Giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế
Chiều 19-9, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế năm 2016.
Theo đó, trong tháng 10-2016, MTTQ dự kiến tổ chức ba Đoàn giám sát tại TP Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đoàn giám sát tại tỉnh Thanh Hóa do Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì, sẽ giám sát tại ba cơ sở khám, chữa bệnh (hai bệnh viện công lập, một bệnh viện tư nhân); hai nhà thuốc tư nhân. Đoàn giám sát tại TP Hà Nội do Tổng hội Y học Việt Nam chủ trì, sẽ giám sát hai cơ sở khám, chữa bệnh (một bệnh viện công lập, một bệnh viện tư nhân), hai nhà thuốc tư nhân, một phòng khám chẩn trị y học cổ truyền. Đoàn giám sát tại tỉnh Thừa Thiên - Huế do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì, sẽ giám sát ba cơ sở khám, chữa bệnh (một bệnh viện công lập, một bệnh viện tư nhân, một phòng khám đa khoa), hai nhà thuốc tư nhân... (* Nhân dân (trang 5))
Lo ngại vì dịch bệnh Zika ngày càng phức tạp: Các nước ASEAN đều tăng cường giám sát ở của khẩu
Dịch bệnh do virus đang tiếp tục trở thành mối quan tâm của thế giới. Trước diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp với số nước và số người mắc bệnh tăng nhanh, chiều 19-9, Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN đã họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh Zika trong khu vực, để có những giải pháp ứng phó kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tham gia hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.
Theo các Bộ trưởng của các nước, ngay khi dịch bệnh do virus Zika bùng phát tại Singapore, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tăng cường các biện pháp giám sát tại cửa khẩu để chủ động phát hiện sớm và ngăn ngừa các trường hợp xâm nhập.
WHO tiếp tục khẳng định tình trạng dịch bệnh này vẫn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế vì liên quan với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (GBS). Đáng lưu ý là, WHO cho rằng sự lan truyền của virus Zika sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Vì là nước đã xuất hiện một số bệnh nhân mắc Zika, nên tình hình dịch bệnh do virus Zika và các hoạt động phòng chống dịch ở Việt Nam đã thu hút sự chú ý của hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam đã xét nghiệm 2.672 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, thành phố trên cả nước và đã phát hiện 3 trường hợp mắc Zika. Bộ Y tế cũng đã triển khai điều tra mở rộng khu vực xung quanh gia đình các trường hợp virus Zika này, nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp khác,
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, tới đây, có thể tiếp tục gia tăng các trường hợp mắc virus Zika, do Việt Nam đã lưu hành virus Zika trong cộng đồng. Sự giao lưu thuận lợi giữa các những Đông Nam Á là nguy cơ rất lớn khi các trường hợp bị nhiễm viru Zika sau khi từ các nước trong khu vực trở về, sẽ là nguồn truyền bệnh cho gia đình và cộng đồng.
Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và khống chế dịch bệnh ở mức tối đa, cả ở dự phòng lẫn khám, chữa bệnh:
Việc gia tăng rất nhanh trong thời gian ngắn số người mắc Zika ở Singapore đã đặt Việt Nam trước những thử thách về phòng, chống dịch. Vì thế, Bộ Y tế đã nhanh chóng phối hợp với WHO, USCDC và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá nguy cơ, cập nhật kế hoạch, hướng dẫn giám sát và các biện pháp phòng chống phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Bộ cũng đã triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex do USCDC hỗ trợ để giám sát sàng lọc cùng lúc 3 bệnh Zika, sốt xuất huyết, Chikungunia để phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh nghi ngờ do virus Zika.
Hiện Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, các Trung tâm Y tế dự phòng có hoạt động kiểm dịch tăng cường giám sát, truyền thông phòng chống bệnh do virus Zika tại các cửa khẩu quốc tế, giám sát chặt chẽ các đối tượng về từ các quốc gia đang bùng phát, lưu hành dịch bệnh Zika, để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, tổ chức cách ly, tư vấn các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Thiết lập hệ thống giám sát chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh trên hệ thống các đơn vị sản – nhi.
Sau khi đại diện các quốc gia tham dự thảo luận về các vấn đề quan trọng hiện nay, các Bộ trưởng Bộ Y tế các nước đã thông qua Tuyên bố chung với nhiều nội dung. Theo đó, các nước phải tăng cường hệ thống giám sát của quốc gia và đẩy mạnh cơ chế đánh giá nguy cơ hiện có của khu vực về virus Zika với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, gồm cả WHO.
Các nước phải đẩy mạnh thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và các cơ chế hiện có, để kịp thời chia sẻ thông tin giữa các nước trong khu vực, nhằm có được sự đánh giá nguy cơ một cách chính xác. Nâng cao hiệu quả của việc giám sát và đáp ứng dịch bệnh do virus Zika cũng như các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi khác của các nước trong khu vực.
