Hàm Tiến – Mũi Né, TP Phan Thiết. Đoàn được bố trí ở tại một số nhà nghỉ, khách sạn và khu du lịch trong khu vực phường Hàm Tiến.
Vào chiều tối ngày 18-7, đoàn đến dự tiệc Gala tại một nhà hàng ở đây với các món ăn như: lẩu, cá lóc, đùi gà… Đến khuya, nhiều người có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy và được đưa đi cấp cứu tại Phòng khám đa khoa Docter Đông, khu vực Hàm Tiến và đến rạng sáng 19-7 đã tiếp nhận khoảng 50 người. Sáng ngày 19-7, thêm nhiều trường hợp có biểu hiện tương tự đã được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa An Phước.
Đến thời điểm này, chỉ tính riêng tại hai cơ sở trên đã có hơn 70 người được đưa đến cấp cứu.
Nguyên nhân của vụ việc hiện đang được các cơ quan chức năng của tỉnh và TP Phan Thiết làm rõ.( Nhân dân trang 2)
Hà Nội thành lập đoàn giám sát việc tiêm vắc-xin bạch hầu trên địa bàn
Sở Y tế Hà Nội vừa ký công văn khẩn về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu gửi Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng TP, các quận, huyện, thị xã, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ, các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập.
Sở Y tế cũng yêu cầu TTYT các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát dịch tại các BV, rà soát tất cả các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván theo đúng quy định. Các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tích cực tư vấn người dân cho con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, không chờ mũi tiêm vắc xin dịch vụ. Các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đủ cơ số thuốc, thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong BV, hạn chế thấp nhất tử vong.( Sức khỏe & đời sống trang 2)