Các nước cũng phải triển khai các biện pháp thích hợp trong quản lý, đánh giá nguy cơ bằng cách kiểm soát nguồn truyền bệnh, đảm bảo tiếp cận chẩn đoán phòng xét nghiệm bao gồm cả tăng cường mạng lưới phòng xét nghiêm quốc gia và truyền thông nguy cơ. Các nước cũng tiến hành các nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm mới cùng bài học kinh nghiệm liên quan đến dịch bệnh do virus Zika. (* Công an Nhân dân (trang 5))
Cùng chủ để Báo Nhân dân trang 8: Nâng cao hiệu quả giám sát dịch bệnh do vi rút Zika tại các nước ASEAN
Bộ Y tế cảnh báo vi rút Zika đã lưu hành trong cộng đồng
Chiều 19-9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Bộ Y tế các nước Đông Nam Á về dịch bệnh Zika trong khu vực ASEAN. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh do vi rút Zika đang diễn biến rất phức tạp.
Tính đến ngày 19-9, trên thế giới đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành của vi rút này. Tại Đông Nam Á, vi rút Zika đã lưu hành tại một số nước như: Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam… Đặc biệt, tại Singapore, từ cuối tháng 8-2016 đến nay đã có 396 trường hợp nhiễm Zika.
Theo báo cáo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay, hệ thống y tế của Việt Nam đã xét nghiệm 2.672 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, thành phố, trong đó, phát hiện 3 trường hợp nhiễm Zika. Đây là 3 bệnh nhân không có tiền sử đi về từ vùng dịch, điều đó cho thấy, Việt Nam đã lưu hành vi rút Zika trong cộng đồng. Kết quả giải trình tự gen cho thấy, mẫu vi rút của bệnh nhân tại Khánh Hòa có nguồn gốc Châu Á và mẫu vi rút của bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ Châu Mỹ. Ngoài ra, có 3 trường hợp là công dân nước ngoài ủ bệnh trong thời gian ở Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để phòng chống dịch bệnh Zika, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh giám sát các hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch; đẩy mạnh giám sát Zika tại các cơ sở y tế, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nếu nghi ngờ. Hiện, Bộ Y tế cũng tăng cường triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex để giám sát, sàng lọc đồng thời 3 bệnh gồm: Zika, sốt xuất huyết, Chikunggunia. (* Hà Nội mới (trang 1)
Ba Vì: Vì sao ít học sinh tham gia bảo hiểm y tế?
Với tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT là 64,07% trong năm học 2015-2016, huyện Ba Vì đang giữ vị trí thấp nhất thành phố. Toàn huyện có tới 37/80 trường có tỷ lệ tham gia đạt dưới 60%, cá biệt Trường PTCS Hợp Nhất không phụ huynh nào mua BHYT cho con. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và huyện Ba Vì sẽ thực hiện các giải pháp gì để tăng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT, với mục tiêu đạt 100%?
Có phải vì... “hoa hồng”?
Tại Trường Tiểu học Tản Lĩnh, nơi có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT là 43,66% (483/1.207 học sinh), trong khi tỷ lệ tham gia bảo hiểm thân thể của các hãng bảo hiểm khác luôn đạt hơn 90%. Lý giải về sự chênh lệch này, thầy Phùng Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tản Lĩnh cho rằng, phụ huynh HS chọn bảo hiểm thân thể vì có số tiền đóng thấp (100.000 đồng/năm) trong khi BHYT là 457.380 đồng/năm; thủ tục khám chữa bệnh theo BHYT lại không thuận tiện, chất lượng phục vụ tại cơ sở y tế chưa cao...
Tuy nhiên, được biết tỷ lệ “hoa hồng” của các hãng bảo hiểm chi cho người thu tiền phát triển đối tượng rất cao, khoảng từ 20 đến 50% giá trị thẻ; còn các trường làm đại lý thu BHYT được trích 7% về hoạt động chăm sóc y tế tại trường học. Phải chăng vì lợi ích “hoa hồng” mà bảo hiểm thân thể dễ vào trường hơn BHYT? Trả lời cho câu hỏi này, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, Lê Ngọc Tôn khẳng định: Phòng GD-ĐT xác định công tác BHYT là nhiệm vụ trọng tâm. Phòng đôn đốc các trường và rất chủ động phối hợp với BHXH huyện triển khai tới lãnh đạo các trường, đưa tỷ lệ BHYT vào tiêu chí thi đua. Phòng GD-ĐT cũng quán triệt tới các trường không được thu hộ cho các bảo hiểm khác, không đặc quyền đặc lợi, thiên vị các hãng bảo hiểm.
Những thách thức không nhỏ
Theo kết quả điều tra về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, toàn huyện Ba Vì có 7.926 hộ nghèo (chiếm 11,41%) và 3.627 hộ cận nghèo (chiếm 5,22%). Trên địa bàn huyện Ba Vì có 48.413 HSSV ở 80 trường của 3 cấp học (tiểu học, THCS, THPT) và Trường Cao đẳng nghề GTVT trung ương I. Hiện có 6.306 HSSV (hơn 13%) đã được cấp thẻ BHYT diện hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng khác như quân đội, công an...
Thống kê năm học 2015-2016 cho thấy, hầu như nơi nào có tỷ lệ nghèo càng cao thì nơi đó HSSV không được mua thẻ BHYT cũng cao. Điển hình tại xã Ba Vì, tỷ lệ hộ nghèo là 48,51%, tại hai trường PTCS Hợp Nhất và Yên Sơn ngoài 270/380 cháu được cấp thẻ BHYT miễn phí, chỉ có 2 cháu ở Trường Yên Sơn mua thẻ, còn lại mỗi trường có 54 cháu chưa mua thẻ BHYT. Tuy nhiên, do thống kê số HSSV có thẻ được cấp hỗ trợ tính cộng vào tỷ lệ chung nên hai trường đạt 73,53% (Trường PTCS Yên Sơn) và 69,32% (Trường PTCS Hợp Nhất).
Bên cạnh đó, Ba Vì có tới 37/80 trường tỷ lệ HSSV tham gia BHYT dưới 60%, “đội sổ” là Trường THCS Tòng Bạt (24,73%), tiếp theo là Trường Tiểu học Tòng Bạt (28,59%), Trường Tiểu học Minh Châu (32,25%), Trường THCS Yên Bài A (32,14%), Trường THCS Thuần Mỹ (33,92%)... Trường Cao đẳng nghề GTVT trung ương I đóng trên địa bàn cũng “góp” phần làm thấp tỷ lệ tham gia BHYT HSSV của Ba Vì với 13,65% trong tổng số 1.539 sinh viên.
Tại xã Ba Trại, tỷ lệ nghèo 10,06%, nơi có hai thôn 8 và 9 thuộc vùng núi đặc biệt khó khăn, nhưng tỷ lệ HS tham gia BHYT tại Trường THCS Ba Trại đạt tương đối cao trong huyện (80,11%). Chia sẻ về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Thành Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ba Trại khẳng định: Nhiều năm nay, chúng tôi luôn xác định công tác BHYT là nhiệm vụ trọng tâm, là việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo và thực hiện tốt việc tuyên truyền. Đưa công tác BHYT trở thành nhiệm vụ mà giáo viên chủ nhiệm phải hoàn thành tốt. Bên cạnh đó luôn khen thưởng động viên kịp thời giáo viên, học sinh các lớp. Năm học 2016-2017, nhà trường sẽ hỗ trợ, tặng thẻ BHYT cho các em có hoàn cảnh khó khăn từ huy động đóng góp của cán bộ giáo viên, đoàn thể... Với những kinh nghiệm thành công, Trường THCS Ba Trại sẽ đạt chỉ tiêu 95%.
Để góp phần đạt được tỷ lệ HSSV tham gia BHXH, BHYT cao, UBND huyện ban hành kế hoạch và các chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 80% và tỷ lệ HSSV tham gia BHYT năm học 2016-2017 đạt 100%. Việc đặt ra mục tiêu BHYT HSSV từ 64,07% lên 100% cho thấy sự quyết tâm vào cuộc rất cao của cả hệ thống chính trị huyện Ba Vì. Tuy nhiên, để tăng tới 35,93% trong năm 2016 và 2017 tương đương với tăng hơn 17.000 HSSV tham gia là thách thức không nhỏ. Vì vậy, BHXH huyện Ba Vì đang nỗ lực phối hợp với các ban, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo, triển khai các giải pháp tăng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT. (* Hà Nội mới (trang 6))
Chuyện lạ về y đức của một bậc chân tu
Trước thực trạng quá nhiều người mắc bệnh tim nặng tại Tây Nguyên phải chuyển viện lên tuyến trên điều trị, những ca tử vong không đáng có do bệnh viện tuyến cơ sở chưa đủ điều kiện triển khai, chuyên gia tim mạch Nguyễn Văn Điền đã thuyết phục 4 học trò là các bác sĩ nội trú, cử nhân điều dưỡng cùng rời Huế lên Đắk Lắk “hành hiệp” cứu người.
Chuyện chưa từng thấy
Dư luận rầm rì truyền tai nhau, vừa tò mò, kinh ngạc, vừa hoài nghi... về ê kíp 5 thầy trò của thạc sĩ - bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Điền rời Huế lên Đắk Lắk định cư và công tác tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đắk Lắk mấy tháng qua.
Họ nói: BS Điền đề bạt học trò lên lãnh đạo khoa, thầy chỉ làm nhân viên để tập trung cho chuyên môn. Sau khi lắp đặt xong hệ thống DSA (máy chụp mạch số hóa xóa nền), thành lập khoa Cấp cứu và Can thiệp Tim mạch, năm thầy trò túc trực cả tháng suốt 24/24 giờ tại bệnh viện, sinh hoạt chung trong căn phòng bé xíu chỉ đủ kê 2 chiếc giường đơn. Họ thay nhau người ngủ giường, người trải chiếu ngủ đất sau những giờ sẵn sàng tiếp đón người bệnh bất cứ lúc nào. Chuyện chưa từng thấy ở vùng đất này!
“Thấy bệnh nhân nườm nượp đến khám, tôi lại hào hứng làm ngày làm đêm, không biết mệt. Sống làm sao để không hổ thẹn với lòng mình là điều khó nhất. Nhiều bệnh nhân không hiểu, cứ nằng nặc đòi chuyển viện. Biết bệnh tình họ lênh đênh trên đường sẽ chết, mình phải cố giữ họ lại để chữa... Lỡ rủi ro, họ kiện, nếu bị ngồi tù chắc tôi vẫn vui vì mình đã làm đúng. Mẹ tôi năm nay đã 85 tuổi, bà đã quen với cảnh tôi đi biền biệt cứu người. Bà dặn tôi cứ yên tâm làm được càng nhiều điều lành thì bà càng khỏe. Ngày nào tôi không khám chữa bệnh được nữa, tôi sẽ tập trung viết sách y khoa để lại cho đời. Viết xong, có chết cũng hài lòng. Đời như gió cuốn đi thôi ! ”
BS Điền chia sẻ
Lại nghe: Để gặp được BS Phong, giám đốc nghiêm khắc của BVĐK Đắk Lắk không phải là điều dễ ! Nhưng đối với ê kíp của BS Điền, BS Phong không những thường xuyên gặp gỡ, mà hàng ngày còn tự tay pha chè xanh mang vào BV cho BS Điền, cuối tuần vào vai tài xế mời BS Điền đi ăn sáng. Thậm chí BS Phong còn gọi BS Điền - nhân viên kém tuổi hơn một giáp bằng thầy. Chuyện quá lạ ở đây!
Chưa hết: Những năm gần đây, BVĐK Đắk Lắk luôn trong tình trạng quá tải, chật chội, không thể cơi nới. Giải pháp là khi BVĐK Tây Nguyên tổng đầu tư hơn một nghìn tỷ xây xong sẽ chuyển hầu hết dàn nhân sự và số khoa phòng BV cũ này sang đó, giấc mơ chưa biết bao giờ thành hiện thực, vì BVĐK Tây Nguyên xây dang dở mãi chưa xong. Vậy mà khi biết tin ê kíp của BS Điền lên Đắk Lắk, lãnh đạo BV lập tức cắt hẳn 1 tầng của khoa “Điều trị theo yêu cầu” để lập khoa mới. Thậm chí, một người bạn học thời sinh viên của BS Điền ở bản địa còn mua hẳn một căn nhà để thầy trò BS Điền “an cư lạc nghiệp”. Chuyện cứ như bịa!
Cứu tinh của bệnh nhân tim mạch
Tôi hỏi BS Phong- Giám đốc BV thực hư về những điều lạ đó ông xác nhận: Họ nói đúng! Thầy Điền là một bậc chân tu, là tấm gương trong sáng mà khi soi vào đó, tôi tự thấy bản thân có nhiều điều phải xem lại mình! Nhìn BS Điền nghèo như thế, ít ai ngờ rằng khi lên Tây Nguyên, ngoài việc đưa một ê kíp là những thạc sĩ, bác sĩ nội trú giỏi từ Bệnh viện Đại học Y Dược Huế theo cùng, ông còn mang nhiều dụng cụ, vật tư trị giá tiền tỉ của mình đến hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân.
Nhờ có sự nhập cuộc của ê kíp này, Bộ Y tế đã vào thẩm định và ban hành quyết định cho phép BVĐK Đắk Lắk thực hiện gần 60 danh mục, hơn 50 loại kỹ thuật tuyến trung ương chủ yếu về can thiệp tim mạch. Lễ thành lập khoa Cấp cứu và Can thiệp Tim mạch được tổ chức trang trọng vào ngày 9/8/2016 tại BVĐK tỉnh. Hiện khoa có 14 cán bộ nhân viên, trong đó ê kíp 5 thầy trò BS Điền là hạt nhân chủ chốt.
Trước khi BS Điền đến Đắk Lắk, BV đã nhận được nhiều trang thiết bị kỹ thuật cao từ dự án ODA mà chưa có người sử dụng, trong đó có cả hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền hiện đại nhất cả nước, trị giá khoảng 50 tỷ đồng.
Khi tự tay mở những thùng máy nguyên đai nguyên kiện, BS Điền vui mừng tìm được kho báu. Thầy trò ông đã biến nhà kho chứa máy thành những căn phòng tinh tươm để triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu mà trước đây chỉ một số BV tuyến trung ương mới co. Đó là các kỹ thuật bậc cao như chụp và can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp tạm thời và vĩnh viễn, điều trị bệnh tim bẩm sinh, chụp và can thiệp các mạch máu ngoại biên… giúp giảm tỷ lệ tử vong, dân không phải lo chuyển viện.
Để gió cuốn đi...
Khi phóng viên đi tìm hiểu về BS Điền ông không muốn nói về mình, cũng không muốn ai ngợi ca những việc mình đã và đang âm thầm cống hiến. Nhưng dư luận vẫn ly kỳ đồn thổi, nhiều cán bộ trong ngành xúc động khi nói về ông-một tấm gương tỏa đức từ bi cho nghề Y vốn dĩ cao quý, mà gần đây quá nhiều nỗi phiền lòng. Tôi phải liên hệ với đồng hương, bè bạn gần xa của ông để chắp nối thông tin về vị bác sĩ chân tu này.
Sinh năm 1970 tại Huế, cha mất sớm, từ năm 4 tuổi cậu bé Nguyễn Văn Điền được mẹ gửi vào chùa. Triết lý nhà Phật thấm nhuần trong cậu học trò thông minh. Thời phổ thông Điền học chuyên toán trường Quốc học Huế. Sau khi tốt nghiệp cao cấp Phật học, đại học Y khoa, cao học Nội khoa, BS Điền tiếp tục được các sư thầy hỗ trợ sang BV Đại học Y khoa Quảng Tây - Trung Quốc, học chuyên sâu thêm 3 năm về can thiệp tim mạch.
Năm 2005 về nước, BS Điền vào Viện Tim TPHCM, BV Chợ Rẫy, ra BV Bạch Mai để thực tập, nâng cao tay nghề. Trước khi vào Đắk Lắk, ông vừa tham gia giảng dạy, vừa làm công tác chuyên môn tại khoa Cấp cứu và Can thiệp Tim mạch của trường Đại học Y Dược Huế. Ông vừa viết và xuất bản 2 đầu sách giá trị về chuyên môn. Báo chí nhiều lần đưa tin về những ca cực khó mà BS Điền trực tiếp điều trị thành công như: tăng huyết áp kháng trị do hẹp mạch thận, đặt coil cấp cứu trong trường hợp vỡ phình mạch não...
Tại BVĐK Đắk Lắk, thầy trò ông đã cứu sống nhiều ca bệnh nặng ngay ngày đầu ra mắt: Một bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đang choáng, nếu chuyển viện sẽ chết trên đường đi. Một linh mục đến từ Đắk Nông bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất, tính mạng mong manh. Rồi những ca tắc mạch gây hoại tử chi được thông mạch kịp thời, giúp người bệnh không bị cắt cụt chi. Những ca đột quỵ cận kề cái chết nửa đêm nhập viện… Chỉ trong hơn 1 tháng, thầy trò ông đã cứu được hơn 50 trường hợp bệnh tim mạch hiểm nghèo.
Ca mới nhất, ngày 15/9, lãnh đạo BVĐK Đắk Lắk xác nhận khoa Cấp cứu và Can thiệp Tim mạch lại vừa cứu sống một bệnh nhân rất đặc biệt. Giấy chứng minh nhân dân ghi rõ bệnh nhân Nguyễn Thị Khóa sinh năm 1916, vừa tròn 100 tuổi, sáng ngày 11/9 nhập viện trong tình trạng trụy mạch, ngưng tim, nhồi máu cơ tim cấp với bệnh sử suy thận mạn giai đoạn cuối, trước đó đã nằm chạy thận nhân tạo suốt 3 tháng ở BV Chợ Rẫy.
Trong lúc BS Điền công tác ngoại tỉnh chưa về, học trò ông là 2 BS trẻ Nguyễn Thiện Ái và Trương Công Minh đã bình tĩnh sốc điện ép tim ngoài lồng ngực, vừa bóp bóng nội khí quản vừa can thiệp đặt 2 stent thông tắc, xử lý chuẩn xác suốt 3 tiếng cứu sống bệnh nhân trong một phần nghìn tia hy vọng…
BS Nguyễn Thiện Ái (SN 1983) trưởng khoa Cấp cứu và Can thiệp Tim mạch BVĐK Đắk Lắk tâm sự: Thầy Điền bước ra từ cửa Phật, đã quen cực khổ và giàu tâm đức với ngành y. Suốt 4 năm cùng sống và làm việc bên thầy ở Huế, tụi em luôn thấy hạnh phúc. Về chuyên môn, thầy chỉ dạy chúng em đến nơi đến chốn, không giấu giếm điều chi. Về đạo đức, khó có thể theo thầy trọn vẹn vì em còn có vợ con và trách nhiệm với gia đình. Em ước mua một mảnh đất, cất nhà đón vợ lên Tây Nguyên ở luôn. Nếu có điều kiện thì cất cho thầy một căn nhà bên cạnh, thầy trò gắn bó với nhau mãi mãi... (* Tiền phong (trang 1))
Trẻ viêm đường hô hấp và viêm phổi tăng mạnh
Khoảng 1 tuần trở lại đây, tỷ lệ trẻ nhập viện vì viêm đường hô hấp, viêm phổi nặng gia tăng đáng kể tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư. Hiện nay trong số 135 trẻ điều trị nội trú vì viêm đường hô hấp có tới 70 trẻ phải thở oxy. BV đã phải bố trí thêm các đơn nguyên để điều trị.
Tình trạng cha mẹ không đủ khả năng phát hiện sớm bệnh viêm phổi khiến trẻ nhập viện khi bệnh đã quá nặng là khá phổ biến. Tại khoa Hô hấp, số lượng bệnh nhi nhập viện vì viêm phổi luôn chiếm tỷ lệ cao, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, tính trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 2.500- 3.000 bệnh nhi đến khám. Các bệnh trẻ thường mắc trong thời gian này là bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi ở trẻ nhỏ, tiêu hóa, sốt virus, sốt xuất huyết. Trong đó khoảng 15% là trẻ mắc các bệnh về hô hấp và viêm phổi. Đáng chú ý là những trẻ bị viêm đường hô hấp và viêm phổi đều diễn biến bệnh nặng hơn so với bình thường. Nguyên nhân là do đang vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa, ngày nóng, sáng sớm và đêm se se lạnh. Kiểu thời tiết này khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm nồng độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng lên khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp tăng lên trong thời gian gần đây. Đây là một loại virus nguy hiểm có khả năng làm cho trẻ bị viêm phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi tùy theo từng mức độ từ nhẹ đến nặng. Bệnh lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống. Năm nào cũng vậy, tháng 9 và tháng 10 là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp ở trẻ.
Diễn biến bệnh nhanh, nguy hiểm
Viêm phổi (còn gọi là viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ) là bệnh viêm các phế quản nhỏ, phế nang và các tổ chức quanh phế nang. Ở Việt Nam, trẻ viêm phế quản phổi chiếm 30-34% các trường hợp đến khám và điều trị tại BV. Tử vong do viêm phổi chiếm 75% trong các bệnh lý hô hấp. Bệnh viêm phế quản cũng hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là 3-6 tháng tuổi. PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, nguyên nhân của căn bệnh này là do virus hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm và adenovirus, chiếm 60-70% các trường hợp thường gặp. Ngoài ra, bệnh còn do vi khuẩn phế cầu, liên cầu, haemophilus, tụ cầu và các vi khuẩn không điển hình gây nên. Bệnh hay xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, đẻ non, thiếu cân, suy dinh dưỡng, còi xương, bị bệnh hô hấp mạn tính, sống trong môi trường ô nhiễm.
Viêm phổi ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh. Vì thế, với nhưng bệnh nhi ngoại trú, bác sĩ yêu cầu cha mẹ phải theo dõi sát diễn biến của trẻ, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh diễn biến bệnh cực kỳ nhanh. Với nhóm tuổi này, cha mẹ cần chú ý 3 dấu hiệu cơ bản để xác định tình trạng bệnh của bé, kịp thời đưa tới viện. Đó là theo dõi quá trình bú, khi bé ngủ và cách thở của bé. Cụ thể: trẻ sốt, hạ thân nhiệt (trẻ sơ sinh), mệt mỏi, kém ăn, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, ho (khan hoặc có đờm), khó thở. Nhịp thở nhanh so với lứa tuổi được coi là dấu hiệu chính và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi. Người lớn có thể theo dõi thêm cho con khi thấy biểu hiện co rút lõm ngực, cánh mũi phập phồng... cần đưa đến bệnh viện khám và xử lý kịp thời. (* Tiền phong (trang 2) )
Truy tìm người ngâm rau muống bào với hóa chất độc
Rau muống bào ngâm sulfat đồng có thể gây ngộ độc cấp tính. Do đó, hành vi này sẽ bị xử phạt vì vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Từ lời khai của người cung cấp hóa chất độc hại dùng ngâm rau muống bào, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục truy tìm những người đã sử dụng hóa chất nói trên”. Ông Dương Đức Trọng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP.HCM, cung cấp thông tin sáng 17-9.
Xác định được người bán hóa chất độc hại
Trước đó, đêm 7-9, Chi cục BVTV TP.HCM cùng cơ quan chức năng thanh tra đột xuất các hộ sản xuất rau muống bào trên địa bàn xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Đoàn kiểm tra phát hiện ba hộ Nguyễn Đức Thìn (ấp 6B), Nguyễn Văn Thư (ấp 6B) và Nguyễn Văn Giang (ấp 5) ngâm rau muống bào trong hóa chất màu xanh dương.
Làm việc với đoàn kiểm tra, cả ba hộ đều cho biết rau muống bào sau khi ngâm với hóa chất nói trên sẽ có màu xanh đẹp mắt, dễ bán.
Cơ quan chức năng lấy các mẫu rau muống bào đã ngâm và hóa chất màu xanh để xét nghiệm, đồng thời tiêu hủy 1.400 kg rau muống bào của cả ba hộ này.
“Ba hộ trên còn cho biết đã mua hóa chất màu xanh của bà Nguyễn Thị Tâm (cư ngụ tại phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM)” - bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm thuộc Chi cục BVTV TP.HCM, nói.
Biết độc nhưng vẫn xài
Tối 15-9, Chi cục BVTV TP.HCM cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra đột xuất nhà bà Tâm tại địa chỉ nói trên. Khi đến nơi, đoàn phát hiện nhà đối diện đang bào rau muống nên đã kiểm tra. Phát hiện người lạ, chủ nhà là bà Nguyễn Thị Sự nhanh tay đổ thau dung dịch màu xanh và chai nhựa cũng đựng dung dịch nói trên. Tuy nhiên, một thành viên trong đoàn kiểm tra đã kịp giữ lại chai nhựa còn sót lại một ít dung dịch.
Bị đoàn kiểm tra chất vấn, bà Sự cho biết đó là hóa chất không được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Bà Sự lúc thì nói hóa chất được người quen cho, lúc thì nói mua của một người mang tới tận nhà. Tuy nhiên, cuối cùng bà Sự chỉ nói đã mua hóa chất màu xanh của một người hiện sống ở quận Gò Vấp.
Sau đó, đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với bà Tâm. Bà này thừa nhận đã bán hóa chất màu xanh cho ba hộ sản xuất rau muống ở xã Bình Mỹ (Củ Chi). Bà Tâm khai hóa chất mua ở chợ Kim Biên (TP.HCM) nhưng không đưa ra được chứng từ, hóa đơn. Bà này cũng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hóa chất.
“Cơ quan chức năng tiếp tục yêu cầu bà Tâm cung cấp địa chỉ những nơi bà đã bán hóa chất màu xanh, sau đó sẽ tiến hành kiểm tra để kịp thời ngăn chặn rau muống độc hại bán ngoài thị trường” - bà Thoa cung cấp thông tin.
Bà Thoa nói thêm, sau khi có kết quả xét nghiệm, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định xử phạt ba hộ ở xã Bình Mỹ, bà Sự và bà Tâm. (* Pháp luật TPHCM (trang 13))
11 Bộ trưởng Y tế họp khẩn để đối phó với Zika
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika, chiều nay, 19-9, Bộ trưởng Bộ Y tế các nước Đông Nam Á đã họp khẩn trực tuyến để tìm cách hạn chế, ngăn chặn loại virus này lan rộng trong cộng đồng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến ngày 19-9, trên thế giới đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành của virus Zika. Tại Đông Nam Á, virus Zika đã lưu hành tại một số nước như Singapore, Thái Lan, Phillipines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam… Đặc biệt, tại Singapore, từ cuối tháng 8-2016 đến nay đã có 396 trường hợp nhiễm virus Zika.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế 11 nước Đông Nam Á cùng thống nhất, do sự đi lại giao lưu thuận lợi giữa các Quốc gia Đông Nam Á nên nguy cơ dịch zika tiếp tục lan rộng trong thời gian tới ở khu vực rất cao, nhất là sẽ xuất hiện thêm những người nhiễm bệnh từ vùng dịch trở về.
Hiện tại, chưa có nước nào trong khu vực khuyến cáo hạn chế hay cấm du lịch, đi lại để phòng zika song Bộ Y tế nhiều nước đang tiếp tục đẩy mạnh giám sát các hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch; đẩy mạnh giám sát Zika tại các cơ sở y tế, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nếu nghi ngờ.
Thông tin về tình hình dịch tại Việt Nam ở phiên họp, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế Việt Nam cho biết, đến nay, hệ thống y tế của Việt Nam đã xét nghiệm 2.672 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, thành. Trong đó, phát hiện 3 trường hợp nhiễm zika (1 trường hợp ở Khánh Hòa, 1 ở TP.HCM và 1 ở Phú Yên). Đây là 3 bệnh nhân không có tiền sử đi về từ vùng dịch, cho thấy Việt Nam đã lưu hành virus Zika trong cộng đồng.
Kết quả giải trình tự Gen cho thấy, mẫu virus của bệnh nhân tại Khánh Hòa có nguồn gốc châu Á và mẫu virus của bệnh nhân ở TP. Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ Châu Mỹ. Ngoài ra, có 3 trường là công dân nước ngoài ủ bệnh trong thời gian ở Việt Nam (1 công dân Úc, 1 công dân Đức và một người Đài Loan (Trung Quốc)). Theo nhận định của Bộ Y tế, trong thời gian tới Việt Nam có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới. (* An ninh Thủ đô (trang 2))
Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 6: “Bộ trưởng Y tế 10 nước ASEAN họp khẩn chống Zika”; Tuổi trẻ trang 2: “ASEAN phối hợp phòng chống vi rút Zika”
KHỬ ĐỘC THỰC PHẨM BẰNG MÁY SỤC OZONE: Chỉ là chiêu trò lừa người tiêu dùng!
Các nhà khoa học khẳng định máy sục ozone chỉ diệt được vi khuẩn, vi trùng chứ không thể nào khử được hoá chất độc hại có trong thực phẩm. Công dụng diệt khuẩn của loại máy này cũng chỉ nên dùng cho rau quả, không nên dùng cho thịt cá, thực phẩm. Tuy nhiên, những quảng cáo rầm rộ và thổi phồng sự thật của các công ty sản xuất và kinh doanh đã khiến nhiều người tiêu dùng bị rơi vào “bẫy”.
Ngày 19.9, sau khi có những thông tin trái chiều về tác dụng của máy sục ozone, Công ty CP đầu tư và ứng dụng công nghệ cao HCT - đơn vị chuyên sản xuất loại máy này đã mời các nhà khoa học vào cuộc để làm sáng tỏ việc có hay không tác hại của máy khử độc ozone đối với sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, cuộc họp báo của Cty HCT đã bị “vỡ trận” do độ vênh giữa ý kiến các nhà khoa học với những gì đã công bố và quảng cáo rầm rộ của công ty.
Không khử được thuốc trừ sâu, hóa chất
Không ít người khi xem các quảng cáo của nhà sản xuất về máy sục ozone đã tức tốc đi mua ngay một chiếc đặt vào gian bếp của nhà mình, tin tưởng đến mức “lạm dụng” máy sục ozone, bất kể thứ gì cũng cho vào sục, coi đó là chiếc máy “thần thánh”. Chị Quỳnh Hoa (Hà Nội) kể: “Mẹ tôi mua máy sục ozone về và cái gì cũng cho vào sục, từ thịt cá, rau củ quả đến đồ chơi của các cháu. Khi cho thịt vào thì máy sục lên toàn bọt, nước đục ngầu. Tôi cũng rất hoang mang, không biết là thịt bẩn đến mức như thế nào nữa”. Đó chỉ là một trong rất nhiều các ý kiến của người dân đang tin dùng máy sục ozone để khử độc.
Là “cha đẻ” của loại máy này, GS Nguyễn Hoàng Nghị - nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Máy ozone dùng để khử vi khuẩn do tính oxy hoá của khí ozone. Oxy hoá là quá trình oxy làm phá huỷ các chất ban đầu. Vi khuẩn hay các chất hữu cơ đều có thành phần chủ yếu từ 4 yếu tố C - H - O - N nên khả năng oxy hoá phá huỷ nó rất cao”.
GS Nghị cho rằng khi khử các chất này, vitamin và các chất hữu cơ ở thực phẩm rau củ quả không hề bị phá huỷ bởi khí ozone chỉ làm sạch bề mặt của thực phẩm. Để khí ozone phá huỷ được các chất dinh dưỡng thì phải cần rất nhiều thời gian thay vì 10 - 20 phút như hiện nay. Ông cho rằng người dân không nên sử dụng máy ozone để sục cho thịt tươi, chỉ nên dùng ozone để khử mùi cho thịt ôi, cá ươn để khử bớt mùi và chỉ sục khoảng 5 phút vì khử lâu miếng thịt sẽ không còn tốt.
Tại buổi họp báo, các giáo sư trong nước cũng chưa chắc chắn về khả năng diệt khuẩn và hóa chất lên đến hơn 99% của máy sục ozone. Thay vào đó, hầu hết các giáo sư, tiến sĩ đều khuyên người tiêu dùng trước tiên phải mua thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc.
Trong khi đó, TS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch Tổng hội thư ký dinh dưỡng Việt Nam cho rằng: “tất cả mọi người cần ăn sao cho lành. Không có thực phẩm nào xấu, chỉ có cách ăn không đúng. Ngày xưa chúng ta rửa rau sống bằng thuốc tím vì dùng phân hữu cơ. Sau này, để giải quyết vấn đề trứng giun sán ở rau sống thì khuyên nên rửa trực tiếp dưới vòi nước sạch. Theo tôi, nếu sục ozone trừ vi khuẩn cho rau quả an toàn thì nên làm, còn sục ozone để khử hoá chất vẫn là dấu hỏi”.
GS-TSKH Trần Vĩnh Diệu - Nhà giáo Nhân dân - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học TP. Hà Nội nhấn mạnh, về nguyên lý thì ozone có thể khử được các chất hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, song muốn khử được thì lại phải sử dụng liều lượng ozone cao nên nếu các máy ozone quảng cáo, vì thế không nên đặt vấn đề rằng máy khử khuẩn ozone có thể khử được các chất này.
Tuy nhiên, khác với những gì mà vị “cha đẻ” của loại máy này cùng các nhà khoa học khẳng định, trên các quảng cáo của sản phẩm máy sục ozone đều quảng cáo tiêu diệt 99,9% hoá chất, vi khuẩn và nhiều thứ khác.
Quảng cáo “thổi phồng”, người tiêu dùng bị lừa
Quảng cáo trên trang web chính thức (http://bkozone.vn/May-ozone-Bach-Khoa.html) của công ty này nêu rõ: “Lợi ích bất ngờ từ máy ozone của Đại học Bách khoa: Khử tới 99,5% dư lượng hormone tăng trưởng và chất bảo quản trong thịt, cá. Khử dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả. Loại bỏ các chất bảo quản chống ẩm mốc trong gạo; Xử lý khử khuẩn nước, loại bỏ mùi hôi các chất độc trong nước. Diệt virus, vi khuẩn, vi sinh trùng, tế bào nấm mốc đến 99,6%; Tiệt trùng đồ vật đặc biệt đồ của trẻ nhỏ; khử mùi hôi không khí ở nhà vệ sinh, bếp ăn, phòng khách,... Phòng tránh các bệnh ung thư, ngộ độc thực phẩm”.
Khi hỏi vì sao Cty lại quảng cáo như thế này, đại diện của Cty HCT chỉ đưa ra được các văn bản test thử do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chứng nhận máy khử trùng ozone có khả năng tiêu diệt các vi sinh, vi khuẩn có trong cá, rau, thịt và test thử do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thì đơn vị này mới chỉ test thử ba chất Cypermethrin, permethirin, deltamethrin là ba hoạt chất có trong thuốc trừ sâu với hiệu suất phân huỷ là trên 90%. Tuy nhiên, các test thử này thực hiện trong môi trường thử như thế nào thì không ai biết.
Đại diện của Công ty HCT cũng không trả lời được quảng cáo máy ozone của họ tiêu diệt được 99% hoá chất, vi khuẩn mà họ chỉ đưa ra được chứng nhận diệt vi khuẩn do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế. Còn khử hoá chất chỉ là khử ở trong nước sinh hoạt với hoá chất deltamethrin được nạp mẫu vào trong mẫu nước trắng và cho vào sục ozone trong 30 phút đã loại bỏ được deltamethrin tới 95,6%. Ngoài ra, Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế cũng chỉ có kết quả thử khả năng diệt khuẩn coliform trong rau, quả thịt, cá thông qua việc sục khí.
Về việc đơn vị này dám khẳng định máy ozone khử được 99,9% hoá chất, chất tăng trọng, trong khi mỗi năm, có hơn 1.600 hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật được nhập khẩu về Việt Nam thì đại diện Cty HCT chưa trả lời được.
Máy BKzone còn được quảng cáo có công suất lớn (800mg/h) có thể diệt cả vi khuẩn và hóa chất trên rau và thịt cùng lúc. Nhưng khi hỏi về công suất này có tạo ra nồng độ ozone cao ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng hay không, đại diện Cy HCT cũng không trả lời được rõ ràng. (* Lao động (trang 1))